Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

VĨNH BIỆT VƯỜN DÂU


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
Nguyễn Du

...Vườn dâu sau này đổi chủ. Người mới về đốn sạch dâu cất lên một dãy lều trại rất rộng để nuôi một bầy la – con vật không phải lừa cũng không phải ngựa, có sức kéo bền bĩ và dễ điều khiển. Người đời sau đi qua không ai có thể biết được nơi đây đã từng có một tình yêu trong sáng, cao thượng tuyệt vời. Mối tình ấy tan vỡ mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết nỗi đoạn trường.

Ngày ấy có một chàng phong lưu tài tử, gia đình giàu có lại văn hay chữ đẹp. Chàng yêu thích nếp sống tự do phóng khoáng nên không cố ý học để thi đỗ làm quan. Chàng chỉ làm thơ phú khi cao hứng, những lúc trà dư tửu hậu với bằng hữu – những bài thơ ngông nghênh bất cần đời, không thích gò bó, kiêng cữ huý kỵ. Bạn chàng đông lắm, giàu nghèo đủ cả. Với những người nghèo chàng để tâm giúp đỡ cho họ ăn học, nhiều người thành đạt nên quan. Chứng kiến hạnh phúc vinh quy bái tổ của họ chàng cũng vui lây vì mình góp phần trong sự thành đạt của họ. Nhưng mỗi người có một cách nghĩ về hạnh phúc. Hạnh phúc của người này vẫn có thể không đối với người khác. Áo mão cân đai là mơ ước cháy lòng, là mục đích tối thượng một đời của nho sinh nhưng cũng có thể là gông cùm với một số người nào đó. Trong thiên hạ vẫn tồn tại quan điểm:
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi.  
Đó là chàng Lưu Bình. Sinh cùng thời với Cao Bá Quát, tuy chưa có dịp diện kiến nhà thơ lần nào nhưng những bài thơ phú của họ Cao lưu truyền trong giới văn chương làm Lưu Bình rất ngưỡng vọng. Lưu Bình nghĩ kẻ sĩ trước hết phải là người có nhân cách biết sống thẳng, không sống quỳ, không dối lòng, dối người; sau đó mới là tài năng.
Thời buổi ấy xã hội đầy nhiễu nhương. Vua điều hành đất nước thiếu tài đức dẫn đến nhiều sai lầm khiến lòng dân oán thán. Nhiều cuộc nổi loạn dấy lên đó đây. Dân chúng lầm than đói khổ mà vua thích làm thơ, đẽo gọt trau chuốt những vần thơ óng mượt và lấy làm tự hào là tác giả. Lúc tại vị chưa làm gì cho dân bớt khổ mà chăm lo xây cất lăng tẩm, dùng tiền của, sức lực dân chúng phục vụ cho việc chôn cất khi chết đi. Sản sinh ca dao rằng:
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính hào đào máu dân. 
Những sĩ phu yêu nước trong lòng ai cũng quan hoài trước vận nước suy vi, người ta vẫn ngầm hiểu cái điều mỉa mai, khôi hài mỗi khi tung hô “Thánh hoàng vạn tuế”. Tự cổ chí kim làm gì có vị vua nào đạt được vạn tuế, mà trong lịch sử không hiếm vị vua chỉ ở ngôi một thời gian ngắn hoặc vài ngày thôi cũng đủ đem đến bao bất hạnh khôn lường cho dân tộc. Nhưng nghiệt ngã thay vua nào cũng thích bàn dân thiên hạ tung hô Thánh thượng vạn tuế.
Lưu Bình còn nghe chuyện về vua Tự Đức vắt óc bao ngày làm nên hai câu thơ rồi cho rằng nó tuyệt vời như của thánh thần ban cho trong chiêm bao, bèn triệu tập các quan văn trong triều đọc cho nghe:
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Nghe xong họ Cao bèn đọc nguyên cả bài, trong đó có hai câu của vua rồi bảo rằng bài ấy người ta ru em có lâu lắm rồi.
Vua bẽ bàng, căm hận. Biết tỏng Cao Bá Quát chơi khăm mình nhưng không có cách buộc tội. Điều ấy góp một phần nhỏ đẩy đến cái chết của họ Cao sau này.
Lưu Bình còn nhớ như in lúc ban đầu gặp Dương Lễ. Một người gầy gò xanh xao, rách bươm nằm thoi thóp trong quán trọ bên đường. Hỏi ra mới biết anh học trò nghèo cha mẹ mất sớm, học hành dở dang lại không một đồng dính túi. Tài sản duy nhất là cái chòi tranh bên trong thờ song thân. Mấy ngày qua Dương Lễ chỉ uống nước lã nằm thiêm thiếp mơ giấc mơ thành kẻ sĩ, không công danh thà nát với cỏ cây (1).
Hiểu được hoàn cảnh của Dương Lễ, Lưu Bình lấy làm thương cảm rồi mời về nhà nuôi cho ăn học. Gặp cơ hội tốt Dương Lễ miệt mài đèn sách ngày đêm không quản bản thân, chàng học rất giỏi. Đó là người trời sinh ra cho khuôn mẫu từ chương. Từ những điển tích điển cố, niêm luật khắc khe của thơ phú cho đến huý kỵ trường thi chàng đều nằm lòng. Thấy Lưu Bình không mặn mà với khoa cữ, nhiều lúc Dương Lễ có ý nhắc nhở nhưng Lưu Bình để ngoài tai với thái độ cười cười. Lưu Bình tôn trọng chí hướng và con đường của Dương Lễ. Chàng nghĩ rằng loài chim tung tăng ngoài đồng nội có tiếng hát tuyệt vời, nhưng cũng có loài chim chỉ hót và sống được trong lồng mà thôi. Nếu ai tháo cũi sổ lồng thì nó sẽ không biết phải sống như thế nào, đi đâu về đâu.
Ở nhà Lưu Bình một thời gian, Dương Lễ dần dần phục hồi được sức lực. Cái dáng cao dong dỏng gầy tong teo được bồi bổ, đắp thêm da thịt trở nên mỡ màng đầy khí sắc, ra dáng một nho sinh có ngoại hình đẹp, cân đối. Đặc biệt Dương Lễ có giọng bình văn trầm ấm thu hút người nghe. Nhiều bài thơ xoàng xĩnh nhưng qua giọng ngâm Dương Lễ  nó có sức hấp dẫn và như được nâng lên. Dương Lễ đã từng nói với Lưu Bình:
- Nghĩa cử của Lưu huynh, đệ xin khắc cốt ghi tâm. Mai sau nếu đạt được công danh thì nghĩa tình huynh đệ chúng ta không bao giờ phai nhạt, chỉ có thắt chặt thêm mà thôi. Thề có trời đất chứng giám.
Lưu Bình xưa nay chưa từng mở miệng thề thốt một điều gì. Việc cần làm là làm. Muốn giúp ai thì hết lòng hết dạ. Hứa với ai dù điều nhỏ nhặt cũng cố giữ lời. Chàng trong sáng thật thà và cả tin như một đứa trẻ. Nghe Dương Lễ thề chàng bỗng dưng bối rối rồi ngại ngùng như chính chàng làm điều gì đó đáng ngượng.
Ngày dài tháng rộng trôi đi cũng đến kỳ khoa thi mở, cơ hội cho những người bấy lâu sôi kinh nấu sử. Dương Lễ chuẩn bị lên đường. Thân phụ chàng cho Dương Lễ một số bạc, một số lương thực, vật dụng, thuốc men, lều chõng và một tiểu đồng.
Trong lúc đó Lưu Bình cỡi một con bò vàng đi với vài cô đầu, dạo cảnh ngâm thơ hát xướng. Có vẻ như chàng tiêu dao tuế nguyệt nhưng thật ra chàng muốn quên đi nỗi đau tê tái mà tin được loan đi khắp cùng thiên hạ: Cao Bá Quát – tên phản tặc đã bị hành hình. Thế là một thiên tài – một nhân cách đáng trọng đã bị bàn tay thô bạo của triều đình tiêu diệt. Để diệt trừ hậu hoạ vua còn cẩn thận chặt đầu ba họ (tru di tam tộc) của thiên tài ấy. Vua sợ những con người như họ Cao sẽ làm rung rinh ngai vàng hơn là sự tồn vong, an nguy của trăm họ. Lưu Bình cay đắng nói một mình:
- Một người có tham vọng tồn tại đến vạn tuế để làm những việc thế kia sao?
Trong cơn say ngất ngưởng tưng bừng đàn sáo phách sênh, Lưu Bình hát để nhớ người, như một nén nhang lòng vọng tưởng một thiên tài bạc mệnh:
……..
Xuân nhật bất giăng sương lộp bộp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.
Anh kép ôm đàn đáy giật mình hỏi: Người hát bài ở đâu lạ quá vậy?
Lưu Bình điềm nhiên: Ờ thì đó là bài hát dân gian mấy bà già vẫn hát ru cháu ngủ đó mà.
Thấy anh kép vẫn còn hoang mang, Lưu Bình hát tiếp: Bút ta tuy cùn chừ tim không cùn / Nghiên ta tuy vỡ chừ tim không vỡ / Ta tuy sinh tử chừ xuống âm cung / Bút ta chấm mực chừ pha máu hận / Lưu lại dăm dòng chừ cho thế nhân.
Anh kép đảo mắt nhìn bốn phương nói thật khẽ:
- Công tử ơi, người hát bài gì vậy? Sao không hát bài Hồng hồng Tuyết tuyết…
Lưu Bình cười kha khả:
- Mi không biết bài này sao? Nó xưa lắm, có từ thời Tần Thuỷ Hoàng chôn sống học trò, đốt sách.- Lưu Bình lại cười vang hơn, hai hàng nước mắt tuôn trào không cách gì ngăn được.
“Một người khổ dạng trâm anh, nết na Chương Phủ. Miệng hơi sữa, tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tân Vương. Tưởng đến khi danh lợi đã xem thường. Tài bay nhảy ngại gì lao khổ…”(2)
Người ấy đã không thể sống được trên đất nước có vị vua thích được tung hô vạn tuế.
*
*     *
Cái tin Dương Lễ đỗ cao ở khoa thi như là sự tất yếu không làm ai ngạc nhiên nhưng nó làm vui bao người từng là bạn đồng môn thân thiết. Cũng phải, có công mài sắt có ngày nên kim. Lưu Bình âm thầm mừng cho bạn và tưởng tượng ra cảnh Dương Lễ vinh quy bái tổ rồi nhậm chức quan của triều đình… Chắc là đang thoả lòng trong cảnh phong hầu khanh tướng. Vậy thôi, kẻ sĩ nhập thế hành đạo phải đi con đường ấy. Phản loạn làm chi để nhận lấy hậu quả bi thương như họ Cao.
Sau đó Lưu Bình bớt say sưa ngất ngưởng với đàn sáo mà để tâm vào chăm lo sức khoẻ cho song thân. Hai người già đau bệnh liên miên, tốn nhiều tiền cho thuốc thang chạy chữa. Mà những năm ấy liên tiếp hạn hán mất mùa. Bấy giờ Lưu Bình mới vỡ ra một điều đáng sợ: tiền bạc, của cải trong nhà đã cạn kiệt. Trước kia tiêu xài hào phóng chàng nào dự trù cho một ngày vơi cạn, những của cải cho đi mà không tính toán, không cần lấy lại. Chàng cho tất cả gia nhân nghỉ việc về quê. Chôn cất song thân rồi Lưu Bình lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Những người chàng cưu mang giúp đỡ xưa kia giờ vắng bóng dù nhiều người trở nên thành đạt, giàu có. Chàng cắt ruộng bán đi để trừ nợ chỉ còn ngôi nhà thờ đóng kín cửa, thềm nhà xanh sắc rêu không dấu chân bằng hữu.
*
*    *
Rời nhà Dương Lễ ra đi, đường chiều vắng ngắt, Lưu Bình không biết phải đi đâu. Mỏi mệt rã rời, chàng ngồi ở quán nước gốc đa. Những tưởng gặp lại “người cũ” sẽ được đón tiếp ân cần. Không phải nghe tin bạn nên quan mà kéo đến bám víu nhờ vã, thực lòng rằng Lưu Bình đang rất cô đơn, chống chếnh chàng muốn đến bạn tâm tình, chuyện vãn một đôi bữa rồi tìm đường sinh kế. Vào luồn ra cúi của cái kiếp phong hầu chàng còn không màng huống hồ ăn bám vào người đang đường hoàng áo mão cân đai. Điều chàng không bao giờ ngờ là Dương Lễ lánh mặt không tiếp còn sai quân hầu dọn bữa cơm hẩm với cà thâm. Chàng đành lẳng lặng ra đi vĩnh biệt một tình bạn.
Giữa lúc ấy Châu Long xuất hiện. Người con gái đẹp, dịu dàng, nhìn qua nhân dáng biết nàng thuộc tầng lớp khá giả, con nhà nề nếp.
Hai người quen nhau. Lưu Bình kể cho Châu Long nghe nỗi đau thế thái nhân tình mà mình vừa trải qua. Châu Long lắng nghe và thấu hiểu. Nàng an ủi:
- Người ta có công danh, có địa vị tỏ thái độ khinh bạc. Chàng kém cạnh chi ai, nếu ra sức dồi mài kinh sử ắt có công danh sự nghiệp.
Lưu Bình thở dài:
- Ta bây giờ trắng tay, cơ hội để học hành đỗ đạt xa vời lắm.
Châu Long ân cần:
- Nếu chàng không chê thì thiếp nguyện kết nghĩa đá vàng, đứng ra nuôi chàng ăn học. Thiếp mồ côi cha mẹ nhưng cũng dành dụm được số vốn có thể tậu một mảnh vườn nho nhỏ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Việc ấy thiếp làm từ nhỏ.
Lưu Bình còn chần chừ, không nói gì. Châu Long tiếp:
- Xin chàng đừng ngần ngại, cứ chuyên tâm việc đèn sách. Ngày kia công danh hiển đạt ta sẽ chung hưởng cảnh vinh hoa. Nhưng với điều kiện, bao giờ chàng thi đỗ mới nên nghĩa vợ chồng. Còn thì… ta là bạn tốt với nhau.
Sau đó Châu Long mua một miếng đất có trồng dâu sẵn và một ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn, họ thuê một người bõ già để phụ việc tằm tơ. Người bõ già nghễnh ngãng lại nói ngọng, siêng năng việc nhà nhưng nằm xuống là ngủ say như chết.
Lưu Bình chấp nhận lời Châu Long vì chàng không còn con đường nào khác. Đôi lúc chàng ngạc nhiên tự hỏi sao trên đời có người phụ nữ đẹp, nết na đoan chánh ngần này lại đem lòng yêu thương, thề ước với một người nghèo khổ trắng tay. Sao nàng dám tin vào ngày mai thành đạt như thế. Tự hỏi cũng chỉ tự trả lời. Thế gian có đủ hạng người, tốt xấu, phản trắc, chung tình… Có ma và có Phật.
*
*   *
Ngày tháng dần trôi. Hàng ngày việc ai người ấy làm. Lưu Bình chỉ có việc duy nhất là sách đèn. Chàng học hết ngày dài tới đêm thâu. Chàng học vì Châu Long. Một ngày mai thành đạt trên đường hoạn lộ cũng vì Châu Long. Dần dần Lưu Bình nhận ra chàng yêu Châu Long vô cùng. Một mối tình cao thượng và trong sáng. Châu Long – người con gái đầu tiên trong đời làm trái tim chàng rung động; nhìn vào gương mặt phúc hậu ấy chàng luôn có những ý nghĩ thánh thiện. Là người đã từng giàu sang có biết bao cô gái đã đi qua đời chàng nhưng trái tim chàng vẫn nguội lạnh.
Châu Long đã nói với chàng là mơ có tấm chồng thành đạt. Vì điều đó chàng cố tìm được công danh làm món quà dâng tặng Châu Long. Vì điều đó Lưu Bình đã viết nên những bài thơ, phú ca ngợi ân cao đức dày của đấng Cửu Trùng (dù thâm tâm chàng không nghĩ thế và đôi lúc còn tự giễu mình). Quan trọng nhất là thuộc lòng những huý kỵ mà xưa kia chàng chán ghét không thèm thi cử. Vì điều đó Lưu Bình đã tự cắt xén bớt những ý nghĩ ngông nghênh phạm thượng,  gọt giũa, thu nhỏ mình lại cho vừa vặn khuôn sáo trường qui. Thi phú của chàng minh định rõ là một người được tu dưỡng trong khuôn thước cửa Khổng sân Trình; một nho sĩ răm rắp vâng mệnh lệnh bề trên. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Đó là con đường duy nhất để tiến đến hàng ngũ quan lại triều đình. Nghiễm nhiên ngày ấy sẽ có nhau.
Tình yêu cao thượng ấy đến mức khó tin với bất cứ ai, kể cả những bậc thường được người đời mệnh danh là quân tử. Một phụ nữ đẹp, trẻ trung; một chàng trai khoẻ mạnh, hào hoa sống gần nhau suốt nhiều năm thì người đời vẫn nói rằng nam nữ thọ thọ bất thân hoặc lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy. Mối tình ấy có thể làm ngỡ ngàng đấng Adong và Eva. Nhưng chỉ có họ thầm hiểu với nhau mà không cần bất cứ ai khác.
Châu Long thường thức rất khuya bên khung cửi, cần cù cố gắng từng chút một. Bên thư phòng của Lưu Bình vẫn còn sáng đèn, nàng thức để tiếp thêm động lực cho chàng học hành nhưng cái lớn nhất là Châu Long muốn tận dụng thời gian được ở gần Lưu Bình. Nàng nhói lòng nghĩ đến chắc chắn sẽ có một ngày tình yêu đích thực của nàng sẽ vuột khỏi tầm tay, sẽ chia ly, sẽ không bao giờ còn được hưởng cái hạnh phúc trong veo ngọt ngào ấy nữa. Bởi thế nàng kéo dài thời gian được săn sóc, được nhìn ngắm người yêu bằng cách cắt giảm giấc ngủ đến mức tối đa. Cái bóng dáng cao dong dỏng, từng bước thong dong, chàng vừa đi vừa đọc sách trên lối mòn râm mát làm cho vườn dâu như bừng lên sức sống. Chàng ngồi thừ ngẫm ngợi hay gò mình bên án thư nắn nót từng nét chữ với nàng đều rất đáng yêu.
Khi ngủ khuôn mặt Lưu Bình như dãn ra, những suy tư tạm lắng, chỉ đọng lại nét đẹp thanh thoát thu hút đến mê hồn. Nhiều lần Châu Long đứng ngắm nhìn Lưu Bình ngủ, nhìn nghiêng, nhìn thẳng, nhìn mọi góc cạnh, mọi tư thế đều đẹp và cũng nhiều lần Châu Long muốn đặt một nụ hôn lên khuôn mặt thân yêu ấy. Nhưng rồi thay vào đó nàng lấy tấm chăn nhẹ nhàng phủ lên người chàng.
Lần ấy gà đã gáy sang canh, Châu Long chuẩn bị đi nằm, thoáng nhìn sang thư phòng thấy đèn vẫn sáng, Lưu Bình tựa người vào song cửa ngủ quên, quyển sách vẫn nắm chặt trong tay. Nàng không bao giờ có ý định đánh thức Lưu Bình, thậm chí không dám thở mạnh. Châu Long không khỏi rùng mình nhớ đến cái ăn, giấc ngủ và ngoại hình của Dương Lễ - người mà nàng gọi chính danh là chồng.
Tựa cửa ngủ quên, nhưng qua cái dáng uể oải, trễ tràng của bờ vai rộng, khuôn mặt vuông chữ điền được hắt rọi một phần ánh sáng đèn, một phần ánh sáng trăng hạ huyền… nó có sức thu hút Châu Long đứng sát bên để ngắm nhìn. Lưu Bình ngủ đẹp quá! Sống mũi cao đổ dài xuống cái nhân trung sâu. Rồi vầng trán rộng, phẳng in đậm hai nét chân mày ngang như nét mực tàu vẽ khéo. Cũng vầng trán ấy váng vất nét phiêu bồng pha một chút ngang tàng và chất chứa sự thông minh. Và chàng có cái miệng rộng, hai hàm răng khin khít mà tướng số vẫn bảo “đàn ông miệng rộng thì sang…”.
Bất chợt Lưu Bình mở mắt ra, đôi mắt sáng ngời không có vẻ gì vừa trải qua cơn mộng mị. Chàng cầm tay Châu Long lo lắng ân cần:
- Khuya lắm rồi sao nàng không ngủ.
Câu hỏi vừa mang ý trách móc nhưng nó hàm chứa sự ngọt dịu vô vàn. Hỏi để mà hỏi thế thôi. Chàng vẫn biết Châu Long cần mẫn sớm khuya hàng ngày, hàng năm như thế.
Châu Long để yên trong tay Lưu Bình. Im lặng. Bàn tay thư sinh trắng trẻo với những ngón thon dài, những lóng đốt suôn thon mân mê bàn tay Châu Long từng nốt chai nhỏ. Không cần phải nói gì, họ vẫn hiểu bằng ngôn ngữ của hai bàn tay. Thời gian tưởng như ngừng trôi trong thinh lặng.
Gà gáy canh ba. Gian nhà sau người bõ già đã thức dậy cầm con dao thái lá dâu, thái từng nhát soàn soạt, soàn soạt.
*
*   *
Khoa thi năm ấy Lưu Bình thi đỗ và đỗ rất cao.
*
*    *
Trăng lên cao sáng loà rực rỡ. Trăng nhuộm vẻ mờ ảo lên ngôi nhà gỗ. Trăng tràn qua vườn dâu ướt đầm sương đêm lạnh lẽo. Châu Long một mình ngồi bên thềm, nơi hàng ngày, hàng đêm nàng vẫn ngồi suốt bao năm qua để dệt lụa. Bây giờ nàng sắp phải rời khỏi nơi đây, giã từ chốn thân yêu này. Không, phải nói là vĩnh biệt thì đúng hơn. Nàng không có quyền ở lại đây thêm một ngày nào nữa. Không bao giờ còn cảnh bên anh đọc sách bên nàng quay tơ. Lưu Bình thi đỗ đồng nghĩa với việc nàng đã hoàn tất sứ mệnh được giao. Giờ phút chấm hết đã đến. Phải chi Lưu Bình thi trượt thì nàng còn có cớ nấn ná ở lại một thời gian nữa, tiếp tục nuôi chàng ăn học chờ khoa thi sau – Đó là Châu Long nghĩ vậy chứ chưa được lệnh của Dương Lễ.
Kịch bản do Dương Lễ dàn dựng đã được Châu Long thực hiện thành công xuất sắc. Kịch bản cho phép nàng chung sống một nhà với Lưu Bình, động viên an ủi chàng học hành, lo toan cái ăn cái mặc với tư cách là vị hôn thê. Vậy thôi. Nàng không được phép đi xa hơn. Nàng luôn nhủ lòng như thế dù trái tim nàng nói rằng Lưu Bình là người tình tuyệt vời, là người duy nhất nàng có thể yêu. Viễn vông là vậy để mang lấy nỗi buồn của mối tình tuyệt vọng. Số nợ lớn mà Dương Lễ bỏ ra luôn nhắc nhở nàng vị trí số ba trong bộ sưu tập đàn bà đẹp của nhà quan.
Châu Long nghĩ đến một ngày Lưu Bình sẽ về, sẽ vỡ oà ra lời hẹn thề dối trá từ phía Châu Long. Chắc Lưu Bình sẽ buồn, sẽ oán trách nàng nhưng niềm vui được công danh có thể lấn át. Đàn ông ai chẳng thích tiền và quyền. Có tiền và quyền trong tay sẽ có được nhiều thứ.
Chỉ có nàng, nàng buồn thê thiết cho thân phận. Mình chỉ là con cờ, là phương tiện để Dương Lễ thực hiện cuộc báo ân bè bạn, một sự đổi chác có đi có lại của người được mệnh danh là quân tử. Mình làm gì có quyền từ chối hay làm khác đi những gì Dương Lễ giao phó. Mà cả cuộc đời Châu Long từ bé đến giờ có bao giờ được chọn lựa hoặc sống cho riêng mình. Sinh trưởng trong gia đình làm nghề chăn tằm dệt lụa, khi biết ngồi vào khung cửi dệt lụa, cuộc đời nàng đã gắn vào đó. Bàn tay khéo léo của nàng dệt nên những tấm lụa đẹp, tinh xảo làm trang phục cho người giàu sang quyền quý. Riêng nàng vẫn phục sức bằng áo nâu vải thô. Tuy nhiên càng đơn sơ mộc mạc bao nhiêu thì nhan sắc nàng càng lộng lẫy, rực rỡ bấy nhiêu. Cái sắc đẹp mặn mà trời cho ở cái tuổi mười bảy cộng với cái duyên ngầm làm não lòng những trai tráng quê mùa và ngất ngây những bậc công tử quanh vùng.
Gia đình Châu Long ở mức bình dân, nhờ nghề dệt lụa khéo nên có dư giả chút đỉnh. Thân phụ nàng là ông đồ dạy học. Cả nhà dè sẻn, dành dụm nuôi người anh trai theo nghiệp khoa cử. Mơ ước bình dị của đấng sinh thành là mai sau nàng lấy được tấm chồng tử tế, dù giàu nghèo thế nào đi nữa nàng cũng có được nghề dệt lụa nuôi thân. Còn người anh trai cố công học hành sẽ đỗ đạt nên quan, nếu không thì cũng làm thầy - “Tiến vi quan, đạt vi sư”, cha mẹ có thể nương tựa tuổi già.
Năm ấy triều đình mở khoa thi, người anh cũng lều chõng cùng tiểu đồng lên kinh đô ứng thí. Kết quả thi đã được công bố, bảng vàng nêu tên những sĩ tử văn hay chữ tốt hơn người. Mãi không thấy người anh về. Cả nhà hoang mang lo sợ. Thi hỏng là chắc rồi, nhưng dù sao cũng phải về nhà chứ. Cho đến một hôm, tin về tận nhà cho hay người anh trai đã bị bắt giam trong ngục vì làm bài thi phạm quy. Không biết thơ phú chữ nghĩa thế nào mà ban khảo thí kết luận là có ý không tôn trọng vua. Xét mức độ chưa phải có ý phản nghịch nên bị giam giữ một năm và nộp phạt bốn trăm quan tiền. Thân phụ nàng ngữa mặt kêu trời. Đã không vinh quy bái tổ thì thôi, ai ngờ sa vào chỗ khốn cùng. Nếu bán hết gia tài sự nghiệp thì may mắn lắm được hai trăm quan. Còn hai trăm quan biết đào đâu ra?
Sắc đẹp của Châu Long từ lâu đã nổi tiếng đến tai Dương Lễ lúc này đang là quan tri phủ. Dù đã đuề huề hai vợ nhưng Dương Lễ vẫn mơ được đón Châu Long về kết nghĩa tào khang. Dương Lễ biết có nhiều cô gái đẹp, nghèo nhưng có lòng tự trọng, thích một vợ một chồng chứ không mặn mà cảnh chồng chung vợ chạ. Thầm mơ Châu Long, ngại nàng từ chối nên Dương Lễ không dám cho người ngỏ ý. Trước cơn gia biến của gia đình Châu Long, Dương Lễ nắm ngay cơ hội, chàng nhũn nhặn đề nghị với song thân nàng được cưới nàng làm thiếp và sẽ đứng ra nộp trọn số tiền phạt cho người anh trai. Gia đình có thể yên tâm không phải bán nhà.
Từ biệt song thân, từ biệt khung cửi để về nhà Dương Lễ, Châu Long mừng vì cứu nguy gia đình nhưng nàng ngậm ngùi với ý nghĩ: Trước đây mình dệt nên những tấm lụa đẹp bán cho mọi người, giờ đến lượt cái thân mình cũng được định giá bán đi như những tấm lụa kia. Nàng phó mặc số phận mình mà không được chọn lựa.
Dương Lễ đối xử tốt với Châu Long, xây cho nàng một phòng liền kề phòng của hai bà vợ lớn. Nàng được ăn ngon mặc đẹp, không phải làm lụng vất vả. Nhưng bản tính chuyên cần, không thích ở không, nàng bày ra thêu thùa. Đường kim mũi chỉ cho đến cách phối màu… nhìn vào ai cũng khen là tuyệt xảo. Châu Long chỉ thêu áo cho người nhà. Áo, mão, hài cho Dương Lễ, áo cho hai bà lớn, rồi bày cho những người hầu gái tự thêu áo mình.
Dương Lễ không ngăn cản mà còn tự hào về sự chuyên cần khéo tay của nàng. Những hình thêu rồng bay phượng múa, hoa văn góp phần trang trí cho trang phục chàng đẹp thêm lên, cũng như sự có mặt của nàng trong đội ngũ thê thiếp có tác dụng trang trí cho thân thế, cho sự thành đạt của nhà quan.
Ngày tháng sống với Dương Lễ trôi đi trong đơn điệu buồn tẻ nếu không có sự kiện mới. Chỉ trong năm năm Dương Lễ cưới thêm bốn người thiếp nữa và dãy nhà được nối thêm bốn phòng. Đặc biệt người nào cũng trẻ đẹp. Hai bà lớn thì nội trợ rất giỏi, điều hành việc bếp núc cho những bữa ăn ngon, cầu kỳ, những bữa tiệc sang trọng cho khách khứa. Ngoài Châu Long ra bốn người sau đàn ca múa hát rất giỏi để giúp Dương Lễ giải trí sau những giờ làm việc ở công đường.
Dương Lễ ngủ ở mỗi phòng một đêm, nên rất công bằng, không lời ra tiếng vào. Như một thói quen, một hành vi cố định, mỗi lần bước vào phòng, Dương Lễ cởi áo ra và yêu cầu Châu Long đấm bóp vào cơ thể nung núc thịt mỡ. Cứ mỗi ngày Dương Lễ béo phị thêm ra. Cận kề Dương Lễ, Châu Long nghe mồ hôi rịn ra nực nồng mùi mỡ. Đấm bóp chừng nửa giờ, Dương Lễ xoay người nằm ngửa và ngủ say sưa. Trước tiên thở phì phò rồi ngáy rất to, nước dãi chảy lênh láng hai bên khoé miệng. Dương Lễ còn “nét riêng” nữa là thường nhai nuốt nhiệt tình như ăn ngấu nghiến cái gì đó trong mơ. Ăn trong mơ nhưng thực tế chẳng có gì nên hai hàm răng nghiến vào nhau trèo trẹo. Châu Long thường phải xoay người sang bên và khó nhọc lắm mới thiếp ngủ được đôi chút và thế nào cũng thấy ác mộng. Nàng đâm ra gớm ghiếc mỗi lần Dương Lễ ngủ lại phòng mình. Sự thoải mái thực sự khi Dương Lễ sang phòng khác.
Dương Lễ bây giờ đường đường là một vị quan được triều đình tín nhiệm, bổng lộc dồi dào, dinh thự khang trang, kẻ hầu người hạ đủ đầy. Chàng đạt đến mức năm thê bảy thiếp nào kém chi ai. Hiềm một nỗi nhà thênh thang lại vắng bóng trẻ thơ. Một hôm bà Hai – vốn hiền lành phúc hậu – hỏi Châu Long: Em có tin vui gì chưa? Thấy Châu Long tròn xoe đôi mắt không hiểu, bà tiếp: Là chị hỏi em sắp có em bé chưa đó mà. Châu Long lắc đầu cười. Bà Hai mới hé lộ cho Châu Long biết Dương Lễ là người không còn khả năng đàn ông làm sao có con được. Bà tỉ tê thì thầm nói cho Châu Long biết chuyện chăn gối đàn ông đàn bà phải thế nào thế nào… Châu Long nghe và ngạc nhiên quá đỗi. Nàng quá ngây thơ trong sáng để hiểu điều đó. Bấy lâu nàng an tâm là có chồng thì phải ngủ với ông chồng ngáy to và chảy nước dãi đầm đìa vậy thôi. Cuối cùng bà Hai bảo:
- Lão gia nhà mình là người nghiêm khắc, chuyện bí mật này chị nói cho em nghe, cả dãy phòng này ai cũng biết nhưng chớ dại mà hé lộ. Chuyện vỡ ra thì chị và em sẽ biết thế nào là lênh đênh. Em nhớ kỹ đó.
Châu Long chạnh buồn nhưng nghĩ đến số tiền bốn trăm quan nàng lại thở dài. Để giải khuây nàng tiếp tục thêu áo, thêu hài, khăn trải bàn, rèm cửa, áo gối, trang trí mọi thứ đẹp hơn cái vốn có. Người đẹp vì lụa huống hồ áo lụa có thêu.
… Cho đến một ngày nàng nhận lệnh làm người tình cho gã thư sinh khố rách áo ôm. Dương Lễ cấp cho nàng một số tiền kha khá cùng với người bõ già vừa nghễnh ngãng vừa ngọng nghịu.
*
*     *
Dương Lễ vẫn tâm niệm rằng trên đời không có gì tệ bạc bằng kẻ vô ơn. Dù người làm ơn không kể lể hoặc đòi hỏi nhưng người hàm ơn phải biết cách báo đáp trong hoàn cảnh có thể. Lưu Bình là người ơn sâu nghĩa nặng nhất của Dương Lễ, điều đó canh cánh bên lòng chẳng nguôi khuây.
Sách vở vẫn dạy rằng đừng làm điều mình không muốn cho người khác, từ đó suy ra nên làm điều mình thích cho người mình quý mến. Điều mình cho là hạnh phúc thì bạn mình cũng được hưởng. Chàng đang bằng lòng với hạnh phúc “nên quan” và muốn Lưu Bình bằng mọi giá cũng thành đạt như mình. Đó là cách trả nghĩa nặng ơn sâu. Dẫu có tốn kém bao nhiêu tiền bạc, dẫu người thiếp yêu quý xinh đẹp có đem lòng yêu Lưu Bình theo kiểu lửa gần rơm thì Dương Lễ cũng chấp nhận. Chàng đã dự trù cho tình huống đó có thể xảy ra. Cách cư xử bạc đãi với Lưu Bình ngày ấy chẳng qua là kế sách thúc đẩy Lưu Bình quyết tâm học hành chứ trong lòng Dương Lễ rất khổ tâm. Trong đời làm quan chàng có lúc tàn nhẫn, lạnh lùng với một số người nào đó chứ với Lưu Bình thì không.
Trước một dân đen bị hà hiếp chàng có thể dửng dưng để được lòng quan trên. Khi xử lý vụ việc gì chàng luôn rà soát lại kẻ tội phạm ấy đơn thương độc mã hay có dính líu gì với bề trên không, bởi trên Dương Lễ vẫn có nhiều lớp quan trên nữa. Trung thành với bề trên vẫn dễ dàng củng cố địa vị hơn đứng về phía dân đen, dù chàng đã từng là dân đen, đã từng rơi xuống vực thẳm của đói nghèo, tuyệt vọng. Điều đó Dương Lễ không quên và luôn có ý thức không để đời mình giẫm lại con đường đau buồn ấy. Từ lúc nên quan Dương Lễ lấy phương châm sống: “Mình thương mình nhất rồi sau đó mới đến người khác, dù người đó là ai”. Dĩ nhiên Dương Lễ không dại gì nói ra. Ngoài miệng vẫn thơn thớt ngọt lịm câu tam cương ngũ thường,  đạo đức của người quân tử như mọi kẻ sĩ khác.
Đặc biệt Dương Lễ rất sợ đau bệnh, vì bệnh tật có nguy cơ dẫn đến cái chết, mà chết giữa lúc phơi phới đường hoạn lộ chàng không cam lòng. Ăn uống tẩm bổ cơ thể là việc chàng quan tâm lớn nhất. Đầu bếp khéo léo dưới sự chỉ đạo của bà Hai luôn cung phụng món ngon, vật lạ đầy đủ dưỡng chất. Mỗi khi ngủ không ngon, lập tức bà Hai sẽ có món hạt sen hầm thuốc Bắc với tim gan chống mất ngủ. Thiếu ngủ dễ dẫn đến giảm kỷ nên Dương Lễ không để mình thao thức, mất ngủ trước bất cứ chuyện gì. Tất nhiên cơ thể ngày càng phì nộn, béo tốt nhưng sao cái giọng chàng cất lên nghe cứ eo éo, the thé như mượn giọng của ai.
Lưu Bình đỗ đạt nên quan làm Dương Lễ vui lắm. Kế hoạch được thực hiện mỹ mãn. Và kia Châu Long cùng người bõ già về đến. Nàng trở lại căn phòng số ba sau thời gian dài để trống. Người bõ già vẫn ở góc phòng dành cho gia nhân, ngày ngày cần mẫn quét sân, tuới kiểng như xưa. Đâu lại vào đấy.
*
*      *
Lưu Bình một mình, một ngựa trở lại vườn dâu để rước Châu Long về nên nghĩa đá vàng như lời nguyện ước. Đến nơi thấy nhà cửa đóng then cài, vườn dâu vắng ngắt. Mở cửa vào nhà, tất cả đều được thu vén gọn gàng, canh cửi nia nong dậy lên mùi ẩm mốc như đã vắng hơi người lâu lắm. Cả đêm chàng không sao ngủ được. Điều gì đã xảy đến với Châu Long. Chàng đau đớn nhủ lòng, nếu mai này không còn Châu Long trong phần đời còn lại thì mọi thứ sẽ trở thành vô nghĩa. Bổng lộc triều đình, công danh khoa bảng, con đường hoạn lộ… chẳng để làm gì!
Rời vườn dâu, Lưu Bình tìm đến Dương phủ. Thật ra, chàng đang buồn bã, chỉ muốn đến nhìn và cười vào cái thế thái nhân tình chứ lòng chàng đã nguội lạnh mối hờn cũ.
Người lính hầu cung kính cúi đầu thật thấp:
- Dạ, quan lớn mời ngài vào.
Lưu Bình chua chát nghĩ thầm: Không xua đuổi như ngày trước sao? Dạo trước đến giờ nào có xa xôi gì mấy.
Cánh cổng mở ra, chàng rất kinh ngạc khi thoáng thấy bóng người bõ già ẩn hiện sau hàng kiểng được cắt xén công phu. Bất ngờ hơn nữa là Dương Lễ và Châu Long bước ra sân chắp tay cung kính:
- Đệ và tiện nội xin chào Lưu huynh.
Vậy là đã rõ. Vốn dĩ thông minh, Lưu Bình nhanh chóng nhận ra mọi sự diễn biến quanh đời chàng mấy năm qua.
Bữa cơm thịnh soạn được dọn đãi khách quý. Toàn những món ăn thượng đẳng của nhà quan. Lưu Bình không động đũa, chàng chỉ uống rượu suông. Châu Long tránh nhìn vào mắt Lưu Bình. Chỉ một chung mắt trâu là mặt Dương Lễ đỏ bừng, rồi cáo lỗi không thể uống được nữa. Uống một mình Lưu Bình nghe chán quá. Ngàn ly với tri kỷ còn chưa đủ, uống với Dương Lễ gọi chính xác là “đối ẩm” với ai Lưu Bình không biết. Nói chuyện gì cũng ngượng ngùng tẻ ngắt. Lưu Bình yêu cầu Dương Lễ ngâm một bài thơ – giọng ngâm một dạo lôi cuốn người nghe và có tác dụng nâng bài thơ lên. Dương Lễ ngại ngùng nói:
- Thưa huynh, mong huynh thứ lỗi. Giọng của đệ bây giờ không thể ngâm thơ được. Nếu cần, đệ sẽ cho gọi cô đầu và anh kép đến hầu huynh.
Nhìn ngoại hình béo phị của Dương Lễ, cái gì cũng như căng ra quá đỗi, Lưu Bình nghe nhói buốt một nỗi đau – không ai đánh mà đau ngàn lần. Lưu Bình xua tay:
- Không cần vậy đâu. Thật ra tôi rất nhớ giọng bình văn, ngâm thơ của Dương huynh ngày ấy, nếu không nghe được thì thôi vậy.
Dương Lễ nói nhỏ nhẹ nhưng nét mặt đầy vẻ mãn nguyện:
- Lưu huynh thể tất cho tôi những gì tôi cư xử thô bỉ lúc trước. Tất cả chỉ vì muốn Lưu huynh có công danh.
Lưu Bình đứng lên, mặt tái đi:
- Phải, tôi đạt được công danh nhờ cách hành xử của Dương huynh, không bao giờ tôi quên điều đó. Và cái giá mà tôi phải trả: đã lùn đi và bé lại.
Chàng bước ra sân ngửa mặt cười ha hả rồi leo lên con tuấn mã phi điên cuồng trong ánh hoàng hôn. Người bõ già nét mặt căng thẳng nói một chuỗi dài điều gì đó chẳng ai buồn nghe.
Từ đó Lưu Bình treo ấn từ quan rồi biệt tăm. Dương Lễ nói với Châu Long: “Một người vinh hoa phú quý đến tay mà không biết hưởng”. Còn thiên hạ cho rằng Lưu Bình và Dương Lễ là biểu tượng của tình bằng hữu cao quý. Riêng người trong cuộc…

Trại sáng tác Văn nghệ quân đội tại Bến Tre, 2010
                                                                   


(1): Hát nói của Nguyễn Công Trứ.
(2): Phú của Cao Bá Quát