Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

TIẾNG ONG BAY


PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Còn có được những giấc mơ. Ông không hiểu điều đó nên vui hay buồn, họa hay phúc. Những mảng chiêm bao không đầu không cuối, có khi rất thú vị, có khi hạnh phúc tràn đầy và cũng có đau khổ tuyệt vọng đan xen nhau. Nhiều lúc ông chỉ chợp mắt vài giờ thôi mà đã trải qua quãng đời hai mươi, ba mươi năm với diễn biến đủ mọi trò. Thức giấc ông ray rứt tự hỏi cái cuộc đời hai ba mươi năm kia là cuộc đời thật hay cuộc sống ở căn phòng nhỏ cạnh nhà xác này là thật. Trong mơ ông gặp những con người mà ông mơ hồ cảm thấy vừa quen vừa lạ. Những khuôn mặt rất đỗi mến yêu và những con người ông rất ghê tởm. Bao mảng đời như những khúc phim xô nhau, trượt qua và biến mất. Dù sao giữa những mảng chiêm bao và cuộc sống xen kẽ nhau làm nên thi vị khi hàng ngày phải nhìn thấy xác chết đưa vào đẩy ra sát bên chỗ ông ở. Rồi ngoài lối đi kia, dãy nhà kia là những bệnh nhân đa dạng đủ mọi thành phần xã hội. Những con người không hạnh phúc – hạnh phúc nỗi gì khi mà vướng vào tứ khổ.

Bác sĩ Hướng ở khoa cấp cứu bảo rằng: còn có được những giấc mơ là dấu hiệu của người bình thường. May ra có thể lần tìm manh mối, lai lịch cuộc đời ông. Bây giờ thì ông vô phương biết điều đó. Chẳng lẽ vịn vào vai bất cứ ai mình gặp được trên đường để hỏi rằng: “Làm ơn cho tôi biết tôi là ai, tên là gì, từ đâu đến?”. Trăm phần chắc mẫm người ta sẽ nói là đồ điên hoặc kẻ quấy rối chi đây. Mà ông không điên cũng chẳng hề muốn quấy nhiễu ai. Chỉ có điều tử thần đã buông tha ông, dựng ông dậy, cắt xén trí nhớ vĩnh viễn và đẩy ông đi tiếp quãng đời còn lại ở cái nơi xa lạ này. Phải, đây là nơi xa lạ vì chẳng ai quen biết với ông. Cứ như ông được sinh ra ở ngay bệnh viện này. Ông được “sinh ra” vào một đêm choàng tỉnh giấc và nghe lạnh buốt toàn thân. Chung quanh lặng lẽ như tờ chỉ có tiếng bầy chuột vừa chạy vừa cười rinh rích. Trong bóng tối đen đặc ông quờ tay và đụng phải một người nằm gần, không biết là ai nhưng lạnh lắm và cứng đờ. Ông nghe khát đến cháy cổ như từ kiếp nào chưa uống nước. Muốn cất tiếng gọi ai đó nhưng không gọi được. Bằng sự cố gắng hết mình ông bước xuống đất và tìm lối đi. Ông chỉ kịp nghe tiếng đổ rầm và gục ngã.

Buổi sáng nhân viên nhà xác mở cửa, phát hiện ra một người đàn ông nằm sõng soài trên mặt đất. Xem kỹ hãy còn thở. Tức tốc người ta đưa ông đến phòng cấp cứu. Bằng mọi động tác tích cực và thuốc men, người ta đưa ông về với cuộc sống mà trước đó không lâu mọi chức năng trong cơ thể đã ngừng hoạt động.

Chuyện ông sống lại, chiến thắng tử thần là điều vui mừng và hy hữu ở bệnh viện. Nhưng điều lo lớn nhất là ông không còn trí nhớ. Trong người không có giấy tờ tùy thân, không một đồng bạc lẻ. Hai ngày trước có người chở ông đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, họ bảo phải lấy đồ gì đó ngoài xe rồi biến mất. Các bác sĩ phòng cấp cứu xác định ông đã tắt thở. Ông thành một xác chết không người đến nhận, buộc lòng người ta đem ông vào nhà xác.

Và rồi ông bình phục như một người bình thường, khỏe mạnh. Nhìn ông người ta có thể đoán ra trên dưới năm mươi. Hai bàn tay đen đúa và gân guốc gợi ý nghĩ phần đời đã qua thuộc dạng người hay làm. Người ta hỏi mãi rồi gợi ý nhiều cách ông cũng không làm sao nhớ nổi tên mình cũng như không nhớ bất cứ một người thân quen nào để lần tìm manh mối lai lịch.

Qua cách nói năng khiêm tốn, cung cách chững chạc, người ta nghĩ ông là người có học thức, ít ra cũng là người lương thiện. Nhất là đôi mắt to tròn với tia nhìn thẳng khiến người đối diện thấy yên lòng và gợi những ý nghĩ trong sáng. Ông có nụ cười thật thà dễ gây tình cảm với người khác.

Thôi thì chẳng biết ông từ đâu đến thuộc thành phần xã hội nào, có một quá khứ vàng son lẫm liệt hay sống một cuộc đời nhạt phèo vô vị, đã từng là thiên thần hay ma quỷ? Biết làm sao được chỉ còn cách ở lại đây.

Gia tài duy nhất là bộ quần áo ông mặc trên người: cái áo sơ mi trắng nhàu nhĩ ngả sang màu xin xỉn và cái quần tây cũ kỹ bằng loại vải rẻ tiền. Tất cả chỉ có vậy.

Những người có trách nhiệm ở bệnh viện cho ông được ở căn phòng nhỏ sát bên nhà xác. Nó có giường ngủ, bàn ghế, đèn đóm, cả toa-lét riêng. Và công việc của ông là dọn dẹp, đóng mở cửa nhà xác, tưới kiểng trong khuôn viên bệnh viện. Công việc không quá sức và ông cũng hưởng được một khoản tiền đủ sống mức bình dân.

Ông làm việc một cách âm thầm và cần mẫn. Người ta thấy ông hay ngồi thừ người im lặng như đau đáu một nỗi gì. Ông ngơ ngác xa lạ với người chung quanh như ông vừa bị rơi xuống cuộc đời từ một cõi nào đó chứ không phải cõi nhân gian. Bác sĩ Hướng nói vui:

- Nhìn ông giống như Từ Thức về trần chẳng còn ai quen biết với mình.

Cái biệt danh ông Từ Thức tự nhiên trở thành cái tên riêng để người ta gọi ông.

Ngoài cái nghĩa trùng hợp với huyền thoại Từ Thức về trần còn có cái nghĩa trần trụi nữa là ông sống trong căn phòng nhỏ ấy để trông coi nhà xác như ông Từ giữ miếu cô hồn. Và còn một điều khác nữa là ông rất ít ngủ. Người ta thấy ông ngủ mà hai con mắt vẫn mở to, đứng chong không chớp. Có người hỏi ông có ngủ không. Ông bảo:

- Có chứ, và đời còn có những đoạn chiêm bao.

Một ngày mới bắt đầu của ông thường là những bông hoa vừa chớm nở trong sáng sớm tinh mơ. Ông rảo bước giữa lối đi thẳng tắp bên những cây bông trồng ngay ngắn trật tự và hít thở cái không khí mát dịu đầu ngày.

Gần mười năm ở đây ông Từ ngộ ra một điều nếu không có cây xanh, không có những bông hoa nở hằng ngày, không có những luống cỏ dịu mịn xen giữa dãy nhà bê tông thì cuộc sống nơi đây sẽ vô cùng khủng khiếp. Mỗi sáng sớm ở bệnh viện này người ta quen thấy người đàn ông luống tuổi cầm cái vợt nhỏ và cái túi ny lông đi bắt ong bầu, loại ong to đen cứ sáng sáng đến hút nhụy hoa. Không biết có vị thầy lang nào bày ngâm sáu mươi con ong trong bình rượu uống sẽ trị được nhiều chỗ đau nhức trong cơ thể. Tác dụng của nó ra sao ông không rõ lắm nhưng có được bao nhiêu ong người ta mua hết. Tiền bán ong mỗi ngày ông để một nơi, nó cũng không cần thiết lắm với người ít nhu cầu như ông, mà cái chính là sự tiếp cận với cây xanh, với hoa lá cỏ… Nó là một mảng đời ông đã đi qua hay một chút lãng đãng của tiền kiếp ông cũng không biết.

Công việc bắt ong kéo dài đến 9 giờ là xong. Những con ong bị bắt nằm gọn trong chai. Những con còn lại cũng nhanh nhanh bay đi tránh cái nắng đang nóng dần lên để rồi như một ước hẹn sáng hôm sau lại tìm đến.

Người ta vừa đẩy ra khỏi nhà xác một tử thi bẹp dúm của ông lão đi bán vé số. Chủ xe hàng gây tai nạn chở nạn nhân đến cấp cứu thì ông lão vừa tắt thở. Không tìm được thân nhân nên người ta để vào nhà xác. Mãi đến sáng nay – sau 20 giờ – mới có người nhà đến nhận. Dẫu muộn màng nhưng vẫn có thân nhân, vẫn có người để gọi là người nhà mang về an táng. Không như ông chẳng ai nhìn nhận mà ông cũng không còn nhớ nổi ai để tìm và nhận là người nhà hoặc chí ít là người quen.

Cơn bão đang đi qua. Mưa triền miên và từng đợt gió thốc quạt mạnh. Gió xoáy làm cho cành cây nghiêng ngả không theo một chiều hướng nào. Mấy ổ chim trên cành Si rớt xuống đất. Vài con rắn lục cườm bám theo rễ Si bò lên bò xuống, xoắn xít chùm rễ lòng thòng như một trò biểu diễn xiếc của rắn. Trong khoảng hành lang dài và hẹp nhiều người ngồi chờ hoặc trú mưa. Ở băng đá ngoài cùng có ba người ngồi: một người đàn bà khoảng năm mươi gầy gò, hốc hác ngồi cạnh người đàn ông có nước da đen thâm sẫm, cao lòng khòng và cặp mắt vô hồn nhìn vào khoảng sân mịt mù mưa gió. Kề bên người đàn bà là cô gái trạc mười chín, hai mươi. Cô gái có khuôn mặt hao hao người đàn bà và màu da đen sẫm của người đàn ông. Nhìn ba người tự nhiên người ta thấy rõ rệt mối gắn bó thiêng liêng rất lạ. Người đàn ông không biểu cảm gì chỉ nhìn ra mưa như một pho tượng. Còn hai người phụ nữ có vẻ vui như vừa nhận được một đặc ân nào đó. Mưa cầm chân ông Từ ở hành lang này, tình cờ ông nghe được câu chuyện của họ. Người đàn bà nói:

- Thôi cũng mừng, cuối cùng cha con cũng được lên hạng thành thương binh loại 1.

Cô gái:

- Chứ sao. Người ta đọc phim nói trong đầu cha còn miểng đạn nhiều lắm mà phẫu thuật thì nguy hiểm vô cùng.

- Thì cứ nhìn những lần ổng lên cơn co giật rồi hôn mê cả tuần lễ thì đủ biết miểng nó hoành hành ra sao.

- Vậy mà hơn ba mươi năm qua, bao nhiêu lần giám định người ta đâu có công nhận cha là thương binh loại 1 mà chỉ xếp loại 3. Có người còn bảo ra hội đồng giám định có khi rớt xuống loại 4. Ơn trời bây giờ được loại 1. Vậy là mẹ được tiền lương chăm sóc cha đó.

Ông Từ kín đáo nhìn gia đình người thương binh nghèo khó này đang vui vì được xếp loại 1, được trả lại công bằng sau hơn ba mươi năm bị thiệt thòi, bất công. Nhìn người đàn ông ngồi bất động đờ đẫn thường lên cơn động kinh và hôn mê, tuổi tác chắc gần đáo tuế. Ân sủng ấy anh có biết không và còn mấy thời gian? Mỗi tháng người ta trả lương cho người chăm sóc thương binh nặng bằng tiền phòng một ngày của một người nằm khu chất lượng cao. Điều đó có tác dụng làm vui lên những thành viên trong gia đình của người còn nhiều mảnh đạn trong hộp sọ kia. Dẫu muộn màng nhưng điều đó cũng đến. Người đàn ông kia giờ có thể gọi là ông già rồi. Hơn ba mươi năm trước đã từng là một chiến sĩ hăng hái lên đường xông pha trận mạc, dấn thân vào nơi hiểm nguy có khi làm lễ truy điệu trước khi vào cuộc, chắc hẳn anh không nghĩ rằng mình còn sống trở về để người hôm nay phán đoán phân định thứ loại thương tật cho mình. Người ta có thể nghĩ nhiều thứ nhưng làm sao tưởng tượng được có một ngày mưa bão, mình thành một ông già thương tật cùng vợ con ngồi trên ghế đá với niềm vui này. Ông Từ thầm cầu trời thôi mưa gió cho anh thương binh về nhà.

Mấy ngày mưa dầm ông Từ khỏi tưới kiểng. Đàn ong trú mưa cũng lười đi hút mật. Chỉ lưa thưa vài con đảo vảng dù những bông hoa vẫn cứ nở vàng đều mỗi sáng. Rỗi việc ông đi sửa mấy cây kiểng cạnh hòn non bộ. Nó chiếm cứ một khoảng sân cạnh khoa nội với những hòn đá tảng lô nhô bám đầy rêu xanh mốc, có dòng nước rỉ rả chảy ngày đêm. Và hai ông tiên ngồi bất động bên bàn cờ theo năm tháng. Những cây kiểng trồng chung quanh theo một bố cục định sẵn, một trật tự qui củ. Cây xanh bốn mùa được tưới tắm, xén tỉa, gốc to lớn sần sùi, không được phép cao lên hay xòe tán rộng, nó uốn éo một cách tật nguyền, như người sống lâu năm không thể thành người lớn cũng chẳng phải trẻ con. Làm công việc xén tỉa xong ông Từ ngồi xuống băng đá như người nhàn rỗi. Mấy băng đá xung quanh cũng đầy người ngồi. Đó là người nhà đi nuôi bệnh đến giờ hành chánh buộc phải rời phòng bệnh, họ có thể lang thang, la cà quanh các lối đi ở sân chờ hết giờ làm việc mới được quay vào với người thân. Họ quen nhau rất nhanh và dễ dàng bộc lộ tâm sự. Một bà già nói với người thanh niên:

- Con phải ráng giữ gìn sức khỏe. Về nhà ráng ăn uống bồi dưỡng. Mẹ thấy con xanh quá. Chỉ trong nửa tháng mà lấy máu hai lần.

Anh thanh niên buồn buồn:

- Mình còn cách nào khác đâu. Mọi thứ ở nhà có thể bán được đều đã bán lo viện phí cho vợ con. Rồi còn tiền lót tay cho bác sĩ, không thì có ở đây mười ngày cũng chưa mổ cứ hẹn tới hẹn lui hoài, đi đứng ăn uống tốn hao còn hơn. Vậy mà đến giờ lên bàn mổ vợ con còn bị dị ứng kháng sinh phải bỏ hai hũ thuốc gần hai trăm ngàn. Mà mẹ ơi! Gặp vợ con mẹ đừng nói gì đến tiền bạc nghen, đừng nói chuyện con đi bán máu nghen, cô ấy dễ xúc động lắm và còn quá yếu.

- Ờ tao biết mà.

- Mình vậy cũng còn may hơn người khác đó mẹ. Có người mổ ra khối u ác tính coi như xong đời. Có người béo phị nây bụng đầy mỡ cứ nhiễm trùng hoài không lành. Có người còn bị kẻ cùng phòng móc sạch tiền trong túi. Xem ra những người cùng khổ cũng không thương nhau. Thôi muộn rồi mẹ về đi. Mẹ nhắc nhở giùm bé Ti chuyện học hành. Khoảng vài bữa nữa vết thương tạm ổn, cắt chỉ vợ con xuất viện, mẹ đừng lên nữa tốn hao.

Băng đá bên kia một thanh niên mặc áo xanh sẫm nói chuyện với người đàn ông đi nuôi vợ:

- May một chút nữa là tôi mất con.

- Sao vậy?

- Người ta tráo chứ sao. Lúc có thai vợ tôi đi siêu âm biết là con gái, khi sinh ra y tá nói con gái. Đến khi ẵm giao thì con trai mà đứa trẻ khô khan như sinh trước mấy ngày. Tôi nhớ bộ quần áo vợ tôi chuẩn bị không phải của đứa bé, tôi chạy khắp các giường đòi cho được đứa bé mặc bộ đồ ấy. Té ra một bà sinh con trai đã lo tiền cho y tá tráo đổi. Tôi làm dữ quá, buộc lòng họ năn nỉ và nhận lỗi.

Anh ta vừa nói vừa run vì xúc động.

- Chuyện sờ sờ giữa thanh thiên bạch nhật mà còn vậy, chuyện khuất lấp thì sao hở ông?

Một gã trai mặc bộ quần áo của bệnh nhân khoa tim mạch len lỏi giữa đám đông nhăn nhó kể khổ về nỗi đau bệnh không còn tiền đóng viện phí và về quê, mong bà con thương tình giúp đỡ… Gã từng đi hết khoa này đến khoa khác, ngày này sang ngày nọ với lời lẽ y hệt. Người bệnh mỗi ngày mỗi khác nên gã cũng kiếm chác được.

Ông Từ đứng lên. Ông từng chứng kiến bao điều của những người đau khổ, chỉ mới nửa buổi sáng mà ông đã nghe thấy bao điều thế sự như vượt cái ngưỡng chịu đựng của ông.

*

**

- Hôm nay thứ bảy, ông làm ơn trông giùm con tôi đến chiều chúa nhật tôi sẽ có mặt. Sáng thứ hai nó lên ca mổ rồi. Chẳng gì, tôi phải về nhà hái chanh, cắt nhãn cho bạn hàng đến cân rồi vay mượn thêm tiền. Thật tôi đơn chiếc quá.

Người đàn bà có đôi mắt buồn khẩn khoản yêu cầu ông như vậy. Ở đây ông là người không vướng bận gia đình và ông cũng thường giúp người bệnh trong trường hợp tương tự. Con của bà là một chàng trai hai mươi lăm tuổi, tên là Đoan. Đoan bị dị tật bẩm sinh hai chân teo tóp không đi được. Vai bên cao bên thấp, từ đó mọc ra hai cánh tay bên dài bên ngắn với những ngón co quắp, ngón thẳng đơ không thể cầm muỗng xúc cơm được. Cái miệng với hàm răng mọc nghiêng ngửa, cười không ra cười mếu không ra mếu, khi phát âm thì ngọng nghịu. Và hai con mắt… một con nhìn lên trán một con nhìn xuống mũi. Đoan nằm trên giường suốt hai mươi lăm năm, cơ thể cậu trông như đứa trẻ mười hai tuổi. Người mẹ chăm bẵm con cực khổ trăm bề. Chỉ có người mẹ mới tận tụy với con như thế.

Ông Từ Thức làm mọi việc cho Đoan: rót nước, lau mặt, ẵm vào nhà vệ sinh, đến bữa xách gà-mên đi mua cơm. Đoan rất dễ cho ăn, ăn gì cậu ta cũng bảo là ngon. Bằng giọng ngọng nghịu cậu ta kể:

- Ở nhà con cũng giúp mẹ giữ nhà, đưa võng cho em bé ngủ rồi mở truyền hình coi ca nhạc, đá banh, thời sự. Cái gì con cũng coi hết, chú ơi con mong hết bệnh về giữ nhà cho mẹ đi hái nhãn, đốn chuối.

Đoan nói chuyện một cách ngây ngô, nhưng cái điều lớn lao nhất là cậu ta yêu quí cuộc sống này vô cùng, không hề thấy tủi thân hay bất hạnh vì tật nguyền.

Đoan nhập viện vì bị đái ra máu và lên cơn đau dữ dội. Qua các xét nghiệm bác sĩ bảo Đoan bị sạn thận rất lớn và đề nghị mổ. Mổ thận cũng không nguy hiểm lắm, bệnh viện này vẫn mổ hàng ngày. Có điều trường hợp của Đoan thần kinh và huyết áp không bình thường, không chắc cậu có qua được cơn phẫu thuật. Nhưng nếu không mổ cậu cũng sẽ chết vì tình trạng nguy kịch lắm rồi.

Đoan còn nhiều nét của đứa trẻ, cuộc đời cậu trải qua trên chiếc giường nhỏ hẹp, là khoảng trời xanh qua cửa nhỏ, chút nắng hiếm hoi chiếu qua mỗi sáng mai. Nhân gian dưới mắt Đoan là vài người hàng xóm đến chơi, là người mẹ, vợ chồng anh trai và cháu bé còn nằm nôi. Còn cái nhân gian rộng lớn hơn là cái ti vi với mọi hình ảnh nhốn nháo, thoắt ẩn thoắt hiện.

Buổi chiều, ông Từ Thức lấy xe lăn đặt Đoan ngồi vào đẩy đi vòng vòng. Đoan hỏi ngây ngô:

- Đi vậy tốn tiền không. Tốn thì con hổng đi đâu.

Ông Từ nhiều lần bảo không cậu ta mới yên lòng. Cậu ta vui thích ra mặt vì suốt đời chưa được đi vậy bao giờ. Đến tối mà Đoan chưa muốn vào nghỉ, ông phải nói:

- Bữa nay đi vậy được rồi. Mai mới được đi nữa, bác sĩ không cho đi lâu.

Đoan vịn tay ông bảo: Ừ mai đi nữa nghen. Thích quá.

Chiều chúa nhật mẹ Đoan lên, bà tay xách nách mang đủ thứ lỉnh kỉnh, nặng nhất là giỏ to dừa xiêm lột sẵn. Bà chuẩn bị cho Đoan uống sau mổ. Thấy vẻ hân hoan của Đoan được đi dạo về bà cũng cười theo nhưng đôi mắt bà không cười. Nó đau đáu một nỗi buồn xa xăm.

Vừa sáng tinh mơ, bác sĩ Hướng khoa cấp cứu đã ngồi ở băng đá tay cầm gói gì đó. Nhác thấy ông Từ Thức, bác sĩ chào thân thiện và giơ tay vẫy.

- Ông Từ Thức à, mời ông ăn xôi với tôi.

Mỗi người một hộp. Lặng lẽ ăn. Ông Từ thấy lạ nhưng thôi không hỏi. Bác sĩ có vẻ vui hơn ngày thường.

- Xôi ngon đó chứ. Không biết món này có hợp khẩu vị ông không.

- Ăn chút ít vào buổi sáng thì được, ăn để thay thế bữa cơm trưa thì không.

Nhìn bác sĩ ăn chậm rãi, từ tốn như để thưởng thức vị ngon trong từng hạt nếp hòa quyện với vị mặn ngọt ngọt của muối mè. Bác sĩ mà ăn làm chi món ăn nhà nghèo này vậy. Ông Từ Thức hỏi:

- Bác sĩ thích ăn xôi?

- Cũng thích, tôi thường ăn để nhớ mẹ tôi, nhớ những ngày bé thơ nghèo khổ. Ngày ấy mẹ tôi bán xôi nuôi tôi ăn học. Bà nấu rất khéo nên người mua đông lắm. Hôm nào đến muộn người ta sẽ ngồi chờ chứ không mua chỗ khác. Tôi học hành nên người nhờ những đồng bạc chắt chiu thấm đẫm mồ hôi ấy.

Bác sĩ Hướng là người thân quen nhất của ông Từ suốt những năm tháng ở đây và là người tận tình cứu chữa ông qua cơn hiểm nghèo để trở về cuộc sống. Có khi bác sĩ cho ông gói trà hoặc vài quả bưởi đem từ quê lên, nói vài câu vui vui rồi việc ai nấy làm. Bác sĩ lúc nào cũng vội. Hôm nay bác sĩ có vẻ rỗi, ông ngồi ăn một cách chậm chạp, nâng niu đến hạt cuối cùng. Bác sĩ đề nghị:

- Đi uống cà phê với tôi ông Từ nhé.

- Thì đi. Tôi thấy hôm nay bác sĩ là lạ chi đó.

Bác sĩ Hướng cười. Cái cười hiền lành chất phác mà người ta ít gặp ở thị thành. Hình như nó được lưu giữ từ những lũy tre làng, từ rẫy mía tít tắp bên bờ sông lộng gió, từ mái nhà lá đẫm nước mưa. Với người giàu thì chẳng là gì nhưng với bà mẹ bán xôi nuôi con thành bác sĩ thì thành quả đó thật là vô giá.

- Bà cụ giờ chắc cao niên hả bác sĩ?

- Ừ cao tuổi. Cũng đã tám mươi sáu rồi. Nhưng tôi ân hận một điều không nuôi mẹ được. Ra trường năm trước, năm sau mẹ tôi mất. Bà chẳng đau bệnh gì chỉ ngủ một đêm rồi sáng ra không thức dậy nữa. Buồn lắm ông ạ. Là bác sĩ tôi chưa hề chăm sóc sức khỏe cho mẹ nói gì nuôi dưỡng. Những bệnh nhân ở quê lên tôi thấy dáng dấp hình ảnh của mẹ, tôi tận tụy với họ và tôi mong rằng ở một cõi nào đó mẹ sẽ vui. Ông Từ Thức à, hôm nay tôi đến để giã từ ông, tôi không còn làm việc ở đây nữa.

Ông Từ ngẩn ngơ một lúc rồi buột miệng:

- Vậy sao. Tiếc quá! Bác sĩ là ân nhân của tôi, là người thân thiết nhất trên đời. Ông xem tôi còn có ai nữa đâu.

Bác sĩ khoát tay cười ngượng ngùng như phải nghe lời ơn nghĩa mà ông không thích. Uống từng ngụm nhỏ cà phê, hồi lâu mới nhỏ nhẹ như lời tâm tình:

- Hợp tan là lẽ thường tình ở đời, ông buồn làm chi. Tôi thôi việc ở đây cũng không chuyển đến bệnh viện nào. Tôi còn một số việc cần làm, chừng nào ổn định sẽ thăm ông hoặc tin cho ông sau ông Từ ạ.

Giã từ bác sĩ, ông Từ cảm thấy buồn như mất mát cái gì lớn lắm. Nó làm cho ông lẩn thẩn quên cái này cái nọ, có khi tưới cây xong lại quên đóng van hoặc tưới sót vài luống cây trong viện.

Chiều thứ hai người ta đẩy lên xe hồng thập tự một tử thi phủ vải trắng trên băng ca, đó là xác cô gái còn trẻ lắm, cô buồn cái chi mà quyết tâm tìm đến cái chết bằng thuốc trừ sâu. Thuốc ngấm vào máu không rửa sạch được. Cuối cùng cô cũng được toại nguyện. Người nhà theo sau khóc lóc vật vã.

Kế đó người ta đẩy ra khỏi phòng lạnh một xác chết phủ vải trắng kín mít, theo sau là người đàn bà có đôi mắt buồn. Bà lủi thủi đi sau xe đẩy không khóc than nửa lời. Sự câm lặng chịu đựng như đã chuẩn bị từ lâu lắm cái ngày ắt phải đến. Bà về chỗ nằm của con thu dọn đồ đạc. Một giỏ đầy dừa xiêm chuẩn bị cho con sau mổ giờ đem phân phát cho người cùng phòng. Khi chiếc băng ca đưa vào xe, ông Từ Thức đến bên người đàn bà, cầm một xấp tiền nói nhỏ nhẹ và thành thật:

- Tôi có chút tiền giúp đỡ bà trong hoàn cảnh đau buồn này, mong bà nhận để lo hậu sự cho cháu.

Người đàn bà lễ phép, cúi đầu thưa:

- Cảm ơn ông nhiều lắm. Ông đã hết lòng với cháu. Giờ cháu đã được giải thoát, chấm hết một số kiếp tật nguyền. Chúng tôi bất hạnh nhưng dẫu sao cũng còn vườn tược nhà cửa cũng đủ lo liệu cho cháu. Ông cất tiền đi để dành mai hậu.

Cửa xe hồng thập tự đóng lại. Xe lao đi mang theo nụ cười và đôi mắt buồn của người mẹ. Nhìn cái cười và đôi mắt ấy ông thấy đau gấp bội khi nhìn người ta khóc ròng, khóc thổn thức như thổ ra bằng hết nước mắt.

*

**

Cả tuần lễ nay trời không mưa. Nóng ghê gớm. Đến chiều cái hơi nóng hầm hập còn lưu lại trên vách tường, trên mặt sân xi măng. Những bệnh nhân có thể đi được cũng ráng lê ra băng đá ngồi hóng mát. Và gió cũng còn mang hơi nóng của ngày. Gió lang thang qua khoảng sân hẹp, qua những lối đi quanh co trong viện. Gió loanh quanh theo những lối nhỏ gặp nhau cuộn xoáy không định hướng. Ông Từ Thức vừa tưới nước cho đám cỏ mịn trong sân khu chất lượng cao. Nơi đây, đặc biệt không hề có bóng người đứng ngồi lố nhố ngoài hành lang hay băng đá. Không ai đổ mồ hôi nhuễ nhại, tay cầm quạt phành phạch vì nóng. Người bệnh và người nuôi ở yên trong căn phòng riêng lắp cửa kính và máy lạnh. Dù có bác sĩ khám hay không thân nhân cũng không bị mời ra sân mà có thể ngồi xem tivi thoải mái, có tủ lạnh và điện thoại riêng. Chỉ riêng khoản tiền phòng một ngày bằng một tháng lương trả cho người chăm sóc thương binh loại 1.

Ông Từ Thức kiểm tra lại lần nữa số luống cây và van nước. Sợ rồi ông sẽ quên. Sáng nay bệnh viện xôn xao về cái chết của bác sĩ Hướng. Người ta tổ chức đi viếng ở nhà riêng. Hỏi ra ông Từ Thức mới rõ là do vướng căn bệnh nan y: có khối u ác tính ở phổi nên bác sĩ Hướng về quê. Về căn nhà xưa của mẹ để chờ ngày ra đi. Ra đi như mọi con người ở kiếp nhân sinh. Thì ra sáng hôm ấy là lần cuối cùng ông và bác sĩ nói chuyện với nhau. “Hợp tan là lẽ thường ở đời, ông buồn làm chi”.

Một người đàn ông luống tuổi hỏi ông Từ: Làm ơn chỉ dùm khoa nội, tôi cần tìm thăm người nhà.

Ông Từ Thức chỉ đường đến đó. Người ta đến bệnh viện vẫn thường nhờ ông chỉ dẫn để tìm thăm người nhà. Người vẫn tìm người ngày này qua ngày nọ. Sao không ai tìm ông, không còn ai trên đời này nhận ông là thân nhân nữa sao? Ông có bao nhiêu người trong gia đình, bao nhiêu bạn bè và bao nhiêu kẻ thù? Làm sao ông biết được. Cả quãng đời hôm qua trôi đi như bị một cơn cuồng phong hốt sạch mọi thứ ném về cõi vô phương tìm kiếm. Bây giờ tuổi đời đã xế bóng ông còn quãng đời phía trước với những mảng chiêm bao. Những quãng đời hai ba mươi năm chỉ chớp mắt trong vài giờ. Những mảng chiêm bao cũng có những con người vừa quen vừa lạ, có buồn có vui, đủ cả. Họ từ đời sống bước vào hay từ quá khứ mọc ra hoặc sự tái hiện của nhiều kiếp trước. Ông vẫn tự hỏi mình điều ấy. Trả lời ông là tiếng ong bay vù vù trên ngọn cây có những bông hoa vàng nở buổi sáng.

P.T.N.Đ