Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Về nơi ấy

Suốt hai tháng đau dạ dày, kiêng và giảm ăn. Tôi sụt mất 4kg. Chiều cao 1,6m, trọng lượng 45kg tôi thành người lỏng khỏng. Soi gương suýt không nhận ra mình. Tôi chọn kiểu tóc ngắn ốp sát cổ để che bớt sự hao gầy của khuôn mặt. Ai cũng nói tôi để tóc dài dễ coi hơn tóc ngắn. Lâu rồi tôi không chọn sự dễ coi ở người khác nhìn mình mà tôi chọn cách nào phù hợp và dễ chịu với tôi. Tôi không chịu nổi cái vướng víu của những sợi tóc dài, luôn cảm thấy bực bội khi làm việc mà bị chằng kéo bởi cái búi tóc làm căng nhức từng chân tóc.
Một người đàn ông ngồi phơi mái tóc dài kín lưng vừa mới gội luôn làm tôi nể phục, nể sự can trường chịu đựng khi phải luôn mang ngần ấy tóc trên đầu. Nhưng thôi, cái “sự tóc râu” là quyền tự do thân thể của mỗi người mà Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã qui ước, chẳng nên lạm bàn.
Sau cơn đau tôi muốn nghỉ ngơi ít ngày dù trước đó vẫn không nghỉ. Gần ba mươi năm rồi, tôi lui về quê nhà như người ở ẩn. Cần mẫn làm việc để mưu sinh. Yêu mến và kinh hãi con người. Hai trạng thái đó luôn song hành trong tôi. Nhiều lúc tôi nghe nhớ nơi này, nhớ nơi kia, nỗi nhớ tha thiết muốn gặp lại và cũng sợ hãi khi hình dung ra rằng người ta sẽ không thích hoặc chán gặp mình.
Tôi mặc áo sơ mi màu đất sờn cũ bằng vải thô, quần đen. Mặt không son phấn, chân đi dép lê, đầu đội cái nón lá te tua quanh vành. Tôi bước ra đường, thấy mình như một bà mua ve chai, lông vịt. Quyết định đầu tiên của tôi là đến thăm thầy Hiếu. Xưa thầy dạy tôi môn Văn học Việt Nam, thầy thường khóc khi đang giảng Kiều hoặc chị Dậu. Nước mắt của thầy truyền đến giáo sinh nhiều cảm động. Tôi thì không bao giờ được như thầy. Anh Chân thường bảo có ba dạng thầy: Ta học với thầy nửa chữ trở lên gọi là Đoản Sư, học trong vòng một năm gọi là Trung Sư. Hơn một năm trở lên gọi là Trường Sư. Lối phân chia như vậy có khập khiểng và hài hước không, nhưng tạm thời thầy Hiếu là Trường Sư của tôi. Bởi tôi học thầy gần hai năm chứ ít gì.
Vừa bước đến cổng nhà gặp thầy đang mặc bộ pyjama tay xách cái ấm. Tôi chào thầy và hỏi:
- Thưa thầy em là học trò cũ đến thăm thầy. Dạ, thầy định đi đâu ạ ?
Nheo nheo cặp mắt và nụ cười dè dặt, thầy nói:
- Tôi định đi mua rượu về ngâm thuốc bắc.
- Thưa thầy vẫn khoẻ ? Thầy có nhận ra em không?
Thầy cười:
- Chắc chắn em là học trò cũ của thầy rồi. Em thông cảm vì nhiều học sinh quá, với lại lâu năm không gặp thầy không thể nhớ hết. Thôi ta vào nhà đi rồi nói chuyện.
- Thầy không đi mua rượu sao?
- Lúc khác cũng được, không có gì vội.
Thầy đã về hưu được vài năm. Thầy và cô sống với anh con trai út. Đứa cháu nội năm tuổi lẩn quẩn bên ông, nó sà vào lòng ông xin tiền mua kẹo. Thầy đưa cho nó mấy đồng  bạc lẻ.
- Này, mua kẹo đi. Đừng quấy ông nữa nhá.
Tóc thầy bạc gần hết. Thầy không già đi bao nhiêu chỉ có dáng đi hơi còng một chút. Đặt cái ấm xuống sàn, thầy thở dài:
- Không gì tồi tệ bằng tuổi già. Trí nhớ cứ giảm sút theo thời gian và sức khỏe cũng vợi đi, không vướng bệnh này cũng bệnh khác.
Thầy thở dài. Tôi thấy thương thầy quá, một ngày nào đó tôi sẽ bước qua tuổi già như thầy nếu tôi sống thọ. Và cõi nhân gian này ai đi qua tuổi già mà chẳng vậy.
- Thầy đang bệnh gì mà ngâm rượu thuốc vậy?
Thầy nâng bàn tay đầy những dấu trổ đồi mồi, hơi run rẩy. Thầy buồn bã nói:
- Bệnh thầy khó trị bằng Tây y. Đông y thì tốt hơn nhưng phải kiên trì. Bệnh Pakinson ấy mà. Giờ thầy viết chừng hai dòng cũng lâu lắm, nét chữ lại run! Này em học thầy khoá mấy?
- Thưa, em tên Hoài. Bạn bè vẫn gọi em là Hoài lé. Em học khoá đầu tiên của trường, lớp B.
Thầy vỗ vào trán rồi cười:
- À nhớ ra rồi, lâu quá không gặp em. Giờ thấy em lạ quá thầy không tài nào hình dung ra nổi. Nhưng thầy nhớ em là một trong số những học sinh rời trường sớm đúng không ?
Tôi cúi mặt:
- Thưa, phải ạ.
Nhìn tôi từ đầu đến chân. Thầy phác một nụ cười thương hại pha với ngậm ngùi:
- Đôi lúc thầy có nghĩ đến em, một trong những đứa học trò có cảnh ngộ đáng thương. Thầy đoán em sống vất vả và nhiều lận đận. Đúng không?
Tôi đáp thật nhỏ:
- Dạ, đúng vậy. Cuộc đời lấy đi của em nhiều thứ, nhưng ơn trời đã ban cho em đủ nghị lực để sống.
Thầy nhắc nhở đến những đứa học trò ngày xưa giờ thành đạt có địa vị kha khá trong xã hội và tỏ ý hài lòng với sự phấn đấu của họ. Có người làm đến giám đốc sở, đại biểu quốc hội, trưởng phòng giáo dục. Thầy nhắc đến Kim Lan người ngồi bàn cạnh cửa sổ trong lớp ngày xưa.
- Hôm nọ có Kim Lan từ Đức về. Em có nhớ Kim Lan không, cùng lớp với em khoá đầu ấy?
- Dạ em vẫn nhớ.
- À, Lan qua Đức theo diện mướn kết hôn. Qua bên ấy một thời gian thì ly hôn. Gần mười năm mới về nước. Hôm ấy Lan làm tiệc mừng bạn bè họp mặt, có mời thầy. Vui lắm, đông lắm!
Hình như thầy còn nói khá nhiều về Kim Lan nhưng bỗng dưng cơn chiêm bao ập đến. Tôi thấy một dòng sông chảy ngang qua khu vườn rậm rạp. Có tiếng mái chèo khua nước, một con rắn rất to rẽ nước lội qua sông càng lúc càng đến gần. Trong đời tôi con rắn luôn làm tôi sợ đến chết điếng. Tôi kêu lên khe khẽ, nỗi sợ làm tôi không kêu to được.
- Kinh khủng quá!
Tiếng thầy làm tôi rời khỏi cơn chiêm bao ngắn:
- Em nói gì thế?
Tôi dụi mắt:
- Dạ không có gì!
Có lẽ do tuổi tác, do nghĩ rằng nghe nhầm nên thầy tin rằng tôi chưa nói gì. Thầy chuyển sang lĩnh vực văn chương, tấm tắc khen hết lời những cây bút thời thượng. Thầy say sưa nói về những bài báo thầy viết ca ngợi một nhà văn trẻ đầy triển vọng và sau này thì phàn nàn vì nhà văn này có những phát biểu phạm thượng. Tôi nhớ một người bạn có kiểu sống bạt mạng, phiêu bồng đã từng nói: Trong giao tiếp hàng ngày có ba lĩnh vực nên tránh bàn luận: chính trị, tôn giáo và văn chương. Tôi không mặn lắm về lối sống của anh nhưng những lời anh nói không phải là vô lý.
Nói một hồi dài mà không nghe tôi nói gì, có lẽ thầy nghĩ tôi chính cống là một bà đồng nát, thành kiểu người ù ù, cạc cạc không có khả năng nghe nổi đề tài thầy đang bàn nên hỏi:
- Theo em có đúng vậy không?
- Thưa thầy, em nghĩ văn chương vốn vô mệnh như trong Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du. Mà ngay cả Nguyễn Du có nhiều người sùng bái, cũng không ít kẻ chê bai. Người tôn làm văn hào vĩ đại, có kẻ còn đòi đánh một trăm roi. Cho nên với văn chương, em xin làm người ngoại đạo. Em chỉ có thể đồng cảm với tác giả nào hay không, chứ không có khả năng bình phẩm.
Có một người khách cao tuổi bước vào, bạn của thầy. Sau vài câu chào hỏi, tôi rời khỏi nhà thầy.
Vẫn đường, vẫn cây, vẫn nhà, vẫn phố nhưng sao giờ thay đổi nhiều quá. Tôi có cảm tưởng như Từ Thức về trần. Tôi đến bến xe đò mua vé đi về huyện biển cách thành phố ba mươi cây số - quê của Kim Thái. Thái trước kia ở cùng nhà trọ với tôi gần hai năm. Tôi có về quê Thái chơi một lần. Xưa Thái học trung bình. Không đẹp, không xấu. Nhà khá giả có năm mẫu đất trồng sơri.
Đến phố huyện thấy xa lạ quá. Phải thôi, mình đã đến một lần cách nay gần ba mươi năm chứ ít ỏi gì! Cũng không khó khăn để tìm ra nhà Thái, nhờ những nhà ven đường. Cái cô Thái ngày xưa học Sư phạm ra trường làm giáo viên cấp 2, sau đó làm hiệu trưởng rồi trưởng phòng giáo dục. Cô có gia đình cất nhà riêng ở gần cha mẹ, chồng cô cũng làm việc ở Uỷ ban. Thông tin do những nhà ven đường cung cấp dẫn tôi đến ngay cửa nhà Kim Thái. Đứng ngoài rào tôi giơ tay bấm chuông. Một con becgiê to cao như con bò nghé nhe răng chồm lên sủa ầm ầm. Nếu hàng rào không kín tôi chắc chắn trăm phần bị hàm răng chắc khỏe ấy xơi cho tơi tả. Một người đàn ông to béo bước ra nhìn tôi dò hỏi trong im lặng. Buộc lòng tôi cất tiếng hỏi trước:
- Anh à, xin hỏi đây có phải là nhà của Kim Thái không?
Anh lừng lững đi ra gần vòng rào, trên mặt khó nặn ra được một nụ cười. Anh nói nhỏ và chậm vẻ lơ đãng:
- Phải. Tìm cô Thái có việc gì không?
- Cũng có chút việc, nhờ anh nói với Thái rằng có người bạn cần gặp một chút.
Tôi không chấp thái độ lạnh lẽo của người đàn ông mà tôi đoán là chồng Thái. Chỉ cần Thái có nhà thôi, gặp tôi chắc chắn Thái sẽ mừng rỡ biết bao, sẽ ân cần như tri âm lâu ngày gặp lại. Chúng tôi đã từng ăn chung nồi, ngủ chung giường, từng học bài thâu đêm dưới một bóng đèn điện. Đã từng nửa đêm lục cơm nguội trong cái đói cồn cào mỗi khi thức khuya học bài thi.
Trong nhà một người đàn bà bước ra rồi dừng lại, tựa lưng vào lan can nhìn tôi dò dẫm, e ngại, nét mặt nghiêm nghị. Tôi nhận ra ngay đó là Kim Thái. Tóc Thái vấn gọn để lộ cái cổ cao, trắng ngần nổi bật trên cái nền áo thun màu da cam bó sát người. Cái quần soọc trắng ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa, phô bày đôi chân trần rất đẹp, cân đối. Lạy trời, ở tuổi quá ngũ tuần mà giữ được dáng vóc thế này quả là tuyệt hay. Xưa từng sống chung với Thái một thời gian dài mà tôi chưa bao giờ thấy đôi chân trần của Thái. Mãi đến bây giờ tôi mới có dịp nhìn nó qua hàng rào lưới B40. Bởi Thái vẫn đứng im đó, chưa nhận ra tôi là ai, mà tôi cũng chưa muốn xưng danh tánh để tạo sự bất ngờ. Tôi cười thú vị:
- Thái không nhận ra mình thật sao?
Thái vẫn giọng xa lạ:
- Chị là ai ? Cần gì nói đi!
- Thái không nhận ra tôi thì tôi đi về vậy!
Vẫn cái nhìn săm soi chằm chặp.
- Thật tình tôi không nhớ. Chị tên là gì ở đâu vậy?
Bỗng nhiên tôi như bị rơi xuống vực sâu. Mọi hăm hở tàn lụi đi nhanh chóng. Một người gầy gò, áo quần cũ kỹ, nón rách dép lê không có trong bộ nhớ của bạn bè. Chắc Thái nghĩ tôi là kẻ tầm phào nào đó cố tình lân la với ý đồ không tốt chi đây – Càng lúc cái nguy cơ ấy càng rõ. Cửa rào vẫn đóng. Thái vẫn đứng im ở bậc thềm. Người đàn ông vẫn đang ghì xích chó. Nếu bỏ ra về ngay thì không tiện, mà tự hài danh, hài tánh ra thì cũng tủi tủi thế nào. Thôi thì mình độ lượng với bạn, thời gian mà, xa nhau gần ba mươi năm chứ ít gì. Nhiều người chỉ sau bốn năm không gặp như Chân còn không nhận ra tôi nữa huống hồ gì Kim Thái. Mà thời buổi bây giờ vàng thau lẫn lộn biết ai người ngay người gian trà trộn. Nhà dân cần đề cao cảnh giác, nhà quan huyện lại cần đề cao hơn. Tôi cười như mếu:
- Thưa bạn Kim Thái, mình chính là Hoài lé đây, người Bến Tre xưa từng học chung lớp, ở cùng nhà trọ kế bên hai giếng nước cặp kè.
Hơi ngớ ra một chút, nở nụ cười không mấy tươi, và rồi Thái cũng bước ra mở cổng. Cánh cửa sắt nặng nề rít lên một tràng dài. Con chó trong tay người đàn ông nhìn tôi gầm gừ không chút thiện cảm. Và anh ta lôi nó ra sân sau, không trở ra lần nào nữa. Thái nắm tay tôi dẫn vào nhà. Bàn tay mềm và lạnh đan vào bàn tay tôi xương xẩu, khô và nóng. Thái nhìn kỹ tôi và hỏi cái câu ai lâu ngày gặp tôi cũng hỏi:
- Sao Hoài khác đi nhiều quá. Khác đến ngỡ ngàng!
Tôi xác định:
- Đúng. Không riêng gì Thái đâu. Ai cũng nói vậy.
Lại cái điều Chân hỏi:
- Sao Hoài không còn lé nữa?
Tôi hóm hỉnh:
- Lé mãi cũng chán. Thiên hạ lại ghê mình nên mình có cách luyện cho hết lé.
- Cách chi mà lạ vậy?
- Là nhìn tập trung vào một điểm, lâu dần sẽ có kết quả.
- Chừng bao lâu?
- Khoảng hai đến ba năm mà phải thật kiên trì và tập trung. Cam đoan lé cỡ nào cũng hết. Khỏi đi phẫu thuật.
- Kỳ diệu vậy à?
Tôi đùa:
- Nhưng người không lé nhìn kiểu đó có khi lé thật.
Thái không biết thưởng thức câu đùa của tôi. Nét mặt không biểu cảm và đứng lên bước vào trong. Tôi nhìn khắp lượt gian phòng khách đầy vẻ sang trọng. Sàn nhà lót đá hoa màu xanh dịu. Tường màu nhạt có gắn hai con rùa bằng nhựa cứng sẫm màu. Hai con rùa bò lên lưng chừng vách tường rồi ngửa cổ trông lên. Chính giữa bộ salon, cái bàn con chưng cái bình to cắm độc nhất một hoa hướng dương to tướng màu vàng. Bông hoa nghiêng về một phía, ý chừng đang hướng dương giữa không gian cố định của bốn bức tường. Dù hoa làm bằng vải nhưng phải công nhận rất giống như thật. Kim Thái mang ra một ly nước trong veo, lạnh ngắt mời tôi uống. Tôi chủ động hỏi thăm trước bằng sự quan tâm ân cần:
- Thái vẫn còn đi dạy học chứ?
- Trước kia thì có, mười năm lại đây mình về Phòng Giáo dục huyện rồi.
- Tôi đoán không nhầm chắc bạn có cuộc sống sung túc và hạnh phúc lắm, đúng không?
Thái gật:
- Cũng được. Mình đi làm, lương hai vợ chồng cộng lại xài không thiếu. Còn hai mẫu sơri cho mướn, chia chác đủ tiền cho con ăn học.
Thái nhìn tôi:
- Hoài uống nước đi. Sao dạo này ốm quá vậy. Chồng con gì chưa, đời sống thế nào rồi?
Nâng ly nước lên tôi cố uống hai hớp. Trong đời tôi dù có lúc đói cơm nhưng tôi chưa bao giờ uống nước lạnh. Có trà hay không cũng được nhưng nước phải nóng.
Cũng may tôi là kẻ vô thần, chứ nếu tôi là tín đồ Phật giáo thì tôi sẽ đắc tội vì tôi nói với Thái rằng:
- Cám ơn Thái đã hỏi thăm. Từ ấy mình về quê lấy chồng làm ruộng mà ruộng chẳng có là bao. Hoàn cảnh mình giờ tả tơi lắm. Con sáu đứa, đứa lớn thất nghiệp, đứa nhỏ đang đi học. Ông chồng bị bán thân bất toại, luôn tốn tiền thuốc men và phải chăm sóc. Lo cho cả nhà được bữa cơm, bữa cháo đã là may. Nhiều lúc không còn đồng xu dính túi, gạo sạch hũ, chồng con nheo nhóc mình nản vô cùng. Thái ơi mình nhớ Thái lắm. Nhiều lúc định đến thăm nhưng bận bịu tối tăm mặt mũi, mãi đến bây giờ mới đi được. Nhìn bạn vẫn trẻ đẹp, sung túc mình mừng cho bạn lắm.
Thái im lặng một lúc rồi chuyển sang chủ đề khác:
- Tóc Hoài cắt ngắn rồi, đó cũng là yếu tố để mình không nhận ra.
Một cái gì bẽ bàng, chua chát trào dâng trong lòng, tôi đáp:
- Trước kia Thái chỉ mặc quần dài chấm gót, giờ gặp Thái mặc quần cụt tôi vẫn nhận ra đấy thôi. Bạn có công nhận là tôi có trí nhớ tốt không?
Mặt Thái chợt tái đi. Một người có lý lịch bị đuổi khỏi ngành Sư phạm giờ nghèo tả tơi dám đi tìm thăm người có chức sắc, giàu có lại có trí nhớ dai thì đáng ghê biết bao.Tôi còn thấy sợ cho tôi nữa là ai. Thái lặng thinh. Tôi nghe tiếng con chó gầm gừ từ sau nhà vọng lên. Tôi không biết gợi gì để hỏi bạn nên nói một câu rất vô duyên dẫu rất thật lòng.
- Mình nhớ Thái lắm nhớ những ngày còn đi học.
Có tiếng điện thoại reo, Thái bước đến bàn nghe và nói chuyện với người bên kia đầu dây. Nói khẽ và có rất nhiều tiếng vâng, dạ. Rồi Thái cúp máy trở lại ghế ngồi. Cặp đùi mỡ màng, trắng trẻo và không chảy xệ.
Tôi nhớ đến chuyện Lưu Bình – Dương Lễ. Bữa cơm với quả cà thâm mà Dương Lễ cho bạn ăn khi đã trở thành quan lại. Còn Lưu Bình nghèo khổ tả tơi. Bữa cơm đau đớn Dương Lễ ban tặng với thành ý làm bạn quyết tâm phấn đấu học hành thành quan chức như mình, một cách trả ơn Lưu Bình đã cưu mang mình lúc còn hàn vi. Dương Lễ hoàn có lý vì lúc ấy họ còn trẻ lắm, còn đầy nhiệt huyết cướp lấy khoa danh, còn hăng hái lấy ba bà vợ. Còn tôi và Thái đều vượt ngưỡng năm mươi. Đời bóng xế rồi. Một mụ già trên năm mươi với gia cảnh vừa nêu mong gì bứt phá vọt lên chiếm lấy địa vị như Thái dẫu có ban tặng một tháng ăn cơm với cà thâm. Đường lên quan của mụ là vô vọng rồi, nghẽn lối muôn đời, nên thôi, cho uống ly nước trong veo lạnh ngắt đã là phúc lớn. Thái vẫn ngồi im mắt nhìn xa vời ra hàng rào có những dây leo trổ đầy bông tím nhạt. Thà rằng Thái cứ nói chuyện văn chương như thầy Hiếu dù tôi cố tránh nói về lãnh vực này. Khen chê tràn lan nhà văn nào cũng được, đừng im lặng đáng ghê như vậy, dù trong đời tôi đã đi qua những ngày tháng đáng ghê. Đã từng thức nhiều đêm trắng, từng chong mắt đối diện với đêm để nói rằng Đêm-Không-Dài.
Thái lại phá tan sự im lặng bằng lời mời:
- Uống nước đi. Hoài uống nước đi.
Tôi nâng ly uống vơi đi phân nửa. Uống để không phụ lòng bạn đã có nhã ý mời. Tưởng chừng như tôi sẽ đáng trừng phạt biết bao nếu còn cả gan ngồi lỳ ở salon này. Cầm cái nón lá te tua tôi đứng lên:
- Mình đến thăm Thái một chút còn phải về bên ấy. Đường còn xa. Mình không có nhiều thời gian.
Thái thở ra như trút gánh nặng ngàn cân.
- Hoài đến tìm mình có việc gì không?
Tôi cười như sắp khóc:
- Chỉ có mục đích là lâu quá không gặp, mình đến thăm Thái thôi, không có việc gì khác.
Thái sốt sắng đứng lên, bước chân hướng ra cửa vừa bảo:
- Sao vội vậy? Ở lại ăn cơm với mình.
Bằng hai con mắt không lệch trái, không lệch phải tôi nhìn thẳng vào mặt Thái nói nghiêm chỉnh:
- Cơm thì ngày nào cũng ăn. Mình đã ăn chung nồi suốt bao nhiêu năm đó thôi. Bạn đừng bận tâm. Mình phải về đây.
Bước ra khỏi cổng sắt, tôi nắm bàn tay lạnh lẽo của Thái nói:
- Cho mình gởi lời chào ông xã của Thái.
Tôi vẫy chiếc xe honda ôm leo len và bảo:
- Anh cứ chạy, bao giờ tôi bảo ngừng thì ngừng.
Người đàn ông chạy xe ôm ngoan ngoãn và tốt bụng đưa tôi về đến trước cửa nhà thì trời sụp tối. Tôi trả tiền và cám ơn. Hai chân tôi muốn khuỵu trên mặt đất. Tôi ngồi bệt trên sân cỏ tưởng chừng mình vừa đi qua cơn mộng dữ. Xưởng mỹ nghệ khoá cửa. Chân không đến. Yên tâm tôi ngồi một mình. Tôi không bao giờ muốn Chân nhìn thấy tôi trong trạng thái này. Từng đợt gió đêm lạnh lẽo ùa về. Gió xoa trên mặt tôi như bàn tay người mẹ vỗ về, an ủi khi đứa con rơi ngã trên đường đời. Nhà bên người ca sĩ già lại hát bài dân ca Lý Áo vá quàng.
          Cảm giác ớn lạnh lan khắp người. Bụng dạ nôn nao. Tôi cố kìm nén đến một lúc không thể nữa. Tôi nôn thốc tháo toàn nước. Mệt lả và đau thắt ở bụng. Cuối cùng tôi cũng lê bước được đến cửa. Mở khoá. Tìm cho mình ly nước nóng. Tự ủ ấm mình bằng chăn đệm dầy. Mắt tôi díu lại. Tôi ngủ ngon lành. Giấc ngủ không bao giờ còn có chiêm bao.

PTNĐ

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MƯỜI



Gặp trên phố

Người đàn bà chừng sáu mươi tuổi, có dáng hơi đẩy đà, mặc bộ bà  ba màu gấc chín từ trong đò bước lên bến chợ. Theo sau chị là một người phụ nữ khoảng hai mươi lăm tuổi trắng trẻo và thon thả hơn. Cô mặc áo thun và quần Jean xanh bó sát. Tưởng chừng thở mạnh một chút thôi là sẽ nứt tung từng đường chỉ ráp. Người nào cũng tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Tôi đứng chắn ngang lối đi của họ. Người đàn bà sững lại nhìn tôi, nhưng cái cười của tôi làm dịu ngay vẻ vừa bực vừa ngạc nhiên của người mặc đồ màu gấc chín. Không chờ lâu tôi nói:
- Xin hỏi có phải chị Năm Nhàn không?
Người đàn bà nhanh nhẹn gật đầu và  cô gái nhoẻn miệng cười yên tâm.
- Chị ơi, em là Hoài đây, Hoài con ông Bảy Sinh. Chị nhận ra em chứ!
- Ờ nhớ rồi. Em khác quá. Nếu em không gọi chị cũng không biết.
Tôi khen thầm trí nhớ chính xác của mình.
- Đúng rồi, mọi thứ đều thay đổi. Em già đi là tất nhiên.
Nắm tay chị, tôi kéo đến một khoảng trống để tránh dòng người và xe cộ từ bến phà lên, nhưng chỗ nào cũng bùn nhớp nháp. Chị Nhàn giới thiệu với tôi cô gái đi chung là con gái út chị. Tôi mời hai mẹ con vào quán nước có cây mận để trò chuyện. Gặp lại chị Nhàn tôi mừng thật sự như gặp người ruột thịt dẫu tôi không quên lần gặp ở quê vào cái đêm mưa. Chị bảo tôi lạc hậu vì mặc áo sơ mi ngắn tay và cái quần ống rộng 40cm. Dẫu sao chị cũng đã nấu cơm cho cả nhà tôi ăn suốt nhiều năm ròng rã. Mẹ tôi đã từng tin và thương mến chị như người nhà.
Cô gái có vẻ hiền lành hơn mẹ nhưng cái môi mỏng dính và hai hàng lông mày cái dấu sắc cái dấu huyền làm tôi nghĩ đến những lời nói sẽ không ngọt ngào lắm. Ngồi xuống ghế chị Nhàn nói :
- Con gái út của chị tên là Hồng Châu. Còn đây là cô Hoài trước kia người cùng làng với mình đó con.
Tôi hỏi:
- Chị được bao nhiêu người con? Hình như lần em về chị chưa sinh cháu Hồng Châu thì phải?
- Chị có ba đứa con toàn con gái, đã lấy chồng hết rồi. Hồng Tiến có chồng được một con. Hồng Lộ lấy chồng gần nhà chưa sinh. Hồng Châu là út nhưng có chồng trước hai chị và đã có hai con.
- Chị  đặt tên cháu nghe hay quá! - Tôi khen.
Chị Nhàn cười hài lòng và nói:
- Em biết Hồng Châu là gì không?
- Em hổng rành tiếng Hán lắm chị à, giải nghĩa tầm bậy kỳ chết.
- Hồng là màu hồng. Châu là châu lục, thế giới có năm châu. Hồng Châu là châu lục màu hồng. Ý của chị là vậy đó em à.
Tôi cười a dua:
- Tuyệt quá hen chị, cái tên rất có ý nghĩa. Hôm nay hai mẹ con định đi đâu?
Hồng Châu nhỏ nhẹ:
- Dạ cháu đi học ngoại ngữ.
Chị Nhàn cho biết đã đến tuổi nghỉ hưu, chị không còn làm chủ tịch xã nữa và chuyển sang làm chủ tịch Hội Người cao tuổi. Cuộc sống ở nhà quê tạm đủ ăn. Vợ chồng Hồng Châu làm ruộng, trồng mía, chài lưới… vẫn không dư giả gì. Trong làng nổi lên phong trào xuất khẩu lao động sang Nhật, Singapore, Đài Loan… vài năm trở về thành ra giàu có, cha mẹ đổi đời. Các cô gái quê đua nhau lấy chồng Hàn Quốc, Hồng Kông, có cô cũng đem về cho cha mẹ hàng trăm triệu, cất nhà mới gọi là nhà Đài.
Vợ chồng Hồng Châu chưa đứa nào học hết lớp 9 nên không thể đi lao động nước Nhật. Tụi nó bàn với nhau chỉ có xuất khẩu lao động mới mong đổi đời. Và nó nhất định đi. Con thì gởi ngoại một đứa, nội một đứa. Chồng đi theo tàu đánh cá của Hàn Quốc. Còn Hồng Châu sang Macao giúp việc. Hôm nay chị đưa nó đến Trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Macao. Giúp việc nhà bên ấy mình phải biết một ít tiếng nước họ để gọi đúng tên những dụng cụ nhà bếp, nhà vệ sinh và sử dụng thành thạo một số máy móc bếp núc trong gia đình, những câu giao tiếp đơn giản hàng ngày. Họ qui định như vậy.
- Học chừng bao lâu vậy chị?
- Ba tháng em à. Thủ tục xong hết rồi. Mãn lớp học sẽ bay sang bên ấy.
- Hợp đồng lao động bao lâu vậy Hồng Châu ?
- Dạ ba năm. Chắc chừng xong mình mới về nước.
Tôi nói với Hồng Châu:
- Tôi trông vóc dáng em chắc làm tốt công việc nhà, nhưng ngần ấy thời gian xa con… có đủ sức chịu đựng không em?
Hồng Châu cắn môi:
- Cháu cũng không biết nữa. Mong rằng thời gian sẽ dần quen. Nhưng dẫu sao cũng cố hết sức đến mãn hợp đồng mình về sẽ có vốn kha khá để lo tương lai cho con.
Chị Nhàn hỏi:
- Lúc này em sống ra sao hở Hoài?
- Dạ nhờ trời cũng đủ cơm ăn hàng ngày. Không có gì vui cũng không có gì buồn.
- Đã có gia đình chưa?
- Nói theo mấy người ở quê là em thuộc dạng ế, quá lứa lỡ thì, nhưng thật ra do em thích sống một mình. Ai nói gì mặc kệ. Và cũng nhờ mặc kệ nhiều thứ mà em vượt qua những hàng rào tưởng chừng như không vượt qua được. Vượt qua và sống.
Trong cái nhìn của chị Nhàn, từ lâu tôi là hệ quả của ba mẹ tôi. Tôi phải gánh chịu nhiều cơ cực bẽ bàng vì người sinh ra tôi từng ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột giá trị thặng dư của người lao động. Tôi hiểu vậy và lờ đi như không. Tôi cũng không dại dột nói ra với chị thành quả lao động nhiều năm, doanh thu hàng năm ở các cửa hàng cửa hiệu khắp vùng miền và những hợp đồng  mua bán với khách hàng ngoại quốc.
Chị có con đường của chị, đi tìm tương lai đổi đời ở chân trời Macao, Hàn Quốc. Còn tôi có thể làm lại đời mình ngay tại xứ sở quê hương, trên đống tro tàn tuyệt vọng.
Nghĩ vậy thôi chứ tôi không hề hé môi. Tôi không thể phê phán suy nghĩ của ai cũng như không khuyên ai phải theo con đường của tôi.
Tôi không trả lời cũng không tranh cãi chuyện lạc hậu hay tiên tiến dạo nào mà chị lên lớp tôi về “văn hoá ống quần”. Cuộc sống sẽ trả lời mọi điều. Đầy đủ.
Tôi trả tiền cà phê và chúc Hồng Châu, một châu lục màu hồng, mai kia sang trời Macao làm tròn phận sự người giúp việc đừng bỏ về nửa chừng.
Giã từ mẹ con chị Nhàn tôi đi chầm chậm qua phố. Trời lại đổ mưa – cơn mưa cuối năm nhẹ như bay và lạnh lẽo trong cái gió bấc thổi về. Không muốn dầm mình ngoài mưa, tôi tạm trú chân dưới một hành lang rộng của ngôi nhà đóng kín cửa. Cái lạnh càng lúc càng tăng và cảm giác rờn rợn chạy suốt sống lưng. Hành lang này chỉ có tôi và một người bán chổi trú mưa. Chổi đầy ngập hai đầu gánh khuất gần hết dáng người ngồi ở giữa. Tôi nghĩ đó là người đàn bà vì thấy cái nón lá và một phần lưng áo bà ba trắng bạc phếch. Chị xoay lưng về phía tôi và nhìn xế qua hành lang nhà bên chừng như không biết có tôi đứng gần. Gánh chổi có đủ màu sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, tím, lam, chàm, lục, cả những màu lơ lớ pha trộn, chẳng thể gọi đúng tên là màu gì. Đó là những cây chổi ni lông và chổi lông gà. Tôi cầm một cây chổi hỏi mua. Không quay lại, người bán bảo cây nào cũng có giá năm ngàn. Thực ra hỏi mua cũng là để gợi chuyện chứ tôi chẳng có nhu cầu. Tôi trả tiền. Chị xoay lại nhận. Tự nhiên tôi cảm thấy cơn ớn lạnh sống lưng càng lúc càng tăng. Đó là một khuôn mặt không thể định được tuổi tác. Có thể trên ba mươi hay hơn. Nhìn một lúc cũng có thể nghĩ trên bốn mươi. Gương mặt xương xẩu và xanh xao của người đàn bà như vừa đau mới dậy. Và chị rất gầy, có lẽ gầy hơn tôi nhưng thấp hơn nên ít có vẻ lỏng khỏng. Một bên mặt chị có cái bớt son trải dài từ mí mắt đổ xuống gò má dài đến tận càm. Cái bớt son này trông quen lắm và khuôn mặt cũng rất quen. Tôi không làm sao nhớ nổi đã từng gặp người này ở đâu. Trí nhớ lần này nó phản tôi thực sự mà trước đó tôi vẫn tự hào. Tôi  lân la:
- Nhà chị ở gần đây không?
- Xa lắm!
- Số chổi này chị bán hết trong ngày không?
- Lúc hết lúc không.
- Chị tự làm để bán hay mua lại của người khác?
- Tự làm.
- Chị buôn bán thế này đủ sống không?
- Ăn uống chẳng bao nhiêu, bán cho vui.
Chị quay quắt lại nhìn tôi bằng cái nhìn trong veo, thăm thẳm, nói câu nhẹ hều như gió mà ẩn chứa trách móc:
- Mua một cây chổi mà hỏi chi nhiều vậy?
- Vì tôi thấy chị quen lắm mà không nhớ ra.
Vẫn giọng nói nhẹ như gió và cái miệng rộng, làn môi mỏng tím tái như người đang lạnh hơi mỉm cười có chút thân ái:
- Phải, vừa quen vừa lạ!
Gì mà ghê vậy. Cơn ớn lạnh làm tôi không đủ can đảm la cà hỏi chuyện nữa và cầm cây chổi đi thẳng ra ngoài trời đang mưa, quên cả chào.
Về tới nhà tôi bị sốt cao và đầu nhức như đinh đóng. Cái cười bí hiểm của người đàn bà bán chổi thỉnh thoảng lại lảng vảng trước mặt. Cái bớt son chiếm gần hết một bên má. Là ai vậy?
Tôi vẫn hay tủi buồn khi gặp người quen ngày trước, những người lâu ngày không gặp luôn hỏi tôi là ai, từ đâu đến. Cứ phải tự nhiên giới thiệu về mình với người quen cũ tôi nghe buồn đến não lòng. Tưởng như mình đang sống một kiếp khác mà nhờ sự nhầm lẫn nào đó của tạo hóa hay một quan lại thiên đình phụ trách khâu cháo lú đã thờ ơ bỏ sót, nên mình mải nhớ về kiếp trước rõ ràng.
Những dòng suy nghĩ miên man bất chợt loé lên hình ảnh người bạn nhỏ trong giấc mơ thời thơ ấu. Con Gừa - đứa bạn luôn mặc quần áo cũ kỹ, rách rưới, gầy gò, xanh xao, đã từng chơi rất thân với tôi bên gốc vườn có cây gừa. Đứa bạn rất hay đói bụng và làm thiu nồi cơm mà tôi nhiều lần bị mẹ mắng oan. Con Gừa nó có bớt son bên má như người đàn bà bán chổi tôi gặp trên phố bữa trú mưa.
Con Gừa đã từ giã tôi đầu thai làm người sau khi đã bắt chết thằng bé bụ bẫm bên xóm. Tôi đã trách móc nó và lần cuối cùng gặp nó đến giã từ tôi bằng vẻ mặt buồn buồn. Muốn làm một kiếp người mới phải giết chết một mạng người và mang vẻ mặt buồn buồn u ám thế kia ư? Câu hỏi tôi không trả lời được và không dám nói với ai. Sau này tôi không còn có thể chiêm bao được nhưng tôi vẫn nhớ mãi con Gừa trong giấc mơ từ thời thơ bé.
Người đàn bà bán chổi có gì liên đới với con Gừa. Vẫn dáng vẻ xanh xao gầy gò, có bớt son choáng một bên má. Cười mà vẫn không thấy vui. Giọng nói thì thào như gió.
Nhiều ngày tôi lang thang trên phố đi chậm, để tâm quan sát tìm kiếm người đàn bà bán chổi hôm nào. Con hẻm nhỏ. Đầu đường. Đầu chợ. Trên hành lang nhà ai đóng cửa. Không bao giờ tôi còn gặp lại. Tôi thành tâm cầu nguyện nhưng chỉ nghe cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng.

ĐÊM KHÔNG DÀI


Phần 2 -  Cơn bão đi qua

Trong lịch sử Bến Tre chưa từng có cơn bão lớn quét như vậy. Hoang tàn đổ nát.
Hàng nghìn ngôi nhà bị sập, bị tốc mái. Cây lâu năm lật nghiêng như một tai nấm rơm để ngửa. Bạch đàn cỡ bốn tay người gió vặn vẹo như mảnh vải ướt. May mà sức gió xoáy không đi qua thị xã nên nhiều nhà nội ô không hề gì. Chỉ có vùng nông thôn và các huyện miền biển thiệt hại nặng. Gió cấp 12 giật trên cấp 12. Gió như chàng trai tráng kiện và điên khùng quăng quật tàn phá mọi thành quả lao động của con người cho thoả cơn điên. Nhiều người chết, người bị thương vì cây ngã, nhà sập, điện giật. nhiều người bỗng chốc hoá ra không nhà, nhiều đứa trẻ bị mồ côi vì cha mẹ bị chìm ghe ngoài biển khơi. Đến khi chàng trai sung mãn, điên khùng chạy từ tỉnh này sang tỉnh nọ, tuốt ra vịnh Thái Lan thì dân trên đất liền mới hoàn hồn đôi chút.
Cái cảnh không còn mái nhà trên đầu giữa trời mưa gió, ăn ngủ ngoài trời không có gì khổ hơn. Nhất là hộ nghèo ngày càng thê thảm. Nhiều đoàn người từ các nơi tìm về địa phương bị thiệt hại sau bão để cứu trợ tiền nong và quà cáp. Chính phủ ban hành chủ trương cứu trợ khẩn cấp từ tiền công quỹ, không để dân đói.
Tôi cũng thu xếp lên đường về những nơi ấy. Từ lâu lòng tôi đã lạnh. Tôi không bóc lột, lợi dụng ai. Sòng phẳng. Rõ ràng. Không gian lận. Sản xuất kinh doanh có lời. Không cần phô phang, quảng cáo hay trình diễn. Âm thầm làm việc hết sức mình. Tôi không cho không ai một cái gì. Tôi chưa hề yêu ai trọn vẹn. Nhưng đứng trước những con người không nhà, không cơm ăn sau cơn cuồng phong thảm khốc, tôi nhớ đến ba mẹ, nhớ đến phận tôi dạo nào. Tôi hào phóng cầm tiền biếu tận tay. Chính xác những con người thật sự cần giúp đỡ. Không cần họ biết tôi là ai, là từ đâu đến. Bởi đồng tiền đó tôi kiếm  được bằng chính đôi tay của mình tôi biếu tặng lại cái quá khứ đau thương của tôi, của ba mẹ tôi chứ không ai khác. Họ là hình ảnh chợt hiện ra ở vùng ký ức tạm lắng sâu trong lòng nhưng không phôi phai.
Những người nhận tiền cảm động rưng rưng nước mắt, bao giờ họ cũng nói :
- Cám ơn lòng tốt của bà. Cám ơn từ tâm của chị. Thật đội ơn.
Tôi im lặng, phác một cử chỉ không muốn họ nói thêm nữa. Thật ra tôi không từ tâm, không tốt. Tôi vì tôi. Họ càng nói tôi càng xấu hổ mà thôi. Tôi muốn mọi việc phải gọi đúng tên, không nguỵ tạo, xi mạ, lập lờ. Nhưng tôi muốn im lặng. Không lắm lời.
Đến xế trưa tôi nghe đói. Vào quán nước chợ xã, gọi ly café đen rồi lấy bánh mì đem theo ra dùng bữa. Có hai thanh niên khoảng dưới ba mươi ngồi bàn trong cùng, một người áo xanh, một người tóc dài. Họ có vẻ vui và thoải mái như cơn bão chưa từng viếng thăm địa phương của họ. Họ gọi café đá và thuốc Jet. Người áo xanh đưa cho người tóc dài một xấp tiền nói:
- Phần mày! Tao với mày cưa hai.      
Những tờ Polime xanh lét bay phập phồng bị níu lại bởi cộng thun ràng ngang. Cô gái chủ quán to béo mặc bộ đồ bằng thun màu xanh lục bó sát. Nhìn cô giống như con sâu đậu rồng. Cô đanh đá nói :
- Tụi bây làm gì có tiền nhiều vậy ? Trả nợ tao nghe chưa?
- Trả thì trả chứ làm gì dữ vậy bà nội. Dư sức.
Cái cười làm gương mặt cô bạnh ra với hàm răng trắng ởn:
- Nè tụi bây trúng mánh hả? Làm cái gì có tiền nói tao nghe với.
Hai người thanh niên cười hề hề:
- Nói bà nghe bà đừng bép xép với ai tui mới nói.
- Ừa, tao hứa.
- Bà có biết 10 con cá sấu ở trại cô Am sổng chuồng hôm bão không?
- Ừa tao có nghe. Cây ngã đổ làm sập chuồng rào nó sổng đi nhưng nghe nói bắt lại đủ rồi mà.
Anh thanh niên tóc dài trề môi.
- Bà thấy bắt lại đủ không hay nghe nói. Thì chính tụi tui nói chứ ai. Tôi đi la cà khắp nơi la ầm lên là cá sấu đem về được rồi để trấn an dư luận và con mắt chính quyền. Cô Am đã bí mật mua 10 con cá sấu từ chỗ khác đem về đó bà ơi!
- Nhưng hai thằng bây mắc mớ gì đi rêu rao làm chi ?
- Sao bà ngây thơ cụ quá vậy? Cô Am đưa tụi tui 2 triệu để mướn đi rêu rao chứ không ai rảnh nghen.
- Trời đất ơi, 10 con cá sấu sổng ra bơi tự do. Dân chài lưới trên sông mà gặp cá sấu đói mồi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
- Tụi tui đâu có biết. Đó là chuyện người khác. Tụi tui chỉ nói mướn ăn tiền thôi, bà mà bép xép là chết nghe.
Tôi thấy buồn cười. Người ta thuê anh làm cái loa tuyên truyền cho một sự thật cần che đậy mà chưa gì đã bể toè loe, trong khi tiền đã lấy.
Tôi bắt chuyện cô chủ quán:
- Xã mình sau bão thiệt hại nhiều không em?
Cô cởi mở:
- Nhiều chứ chị. Nhà sập và tốc máy đến 70%, còn hoa màu thì chưa tính. Cá tôm nuôi trong vuông cũng bể bờ ra nhiều. Nhưng nhà sập là nhà nghèo, nhà giàu kiên cố không hề gì.
- Chị nghe nói nhà nào có thiệt hại vì bão thì được nhà nước sửa chữa, cũng đỡ khổ hả em?
- Thì cũng có nhưng nhiều chuyện xảy ra buồn cười lắm chị à. Mà chị ở đâu tới vậy ? - Cô tỏ ra e dè.
- Chị đi thăm người em có chồng ở xã gần biển về ghé qua đây.
Cô chủ quán tỏ ra dạn dĩ hơn.
- Khi nghe đài báo nhà nước sẽ cứu trợ nhà sập là 5 triệu, nhà tốc mái 2 triệu. Có ngưới nhà tốc mấy miếng tôn họ xô cho sập luôn để nhận tiền. Nhiều người nhân cơ hội này để đền ơn đáp nghĩa cá nhân. Chẳng hạn nhà không có gì họ lên danh sách sập, rồi kéo thân thích vào để dự phần. Bởi vậy hôm nọ người ta kéo đi khiếu nại cả trăm người. Ra đường đón xe, có xe nào dám chở. Tiền cứu trợ cho người khổ nạn mà thiên hạ còn xà xẻo, hổng biết tiền gì họ chẳng xài nữa! Cho nên bão qua rồi có người mừng có người buồn.
Vài bà sồn sồn bước vào quán mua vài món lặt vặt gì đó và ghé xuống ghế buôn chuyện tiếp. Hai thanh niên đứng dậy rút êm (chắc là đến đám đông nào đó tiếp tục làm cái loa cho người làm sổng cá sấu). Nghe như vậy là quá ngưỡng chịu đựng của tôi rồi. Tôi trả tiền và vẫy chiếc honda.
Về đến nhà trước khi trời đổ cơn mưa. Thật may. Cúc Phương con gái chị Liễu đi học về tới. Cháu đã dọn đến ở mấy ngày nay. Tôi bố trí cho Phương một phòng nhỏ ở tầng dưới, xưa ba mẹ dành cho khách qua đêm. Tôi bảo cháu muốn ăn gì cứ nấu tự do, đừng lo gì cho tôi. Sự học là hàng đầu. Ở tuổi cháu, các thứ là phụ.
Tôi hỏi:
- Cúc Phương này, cái trạm bơm hồi ấy bây giờ ra sao cháu?
- Dạ họ cũng đào kênh dẫn nước, làm trạm bơm nhưng được vài năm không thấy hoạt động nữa. Cỏ mọc lan tràn, nước tù đọng. Còn con kênh thì cạn queo, thiên hạ ban ra trồng chuối rồi cô à.
- Khôi hài quá hả? Lúc mới bắt đầu làm, chắc cháu mới sinh chứ gì?
- Dạ, mẹ cháu nói vậy. Nghe người ta nói rằng người kỹ sư du học về lấy cô Hào ở làng mình đẻ con mà không nhìn nhận. Ổng bị kỷ luật đổi đi mất rồi. Con nhỏ Hoá hồi nhỏ học chung với con. Giờ nó kết hôn với ông chồng Đài Loan hơn nó ba mươi tuổi.
Tôi lấy chìa khoá nhà giao cho Cúc Phương một cái để mở cửa lúc tôi đi vắng. Bật tivi xem. Thấy đang truyền đi chương trình buổi lễ tôn vinh doanh nhân thành đạt. Rất nhiều VIP sang trọng. Trang trọng. Chững chạc. Nhiều hoa. Nhiều diễn văn và nhiều lời xưng tụng. Họ là những người có đầu óc kinh doanh giỏi, biết làm giàu nhanh chóng. Sử dụng lao động trong nước làm ra sản phẩm giao dịch buôn bán với khắp các nước trên thế giới. Môi trường và tầm cỡ kinh doanh của họ rộng lớn gấp nhiều lần cơ ngơi ba mẹ tôi. Nếu thử so sánh thì ba mẹ tôi là cò con. Tôi bật sang kênh khác thấy chương trrình biểu diễn thời trang với nhiều dáng đi khó hiểu. Rà sang kênh khác tôi thấy mấy con khỉ (sống) mặc quần áo lạ mắt chạy xe đạp, chạy tíu tít, rối rít cả bầy đàn. Chó đi hai chân như người. Anh hề úp mặt vào bánh kem làm xiếc hòng mua lấy nụ cười hứng khởi ở người xem. Anh hề vừa biến đi, chương trình dự báo thời tiết hiện ra với công điện khẩn, chuẩn bị tránh bão. Có một cơn bão đang hình thành ngoài biển Đông với cường độ rất mạnh, đồng thời đang có luồng không khí lạnh từ phương Bắc tràn về có thể làm cường độ bão mạnh thêm thành siêu bão. Đường đi và diễn biến của bão rất phức tạp, khó dự báo chính xác. Thông tin về cơn bão sẽ được cập nhật từng giờ để nhân dân cảnh giác, theo dõi.
Lại là cơn bão. Bão sẽ ghé về đâu. Ai buồn, ai vui? Ai còn sống, ai sẽ chết? Sự đời chưa nói trước được cái gì?

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG CHÍN 

Phần 1 Người trung tính

Hai mươi năm qua trong cái nghề làm đồ chơi, nhặt lấy những thứ bỏ đi của cây dừa để làm hàng mỹ nghệ, đem bán khắp các tỉnh trong nước và nhiều nước trên thế giới, công ty chúng tôi mở mang và phát triển ngày càng lớn rộng. Chúng tôi có thể làm 500 mặt hàng từ cây dừa. Thành quả lao động và tâm huyết của chúng tôi được đền đáp xứng đáng ngoài sự mong chờ. Chân muốn ở lại lâu dài trên đất Bến Tre nên mua một miếng đất gần sát công ty để cất nhà riêng. Sau giờ làm, anh về bên ấy nghỉ ngơi. Thuận ở lại một mình vừa trực đêm ở công ty. Thuận còn báo trước nếu lấy vợ sẽ ở riêng chứ không trực công ty nữa.
Số tiền doanh thu tôi chia cho Chân dư dả để anh xây căn nhà khá đẹp dù anh xài rất đoảng. Anh không phải nuôi ai. Cha mẹ và các em đã theo diện H.O từ những năm trước. Thỉnh thoảng còn gởi quà về.
Hai mươi năm làm nghề tôi tích luỹ được số tiền lớn. Tôi không sắm vàng, kim cương như mẹ. Không cất nhà đẹp như Chân. Tôi ở căn nhà gỗ có gác, bốn bề có hành lang lộng gió. Ở một mình, vậy là tuyệt. Không có ý định thay đổi gì nữa. Tôi cần kiệm hơn Chân. Tài sản tôi để một nơi bí mật mà tôi không đủ tin ai để tiết lộ. Bây giờ nếu mỗi ngày tôi xài một triệu thì sau năm mươi năm nữa tài sản tôi vẫn còn. Là nói con số hiện tại. Chứ nếu tôi còn làm việc thì con số thu sẽ tăng lên.
Ngày ấy có lần tôi nói với Chân: Tôi yêu mỗi người một chút, chỉ hơi yêu yêu chứ không trọn vẹn một ai. Nhưng đến bây giờ thì tôi không còn có thể yêu ai được nữa. Cái tưởng chừng yêu lúc trước chỉ là ngộ nhận. Chính xác là không. Tôi nhìn đàn ông giống như đàn bà, không có cảm xúc gì đặc biệt. Tôi thành người trung tính. Tôi lạ lẫm thấy thiên hạ ràng buộc đời nhau bằng tình cảm và trách nhiệm nặng nề.
Còn Chân không biết nghĩ sao cặp bồ với nhiều phụ nữ trẻ đẹp. Cứ như anh bỏ bùa mê thuốc lú hay sao. Có nhiều người về sống chung như vợ chồng một thời gian rồi đi. Không cô nào ở được một năm. Họ cũng không con cái. Tôi tôn trọng tự do cá nhân, tôi không dám hỏi và cũng không có ý kiến gì.
Nhưng một hôm nhân lúc Chân vắng nhà, cô người yêu của Chân nói bóng gió với tôi rằng cô hãnh diện vì chiến thắng tôi, rằng cô chiếm đoạt được trái tim của Chân.
Tôi chỉ cười thương hại:
- Nếu tôi mà yêu được Chân thì không đến lúc em vào được đây.
Chuyện như trò hề. Trẻ con. Gặp Chân tôi kể lại. Chân im lặng không đáp, cũng không thanh minh. Hôm sau không thấy cô gái ở đó và mãi mãi. Nhưng rồi cũng có người khác đến. Bùa ngải trong cái cười ngạo mạn, trong cái phớt đời của người đàn ông không còn trẻ nữa. Phải. Bây giờ Chân đã hơn năm mươi rồi.

*
 *       *

Thoắt thấy Chân đi qua, tôi vẫy anh lại và hỏi :
- Tuần sau, thứ hai anh có rảnh không?
- Chi vậy ?
Tôi đưa thư anh Tấn gởi cho Chân đọc. Anh Tấn bảo vừa gặp rắc rối. Anh đang làm cái công trình nghiên cứu sử thi Tây Nguyên (Anh có nguyện vọng làm nhà nghiên cứu văn hoá dân gian). Chẳng hiểu sao có người kiện anh ra toà vì vi phạm bản quyền. Người ta cho là tư liệu trong luận văn của anh là đánh cắp.
Tôi nói với Chân :
- Không biết thực hư thế nào. Tôi vốn sợ chỗ đông người, anh Chân làm ơn dự phiên toà dùm. Dù sao anh Tấn cũng cần có chúng ta bên cạnh.
Chân gật đầu đồng ý, im lặng đi vào công ty.
Ngồi lại một mình tôi tự kiểm, không biết tôi có lỗi gì hay không, có góp phần vào con đường “xào tác” chứ không “sáng tác” của anh Tấn không. Những bài thơ cóp nhặt từ muôn bài, chằm vá dạo nào mà tôi hết lời khen để anh vui. Nếu tôi thẳng thừng chỉ ra sợ anh buồn. Mà tôi thật sự không muốn thấy anh buồn dù đôi khi tôi cố ý chọc phá anh làm niềm vui.
Chuyện này chắc chị Cương – bà hiệu trưởng – rất lo lắng đây. Chị đã quyết lòng chung sống với anh và thề rằng không để anh rơi vào tay người đàn bà khác. Phúc đức cho anh.
Chưa đến thứ hai, anh Tấn đến. Anh không vui, không buồn nhưng trông chững chạc và có phần già đi. Tôi hỏi anh :
- Sao rồi ?
- Yên rồi. - Anh bình tĩnh đáp - Nghĩa là phía bên kia người ta bãi nại. Chị Cương đã nói chuyện với họ. Chỉ là hiểu lầm nhỏ thôi. Có thể thảo luận hai bên đi đến kết thúc êm đẹp. Không cần rùm beng phán xử.
Tôi thở phào. Yên rồi. Thế là mừng. Là không ai khó dễ rắc rối. Biết vậy là đủ. Tôi không muốn hỏi thêm chi tiết, tình tiết. Mệt mỏi.