Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG TÁM

Sau món quà con khỉ khô

Dọn dẹp trong nhà xong, tôi làm cỏ chung quanh sân. Nhiều cỏ dại mọc sau hè, cây mắc cỡ đầy gai và một số dây leo len lỏi xoắn xuýt lên vách lá. Toàn bộ không gian này tôi sẽ giao cho chú cháu Chân. Một phần rộng để chứa nguyên liệu sản xuất, đó là miểng gáo, dừa điếc, thân dừa, lủ khủ nhưng không mất nhiều tiền mua. Một phần ngăn lại làm phòng ngủ cho hai người và phía sau để nấu ăn. Chú cháu sẽ tự nấu ăn hàng bữa. Tôi ở riêng biệt bên nhà có căn gác gỗ. Tôi sẽ nấu ăn một mình không chịu trách nhiệm về bữa ăn của ai cả. Tôi có thể đem đồ ăn cho Chân nếu tôi thích – còn không thì thôi. Vui thì nấu ăn, còn buồn hay lười thì nhịn đói hay ăn quấy quá cho qua cơn đói. Không vướng bận điều gì cả - tự do tuyệt đối. Tôi sẽ qua xưởng làm việc với chú cháu Chân những gì tôi có thể làm được, rồi mang sản phẩm đi chào hàng, ký gởi. Mọi chi phí thu xuất tôi ghi rõ ràng trong sổ đưa cho Chân xem. Việc gì cũng phải sáng tỏ, sòng phẳng không nhập nhằng, lờ mờ.
Chân đem toàn bộ những dụng cụ đồ nghề mà trước kia dùng trong việc làm mõ. Tôi đùa anh:
-Giải tán cái nghề làm mõ là hợp lý lắm rồi, vì nó không có triển vọng. Anh có thấy vậy không, một nhà sư sử dụng một cái mõ có khi hết đời vẫn còn tốt. Số người mới vào nghiệp gõ mõ hàng năm tăng lên không đáng kể, hiếm lắm. Đến một thời gian sẽ bảo hoà và dừng lại. Còn đồ trang trí nội thất, đồ chơi có tính thời thượng luôn luôn mới, lạ. Ta sẽ luôn luôn cải tiến, sáng tạo không ngừng làm bắt mắt người mua. Nói cách nào đó thì người thưởng ngoạn vui chơi ngày càng nhiều và cõi tu hành vắng vẻ hơn.
Chân nói:
- Tôi sẽ cố nghĩ ra những tác phẩm mới mới một chút hoặc đã có trong dân gian, hoặc đâu đó nơi này nơi kia. Tôi có thắc mắc này sao Hoài không tiện thể cho chú cháu tôi góp gạo nấu cơm chung đỡ mất thời gian, chứ không phải tôi không biết nấu cơm. Trước đây, về vườn, một mình một chòi tôi vẫn tự nấu ăn đó thôi.
Tôi nghiêm nghị :
- Tôi không thể chấp nhận đề nghị đó được vì tôi chỉ nấu ăn cho mỗi tôi thôi. Nấu cho người khác dù dễ tính đến đâu cũng phiền phức không ít. Thà từ chối trước tốt hơn.
Anh Tấn nhiều lần đến chơi xem qua xưởng mỹ nghệ của chúng tôi lấy làm thích lắm. Gọi là xưởng cho oai vì biên chế nhân sự chỉ có 3 người: chú cháu Chân và tôi. Anh ngắm nghía trầm trồ con đồi mồi bằng miểng gáo, rồi bông hồng, gian nhà rông thu nhỏ, muỗng, vá, đũa cái, đũa con, túi xách, túi mang đủ cả. Phong phú lắm. Anh động viên chúng tôi nên phát huy mặt hàng mỹ nghệ xứ dừa. Anh Tấn mua một bộ đồ trà gồm một mâm rộng đựng cái bình trà bốn cái dĩa lót bốn cái tách. Tất cả bằng thân dừa già. Anh mỉm cười với từng vân gỗ lác đác giữa lớp gỗ mềm màu vàng nhạt. Anh đặt 10 bộ y như thế hẹn tháng sau đến nhận. Tôi hỏi anh mua làm gì nhiều vậy? Anh đáp :
- Mua tặng ba má nuôi và nhà lãnh đạo.
- Lãnh đạo anh có nhiều không?
- Một trưởng, một phó phòng, một giám đốc sở và hai đồng nghiệp.
- Như vậy hết 5 bộ. Còn 5 bộ anh tặng ba má nuôi hết hả?
- Ừa!
- Ba má nuôi ở đâu mà nhiều vậy?
Anh ngập ngừng :
- Thì ai tuổi tác cao, yêu thương mình, giúp đỡ mình tận tình thì mình gọi là ba má nuôi vậy. Mà đời anh đã có ai là ba má ruột của mình đâu.
Tôi thoáng nghe xót xa. Nếu ở hoàn cảnh của anh, tôi sẽ dễ thông cảm với anh hơn. Nhưng riêng tôi trên đời tôi chỉ gọi ba mẹ là người sinh thành ra tôi thôi. Tôi không đủ hào phóng để dùng tiếng gọi ba mẹ cho người khác. Tiếng ấy nó thiêng liêng vô cùng. Còn nhớ ngày ba mẹ tôi lâm bệnh nan y. Nếu phải chết đi để ba mẹ còn sống trên đời, tôi sẽ không từ chối. Nhưng lời cầu nguyện đó đã không được trời chấp nhận. Một người dưng nước lã tự nhiên gọi ba mẹ ngang hông chẳng biết anh Tấn có sẵn sàng chết thay cho họ được chăng? Với đội ngũ cha mẹ nuôi đông đúc vậy, cái mạng duy nhất của anh làm sao mà chia sẻ.
Tôi im lặng với ý nghĩ ấy. Anh Tấn là anh Tấn. Tôi là tôi. Tôi không dễ dàng chấp nhận cái gì để không phải dễ dàng từ bỏ nó.

*
*      *
Tôi đem sản phẩm làm ra đến cửa hàng bán lẻ. Lân la với mấy bà bạn hàng để tìm hiểu tình hình mua bán, chuyển biến của thị trường. Lúc này đã có chủ trương mở cửa nên du khách nước ngoài đến Việt Nam khá nhiều. Họ đi khắp nơi trong phố chợ, la cà các cửa hiệu để mua những món hàng lạ mắt đem về nước, phần lớn là đồ chơi. Những chiếc nhẫn bằng gáo dừa hoặc kẹp tóc hình con bướm, cái bông, họ đều lấy làm thú vị. Họ gợi ý và đặt mua cái vòng đeo cổ bằng những miểng gáo dừa tròn nhỏ, kích cỡ bằng hạt me khô, xâu thành chuỗi dài đến bụng. Người bán hàng bảo đó là một du khách Nhật muốn mua 10 chiếc vòng đeo cổ quy cách như vậy, hỏi chỗ chúng tôi có thể làm xong trong vòng một tuần lễ không. Nếu được họ sẽ trở lại mua sau khi hoàn tất một vòng tua. Tôi đồng ý ngay mà chưa qua hội ý với Chân. Tôi sẽ thuyết phục anh sau.
Giữa bốn bề vật liệu, bụi bặm và tiếng ồn, tôi nói với Chân:
- Mình có thể dừng lại số hàng đang làm không, tôi nghĩ chẳng bị động gì đâu.
Chân gỡ khẩu trang ra, nhướng mày hỏi:
- Chi vậy? Hoài định đi du lịch hả?
- Người ta đi du lịch thì có. Chuyện là có du khách nước ngoài đặt mua 10 sợi dây đeo cổ. Họ sẽ trở lại nhận đúng một tuần nữa. Giá cả có nhỉnh hơn bình thường một chút nhưng không quan trọng mà quan trọng hơn cả là ta có cơ hội giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, tạo lợi thế về thị trường sau này. Chân nghĩ sao? Nếu làm không kịp, tôi và anh sẽ làm thâm đêm, cố gắng cho xong.
Chân có ưu điểm là say mê công việc. Khi bắt tay vào là anh như nhập đồng, quên cả ăn nói gì đến nấu. Đứa cháu bao giờ cũng tự động làm cơm. Hai người đàn ông độc thân ăn cơm sơ sài. Ăn để sống chứ không để ngon. Tôi thường mang thức ăn qua cho hai chú cháu, nhưng không làm cơm dùm. Tôi đã nói trước rồi. Làm việc với Chân cũng thú vị nhưng tôi mang riêng ra một chỗ làm cách xa Chân bảy mét. Khoảng cách an toàn để khói thuốc không bay đến. Không phải tôi sợ chết sớm vì hít khói thuốc mà vì tôi không chịu nổi. Tôi sẽ ho sặc sụa, sẽ buồn nôn và không thể làm việc. Mà Chân thì hút thuốc liên tục và không có ý định giảm hay cai. Âu cũng là tự do cá nhân.
Hai tháng đầu tôi lấy tiền túi trả lương cho Thuận - cháu Chân - vì số hàng ký gởi chưa bán được, chưa thể tính toán lỗ lời. Và ứng cho Chân số tiền chi tiêu lặt vặt. Sau này sẽ trừ vào phần chia lời.
Chúng tôi làm xong 10 sợi dây chuyền mất 4 ngày, thời gian nhanh ngoài dự kiến của chúng tôi. Vì làm hàng loạt từng khâu ráp lại sẽ rút ngắn thời gian hơn một sợi dây với đủ mọi công đoạn. Phải bái phục phương pháp sản xuất của Taylor nâng cao sản lượng. Tính chi thu các khoản, chúng tôi vui mừng vì thấy có lời. Nếu khách hàng đặt 100 hay 1000 sợi dây chuyền thì sẽ có khoản lời khá hơn. Chúng tôi nghĩ ra sản xuất hàng loạt. Thí dụ làm 200 con rùa sẽ bỏ khắp các cửa hàng trong khu vực. Số miểng gáo cắt bào cho từng chi tiết sẽ để từng hộc riêng như hộc thuốc bắc. Đến khi lắp ráp thành con rùa hoàn chỉnh ta chỉ việc bốc từng mảnh như thầy lang bốc thuốc. Hoặc làm con công con phụng cũng vậy. Đó là kinh nghiệm đầu tiên chúng tôi rút ra được. Đến tháng sáu cộng sổ chúng tôi lời được một triệu, tôi và Chân mỗi người được năm trăm ngàn. Năm trăm ngàn cho sáu tháng làm việc sẽ thua Thuận, bởi lương Thuận mỗi tháng là ba trăm ngàn. Sáu tháng Thuận có một triệu tám. Nhưng chúng tôi vui vì bước đầu như thế là thuận lợi rồi, có triển vọng rồi, không phải lo giải tán công ty, hồn ai nấy giữ nữa. Một ngày kia số lời của chúng tôi sẽ tăng nếu đà sản xuất mở mang rộng lớn nữa, còn Thuận vẫn đồng lương cố định. Tôi bàn với Chân:
- Hay là mình thu thêm người làm. Bước đầu mình dạy người ta làm vẫn trả lương. Sau đó thuần việc sẽ tăng lên. Theo tôi nghĩ họ sẽ chế tạo ra những công đoạn đơn giản theo mẫu mã, còn khâu lắp ráp và hoàn chỉnh mình sẽ tự tay làm.
- Cũng được, nhưng thu người ít thôi khoảng 5 hoặc 6 là nhiều. Đông người tập trung một chỗ sẽ bất lợi nhiều thứ. Tôi sẽ về bên quê đặt những người khéo tay, có thời gian rỗi đồng áng, họ sẽ tranh thủ làm. Tôi biết nhiều người rải rác trong dân gian rất khéo tay. Ta chỉ đặt họ làm công đoạn thôi. Tiền thù lao thoả đáng. Ta nhận về và hoàn tất công việc sau cùng.
Chân làm tôi ngạc nhiên vì cách nghĩ và tính toán trong công việc vừa có lợi đôi bên.
Sau dó chúng tôi nhận đơn đặt hàng của các cơ quan tỉnh có nhu cầu tặng quà lưu niệm cho các cơ quan tỉnh bạn hoặc khách ngoại giao ngoài nước. Người Bến Tre tặng quà lưu niệm mỹ nghệ xứ dừa. Những lúc ấy dù bận rộn cách gì chúng tôi cũng cố đáp ứng nhu cầu, không bỏ qua cơ hội. Đó là dịp quý báu công ty chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình.
Tròn một năm, chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng của các tỉnh bạn nhận làm đại lý giới thiệu sản phẩm, ở khu vực đồng bằng và vài tỉnh ở miền Trung. Đồng thời số vệ tinh (hộ nhận làm công đoạn) cũng ngày một tăng lên. Tôi cộng sổ thấy tiền lương tháng gấp nhiều lần Thuận, nhưng nó nằm trong số hàng sản xuất chưa thu được tiền từ các cửa hàng.
Chị Hai Liễu vẫn thường ghé qua chỗ chúng tôi chơi. Hôm ấy chị đưa đứa con gái nhập học trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và tìm nhà ở trọ. Tôi bảo :
- Chị để cháu ở đây với em. Em sẽ cho cháu chiếc xe đạp cũ để đến trường. Nhà rộng mênh mông chỉ có mình em. Ngoài giờ học cháu muốn tham gia xưởng mỹ nghệ thì xin mời, làm tuỳ sức. Em hứa không bóc lột giá trị thặng dư quá đáng đâu.
Chị Liễu vỗ vai tôi thật đau và cười ngất :
- Được vậy quý quá rồi còn gì bằng.
- Em sẽ chỉ dạy cho cháu quen việc. Lờ khờ như em còn làm được, huống chi trẻ khoẻ thông minh như cháu.
Con chị Hai Liễu tên Cúc Phương. Cháu trông có vẻ ngoan và hiền, chăm học. Tôi mê kiểu người như vậy mặc dù tôi không ngoan và hiền hậu gì.

*
*     *

Chúng tôi đóng cái kệ lớn chiếm hết bề rộng của bức vách và cao gần hai mét có nhiều ngăn. Trong ấy chứa đủ loại sản phẩm mỹ nghệ. Sau thấy không đủ lại làm thêm ba cái nữa, lúc này công ty chúng tôi có hơn 300 loại sản phẩm. Có những loại mình sáng tạo ra nhưng cũng có những loại mình không bao giờ nghĩ đến như có một khách hàng từ  Nam Mỹ đến đặt 5000 chiếc váy phụ nữ làm bằng gáo dừa. Những mảnh gáo dừa được làm vuông góc cỡ bằng hột me kết dính với nhau bằng sợi dây mỏng mịn thành một mảng rồi làm tròn lại như một chiếc váy bằng vải. Tôi hỏi thế bên trong có lót lớp vải nào không. Họ trả lời không. Thật buồn cười. Nhưng chúng tôi vẫn nhận làm vì mình sản xuất đâu phải theo ý của mình mà cho khách. Nghe nói có xưởng mỹ nghệ Bến Tre người chủ từ chối đơn đặt hàng của khách Mêhicô là đồ tắm bằng gáo dừa. Không phải khó khăn đến mức không làm được nhưng thấy nó kỳ kỳ sao đó nên thôi.
Một hôm anh Tấn đến chơi, thấy chúng tôi làm ăn phát đạt anh tỏ ra mừng. Tôi hỏi :
- Dạo này anh không tặng quà cho chị nuôi, em nuôi, anh nuôi nữa sao ?
- Những người ấy anh đã tặng xong rồi. Giờ anh tìm quà có ý nghĩa để tặng một người đây. Như lúc trước anh nói … Giờ anh tốt nghiệp Đại học Văn Sử rồi, còn nợ lại tốt nghệp phổ thông.
Chân nói :
- Vậy là quà tặng bạn gái. Quà đặc biệt đây.
Tôi hỏi nhỏ :
- Cẩm Lan hay cô hiệu trưởng ?
Anh Tấn ngượng nghịu :
- Cô hiệu trưởng !
Vậy là qua bao ngày tháng phân vân, đấu tranh tư tưởng, cuối cùng cô bạn thuở thiếu thời làm anh thất vọng, đùng đùng bỏ cô nhi viện mà đi, giờ không thể còn lực hấp dẫn đối với anh.        
- Anh có biết chị ấy tuổi gì không ?
- Nếu căn cứ vào năm sinh thì chị tuổi Hợi.
- Vậy anh tặng chị con heo đi. Tôi cầm con heo đen bóng bằng gáo dừa. Con heo ú đến mức gần như tròn quay.
Anh Tấn nhìn tôi cái nhìn nhiều dấu hỏi. Hình như anh luôn cảnh giác điều tôi nói. Anh không yên tâm khi tôi góp ý hay bày tỏ một ý kiến riêng nào đó. Anh nhíu mày lại, mặt anh buồn lạnh đi.
- Cô đùa tôi quá đáng đấy !
- Tôi nói thật lòng mà. Anh biết không, có người tặng quà sinh nhật là con khỉ khô cho người tuổi Bính Thân đó.
Chân lườm tôi một cái thật dài. Cái miệng nửa như cười nửa như cố mím lại. Quay sang anh Tấn, Chân lập nghiêm :
- Tào lao vừa thôi cô Hoài. Trường hợp anh Tấn đặc biệt hơn, những người đang yêu mà tặng quà "con heo" thì chướng quá. Anh Tấn đừng chấp chi cô Hoài thăng giáng thất thường đó. Anh nên tặng người ngọc cái bông hồng kia kìa vừa có ý nghĩa tình cảm vừa mang tính bất diệt của loại gỗ khô.
Chân vỗ vai anh Tấn vừa trao bông hồng, còn gợi ý cắm vào cái lọ bằng gỗ dừa nữa. Nghĩ sao anh Tấn vui vui.
- Tôi mà để tâm giận cô Hoài thì không sống nổi đến ngày nay. Xưa giờ gặp mặt tôi lúc nào mà chẳng kiếm cách chòng ghẹo tôi về điều gì đó. Từ nhỏ đã vậy.
Anh lên nhà thắp nhang cho ba mẹ tôi rồi về. Chân cau có bảo tôi:
- Sao Hoài hay chọc anh Tấn quá vậy. Làm ảnh buồn tội nghiệp. Người như ảnh dễ tổn thương lắm.
Sao Chân nói giống y như mẹ tôi ngày trước. Nhưng tôi cũng cố cãi:
- Thì tôi vẫn xem anh Tấn như người trong nhà đó thôi. Chứ người ngoài tôi chẳng rỗi hơi.
Tôi định nói thêm để Chân hiểu tôi không hề có ác ý. Rằng thật ra tôi cũng cố ý chọc phá anh Tấn như một cơn ghiền phá phách. Cho vui thôi. Nhưng anh đang bật lửa châm thuốc hút. Khói thuốc lượn lờ trong không khí, vòng vèo qua khuôn mặt ngạo mạn của anh. Khi có khói thuốc lá tôi thấy anh trở nên một người hạnh phúc, một vẻ mặt sảng khoái, thoả mãn rất đặc biệt như thoát khỏi cõi trần bước lên lưng chừng cõi tiên. Và những lúc ấy tôi mau mau tìm lối giữ cự ly cách anh bảy mét. Tôi chợt nhận ra một điều rất lạ là lâu nay tôi và Chân ít khi nào nói chuyện với nhau được nhiều. Bởi anh không dừng hút thuốc được lâu. Và anh thú nhận: Vắng thuốc chừng vài giờ là anh không chịu nổi. Anh không hề có ý định cai. Đời có mấy niềm vui, sống thọ hay yểu cũng được, không quan trọng. Anh vẫn tin điều y học cảnh báo về cái chết của người hút thuốc. Vẫn tin vẫn biết và vẫn nghiện thuốc.
Có khi ngồi cùng bàn uống trà tôi nghe người anh toát ra mùi thuốc lá. Thuốc lá lẫn trong hơi thở, trong tóc, trong da thành thâm căn cố đế. Nơi nào có anh lập tức có mùi thâm căn cố đế ấy toả ra, bay theo gió. Với tôi điều đó có nghĩa là một khoảng không gian bị hỏng.
Nhiều lúc tôi tự giận tôi. Sao càng ngày càng dị ứng gay gắt với khói thuốc làm chi, trong khi nhiều người rất yêu nghiện đến mức không bỏ được. Ngay cả phụ nữ còn hút thuốc nữa kia. Nếu không hút thì cũng chẳng đến nỗi dị ứng như tôi. Quả là tôi tự làm khổ mình. Nhưng tôi biết làm sao được. Làm sao tôi có thể yêu lấy cái điều mình không thể.

*
*      *
Cho đến lúc này mặt hàng mỹ nghệ của công ty chúng tôi có số doanh thu đáng kể. Tạo công ăn việc làm cho một số bà con nông thôn lúc nông nhàn rỗi việc hoặc một số học sinh cần làm thêm để có tiền giấy mực, đồng thời chúng tôi cũng ký nhiều hợp đồng với nhiều nước trên thế giới theo đơn đặt hàng. Số đại lý nhận bán lẻ trong nước có đến vài chục. Hàng mỹ nghệ từ dừa hầu như độc quyền chỉ được làm ở Bến Tre. Lâu rồi tôi không nhúng tay vào việc sản xuất mà lo giao dịch với khách hàng, đóng kiện gởi đi. Có một nhà báo đến đề nghị xin gặp để viết bài tuyên truyền. Tôi cầm hai trăm ngàn đưa bảo nếu rảnh mời nhà báo đi uống café. Chúng tôi chưa có nhu cầu. Tôi không muốn ai biết được thực chất về hoạt động và doanh thu. Chỉ quảng bá thương hiệu cho người ta biết là được rồi. Tôi cũng không cần cái nhãn mác người sản xuất giỏi hay doanh nghiệp ăn nên làm ra.

*
*     *

Chân bước vào phòng khách từng bước nhẹ và chậm. Mặt anh buồn và hơi nghiêm. Tôi cảnh giác nhìn tay anh có cầm theo điếu thuốc lập loè hay không. Chân ngồi xuống ghế một tay đặt lên bình trà nói nhỏ :
- Hôm nay Hoài chưa pha trà ?
- Nãy giờ bận làm việc linh tinh không rảnh. Có trà ngon lắm, anh có muốn uống thì làm ơn đi pha, thật đậm. Tôi uống ké với.
Chân lặng lẽ đi cắm phích nước sôi, tráng bình, để trà rồi châm nước. Chân biết rõ hộp trà nào đựng loại trà gì.       
Đêm thật yên và vào khuya. Ánh trăng mười sáu sáng vằng vặc giữa trời. Tôi bưng bộ đồ trà ra ghế đá giữa sân. Chúng tôi ngồi lặng im. Chân hỏi tôi cái điều chưa bao giờ hỏi và tôi vẫn mong anh đừng bao giờ hỏi :
- Hoài đã bao giờ yêu ai chưa ? - Giọng anh mềm đi vì xúc động.
Tôi đáp bằng giọng lạnh và tỉnh táo :
- Nói không thì không đúng. Tôi chỉ yêu một phần nào ở một người nào đó thôi. Mỗi người một ít, chỉ hơi yêu yêu, chỉ hợp ở vài điểm, phần lớn là dị biệt. Cái hợp một phần hoặc hơi yêu yêu thì không thể gắn bó với nhau suốt đời.
- Hoài nói chi lạ vậy ?
- Tôi nói thật lòng đó. Một sự thật anh có thể cho là không bình thường, nhưng nó là vậy. Tôi có thể yêu mến một người bạn thân. Giả sử anh ta đến ngày phải chết mà tôi còn hai mươi năm nữa. Tôi sẵn lòng chia phân nửa số năm còn lại cho người ấy trước sự định đoạt của đấng thiêng liêng. Con người tôi bây giờ không thể tin yêu một người nào để làm thành một tình yêu tuyệt đối. Và nguy cơ đó càng rõ rệt. Mình giờ chớm bốn mươi rồi, càng lúc càng trái tính trái nết.
Nhà bên người ca sĩ bỗng cất lên giọng hát trong bài Áo vá quàng. Tiếng hát lôi chúng tôi ra khỏi "chủ đề" mà tôi không thích bàn, không thích trả lời. Tôi hỏi Chân :
- Mình vẫn nghe bà ấy hát Áo vá quàng. Anh có biết áo vá quàng là sao không?
- Là áo nhiều màu, nhiều loại vải. Đắp vá tuỳ hứng vì người nghèo áo rách cần phải vá để mặc tiếp. Sau này mốt thời thượng, thiên hạ cũng lấy vải mới kết ráp nhiều mảnh vào như một kiểu sáng tạo.
- Xưa người ta sang trọng mặc áo tơ lụa đắt tiền đâu ai vá quàng hả anh ? Người ta chỉ mặc một màu thôi.
- Bây giờ đúng là áo vá quàng lên ngôi. Những nhà tạo mẫu bày cho các người đẹp mặc áo dài khoét, xẻ tuỳ hứng, màu sắc ráp nối quàng xiên, nhặng xị lên. Ấy là mốt thời thượng.
Tôi nhớ ra cái hợp đồng váy gáo dừa nên nhắc :
- Mai anh gọi cho các vệ tinh gởi về các công đoạn đi, sợ rồi không kịp hợp đồng đó.
- Ai mặc váy kiểu gì thì mặc, mình làm đúng theo yêu cầu, tiền nong sòng phẳng, có lợi cho công ty là tốt rồi.
Tôi nhìn anh :
- Vẫn hơn làm nhân vật điển hình tựa cửa sổ, bị thầy và lớp dạy dỗ cho tới nơi tới chốn.
Chân cười cay đắng, phớt đời. Anh sờ vào túi áo lấy ra điếu thuốc gài lên môi. Bật lửa rồi đứng lên đi nhanh về phòng ở.