Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MƯỜI



Gặp trên phố

Người đàn bà chừng sáu mươi tuổi, có dáng hơi đẩy đà, mặc bộ bà  ba màu gấc chín từ trong đò bước lên bến chợ. Theo sau chị là một người phụ nữ khoảng hai mươi lăm tuổi trắng trẻo và thon thả hơn. Cô mặc áo thun và quần Jean xanh bó sát. Tưởng chừng thở mạnh một chút thôi là sẽ nứt tung từng đường chỉ ráp. Người nào cũng tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Tôi đứng chắn ngang lối đi của họ. Người đàn bà sững lại nhìn tôi, nhưng cái cười của tôi làm dịu ngay vẻ vừa bực vừa ngạc nhiên của người mặc đồ màu gấc chín. Không chờ lâu tôi nói:
- Xin hỏi có phải chị Năm Nhàn không?
Người đàn bà nhanh nhẹn gật đầu và  cô gái nhoẻn miệng cười yên tâm.
- Chị ơi, em là Hoài đây, Hoài con ông Bảy Sinh. Chị nhận ra em chứ!
- Ờ nhớ rồi. Em khác quá. Nếu em không gọi chị cũng không biết.
Tôi khen thầm trí nhớ chính xác của mình.
- Đúng rồi, mọi thứ đều thay đổi. Em già đi là tất nhiên.
Nắm tay chị, tôi kéo đến một khoảng trống để tránh dòng người và xe cộ từ bến phà lên, nhưng chỗ nào cũng bùn nhớp nháp. Chị Nhàn giới thiệu với tôi cô gái đi chung là con gái út chị. Tôi mời hai mẹ con vào quán nước có cây mận để trò chuyện. Gặp lại chị Nhàn tôi mừng thật sự như gặp người ruột thịt dẫu tôi không quên lần gặp ở quê vào cái đêm mưa. Chị bảo tôi lạc hậu vì mặc áo sơ mi ngắn tay và cái quần ống rộng 40cm. Dẫu sao chị cũng đã nấu cơm cho cả nhà tôi ăn suốt nhiều năm ròng rã. Mẹ tôi đã từng tin và thương mến chị như người nhà.
Cô gái có vẻ hiền lành hơn mẹ nhưng cái môi mỏng dính và hai hàng lông mày cái dấu sắc cái dấu huyền làm tôi nghĩ đến những lời nói sẽ không ngọt ngào lắm. Ngồi xuống ghế chị Nhàn nói :
- Con gái út của chị tên là Hồng Châu. Còn đây là cô Hoài trước kia người cùng làng với mình đó con.
Tôi hỏi:
- Chị được bao nhiêu người con? Hình như lần em về chị chưa sinh cháu Hồng Châu thì phải?
- Chị có ba đứa con toàn con gái, đã lấy chồng hết rồi. Hồng Tiến có chồng được một con. Hồng Lộ lấy chồng gần nhà chưa sinh. Hồng Châu là út nhưng có chồng trước hai chị và đã có hai con.
- Chị  đặt tên cháu nghe hay quá! - Tôi khen.
Chị Nhàn cười hài lòng và nói:
- Em biết Hồng Châu là gì không?
- Em hổng rành tiếng Hán lắm chị à, giải nghĩa tầm bậy kỳ chết.
- Hồng là màu hồng. Châu là châu lục, thế giới có năm châu. Hồng Châu là châu lục màu hồng. Ý của chị là vậy đó em à.
Tôi cười a dua:
- Tuyệt quá hen chị, cái tên rất có ý nghĩa. Hôm nay hai mẹ con định đi đâu?
Hồng Châu nhỏ nhẹ:
- Dạ cháu đi học ngoại ngữ.
Chị Nhàn cho biết đã đến tuổi nghỉ hưu, chị không còn làm chủ tịch xã nữa và chuyển sang làm chủ tịch Hội Người cao tuổi. Cuộc sống ở nhà quê tạm đủ ăn. Vợ chồng Hồng Châu làm ruộng, trồng mía, chài lưới… vẫn không dư giả gì. Trong làng nổi lên phong trào xuất khẩu lao động sang Nhật, Singapore, Đài Loan… vài năm trở về thành ra giàu có, cha mẹ đổi đời. Các cô gái quê đua nhau lấy chồng Hàn Quốc, Hồng Kông, có cô cũng đem về cho cha mẹ hàng trăm triệu, cất nhà mới gọi là nhà Đài.
Vợ chồng Hồng Châu chưa đứa nào học hết lớp 9 nên không thể đi lao động nước Nhật. Tụi nó bàn với nhau chỉ có xuất khẩu lao động mới mong đổi đời. Và nó nhất định đi. Con thì gởi ngoại một đứa, nội một đứa. Chồng đi theo tàu đánh cá của Hàn Quốc. Còn Hồng Châu sang Macao giúp việc. Hôm nay chị đưa nó đến Trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Macao. Giúp việc nhà bên ấy mình phải biết một ít tiếng nước họ để gọi đúng tên những dụng cụ nhà bếp, nhà vệ sinh và sử dụng thành thạo một số máy móc bếp núc trong gia đình, những câu giao tiếp đơn giản hàng ngày. Họ qui định như vậy.
- Học chừng bao lâu vậy chị?
- Ba tháng em à. Thủ tục xong hết rồi. Mãn lớp học sẽ bay sang bên ấy.
- Hợp đồng lao động bao lâu vậy Hồng Châu ?
- Dạ ba năm. Chắc chừng xong mình mới về nước.
Tôi nói với Hồng Châu:
- Tôi trông vóc dáng em chắc làm tốt công việc nhà, nhưng ngần ấy thời gian xa con… có đủ sức chịu đựng không em?
Hồng Châu cắn môi:
- Cháu cũng không biết nữa. Mong rằng thời gian sẽ dần quen. Nhưng dẫu sao cũng cố hết sức đến mãn hợp đồng mình về sẽ có vốn kha khá để lo tương lai cho con.
Chị Nhàn hỏi:
- Lúc này em sống ra sao hở Hoài?
- Dạ nhờ trời cũng đủ cơm ăn hàng ngày. Không có gì vui cũng không có gì buồn.
- Đã có gia đình chưa?
- Nói theo mấy người ở quê là em thuộc dạng ế, quá lứa lỡ thì, nhưng thật ra do em thích sống một mình. Ai nói gì mặc kệ. Và cũng nhờ mặc kệ nhiều thứ mà em vượt qua những hàng rào tưởng chừng như không vượt qua được. Vượt qua và sống.
Trong cái nhìn của chị Nhàn, từ lâu tôi là hệ quả của ba mẹ tôi. Tôi phải gánh chịu nhiều cơ cực bẽ bàng vì người sinh ra tôi từng ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột giá trị thặng dư của người lao động. Tôi hiểu vậy và lờ đi như không. Tôi cũng không dại dột nói ra với chị thành quả lao động nhiều năm, doanh thu hàng năm ở các cửa hàng cửa hiệu khắp vùng miền và những hợp đồng  mua bán với khách hàng ngoại quốc.
Chị có con đường của chị, đi tìm tương lai đổi đời ở chân trời Macao, Hàn Quốc. Còn tôi có thể làm lại đời mình ngay tại xứ sở quê hương, trên đống tro tàn tuyệt vọng.
Nghĩ vậy thôi chứ tôi không hề hé môi. Tôi không thể phê phán suy nghĩ của ai cũng như không khuyên ai phải theo con đường của tôi.
Tôi không trả lời cũng không tranh cãi chuyện lạc hậu hay tiên tiến dạo nào mà chị lên lớp tôi về “văn hoá ống quần”. Cuộc sống sẽ trả lời mọi điều. Đầy đủ.
Tôi trả tiền cà phê và chúc Hồng Châu, một châu lục màu hồng, mai kia sang trời Macao làm tròn phận sự người giúp việc đừng bỏ về nửa chừng.
Giã từ mẹ con chị Nhàn tôi đi chầm chậm qua phố. Trời lại đổ mưa – cơn mưa cuối năm nhẹ như bay và lạnh lẽo trong cái gió bấc thổi về. Không muốn dầm mình ngoài mưa, tôi tạm trú chân dưới một hành lang rộng của ngôi nhà đóng kín cửa. Cái lạnh càng lúc càng tăng và cảm giác rờn rợn chạy suốt sống lưng. Hành lang này chỉ có tôi và một người bán chổi trú mưa. Chổi đầy ngập hai đầu gánh khuất gần hết dáng người ngồi ở giữa. Tôi nghĩ đó là người đàn bà vì thấy cái nón lá và một phần lưng áo bà ba trắng bạc phếch. Chị xoay lưng về phía tôi và nhìn xế qua hành lang nhà bên chừng như không biết có tôi đứng gần. Gánh chổi có đủ màu sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, tím, lam, chàm, lục, cả những màu lơ lớ pha trộn, chẳng thể gọi đúng tên là màu gì. Đó là những cây chổi ni lông và chổi lông gà. Tôi cầm một cây chổi hỏi mua. Không quay lại, người bán bảo cây nào cũng có giá năm ngàn. Thực ra hỏi mua cũng là để gợi chuyện chứ tôi chẳng có nhu cầu. Tôi trả tiền. Chị xoay lại nhận. Tự nhiên tôi cảm thấy cơn ớn lạnh sống lưng càng lúc càng tăng. Đó là một khuôn mặt không thể định được tuổi tác. Có thể trên ba mươi hay hơn. Nhìn một lúc cũng có thể nghĩ trên bốn mươi. Gương mặt xương xẩu và xanh xao của người đàn bà như vừa đau mới dậy. Và chị rất gầy, có lẽ gầy hơn tôi nhưng thấp hơn nên ít có vẻ lỏng khỏng. Một bên mặt chị có cái bớt son trải dài từ mí mắt đổ xuống gò má dài đến tận càm. Cái bớt son này trông quen lắm và khuôn mặt cũng rất quen. Tôi không làm sao nhớ nổi đã từng gặp người này ở đâu. Trí nhớ lần này nó phản tôi thực sự mà trước đó tôi vẫn tự hào. Tôi  lân la:
- Nhà chị ở gần đây không?
- Xa lắm!
- Số chổi này chị bán hết trong ngày không?
- Lúc hết lúc không.
- Chị tự làm để bán hay mua lại của người khác?
- Tự làm.
- Chị buôn bán thế này đủ sống không?
- Ăn uống chẳng bao nhiêu, bán cho vui.
Chị quay quắt lại nhìn tôi bằng cái nhìn trong veo, thăm thẳm, nói câu nhẹ hều như gió mà ẩn chứa trách móc:
- Mua một cây chổi mà hỏi chi nhiều vậy?
- Vì tôi thấy chị quen lắm mà không nhớ ra.
Vẫn giọng nói nhẹ như gió và cái miệng rộng, làn môi mỏng tím tái như người đang lạnh hơi mỉm cười có chút thân ái:
- Phải, vừa quen vừa lạ!
Gì mà ghê vậy. Cơn ớn lạnh làm tôi không đủ can đảm la cà hỏi chuyện nữa và cầm cây chổi đi thẳng ra ngoài trời đang mưa, quên cả chào.
Về tới nhà tôi bị sốt cao và đầu nhức như đinh đóng. Cái cười bí hiểm của người đàn bà bán chổi thỉnh thoảng lại lảng vảng trước mặt. Cái bớt son chiếm gần hết một bên má. Là ai vậy?
Tôi vẫn hay tủi buồn khi gặp người quen ngày trước, những người lâu ngày không gặp luôn hỏi tôi là ai, từ đâu đến. Cứ phải tự nhiên giới thiệu về mình với người quen cũ tôi nghe buồn đến não lòng. Tưởng như mình đang sống một kiếp khác mà nhờ sự nhầm lẫn nào đó của tạo hóa hay một quan lại thiên đình phụ trách khâu cháo lú đã thờ ơ bỏ sót, nên mình mải nhớ về kiếp trước rõ ràng.
Những dòng suy nghĩ miên man bất chợt loé lên hình ảnh người bạn nhỏ trong giấc mơ thời thơ ấu. Con Gừa - đứa bạn luôn mặc quần áo cũ kỹ, rách rưới, gầy gò, xanh xao, đã từng chơi rất thân với tôi bên gốc vườn có cây gừa. Đứa bạn rất hay đói bụng và làm thiu nồi cơm mà tôi nhiều lần bị mẹ mắng oan. Con Gừa nó có bớt son bên má như người đàn bà bán chổi tôi gặp trên phố bữa trú mưa.
Con Gừa đã từ giã tôi đầu thai làm người sau khi đã bắt chết thằng bé bụ bẫm bên xóm. Tôi đã trách móc nó và lần cuối cùng gặp nó đến giã từ tôi bằng vẻ mặt buồn buồn. Muốn làm một kiếp người mới phải giết chết một mạng người và mang vẻ mặt buồn buồn u ám thế kia ư? Câu hỏi tôi không trả lời được và không dám nói với ai. Sau này tôi không còn có thể chiêm bao được nhưng tôi vẫn nhớ mãi con Gừa trong giấc mơ từ thời thơ bé.
Người đàn bà bán chổi có gì liên đới với con Gừa. Vẫn dáng vẻ xanh xao gầy gò, có bớt son choáng một bên má. Cười mà vẫn không thấy vui. Giọng nói thì thào như gió.
Nhiều ngày tôi lang thang trên phố đi chậm, để tâm quan sát tìm kiếm người đàn bà bán chổi hôm nào. Con hẻm nhỏ. Đầu đường. Đầu chợ. Trên hành lang nhà ai đóng cửa. Không bao giờ tôi còn gặp lại. Tôi thành tâm cầu nguyện nhưng chỉ nghe cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng.