Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG HAI

Vùng đất mới


          Đến chín giờ đêm, gia đình tôi về được nơi ở mới. Trăng lên cao soi rõ mọi thứ chất lủ khủ, đùm túm của cảnh dời nhà khẩn cấp, soi rõ từng dáng người quê mùa lam lũ. Trăng nhuộm vàng bộ bà ba cũ kĩ của mẹ, vai áo bạc màu của ba, vẻ mặt ngái ngủ của hai thằng em. Miếng đất ba tôi mới mua rộng hơn hai công, cỏ dại mọc lan tràn. Thời điểm năm 1964 thị xã hãy còn ít nhà và đất trống còn nhiều. Ba mẹ dọn tất cả đồ đạc vào trong cái chòi dựng tạm từ mấy ngày trước. Vài cây tầm vông gác ngang dọc trên những cây cột mỏng mảnh bằng cây bình linh. Trải bên trên là những tấm tôn cũ để che tạm nắng mưa. Chúng tôi trải đệm trên nền đất rồi giăng mùng ngủ. Dẫu sao nơi đây không khí cũng trong lành hơn cái cảnh tàn nhẫn ở vườn quê mà chúng tôi vừa rời khỏi. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ mê mệt có tiếng xe hơi chạy ngoài tỉnh lộ và tiếng đò máy thỉnh thoảng cắt vào cái tĩnh lặng của đêm khuya. Nghe ba nói với mẹ: miếng đất mình mới mua có bến ghe và gần sát đường lộ.
          Sáng sớm thức dậy tôi đã thấy mẹ nấu nồi cơm và cái ấm nước trên cái cà ràng để tạm ngoài sân. Cả nhà ăn cơm xong ba dõng dạc nói:
          - Bây giờ đang còn nghỉ hè, đến chừng nhập học ba sẽ xin cho Hoài vào học trường thị xã. Còn Phụng, Hoàng sẽ vào lớp 1. Có điều này ba muốn nói với cả nhà là từ nay gia đình mình sẽ bắt đầu cuộc sống mới ở đây. Đất vườn ở quê bị chiếm đoạt rồi thôi cũng chẳng nên buồn rầu làm gì. Chiến tranh mà, còn mạng sống, còn hai bàn tay mình ra sức gây dựng lại. Các con phải chăm chỉ học hành, nghe lời cha mẹ dạy. Phải biết đỡ đần việc nhà tuỳ sức. Người siêng năng cần kiệm dù sao cũng chẳng đến nỗi nào.
          Ba tôi bàn bạc với mẹ mướn người đắp nền nhà rồi đổ cột xi măng cất lên cái nhà năm căn lợp tôn. Ông sắp xếp một căn để ở, một căn để thờ cúng ông bà. Phần còn lại ông mua máy xay lúa gắn vào. Tôi không ngạc nhiên vì tôi biết số vàng dành dụm có thể tạo cơ ngơi làm ăn mới. Máy xay lúa của ba thuộc loại mới của Nhật nhập vào Việt Nam. Một máy gằn có bộ phận lau cám dùng để xay lượng lúa lớn, hạt gạo ít bị nát. Một máy nhỏ để xay lúa lẻ vài giạ cho người xay lúa nhà.
          Ba tôi nói trong cuộc sống phải lấy chữ tín làm trọng. Đừng bao giờ làm người khác mất lòng tin dù chuyện rất nhỏ. Nếu mất tín nhiệm sẽ khó thành công. Vì vậy trong việc làm ăn ông luôn lấy chữ tín làm đầu. Xay lúa dù có chủ hay không, ông cũng xay gạo, tấm cám để riêng, không rơi vãi hay mất mát, không tìm cách ăn chận gạo của chủ lúa. Ông nói có nhiều chủ nhà máy dùng thủ đoạn ăn chận gạo lúa mà phất lên nhanh chóng. Ta không nên làm vậy. Chỉ cần tiền xay lúa và lời thêm tiền trấu, vậy là tốt rồi.
          Ba tôi mua lúa của những chủ ghe chở từ nhiều nơi trong tỉnh. Lúa chất thành đống cao nghều nghệu kín một gian nhà lớn. Ban ngày xay lúa của khách, ban đêm xay lúa mua. Mẹ tôi bắt mối với mấy tiệm bán gạo lẻ trong chợ và giao gạo theo thỏa thuận đôi bên. Gạo đẹp giá lại mềm vì xay máy nhà nên các tiệm rất thích lấy gạo của mẹ tôi. Nhiều gia đình khá giả chỉ chuộng gạo ngon như Tàu hương, Nhỏ hương, Nanh chồn… Mẹ nhận giao tận nhà đúng hẹn. Mẹ chăm chút sàng sảy không lẫn hạt thóc hay sạn, toàn gạo trên sàng sạch bong.
          Lúc nào xong việc nhà mẹ ngồi sàng gạo. Mỗi khi nhìn dáng còm cõi của mẹ miệt mài sàng gạo tôi cứ thấy lòng rưng rưng muốn khóc. Cái dáng ngồi gợi buồn một thân phận lam lũ, cam chịu như vắt kiệt mình trong làm lụng, vừa như sự vươn lên từ một áp lực vô hình nào đó. Lúc còn ở quê bà dành hết thời gian trong ngày cho việc vườn tược, đập sấy dừa… Giờ đây xa rời những thứ ấy mẹ cũng tất bật với cái nhà máy xay với lúa gạo tấm cám. Nhà máy chỉ ngưng chạy lúc nửa đêm về sáng. Còn những ngày gần Tết thì chạy suốt. Chẳng bao lâu nhà máy xay của gia đình tôi nổi tiếng ở chợ tỉnh.
          Năm 1969 tôi học lớp 6 trường trung học tỉnh. Việc học hành của tôi tương đối suôn sẻ, từ một học sinh ở xã lên trường tỉnh tôi theo kịp các bạn cùng lớp, có khi cuối năm còn được lãnh thưởng. Nhưng cái điều làm tôi khổ tâm ghê gớm là đôi mắt lé. Hồi nhỏ tới lớn ai cũng bảo tôi lé nhưng nó không là điều nổi cộm ở lớp học hay trong xóm. Mẹ tôi bảo đó là do bẩm sinh. Đâu có ai muốn vậy. Con người sống ở đời không được lựa chọn nhiều thứ trong đó có điều không được lựa chọn hình hài của mình.
          Tôi soi gương thấy hai con mắt của mình không giống ai. Hai tròng đen không nằm giữa hai con mắt. Nó có thể nằm gần sát nhau lúc tiến về phía tuyến lệ và dang ra xa nhau về hai phía của đuôi mắt. Tôi nhìn mình còn thấy ngán ngẩm nữa là ai. Hồi học ở quê con mắt lé của tôi là chuyện bình thường cũng như con Sáu sứt môi, thằng Xê mười một ngón tay, thằng Bình teo cơ chỉ còn một tay trái để viết, không ai chòng ghẹo ai. Bây giờ thì khác. Có đứa hỏi: mày nhìn tao hay nhìn ngoài sân tao không biết.
          Tôi biết nó hỏi thật vì ai cũng nói vậy. Vào lớp đứa nào lo ra trong giờ giảng là thầy cô biết liền. Nhìn con mắt bắt hình dong gọi lên truy bài, trả lời lớ ngớ là ăn “zero”. Còn tôi thì khác, có khi nhìn vơ vẩn ra sân mà không ai phát hiện. Ngay cả lúc tôi nhìn chằm chằm vào thầy cô mà khó lòng ai biết tôi nhìn đâu. Tụi quỷ sứ đặt tên cho tôi là “Hoài lé”. Ban đầu tôi ức lắm nhưng tôi biết mình càng chối đẩy thì càng xác định mạnh hơn. Thôi kệ đành ấm ức mà chấp nhận, ai biểu mình lé làm chi. Mà trong lớp ai cũng có biệt danh chứ riêng gì mình đâu.Thằng Thi mụn gọi là Thi đinh (té thùng đinh), con Hằng mỏ nhọn gọi là Hằng kim, con Trúc ròm, thằng Đẳng két (mũi khoằm). Ngay cả thầy cô cũng bị đặt thêm tên để gọi lén sau lưng, gọi trước mặt có mà chết. Thầy Quang mập bụng phệ có tên gọn lỏn là thùng nước lèo. Cô Mão ốm nhách, tính tình bẳng gắt có biệt danh là “cá lẹp”. Lũ bạn còn bảo tôi là đệ nhất anh hùng trong bốn vị: nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sói. Tôi đứng đầu bảng trong tướng số dân gian đã thống kê: loại người khó chơi trên đời.
          Riêng mẹ tôi không bao giờ chấp nhận cái điều: đừng chơi với đứa lé đừng ghé nhà đứa lùn. Khuyết tật ở cơ thể mà tâm hồn đẹp, còn có những người lành lặn nguyên vẹn nhưng tâm hồn khuyết tật. Cái nào cũng đáng buồn cả, nhưng người khuyết tật về thể xác không có gì đáng chê trách. Tôi biết mẹ nói thế để an ủi tôi vì tôi có đẹp như tiên sa hay xấu như ma chê quỷ hờn đi nữa thì tôi vẫn là con của mẹ. Mẹ vẫn ngàn đời yêu quý con hơn mọi thứ.
          Năm này hai đứa em Phụng, Hoàng đến trường học năm đầu tiên, trường học gần nhà nên chẳng phải đưa đón. Chị em tôi hết giờ học về nhà phụ giúp cha mẹ những việc vừa sức. Phụng, Hoàng lau chùi bàn ghế, khi thức dậy đã tự xếp mùng mền ngăn nắp, có khi còn nấu trà cho ba.
          Còn tôi quét dọn nhà cửa, nhà rộng năm căn chứ có ít gì đâu, rồi nấu cơm cho heo ăn. Mẹ dạy tôi sàng gạo sao cho thóc gom lại giữa sàng bằng cái chum uống nước rồi hốt phần thóc đó để riêng, được một thúng đổ vào máy xay lại. Mẹ nói:
          - Người làm siêng dù hoàn cảnh nào cũng không sợ túng hụt. Bệnh lười dễ dẫn đến nghèo đói. Mà cái nghèo sẽ dẫn con người đi đến chỗ không có gì tốt đẹp, tử tế.
          Mẹ thường kể chúng tôi nghe những ngày ấu thơ. Quê mẹ ở tận miền Trung. Nơi ấy vốn đã nghèo, gặp năm hạn hán càng thê thảm. Có năm người chết đói đầy đường. người còn sống gầy trơ xương, da xanh xạm. Mẹ từng ăn rau củ để vượt qua cơn đói. Sau đó cả nhà đi dần về miền Nam kiếm sống. Những ngày lang thang kiếm sống mẹ đã học được nhiều bài học quý giá về tình đời, tình người trong cơn bĩ cực. Cái đói cái nghèo luôn ám ảnh mẹ không bao giờ phai. Cái ý thức chắt chiu cần kiệm luôn có ở mẹ dù dư giả đến cỡ nào. Với người thật sự cần giúp đỡ mẹ không làm ngơ. Có một đêm nằm ngủ tôi thức giấc vì nghe mẹ khóc. Mẹ nói vừa chiêm bao thấy đứa em trai mười tuổi của mẹ chết đói năm ấy.
          Buổi sáng mẹ đang gọt một rổ nấm mối, bà bảo:
          - Món này ba mày thích lắm. Hồi ở quê mùa mưa vườn mình nấm mọc đầy bờ vườn.
          Có một anh học sinh áo trắng quần xanh vào nhà và chào:
          - Thưa bác, cháu biết bác vì bác thường chở gạo đến cho viện mồ côi. Dạ cháu ở đó.
          Tôi biết anh học lớp 10 tên là Tấn vì trên phù hiệu gắn túi áo có ghi rõ. Anh có khuôn mặt vuông chữ điền, vai ngang, thấp đậm.
          Mẹ tôi hơi ngỡ ngàng:
          - À, bác biết rồi. Vậy cháu gặp bác có chuyện chi?
          Một thoáng ngập ngừng nhưng anh tỏ ra khá dạn dĩ.
          - Thưa bác cháu là trẻ mồ côi sống ở cô nhi viện từ lúc mới sinh. Giờ cháu đang học lớp 10, cháu muốn tự mình kiếm tiền nuôi sống bản thân và tiếp tục học. Dạ… bác có thể mướn cháu làm việc một buổi ở nhà máy, việc gì cũng được. Dạ cháu hứa cố gắng.
          Mẹ tôi im lặng một lúc rồi nói:
          - Cháu bao nhiêu tuổi?
          - Dạ 17.
          - Thôi được, để bác bàn với bác trai xem sao.
          Mẹ tôi đến chỗ máy gằn để tìm ba. Anh ngồi một mình nhìn xuống nền nhà, ngón chân di di trên gạch. Nhìn anh có vẻ hiền lành nhưng lại có nét của người quen đơn độc và có chút gì bướng bỉnh. Anh không nhìn lên. Dẫu có nhìn anh cũng không biết tôi quan sát anh. Bởi tôi lé kia mà. Tính tôi vậy, mới gặp ai tôi thích nhìn để phân tích, đoán định này nọ. Chẳng để làm gì. Thói quen vậy thôi. Ba tôi bước vào, người ông đầy bụi và mồ hôi. Ba hỏi:
          - Cháu có quen chịu cực không?
          - Dạ cháu sẵn sàng. Ở cô nhi viện cháu cũng đi cuốc đất trồng rau, tát nước ruộng sau chùa, kéo mạ.
          - Sao cháu không ở đó nữa?
          - Dạ cháu muốn tự lập.
          Nghĩ ngợi một lúc lâu ba nói:
          - Cháu học giỏi không?
          - Dạ trung bình. Chưa năm nào ở lại lớp.
          - Thôi bác tính vầy, muốn tự lập nuôi sống bản thân và tiếp tục học là tốt, bác khen. Bác sẽ tạo điều kiện cho. Mỗi ngày học một buổi, thời gian còn lại cháu đẩy gạo bằng xe ba gác này giao cho người ta. Từng nơi bác sẽ chỉ sau. Bác sẽ nuôi ăn, lo chỗ ở và những chi phí học hành. Buổi tối để thời gian hoàn toàn cho việc học. Bước đầu tạm thời như vậy, sau này rồi tính. Cháu thấy sao?
          Anh trả lời nhiệt tình:
          - Dạ được, cháu làm được.
          - Nhưng điều này mới quan trọng đây. Bác sẽ đến cô nhi viện gặp sư cô để trình bày trường hợp của cháu để sư cô rõ, dù gì thì cháu cũng lớn lên từ đó. Và cũng để tránh rắc rối về sau.
          Anh gật đầu chấp nhận.
          Hôm sau ba tôi về nói với mẹ:
          - Nó tên là Tấn. Đúng là ở cô nhi viện từ nhỏ. Tính tình hơi bướng bỉnh nhưng hiền lành siêng năng. Nó để ý thương con nhỏ cũng ở trong ấy. Con nhỏ có chồng, thằng chồng cũng là trẻ mồ côi lớn lên. Sư cô tác hợp cho chúng ra đời làm ăn. Thằng Tấn buồn và cương quyết không ở trong đó nữa. Thôi vậy cũng được. Nó cũng có chí tự lập.
          Anh Tấn ở luôn trong nhà máy. Ban đêm anh ngủ cái giường nhỏ gần chỗ để lúa. Ba mắc cái bóng đèn và cho anh cái bàn gỗ để làm bàn học. Anh học rất siêng năng cũng như cần cù trong công việc. Anh học ban C nên văn chương và Pháp văn là môn học chính, trường công lập đàng hoàng. Tôi thấy anh đọc nhiều sách của tác giả trong và ngoài nước, anh hay dán những bảng chia verbe, động từ bất qui tắc ở nơi nào ưa nhìn tới. Có lẽ quen với nếp sống giản dị, anh chỉ cần ăn no để làm việc và ăn toàn món chay. Tôi nói: Anh học Pháp văn nếu sau này làm nghề dạy học anh sẽ làm thầy Pháp. Tôi thấy giáo sư Pháp văn trường tôi học sinh toàn gọi vậy.
          Anh cười rất hiền:
          - Nếu mình được làm thầy, học sinh gọi vậy cũng vui.
          Nhiều lúc nghĩ đến chuyện mới học lớp 10, thất tình cô nào đó bỏ cô nhi viện mà đi, tôi thấy cũng buồn cười. Nhưng mẹ tôi dặn người mồ côi dễ tổn thương, huống hồ đang có nỗi buồn lớn, mình tránh đụng đến vết thương của họ. Làm được một tháng công việc trôi chảy ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Anh thật thà, chu đáo. Tiền đem về rành mạch, chu đáo từng phần. Ba tôi thấy vậy mỗi tháng cho anh 100 đồng dành để xài lặt vặt. Anh mừng lắm.
          Năm tháng dần trôi đi, việc học hành của tôi tiến triển khá thuận lợi. Năm nào cũng lên lớp, có năm còn được lãnh thưởng. Nhưng tôi học ở trường bán công của nhà thờ chứ không được công lập như anh Tấn. Dầu vậy tôi không còn nỗi lo canh cánh là học trò ở quê lên sẽ học thua sút học trò ở trên tỉnh.
          Những năm này ba mẹ tôi làm ăn trên đà phát triển. Công việc xay lúa và bỏ mối gạo ngày một nhiều. Nhà máy thường hoạt động suốt ngày đêm. Ba thuê thêm người để thay phiên nhau trực nhà máy, khuân lúa gạo ra vào từ bến ghe hoặc xe.
          Tôi nghe ba nói với mẹ sẽ sắm thêm một nhà máy ép dầu dừa, trang thiết bị mới của Nhật. Mình sẽ mua dừa sấy của nông dân chở đến bán từ những vườn dừa xa xôi trong tỉnh. Ba mẹ tôi vốn thận trọng, kỹ tính. Khi làm điều gì ông bà tính toán chi ly từng khâu từng buớc. Từ vốn liếng đến quy trình sản xuất, quản lý công việc và tiêu thụ sản phẩm. Còn nhỏ tôi lo học hành là chính không biết nhiều về việc làm ăn. Chỉ biết chắc là nhà máy xay lúa và ép dầu là công việc làm ăn vừa sức quản lý của ba. Dĩ nhiên là mướn thêm công nhân cho nhà máy ép dầu.
          Thỉnh thoảng những người cùng quê đến thăm gia đình tôi. Ai cũng than thở bây giờ chiến tranh tràn lan, chạy giặc tản cư hoài nên nghèo lắm. Có người ở chơi vài bữa rồi đi. Nhiều người xin ở lại nhà máy làm công kiếm sống qua ngày. Do nhu cầu cần người và ưu tiên cho người đồng hương nên mẹ tôi nhận chị Nhàn phụ việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Lúc này nhà máy xay và nhà máy ép dầu số công nhân hơn 20 người phải lo cơm hằng ngày. Đến làm ở đây chắc chị Nhàn khoảng 22 tuổi hay hơn chút đỉnh. Chị thường mặc áo bà ba, quần đen ống rộng tóc kẹp ngang lưng. Chị có cung cách nói năng lễ phép, chừng mực, đi đứng dịu dàng đằm thắm. Mỗi sáng mẹ đưa tiền cho chị mua thức ăn, còn bao nhiêu tiền lẻ chị tính toán rành mạch rồi trao tận tay mẹ, sau đó mới bắt tay vào làm bếp. Mẹ thương chị lắm, thỉnh thoảng bà cũng sắm cho chị quần áo mới, dép guốc, cũng như mẹ thường mua cho anh Tấn.
          Đêm ngủ tôi nghe mùi thơm dừa khô nồng nồng beo béo bên kia nhà máy tỏa sang gợi tôi nhớ những giấc ngủ thời thơ ấu mới đó đã xa xôi lắm.
          Nhà máy của ba chế biến dừa khô thành dầu dừa và cám dừa. Cám dừa kết thành những cục bằng ngón chân, có khi nát vụn đủ cỡ. Người ta mua về làm thức ăn cho heo hoặc khuấy thành nước cho bò uống. Mẹ bảo gia súc nào ăn cám dừa cũng mau lớn và thịt rất ngon. Riêng tôi lâu lâu cầm lên một vốc cám để ngửi nghe mùi hăng hăng béo béo và tôi thấy nhớ mùi ấy khi lâu lâu không ngửi. Anh Tấn có lần hỏi tôi: thích hương hoa nào nhất? Nhìn nét mặt trang trọng của anh như một thi sĩ đang thả hồn vào vườn kỳ hoa dị thảo, tôi đáp:
          - Với tôi mùi cám dừa là đáng yêu nhất trên đời.
          Anh ngạc nhiên:
          - Tại sao?
          - Tại vì nó gây nghiện, vắng nó là nhớ. Những mùi khác mình không nghiện được.
          Anh Tấn nhăn mặt như ăn quả đắng. Thật lòng tôi không hẳn nghĩ vậy, chỉ vì tôi muốn phá bỉnh, muốn trả lời “gây sốc” vậy thôi!
          Ở trường, tôi học đều các môn, không ưa môn văn lắm nhưng chưa bao giờ dưới trung bình. Tôi mê môn toán. Yêu sự chính xác. Mọi ngã chứng minh đều đi đến một kết quả sau cùng không ai phủ nhận. Có thể cách chứng minh toán hay hoặc dở chứ không có quanh co, lắt léo của kẻ bẽm mép, càng không có chỗ cho sự ngụy biện, áp đặt thô bạo. Tôi mơ sau này thành nhà thiên văn quan sát vũ trụ. Ước mơ thiêng liêng nhất đời tôi và tôi luôn giấu kín không hề nói với ai. Bởi ước mơ là quyền của con người mà đường đến ước mơ thì không thể biết trước được.


*
*        *


Đêm giao thừa
         

Để chuẩn bị đón Tết ba tôi cho công nhân nghỉ từ 27 âm lịch để quét dọn nhà xưởng, công nhân về quê ăn Tết. Chỉ còn duy nhất anh Tấn ở lại vì anh còn biết đi đâu về đâu nữa. Mẹ tôi vẫn giữ nếp cũ là chiều 30 gói bánh tét, xào một chảo mứt chuối gừng, rồi kho một nồi thịt. Mọi chuyện hoàn tất lúc giao thừa. Ba tôi sắp bánh mứt, trái cây, bình trà mới cúng tổ tiên rồi gọi thằng Phụng thằng Hoàng dậy. Giao thừa không đứa nào được ngủ, phải thức để đón chào năm mới. Mẹ chuẩn bị tiền mới đựng trong bao lì xì cho chị em tôi, anh Tấn cũng có phần. Anh đang hý hoáy bên bàn viết một mình, ghi chép gì đó. Tôi nghe buồn ngủ nhưng anh Tấn gọi tôi lại đưa tôi đọc bài thơ anh mới sáng tác khai bút đầu xuân. Dân học ban C có khác, văn chương lai láng biển hồ. Tôi chăm chú đọc:
“Hỡi ơi! trầm ngát mùi cung điện
Rừng quế hương rờn mái tóc xưa
………………………………….”
          Tôi đọc xong và cảm thấy bất ngờ. Tôi cầm cây viết viết ngay vào phía dưới: Vũ Hoàng Chương.
          Tôi nói bài thơ này sưu tầm đúng không? Đâu phải sáng tác.
          Anh cãi:
          - Tôi sáng tác mà!
          Tôi nói cứng:
          - Bài này của Vũ Hoàng Chương đăng trên báo Văn Xuân…Anh không tin bữa nào tôi mượn báo Văn về cho xem. Nếu thiên lôi có xách búa bảo tôi làm thơ tôi cũng không làm nổi, nhưng có điều tôi có tật nhớ dai. Cái gì đọc qua một lần là nhớ, nhất là thơ tình.
          Anh làu bàu, lẩm bẩm gì thì tôi không nghe rõ. Lúc đó mẹ gọi tôi dọn bánh mứt xuống vì cúng đã xong, cả nhà cùng ngồi ăn. Anh Tấn cũng ngồi vào bàn và chúc Tết ba mẹ tôi một cách lưu loát:
          - Năm mới con  chúc hai bác vạn sự như ý, phát tài phát lộc, tấn tài tấn lợi tấn bình an. Điều lành đem tới điều dữ tống đi. Làm đâu đặng đó, làm ít đặng nhiều.
          Tôi sặc nước trà vì lời chúc của anh. Sao mà anh hay quá, chúc Tết có ca có kệ như bài vè. Tôi thì chẳng biết chúc Tết ai, ngay cả người tôi yêu quý nhất là ba mẹ. Nhận lì xì xong tôi chỉ biết cười. Tôi nói:
          - Chúc hai em năm mới học giỏi, ăn nhiều mau lớn. Thằng Phụng ngủ không nghiến răng. Thằng Hoàng hết đái dầm.
Hai thằng em la ầm ĩ vì bị tôi trêu. Mẹ tôi rầy: năm mới đừng ghẹo em.
          Anh Tấn lầm lì suốt, tay xoay xoay tách trà. Mẹ bảo anh ăn bánh, anh chỉ ậm ừ cho qua. Tôi hối hận thật sự vì đã làm anh buồn. Tánh tôi vậy. Thích nói thẳng nói thật. Thề có trời lòng tôi đầy tính thiện chưa hề có ý hại ai, huống chi với một người mà ba mẹ cứ mãi căn dặn không được làm tổn thương.
          Bạn bè trong lớp thường bảo tôi “chua” vì tôi cãi với ai điều gì là cãi tới cùng chừng nào đối phương chịu phép mới thôi. Một hôm chuẩn bị đi học, tôi phát hiện ra đôi guốc bị ai cắt mất một quai. Ngẫm nghĩ chỉ có thằng Hoàng cắt làm giàn ná chứ ai. Kêu nó hỏi thì nó chịu thiệt và nói thì chị mua guốc khác. Nổi điên tôi la một hồi còn dọa đánh đòn. Thằng em làm thinh. Sợ trễ giờ tôi mang dép lê đi học, lấm lét đi ngang ông giám thị già. Chiều về, gặp anh Tấn cười tủm tỉm:
          - Tiểu thơ hôm nay nổi cơn thịnh nộ ghê quá!
          Tôi làm thinh, anh tiếp:
          - Tôi nói thật khi giận trông Hoài chua quá. Hoài đừng buồn, con gái mà chua kiểu đó sau này ma nó ưng.
          Tôi quắc mắt nhìn anh. Ai cũng bảo cặp mắt lé của tôi khi giận chỉ toàn tròng trắng dã. Có lẽ anh Tấn cũng thấy vậy, anh đi chỗ khác lập tức.