Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MỘT

Phần l – Mảnh vườn xưa


Lúc còn nhỏ lắm, khoảng sáu tuổi, tôi đã thấy ba mẹ tôi ít ngủ. Tôi yên tâm nghĩ rằng người lớn không cần ngủ nhiều, chỉ có con nít cần ngủ. Những đêm trăng sáng, tôi thấy mẹ tôi đập dừa, cạy dừa khô ngoài sân mãi tận khuya. Học bài xong tôi dẫn hai thằng em sinh đôi vào giường dỗ cho chúng ngủ. Sau đó tôi cũng ngủ say. Đôi lúc tỉnh giấc tôi còn nghe tiếng đập dừa bôm bốp, tiếng miểng gáo va nhau lóc cóc. Những âm thanh của nhọc nhằn, cần mẫn, lam lũ đẫm đầy giấc ngủ tuổi thơ tôi. Thức dậy lúc gần sáng tôi thấy mẹ đã nấu cơm xong. Mọi người đều ăn cơm sáng trước khi bắt dầu một ngày. Ba tôi đánh xe ngựa chở dừa sấy, cau khô hoặc vài giỏ trái cây ra chợ Thị xã. Tôi đến trường. Mẹ ở nhà với Phụng, Hoàng vừa tách cau phơi dừa, cho gà, heo ăn. Nhà tôi không có lệ ăn quà vặt ngoài đường, ngoài chợ. Mẹ bảo ăn cơm vừa no lâu vừa đỡ tốn tiền. Bởi vậy, đi học tôi không bao giờ  có tiền trong túi rủng rỉnh như mấy đứa bạn. Khi nào cần mua bút mực mẹ mới đưa. Trong xóm người ta hay bảo tôi: Mẹ mày chiên miểng sành ra mỡ. Tôi không biết chiên miểng sành ra mỡ là sao, nhưng tôi biết mẹ rất cần kiệm, chỉ khi nào cần thiết lắm bà mới xài tiền. Mỗi ngày đi bán hàng về, ba tôi đưa hết tiền cho mẹ cất và tính toán lời lãi. Tôi hiểu chỉ có mẹ, ông mới đặt niềm tin tuyệt đối.
Tôi có người bạn nhỏ cùng cỡ tuổi. Nó có hai bàn tay lạnh ngắt thường nắm tay tôi dẫn đi chơi. Bộ đồ nó mặc cũ mèm và rách rưới khó xác định trước đây là màu gì. Mái tóc rối bù được kẹp lại bằng cái kẹp ba lá, thỉnh thoảng chạy nhảy, chơi đùa cả mái tóc và cái kẹp cũng tưng theo. Da mặt xanh rớt nhưng đôi mắt to đen, nó luôn nhìn người đối diện bằng ánh mắt ấm áp, nhân hậu. Nó rất hay cười nhưng sao nhìn nó cười tôi không thấy vui. Tôi hỏi bạn tên gì. Nó bảo tên Gừa. Tôi nói tên gì kỳ vậy. Sao kỳ? Nó xịu mặt. Chúng tôi chơi cò cò trong khoảng dừa mát rượi, sạch bong. Có khi nhảy dây rồi leo lên cây gừa mọc chênh vênh ra mé mương. Chỗ ranh đất nhà tôi giáp với hàng xóm có cây gừa mọc nghiêng không biết có tự đời nào. Thân gừa to bằng cái thạp da bò, rễ mọc tua tủa bắt xuống đất.
Con Gừa hiền lắm. Không bao giờ nó chơi trội với tôi. Tôi hỏi bạn có đi học không. Nó trả lời buồn rầu: Không. Nhà bạn ở đâu. Nó bảo gần đây thôi. Tôi bảo cho mình đến chơi nghen. Nó từ chối: Ở đây chơi cũng vui rồi. Có lúc mải chơi đến chiều, tôi hỏi mày đói không. Nó nói: Đói lắm. Tôi bê ra nải chuối chín. Nó ăn liền và bảo tôi ăn. Tôi bảo: mày ăn đi, tao ăn hoài cũng chán. Mày thường đói lắm hả? Nó buồn buồn gật đầu. Tôi nói khi nào mày đói bụng cứ chui vào bếp nhà tao lấy cơm ăn, chờ tối tối lúc mẹ tao cạy dừa ngoài sân. Bếp nhà tao không đóng cửa. Mắt nó sáng lên: Mày rủ tao thiệt hả? Tôi nói: Ừ.
Rồi chúng tôi trèo lên cây gừa đùa giỡn, chẳng may tôi vuột chân rơi từ nhánh té xuống mương. Kỳ lạ sao, chưa đến mặt nước là tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi thấy một bàn chân thằng Hoàng đặt lên mặt tôi dụi dụi. Ra là chiêm bao. Sáng tôi đến bên gốc gừa xem xem có dấu chân chúng tôi giẫm lên không. Lặng như tờ. Nhưng cứ vài hôm tôi lại chiêm bao thấy con Gừa, lại chơi đùa với nhau bằng những trò chơi trẻ con. Tôi nhớ ra bảo nó:
- Mày vào nhà chơi. Mẹ tao có chiên chuối, tao lấy cho ăn.
Nó lắc đầu:
- Tao sợ mẹ mày lắm!
- Mẹ tao rất thảo ăn, hổng rầy đâu.
- Không được. Mày đem ra đây đi.
Tôi vào nhà định đem chuối chiên ra cho nó nhưng ba tôi bảo thu dọn đống gáo dừa rồi quét nhà. Lúc sau tôi quên béng con Gừa. Rồi tôi tỉnh giấc chiêm bao vì mẹ gọi dậy đi học.
Suốt cả năm trời tôi và Gừa kết bạn với nhau trong chiêm bao như thế. Một hôm mẹ gọi tôi đến chỉ nồi cơm mà mắng:
- Nè, con gái hư. Mẹ dặn bao nhiêu lần rồi, nấu cơm phải rửa nồi. Không rửa thì cơm thiu vầy nè. Thấy ớn chưa.
Tôi lặng thinh không trả lời mẹ vì tôi đã rửa nồi rất kỹ mà sao cơm không mất dấu. Gặp Gừa tôi trách nó:
- Mày có ăn cơm thì bới ra chứ bốc hốt trong nồi cơm thiu mẹ tao chửi tao đó.
Nó lặng im không nói gì. Có vẻ nó buồn. Không thú nhận cũng không chối phắt. Tôi nắm bàn tay lành lạnh của nó bảo.
- Tụi mình chơi đánh thẻ đi.
Mọi khi nó chơi giỏi hơn tôi nhưng sao hôm nay tay chân nó lọng cọng thế nào mà rớt hòn, rớt thẻ hoài. Tôi hờn dỗi:
- Hôm nay mày chơi chán thiệt!
Chưa nghe nó trả lời thì tôi giật mình thức giấc vì thằng Phụng đái dầm ướt cả lưng tôi.
Hôm ấy đi học về tôi nghe bên nhà ông Hai Báu có tiếng đàn bà khóc thảm thiết - nhà bác Hai Báu ở trong xóm tôi - Mẹ bảo thằng Tèo cháu ngoại ông lên cơn sốt nửa ngày, uống thuốc không hết, bỗng nhiên co giật chân tay da tím bầm rồi tắt thở. Mẹ tặc lưỡi:
- Thằng nhỏ nằm phê phê không mất miếng thịt. Bịnh gì kỳ quá không ai hiểu nổi. Ba mày phụ đi chôn nó rồi.
Tôi cũng ứa nước mắt. Thằng nhỏ dễ thương làm sao! Mọi khi chị Hà ẵm nó qua chơi, tôi hay bế nó đặt lên xe ngựa, nó cười tít mắt. Vậy mà...
Cả tuần lễ tôi không gặp Gừa. Mà sao tôi chỉ gặp nó trong chiêm bao chứ không có mặt trên đời. Tại sao vậy? Tôi không hiểu được. Hôm ấy ông Hai Báu mời một vị đạo sĩ đến nhà để nhờ cúng cầu an. Vị đạo sĩ bảo rằng nhà có một đứa bé chết oan, thằng bé ấy đúng ra sau này học giỏi lắm. Nó bị con ma cây Gừa bắt. Đến đêm, chiêm bao tôi gặp Gừa. Tôi giận nó lắm. Nó lặng im. Tôi chì chiết:
- Mày không phải con người. Mày chơi với tao sao mày bắt cháu tao vậy. Mày ác quá. Người ta sẽ trị tội mày đó!
Cầm tay tôi, vẫn bàn tay lạnh ngắt, nó nói trong nước mắt:
- Mày nói đúng. Tao đâu phải con người. Tao là hồn ma bóng quế lang thang vất vưởng. Tao chết vì bịnh, vì đói. Tao cám ơn mày vì thời gian qua là người bạn tốt của tao. Nhưng tao phải đi đầu thai làm người  khi đã bắt chết một sinh mạng nào đó. Tao chờ ở đây lâu lắm rồi mới gặp thằng nhỏ đó!
- Mày làm vậy người ta sẽ trị tội mày. Người ta sẽ đốn cây gừa thì mày làm sao?
Nó cười hiu hắt.
- Chút nữa tao đi chỗ khác rồi. Ngoài tầm tay của ông đạo sĩ. Tao đi làm một kiếp người. Thôi mày ở đây mạnh giỏi nghen.
Tôi không biết nói gì hơn là nhìn chằm chằm vào mặt nó. Trên mặt con Gừa có một bớt son chiếm gần hết một bên má, bớt son kéo dài từ mí mắt dưới xuống tận cằm. Thức giấc, tôi vẫn còn cảm nhận cái lạnh lẽo của bàn tay con Gừa đặt lên vai tôi - Bàn tay  của người bạn nhỏ tội nghiệp, của hồn ma bóng quế, của nghiệt ngã tồn vong. Vậy mà cái chiêm bao ấy ám ảnh tôi mãi về sau này.
*
*     *
Bữa cơm cả nhà tôi quây quần bên nhau trong niềm vui giản dị. Thằng Phụng, thằng Hoàng chạy đến ngồi hai bên ba líu lo đủ thứ rồi méc chuyện lúc ba vắng nhà. Thằng Phụng:
- Ba ơi, ở nhà mẹ đánh con.
Thằng Hoàng cũng chen vào bằng giọng ngọng líu.
- Mẹ cũng đánh con.
Ba tôi ôm hai đứa vào lòng và hỏi lại bằng giọng ngọng của chúng.
- Sao vậy? Sao mà hai cục cưng của Ba bị đòn vậy?
Chúng tranh nhau trả lời:
- Con ra mương chơi, còn thằng Hoàng vô bếp nướng ốc. Vậy mà mẹ đánh.
Mẹ tôi nãy giờ mới lên tiếng:
- Chỉ có vậy thôi hả? Méc ba sao không méc cho hết ý. Một đứa vọc nước mình mẫy ướt mem, mặt mày tái xanh, rủi té xuống mương ai hay. Còn thằng Hoàng nướng ốc, nó quậy sao mà lửa than văng tùm lum vô vách. Cháy nhà có ngày. Bị đòn oan lắm hả?
Hai cậu quí tử ngồi im bẽn lẽn. Ba tôi gắp vào chén mỗi đứa một con tôm, vui vẻ nói:
- Thôi ăn cơm đi. Mai mốt đừng vậy nữa. Ba mẹ dặn rồi mà không nghe lời.
Bữa ăn nhà tôi thường có tôm rim, cá bống kho khô, canh rau tập tàng đủ loại. Nhiều khi còn có cua luộc. Mọi thứ không phải tốn tiền. Rau vườn có sẵn. Mấy cái lờ lợp đặt quanh mương cho thức ăn hàng ngày, còn dư dả.
Vườn nhà tôi trồng toàn dừa. Bờ liếp thẳng băng. Gốc dừa ngay hàng thẳng lối. Thường buổi chiều ba tôi dành thời gian chăm sóc vườn. Hơn một mẫu vườn dừa ba tôi tự tay bồi đắp không phải mướn người làm. Mà chỉ có tự tay làm ba tôi mới vừa ý. Hàng xóm bảo cái triên bờ của ba rờ vào là đứt tay vì ông bắt triên thẳng và bén.
Đang ăn cơm bỗng tôi nghe trên trời có tiếng hú rợn người, liền theo đó là tiếng nổ kinh hoàng. Cái nhà rung rinh. Đất rơi lộp độp trên mái lá. Chén bát trên bàn nhảy lưng tưng. Hai thằng em ôm ba tôi khóc điếng. Mẹ ôm tôi ngồi thụp xuống đất. Tiếp theo đó là những tiếng nổ xa hơn nhưng nghe cũng rất lớn. Ba bảo: “Cà nông”. Tôi đếm có bốn tiếng nổ, sau đó im lặng hoàn toàn. Bữa cơm ăn dang dở. Không ai  muốn ăn tiếp. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng nổ lớn và gần như hôm ấy. Dứt tiếng nổ cả xóm xôn xao, nhớn nhác chạy lại hướng có tiếng nổ hỏi han nhau. Ba tôi đi một vòng về báo:
- Một trái rớt ngay sau vườn nhà mình. Một trái rớt ngay nhà bà Tư Canh, bà Tư trúng miểng chết tức khắc. Mấy đứa con đi ruộng chưa về, chứ ở nhà chắc không tránh khỏi. Hai trái kia rớt ngoài đồng, tuy không trúng nhà ai nhưng cũng làm gãy đổ cây cối. Nhìn cái hố toang hoác sâu hoắm trên bờ liếp chỉ cách nhà chừng năm khoảng dừa. Ba tôi tiếc rẻ những cây dừa bị miểng phang đứt tiện, trái non trái già đổ tứ tung. Kiểm kỹ có chín cây dừa hư hại hoàn toàn. Ba tặc lưỡi:
- Thôi, không sao! Còn người còn của. Cả nhà mình mạnh giỏi hết là được rồi.
Nghe người trong xóm bảo nhau chắc cà nông bắn lạc hay sao chứ hồi xưa tới giờ xóm làng yên ổn, có bom đạn gì đâu!
Ban đêm nằm ngủ tôi nghe tiếng đàn cò, tiếng trống đám ma bà Tư Canh, tiếng khóc than thảm thiết, tôi cảm thấy sợ, mồ hôi đổ ướt mình tôi vẫn kéo mền trùm kín đầu, úp một bên tai xuống gối vẫn nghe rõ những âm thanh ấy. Lần đầu tiên trong đời tôi biết mùi vị của chiến tranh.
Mẹ tôi ra vườn nhặt từng trái dừa gom lại. Mẹ moi từ trong bùn hất bới lên những trái dừa bị vùi, cả dừa khô, dừa cứng cạy. Xuýt xoa tiếc rẻ, rồi mẹ chặt cổ hũ dừa làm món ăn. Lần đầu tiên tôi mới được ăn món lạ và ngon. Những bẹ, lá, bông một màu trắng toát được bó ủ trong nhiều tầng nhai giòn, ngọt lịm. Mẹ tôi làm món xào cổ hũ dừa với tép hay hầm thịt vịt hoặc cắt khúc  kho mẵn, ninh mềm ăn đều rất hấp dẫn. Tôi hỏi:
- Cỗ hũ dừa ngon vậy sao hồi nào tới giờ mẹ không làm mấy món này ăn hả mẹ?
Ba tôi nói:
- Không ai nhẫn tâm đi chặt cổ hũ dừa làm món ăn hàng ngày. Trồng một cây dừa chắt chiu, chăm bón cho đến ngày có  trái ổn định phải mất năm năm. Từ đó về sau người làm vườn hưởng trái được năm chục năm. Nếu ta ăn cổ hũ dừa tức là ăn một phần tương lai vào bụng. Đó là một tội ác. Cùng chẳng cực bom pháo nó làm gãy gục mình mới ăn.
Sau đó ba bắt tay vào dọn dẹp cái hố cà nông sau vườn, khỏa đất bằng phẳng, bắt triên ra triên, bờ ra bờ. Những thân dừa gãy ông lấy cưa cắt khúc thành những khoanh tròn làm đôn ngồi chơi quanh sân. Ông nói mai mốt sẽ chọn để giống dừa trồng lại chỗ trống. Và rồi cuộc sống lại tiếp tục. Ba chở dừa sấy ra thị xã bán. Mẹ mua dừa khô đập phơi, mua cau sấy. Bà con trong xóm Hưng An đem dừa, cau đến bán cho nhà tôi nên lượng hàng đủ để ba chở ra thị xã mỗi ngày.
Khi ba từ thị xã về, trên xe cũng chất đầy hàng hóa theo toa bổ hàng của các tiệm tạp hóa chợ xã, nào đường, đậu, bánh kẹo, nước mắm, dầu lửa. Đôi khi tôi thấy ba để mấy bao vải, bông gòn, thuốc Rubi ở chòi sấy dừa, rồi có mấy bà sồn sồn chở xuồng dừa khô đến bán và mang những thứ ấy đi. Có lần thấy một thùng pin để dưới gầm giường, tôi hỏi mẹ thì mẹ bảo: Của người ta nhờ mua giùm.
Tôi chẳng mấy để tâm vì ba tôi chở hàng đi hàng về là chuyện thường ngày. Những ngày gần Tết mẹ tôi gói bánh tét nhiều lắm. Ba tôi cũng bắt tay vào phụ gói với mẹ. Bánh mẹ tôi làm rất ngon nên nhiều người thích. Kiểu làm của mẹ là nếp phải rặt, không lộn gạo. Trước khi gói, nếp phải được xào trên chảo với nước cốt dừa nêm vào hành xắt nhuyễn với muối và đường cát. Nhân bánh là đậu xanh đãi vỏ, nấu nhuyễn mịn với nước cốt dừa. Thường thường là bánh nhân đậu xanh, nếu ai thích nhân chuối hay thịt thì mẹ mới làm riêng.
Bà gọi tôi vào bảo tập gói bánh, con gái lớn trong nhà phải  biết công việc bếp núc. Nếp xào xong, trút ra những cái thau lớn, tôi thấy mẹ gói thoăn thoắt và thành thạo. Không có khuôn nhưng cái nào cũng giống như nhau. Tôi chỉ làm được cái việc cột dây cho đòn bánh chặt lại, tròn trặn, không bị bung ra khi hấp. Cột cọng lát mỏng mảnh quanh đòn bánh làm hai vòng rồi xoắn lại thành con ốc. Vòng này cách đều vòng kia và con ốc xoắn phải nằm ngay hàng để vòng cuối  cùng những cọng dây dài ấy sẽ bện lại thành cái đuôi sam. Cột hai cái đuôi sam của hai đòn bánh lại để vào nồi hấp. Khi chín vớt ra treo từng cặp trên sào trông rất bắt mắt. Mùi thơm từ lá chuối tươi hòa quyện với mùi béo của dừa đẫm trong nếp tan hòa trong nồi nước nấu bánh thành một mùi thơm hấp dẫn. Chỉ ngửi thôi đã nghe cái Tết len về. Mãi về sau này trong đời tôi không ăn được bánh tét nhưng tôi vẫn thích ngửi cái mùi rất riêng ấy. Đó là cái mùi của tuổi thơ, mùi của quê hương, hồn vía làng mạc.
Phụng và Hoàng ngồi chờ bánh chín bên bếp lửa đã ngủ say tự lúc nào. Ba tôi bế em vào mùng. Mắt tôi cũng díu lại, tôi chui vào giường kéo mền đến tận cằm ngủ say. Thỉnh thoảng giật mình thức giấc thấy ánh lửa còn bập bùng ở nhà bếp, lẫn trong mùi thơm của bánh hấp còn vang lừng mùi đường mía quyện trong hương chuối chín và gừng chanh của chảo mứt mẹ đang xào. Tôi ngủ tiếp.
Hôm sau vào lúc chạng vạng có rất nhiều người đến nhà tôi. Đó là những chàng trai, những cô gái mặc áo quần màu sẫm vai mang súng đạn. Họ cười nói rất vui và khẽ khàng trong mọi động tác. Thằng Phụng thằng Hoàng được các anh chị nhấc bỗng lên, nựng nịu nên hai đứa thích lắm. Ai cũng gọi tôi là cưng hoặc bé. Mẹ tôi cười rạng rỡ mang tất cả  bánh tét treo trên sào chia cho mỗi người một cái. Còn ba thì mang ra những túi kẹo, thuốc lá, trà bảo anh em chia nhau. Nét mặt ba mẹ ngời lên hạnh phúc, niềm vui như gặp được người thân. Khi họ đi rồi ba nói: Đó là người đàng mình. Tôi cũng nghe có cảm tình với những người vừa đi ấy. Tưởng chừng như hơi ấm bàn tay của các chị còn vương trên tóc tôi.
- Chừng nào họ trở lại nữa hả ba? Tôi hỏi.
- Đâu biết được. Giặc giã mà con. Họ là những người lính đi nhiều nơi trên xứ sở. Có khi gặp lại cũng có khi không bao giờ nữa.
Mẹ tôi chợt lặng buồn rồi bà lấy nhang thắp lên khấn vái “đất nước ông bà” phù hộ cho những người ấy chân cứng đá mềm, vững vàng tay súng. Từ ấy tôi lờ mờ một chút ý thức về chiến tranh. Là có đánh nhau giữa  hai bên, có người chết vì súng đạn và cuộc sống của người thường dân không bình ổn nữa.
*
*     *
Thằng Phụng, thằng Hoàng chạy thục mạng, mặt mày xanh lét, khóc không ra tiếng ập vào túm áo mẹ. Nhìn ra ngõ thì thấy bà điên đang đi vào nhà. Hai thằng em tôi sợ nhất bà điên dù bà chưa làm gì động đến nó. Tôi cũng sợ, mà con nít cả xóm ai cũng sợ. Người ta gọi là bà Minh. Bà gầy tong teo, vóc nhỏ thó, gương mặt xương xẩu. Có lẽ do mỗi ngày một ốm đi nên hàm răng càng vẫu ra. Trông sợ lắm. Tóc bà vàng hoe, xơ xác, xấp xải trên vai. Lâu lâu không biết có ai cắt giùm hay bà tự cắt mà ngắn đi một khúc nhưng so le khúc khuỷu trông càng sợ hơn.
Mẹ ôm chặt hai thằng em, trấn an bảo là không có gì đừng sợ. Bà Minh vào nhà xin cơm nguội. Thỉnh thoảng bà vẫn ghé qua nhà tôi, mẹ tôi có gì cho nấy, khi trái bắp, lúc nải chuối. Còn cơm nguội thì bao giờ cũng sẵn. Hai thằng em ngồi nép sát vào nhau trong kẹt tủ. Mẹ tôi lấy tô bới cơm nguội rồi để lên mấy con tép rang. Bà Minh ngồi trên bậc cửa ăn rất ngon dường như đói lắm. Còn khoảng phân nửa bà đặt xuống đất khóc mùi mẫn như bị ai đánh. Mẹ dỗ dành:
- Sao vậy? Có gì mà khóc. Ăn hết cơm đi bà Minh.
Bà không trả lời cứ khóc tức tưởi. Những cái cọng sườn trên tấm lưng còm cõi nhô lên từng lúc. Lát sau bà đứng dậy quẹt tay áo lên mũi, cười khì khì bước thẳng ra đường không nhìn lại. Tôi vẫn gặp bà Minh thoắt khóc, thoắt cười như vậy trên đường đi học. Những lúc ấy trông từ xa tôi đã tìm chỗ trốn. Lũ con trai tinh nghịch, quái ác hay lấy đất ném chọc phá bà Minh, bà chửi loạn xạ, cầm cây huơ vù vù. Có khi đang đi bà nói những tràng dài tiếng Pháp. Ba tôi nói trước kia bà học giỏi lắm và làm cô giáo. Chồng bà tên Minh. Hai người có đứa con chừng hai tuổi, ông Minh sinh tật có bồ, tiền của đem nộp cho “bông hồng nhỏ” đến cạn kiệt. Bà Minh đau khổ mang bịnh thần kinh, một hôm bà ném thằng con xuống dòng sông nước đang cuồn cuộn chảy. Chừng tỉnh cơn, biết được con không còn, chồng đi biệt, bà trở thành bịnh nhân điên vô phương cứu chữa. Bà lang thang khắp nơi làng này qua làng khác, ngủ vạ vật gầm cầu, xó chợ. Bẵng đi một thời gian dài không gặp, người ta thấy bà có cái sẹo dài ở cánh tay không cử động được. Hỏi ra mới biết ban đêm bà lầm lũi đi ngang bót, lính hỏi không trả lời nó bắn. May mà chỉ gãy tay.
Tôi không hiểu sao ba mẹ tôi gan quá, không hề sợ mà còn cho bà ăn. Cách tốt nhất của tôi là thấy bà tôi lo trốn từ xa.
*
*     *
Tôi đi thăm mấy cái lợp đặt cá bống dừa trong mương. Người ta bảo mồng năm tháng năm là ngày hội cá bống dừa. Không biết đúng sai thế nào nhưng hôm ấy tôi giở lợp được nhiều cá lắm. Những con cá mập tròn nung núc, đen bóng quẫy lách chách trong thùng nhựa. Tôi mừng lắm định mang vào cho mẹ làm cơm, đi qua bờ dừa gần nhà tắm, tôi bắt gặp con heo nái sổng chuồng đang gồng mình ủi xuống đất. Có lẽ nó ủi lâu lắm rồi nên khoảng đất bị đào bới rộng bằng cái nia. Thỉnh thoảng nó ngẩng mặt lên, cái cằm bạnh thịt và mồm rộng ngoác, nó nhai xàm xạp vật gì giữa hai hàm răng. Cặp mắt ti hí bị che kín bởi hai lỗ tai sùm sụp. Nó không hay tôi đến gần. Mà tôi cam đoan dù hai tai không che mắt nó cũng không thấy tôi được vì nó híp quá, híp đến mức chỉ có khe thịt nằm ngang để làm dấu là hai con mắt thôi. Mẹ tôi nói giống heo Yorshire là vậy. Hôm nay nó phá chuồng sổng ra mà mẹ không hay. Đến gần tôi giậm chân một cái mạnh la: “Ột”. Con heo giật mình hộc lên một tiếng rồi co chân chạy. Chạy được hai khoảng dừa thì dừng lại nghinh mặt nhìn tôi chằm chằm như thách thức. Cái hố nó đào khi nãy - thành quả lao động hiếm có - bật lên cái ô tròn của mấy bà già trầu cỡ bằng trái dừa khô bự. Những mảnh gì vàng vàng, mỏng mỏng văng tứ tung. Thật tình không hiểu là gì. Tôi gọi to:
- Mẹ ơi, mau ra đây, heo nái sổng chuồng rồi nè!
Mẹ trong nhà hớt hải chạy ra. Tôi nắm tay mẹ nói thì thào:
- Mẹ ơi, nó ủi cái gì đây mẹ?
Mẹ thất sắc lao nhanh đến chỗ heo đào. Hai tay bà lẩy bẩy nâng cái ô lên  rồi nhặt nhạnh tất cả những miếng hình chữ nhựt. Bà vuốt ve cái miếng bị heo nhai méo mó. Nái ta lúc này thong thả đi trong vườn, cái đuôi phe phẩy trông tự do lắm. Thỉnh thoảng gặp con ốc ma nó nhai rôm rốp, nhớt nhao nhểu hai bên khóe miệng. Nó chẳng còn là điều quan tâm của hai mẹ con tôi. Tôi hối:
- Lùa heo vô chuồng nhốt lại đi mẹ.
Mẹ nói như hụt hơi:
- Kệ cha nó con à.
Bà đếm đi đếm lại những miếng hình chữ nhật xếp cẩn thận vào ô. Dường như cả trời đất này không có gì quan trọng hơn những mảnh kia. Tôi buột miệng hỏi:
- Cái gì vậy mẹ?
Mẹ nhìn tôi một lúc rồi thì thào một cách quan trọng:
- Vàng, cha mẹ chôn đó con à. Tài sản nhà mình bấy nhiêu đó. May mà con thấy kịp, nếu không chẳng biết ra sao?
- Có mất miếng nào không mẹ?
Mẹ gật đầu hài lòng.
- Không mất, chỉ có miếng bị heo nhai móp méo để hôm nào đến tiệm mẹ nhờ làm lại.
À ra cái con heo cà chớn vậy mà không ăn được miếng tài sản nào của gia đình tôi. Ngày ấy tôi chưa hiểu vàng là sao và chưa hề thấy miếng vàng lá bao giờ. Nếu mẹ không nói tôi cũng xem như những mảnh sò mảnh nghêu để chơi nhà chòi với con Gừa.
- Mẹ ơi, mẹ mua vàng làm gì vậy? Tôi hỏi.
Mẹ nhìn tôi bằng con mắt tội nghiệp đứa con khờ nhưng cũng nhẫn nại nói:
- Khi làm ra tiền ba mẹ mua vàng để dành. Nhiều tiền lắm mới mua được miếng chữ nhựt vầy đây. Khi mình cần sắm thêm đất đai hoặc lo tương lai cho các con mẹ sẽ bán đi. Vừa gọn vừa không ai để ý.
- Mẹ đem cất đâu kỹ lưỡng chứ chôn vầy cũng không chắc. Nếu trái cà nông hôm nọ rớt trúng thì nó văng tùm lum biết đâu mà kiếm.
Mẹ lấy lá chuối khô bọc cái ô lại ôm chắc trước bụng, đi thẳng vô buồng. Cẩn thận hơn, mẹ lấy túi ny lông bọc ngoài cái ô rồi đặt vào khạp da bò để cạnh giường ngủ. Mẹ sai tôi lôi bao trấu vào rồi đổ ngập miệng hũ. Xong mẹ thở khì bảo:
- Tạm thời để đó. Chờ ba mày về rồi tính. Con đừng cho hai đứa em biết, nó còn nhỏ bép xép không hay.
*
*     *
Ba tôi đang ngồi ăn cơm trưa. Bữa nay ông về muộn nên mẹ để phần cơm riêng cho ba trên bàn. Mấy người lính bước vào sân. Những người lính này tôi vẫn gặp ngoài đường, ngoài chợ. Họ không vào nhà mà đứng ở sân gọi lớn:
- Ông Bảy ơi, làm gì đó?
Ba tôi buông đũa, bước ra hiên:
- Đang ăn cơm. Có gì hông mấy chú?
Họ cười giả lả:
- Phiền bác quá. Hôm nay có khách, chẳng có gì nhậu. Bác thông cảm để cho cháu mấy con gà. Tiền nong chừng nào lãnh lương sẽ tính.
Ba tôi cười xuề xòa:
- Tưởng gì. Mấy con gà... Chú chờ chút, mẹ nó bắt cho.
Chỉ cần một nắm gạo, mẹ tôi đã tóm gọn hai con trống tơ vàng ươm đưa cho họ. Họ thỏa mãn quay đi. Ba làu bàu:
- Nói mua chứ có bao giờ trả tiền.
Mẹ dịu dàng:
- Thôi ông ăn cơm đi. Biết vậy nhưng mình vẫn nuôi, vẫn bắt cho. Không thì có yên đâu.
Thật khác hẳn những lần ba mẹ cho quà bánh những người đến ban đêm. Lúc ấy hai người vui lắm như cho quà người thân. Mẹ còn van vái cho họ ra đi bình yên mạnh giỏi.
Những ngày gần Tết rất lạnh. Học bài xong tôi đến ngồi cạnh mẹ bên lò sấy. Than đỏ rực trong lò, bên trên là những miếng dừa khô trắng phau dần dần khô cong lại bốc lên mùi dầu nướng thơm thơm. Mẹ để riêng một khoảng để sấy chuối già chín. Chuối vườn nhà trái to tròn căng, mẹ cắt từng nải để vào hũ ủ chín xong lột vỏ đem phơi nắng, đêm đem sấy than. Mẹ làm ra những trái chuối đỏ au, tươm mật, trông đẹp mắt lắm. Lũ chúng tôi tha hồ ăn tùy thích. Nhưng con nít ăn chẳng là bao, phần lớn mẹ gói kỹ từng gói khoảng nửa ký đến đêm đem tặng những người thoắt đến thoắt đi ấy.
Những tối mùa đông, mẹ luôn pha bình trà nóng cho ba. Lui cui bên đống dừa sấy ba cho vào bao bố lớn rồi may miệng bằng những sợi dây đay. Như vậy bao sẽ đựng được nhiều hơn. Khuya dậy sớm, bắt ngựa vào xe xong, chỉ việc chất bao lên xe là một người một ngựa giong ruổi lên đường. Cuộc sống cứ thế mà trôi đi theo đà thuận lợi. Công sức lao động của ba mẹ cộng lại là cơm ăn áo mặc hàng ngày cho cả nhà, là tiền sách vở cho con đến lớp và quan trọng hơn hết là những mảnh vàng hình chữ nhựt mà tôi vô tình gặp ngoài vườn cùng với con heo sổng chuồng.