Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG BA

Bên lề sư phạm

Năm 1975 hoà bình. Tiếng súng chấm dứt trên đất nước. Mọi trận đánh lớn nhỏ không bao giờ diễn ra nữa. Chính quyền cách mạng chiến thắng và chế độ Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Ba mẹ tôi mừng lắm. Chị Nhàn lúc ấy chính thức là chiến sĩ cách mạng hoạt động ngầm ở thành thị. Không biết chị chuẩn bị từ bao giờ những bộ bà ba đen mặc ngay sau ngày giải phóng, tay đeo băng đỏ trông rất ngộ. Chị thôi công việc nhà máy và đi tận đẩu tận đâu tôi ít gặp. Ba tôi tặng chính quyền mới một con heo gần tạ và mấy bao gạo ngon để ăn mừng thắng lợi. Nhiều cán bộ cách mạng đến nhà gọi ba tôi bằng bác Bảy, chú Bảy rất thân tình. Ba tôi không tiếc một thứ gì.
Anh Tấn trượt tú tài năm trước nên ở nhà, bây giờ anh tham gia cách mạng ở Đoàn thanh niên giải phóng thị xã. Anh không mặc áo sơ mi trắng quần xanh nữa mà tìm ở đâu ra cái áo sơ mi màu xám, cái quần bằng vải đen ni lông dầu. Hay nhất là cái nón tai bèo và đôi dép râu. Anh mang cái túi dếch bằng vải kaki màu cỏ úa đi cả ngày thâm đêm. Trông anh mệt mỏi nhưng nét mặt ngời niềm hăng say hứng khởi. Vài tháng sau anh xin rời khỏi nhà tôi ra ở hẳn ngoài thị xã để tiện công tác. Tôi hỏi anh công tác gì. Anh nói bình dân học vụ.
Còn tôi, sau khi tốt nghiệp cấp III năm 1975 thì tôi thi vào Cao đẳng Sư phạm tỉnh lân cận. Tôi dẹp sang bên cái ước mơ học để thành nhà thiên văn quan sát vũ trụ mà toàn tâm toàn ý để thành một giáo viên. Thật lòng mà nói tôi không yêu nghề giáo mặc dù tôi rất trọng, nhưng tôi nghĩ mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giáo viên, dạy môn gì cũng được.
Tôi nạp đơn thi và trúng tuyển, có giấy báo gọi đi học. Tôi chú tâm học tập rèn luyện, trau dồi và suýt chút nữa thành giáo viên. Nói “suýt chút nữa” vì tôi đã mon men đi gần hết con đường. Chương trình học là hai năm. Đã xong phần học kiến thức, nghiệp vụ, kiến tập, thực tập còn ba tháng nữa ra trường. Bỗng đâu vào một buổi sáng thầy trưởng phòng tổ chức bước vào lớp tôi, cầm tờ quyết định đọc dõng dạc: buộc hai giáo sinh của lớp tên là Nguyễn Trần Chân và Lê Thị Hoài thôi học kể từ ngày… Trường và hai giáo sinh có tên trên có nhiệm vụ chấp hành. Lý do thôi học vì lý lịch cá nhân. Cả lớp như vỡ oà rồi lặng đi.
Chân có cha là trung uý quân y chế độ cũ đang học cải tạo. Còn tôi - Lê Thị Hoài gia đình thuộc thành phần tư sản mại bản đang cải tạo.
Vì cần trong sạch đội ngũ ngành sư phạm nên phải thanh lọc. Chúng tôi choáng váng. Tôi lờ mờ dự trù nhiều thứ khi nghe tin đồn phong thanh về những đợt kê khai tài sản gia đình nhưng tôi không ngờ có lúc mình rời ngành sư phạm một cách tức tưởi, bẽ bàng như vậy.
Thầy bảo chúng tôi đến phòng tổ chức ngồi chờ nhận quyết định. Đã có sáu người đến ngồi trước đó. Có người buồn hiu, có người mắt đỏ hoe, còn Chân mặt đanh lại, tưởng chừng máu trong người anh dồn đi đâu, chỉ thấy vẻ tái mét trên khuôn mặt xương xương. Anh hỏi thầy hiệu phó:
- Thưa thầy, tụi em là thành phần gia đình như vậy đã ghi rõ trong lý lịch, nhà trường đã nghiên cứu chấp nhận cho vào học. Nếu cảm thấy tụi em không đủ tư cách làm nghề sư phạm thì ngay từ đầu đừng gọi đi học.
Thầy hiệu phó ôn tồn nhưng nghiêm nghị bảo:
- Xin các anh chị thông cảm, không phải do phòng tổ chức truờng thay đổi mà do chỉ thị mới của trên gởi về phải gạn lọc trong sạch đội ngũ giáo viên. Trong sạch ngay trong lý lịch lúc các anh chị còn là giáo sinh. Chúng tôi rất đau lòng khi quyết định thế này. Các anh chị không có lỗi gì. Và chúng tôi chỉ chấp hành lệnh trên.
Lũ chúng tôi tám đứa rời phòng tổ chức, ôm cặp bước ra khỏi cổng trường sư phạm - nơi mà suýt chút nữa đã cấp bằng chứng nhận cho chúng tôi đủ tư cách kiếm cơm bằng nghề khuôn vàng thước ngọc. Có bạn nói:
- Mình ra trường sớm hơn thiên hạ mới oai chứ!
Một anh tiếp:
- Thì cứ gọi đúng tên tụi mình là “lũ mất dạy”.
- Ừ thì ráng kiếm một chiếc xích lô đạp mà tắc ten qua ngày.
Một anh uất ức cất lên giọng hát:
- Lỡ mai thất nghiệp anh về nhà quê anh cắm câu. Bắt con nhái bầu đem cắm đầu cầu, chờ khi nước lớn cá cắn câu. Ngỡ đâu cá bự ai dè lòng tong với tép riu.
Không ai cười nổi, mấy đứa con gái sụt sịt khóc. Lòng tôi dửng dưng bởi từ bỏ cái nghề mình không yêu mến cũng chẳng có gì ghê gớm lắm nhưng có điều cái cách xử sự tàn nhẫn kiểu đó làm tôi thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Trong những ngày học ở đây chúng tôi được dạy rằng giáo viên không được làm tổn thương tâm hồn học sinh dù việc rất nhỏ hoặc chỉ là lời nói vô tình. Kỹ sư tâm hồn khó vô cùng nên người ta mới mở lớp đào tạo giáo viên, ngay cả mổ heo còn phải học nữa là…
Tám đứa chúng tôi bỗng dưng thành một nhóm, cảm thấy gắn bó với nhau bằng một niềm đau chung: bị đuổi khỏi trường, dù trước đó có những bạn học khác lớp không có điều kiện nói chuyện với nhau. Chỉ có tôi và Chân là cùng lớp nhưng không mấy thân nhau. Gặp hằng ngày có khi hỏi qua loa, chẳng có gì để thân thiện. Chân làm lớp trưởng. Anh luôn tỏ ra là người chỉ huy đầy tính nguyên tắc cứng nhắc. Học văn không xuất sắc nhưng rất khéo tay và hay nghĩ ra để tạo hình “bậy bạ” nên lắm phen gặp phiền phức. Cái vỏ nguyên tắc của anh để che đậy một tâm hồn rất nhạy cảm dễ tổn thương.
Không về nhà trọ, tám đứa chúng tôi lang thang đến bờ sông có bến phà chạy ngang sông Tiền. Nắng chói gắt, hàng cây móng bò nở đầy hoa tím dịu, hoa rụng đầy trên  mặt đường. Chúng tôi kéo vào quán nước hướng mặt nhìn ra sông, xa xa bờ bên kia là cù lao Tân Long.
Mấy anh gọi nước uống bảo mình liên hoan mừng ngày ra trường để chia tay. Chúc các bạn nam sớm có vợ và các bạn nữ sớm có chồng. Ai trong chúng ta đám cưới là phải rủ cả bọn đó nghe. Chúng tôi ghi địa chỉ cho nhau để sau này có dịp đến thăm. Nói gì thì nói cuối cùng cũng đến lúc chia tay ai về nhà nấy.
Tôi không buồn lắm nhưng tôi lo. Chẳng biết tìm lý do nào về chuyện thôi học để nói với ba mẹ cho hai người đỡ bị sốc. Nhà trọ vắng tanh, Kim Thái - đứa bạn ở trọ chung vẫn chưa về. Tôi muốn đi đâu đó để chuẩn bị cho mình  một tư thế tỉnh bơ, dửng dưng trước mặt ba mẹ. Ngàn lần tôi không muốn ba mẹ thấy tôi ủ rũ, đau khổ. Nếu gặp anh Tấn tôi sẽ tỏ ra vô cùng kiêu hãnh để anh thấy rằng không dễ gì tôi rơi ngã. Nghĩ đến người bác trụ trì ở chùa cách thành phố 20km, tôi bèn đến đó thăm. Bác hỏi tôi về việc học, tôi nói:
- Dạ trường cho nghỉ cuối học kỳ. Con đến thăm bác và hai em.
Cái cười đôn hậu, hiền lành của bác luôn toả ra sự từ bi đặc biệt làm tôi cảm nhận sự dịu dàng, thân ái xoá đi phần nào cay đắng mà lần đầu trong đời tôi vừa nếm phải.
- Bác cho thằng Phụng, thằng Hoàng về thành phố một thời gian để dự khoá giáo lý của Viện Phật học. Tụi nó mới đi tuần rồi.
Hai thằng em sinh đôi của tôi - niềm hy vọng tương lai của ba mẹ, không hiểu sao ngày càng có ý tu hành theo con đường đạo hạnh. Hai đứa có khuôn mặt và hình hài giống nhau. Người lạ dễ bị nhầm. Mỗi lúc đau bịnh cũng đau y như nhau. Đứa này buồn thì đứa kia không vui. Có lần thằng Hoàng đá banh trong nhà, banh văng trúng bể tủ kiếng. Mẹ bắt Hoàng quỳ gối. Thế là thằng Phụng cũng tự nguyện quỳ kế bên. Học hết lớp 10 chẳng biết nghĩ ngợi thế nào hai đứa quyết định theo bác vào chùa tu. Ba mẹ không đồng ý, thuyết phục cách gì chúng cũng không lay chuyển. Tôi dùng lời nghiêm chỉnh để thuyết phục tụi nó theo đường đời cũng vô hiệu. Chuyển sang châm chọc chẳng ăn thua. Ba tôi đành bó tay. Ông nói dỗi:
- Thôi, hai đứa quyết định vậy ta chẳng nên bàn. Đi tu chứ nào phải đi ăn cướp mà cả nhà buồn. Chừng nào hai con muốn ra đời thì trường đời sẽ đón các con. Trường đời mênh mông rất nhiều nẻo.
Tôi còn nói:
- Chúc hai em sớm thành thầy chùa, còn chị chắc chắn sẽ thành thầy giáo.
Hai đứa lặng thinh không nói gì, không phản đối tôi như lời chúc Tết giao thừa năm ấy. Hai dạng thầy mà tôi nói với chúng, bây giờ  có lẽ  chúng nó sẽ thành, còn tôi thì không bao giờ đạt đạo.
Chùa chỉ có một mình bác và hai em ở. Những ngày rằm, ngày lễ, vía mới có bổn đạo đến cúng. Không khí ở chùa mát dịu thoáng đãng, có một vẻ thanh bình đặc biệt. Bác có thể tự mình nấu cơm chay với những món rất ngon. Thích nhất là ngày nào cũng có tàu hũ dừa. Tôi gặp lại món ngày xưa mẹ làm ở quê khi cà nông phang gãy mấy cây dừa mới có dịp ăn tàu hũ. Bác tôi làm món rim mẳn, món xào, canh, ca ri… Tôi hỏi bác lấy đâu ra. Bác bảo bổn đạo đem đến cho vì người ta đốn dừa để trồng mía, sơ ri, xuyên tâm liên thu nhập hấp dẫn hơn dừa.
Tôi thầm nhớ lời ba nói một tàu hũ dừa là một phần tương lai nho nhỏ, nhưng tôi lặng thinh. Về nết na, tính hạnh thì tôi không hiền lành từ bi như hai em trai. Đó là chưa tính những lần tôi nổi khùng khi gặp chuyện trái ý. Mà tôi cũng cảm thấy bất công làm sao những lúc tôi làm nghịch ý người khác thì liền được ban tặng là đồ mắt lé. Cho nên dẫu là bác nhưng là bậc tu hành tôi cố gắng cẩn ngôn không dám buông tuồng. Những lúc rảnh bác giảng tôi nghe về giáo lý nhà Phật. Tôi tin có Phật và có ma, có thiên thần và ác quỷ nhưng cả hai thế lực đó tôi đều “kính nhi viễn chi”. Nhân đó tôi hỏi bác về quyển Tây du ký mà tôi có dịp đọc hồi bãi trường.
- Bác ơi sao Đường Tăng đã ba lần từ bỏ Tề Thiên Đại Thánh và thề rằng ta mà nhận nhà ngươi là đệ tử nữa ta sẽ sa xuống ngục a tỳ. Nhưng rồi gặp lâm nguy cũng triệu Tề Thiên về cho bằng được để giải nguy. Vậy là lời thề của người tu hành không được giữ. Vậy Đường Tăng có mang tội không hở bác? Đâu ai buộc ông ta phải thề mà không giữ lời.
Bác đăm chiêu một lúc rồi nói:
- Theo bác nghĩ là không đâu con. Vì bất đắc dĩ Đường Tăng mới làm thế, là vì nghiệp lớn là con đường đến Tây Thiên thỉnh kinh cho bao nhiêu chúng sinh đang chờ đợi.
- …Và vì thế lời thề được gió bay đi.
- Ừ, thì có những lúc trong cuộc đời phải để lời thề cho gió bay đi.
- Bác ơi, sao cái người không có khả năng trèo đèo lội suối, không có phép đằng vân, cân đẩu, không có khả năng nhìn ra chính tà, người hiền hay yêu quái thì được phong làm sư phụ và hưởng thụ phương tiện tối ưu nhất là cưỡi ngựa và khỏi mang vác hành lý?
Tôi biết mình lỡ trớn và có máu hăng cãi, quên đắn đo, lỡ bác phiền lòng làm sao. Chưa vội trả lời, bác rót một ly trà nhấp giọng, trán lấm tấm mồ hôi. Bỗng nhiên có người xách cái cổ hũ dừa bước vào cửa cung kính dâng sư. Tôi vội vàng đứng lên đi thẳng ra hậu liêu quét dọn và lo nấu cơm. Lòng dặn lòng không bao giờ dám hỏi han lôi thôi nữa. Ở chơi với bác vài hôm để ổn định tinh thần, chuẩn bị tư thế về nhà thưa chuyện với ba mẹ và sau đó tìm một việc gì đó để làm lụng, để lấp đầy khoảng đời dài trước mắt. Cánh cửa Sư phạm đã đóng sập trước mặt mình rồi.

*
*    *

Một mình đi bộ chầm chậm qua những con đường quen thuộc, qua hai hồ nước mênh mông rộng lớn. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Chân từ trong quán cà phê nhỏ bước ra đi sóng đôi với tôi, giọng trầm ấm:
- Bây giờ Hoài về bên ấy hả? Thôi để kẻ mất dạy này đưa kẻ mất dạy kia một đoạn đường nghen.
Anh phụ xách cái túi nặng tôi mang trên vai, đủ thứ linh tinh của một học sinh xa nhà đi trọ học. Nhớ lúc nãy trước khi giã từ bạn bè cùng nhà trọ, Kim Thái chào tôi bằng câu hát đùa: “Mời người lên xe về miền quá khứ!”, tôi đáp, mình sẽ về nẻo tương lai dẫu có nhọc nhằn, dẫu có muôn vàn gai góc.
Trông mặt Chân có vẻ buồn và một thoáng bất cần đời. Tôi gợi chuyện:
- Mình đâu phải là số giáo sinh đầu tiên rời khỏi trường sớm hén?
Chân không đáp, Chân nhướng hai con mắt thay cho câu hỏi.
- Thì năm trước cũng có bạn gái đã bị nhà trường “mời” về đó thôi.
- À, Hoài muốn nói đến Uyển lớp Hóa – Sinh phải không? Tình yêu sư phạm. Thầy và trò làm sao ai chấp nhận chuyện yêu nhau? Mà họ cương quyết không rời nhau, mang nhau đi đến phương trời xa lắc. Hoài biết trường hợp này gọi là gì không? Uyển học Sư phạm mà “phạm sư” đó.
- Tại Chân không có ở trong cuộc nên tỉnh táo nói phạm sư, phạm thầy chứ nếu anh là một trong hai chưa biết anh nói sao à.
Tôi nói sang chuyện khác: Sắp tới anh định làm gì chưa?
- Mai mốt chắc cũng phải làm gì để mưu sinh. Hiện giờ còn lông bông, phải có thời gian để tĩnh tâm lại đã.
Chúng tôi bước xuống phà và leo lên tầng trên ngồi ở băng ghế thóang mát có gió sông bốn bề lồng lộng và nước mênh mang vỗ róc rách mạn phà. Phà tách bến chạy vòng vèo qua mấy khúc ngoặt cù lao rồi cặp bến bên kia. Chân bảo:
- Chỉ cách một dòng sông thôi mà trông khác ghê hén Hoài. Bên này bờ trồng toàn cây ăn trái, bên kia bờ nhìn sang thấy bao la là dừa.
- Quê mình nổi tiếng là dừa. Xưa nay nguồn sống chính của tỉnh là cây dừa.
- Người ta bảo con gái Bến Tre trắng là nhờ tắm nước dừa, còn Hoài tắm nước gì mà không trắng vậy kìa?
Tôi nói châm:
- Tại nước dừa nhiều quá tắm không xuể nên nấu cao lại thành nước màu, tắm mới ra màu da sậm vậy.
Anh ta cười rất vui nói: Do con người giàu tưởng tượng quá nên nói chơi vậy thôi chứ ai cả gan tắm nước dừa thử xem chuyện gì sẽ xảy ra. Trước hết da anh sẽ rích rấm vì ngọt. Sau đó sẽ nổi lang ben. Không tin tắm thử sẽ thấy.
- Thật vậy sao?
Phà cặp bến. Các loại xe và người đi bộ hối hả nối nhau đổ lên bến. Chân bảo tôi:
- Mình cứ ngồi yên đây đừng lên bến vội, cho phà chạy qua bên kia một lượt nữa rồi quay lại. Mai mốt tụi mình mỗi người một nơi rồi. Lần này ngồi đây nói chuyện với Hoài rồi biết bao giờ mới gặp lại.
Thôi thì ngồi lại vậy, nhưng sao Chân không nói gì. Anh nhìn xa xăm ra mặt sông trời chiều nhuộm đỏ. Tôi miên man nghĩ về những ngày còn trọ học ở nhà Lệ Tâm ở bên này sông. Cứ 5 giờ sáng chúng tôi sửa soạn lên phà chuyến 5 giờ 30. Đến 6 giờ phà cặp bến bên kia. Đi bộ 15 phút sẽ đến trường, ngồi thở 10 phút. Đúng 6 giờ 30 cửa trường đóng lại. Giờ học bắt đầu. Ngày nào cũng đúng y như vậy.
Một hôm cuối năm trời nhiều sương mù, 5 giờ sáng mà mặt sông sưong khói dày đặc, không hiểu bác tài công định hướng thế nào mà cho phà cặp bến về hướng căn cứ Đồng Tâm cách bến 2km. Phát hiện ra sai vị trí, bác tài công trở lại bến, đồng hồ chỉ 6 giờ 20. Lên bờ chúng tôi chạy bộ. Bước vào sân trường, cánh cổng vừa đóng lại sau lưng. Đó là sáng thứ hai, toàn trường tập hợp trên hội trường ở lầu bốn để sinh hoạt chào cờ. Không trễ nhưng ai nấy đã tề tựu ở hội trường cả rồi. Tôi và Lệ Tâm lủi thủi leo lên mấy tầng lầu thăm thẳm. Mệt đến hai con mắt ra khói. Đi sau lưng chúng tôi là ba thầy từ Phòng Giáo vụ bước ra: thầy hiệu trưởng, hiệu phó và thầy dạy chính trị. Nện gót giày cồm cộp sau lưng chúng tôi, một thầy dõng dạc hỏi giọng của người phía bắc miền Trung:
- Em gái ơi, chép thời khóa biểu chưa?
Chúng tôi lễ phép:
- Thưa rồi.
- Thời khóa biểu chép để làm gì mà đi học trễ vậy?
- Dạ, mọi khi em đi đúng giờ. Nhà em ở bên kia sông phải qua phà, hôm nay phà đi lạc vì sương mù nên chậm mất chút đỉnh ạ.
Vẫn giọng nói dõng dạc đầy quyền lực:
- Phải lệ thuộc chuyến phà sao không dự trù tình huống cái lúc nó đi lạc, ta đi chuyến phà sớm hơn.
Quả thật xưa nay phà ít có chuyện đi lạc và hiếm khi sương mù dày đặc mặt sông như bữa nay. Quả là chúng tôi không lường trước được để đi chuyến sớm hơn. Vả lại lúc nửa đêm về sáng cái không khí lành lạnh nằm ngủ thêm một chút là cái điều hấp dẫn đối với lũ học trò ăn chưa no lo chưa tới. Chúng tôi lặng thinh bước tiếp mãi đi lên, đi lên mặc cho giọng nói sau lưng đều đều khuyên bảo, phân tích cái hại cái sai của chuyện phà đi lạc. Cái chuyện phải dự trù tình huống đi lạc.
Chúng tôi mải miết bước đến khi nhìn thấy mảng trời xanh trên đầu, biết là mình đã bỏ qua lầu bốn để lên tầng thượng. Tôi và Lệ Tâm nhìn nhau cười. Người có giọng Bắc Trung bộ cũng cười xòa kêu lên:
- Ồ, thế là chúng ta đi lạc rồi à?
Năm con người bèn quay xuống tầng bốn để vòng qua hành lang vào hội trường. Đoạn đường bước xuống hai đứa tôi đi sau cùng. Chỉ nghe tiếng guốc, tiếng giày nện trên những bậc thang. Tuyệt nhiên tôi không nghe những lời giáo huấn về cái dự trù đi lạc nữa.
Được chừng một tháng chúng tôi chuyển sang ở trọ gần trường cùng với một người bạn nữa tên là Kim Thái để khỏi lệ thuộc chuyến phà.
Dòng hồi ức làm tôi bật cười thú vị. Chân hỏi:
- Hoài cười gì?
Tôi kể Chân nghe chuyện đi trễ vì phà lạc. Chân bảo:
- Khôi hài quá hén!
Mặt anh dãn ra như rũ bỏ bớt những ưu phiền mà suốt từ lúc bước chân xuống phà không thấy anh cười. Nhưng sao tôi thấy ở anh cái gì chua chát tràn đầy khiến tôi ái ngại.
Chiều ập xuống rất nhanh. Nhà trên bến đã sáng đèn. Tôi mang túi xách lên vai, nói với Chân:
- Bây giờ tôi phải về. Anh ngồi đây và quay lại bờ bên kia. Ngày nào đó rảnh rảnh Chân đến thăm tôi và ngược lại. Có gì đâu phải buồn!