Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

NGHĨ TỪ CÁNH ĐỒNG PHƯƠNG NAM

Tham luận của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Người dân Nam Bộ từ xưa có cuộc “Hành phương Nam” vì nhiều lý do, trong đó có mục đích đi tìm tự do, tìm một chân trời mới để mưu cầu hạnh phúc. Và lòng mến chuộng tự do đó lưu truyền trong máu suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lịch sử dân tộc đã chứng minh người Phương Nam từng xem nhẹ mạng sống của mình để đấu tranh cho lý tưởng tự do ấy.
Chuyện về ông già Ba Tri, một mình quảy gói đi bộ hàng tháng trời đến Triều đình Huế khiếu kiện, đi tìm cho được công lý mà chính quyền địa phương phân xử bất công, nói lên ý thức không cam chịu. Với lòng ngưỡng mộ ông già Ba Tri, tôi xin mở ngoặc nói rằng, rất đáng mừng cho một chính thể có người dân đi khiếu kiện. Vì người ta vẫn tin  rằng xã hội còn có công lý, không nơi này thì nơi khác. Chỉ sợ lòng người nguội lạnh, người ta không đi khiếu kiện nữa, lòng tin đã chết. Người ta im lặng – sự im lặng mang mầm chết chóc.
Định cư trên vùng đất mưa thuận gió hòa, thiên nhiên ưu đãi cộng với sự cần cù, những con người Phương Nam là chủ những vườn cây trĩu quả, những ruộng lúa oằn bông. Lương thực dồi dào có thể trang trải đến những vùng miền khác của đất nước và còn đem bán cho nước ngoài. Như thế không có nghĩa là dân Phương Nam thỏa mãn với bấy nhiêu của cải vật chất ấy rồi nhậu nhẹt, ăn chơi xả láng, sống bạt mạng đến bao giờ cạn kiệt rồi mới làm tiếp. Người ta vẫn tích cóp để đầu tư cho con cái chuyện học hành, vươn lên thoát cuộc sống vất vả. Có rất nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà chính trị lỗi lạc. Trong địa hạt giáo dục, văn học nghệ thuật nhiều người nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nói như vậy, không phải tự hào hay tự tôn vinh khu vực của mình mà để nói rằng Đồng bằng  Sông  Cửu Long là vùng đất của “Hai Lúa”, nhưng không chỉ có “Hai Lúa”. Một người có quá khứ cơ cực và lận đận khi đã vượt qua và có cuộc sống no đủ sẽ có hai cách cư xử: Một là người ta sẽ thành người dè sẻn, tiết kiệm đến keo kiệt vì cái ám ảnh đói nghèo. Hai là người ta dễ mềm lòng trước những cảnh ngộ bi thương, người ta sẵn lòng hào phóng bỏ tiền cưu  mang người cơ nhỡ như bắt gặp hình ảnh quá khứ của mình. Cả hai trường hợp đó đều có ở người Nam Bộ, nhưng trường hợp thứ hai phổ biến hơn.
Có một người ở xa hỏi tôi: Có phải dân Nam Bộ hơi ba trợn, tưng tửng không? Tôi hỏi sao bạn hỏi vậy. Trả lời rằng vì xem mấy bộ phim chiếu trên truyền hình thì thấy vậy.
Thú thật tôi ít xem phim Việt Nam, nhưng nghe nói vậy cũng tìm xem thì thấy người ta nói cũng có cớ của người ta.
Theo phim thì hỡi ơi người miền Nam lúc nào cũng đểnh đoảng, ruột để ngoài da mà ruột cũng rỗng. Nói năng nông cạn, cử chỉ, hành vi thô bỉ đến lố bịch. Người ta xây dựng tính cách người Nam Bộ thật thà đến ngô nghê, khờ khạo không tự chủ được cuộc đời của mình như chiếc xuồng không ai chống chèo cứ lênh đênh theo con nước lớn ròng. Tôi không cho rằng người viết ác ý nhưng  tôi nghĩ họ cẩu thả, non kém, thiếu hiểu biết về đất và người Nam Bộ. Mà trong nghệ  thuật cẩu thả là đồng nghĩa với tự sát. Thời gian sẽ đào thải thôi. Suy cho cùng  thì người ba trợn, tưng tửng vùng miền nào cũng có, và người khôn ngoan, thâm thúy cũng không riêng có ở một nơi nào.
Nhà văn khi bắt đầu một trang viết mới, ai cũng mong tác phẩm viết ra sẽ hay, ít nhất là hay hơn chính mình ở những trang viết trước. Trong cuộc sống ai cũng muốn vươn tới cái đẹp, cái hoàn thiện. Nhưng mơ ước có khi lảng vảng, lơ lửng ở thì tương lai.
Thế nào là tác phẩm hay? Thật là câu hỏi không dễ trả lời. Có thể  nói là hay đối với một số người nào đó, và với người khác là dở. Ở góc nhìn của thời đại này chỉ đáng vứt đi, nhưng mai sau người ta sẽ đem ra ca ngợi hết lời. Chỉ nói đến sự cảm  thụ văn chương thuần túy thôi chứ còn khen chê ầm ĩ, tung hê nhau vì lý do ngoài văn chương lại là chuyện khác. Bởi thế không lạ gì có những tác phẩm đạt giải Nobel vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau.
Ngày hôm nay là ngày mới của hôm qua. Ngày mai là ngày mới của hôm nay. Hiển nhiên như thế. Thời gian cứ mải miết trôi đi mà không ai, không cách gì níu giữ lại được. Cái mới luôn đi qua đời ta từng phút giây và cái cũ lùi vào quá vãng dù ta muốn hay không. Nhưng làm sao biết được ngày mới có gì hay ho hơn ngày cũ.
Xã hội Nguyễn Du viết Truyện Kiều có tham quan ô lại, có  kẻ đạo đức giả, có bọn Ưng Khuyển, Tú Bà, Sở Khanh, có gái lầu xanh, có thằng bán tơ phao phản. Con người bị buôn bán như súc vật. Chúng ta dũng cảm nhìn lại xã hội ta đang sống, có hay không những hạng người của thời buổi ấy. Họ đã biến mất đi nhờ một phép màu nào đó hay tăng theo cấp số nhân, vô cùng tinh vi và trá ngụy trong muôn lớp vỏ bọc. Câu hỏi chúng ta có thể tự trả lời một cách thật thà với chính mình nếu ngại nói ra.
Cái thiện và cái ác. Cao thượng và thấp hèn. Văn minh và man rợ. Ánh sáng và bóng tối. Những cái ấy mãi là cuộc trường chinh dai dẳng và quyết liệt trong cuộc sống. Cái đẹp không có đỉnh điểm và cái xấu cũng vô cùng.
Văn chương không hữu hình nhưng nó có thể làm người tuyệt vọng vịn lấy mà đứng dậy. Nó không là gươm đao nhưng cũng góp phần gây nên bao oan nghiệt, hệ lụy cho thân phận con người. Tùy thuộc vào cái tâm của nhà văn.
Khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước tôi có đọc truyện “Bút Máu” của nhà văn Vũ Hạnh. Cho đến bây giờ mỗi khi cầm bút tôi vẫn không thôi ám ảnh. Cái thông điệp trong “Bút Máu” nhắn nhủ với chúng ta rằng khi ngòi bút ta vuốt ve cái ác, tô son trát phấn cho những ung nhọt xã  hội thì ngòi bút ta sẽ đẫm máu. Bối cảnh và thời điểm cũ càng nhưng đọc lại vẫn không thôi bỏng rát, buốt xót.
Chúng ta mang nặng ân tình của vùng đất nuôi ta lớn khôn, viết trung thực để trả nợ, đáp đền ân tình đã khó, làm công việc dự báo lại càng khó hơn. Nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được. Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi ở bạn đồng nghiệp, thế hệ trẻ.
Hưng Nhượng 26-10-2011
                                                                                  PTNĐ

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

TÂY NGUYÊN THOẮT ĐẾN RỒI ĐI


Bút ký của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Ngày Noen gần kề, buổi sáng Tây Nguyên lạnh lẽo với những thung lũng đặc sệt mù sương. Hai bên đường dã quì nở vàng rạng rỡ. Loài hoa hoang dại luôn làm tôi xúc động mỗi lần gặp lại. Dã quì mọc trên khô cằn sỏi đá, chênh vênh trên sườn đồi hoặc mặt đất trũng thấp. Nắng gió của cao nguyên, rồi bụi đỏ nhuộm phủ của bao chuyến xe vùn vụt lướt qua, dã quì vẫn chắt lọc từ trong khắc nghiệt phũ phàng của thiên nhiên dâng tặng cho đời những bông hoa vàng tươi thắm. Có những loài hoa chỉ nở khi được nâng niu chăm bẳm. Còn dã quì lặng lẽ nơi hoang vu, tự mình đứng vững xanh tốt và nở hoa. Những cánh vàng nhỏ xinh, mỏng manh ẻo lả cứ thế mà vươn lên tồn tại để được mãi mãi là dã quì.
           Trên đường đi dọc dài các tỉnh của Tây Nguyên (mà ông bạn nhà thơ bảo là gồm: Đồng, Nông, Kon, Ku, Lăk cho dễ nhớ) tôi gặp những nữ sinh phố núi đến trường. Nơi họ còn lưu giữ được nét đẹp của phụ nữ Việt Nam một thời vốn có. Áo dài trắng đồng phục là đương nhiên nhưng các em luôn mặc bên ngoài cái áo khoác ngắn. Không phải do thời tiết lạnh, ngay cả giữa trưa mặt đường bốc khói các em vẫn mặc thế. Hỏi ra mới biết nữ sinh cần mặc kín đáo, không thích phô ra những đường nét mà những chi tiết áo dài không che kín được. Thật là một điều ngạc nhiên thú vị trong thời buổi này.
           Đi qua bạt ngàn rừng cà phê, cao su, thỉnh thoảng tôi gặp những mảng đồi thông chết khô. Thông khô đứng thành từng mảng rộng, thân to một vòng tay ôm không giáp. Hỏi nhà thơ thổ địa của Tây Nguyên thì được biết những cây thông ấy bị ám sát. Người ta có nhiều cách làm cho thông chết khô rồi bảo rằng thông tự chết. Đương nhiên những gốc thông ấy sẽ biến mất đi để đất được sử dụng vào mục đích khác. Rừng là lá phổi của đất nước, là lá chắn những cơn lũ thượng nguồn, điều tiết hệ sinh thái và an ninh quốc phòng. Nhưng không phải lúc nào rừng cũng được đối xử tử tế. Diện tích rừng cứ vơi đi hàng năm vì nhiều lý do. Mất rừng là mất đi hồn vía của Tây nguyên. Mà Tây Nguyên quan trọng thế nào với đất nước Việt Nam thì dẫu ngây thơ đến mấy người ta cũng hiểu. Có điều cái tâm con người hành xử như thế nào mà thôi.
          Con đường xuyên qua khu rừng thưa xen nhau đủ thứ cây lớn nhỏ cao thấp. Trong màu xanh mướt mát của lá bất ngờ có những cây mai rừng nở hết bông, nở bung một màu vàng kiêu hãnh. Trời đã sang xuân đâu, chỉ gần Nôen kia mà.
           Tôi nhớ đến những cây mai ở nhà, năm nào cũng canh chừng lặt lá sao cho đúng ngày tết mà nào có phải bao giờ cũng đúng hẹn nở bông đâu. Còn ở đây mai rừng chẳng cần ai nhặt lá nhắc nhở đúng thời khắc qui định. Nghe tiết trời lành lạnh cao hứng, thích chí thì nở, một lần cho một năm. Giữa hổ lốn, tạp nham của đủ thứ cây: đại thụ, non tơ, có cả dây leo và chùm gởi… mai đứng đó an nhiên tồn tại, cành nhánh  vươn lên tự do mà không bị bàn tay nào cắt xén, tạo dáng, uốn éo theo một chiều hướng, theo một chủ đề rất kêu. Những cái tên rất kêu của thân phận cây đứng giam mình trong chậu, cành nhánh qui cũ, trật tự, cho đến nở bông cũng theo thời khắc người khác muốn. Đó là  chưa tính bị ghép nối với những chồi nụ không phải của mình: gốc mai vàng cho ra bông trắng hoặc xanh hoặc nhiều cánh đến không còn nhận ra hoa mai nữa.
        Ôi những cây mai rừng, vẻ đẹp nguyên sơ thanh quí đã làm nhà thơ tài hoa và ngang tàng phải thốt lên: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Những cây mai rừng theo tôi suốt chặng đường dài.


          Đến Kontum mặt trời đã khuất sau dải núi mờ xa. Chiều đông phố núi lạnh lẽo, trong ánh sáng nhạt dịu tôi gặp lại những cây kơnia rải rác hai bên đường hoặc trong nương rẫy, có khi vươn lên từ những đồi cây đầy cỏ dại. Cây kơnia thân to khỏe vươn thẳng. Tán lá tròn to với những cành nhánh mọc dày khích bên nhau thành một khối xanh thẩm. Đặc biệt khó thấy lá vàng trên cây kơnia.
          Lần trước đến Kontum, ngồi uống rượu cần ở nhà krông, tôi hỏi già làng: rễ cây uống nước đâu và tỏa bóng về đâu. Già làng bảo: hỏi chi mà cũng hỏi, rễ kơnia uống nước trong lòng đất nó mọc và tỏa bóng xuống mặt đất. Hỏi một người đàn bà Êđê cũng nói như thế. Tôi hỏi một người trí thức chuyên dịch sử thi Tây Nguyên thì được trả lời rằng bóng cây kơnia tỏa theo ngược chiều ánh mặt trời và rễ nó uống nước ngay gốc nó mọc. Tôi hỏi nhà thơ thổ địa, nhà thơ chỉ cười thay cho câu trả lời. Nhưng rồi nhà thơ nói người Tây Nguyên rất thật thà, không biết nghĩ một đàng nói một nẻo nhưng họ rất tôn trọng cây kơnia, coi đó là cây thiêng, khi làm nương phát rẫy không bao giờ họ chặt cây kơnia dù nó đứng ở vị trí nào. Sau 1975 số người di dân từ nơi khác đến họ không biết cây kơnia là gì nên chặt đốn không thương xót. Phải có sự giải thích và ngăn cấm nên kơnia mới còn một ít như ngày nay. Tôi cũng thật thà như người dân nơi đây nghĩ về cây kơnia và tôi thiết tha mong muốn đừng vì lý do gì mà kơnia vắng bóng bởi nó góp phần làm nên hồn cốt của Tây Nguyên.
          Tôi đến phố núi chỉ đôi lần. Mọi thứ của xứ sở này đều làm tôi hăm hở muốn tìm hiểu nhưng ấn tượng không nhỏ trong mỗi chuyến đi là người tài xế. Không biết ai thì sao chứ riêng cá nhân tôi thì người tài xế là người đáng nể thật sự. Có lẽ một phần do tôi có tính lơ đãng, hay để hồn vía bay tận đẩu đâu. Đi bộ còn không nên thân, dám đâu sử dụng phương tiện giao thông nào. Người tài xế có dáng đề đạm và rắn rỏi, khỏe  khoắn. Anh vui tính, nhưng nói chuyện gì cũng luôn nhìn thẳng và tập trung vào tay lái. Anh thường nhai kẹo cao su mỗi khi lên cơn buồn ngủ vì có lúc phải đi suốt 12 giờ trong ngày. Ngoài chuyện lên đồi xuống dốc tránh những xe container cồng kềnh, siêu trường siêu trọng, tránh những quái xế miền núi phóng honda như chốn không người, tránh bò dê cừu bên vách núi để xe an toàn đi qua, tôi nghĩ rằng rất đáng mang ơn anh. Nhưng khi anh lái xe lên đỉnh Măng Đen cao hơn 3000 mét, đường lên quanh co, chênh vênh, hẹp và cua gắt, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm thì tôi thực sự khâm phục anh. Anh lái bằng tất cả sự tận tâm, tập trung cao độ, xử lý tình huống nhanh nhạy, chỉ cần lơ đãng chủ quan chút xíu thôi xe sẽ lao xuống vực sâu… bao nhiêu sinh mạng sẽ tiêu vong. Có thể trên đời có nhiều con đường hiểm trở hơn đường lên Măng Đen, nhưng với tôi đây là con đường không bằng phẳng lần đầu tôi gặp và tôi nể phục người lái xe tận tâm, tận lực. Tôi lẩn thẩn nghĩ giá những vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới cầm lái vận mệnh dân tộc trên đường đời đầy gian nan thách thức luôn tỉnh táo, đừng mê sảng và ảo tưởng thì thế gian này sẽ là một thiên đường gần gũi biết bao.
*      *
*
          Đang đi từ Gia Lai về Đak Lăk xe bị trục trặc máy móc phải dừng lại. Đoàn người tắp vào quán ăn nhẹ, nghỉ ngơi. Chiều sơn cước trôi đi trong thanh bình tĩnh lặng, dãy nhà sàn bên nương như có sức sống hơn với từng toán người đi rẫy về ngang. Những người đàn ông, đàn bà với trang phục đỏ đen, xanh vai mang gùi lặng lẽ bước đều. Họ không có gì phải vội vã, không ồn ào, không hối hả. Người Tây Nguyên theo tôi thấy là vậy- trầm tĩnh và chất phác. Và đôi mắt của họ rất đặc biệt mà khi nhìn vào ta không thể lẫn với người miền xuôi.
          Trong khoảng đất trống trước dãy nhà sàn có vài đứa bé tóc hoe vàng, da nâu giòn đang cười vui reo hò với trò chơi gì đấy. Quan sát kỹ tôi thấy chúng bắt được một con chim rừng to bằng con gà giò, lông màu xanh két, mỏ nó màu vàng tươi. Không biết là chim gì. Chúng không cột trói mà vặt sạch lông ở hai cánh chim, chỉ còn hai cánh gầy trơ xương, khẳng khiu như cành cây gấp khúc. Thả chim xuống đất chúng hò hét bảo “bay đi”. Con vật loạng choạng, sợ hãi bước đi bằng những bước lạ lẫm trên mặt đất rồi ngã lăn ra, rồi đứng dậy bước tiếp, hai cánh chới với đập vào thân mình một cách tuyệt vọng mà không cách gì bay lên được. Cứ thế bọn trẻ lấy làm thích hò hét vang lên. Loài chỉ biết bay lên không trung bằng đôi cánh, chỉ biết chao lượn nên những đường tung hoành tự do ngang dọc. Nó không biết đi bằng hai chân trên mặt đất với đôi cánh đã vặt sạch lông, càng không thể nào bay lên được.
          Cuối cùng xe cũng khởi động và di chuyển bình thường, bỏ laị tít tắp đằng sau lũ trẻ và con chim bị vặt lông cánh. Tôi từng thấy người ta bẫy chim để ăn thịt, thấy những con chim trống bị lừa dối bởi bẫy tình chim mái, thấy bầy chim bỏ rừng lang thang tìm nơi ở mới. Nhưng sao trò chơi trẻ con chiều nay lại máng vào lòng tôi một nỗi buồn thấm thía.
          Mơ đến Tây Nguyên để gặp đại ngàn nhưng lần nào cũng vội nên mơ ước vẫn là mơ ước. Tuy  nhiên tôi có được những ngày lang thang trong rừng đặc dụng nghe tiếng ve kêu liên miên, kêu không dừng. Và biết thế nào là ngang như cành bứa. Biết những loài cây không có ở đồng bằng. Đến cửa khẩu Bờ Y, ranh giới giữa ba nước Việt, Lào, Miên. Đến một quán nước lưng chừng núi, quán nghèo, vách lá, lợp tranh te tua gió lộng. Chủ quán là người đàn bà trước kia là ca sĩ tên Nhung quê gốc Hà Nội. Chị hát cho chúng tôi nghe bài hát rất hay về Măng Đen: “Anh chẳng về đâu, anh ở lại cùng em…”
          Tôi được nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn khi uống cà phê quán của nữ họa sĩ ở Đăk Lăk và quán Eva ở Kon Tum của họa sĩ Ẩn, tôi cảm nhận một điều là cái man mác buồn, sự trầm lắng phù hợp với người phố núi. Và lạy Trời, mong rằng đừng ai gán cho Tây Nguyên thứ âm nhạc hú hét, bạo liệt máu lửa… bởi nó đi ngược lại với bản tính người Tây Nguyên.
          Tôi có được một chiều dạo chơi trên bờ sông Đăbkla. Đó là một trong ba con sông chảy ngược của Việt Nam. Sông Việt Nam luôn có xu hướng tự đánh mất mình bằng cách nhập dòng vào biển cả. Còn sông Đăbkla chảy vòng vào đất liền qua những địa danh của dãy Trường Sơn. Mùa khô con sông trở nên hiền lành, nước chảy lờ đờ, dòng cạn không quá gối, phơi bày hai bên là bãi cát trắng rộng dài lộ ra rất nhiều hòn đá đủ cỡ: to nhỏ, vuông tròn, đa diện, thô nhám, nhẵn bóng, góc cạnh. Không viên nào giống viên nào. Vô cùng đa dạng. Không hề có bàn tay con người xen vào. Có một viên đá vuông chằn chặn, góc cạnh sắc bén đường hoàng, người có tâm hồn “quan lại” sẽ nghĩ ngay đến cái “triện vuông” chốn quan trường. Cũng có viên tròn như quả trứng, đều đặn như có bàn tay công phu cắt gọt. Lại có những viên xù xì cổ quái, không thể định hình định dạng. Và biết bao hạt cát nhỏ li ti, thành quả cuả sự tan vỡ. Như cần phải thêm sinh động, tạo hóa còn ban cho “cộng đồng đá” nhiều màu: xanh, đỏ, trắng, vàng và cả những màu tổng hợp không biết là màu gì. Tất cả đã trải qua nhiều cú va đập từ thượng nguồn theo dòng cuồng lưu tạm thời nằm yên nơi bãi sông này. Những hòn đá như những phận người bị ném quăng vào cuộc đời và dòng đời không ngừng cuộn xoáy. Gương mặt, nhân dáng, cá tính, thân phận, không ai giống ai. Người có thể đắc dụng vào việc này lại không vào việc kia. Có người ngời ngời tỏa sáng lại có phận người cơm vãi cơm rơi, đọa đày tăm tối. Cái “cộng đồng đá” như cái “chợ đời” thu nhỏ.
          Đêm đến tôi được dự bữa tiệc trong nhà krông ở một buôn bên dòng Đăbkla. Ngoài sân rộng có một đống lửa, những cô sơn nữ đứng thành vòng tròn múa xoan giao lưu với du khách, những sơn nam đánh cồng chiêng. Trong nhà sàn cũng có một bếp lửa, có rượu cần, có già làng hát sử thi. Bữa tiệc gồm món cơm nếp còn bốc khói trải ra trên những tàu lá chuối xanh non, gà nướng hãy còn nguyên xiên lụi. Cứ thế người ta dùng tay gỡ từng miếng thịt gà chấm muối ăn kèm với cơm nếp. Tay và môi ai cũng dính đầy mỡ. Để tỏ tình thân ái người ta mời nhau ghé môi cùng uống rượu cần, mỗi người một bên. Cần vít cong thấm đẫm mùi vị thịt nướng, mùi khói thuốc lá và vị  nồng cay của rượu cần. Người bạn nhà thơ cảnh báo: rượu cần không nồng cay như rượu đế nhưng người ta sẽ say đến không ngờ nếu chủ quan.
          Ngồi cạnh tôi là hai người đàn ông luống tuổi gốc gác Tây Nguyên định cư nước ngoài vừa về thăm quê. Một là bác sĩ, một là sĩ quan ngày trước. Họ nói cười nhỏ nhẹ, lịch sự. Rượu cần ngà say một tí làm không khí vui và người ta trở nên cởi mở gần gũi nhau hơn. Anh bạn nhà thơ nói: nếu được một điều ước tôi sẽ ước mình trẻ lại 15 năm để có sức mà đi khắp mọi miền rộng dài của đất nước. Một bạn trẻ ở đài truyền hình nói : nếu cầu  được ước thấy, mình ước sẽ già hơn bây giờ khoảng chừng 15 năm, mình cần sự chững chạc, sự trải nghiệm. Tôi nói: Bạn ơi, một ngày nào đó bạn sẽ hối tiếc điều bạn nói, theo tôi tuổi trẻ ngàn lần đáng yêu, đáng quí. Nó sẽ đi qua, không bao giờ trở lại, và bạn sẽ thấy không gì tồi tệ cho bằng tuổi già.
Người bác sĩ nói: Nếu được, tôi ước Tây Nguyên mãi mãi giữ được những gì thân thương vốn có, đừng thay đổi nhiều quá. Tây Nguyên, món quà vô giá của Mẹ Việt Nam trao tặng cho các con. Rồi anh hát một bài dân ca  Ê Đê, giọng đặc sệt của người dân tộc, luyến láy điệu nghệ đến ngỡ ngàng. Tiếng hát như bay chập chờn qua ngọn lửa, bay ra khỏi phên vách nhà krông hòa nhập vào dòng sông trườn mình trong đêm tối.
*
*    *
Lưu lại Măng Đen không lâu, nhưng chúng tôi cũng có thời gian đến thăm đồi Violak  và đồi Đức Mẹ. Lưng chừng đồi có một khoảng đất rộng thoáng, có rất nhiều cây kiểng và bông hoa đẹp đủ màu sắc, chứng tỏ nó được chăm sóc rất công phu. Tượng Đức Mẹ đứng trang nghiêm và khiêm nhường  nhưng tỏa ra nét từ bi đặc biệt. Người ta bảo chốn này được xây dựng từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Những người lính Sài Gòn đến đóng quân ở cứ điểm này phải đi bằng máy bay, còn đường bộ để đến những trung tâm quận thị khác thì vô cùng hiểm trở. Bởi thế người ta xây dựng tượng Đức Mẹ dành cho những ai có nhu cầu tín ngưỡng.
Tượng Đức Mẹ ở đây có khuôn mặt rất lạ, khác biệt hẳn so với những tượng Đức Mẹ ở những nơi khác mà tôi gặp. Mẹ trông khắc khổ, gầy gò và in hằn sự u hoài. Tương truyền rằng lúc còn chiến tranh, một mảnh đạn phang đức lìa ngang cổ tượng và vỡ đi. Có một giáo dân miền núi làm nghề thợ hồ đã tự nguyện xây tạc lại phần bị mất đi. Vì không chuyên nghiệp, anh ta làm theo trí tưởng tượng và tấm lòng mến mộ nên gương mặt Mẹ mang một dáng nét rất riêng. Và mãi về sau dù hoàn cảnh nào người ta vẫn không ngừng tôn tạo chốn thiêng liêng tín ngưỡng. Mẹ đứng đây hơn nửa thế kỷ đã lắng nghe và thấu hiểu những hiện thực cuộc sống diễn ra với bao nhiêu tâm tư, những ước mơ và sám hối của nhiều thành phần xã hội . Và chắc hẳn Mẹ đã ban phước lành và cứu rỗi cho bao phận người đau khổ trong cuộc sống .
Buổi sáng đến thăm đồi, tôi thấy có nhiều người đứng chắp tay trong tư thế trang nghiêm thành kính cầu nguyện trước tượng Mẹ. Tôi không tò mò nghe người ta nói với Mẹ điều riêng tư. Tôi đứng rất xa nhìn Mẹ bằng tất cả tấm lòng ngưỡng vọng. Là người ngoại đạo nhưng tôi tin có thiên đường và địa ngục, có Đức Mẹ và có quỉ Sa tăng. Tôi chắp tay thầm nguyện Đức Mẹ lòng lành vô biên, quyền năng như biển cả, xin Mẹ giúp con người có đủ minh mẫn và nhân đạo để từ bỏ tham vọng, từ bỏ những hành vi thô bạo biến Tây Nguyên thành vùng đất xa lạ nào đó mà cái giá rất đắc phải trả sẽ nhằm vào những con người nhỏ bé và vào thế hệ tương lai . 
Tôi nói với Mẹ như thế vào một ngày nắng đẹp và tôi tin Mẹ thấu hiểu. Tôi chờ đợi phép mầu.
                                      
                                                Trại sáng tác văn học Tiền Giang
                                                                                    PTNĐ





                  


Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Về nơi ấy

Suốt hai tháng đau dạ dày, kiêng và giảm ăn. Tôi sụt mất 4kg. Chiều cao 1,6m, trọng lượng 45kg tôi thành người lỏng khỏng. Soi gương suýt không nhận ra mình. Tôi chọn kiểu tóc ngắn ốp sát cổ để che bớt sự hao gầy của khuôn mặt. Ai cũng nói tôi để tóc dài dễ coi hơn tóc ngắn. Lâu rồi tôi không chọn sự dễ coi ở người khác nhìn mình mà tôi chọn cách nào phù hợp và dễ chịu với tôi. Tôi không chịu nổi cái vướng víu của những sợi tóc dài, luôn cảm thấy bực bội khi làm việc mà bị chằng kéo bởi cái búi tóc làm căng nhức từng chân tóc.
Một người đàn ông ngồi phơi mái tóc dài kín lưng vừa mới gội luôn làm tôi nể phục, nể sự can trường chịu đựng khi phải luôn mang ngần ấy tóc trên đầu. Nhưng thôi, cái “sự tóc râu” là quyền tự do thân thể của mỗi người mà Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã qui ước, chẳng nên lạm bàn.
Sau cơn đau tôi muốn nghỉ ngơi ít ngày dù trước đó vẫn không nghỉ. Gần ba mươi năm rồi, tôi lui về quê nhà như người ở ẩn. Cần mẫn làm việc để mưu sinh. Yêu mến và kinh hãi con người. Hai trạng thái đó luôn song hành trong tôi. Nhiều lúc tôi nghe nhớ nơi này, nhớ nơi kia, nỗi nhớ tha thiết muốn gặp lại và cũng sợ hãi khi hình dung ra rằng người ta sẽ không thích hoặc chán gặp mình.
Tôi mặc áo sơ mi màu đất sờn cũ bằng vải thô, quần đen. Mặt không son phấn, chân đi dép lê, đầu đội cái nón lá te tua quanh vành. Tôi bước ra đường, thấy mình như một bà mua ve chai, lông vịt. Quyết định đầu tiên của tôi là đến thăm thầy Hiếu. Xưa thầy dạy tôi môn Văn học Việt Nam, thầy thường khóc khi đang giảng Kiều hoặc chị Dậu. Nước mắt của thầy truyền đến giáo sinh nhiều cảm động. Tôi thì không bao giờ được như thầy. Anh Chân thường bảo có ba dạng thầy: Ta học với thầy nửa chữ trở lên gọi là Đoản Sư, học trong vòng một năm gọi là Trung Sư. Hơn một năm trở lên gọi là Trường Sư. Lối phân chia như vậy có khập khiểng và hài hước không, nhưng tạm thời thầy Hiếu là Trường Sư của tôi. Bởi tôi học thầy gần hai năm chứ ít gì.
Vừa bước đến cổng nhà gặp thầy đang mặc bộ pyjama tay xách cái ấm. Tôi chào thầy và hỏi:
- Thưa thầy em là học trò cũ đến thăm thầy. Dạ, thầy định đi đâu ạ ?
Nheo nheo cặp mắt và nụ cười dè dặt, thầy nói:
- Tôi định đi mua rượu về ngâm thuốc bắc.
- Thưa thầy vẫn khoẻ ? Thầy có nhận ra em không?
Thầy cười:
- Chắc chắn em là học trò cũ của thầy rồi. Em thông cảm vì nhiều học sinh quá, với lại lâu năm không gặp thầy không thể nhớ hết. Thôi ta vào nhà đi rồi nói chuyện.
- Thầy không đi mua rượu sao?
- Lúc khác cũng được, không có gì vội.
Thầy đã về hưu được vài năm. Thầy và cô sống với anh con trai út. Đứa cháu nội năm tuổi lẩn quẩn bên ông, nó sà vào lòng ông xin tiền mua kẹo. Thầy đưa cho nó mấy đồng  bạc lẻ.
- Này, mua kẹo đi. Đừng quấy ông nữa nhá.
Tóc thầy bạc gần hết. Thầy không già đi bao nhiêu chỉ có dáng đi hơi còng một chút. Đặt cái ấm xuống sàn, thầy thở dài:
- Không gì tồi tệ bằng tuổi già. Trí nhớ cứ giảm sút theo thời gian và sức khỏe cũng vợi đi, không vướng bệnh này cũng bệnh khác.
Thầy thở dài. Tôi thấy thương thầy quá, một ngày nào đó tôi sẽ bước qua tuổi già như thầy nếu tôi sống thọ. Và cõi nhân gian này ai đi qua tuổi già mà chẳng vậy.
- Thầy đang bệnh gì mà ngâm rượu thuốc vậy?
Thầy nâng bàn tay đầy những dấu trổ đồi mồi, hơi run rẩy. Thầy buồn bã nói:
- Bệnh thầy khó trị bằng Tây y. Đông y thì tốt hơn nhưng phải kiên trì. Bệnh Pakinson ấy mà. Giờ thầy viết chừng hai dòng cũng lâu lắm, nét chữ lại run! Này em học thầy khoá mấy?
- Thưa, em tên Hoài. Bạn bè vẫn gọi em là Hoài lé. Em học khoá đầu tiên của trường, lớp B.
Thầy vỗ vào trán rồi cười:
- À nhớ ra rồi, lâu quá không gặp em. Giờ thấy em lạ quá thầy không tài nào hình dung ra nổi. Nhưng thầy nhớ em là một trong số những học sinh rời trường sớm đúng không ?
Tôi cúi mặt:
- Thưa, phải ạ.
Nhìn tôi từ đầu đến chân. Thầy phác một nụ cười thương hại pha với ngậm ngùi:
- Đôi lúc thầy có nghĩ đến em, một trong những đứa học trò có cảnh ngộ đáng thương. Thầy đoán em sống vất vả và nhiều lận đận. Đúng không?
Tôi đáp thật nhỏ:
- Dạ, đúng vậy. Cuộc đời lấy đi của em nhiều thứ, nhưng ơn trời đã ban cho em đủ nghị lực để sống.
Thầy nhắc nhở đến những đứa học trò ngày xưa giờ thành đạt có địa vị kha khá trong xã hội và tỏ ý hài lòng với sự phấn đấu của họ. Có người làm đến giám đốc sở, đại biểu quốc hội, trưởng phòng giáo dục. Thầy nhắc đến Kim Lan người ngồi bàn cạnh cửa sổ trong lớp ngày xưa.
- Hôm nọ có Kim Lan từ Đức về. Em có nhớ Kim Lan không, cùng lớp với em khoá đầu ấy?
- Dạ em vẫn nhớ.
- À, Lan qua Đức theo diện mướn kết hôn. Qua bên ấy một thời gian thì ly hôn. Gần mười năm mới về nước. Hôm ấy Lan làm tiệc mừng bạn bè họp mặt, có mời thầy. Vui lắm, đông lắm!
Hình như thầy còn nói khá nhiều về Kim Lan nhưng bỗng dưng cơn chiêm bao ập đến. Tôi thấy một dòng sông chảy ngang qua khu vườn rậm rạp. Có tiếng mái chèo khua nước, một con rắn rất to rẽ nước lội qua sông càng lúc càng đến gần. Trong đời tôi con rắn luôn làm tôi sợ đến chết điếng. Tôi kêu lên khe khẽ, nỗi sợ làm tôi không kêu to được.
- Kinh khủng quá!
Tiếng thầy làm tôi rời khỏi cơn chiêm bao ngắn:
- Em nói gì thế?
Tôi dụi mắt:
- Dạ không có gì!
Có lẽ do tuổi tác, do nghĩ rằng nghe nhầm nên thầy tin rằng tôi chưa nói gì. Thầy chuyển sang lĩnh vực văn chương, tấm tắc khen hết lời những cây bút thời thượng. Thầy say sưa nói về những bài báo thầy viết ca ngợi một nhà văn trẻ đầy triển vọng và sau này thì phàn nàn vì nhà văn này có những phát biểu phạm thượng. Tôi nhớ một người bạn có kiểu sống bạt mạng, phiêu bồng đã từng nói: Trong giao tiếp hàng ngày có ba lĩnh vực nên tránh bàn luận: chính trị, tôn giáo và văn chương. Tôi không mặn lắm về lối sống của anh nhưng những lời anh nói không phải là vô lý.
Nói một hồi dài mà không nghe tôi nói gì, có lẽ thầy nghĩ tôi chính cống là một bà đồng nát, thành kiểu người ù ù, cạc cạc không có khả năng nghe nổi đề tài thầy đang bàn nên hỏi:
- Theo em có đúng vậy không?
- Thưa thầy, em nghĩ văn chương vốn vô mệnh như trong Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du. Mà ngay cả Nguyễn Du có nhiều người sùng bái, cũng không ít kẻ chê bai. Người tôn làm văn hào vĩ đại, có kẻ còn đòi đánh một trăm roi. Cho nên với văn chương, em xin làm người ngoại đạo. Em chỉ có thể đồng cảm với tác giả nào hay không, chứ không có khả năng bình phẩm.
Có một người khách cao tuổi bước vào, bạn của thầy. Sau vài câu chào hỏi, tôi rời khỏi nhà thầy.
Vẫn đường, vẫn cây, vẫn nhà, vẫn phố nhưng sao giờ thay đổi nhiều quá. Tôi có cảm tưởng như Từ Thức về trần. Tôi đến bến xe đò mua vé đi về huyện biển cách thành phố ba mươi cây số - quê của Kim Thái. Thái trước kia ở cùng nhà trọ với tôi gần hai năm. Tôi có về quê Thái chơi một lần. Xưa Thái học trung bình. Không đẹp, không xấu. Nhà khá giả có năm mẫu đất trồng sơri.
Đến phố huyện thấy xa lạ quá. Phải thôi, mình đã đến một lần cách nay gần ba mươi năm chứ ít ỏi gì! Cũng không khó khăn để tìm ra nhà Thái, nhờ những nhà ven đường. Cái cô Thái ngày xưa học Sư phạm ra trường làm giáo viên cấp 2, sau đó làm hiệu trưởng rồi trưởng phòng giáo dục. Cô có gia đình cất nhà riêng ở gần cha mẹ, chồng cô cũng làm việc ở Uỷ ban. Thông tin do những nhà ven đường cung cấp dẫn tôi đến ngay cửa nhà Kim Thái. Đứng ngoài rào tôi giơ tay bấm chuông. Một con becgiê to cao như con bò nghé nhe răng chồm lên sủa ầm ầm. Nếu hàng rào không kín tôi chắc chắn trăm phần bị hàm răng chắc khỏe ấy xơi cho tơi tả. Một người đàn ông to béo bước ra nhìn tôi dò hỏi trong im lặng. Buộc lòng tôi cất tiếng hỏi trước:
- Anh à, xin hỏi đây có phải là nhà của Kim Thái không?
Anh lừng lững đi ra gần vòng rào, trên mặt khó nặn ra được một nụ cười. Anh nói nhỏ và chậm vẻ lơ đãng:
- Phải. Tìm cô Thái có việc gì không?
- Cũng có chút việc, nhờ anh nói với Thái rằng có người bạn cần gặp một chút.
Tôi không chấp thái độ lạnh lẽo của người đàn ông mà tôi đoán là chồng Thái. Chỉ cần Thái có nhà thôi, gặp tôi chắc chắn Thái sẽ mừng rỡ biết bao, sẽ ân cần như tri âm lâu ngày gặp lại. Chúng tôi đã từng ăn chung nồi, ngủ chung giường, từng học bài thâu đêm dưới một bóng đèn điện. Đã từng nửa đêm lục cơm nguội trong cái đói cồn cào mỗi khi thức khuya học bài thi.
Trong nhà một người đàn bà bước ra rồi dừng lại, tựa lưng vào lan can nhìn tôi dò dẫm, e ngại, nét mặt nghiêm nghị. Tôi nhận ra ngay đó là Kim Thái. Tóc Thái vấn gọn để lộ cái cổ cao, trắng ngần nổi bật trên cái nền áo thun màu da cam bó sát người. Cái quần soọc trắng ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa, phô bày đôi chân trần rất đẹp, cân đối. Lạy trời, ở tuổi quá ngũ tuần mà giữ được dáng vóc thế này quả là tuyệt hay. Xưa từng sống chung với Thái một thời gian dài mà tôi chưa bao giờ thấy đôi chân trần của Thái. Mãi đến bây giờ tôi mới có dịp nhìn nó qua hàng rào lưới B40. Bởi Thái vẫn đứng im đó, chưa nhận ra tôi là ai, mà tôi cũng chưa muốn xưng danh tánh để tạo sự bất ngờ. Tôi cười thú vị:
- Thái không nhận ra mình thật sao?
Thái vẫn giọng xa lạ:
- Chị là ai ? Cần gì nói đi!
- Thái không nhận ra tôi thì tôi đi về vậy!
Vẫn cái nhìn săm soi chằm chặp.
- Thật tình tôi không nhớ. Chị tên là gì ở đâu vậy?
Bỗng nhiên tôi như bị rơi xuống vực sâu. Mọi hăm hở tàn lụi đi nhanh chóng. Một người gầy gò, áo quần cũ kỹ, nón rách dép lê không có trong bộ nhớ của bạn bè. Chắc Thái nghĩ tôi là kẻ tầm phào nào đó cố tình lân la với ý đồ không tốt chi đây – Càng lúc cái nguy cơ ấy càng rõ. Cửa rào vẫn đóng. Thái vẫn đứng im ở bậc thềm. Người đàn ông vẫn đang ghì xích chó. Nếu bỏ ra về ngay thì không tiện, mà tự hài danh, hài tánh ra thì cũng tủi tủi thế nào. Thôi thì mình độ lượng với bạn, thời gian mà, xa nhau gần ba mươi năm chứ ít gì. Nhiều người chỉ sau bốn năm không gặp như Chân còn không nhận ra tôi nữa huống hồ gì Kim Thái. Mà thời buổi bây giờ vàng thau lẫn lộn biết ai người ngay người gian trà trộn. Nhà dân cần đề cao cảnh giác, nhà quan huyện lại cần đề cao hơn. Tôi cười như mếu:
- Thưa bạn Kim Thái, mình chính là Hoài lé đây, người Bến Tre xưa từng học chung lớp, ở cùng nhà trọ kế bên hai giếng nước cặp kè.
Hơi ngớ ra một chút, nở nụ cười không mấy tươi, và rồi Thái cũng bước ra mở cổng. Cánh cửa sắt nặng nề rít lên một tràng dài. Con chó trong tay người đàn ông nhìn tôi gầm gừ không chút thiện cảm. Và anh ta lôi nó ra sân sau, không trở ra lần nào nữa. Thái nắm tay tôi dẫn vào nhà. Bàn tay mềm và lạnh đan vào bàn tay tôi xương xẩu, khô và nóng. Thái nhìn kỹ tôi và hỏi cái câu ai lâu ngày gặp tôi cũng hỏi:
- Sao Hoài khác đi nhiều quá. Khác đến ngỡ ngàng!
Tôi xác định:
- Đúng. Không riêng gì Thái đâu. Ai cũng nói vậy.
Lại cái điều Chân hỏi:
- Sao Hoài không còn lé nữa?
Tôi hóm hỉnh:
- Lé mãi cũng chán. Thiên hạ lại ghê mình nên mình có cách luyện cho hết lé.
- Cách chi mà lạ vậy?
- Là nhìn tập trung vào một điểm, lâu dần sẽ có kết quả.
- Chừng bao lâu?
- Khoảng hai đến ba năm mà phải thật kiên trì và tập trung. Cam đoan lé cỡ nào cũng hết. Khỏi đi phẫu thuật.
- Kỳ diệu vậy à?
Tôi đùa:
- Nhưng người không lé nhìn kiểu đó có khi lé thật.
Thái không biết thưởng thức câu đùa của tôi. Nét mặt không biểu cảm và đứng lên bước vào trong. Tôi nhìn khắp lượt gian phòng khách đầy vẻ sang trọng. Sàn nhà lót đá hoa màu xanh dịu. Tường màu nhạt có gắn hai con rùa bằng nhựa cứng sẫm màu. Hai con rùa bò lên lưng chừng vách tường rồi ngửa cổ trông lên. Chính giữa bộ salon, cái bàn con chưng cái bình to cắm độc nhất một hoa hướng dương to tướng màu vàng. Bông hoa nghiêng về một phía, ý chừng đang hướng dương giữa không gian cố định của bốn bức tường. Dù hoa làm bằng vải nhưng phải công nhận rất giống như thật. Kim Thái mang ra một ly nước trong veo, lạnh ngắt mời tôi uống. Tôi chủ động hỏi thăm trước bằng sự quan tâm ân cần:
- Thái vẫn còn đi dạy học chứ?
- Trước kia thì có, mười năm lại đây mình về Phòng Giáo dục huyện rồi.
- Tôi đoán không nhầm chắc bạn có cuộc sống sung túc và hạnh phúc lắm, đúng không?
Thái gật:
- Cũng được. Mình đi làm, lương hai vợ chồng cộng lại xài không thiếu. Còn hai mẫu sơri cho mướn, chia chác đủ tiền cho con ăn học.
Thái nhìn tôi:
- Hoài uống nước đi. Sao dạo này ốm quá vậy. Chồng con gì chưa, đời sống thế nào rồi?
Nâng ly nước lên tôi cố uống hai hớp. Trong đời tôi dù có lúc đói cơm nhưng tôi chưa bao giờ uống nước lạnh. Có trà hay không cũng được nhưng nước phải nóng.
Cũng may tôi là kẻ vô thần, chứ nếu tôi là tín đồ Phật giáo thì tôi sẽ đắc tội vì tôi nói với Thái rằng:
- Cám ơn Thái đã hỏi thăm. Từ ấy mình về quê lấy chồng làm ruộng mà ruộng chẳng có là bao. Hoàn cảnh mình giờ tả tơi lắm. Con sáu đứa, đứa lớn thất nghiệp, đứa nhỏ đang đi học. Ông chồng bị bán thân bất toại, luôn tốn tiền thuốc men và phải chăm sóc. Lo cho cả nhà được bữa cơm, bữa cháo đã là may. Nhiều lúc không còn đồng xu dính túi, gạo sạch hũ, chồng con nheo nhóc mình nản vô cùng. Thái ơi mình nhớ Thái lắm. Nhiều lúc định đến thăm nhưng bận bịu tối tăm mặt mũi, mãi đến bây giờ mới đi được. Nhìn bạn vẫn trẻ đẹp, sung túc mình mừng cho bạn lắm.
Thái im lặng một lúc rồi chuyển sang chủ đề khác:
- Tóc Hoài cắt ngắn rồi, đó cũng là yếu tố để mình không nhận ra.
Một cái gì bẽ bàng, chua chát trào dâng trong lòng, tôi đáp:
- Trước kia Thái chỉ mặc quần dài chấm gót, giờ gặp Thái mặc quần cụt tôi vẫn nhận ra đấy thôi. Bạn có công nhận là tôi có trí nhớ tốt không?
Mặt Thái chợt tái đi. Một người có lý lịch bị đuổi khỏi ngành Sư phạm giờ nghèo tả tơi dám đi tìm thăm người có chức sắc, giàu có lại có trí nhớ dai thì đáng ghê biết bao.Tôi còn thấy sợ cho tôi nữa là ai. Thái lặng thinh. Tôi nghe tiếng con chó gầm gừ từ sau nhà vọng lên. Tôi không biết gợi gì để hỏi bạn nên nói một câu rất vô duyên dẫu rất thật lòng.
- Mình nhớ Thái lắm nhớ những ngày còn đi học.
Có tiếng điện thoại reo, Thái bước đến bàn nghe và nói chuyện với người bên kia đầu dây. Nói khẽ và có rất nhiều tiếng vâng, dạ. Rồi Thái cúp máy trở lại ghế ngồi. Cặp đùi mỡ màng, trắng trẻo và không chảy xệ.
Tôi nhớ đến chuyện Lưu Bình – Dương Lễ. Bữa cơm với quả cà thâm mà Dương Lễ cho bạn ăn khi đã trở thành quan lại. Còn Lưu Bình nghèo khổ tả tơi. Bữa cơm đau đớn Dương Lễ ban tặng với thành ý làm bạn quyết tâm phấn đấu học hành thành quan chức như mình, một cách trả ơn Lưu Bình đã cưu mang mình lúc còn hàn vi. Dương Lễ hoàn có lý vì lúc ấy họ còn trẻ lắm, còn đầy nhiệt huyết cướp lấy khoa danh, còn hăng hái lấy ba bà vợ. Còn tôi và Thái đều vượt ngưỡng năm mươi. Đời bóng xế rồi. Một mụ già trên năm mươi với gia cảnh vừa nêu mong gì bứt phá vọt lên chiếm lấy địa vị như Thái dẫu có ban tặng một tháng ăn cơm với cà thâm. Đường lên quan của mụ là vô vọng rồi, nghẽn lối muôn đời, nên thôi, cho uống ly nước trong veo lạnh ngắt đã là phúc lớn. Thái vẫn ngồi im mắt nhìn xa vời ra hàng rào có những dây leo trổ đầy bông tím nhạt. Thà rằng Thái cứ nói chuyện văn chương như thầy Hiếu dù tôi cố tránh nói về lãnh vực này. Khen chê tràn lan nhà văn nào cũng được, đừng im lặng đáng ghê như vậy, dù trong đời tôi đã đi qua những ngày tháng đáng ghê. Đã từng thức nhiều đêm trắng, từng chong mắt đối diện với đêm để nói rằng Đêm-Không-Dài.
Thái lại phá tan sự im lặng bằng lời mời:
- Uống nước đi. Hoài uống nước đi.
Tôi nâng ly uống vơi đi phân nửa. Uống để không phụ lòng bạn đã có nhã ý mời. Tưởng chừng như tôi sẽ đáng trừng phạt biết bao nếu còn cả gan ngồi lỳ ở salon này. Cầm cái nón lá te tua tôi đứng lên:
- Mình đến thăm Thái một chút còn phải về bên ấy. Đường còn xa. Mình không có nhiều thời gian.
Thái thở ra như trút gánh nặng ngàn cân.
- Hoài đến tìm mình có việc gì không?
Tôi cười như sắp khóc:
- Chỉ có mục đích là lâu quá không gặp, mình đến thăm Thái thôi, không có việc gì khác.
Thái sốt sắng đứng lên, bước chân hướng ra cửa vừa bảo:
- Sao vội vậy? Ở lại ăn cơm với mình.
Bằng hai con mắt không lệch trái, không lệch phải tôi nhìn thẳng vào mặt Thái nói nghiêm chỉnh:
- Cơm thì ngày nào cũng ăn. Mình đã ăn chung nồi suốt bao nhiêu năm đó thôi. Bạn đừng bận tâm. Mình phải về đây.
Bước ra khỏi cổng sắt, tôi nắm bàn tay lạnh lẽo của Thái nói:
- Cho mình gởi lời chào ông xã của Thái.
Tôi vẫy chiếc xe honda ôm leo len và bảo:
- Anh cứ chạy, bao giờ tôi bảo ngừng thì ngừng.
Người đàn ông chạy xe ôm ngoan ngoãn và tốt bụng đưa tôi về đến trước cửa nhà thì trời sụp tối. Tôi trả tiền và cám ơn. Hai chân tôi muốn khuỵu trên mặt đất. Tôi ngồi bệt trên sân cỏ tưởng chừng mình vừa đi qua cơn mộng dữ. Xưởng mỹ nghệ khoá cửa. Chân không đến. Yên tâm tôi ngồi một mình. Tôi không bao giờ muốn Chân nhìn thấy tôi trong trạng thái này. Từng đợt gió đêm lạnh lẽo ùa về. Gió xoa trên mặt tôi như bàn tay người mẹ vỗ về, an ủi khi đứa con rơi ngã trên đường đời. Nhà bên người ca sĩ già lại hát bài dân ca Lý Áo vá quàng.
          Cảm giác ớn lạnh lan khắp người. Bụng dạ nôn nao. Tôi cố kìm nén đến một lúc không thể nữa. Tôi nôn thốc tháo toàn nước. Mệt lả và đau thắt ở bụng. Cuối cùng tôi cũng lê bước được đến cửa. Mở khoá. Tìm cho mình ly nước nóng. Tự ủ ấm mình bằng chăn đệm dầy. Mắt tôi díu lại. Tôi ngủ ngon lành. Giấc ngủ không bao giờ còn có chiêm bao.

PTNĐ

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MƯỜI



Gặp trên phố

Người đàn bà chừng sáu mươi tuổi, có dáng hơi đẩy đà, mặc bộ bà  ba màu gấc chín từ trong đò bước lên bến chợ. Theo sau chị là một người phụ nữ khoảng hai mươi lăm tuổi trắng trẻo và thon thả hơn. Cô mặc áo thun và quần Jean xanh bó sát. Tưởng chừng thở mạnh một chút thôi là sẽ nứt tung từng đường chỉ ráp. Người nào cũng tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Tôi đứng chắn ngang lối đi của họ. Người đàn bà sững lại nhìn tôi, nhưng cái cười của tôi làm dịu ngay vẻ vừa bực vừa ngạc nhiên của người mặc đồ màu gấc chín. Không chờ lâu tôi nói:
- Xin hỏi có phải chị Năm Nhàn không?
Người đàn bà nhanh nhẹn gật đầu và  cô gái nhoẻn miệng cười yên tâm.
- Chị ơi, em là Hoài đây, Hoài con ông Bảy Sinh. Chị nhận ra em chứ!
- Ờ nhớ rồi. Em khác quá. Nếu em không gọi chị cũng không biết.
Tôi khen thầm trí nhớ chính xác của mình.
- Đúng rồi, mọi thứ đều thay đổi. Em già đi là tất nhiên.
Nắm tay chị, tôi kéo đến một khoảng trống để tránh dòng người và xe cộ từ bến phà lên, nhưng chỗ nào cũng bùn nhớp nháp. Chị Nhàn giới thiệu với tôi cô gái đi chung là con gái út chị. Tôi mời hai mẹ con vào quán nước có cây mận để trò chuyện. Gặp lại chị Nhàn tôi mừng thật sự như gặp người ruột thịt dẫu tôi không quên lần gặp ở quê vào cái đêm mưa. Chị bảo tôi lạc hậu vì mặc áo sơ mi ngắn tay và cái quần ống rộng 40cm. Dẫu sao chị cũng đã nấu cơm cho cả nhà tôi ăn suốt nhiều năm ròng rã. Mẹ tôi đã từng tin và thương mến chị như người nhà.
Cô gái có vẻ hiền lành hơn mẹ nhưng cái môi mỏng dính và hai hàng lông mày cái dấu sắc cái dấu huyền làm tôi nghĩ đến những lời nói sẽ không ngọt ngào lắm. Ngồi xuống ghế chị Nhàn nói :
- Con gái út của chị tên là Hồng Châu. Còn đây là cô Hoài trước kia người cùng làng với mình đó con.
Tôi hỏi:
- Chị được bao nhiêu người con? Hình như lần em về chị chưa sinh cháu Hồng Châu thì phải?
- Chị có ba đứa con toàn con gái, đã lấy chồng hết rồi. Hồng Tiến có chồng được một con. Hồng Lộ lấy chồng gần nhà chưa sinh. Hồng Châu là út nhưng có chồng trước hai chị và đã có hai con.
- Chị  đặt tên cháu nghe hay quá! - Tôi khen.
Chị Nhàn cười hài lòng và nói:
- Em biết Hồng Châu là gì không?
- Em hổng rành tiếng Hán lắm chị à, giải nghĩa tầm bậy kỳ chết.
- Hồng là màu hồng. Châu là châu lục, thế giới có năm châu. Hồng Châu là châu lục màu hồng. Ý của chị là vậy đó em à.
Tôi cười a dua:
- Tuyệt quá hen chị, cái tên rất có ý nghĩa. Hôm nay hai mẹ con định đi đâu?
Hồng Châu nhỏ nhẹ:
- Dạ cháu đi học ngoại ngữ.
Chị Nhàn cho biết đã đến tuổi nghỉ hưu, chị không còn làm chủ tịch xã nữa và chuyển sang làm chủ tịch Hội Người cao tuổi. Cuộc sống ở nhà quê tạm đủ ăn. Vợ chồng Hồng Châu làm ruộng, trồng mía, chài lưới… vẫn không dư giả gì. Trong làng nổi lên phong trào xuất khẩu lao động sang Nhật, Singapore, Đài Loan… vài năm trở về thành ra giàu có, cha mẹ đổi đời. Các cô gái quê đua nhau lấy chồng Hàn Quốc, Hồng Kông, có cô cũng đem về cho cha mẹ hàng trăm triệu, cất nhà mới gọi là nhà Đài.
Vợ chồng Hồng Châu chưa đứa nào học hết lớp 9 nên không thể đi lao động nước Nhật. Tụi nó bàn với nhau chỉ có xuất khẩu lao động mới mong đổi đời. Và nó nhất định đi. Con thì gởi ngoại một đứa, nội một đứa. Chồng đi theo tàu đánh cá của Hàn Quốc. Còn Hồng Châu sang Macao giúp việc. Hôm nay chị đưa nó đến Trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Macao. Giúp việc nhà bên ấy mình phải biết một ít tiếng nước họ để gọi đúng tên những dụng cụ nhà bếp, nhà vệ sinh và sử dụng thành thạo một số máy móc bếp núc trong gia đình, những câu giao tiếp đơn giản hàng ngày. Họ qui định như vậy.
- Học chừng bao lâu vậy chị?
- Ba tháng em à. Thủ tục xong hết rồi. Mãn lớp học sẽ bay sang bên ấy.
- Hợp đồng lao động bao lâu vậy Hồng Châu ?
- Dạ ba năm. Chắc chừng xong mình mới về nước.
Tôi nói với Hồng Châu:
- Tôi trông vóc dáng em chắc làm tốt công việc nhà, nhưng ngần ấy thời gian xa con… có đủ sức chịu đựng không em?
Hồng Châu cắn môi:
- Cháu cũng không biết nữa. Mong rằng thời gian sẽ dần quen. Nhưng dẫu sao cũng cố hết sức đến mãn hợp đồng mình về sẽ có vốn kha khá để lo tương lai cho con.
Chị Nhàn hỏi:
- Lúc này em sống ra sao hở Hoài?
- Dạ nhờ trời cũng đủ cơm ăn hàng ngày. Không có gì vui cũng không có gì buồn.
- Đã có gia đình chưa?
- Nói theo mấy người ở quê là em thuộc dạng ế, quá lứa lỡ thì, nhưng thật ra do em thích sống một mình. Ai nói gì mặc kệ. Và cũng nhờ mặc kệ nhiều thứ mà em vượt qua những hàng rào tưởng chừng như không vượt qua được. Vượt qua và sống.
Trong cái nhìn của chị Nhàn, từ lâu tôi là hệ quả của ba mẹ tôi. Tôi phải gánh chịu nhiều cơ cực bẽ bàng vì người sinh ra tôi từng ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột giá trị thặng dư của người lao động. Tôi hiểu vậy và lờ đi như không. Tôi cũng không dại dột nói ra với chị thành quả lao động nhiều năm, doanh thu hàng năm ở các cửa hàng cửa hiệu khắp vùng miền và những hợp đồng  mua bán với khách hàng ngoại quốc.
Chị có con đường của chị, đi tìm tương lai đổi đời ở chân trời Macao, Hàn Quốc. Còn tôi có thể làm lại đời mình ngay tại xứ sở quê hương, trên đống tro tàn tuyệt vọng.
Nghĩ vậy thôi chứ tôi không hề hé môi. Tôi không thể phê phán suy nghĩ của ai cũng như không khuyên ai phải theo con đường của tôi.
Tôi không trả lời cũng không tranh cãi chuyện lạc hậu hay tiên tiến dạo nào mà chị lên lớp tôi về “văn hoá ống quần”. Cuộc sống sẽ trả lời mọi điều. Đầy đủ.
Tôi trả tiền cà phê và chúc Hồng Châu, một châu lục màu hồng, mai kia sang trời Macao làm tròn phận sự người giúp việc đừng bỏ về nửa chừng.
Giã từ mẹ con chị Nhàn tôi đi chầm chậm qua phố. Trời lại đổ mưa – cơn mưa cuối năm nhẹ như bay và lạnh lẽo trong cái gió bấc thổi về. Không muốn dầm mình ngoài mưa, tôi tạm trú chân dưới một hành lang rộng của ngôi nhà đóng kín cửa. Cái lạnh càng lúc càng tăng và cảm giác rờn rợn chạy suốt sống lưng. Hành lang này chỉ có tôi và một người bán chổi trú mưa. Chổi đầy ngập hai đầu gánh khuất gần hết dáng người ngồi ở giữa. Tôi nghĩ đó là người đàn bà vì thấy cái nón lá và một phần lưng áo bà ba trắng bạc phếch. Chị xoay lưng về phía tôi và nhìn xế qua hành lang nhà bên chừng như không biết có tôi đứng gần. Gánh chổi có đủ màu sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, tím, lam, chàm, lục, cả những màu lơ lớ pha trộn, chẳng thể gọi đúng tên là màu gì. Đó là những cây chổi ni lông và chổi lông gà. Tôi cầm một cây chổi hỏi mua. Không quay lại, người bán bảo cây nào cũng có giá năm ngàn. Thực ra hỏi mua cũng là để gợi chuyện chứ tôi chẳng có nhu cầu. Tôi trả tiền. Chị xoay lại nhận. Tự nhiên tôi cảm thấy cơn ớn lạnh sống lưng càng lúc càng tăng. Đó là một khuôn mặt không thể định được tuổi tác. Có thể trên ba mươi hay hơn. Nhìn một lúc cũng có thể nghĩ trên bốn mươi. Gương mặt xương xẩu và xanh xao của người đàn bà như vừa đau mới dậy. Và chị rất gầy, có lẽ gầy hơn tôi nhưng thấp hơn nên ít có vẻ lỏng khỏng. Một bên mặt chị có cái bớt son trải dài từ mí mắt đổ xuống gò má dài đến tận càm. Cái bớt son này trông quen lắm và khuôn mặt cũng rất quen. Tôi không làm sao nhớ nổi đã từng gặp người này ở đâu. Trí nhớ lần này nó phản tôi thực sự mà trước đó tôi vẫn tự hào. Tôi  lân la:
- Nhà chị ở gần đây không?
- Xa lắm!
- Số chổi này chị bán hết trong ngày không?
- Lúc hết lúc không.
- Chị tự làm để bán hay mua lại của người khác?
- Tự làm.
- Chị buôn bán thế này đủ sống không?
- Ăn uống chẳng bao nhiêu, bán cho vui.
Chị quay quắt lại nhìn tôi bằng cái nhìn trong veo, thăm thẳm, nói câu nhẹ hều như gió mà ẩn chứa trách móc:
- Mua một cây chổi mà hỏi chi nhiều vậy?
- Vì tôi thấy chị quen lắm mà không nhớ ra.
Vẫn giọng nói nhẹ như gió và cái miệng rộng, làn môi mỏng tím tái như người đang lạnh hơi mỉm cười có chút thân ái:
- Phải, vừa quen vừa lạ!
Gì mà ghê vậy. Cơn ớn lạnh làm tôi không đủ can đảm la cà hỏi chuyện nữa và cầm cây chổi đi thẳng ra ngoài trời đang mưa, quên cả chào.
Về tới nhà tôi bị sốt cao và đầu nhức như đinh đóng. Cái cười bí hiểm của người đàn bà bán chổi thỉnh thoảng lại lảng vảng trước mặt. Cái bớt son chiếm gần hết một bên má. Là ai vậy?
Tôi vẫn hay tủi buồn khi gặp người quen ngày trước, những người lâu ngày không gặp luôn hỏi tôi là ai, từ đâu đến. Cứ phải tự nhiên giới thiệu về mình với người quen cũ tôi nghe buồn đến não lòng. Tưởng như mình đang sống một kiếp khác mà nhờ sự nhầm lẫn nào đó của tạo hóa hay một quan lại thiên đình phụ trách khâu cháo lú đã thờ ơ bỏ sót, nên mình mải nhớ về kiếp trước rõ ràng.
Những dòng suy nghĩ miên man bất chợt loé lên hình ảnh người bạn nhỏ trong giấc mơ thời thơ ấu. Con Gừa - đứa bạn luôn mặc quần áo cũ kỹ, rách rưới, gầy gò, xanh xao, đã từng chơi rất thân với tôi bên gốc vườn có cây gừa. Đứa bạn rất hay đói bụng và làm thiu nồi cơm mà tôi nhiều lần bị mẹ mắng oan. Con Gừa nó có bớt son bên má như người đàn bà bán chổi tôi gặp trên phố bữa trú mưa.
Con Gừa đã từ giã tôi đầu thai làm người sau khi đã bắt chết thằng bé bụ bẫm bên xóm. Tôi đã trách móc nó và lần cuối cùng gặp nó đến giã từ tôi bằng vẻ mặt buồn buồn. Muốn làm một kiếp người mới phải giết chết một mạng người và mang vẻ mặt buồn buồn u ám thế kia ư? Câu hỏi tôi không trả lời được và không dám nói với ai. Sau này tôi không còn có thể chiêm bao được nhưng tôi vẫn nhớ mãi con Gừa trong giấc mơ từ thời thơ bé.
Người đàn bà bán chổi có gì liên đới với con Gừa. Vẫn dáng vẻ xanh xao gầy gò, có bớt son choáng một bên má. Cười mà vẫn không thấy vui. Giọng nói thì thào như gió.
Nhiều ngày tôi lang thang trên phố đi chậm, để tâm quan sát tìm kiếm người đàn bà bán chổi hôm nào. Con hẻm nhỏ. Đầu đường. Đầu chợ. Trên hành lang nhà ai đóng cửa. Không bao giờ tôi còn gặp lại. Tôi thành tâm cầu nguyện nhưng chỉ nghe cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng.