Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

NGHĨ TỪ CÁNH ĐỒNG PHƯƠNG NAM

Tham luận của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Người dân Nam Bộ từ xưa có cuộc “Hành phương Nam” vì nhiều lý do, trong đó có mục đích đi tìm tự do, tìm một chân trời mới để mưu cầu hạnh phúc. Và lòng mến chuộng tự do đó lưu truyền trong máu suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lịch sử dân tộc đã chứng minh người Phương Nam từng xem nhẹ mạng sống của mình để đấu tranh cho lý tưởng tự do ấy.
Chuyện về ông già Ba Tri, một mình quảy gói đi bộ hàng tháng trời đến Triều đình Huế khiếu kiện, đi tìm cho được công lý mà chính quyền địa phương phân xử bất công, nói lên ý thức không cam chịu. Với lòng ngưỡng mộ ông già Ba Tri, tôi xin mở ngoặc nói rằng, rất đáng mừng cho một chính thể có người dân đi khiếu kiện. Vì người ta vẫn tin  rằng xã hội còn có công lý, không nơi này thì nơi khác. Chỉ sợ lòng người nguội lạnh, người ta không đi khiếu kiện nữa, lòng tin đã chết. Người ta im lặng – sự im lặng mang mầm chết chóc.
Định cư trên vùng đất mưa thuận gió hòa, thiên nhiên ưu đãi cộng với sự cần cù, những con người Phương Nam là chủ những vườn cây trĩu quả, những ruộng lúa oằn bông. Lương thực dồi dào có thể trang trải đến những vùng miền khác của đất nước và còn đem bán cho nước ngoài. Như thế không có nghĩa là dân Phương Nam thỏa mãn với bấy nhiêu của cải vật chất ấy rồi nhậu nhẹt, ăn chơi xả láng, sống bạt mạng đến bao giờ cạn kiệt rồi mới làm tiếp. Người ta vẫn tích cóp để đầu tư cho con cái chuyện học hành, vươn lên thoát cuộc sống vất vả. Có rất nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà chính trị lỗi lạc. Trong địa hạt giáo dục, văn học nghệ thuật nhiều người nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nói như vậy, không phải tự hào hay tự tôn vinh khu vực của mình mà để nói rằng Đồng bằng  Sông  Cửu Long là vùng đất của “Hai Lúa”, nhưng không chỉ có “Hai Lúa”. Một người có quá khứ cơ cực và lận đận khi đã vượt qua và có cuộc sống no đủ sẽ có hai cách cư xử: Một là người ta sẽ thành người dè sẻn, tiết kiệm đến keo kiệt vì cái ám ảnh đói nghèo. Hai là người ta dễ mềm lòng trước những cảnh ngộ bi thương, người ta sẵn lòng hào phóng bỏ tiền cưu  mang người cơ nhỡ như bắt gặp hình ảnh quá khứ của mình. Cả hai trường hợp đó đều có ở người Nam Bộ, nhưng trường hợp thứ hai phổ biến hơn.
Có một người ở xa hỏi tôi: Có phải dân Nam Bộ hơi ba trợn, tưng tửng không? Tôi hỏi sao bạn hỏi vậy. Trả lời rằng vì xem mấy bộ phim chiếu trên truyền hình thì thấy vậy.
Thú thật tôi ít xem phim Việt Nam, nhưng nghe nói vậy cũng tìm xem thì thấy người ta nói cũng có cớ của người ta.
Theo phim thì hỡi ơi người miền Nam lúc nào cũng đểnh đoảng, ruột để ngoài da mà ruột cũng rỗng. Nói năng nông cạn, cử chỉ, hành vi thô bỉ đến lố bịch. Người ta xây dựng tính cách người Nam Bộ thật thà đến ngô nghê, khờ khạo không tự chủ được cuộc đời của mình như chiếc xuồng không ai chống chèo cứ lênh đênh theo con nước lớn ròng. Tôi không cho rằng người viết ác ý nhưng  tôi nghĩ họ cẩu thả, non kém, thiếu hiểu biết về đất và người Nam Bộ. Mà trong nghệ  thuật cẩu thả là đồng nghĩa với tự sát. Thời gian sẽ đào thải thôi. Suy cho cùng  thì người ba trợn, tưng tửng vùng miền nào cũng có, và người khôn ngoan, thâm thúy cũng không riêng có ở một nơi nào.
Nhà văn khi bắt đầu một trang viết mới, ai cũng mong tác phẩm viết ra sẽ hay, ít nhất là hay hơn chính mình ở những trang viết trước. Trong cuộc sống ai cũng muốn vươn tới cái đẹp, cái hoàn thiện. Nhưng mơ ước có khi lảng vảng, lơ lửng ở thì tương lai.
Thế nào là tác phẩm hay? Thật là câu hỏi không dễ trả lời. Có thể  nói là hay đối với một số người nào đó, và với người khác là dở. Ở góc nhìn của thời đại này chỉ đáng vứt đi, nhưng mai sau người ta sẽ đem ra ca ngợi hết lời. Chỉ nói đến sự cảm  thụ văn chương thuần túy thôi chứ còn khen chê ầm ĩ, tung hê nhau vì lý do ngoài văn chương lại là chuyện khác. Bởi thế không lạ gì có những tác phẩm đạt giải Nobel vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau.
Ngày hôm nay là ngày mới của hôm qua. Ngày mai là ngày mới của hôm nay. Hiển nhiên như thế. Thời gian cứ mải miết trôi đi mà không ai, không cách gì níu giữ lại được. Cái mới luôn đi qua đời ta từng phút giây và cái cũ lùi vào quá vãng dù ta muốn hay không. Nhưng làm sao biết được ngày mới có gì hay ho hơn ngày cũ.
Xã hội Nguyễn Du viết Truyện Kiều có tham quan ô lại, có  kẻ đạo đức giả, có bọn Ưng Khuyển, Tú Bà, Sở Khanh, có gái lầu xanh, có thằng bán tơ phao phản. Con người bị buôn bán như súc vật. Chúng ta dũng cảm nhìn lại xã hội ta đang sống, có hay không những hạng người của thời buổi ấy. Họ đã biến mất đi nhờ một phép màu nào đó hay tăng theo cấp số nhân, vô cùng tinh vi và trá ngụy trong muôn lớp vỏ bọc. Câu hỏi chúng ta có thể tự trả lời một cách thật thà với chính mình nếu ngại nói ra.
Cái thiện và cái ác. Cao thượng và thấp hèn. Văn minh và man rợ. Ánh sáng và bóng tối. Những cái ấy mãi là cuộc trường chinh dai dẳng và quyết liệt trong cuộc sống. Cái đẹp không có đỉnh điểm và cái xấu cũng vô cùng.
Văn chương không hữu hình nhưng nó có thể làm người tuyệt vọng vịn lấy mà đứng dậy. Nó không là gươm đao nhưng cũng góp phần gây nên bao oan nghiệt, hệ lụy cho thân phận con người. Tùy thuộc vào cái tâm của nhà văn.
Khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước tôi có đọc truyện “Bút Máu” của nhà văn Vũ Hạnh. Cho đến bây giờ mỗi khi cầm bút tôi vẫn không thôi ám ảnh. Cái thông điệp trong “Bút Máu” nhắn nhủ với chúng ta rằng khi ngòi bút ta vuốt ve cái ác, tô son trát phấn cho những ung nhọt xã  hội thì ngòi bút ta sẽ đẫm máu. Bối cảnh và thời điểm cũ càng nhưng đọc lại vẫn không thôi bỏng rát, buốt xót.
Chúng ta mang nặng ân tình của vùng đất nuôi ta lớn khôn, viết trung thực để trả nợ, đáp đền ân tình đã khó, làm công việc dự báo lại càng khó hơn. Nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được. Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi ở bạn đồng nghiệp, thế hệ trẻ.
Hưng Nhượng 26-10-2011
                                                                                  PTNĐ