Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

ĐI VỚI NHAU MỘT QUÃNG ĐƯỜNG



                                     Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Một ngày của năm 1975, cả Miền Nam đổi tiền. Giới nghiêm. Không chợ. Không xe. Chỉ có người đi bộ. Tôi không có nhiều tiền để phải chầu chực làm thủ tục rồi chờ đợi mỏi mòn ở các điểm thu đổi. Cầm một nắm tiền lẻ đưa cho đứa bạn cũng ít tiền như tôi. Cho mày, đổi ra mà xài. Túi rỗng lại hóa hay. Cứ vậy tôi bước về nhà. Tôi đi từ lúc giữa trưa, về đến nhà trời đã sụp tối. Không mệt nhưng mỏi và khát nước lắm. Hai chân phồng rộp ê ẩm. Quãng đường ấy dài ba mươi cây số. Lần đầu tiên trong đời tôi đi bộ từng bước, ngắm nhìn những vườn cây nhà cửa ven đường mà những lúc ngồi trên xe ít khi quan sát kỹ.
Có một chiều thứ bảy đã hơn sáu giờ tôi còn ở thị xã. Tôi quyết định về nhà. Không chắc còn chiếc xe nào, kể cả xe lam, xe lôi. Ánh sáng của ngày càng lúc càng dịu nhạt. Con đường đất đỏ sẫm lại trong hoàng hôn. Chẳng sao cả. Tôi vẫn bươn bả đi. Tôi xác định đi bộ như đã từng đi bộ. Phía đằng đông vầng trăng thượng huyền treo lơ lửng.
Hồi ba còn sống, mỗi lúc buồn tôi hay về gặp ba. Ngồi bên ba, dù tôi không nói cái gì làm tôi buồn, dù ba vẫn thường ngồi im lặng với chai rượu trong bóng đêm, tôi vẫn nghe ấm áp được chở che, nương tựa.
Lần ấy kết thúc đợt thực tập, lòng yêu sư phạm tan vỡ trong tôi. Những khuôn vàng thước ngọc gãy vụn, những thần tượng bẹp dúm thảm hại. Tôi tìm về bên ba. Tôi đi một mình không hề sợ sệt bất cứ cái gì. Có tiếng xe ngựa phía sau. Tiếng lục lạc khua và tiếng vó ngựa gõ vào mặt đường mỗi lúc một gần. Nhìn lại, thì ra là anh Phi. Mừng quá đổi. Anh thắng xe lại và hỏi tôi đi đâu. Tôi nói về nhà. Anh bảo Huyền lên xe, tôi cho đi nhờ.
Trên xe không chở gì ngoài ông lão tóc bạc phơ, ngồi sau anh Phi tựa lưng vào thành xe như đang ngủ. Tôi dè dặt ngồi một bên chỗ sau cùng.
- Xe anh đi đến đâu? - Tôi hỏi.
- Tôi có việc về phía biển, đi ngang đường về nhà Huyền. Yên tâm, không lo đi bộ lang thang một mình trong đêm.
Anh lại cười. Trông anh có vẻ phong trần hơn trước. Áo kaki màu cỏ úa sờn bạc và cái nón vải rộng vành gợi liên tưởng đến chàng cao bồi Viễn Tây. Ông già có lẽ ngủ vì từ lúc lên xe thấy ông vẫn nhắm mắt, đôi lúc cựa mình khẽ ho mấy tiếng. Đó là ông già gầy gò, khuôn mặt xương xương đẹp như ông tiên.
Trước kia anh Phi là học sinh ở chùa. Hồi còn học lớp 10 tôi ở trọ nhà một bà già không con. Bà chỉ ở nhà ban đêm, ngày ở chùa. Mỗi sáng trước khi đi học tôi chở bà đến chùa. Chiều anh Phi đưa bà về. Ngày nào cũng vậy. Tôi quen biết anh trong dịp ấy và chẳng có lúc nào nói chuyện gì hơn ngoài vài câu xã giao. Hàng mấy năm như thế. Nghe bà già nói anh vốn là con mồ côi được nhà chùa nuôi và cho đi học. Anh tốt bụng và siêng năng nên được nhiều người trong chùa yêu mến. Nghe nói và biết vậy, tôi không hỏi thêm. Thi xong Tú Tài không thấy anh ở chùa nữa. Chẳng biết anh lên đại học, đi làm, đi lính hay cưới vợ lập nghiệp ở nơi nào. Tôi không quan tâm. Cho đến lúc gặp anh trên đường chiều này tính ra trên dưới 7 năm gì đó. Tôi hỏi:
-  Sư cụ và bà vẫn khỏe hả anh?
- Vẫn khỏe, nhưng cao tuổi rồi, khỏe theo người già nên ít đi đâu lắm.
- Giờ anh làm gì?
Anh trả lời nhẹ hều: Chẳng làm gì cả. Lông bông mãi thôi.
Không tiện hỏi nhiều, bởi tôi và anh thường gặp nhưng không quen thân. Hỏi han nhiều sợ đụng chạm đến vấn đề tế nhị cũng không hay. Bởi sau 1975 tôi có những người bạn lỡ thầy, lỡ thợ, lỡ nông dân, làm đủ thứ nghề để mưu sinh và cũng có nhiều người trong xóm bỗng chốc nên quan, không có khả năng đọc và hiểu một trang giấy. Lại càng không nên hỏi thêm về gia cảnh. Tôi lặng im. Rất lâu, tôi nghe anh Phi hỏi: Huyền ngủ đó à?  Tôi đáp đại: dạ cũng lơ mơ.
Chưa bao giờ tôi đi xe ngựa trên đoạn đường dài vào đêm trăng sáng như vậy. Rất thú vị, sao mà ngủ cho được. Tôi cảm thấy anh Phi hiền lành, kỹ tính chứ không phải loại đàn ông gặp phụ nữ hay bốc phét, ba hoa. Anh chỉ trả lời ngắn gọn những câu tôi hỏi, không nói dư.
Đến ngã ba rẽ vào nhà tôi, anh dừng xe lại làm tôi ngạc nhiên: sao anh biết tôi xuống đây mà dừng lại?
Anh cười có vẻ dí dỏm:
- Tại con ngựa nó dừng. Huyền về nhà vui vẻ nghen.
Tôi nói thật nhỏ sợ làm ông già thức giấc:
- Cám ơn anh Phi nhiều lắm .
Tôi rảo bước trên đường làng, nghe tiếng nhạc ngựa mỗi lúc một xa. Trăng sáng rạng rỡ. Tôi đi và dẫm lên bóng của mình.

*     
*       *

Khánh xuất hiện với chiếc xe đạp bon bon trên đường. Ghi đông treo cái túi xách. Tiếng va nhau lanh canh không xa lạ gì của những người trọ học đem theo đồ ăn cả tuần, lủ khủ gà men, lon guigoz.
Tôi chờ mãi không thấy xe nên đi bộ từ từ. Những năm ấy xăng dầu hiếm hoi, xe cộ rất ít. Định bụng nếu không gặp chiếc xe nào tôi sẽ ghé nhà nhỏ bạn ở Mỹ Luông ngủ qua đêm sáng về sớm. Không có ý định đi bộ.
Chiều thứ bảy ai cũng về nhà. Khánh rủ tôi đi cùng. Lòng tốt của Khánh tôi ghi nhận, nhưng gió ngược đường xa, đạp xe cứ như đẩy lùi về phía sau, đèo thêm người có họa trời đày. Tôi đề nghị thay phiên mỗi người đạp 5km. Tôi gầy, Khánh cũng tong teo, nhờ cao 1,75m nên cũng có dáng không đến nỗi nào. Mà lúc ấy ai cũng gầy. Học sinh nội trú lại càng xanh xao, kiếm được người phì lũ, đỏ đắn, khó lắm…
Khánh chở tôi ngồi sau, chưa đến lúc đổi phiên thì xe bể bánh. Vỏ ruột thương nghiệp phân phối phải làm đơn qua nhiều con dấu mới  mua được. Hai cái thân ròm cũng trở nên quá tải. Giữa đồng không mông quạnh chỉ toàn ruộng lúa, rải rác có những bờ bao trồng dừa, thỉnh thoảng mới có nhà dân. Tuyệt nhiên không có tiệm sửa xe đạp nào.
Chúng tôi ngồi trên vệ cỏ ven đường, vô vọng nhìn chiếc xe đạp. Gió chướng lạnh lùng thổi. Chiều sẩm tối. Khánh bỗng cười ha ha. Thôi ta bèn đi bộ kèm theo xe, nhưng nghỉ mệt một lát đã. Khánh lấy trong túi xách một chai nước lạnh rồi ngửa cổ tu ừng ực.
- Tại Khánh có lòng tốt cho đi nhờ mới ra nông nổi này, phải chi đi một mình thì chẳng sao. Giữa đường tôi có nhà quen có thể ngủ nhờ qua đêm, nhưng bỏ Khánh đi một mình thì thật không phải. Nên thôi, cùng đi bộ vậy.
Khánh nói đi bộ ngắm cảnh vật hai bên đường cũng có thú riêng của nó. Chúng tôi đi qua khoảng đất rộng mênh mông  hàng chục ha trước kia là trại lính, sau này người ta san lấp và bắt liếp trồng dừa. Đó là vườn dừa kiểu mẫu của tỉnh. Nó được chọn giống từ những cây dừa mang ưu điểm nhất và có hẳn đội ngũ kỹ sư nông nghiệp chuyên trách.
Dọc theo sườn lộ là con kênh đào rộng khoảng 4 mét. Lực lượng thanh niên, học sinh trong tỉnh lũ lượt kéo về làm lao động. Kinh đào thẳng băng, đất đắp thành bờ dài song song với lộ. Người ta làm trạm bơm tưới tiêu đưa nước về nhiều cánh đồng bao la bát ngát từ huyện này sang huyện khác với quyết tâm: “Nghiêng đồng đổ nước ra sông / Bắt sỏi đá làm ra lúa gạo / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”
Đêm vào sâu, mọi thứ đen đặc chỉ thấy lờ mờ dải nước trắng của dòng kênh hiện ra. Mùi bùn mới dậy lên. Khánh nói khi mình đi ban đêm thì nên nhớ kinh nghiệm của người xưa: “Trời mưa thì tránh chỗ trắng / Trời nắng thì tránh chỗ đen / Nắng mưa lèng èng trắng đen tránh hết.”
Tôi nói tránh hết thì bước lối nào. Chẳng lẽ ngồi hoài một nơi mà chờ sao?
- Ừa hén, tôi không nghĩ tới.
- Nắng mưa lèng èng trắng đen bước đại.
- Nhỡ té ngã thì sao?
- Thì đứng dậy đi tiếp. Không sợ vấp ngã, chỉ sợ có kẻ nào cầm gậy lăm lăm dọa không cho đứng dậy mà thôi.

*          
*         *

Tôi quyết định bước xuống dù tiền xe đã trả đủ và còn hơn ba phần tư đường nữa mới đến điểm dừng. Gã thu tiền xe chanh chua, thô bạo, nhất thiết gỡ tay khách thu bằng được tiền rồi xô lùa khách sát vào phía trong bằng những câu nói vô cùng phản cảm. Người ta vẫn nói khách hàng là thượng đế. Ở đây thượng đế bị rẻ rúng quá đỗi. Họ dẹp bớt phân nửa số ghế để lấy chỗ đứng nhiều hơn. Cứ thế khách đứng san sát vào nhau, nhiều lúc chẳng thể đặt lọt bàn chân. Đầu, mặt, thân thể va đập vào nhau theo mỗi cú chúi nhủi. Tha hồ hít ngửi lẫn nhau trăm thứ bà lằn mùi vị từ những tấm lưng đầm mồ hôi, từ những khe kẹt của cơ thể tỏa ra. Đó là chưa tính vài quí ông ung dung phả khói thuốc mù mịt vào cái rọ người di động này. Tất cả những điều đó không làm tôi buộc lòng phải xuống xe, chỉ duy nhất một  lý do: tôi phát hiện ra người tài xế say rượu.
Nghe giọng hát khê nồng nhừa nhựa của gã: “Anh cho em mùa xuân, mùa xuân của đất trời…”. Tôi hoảng hốt nhìn thì thấy mặt gã đỏ lựng, đỏ tất cả những nơi mà da gã lộ ra. Hai con mắt trắng dã lờ đờ, cái đầu lắc lư lúc ngoẹo sang phải, lúc ngoẹo sang trái, miệng không ngớt lặp lại mãi câu hát. Nắm trong tay sinh mệnh mấy chục con người mà túy lúy cơn say. Mấy chục con người kia có hay rằng cái tay say xỉn sẽ đưa mình đến tử vong trong một tích tắc nào đó không. Tôi không yêu đời mấy, nhưng chết dưới tay gã lái xe say thì tôi không cam lòng. Đến nước này thì thân ai nấy bảo trọng. Xuống xe hay đi tiếp thì tùy. Việc đời đôi khi mình phải bất lực đứng nhìn.
Tôi đứng bên lề hướng mặt vào vườn cây hít thở thật sâu cố xua đi mớ không khí mình đã hít ở cái rọ người. Sau lưng, cái rọ người chạy băng băng dưới sự lèo lái của gã say luôn tự hào: “Anh cho em mùa xuân”.
Con đường này giờ có đủ loại xe, không phải lo đi bộ như ba mươi năm về trước -  những năm tháng tôi còn đủ liều lĩnh và gan dạ để một mình toan băng đường khuya về nhà. Chỉ cần dừng lại không lâu có thể vẫy một chiếc xe và họ sẽ đưa mình về tận nhà. Nhưng tôi muốn đi bộ thư giãn một quãng ngắn thôi.
Chiếc xe du lịch chạy chầm chậm bên tôi rồi dừng lại. Từ trên xe Khánh bước xuống, tươi cười  mừng rỡ:
- Trời, bà Huyền đi đâu mà lang thang vậy?
- Về nhà, giữa đường phát hiện ra gã tài xế say rượu, hãi quá xuống xe đi bộ cho bớt sợ.
Trông Khánh vẫn rạng rỡ như xưa, hàm răng lòi sỉ duyên chưa mất đi cái nào. Vài lần gặp gần đây thấy Khánh không gầy đi hay mập lên, chỉ có mái tóc bạc dần và khi cười hai bên khóe miệng xuất hiện ngoặc đơn ngoặc kép.
- Mời bà lên xe. Tôi xin đưa bà đến nơi đến chốn.
- Vô cùng cám ơn. Không ai dại gì từ chối lời mời rất hay ho này.
Tôi ngồi vào xe. Xe đời mới đắt tiền. Sang trọng. Khánh lập nghiệp ở tỉnh khác chỉ thỉnh thoảng về quê cuối năm dịp tảo mộ cha mẹ. Biết vậy chứ ít gặp Khánh. Nghe nói Khánh có trang trại và vườn cao su. Sắm xe chắc là làm ăn khá.
Khánh tắt máy nghe nhạc, một bản nhạc không lời thời tiền chiến. Tôi hỏi sao Khánh không để nghe. Khánh cười: Dễ gì gặp bà. Yên lặng nghe nói chuyện hay hơn.

Từ lúc còn học trường làng cho đến học chung sư phạm tôi và Khánh vẫn xưng tên. Tự dưng gần đây Khánh gọi tôi bằng bà. Tôi vẫn gọi bằng Khánh. Cách xưng hô xác định ranh giới tuổi tác cuộc đời. Sắp lên ông, bà cả rồi, gọi bằng tên nghe không tiện chút nào. Nhưng sao tôi không thay đổi được, vẫn cứ như xưa.
- Công việc của Khánh lúc này vẫn phát triển tốt chứ?
- Ơn trời cũng sống được bà à.
Tính Khánh vẫn vậy. Khiêm tốn. Thích giấu mình.
Tôi hỏi: Chiếc xe lam trước kia đâu rồi?
- Tôi vẫn còn giữ, đem về trang trại để chở hàng hóa ra vào rất tiện lợi.
Tôi nhớ khoảng mười mấy năm về trước, chiều tối tôi đi từ Tân Thạch về thị xã bằng xe lam. Ngồi trên xe hồi lâu mới biết bác tài là Khánh. Gặp nhau rất vui. Khi xe dừng cho khách xuống bến, Khánh bảo Huyền khoan xuống, ngồi lại tôi nói này nghe. Nói gì. Huyền có cười tôi bỏ dạy không. Tôi nói có chi mà cười, làm gì lương thiện, sống được, đủ lo cho gia đình là tốt rồi. Mà Khánh tưởng tôi khác gì Khánh sao. Tôi bỏ dạy ngay lúc ra trường. Có lẽ nghề giáo cao quý quá mình đâm ra sợ. Khánh nhìn tôi cười đồng điệu. Bây giờ tôi mời Huyền đi dạo một vòng bằng xe lam. Chớ có cười. Tôi nói dễ gì có xe lam mà đi sao lại cười.
Thị xã nhỏ hẹp, đi một vòng đã về khởi điểm. Uống ly cà phê bên bờ hồ lộng gió. Đêm lạnh. Khánh kể tôi nghe về chuyện làm kinh tế . Nhà Khánh có lò kẹo thủ công do bà vợ quản lý với hơn hai chục công nhân. Khánh chạy xe lam đưa khách và chở kẹo đi bỏ mối các nơi. Tôi không giỏi tính toán làm ăn nhưng nghe nói sơ qua cơ ngơi tôi có thể nghĩ rằng thu nhập sẽ gấp bội lương giáo viên. Mừng cho bạn. Một cơn gió mạnh thổi thốc vào bàn mang theo mấy chiếc lá vàng quắt queo. Tôi kéo cao cổ áo. Nhà Khánh gần đây à? Thôi về để vợ trông. Cám ơn Khánh đã chiêu đãi một chuyến đi dạo phố bằng xe lam.
Khánh cười lùng bùng trong miệng không trả lời.
Bây giờ thêm một lần tôi đi cùng Khánh trên một quãng đường. Lần nào cũng do tình cờ.
­­- Bà có thấy thời gian đem lại quá nhiều thay đổi không?
- Thay đổi nhiều chứ. Chẳng hạn con đường này ngày xưa tôi từng đi bộ nhiều lần. Giờ không có can đảm nghĩ đến chuyện đó. Là cái thay đổi giữa tuổi già và tuổi trẻ. Khánh biết tôi đang nghĩ gì không? Tôi đang nhớ đến lần tôi và Khánh dẫn xe đi bộ suốt đêm trên quãng đường này. Đêm thì đen đặc như có thể xắt ra từng miếng, chỉ có tiếng chân dẫm trên sỏi đá, tiếng khua buồn bã của chiếc xe đạp cũ kỹ, sên ốc xộc xệch, tiếng lon guigoz rỗng va nhau lanh canh - vật đựng đồ ăn làm sẵn cho cả tuần. Khánh còn nhớ không. Bây giờ là chiếc xe đời mới đắt tiền. Trên xe chắc là không có lon guigoz đâu à.
- Nhiều lúc nghĩ lại thấy sợ. Không hiểu sao mình lại vượt qua được những ngày ấy .
Tôi nói:
- Thì Khánh hãy nói rằng tôi nễ tôi quá, phục tôi quá, không biết đặt chỗ nào tôi lạy tôi.
Khánh bật cười :
- Bà vẫn hay tếu táo như hồi nào.
- Tôi nói nghiêm túc đây. Có được tình bạn đẹp đẽ giữa chúng ta suốt bao nhiêu năm, tôi nghĩ đó là món quà của số phận. Tôi không bao giờ đi tìm Khánh và tôi không muốn Khánh đi tìm tôi. Tình cờ gặp nhau như bao lần qua vẫn muôn vàn thú vị. Khánh thấy không, mấy chục năm qua chỉ tình cờ gặp Khánh giữa đường lúc đi xe này, lúc đi xe kia . Còn tôi vẫn cách tham gia giao thông duy nhất là đi bộ.
- Bà có bận gì không? Đừng nói với tôi rằng bận con mọn nghen.
- Chi vậy. Nói bận cũng được mà không cũng được. Ở tuổi này mà có con mọn không thành vĩ nhân cũng thành quái nhân.
- Về nhà làm gì vội. Tôi với bà đi một vòng những con đường quê, ghé đâu đó uống ly nước rồi tôi đưa bà về.
- Một đề nghị hay, nghe rất lãng mạn.
Khánh cho xe chạy chậm lại.
- Bà còn nhớ khoảng đồng không mông quạnh này tôi và bà ngồi nghỉ chân lúc chiều đã ập về không. Tuy thỉnh thoảng mới về ngang nhưng tôi để ý kỹ lắm.
- Ơn trời, trí nhớ tôi cũng không đến nỗi nào. Mà Khánh muốn nói đến cái gì kìa.
- Nghĩa là mọi thứ đều thay đổi. Đồng lúa hai bên đường dần biến mất thay vào đó là vườn cây, khu dân cư. Ngay cả con kênh song song với lộ người ta cũng san bằng để trồng chuối như chưa hề có nó bao giờ. Chỉ duy nhất “khu vườn dừa kiểu mẫu” mà ai đó sáng tác ra vẫn còn y nguyên. Gần một phần ba thế kỷ trôi qua, nó có cao lên nhưng còi cọc, ốm nhom, cổ hũ teo tóp, chưa bao giờ cho trái mặc dù được chăm sóc đặc biệt. Nó nằm kề bên những bờ dừa trái sai oằn của những nông dân không có trình độ chính quy. Nó trơ gan cùng tuế nguyệt mấy chục năm trời.
- Cuộc đời đôi lúc vẫn thế, vẫn tồn tại những phi lý không thể nào hiểu nổi. Nhưng Khánh đừng lo, sắp có sự thay đổi. Tôi nghe một tin đồn chưa chính thức là mai này người ta sẽ giải tán vườn dừa trứ danh đó để xây dựng hai trường đại học có quy mô lớn, liên kết với nước ngoài.
- Thật tuyệt. Tôi bỏ sư phạm, bỏ sự nghiệp trồng người để lập vườn trồng cây. Còn thiên hạ trồng cây không cho trái lại đi trồng người.
Khánh cho xe rẽ qua con lộ bằng phẳng xuyên qua cánh đồng có nhiều cây xanh ngút ngát. Khánh nói màu xanh cây lá làm dịu tâm hồn. Tôi bảo Khánh nói như cải lương.
- Không phải đâu, bởi vì chỗ tôi là rừng cao su đến mùa rụng lá thì buồn lắm. Trên cây không có cái lá nào, mặt đất thì tầng lá ủ. Nó gợi mình nghĩ đến sự chia ly, chết chóc, bà hiểu không. Nhưng bù lại mỗi khi nó ra lá non đồng loạt cả rừng đều tăm tắp, nhựa sống tràn trề, trông cũng vui vui.
- Ông chủ trang trại nói nghe hay quá.
- Ông chủ gì bà ơi, bây giờ thì tàm tạm vậy chứ trước kia cũng trầy trật, năm chìm bảy nổi đó chứ. Thời buổi “nắng mưa lèng èng” mình không biết cách nào mà lần, cứ bước đại mà đi như có lúc bà từng nói. Có ngã quỵ rồi đứng dậy. Mọi chuyện đều là thể nghiệm. Đem cả cuộc đời ra thể nghiệm, bà thấy có ghê không. Có người nói tôi vậy là thành công. Nhưng ai biết ngày mai sẽ ra sao. Ai tiên liệu được điều chưa đến.
- Dẫu sao số phận cũng đã mỉm cười với Khánh. Rốt cùng cuộc sống cũng đi lên. Nhưng nếu Khánh là người thích thay đổi, không nhìn bạn nữa thì coi như tôi mất bạn vậy.
- Bà nói gì nghe phát ớn.
- Thật đó Khánh à. Có những người quen cũ từng thân thiết một thời. Sau này bằng cách nào đó có một mớ tiền, một mớ quyền lực thì vênh mặt lên không nhìn bạn nữa.
Có một chiếc xe ngựa ngược chiều, tiếng nhạc ngựa nghe vui tai. Cầm cương là một cậu choai choai khoảng 17 tuổi, tóc hoe vàng, áo sơ mi màu đất. Trên xe chở lặc lè nào bầu bí, dưa leo… Lâu lắm mới thấy xe ngựa. Càng ngày loại phương tiện này càng ít. Cứ mỗi lần thấy xe ngựa tôi cứ chăm chú nhìn thật kỹ như một ám ảnh. Tôi kể Khánh nghe lần tôi đi nhờ xe anh Phi trong đêm xa xưa ấy.
- Tôi nói Khánh nghe chuyện này và chưa bao giờ nói với ai, nếu Khánh cho rằng nhảm nhí, tào lao thì tôi sẽ nghỉ chơi với Khánh.
Khánh cười:
- Tôi không bảo nhảm nhí nhưng tôi nói : nhạt! Bởi một người có sẵn phương tiện, cho người quen đi nhờ một đoạn, xong đường ai nấy đi, không nhạt là gì?
- Nhưng Khánh nghe đây: vài tuần sau đó tôi có đến chùa thăm sư cụ thì thấy ảnh của anh Phi treo ở phòng thờ. Hỏi ra mới biết anh chết hơn một năm rồi. Anh đã từng là sĩ quan, rồi đi cải tạo xong về chùa ở. Một buổi sáng anh không thức dậy nữa, không ai biết anh bịnh gì. Có ý kiến cho rằng anh đột tử, cũng có người nói anh tự vẫn. Lý do nào thì anh cũng là người quá vãng rồi, mà mình ngồi trên xe ngựa hôm ấy, đã chào hỏi, nói chuyện với anh sao có thể lầm với ai được. Mình nhớ rõ lắm, từ thành xe nhẵn bóng, gỗ lên màu nước, con ngựa vàng sẫm chạy băng băng trên đường đêm, một ông già dáng tiên cốt, đẹp lão ngồi nhắm mắt suốt chặng đường không nói một câu nào.
Khánh sửng sốt. Ngạc nhiên. Im lặng. Trầm ngâm lúc lâu rồi bảo: Tôi tin điều đó dù không lý giải được.
Xe đi ngang qua khu rừng non. Xưa kia người ta có kế hoạch bảo tồn vì chim về ở rất đông, có nhiều loại quý hiếm.
- Khánh đã qua đây lần nào chưa?
- Vài lần, lâu  rồi. Có ở lại qua đêm thấy chim ăn ngày và ăn đêm giao ban rộn rã, vui lắm.
- Giờ thì không còn như trước nữa.
- Là sao?
- Là bầy chim bỏ rừng đi mất rồi. Rủ nhau đi tất.
- Vậy mình đến đó xem sao.
Dừng xe ở lối nhỏ vào rừng. Chòi gác chênh vênh, không một người trên đó. Thang gác bong tróc lớp sơn, hoen rỉ. Lối sỏi dẫn sâu vào một đoạn có ngôi nhà lợp tôn khá rộng nhưng trông xập xệ, tạm bợ. Có khoảng 20 người đàn ông ngồi quanh cái bàn hình chữ nhật bên hông nhà. Họ đang trong cuộc nhậu. Họ đập bồn đập bát và hát những bài hát không có trên đời. Có một thanh niên khoảng hai mươi, gầy nhom, xanh lét. Tôi đoán có lẽ cậu không đủ sức nhậu nên tỉnh táo. Tiến gần phía chúng tôi bằng những bước chân xiêu vẹo, mùi rượu toát ra nồng nặc tôi mới biết cậu ta đang say. Nhướng hai con mắt lờ đờ, đứng tròng cậu hỏi chúng tôi đi đâu. Khánh bảo: Đi thăm rừng nuôi chim. Mặt xanh nói: Không có chim.
- Xưa tôi có đến đây nhiều lần lúc chim còn ở. Bây giờ cho chúng tôi đi một đoạn nhìn rừng thôi.
Mặt xanh chém một bàn tay vào khoảng không rồi hỏi: Giấy đâu? Phải có giấy giới thiệu của xã mới được.
- Giấy chứng minh có được không?
- Dứt khoát là không được. Không có giấy giới thiệu của xã dù quý vị có là thủ tướng cũng đứng ở ngoài thôi. Chúng tôi bảo vệ rừng, bảo vệ sân chim bằng những nguyên tắc nghiêm ngặt.
Khánh hỏi: Các anh  bảo vệ rừng chim, các anh nghĩ sao khi không còn một con chim nào ở.
Lại một phát chém gió, mặt xanh nói giọng chắc nịch:
- Đi hay ở là tùy nó. Chúng tôi vẫn ở đây và chờ nó bay về.
Có giọng ồm ồm phát ra từ bàn nhậu: Ai lằng nhằng gì vậy?
 Với người say ta chỉ nên lẳng lặng quan sát nếu ta có nhu cầu. Và không gì ngu bằng đi cãi với người say. Tôi bảo Khánh:
- Ta đi thôi. Hôm nay là ngày gì mà gặp nhiều người say quá.
Trên đường đi tôi nghĩ đến bài thơ “Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt” của một nhà thơ nổi tiếng.
Xe đi về hướng biển và dừng lại trước quán cà phê bình dân. Mái lá te tua, gió giật thốc, bàn ghế dậy lên màu cũ kỹ, mặt bàn dầy lên một lớp cát. Gió biển ràn rạt thổi về mang theo vị mặn. Và nắng rất đẹp trải dài trên bãi cát rộng, hàng phi lao chạy dài mút mắt, nắng dát vàng lên đám rau muống biển nở đầy hoa. Giọng Khánh trầm buồn:
- Tôi nghĩ hình ảnh đàn chim bỏ rừng mà đi trông bi thảm không kém gì cánh rừng không còn chim ở.
- Mỗi đợt di dời đàn chim bị hao hụt, vơi dần đi, chúng phải trả giá đắt trong mỗi cuộc chuyển dịch. Nhưng vì đất không lành, chim không ở. Nó phải tìm nơi yên bình để trú ngụ.
Người chủ quán mang đến hai trái dừa xiêm đặt lên bàn. Vỏ dừa xanh bị bầm dập, trầy xước vì trải qua nhiều công đoạn đem về đây. Từ vệt vạt vụng về cắm lên hai cái ống hút.
- Khánh uống nước đi. Tôi nói cho Khánh nghe chuyện này. Hơn mười năm trước tôi có dịp đi ngang qua chỗ hồi nãy, tức là cánh rừng chim bỏ đi ấy. Đang nắng đẹp giữa trưa, bỗng dưng nắng nhạt dần. Màu vàng nhạt nhòa như nắng ngả chiều. Mình sực nhớ: à hôm nay nhật thực toàn phần. Đã nghe dự báo rồi mà quên. Đàn cò trắng đang lặn lội đi ăn khắp nơi vội vàng bay về rừng. Những loài chim khác cũng hàng đàn, hàng lũ tấp nập bay về kêu quàng quạc. Bầy vạt thức giấc cũng bay đi chuẩn bị cho chuyến ăn đêm. Mà đúng ra chiều tối cò vạc mới giao ban. Nhưng vì mặt trăng tạm thời che khuất mặt trời tạo nên ảo giác vừa giữa trưa đã hoàng hôn.
Cái màu nắng vàng nhạt dịu nhuộm lên khắp rừng cây một vẻ đẹp vừa huyền ảo, vừa ma mị có chút gì bịnh hoạn chưa bao giờ có. Cái cảm giác bị đánh tráo. Một con cú mèo thức giấc kêu vài tiếng cộc lốc ghê rợn. Bóng tối chiếm lĩnh dần dần. Mình thực sự ngỡ ngàng trước sắc màu của trời hoàng hôn chẳng ra hoàng hôn, chẳng giống ánh sáng của trăng non hay trăng già. Đôi lúc lại lóe lên cảm giác đang đêm trời bỗng hửng nắng. Cái ảo giác rợn ngợp không xác định được thời khắc tạo nên sự ngộ nhận, náo loạn, mất bình thường. Tôi không dám nhìn lên vì không chuẩn bị kính, chỉ nhìn ngang, nhìn xuống, nhìn chim trời táo tác, nhìn lá rừng đen thẫm lại. Vậy rồi 7 phút cũng trôi qua. Hết thời gian nhật thực toàn phần. Mọi việc đâu lại vào đấy.
Trả nắng cho trời. Trả giấc ngủ cho giống chim cần ngủ ngày và trả ánh ngày cho giống chim ngủ đêm. Trả cho muôn loài thoát ảo giác, ngộ nhận.
Tôi kể Khánh nghe chuyện nhật thực vì nhân lúc qua đây tôi nhớ lại. Nhạt thếch. Đúng không, nhưng cả trăm năm mới có một lần đó Khánh à.
Khánh ngẫm ngợi một lúc rồi bảo: Tôi không cho là nhạt mà nghĩ đến trong cuộc đời này đôi khi chúng ta trải qua những “cơn nhật thực” quá lâu, quá dai dẳng và đáng sợ hơn nhiều. Thoát ra được không dễ chút nào.

                                                         Tháng mười, hai ngàn lẻ mười một
                                               
                                                                                            PTNĐ