Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

ĐẠI NGÀN MÙ TĂM


Tản văn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

“Vượt suối băng đèo hái trái nuôi nhau”, những con khỉ ở đây không có suối, không đèo lại không có trái cây gì để tìm hái lượm nuôi nhau như ở chốn đại ngàn. Đây là một hòn đảo nhỏ với hoa chăm, cỏ xén, cây trồng, đường đi rộng thoáng tráng xi măng. Là khu vườn dừa khá cao nhưng cằn cỗi vì gió biển, vì bị lũ khỉ vặt trụi cả trái cả bông. Còn nữa, trong xa kia là khu rừng nhỏ đủ thứ cây hoang dại dành cho lũ khỉ ẩn nấp với hang đá nhân tạo, có dòng suối mô phỏng “Hoa Quả Sơn” cũng chỉ toàn cành và lá.
Cơn mưa chợt đến dù nắng vẫn tươi rói. Đàn khỉ không còn hứng thú tắm nắng nữa mà nhanh nhanh tìm nơi ẩn náu. Tôi cũng bước vội vào căn chòi trống để tránh mưa. Gian chòi lợp lá trống bốn bề, rải đầy đá cuội. Tránh mưa cùng tôi là hai du khách người Nga và một người chụp hình dạo với dàn máy có ống kính tele đeo trước ngực. Hai người Nga lấy ipad ra xem rồi cười với nhau. Người chụp ảnh dạo quay sang tôi hỏi chuyện: Chị là khách du lịch? Tôi nói: Dạ. Chị là người miền Tây? Tôi nói sao anh biết? Vì phát âm không giống người ở đây. Ôi trời, hay thật, chỉ một chữ “dạ” mà đoán ra. Người ở đây nói âm “a” thành âm “e” nghe rất ngộ.
Anh ta đen nhẽm, tóc râu xùm xòa nhưng chưa bạc, có lẽ anh quen thuộc nơi đây từ lâu lắm. Nếu không vì cơn mưa đột ngột nên tình cờ đứng chung một diện tích nhỏ hẹp tôi cũng ngại không dám hỏi chuyện. Bằng giọng nói giòn giã đặc giọng Quảng, anh cho biết trước kia Liên Xô ở đây họ nuôi đàn khỉ để lấy huyết thanh dùng trong y tế. Sau này họ không làm việc ấy nữa và bàn giao cho phía Việt Nam. Từ con số vài trăm bây giờ đàn khỉ có khoảng 2.000 con, thành một vương quốc khỉ hẳn hoi. Tôi hỏi: Sao biết cộng đồng khỉ ở đây theo chế độ vương quốc mà không là chế độ khác? Anh ta chỉ tấm bảng to được vẽ bằng nhiều mẫu tự nhảy nhót như những bước chân khỉ: Vương Quốc Khỉ. À thì ra vậy. Rồi anh ta bảo, trong bầy có con khỉ đực cầm đầu, nó thống lĩnh mọi quyền hành và hưởng nhiều quyền lợi về thực phẩm cũng như số khỉ cái. Cho nên gọi là Hầu vương, Vua khỉ, Chúa khỉ, Tổng thống khỉ đều được cả. Với loài khỉ chỉ cách gọi khác nhau cho vui chứ thực chất cũng như nhau cả thôi mà. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh ta bảo: Đừng tưởng không có chiến tranh xảy ra đâu nhé. Đâu đó vẫn có sự mất đồng thuận trong bầy đàn tạo ra thành từng nhóm riêng. Mỗi nhóm có một con cầm đầu. Khi xung đột xảy ra đến đỉnh điểm thì hai bên dàn trận nhưng chỉ có hai con cầm đầu đánh nhau. Chúng dùng tất cả mọi miếng võ để cấu xé, vật lộn và tát vào mặt nhau. Đồng bọn mỗi phe đứng sau lưng reo hò cổ súy chứ không tham gia. Cho đến khi một bên bị bại thì ngay lập tức cả bọn kéo nhau chạy thục mạng nấp kỹ vào các hốc cây, hốc đá. Kết thúc chiến trận đơn giản vậy thôi. Một cuộc chiến không để lại hậu quả nặng nề cho bên nào.
Tôi hỏi: Có khi nào nó chết không? Anh ta nói cũng u đầu mẻ trán, nhưng thường là chết già hoặc chết bệnh. Xác khỉ được đem nấu cao. Tuy vậy mấy ngàn con khỉ này nuôi được một số người đó bạn ạ!
Tôi không hiểu anh định nói gì. Anh cười lém lỉnh: Thì tiền bán vé để vào đảo có thể trả lương cho tài công, bảo vệ, người làm vườn, người chăm sóc khỉ… Không có khỉ ai mua vé vào đây làm gì.
Cơn mưa đột ngột dừng lại nhưng bầu trời âm u, đầy mây. Tôi bước ra lối đi tráng xi măng phẳng láng có những hạt bắp vàng rơi vãi thấm đẫm nước mưa, người ta rải cho khỉ làm thực phẩm hàng ngày. Những con khỉ nhặt lấy đưa vào miệng nhai trệu trạo rất vất vả. Có vẻ nó không khoái khẩu với món ăn này.
Tôi lấy một nắm đậu phộng rải ra đất, lập tức cả bốn, năm con lao vào nhặt sạch và hau háu nhìn vào tôi. Nó tách vỏ và ăn nhanh tài tình. Tôi thêm một nắm nữa thì có đến hàng chục con. Người chụp hình nói: Bạn cho ăn là nó sẽ theo bạn hoài đó, mà sẽ còn đông hơn nữa. Tôi để nguyên cả túi đậu phộng rồi nhanh chân bước đi như để nói rằng: Tôi chỉ có nhiêu đó thôi, đừng theo tôi nữa.
Như một phép lạ, đàn khỉ từ mọi ngóc ngách, cành nhánh hiện ra rất nhanh và tranh nhau nhặt đậu, có con hốt cả nắm rồi thoăn thoắt leo lên nhánh cây, có con ăn tại chỗ. Trong nháy mắt túi đậu hết sạch, con đến trễ bèn nhăn răng kêu khẹc khẹc. Tôi đi như trốn chạy vậy mà khi ra đến mé biển có ai nắm quai giỏ tôi mà ghị mạnh, nhìn lại thì một con khỉ nhủng nhẳng phía sau. Sợ quá tôi giậm mạnh chân, con khỉ lùi xa, nhưng nó đứng nhăn nhó nhìn tôi một lúc mới bỏ đi. Có người nói với tôi rằng nhìn con khỉ nhăn nhó ta khó lòng biết nó cười hay khóc. Tôi cũng thấy vậy. Khổ chưa, số kiếp gì mà cái mặt sướng khổ, buồn vui khó phân định đến vậy!
Đi một vòng vương quốc khỉ, tôi đến gian nhà rộng lớn là sân khấu để chờ xem xiếc khỉ. Khỉ dùng làm xiếc là những con được chọn lựa và huấn luyện công phu. Nó có năng khiếu bẩm sinh vượt trội trong đàn, có thể thực hiện thuần thục những động tác theo sự dạy bảo của người huấn luyện. Nó sống tách biệt với lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn, thức ăn hàng ngày là loại thức ăn đặc biệt để duy trì sự sống, duy trì trọng lượng, hình hài cố định để sao cho thực hiện khéo léo những tiết mục trình diễn: chạy xe đạp vòng quanh sân khấu, chở nhiều con khỉ vượt qua chướng ngại vật, cân bằng, tung hứng, xích đu, nhào lộn… Đó là những việc làm hằng ngày và không ngừng luyện tập với thời gian nghiêm chỉnh, biện pháp mềm và rắn, dụ dỗ và răn đe, roi vọt và ban thưởng. Tất cả công việc đó làm nên tên gọi “Thú nghệ thuật”.
Nó được con người trang bị những bộ quần áo sặc sỡ, cầu kỳ, đầu đội mũ phớt. Không biết vì lý do gì những con khỉ nghệ thuật thường bị trụi mảng lông lưng nên khi diễn áo sơ mi không che được mảng da lưng tai tái, phơi cả xương sườn, xương sống. Trang phục và màn diễn như để xác định ý thức con thú muốn tiến lên tương cận với con người. Tôi thấy bình thường khi tưởng tượng ra một ngày nào đó con người không mặc quần áo nữa (hình như xu hướng ngày nay vải may quần áo của con người được cắt giảm đến mức tối giản), nhưng nhìn những con khỉ mặc quần áo tự dưng tôi thấy buồn thê thiết. Nó không giống khỉ nữa mà chẳng thể giống người, vừa quái nhân vừa quái vật. Thà rằng nó cứ trần trụi, cứ thỗn thện mà đi giữa chốn rừng rú, đại ngàn sẽ đẹp biết bao.
Rồi cũng đến lúc màn trình diễn xiếc bắt đầu. Theo lệnh người điều khiển những tiết mục quen thuộc mà tôi thường thấy ở đâu đó. Người ta còn sắp xếp cho con khỉ vờ ngã xe rồi hối lỗi đứng dậy đi tiếp hoặc chạy sai quĩ đạo rồi làm lại… Tất cả để tạo sự hứng thú cho người xem. Điều đáng nói là mọi trò diễn, khỉ đều phải bị xiềng bởi sợi xích nhỏ xíu móc chốt với dụng cụ biểu diễn: xe đạp, ghế xích đu, bàn tung hứng để khỉ không tự ý bỏ đi. Tuy vậy do sơ xuất chút xíu, người ta quên cài cái móc chốt, ngay lập tức con khỉ đang diễn trò tung hứng bèn bỏ chạy nhanh như chớp, thoáng qua khỏi sân khấu, luồn ra sau hậu đài và phóng ra khu vực Hoa Quả Sơn.
Tiết mục kế tiếp được thay vào, người đạo diễn tỏ ra tức giận vì đảo lộn sự sắp xếp chương trình chứ không lo nó chạy mất. Nó có thể chạy đi đâu được. Tìm về vùng trời tự do hoang dã theo bản năng từ lâu đã thành một khái niệm mơ hồ và xa lắc của loài thú bốn bàn tay này. Con khỉ ranh ma muốn vượt thoát khỏi phần lưới dành cho khỉ nghệ thuật để hòa nhập vào đàn khỉ vương quốc ngoài kia thì cũng chỉ đi từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn mà thôi. Chung quanh hòn đảo này là biển, đất liền hãy còn xa, đại ngàn còn mù tăm hơn nữa. Chưa có con khỉ nào có gan vượt biển cả. Đó là chưa nói cái điều chắc mẩm là khỉ nghệ thuật sẽ bị đồng loại ngoài kia gạt phăng, tẩy chay ngay với thứ trang phục được ban tặng xa lạ với bầy đàn. Và cái điều cốt tử hơn nữa là nó không thể sống thiếu thức ăn đặc biệt, loại thức ăn được thưởng ngay sau khi diễn. Nó bé xíu thôi nhưng có tác dụng làm con vật hưng phấn ngay, nó mạnh hơn tất cả mọi thứ trên đời, mạnh hơn khát vọng tự do hòa nhập với bầy đàn. Nó là một hấp lực lôi kéo con khỉ trở lại run rẩy quì lụy dưới chân chủ. Khỉ sẽ bị trừng phạt vì tội dám vượt rào, phá bỉnh để rồi đâu lại vào đấy. Tiếp tục được ban phát thức ăn đặc biệt và làm những gì người chủ trò ra lệnh. Khỉ nghệ thuật là vậy thôi!
Hôm ấy người xem xiếc khỉ đông lắm, ngồi kín vòng quanh sân khấu. Phân nửa bên này là khách nước ngoài, trang phục của họ rất đơn giản, quần ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa, hở cả rốn, cả lưng, cả ngực. Phong phanh và trần trụi. Nắng nhiệt đới làm đỏ hồng làn da người xứ lạnh. Hồng lên những thân thể cân đối tuyệt mỹ, cả những người có ba vòng tuôn chảy, nhão bệu, và cả thân thể béo phị làm tôi e dè không dám bước vào thang máy chung với họ. Tuy nhiên họ ngồi nghiêm chỉnh, trật tự, không xả rác và lịch sự vỗ tay cho tất cả các tiết mục. Nửa vòng tròn đối diện có du khách Việt và một số nhà tu hành. Họ đi thành đoàn áo vàng và áo lam. Những nhà sư hào hứng vỗ tay nhiệt tình, miệng cười tươi như hoa. Tôi cảm thấy nghẹn thở, không hiểu sao người ta có thể cười thoải mái đến vậy. Giá có ai cù tôi cũng không thể cười.
Hoàn tất các tiết mục là đến nhiệm vụ của một con khỉ mặc đồ đỏ viền trắng, đầu đội mũ phớt, tay xách giỏ tre. Người đạo diễn cầm tay nó dắt đi vòng quanh sân khấu gần sát chỗ khán giả ngồi. Có nhiều bàn tay đặt tiền vào giỏ tre. Những tờ tiền mệnh giá không lớn và nhầu nhĩ, phập phồng và càng đầy lên theo bước chân khỉ. Đôi mắt người đạo diễn ánh lên nét tươi vui, miệng nở nụ cười chào khán giả. Còn mắt khỉ thờ ơ, vô cảm, dửng dưng. Nó không quan tâm đó là tờ giấy lộn hay tiền, nó đi như cái máy, đôi mắt trũng sâu trên khuôn mặt hốc hác. Nhưng rồi có một bàn tay đặt vào giỏ một chùm nhãn, lúc đó mắt khỉ mới sáng lên, sáng hơn cả mắt người đạo diễn. Nhanh như cắt nó chộp lấy đưa lên miệng tách bỏ vỏ, vài động tác đưa qua lại đầu lưỡi, trong một thoáng nó nhả ra hạt nhãn đen tuyền. Chùm nhãn mới là hạnh phúc đích thực của nó. Thế là tiền của người, nhãn của khỉ. Ai phần nấy. Thành quả lao động nghệ thuật của người và khỉ sau buổi biểu diễn là vậy. Đều đặn cho mọi ngày.
Tìm một chỗ tôi ngồi nhìn ra biển. Mưa lay phay và nắng hắt hiu vàng trên mặt biển trong xanh. Gần đó người ta đang chờ xem màn đua chó. Cuộc đua không có treo giải lửng lơ cho chó khi tới đích. Trên lưng mỗi con chó to bự là một chú khỉ bé xíu ngồi vắt vẻo như một sự nghiễm nhiên từ lâu đã vậy. Khỉ ngồi yên và chó không phản ứng, nhưng con khỉ được xiềng dính với con chó, con chó được xiềng bởi sợi xích lớn hơn, người ta chỉ buông xích chó khi nó sãi bước trên đường đua. Trước khi những chú chó tranh phần thắng bại là màn con người bán vé cá cược. Người xem đặt cược con chó mang số thứ tự nào có thể đem lại đồng tiền ăn may. Người ta săm soi và tính toán. Bàn luận sôi nổi như một chuyện hệ trọng của đời người.
Trên đất nước này có ai ngồi thống kê mỗi ngày có bao nhiêu cuộc thi, cuộc đua của thú vật và con người? Chó đua, heo đua, ngựa đua, cá đua, đà điểu đua… Và con người cũng có những cuộc đua - những cuộc đua được gọi bằng tên và không thể gọi bằng lời. Âm thầm và quyết liệt. Ăn thua, thắng bại. Sòng phẳng và gian lận, thủ đoạn. Có ai từng soát xét lại đời mình tham dự bao nhiêu cuộc thi? Bao nhiêu cuộc đua? Đã từng cá cược cái gì, bao nhiêu lần? Cho những điều gì. Có những cuộc thi, cá cược mà con người đặt cả cuộc đời. Được mất, thất bại hay thành công, vinh quang hay bi thảm có khi nhiều chục năm mới ngộ ra, vỡ ra. Cái đặng u u minh minh khó thấy còn trắng tay và âm cả vốn thì nhãn tiền.
Khi bầy chó về đến đích có nhiều tiếng cười, tiếng vỗ tay rôm rả. Tự dưng tôi buồn. Bạn tôi nói tôi khùng vì trong lúc nhiều người vui, một mình buồn là khùng. Tôi nghĩ bạn tôi nói đúng.
Đã đến lúc phải về thôi. Khi ngồi yên trong lòng tàu tôi mới phát hiện ra mình về cùng chuyến với những nhà tu hành và nghe họ nói với nhau về những con chó thắng và thua khi họ đã đặt tiền cá cược. Nhìn tướng chó vậy mà lầm, tưởng thắng hóa ra thua. Tiếc tiền!
Nhìn nước biển trong xanh tôi nao nao nhớ về quê nhà thời thơ ấu. Nhớ đến nhà hàng xóm có nuôi một đàn khỉ khoảng năm, sáu con, có khỉ vợ, khỉ chồng và khỉ con. Người chủ cho ăn cơm và uống nước nên khỉ mau lớn và khá to con. Không biết ai bày rằng mật khỉ có thể trị được bệnh gì đó cho con người mà phải mổ bụng lấy mật lúc con khỉ còn sống mới hiệu nghiệm. Và rồi con khỉ cái được chọn lấy mật. Thay vì lấy xong mật rồi thì làm thịt con khỉ đó đi, bất cẩn thế nào con khỉ sổng ra. Nó chưa thể chết liền. Nó lê lết khắp nhà: giường, tủ, bồ lúa, sà ngang… đi đến đâu máu bê bết đến đó. Thỉnh thoảng nó lật giở vết mổ rồi đậy lại lấy tay chùi nước mắt. Nó ôm đứa con còn nhỏ cho bú những giọt sữa cuối cùng mặc cho nước mắt chảy và máu không ngừng tuôn.
Thì ra không cứ gì con người, loài khỉ cũng biết yêu quí cuộc sống, cũng có tình mẫu tử.
Hôm ấy nhân dịp đám giỗ, chủ nhà làm thịt con heo để đãi khách. Không biết khỉ ta nghiêng ngó quan sát thế nào mà chúng chờ lúc cả nhà đi làm đồng, bà mẹ cho em bé ngủ vừa bước ra vườn, chớp thời cơ lũ khỉ bèn làm lại động tác đã quan sát được. Em bé tội nghiệp bị chúng khống chế rồi lấy dao cắt cổ, cũng lấy thau hứng máu. Trong chốc lát lũ khỉ to con, khỏe mạnh này đã hoàn tất công việc giết người một cách hoàn hảo. Bà mẹ chạy vào thì sự đã rồi. Đau thương tang tóc trùm lên không khí gia đình. Dĩ nhiên sau đó cái giá phải trả là đàn khỉ bị tiêu diệt không còn một con nào.
Mỗi lần nhớ lại cảnh tượng đó tôi còn nổi gai ốc khắp người. Không ai có thể tha thứ hành vi ghê rợn đó, nhưng khi cuộc đời trải qua nhiều năm tháng, tôi ghi nhận một điểm son cho loài khỉ vì nó chỉ bắt chước con người chứ không ác ý. Nó không áp dụng hành động đó với đồng loại, bầy đàn, không ai có thể xúi giục chúng cầm dao giết nhau hoặc ăn thịt đồng chủng của mình.
Tàu đã cặp bến, hành khách lần lượt bước lên bờ. Tôi nhường lối cho vị sư cao tuổi, nhưng có vẻ như uể oải, sư không muốn đứng lên và nói trống không: “Đi xem sướng con mắt nhưng mệt cái chân”, như một phát kiến độc đáo. Không ai nói gì. Sư bèn lặp lại. Lời nói bay vào khoảng không. Bàn tay của người bảo vệ bến tàu đưa ra, tôi nắm lấy và bước lên bờ. Sư “sướng con mắt” vẫn còn ngồi đó. Nhà văn Vân Hạ gọi cho tôi “Chị về chưa, em cứ ân hận mãi, xui chị đi ra đảo không có gì xem chị lại chán”.
Tôi nói: không đâu bạn ạ, trái lại đấy. Tôi cám ơn bạn nhiều lắm.
                                               
                                                  Trại sáng tác Nha Trang 2014

                                                                                                 PTNĐ

ĐỒI NHẤT PHƯƠNG


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

…. “Một tháng rồi, tôi nghĩ bạn nên về đi, càng sớm càng tốt khi đôi chân đã bình phục. Nơi đây không có chỗ cho bạn. Bạn sẽ thành người nửa mê sảng, nửa đồng bóng, mùi hương hoa này sẽ thấm vào huyết quản, vào từng tế bào thần kinh mà không cách gì thay đổi được. Mọi người ở đây tự nguyện chứ nào ai bắt buộc, họ sống hít thở mùi hoa và trở thành người như bạn thấy. Họ tôn thờ và cho đó là loài hoa duy nhất đẹp trên đời, một giá trị tuyệt đối và bất biến. Họ lên đồng với mặc định ấy và không thể rời xa.
Cô gái hỏi người đàn bà:
- Lý do nào chị ở lại đây và chị có nhập vào cơn mê sảng đó?
- Hỏi làm gì hở bạn?
Cô gái nói chân thành:
- Bởi vì tôi muốn biết vì sao có ngoại lệ, sao không thấy chị múa và bao giờ cũng giữ được sự thăng bằng, an nhiên, trong sáng?
- Nếu tôi nói là không thì bạn có tin? Thật sự thì không bao giờ. Tôi chỉ đứng ngoài nhìn họ sống mà thôi. Đó là câu chuyện không vui, tôi chẳng muốn nói với ai.”


*
*    *

Vùng đồi ấy riêng rẻ và nằm rất xa trung tâm thành phố. Xen giữa những quả đồi cao thấp khác nhau có những con đường đất đỏ bazan ngoằn ngoèo gấp khúc, chênh vênh giữa vách đá và vực sâu rồi lên cao xuống thấp. Cô gái một mình mang túi đi lang thang vào vùng đồi này mà trong đời cô chưa một lần đến. Những văn nghệ sĩ ở Nhà sáng tác mỗi người mỗi việc. Hoạ sĩ thì vác giá vẽ đi từ sáng sớm, những tay săn ảnh cũng đèo nhau đủ bộ đi tìm đề tài. Anh bạn nhạc sĩ mà suốt mấy ngày qua đi cùng với cô thì hôm nay bận tập cho ca sĩ hát bài trình diễn bế mạc. Mấy anh nhà thơ hôm nay rủ nhau đi ăn tiết canh thỏ. Cô gái đành một mình thuê chiếc honda vào vùng đồi nghe nói có nhiều bí hiểm này. Người thanh niên lái xe đi đường đồi như làm xiếc và rất hay chuyện. Đi được gần hai giờ người lái xe dừng lại bảo rằng: Nếu chị rẽ trái sẽ đi đến đồi Văn Nhân, dân sáng tác nhiều người ở đó về đều có tác phẩm hay. Còn đi về hướng bắc sẽ gặp đồi Tình Nhân nằm cặp kề với đồi Lảm Nhảm, xa hơn nữa là đồi Nho rồi đồi Nhất Phương. Anh ta giới thiệu nhiều địa danh nghe rất lạ. Đi thực tế cần phải đi lang thang, cà kê mới thú vị, chứ ngồi sau xe quăng thảy cà tưng không biết mình sẽ bị ném xuống hố lúc nào còn hồn vía đâu mà thưởng ngoạn. Cô trả tiền cho chuyến đi và về, bảo anh cứ yên tâm làm việc riêng bao giờ cô gọi điện thì quay lại đón, chỉ trong ngày dù có thể muộn.
Tiếng xe dần xa, gió miền sơn cước xua đi làn khói xăng còn vương lại. Nắng ban mai dát vàng trên đồi thông, trên những luống rau cải và hoa. Trập trùng đồi, bạt ngàn màu xanh. Cô gái đi qua vạt đồi trồng khoai tây và cải tím, những người đàn bà váy áo khăn thêu sặc sỡ đang tưới cây. Cô hỏi họ địa danh nơi đây là gì. Họ trả lời bằng một tràng thổ ngữ xa lạ rồi cười phá lên. Cô lại cắm cúi tiếp tục cuộc hành trình. Đến giữa trưa vẫn không thấy có người làm rẫy hoặc chòi canh, cô định tìm một gốc cây nào đó ngồi nghỉ chân và dùng bữa trưa mang theo. Sườn đồi dốc thẳng, đặt chân lên một tảng đá thì “roạt” một cái khô khan, tảng đá sạt lở, cô bổ nhoài và lăn nhiều vòng theo triền dốc và dừng lại gốc mấy cây thông non chặn. Nếu không cô còn lăn một khoảng khá xa mới đến chân đồi. Áo quần, đầu tóc bê bết đầy bụi đỏ, cô nghe đau đớn toàn thân, đầu gối bị trặc trẹo sao đó mà cô không tài nào đứng dậy được. Điện thoại bị cuốn theo những vòng lăn nên bị vỡ ra, rã rời từng mảnh, nối ráp cách gì cũng tối mù mù. Những địa chỉ cần liên hệ bay biến mất tiêu, vô phương liên lạc với mọi người. Dù mong manh nhưng cô vẫn hy vọng có người nào dó đi ngang qua. Tay lái xe chắc không quay lại nếu không nhận được điện gọi. Lục túi xách đem theo vẫn còn nguyên hai ổ bánh mỳ, một lọ mứt trái cây và một chai nước lọc. Vậy là yên tâm có thể trải qua hai ngày mà không sợ chết đói. Ngoài ra trong túi còn một lọ thuốc linh tinh cho các thứ bệnh thông thường, đèn pin, con dao nhỏ, túi kim chỉ và một bộ quần áo. Người bạn nhiều kinh nghiệm dặn cô khi ra khỏi nhà dù không qua đêm vẫn nên mang theo những thứ ấy. May sao trong trường hợp này nó quả là đắc dụng.
Nửa ngày và một đêm trôi đi vẫn không thấy bóng một người qua lại. Chưa bao giờ cô cảm thấy cần và thèm bóng dáng con người như bây giờ dù cô đã trải qua những lúc sợ con người.
Đêm trên đồi cao lạnh vô cùng. Lạnh thấu xương. Đôi lúc tưởng chừng cứng quai hàm mà chết đi được. Dùng hai bàn tay xoa vào nhau rồi lần lượt đặt vào những khoảng da thịt tê buốt. Tự làm ấm mình bằng phương pháp này rất hiệu quả. Một cái gì bất chợt dâng lên trong lòng làm cô rưng rưng nước mắt. Sự tủi thân vô cớ. Nào phải ai xô ngã mình đâu, cũng chẳng phải bị ruồng rẫy hay bỏ rơi. Những cú rơi ngã trong đời sống mình đã từng rơi, đã từng đau và nếm trải làm nên sự chai sạn. Cớ gì mà tủi thân. Giờ này ở Nhà sáng tác có ai nghĩ đến cô không? Chắc là có trong bữa ăn thấy thiếu người. Cô nhớ đến anh nhạc sĩ thường ăn cơm chung hằng bữa, nhạc của anh rất có duyên với các giải thưởng. Anh nhận được hàng trăm giải âm nhạc các cấp. Tóc anh dài chấm ngang vai. Có lần cô hỏi: Anh và vợ tóc ai dài hơn ai? Anh trả lời bình thản: Chị hỏi vợ nào, vì tôi có năm bà vợ có con chung. Còn người tình thì đến trăm. Cô tròn mắt kinh ngạc: Hãi quá, hãi quá. Giọng anh chùng xuống: Đó là bi kịch đời tôi đó chị à, bởi vì cho đến bây giờ tôi chưa gặp được tình yêu đích thực. Tôi vẫn sống một mình. Nếu chị muốn viết về lời sám hối muộn màng tôi sẽ thành thật kể chị nghe… Ngồi trong đêm một mình cô lẩn thẩn nhớ đến bao nhiêu chuyện tào lao rồi tự giễu mình. Có lẽ nhờ vậy, cô đi qua đêm dài thấy đỡ dài hơn. Cho đến lúc mặt trời nhô lên khỏi quả đồi trước mặt, cô thấy thấp thoáng bóng một người đang tiến lại gần. Người ấy hơi thấp, đầu đội cái nón rộng vành, mặc bộ đồ đen bó sát, bao tay, bao mặt. Cô đoán đó là người đàn bà đi nương vì vai mang gùi. Mạnh dạn cô bắt tay làm loa gọi:
- Chị ơi làm ơn giúp tôi.
Gọi vậy nhưng trong lòng cô vẫn không mấy hy vọng, nhỡ đâu là người dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông.
Tiến gần cô gái, người đàn bà gỡ khẩu trang nói:
- Tôi có thể giúp bạn được gì?
Đó là người phụ nữ luống tuổi có khuôn mặt phúc hậu với làn da trắng hồng. Cô nói tình trạng mình cho người đàn bà nghe. Chị cúi xuống sờ nắn nhẹ nhàng lên khớp gối đang hơi sưng lên.
- Nếu trật khớp, bong gân tôi có thể chữa lành trong thời gian ngắn, chỉ sợ rạn xương thì phải  lâu hơn. Chờ một chút, tôi sẽ quay lại ngay.
Chị máng cái gùi vào vai, bên trong đựng một ít rau và trà xanh. Khoảng hai mươi phút sau chị trở lại, tay cầm cương ngựa thong thả đi bộ giữa đám dã quì đang bắt đầu nở vàng. Chị nói:
- Bây giờ tôi có thể đưa bạn xuống đường đèo đón xe về phố, nhưng tình trạng của bạn cần ủ ấm, ăn uống và xem xem chỗ đau ra sao. Nếu về thì phải mất hơn một tiếng cỡi ngựa, đường đi sẽ dằn xóc. Tôi nghĩ bạn có thể về tạm chỗ tôi, sau đó tính tiếp, đừng ngại .
Cô chọn cách thứ hai. Người đàn bà dìu cô lên lưng ngựa. Chỗ đau làm nước mắt cô tuôn tràn. Đó là con ngựa núi hơi lùn, bụng thon, ngực nở. Đặc biệt khác ngựa dưới xuôi là hai mắt không bị che chắn hai bên. Người đàn bà chợt hỏi:
- Bạn chưa bao giờ cỡi ngựa sao?
- Đúng vậy. Tôi ngại.
- Ngại gì?
- Sợ mình không điều khiển được nó, nhỡ nó phi nước đại hoặc chứng lên hất mình văng xuống đất. Ở một sân chùa lưng chừng dốc tôi từng thấy một con ngựa tấn công chàng thanh niên, rượt chạy vòng quanh sân chùa. Nhờ nhanh nhẹn, anh chàng phóng lên nhánh thông mới thoát được.
Tuần trước cô đi cùng anh nhạc sĩ lên ngọn núi cao hơn nghìn mét, nơi đó người ta cho thuê ngựa cỡi, cũng toàn những con ngựa không bị khống chế tầm nhìn. Anh cười khi cô từ chối cỡi ngựa chụp ảnh. Cô bảo rằng giữa mình và ngựa có sự quen thân nào đâu, chắc gì nó không giở chứng ném mình xuống vực, mà vực sâu nghìn mét kìa. Ngay cả những người bạn từng thân thiết với nhau cũng vẫn quăng nhau nếu có dịp hoặc vì một mối lợi nào đó. Anh nhạc sĩ bảo tại chị giàu tưởng tượng quá đó thôi.
Người đàn bà dẫn ngựa đi trước theo một lối đi hẹp rải đầy sỏi đỏ. Nơi ở của chị là một ngôi nhà gỗ thông nhỏ xinh, có gác diện tích khoảng mười mét vuông. Chị sống một mình. Không gian nhỏ hẹp nhưng ấm cúng và yên bình. Trên vách nhà có treo bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan và “Hoa diên vĩ” của Van Gogh, một giá sách nhỏ, nói lên phần nào cuộc sống của người đàn bà không đơn thuần là người trồng hoa màu. Nhìn khớp gối cô ngày một sưng to, chị bảo chắc chắn bị rạn xương rồi, phải cố định hơi lâu, khoảng hai tuần bạn có thể đi lại được. Yên tâm, không phải vừa đi vừa nhảy đầm đâu. Chẳng gì, tôi học được vài bài thuốc dân gian có thể chữa vài chứng đau vặt cũng hiệu quả. Nơi núi đồi heo hút này lại cần thiết vô cùng. Tôi từng biết có loại lá rừng có thể đắp lên da làm người câm vĩnh viễn và cũng có thể chữa được chứng hở xương đầu mà y học bó tay.
Mỗi sáng chị đắp cho cô một khối bột dẻo nhào nặn với loại lá màu xanh và ngồi im trong vài giờ. Hàng xóm của chị khá đông, khi biết cô là vị khách lạ hoắc không mời mà đến, họ vẫn đến thăm và trò chuyện khá thân thiện. Người ở đây ai cũng gầy vừa phải, có người cao lêu nghêu, cũng có người lùn nhưng không ai béo phì cả. Phải nói đó là điều đáng ghi nhận. Có lẽ do người ta ít ăn thịt mà phần lớn thức ăn là rau củ quả. Nét đặc thù nhất của cư dân nơi đây là họ có nhiều động tác múa trong giao tiếp. Họ múa một cách hồn nhiên như đã in sâu vào trong máu thịt. Khi nói chuyện, người ta múa môi, múa mặt, múa mắt và hai tay. Có người nói nhiều hoặc ít nhưng người nói ít cũng bằng người nói nhiều dưới xuôi. Họ nói bằng ngữ điệu đều đều, âm thanh ngang không trầm bổng. Bắt đầu nói, người ta hất mặt sang trái rồi sang phải, gật đầu xuống rồi ngước lên, cùng với vòng môi ngoai ngoai một cách thừa thãi. Còn đôi bàn tay thì khua khoắng theo những chuyển động quái dị, lúc thì quạt ra quạt vào, lúc nắm vào mở ra, rồi giơ tay chém thẳng vào không khí. Có người còn chuyển động cả thân thể, đong đưa qua lại, trước sau. May mà  người ta đứng hai chân trên mặt đất nên không bị điều khiển bởi vũ điệu nào đó chứ múa luôn thì bất hạnh lắm thay. Nhiều chàng trai cô gái sở hữu khuôn mặt đẹp rạng ngời, cái đẹp thu hút cô muốn nhìn mãi nhưng nhìn họ nói chuyện làm cô chóng mặt. Nếu nói chuyện với người đối diện mà nhắm mắt không bị mang tiếng mất lịch sự thì cô đã nhắm  mắt để đỡ choáng váng.
Khu đồi này thuộc sở hữu của người đàn bà có chồng Tây da đen, lính viễn chinh thời Pháp. Bà từng theo chồng đi nhiều nước trên thế giới. Gần cuối đời bà chấm dứt cuộc viễn du bằng cách về Việt Nam mua ngọn đồi này và cất lên ngôi biệt thự. Bà mang từ châu Phi về một loài hoa chưa từng có ở quê nhà và trồng khắp đồi. Bà chắt chiu, nâng niu và cho đó là loài hoa số một trên thế giới. Nó là chúa tể các loài hoa, giá trị của nó vượt trội lên trên những bông hoa bình thường cả sắc, cả hương, cả ý nghĩa biểu tượng. Không biết tên châu Phi của nó là gì, người ta chỉ nghe bà gọi nó bằng cái tên thuần Việt: hoa nhất phương. Song song với việc trồng hoa chủ nhân còn trồng thêm khoai lang, khoai tây, một ít cà phê. Phải thuê thêm người đến chăm sóc, trồng tỉa nên rải rác có những ngôi nhà mọc lên cạnh ngôi biệt thự. Người ta ở lâu rồi quen dần, tự nguyện ở lại lập nghiệp dài lâu. Nơi đây không ai giàu mà người ta cũng không cần giàu, nhu cầu trong đời sống cũng đơn giản, rau là thức ăn chính, dĩ nhiên cũng có thịt rừng hoặc lạp xưởng, xúc xích từ dưới phố đưa lên. Nhiều người bỏ đồi đi một thời gian sau lại quay về mà không giải thích được lý do. Cái lý do có vẻ mơ hồ là người ta nghiện hoa nhất phương. Ai ở đồi này, hít thở, chung sống với những bông hoa đặc biệt này sẽ bị nghiện, mà người nghiện không thể nhận biết và cũng không thể thoát ra.
Đó là bông hoa có bề mặt bằng cái dĩa hình tròn, bên trong sắp xếp rất khéo những bông hồng, nho nhỏ, khít khao bên nhau có đủ năm màu: xanh, đỏ, trắng, tím vàng. Đều đặn như vậy, ngắm nhìn người ta phải trầm trồ thán phục bàn tay diệu kỳ của tạo hoá. Hương hoa không giống bất kỳ hoa nào hằng có, nó chỉ thoảng nhẹ, mới ngửi thậm chí còn nghe mùi tanh, lâu dần không nghe mùi tanh nữa. Nhiều người mang hoa đến nơi khác trồng, nhưng đó là việc làm sai lầm vì ở vùng đất khác nó không phát triển được, đứng trơ gan một thời gian rồi lụi tàn mà chưa kịp ra bông. Còn ở đồi này nó rất dễ trồng, có thể sống ở sân, hàng rào, khe đá. Thậm chí bứng gốc thảy vào hốc khoé nào nó cũng sống và ra bông, luôn luôn là bông nhiều hơn lá.
Người đàn bà chủ nhân do cao tuổi đã qua đời, người con trai da nâu kế nghiệp mẹ quản lý đồi Nhất Phương, cư dân vẫn duy trì hàng trăm hộ sinh sống. Người ta có thể thiếu trà, thuốc lá, ngay cả ăn ít đi vài chén cơm nhưng không thể thiếu hoa. Hoa được chưng trên bàn thờ, phòng khách, chỗ ăn, phòng ngủ, nhà bếp, nhà tắm. Hoa nở quanh năm, không nhà nào không có. Người ta sống trong hoa, ăn ngủ, hít thở rồi múa mọi kiểu trong hoa bằng những ngôn từ đồng bóng mê sảng. Thật bất hạnh cho kẻ nào dám tỏ ý chê bai, nhạo báng loài hoa này trước mặt người dân ở đây. Người đàn bà nói với cô gái như vậy
*
*    *
“Để nói rằng tôi không bao giờ bị loài hoa này làm cho mê sảng hay bất cứ một mùi hương, một tác nhân, một hấp lực nào dẫn dụ được. Tôi vẫn mãi là tôi một cách lì lợm. Vậy là điều đáng buồn chăng trong khi có nhiều người tự nguyện đánh mất mình, hăm hở, kiêu hãnh tự biến mình thành một người khác, rồi tự ti xấu hổ bởi cái tôi của mình? Tôi nói cho bạn nghe vì sao tôi vẫn là tôi bạn ạ.
.        Xê dịch và ca hát là hai thứ đam mê vận vào tôi từ bé. Hồi còn đi học, trường có bữa cắm trại, du ngoạn nơi nào tôi đều không bỏ qua. Bởi những lúc ấy tôi được đi và ca hát. Tôi có thể hát bất cứ nơi nào, giữa lớp học, trong sân trường, sân khấu hoặc một mình trong lúc làm việc nhà. Trời cho tôi giọng hát cũng dễ nghe và chưa bị ai đả đảo bao giờ. Trong những chuyến du ca tôi nhận được nhiều tiếng vỗ tay, hoa và ký tên vào nhiều quyển lưu bút của người nghe. Ở cái tuổi học trò tôi đã thân thiết với Quang- một tay guitar của trường. Chúng tôi nhận ra không thể sống thiếu nhau như từ kiếp nào trời sinh ra người này dành cho người kia. Và trong những chuyến du ca chúng tôi là một cặp đẹp đôi.
         Sau những năm 1975 cứ cho là cái máu thích xê dịch và ca hát dẫn dắt, tôi và Quang mỗi đứa tự xoay một số vàng rồi lên thuyền ra biển. Tôi không thể nào quên được đôi mắt buồn rầu mỗi khi mẹ đưa vàng cho tôi và dặn: Con cẩn thận, mẹ chỉ có ngần này thôi.
           Làm sao chúng tôi hiểu được cuộc đời có nhiều mặt, không ai thật thà, khờ dại như những kẻ thích ca hát và xê dịch. Cuộc vượt biển đầu tiên bị lộ, chúng tôi bị bắt vào trại cải tạo lao động. Trong một lần đi làm lội qua con suối, tôi bị trượt ngã va đầu vào một tảng đá. Cú va đập ấy không làm tôi bị tổn thương gì đáng kể nhưng nó làm tôi mất đi khả năng ca hát và giọng nói cứ khàn khàn trầm xuống. Ra trại tôi về gặp mẹ. Bà nhìn tôi thở dài im lặng. Tổng cộng tôi có mười một cuộc vượt biển bất thành, mười một lần mất vàng, ngần ấy lần mẹ đặt vàng vào tay tôi thở dài. Không hiểu bà mẹ Bắc kỳ của tôi tích cóp chắt chiu thế nào mà diệu kỳ đến vậy.
            Lần thứ mười một, ra khơi tàu bị vỡ (sau này tôi biết được tàu vỡ có sắp xếp) Quang chết đuối ngoài biển vì anh chẳng biết bơi. Còn tôi được học bơi từ nhỏ, không ngờ khả năng bơi lội ấy làm nên cuộc chia ly vĩnh viễn giữa chúng tôi. Khi lội được vào bờ là một làng chài, nơi đó có sẵn người để đưa tôi vào trại cải tạo. Người ta nhốt tôi chung với đủ loại tội phạm nữ. Dù không hát được nhưng tôi chỉnh sửa những chỗ họ hát sai, họ gọi tôi là “đại bàng” và không húng hiếp tôi như trước. Có lần tôi cùng cả toán lên đồi cắt tranh về lợp lán trại, chẳng may tôi dẫm lên một chỗ đất xốp và trống hoác dưới gốc tranh. Thế là đàn ong vỡ tổ. Đó là loại ong đất, tương truyền nọc độc của nó làm con bò mộng phải rống lên và tử vong tại chỗ. Chúng lao vào đốt khắp người tôi. Trong đời lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là nỗi đau giãy chết. Trước mắt tôi cả khu đồi tranh quay cuồng, thấp thoáng gã người rừng cầm cung tên nhằm vào tôi mà bắn. Mũi tên cấm phập và xuyên qua đùi trái của tôi. Chưa kịp ngạc nhiên về hành vi của gã (bắn làm chi người sắp chết), tôi nghe cảm giác đau đớn mất dần, tự nhiên đứng lên được và bao nhiêu sức lực tưởng chừng cùng kiệt bỗng dưng ào ạt khắp cơ thể. Chạy băng qua đồi tranh, dẫm lên gai góc và gai nhọn, đến được chân đồi tôi khuỵu xuống vì máu ra ướt đầm, trơn nhớt theo bước chân. Mấy trại viên cắt đọt chuối non nhai nhuyễn đắp vết thương và băng bó bằng cái áo xé toang từng mảnh. Toàn thân tôi lốm đốm những nốt đỏ nhưng không sưng phồng. Gã thợ rừng lững thững đi tới, cứ tưởng là tộc người thiểu số nào đó nhưng gã rất thạo tiếng phổ thông. Gã bảo rằng tôi đến xem chị có sao không và lấy làm lạ tại sao chị còn sống. Mũi tên gã bắn vào tôi là tên tẩm thuốc độc có khả năng giết chết một con sư tử, cọp hoặc cá sấu. Thấy tôi giãy chết trong đau đớn, gã giúp tôi kết thúc cơn đau cho nhanh và muốn tôi chết với thi thể nguyên vẹn không vỡ tim hoặc sọ nên mới nhắm vào đùi. Nào ngờ nọc độc của ong có thể vô hiệu hoá bằng mũi tên tẩm thuốc cực độc. Vậy là tôi sống được bằng hai thứ cực độc được truyền vào người. Sau cú thoát lưới tử thần đầy ngoạn mục các trại viên gọi tôi là sư tỉ.
         Ra trại về nhà. Ba mẹ tôi đã mất cách nhau không xa. Nói theo tôn giáo là cha mẹ tôi đã về với Chúa. Anh chị em tôi đã lập gia đình và ra ở riêng. Ngồi trong gian nhà xưa, những khuôn mặt thân yêu không còn nữa, tôi cảm thấy buồn nhưng không bao giờ sám hối những việc mình đã làm. Nhìn lại đời mình đã đi được phân nửa, chẳng nên trò trống gì. Không còn cha mẹ, không còn giọng hát, không còn Quang. Và cũng từ đó cái đam mê xê dịch cũng nguội lạnh trong tôi. Tôi chẳng thiết đến vùng trời nào nữa. Tôi về làm lụng nơi đây hay chỗ nào cũng thế thôi. Miễn nhiễm. Nhưng tôi không phải là nhà tu hành đâu. Lâu lâu cũng cỡi ngựa băng qua đồi, gởi ngựa lại rồi vẫy xe xuống phố tham dự vài đêm nhạc cổ điển ở quán cà phê quen, mua sắm linh tinh rồi về. Thỉnh thoảng uống và say một mình.
        Bạn hỏi tôi về chuyện viết lách à? Đã từng. Nơi đồi Nhất Phương này tôi đã từng viết một quyển tiểu thuyết tám năm mới hoàn thành. Đó là cả cuộc đời, gan ruột và hồn vía của mình. Tôi đưa cho một nhà văn đọc, người tôi tình cờ quen trong đêm nhạc cổ điển. Đọc xong, ông ta trả lại và có nhiều ý kiến mình rất tâm đắc. Ông nói rằng chị cố mà giữ, chờ thời điểm thích hợp mới in được. Hôm ấy mình về chất củi thông hoả thiêu nó trên đồi. Như thế là toại nguyện rồi. Mình viết ra chỉ cần một người đọc và hiểu. Vậy thôi. Còn mọi chuyện khác đều hề.”
*
*    *
        Hai tuần lễ trôi qua, chân cô gái đã đi lại được dù còn hơi đau một chút. Cô nấn ná ở lại không biết vì mùi hoa nhất phương lôi cuốn hay ở chính người đàn bà cô độc với nhiều câu chuyện thú vị. Người đàn bà bước vào nhà với giọng hài hước:
        - Nào xong chưa “ta sẽ đưa người xuống núi”. Lẽ ra mình nên đi sớm hơn, tôi bận đến khu đồi phía đông nơi đàn voi vừa đến viếng lúc nửa đêm. Chẳng biết đàn voi phát hiện ra đồi Nho từ khi nào mà chúng kéo đến uống sạch rượu của dân làng gần cả ngàn lít. Trong cơn xỉn sảng chúng băng qua đồi Nhất Phương dẫm nát một góc đồi ở phía đông rồi bỏ đi mất. Có lẽ cả rượu và mùi hoa làm chúng nghiện, nên hôm nay là lần thứ hai đàn voi lại đến uống rượu rồi băng qua đồi bên này. Chúng tàn phá ghê quá, cứ cái đà này chẳng bao lâu đồi hoa sẽ bị huỷ diệt. Đó là nỗi đau, tổn thất kinh khủng đối với dân đồi hoa, bạn có hiểu không. Nhưng làm sao ngăn chặn được cơn nghiện ngập và xỉn sảng của bầy voi. Bắn vào chúng là vi phạm luật bảo vệ thú rừng quí hiếm, mà chờ chẳng biết đến bao giờ có ai đến giúp.
          Mặt trời lên khỏi đỉnh đồi nhưng sương mù hãy còn dày đặc trong lòng thung. Người đàn bà cầm cương ngựa đi trước, cô gái ngồi trên lưng ngựa đi sau. Lý do chị nói rằng chân bạn vừa mới lành, cần phải dưỡng, tránh cử động nhiều, nên ưu tiên ngồi ngựa. Nào ta đưa người xuống núi, nơi đây không có chỗ cho bạn đâu.
*
*    *
          Cô gái đến Nhà sáng tác thì đoàn đã về ba tuần trước đó theo đúng kế hoạch chuyến đi. Người bảo vệ cho biết vậy rồi hỏi chị đi đâu không ai liên lạc được. Có lẽ người ta thông báo mất tích. Đồ đạc chị vẫn còn trong phòng. Chìa khoá đây.
           Cô gái bước nhẹ hẫng trên những bậc thang lầu, qua khoảng sân thượng đầy nắng, phía trong hội trường cây đàn dương cầm phủ vải nhung đỏ thắm. Những ngày trước đây cô thường ngồi im lìm hướng mặt ra sân thượng nhìn về khoảng đồi thông cổ thụ nghe người nhạc sĩ đàn. Cô tự hỏi: Tôi có còn là tôi nữa không hay biến thành một người khác: mê sảng dạng nhẹ, một người lảm nhảm, rỗng ruễnh và hay múa? Nhìn ở một góc độ nào đó tôi đã mất tích, mất từng phần hay trọn vẹn? Dẫu sao tôi cũng đã sống nơi đó một thời gian, từng hít thở đầy ắp lồng ngực mùi hoa nhất phương?

Ngày 12 tháng 12 năm 2012
                                                                                                                                      PTNĐ