Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

ĐẠI NGÀN MÙ TĂM


Tản văn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

“Vượt suối băng đèo hái trái nuôi nhau”, những con khỉ ở đây không có suối, không đèo lại không có trái cây gì để tìm hái lượm nuôi nhau như ở chốn đại ngàn. Đây là một hòn đảo nhỏ với hoa chăm, cỏ xén, cây trồng, đường đi rộng thoáng tráng xi măng. Là khu vườn dừa khá cao nhưng cằn cỗi vì gió biển, vì bị lũ khỉ vặt trụi cả trái cả bông. Còn nữa, trong xa kia là khu rừng nhỏ đủ thứ cây hoang dại dành cho lũ khỉ ẩn nấp với hang đá nhân tạo, có dòng suối mô phỏng “Hoa Quả Sơn” cũng chỉ toàn cành và lá.
Cơn mưa chợt đến dù nắng vẫn tươi rói. Đàn khỉ không còn hứng thú tắm nắng nữa mà nhanh nhanh tìm nơi ẩn náu. Tôi cũng bước vội vào căn chòi trống để tránh mưa. Gian chòi lợp lá trống bốn bề, rải đầy đá cuội. Tránh mưa cùng tôi là hai du khách người Nga và một người chụp hình dạo với dàn máy có ống kính tele đeo trước ngực. Hai người Nga lấy ipad ra xem rồi cười với nhau. Người chụp ảnh dạo quay sang tôi hỏi chuyện: Chị là khách du lịch? Tôi nói: Dạ. Chị là người miền Tây? Tôi nói sao anh biết? Vì phát âm không giống người ở đây. Ôi trời, hay thật, chỉ một chữ “dạ” mà đoán ra. Người ở đây nói âm “a” thành âm “e” nghe rất ngộ.
Anh ta đen nhẽm, tóc râu xùm xòa nhưng chưa bạc, có lẽ anh quen thuộc nơi đây từ lâu lắm. Nếu không vì cơn mưa đột ngột nên tình cờ đứng chung một diện tích nhỏ hẹp tôi cũng ngại không dám hỏi chuyện. Bằng giọng nói giòn giã đặc giọng Quảng, anh cho biết trước kia Liên Xô ở đây họ nuôi đàn khỉ để lấy huyết thanh dùng trong y tế. Sau này họ không làm việc ấy nữa và bàn giao cho phía Việt Nam. Từ con số vài trăm bây giờ đàn khỉ có khoảng 2.000 con, thành một vương quốc khỉ hẳn hoi. Tôi hỏi: Sao biết cộng đồng khỉ ở đây theo chế độ vương quốc mà không là chế độ khác? Anh ta chỉ tấm bảng to được vẽ bằng nhiều mẫu tự nhảy nhót như những bước chân khỉ: Vương Quốc Khỉ. À thì ra vậy. Rồi anh ta bảo, trong bầy có con khỉ đực cầm đầu, nó thống lĩnh mọi quyền hành và hưởng nhiều quyền lợi về thực phẩm cũng như số khỉ cái. Cho nên gọi là Hầu vương, Vua khỉ, Chúa khỉ, Tổng thống khỉ đều được cả. Với loài khỉ chỉ cách gọi khác nhau cho vui chứ thực chất cũng như nhau cả thôi mà. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh ta bảo: Đừng tưởng không có chiến tranh xảy ra đâu nhé. Đâu đó vẫn có sự mất đồng thuận trong bầy đàn tạo ra thành từng nhóm riêng. Mỗi nhóm có một con cầm đầu. Khi xung đột xảy ra đến đỉnh điểm thì hai bên dàn trận nhưng chỉ có hai con cầm đầu đánh nhau. Chúng dùng tất cả mọi miếng võ để cấu xé, vật lộn và tát vào mặt nhau. Đồng bọn mỗi phe đứng sau lưng reo hò cổ súy chứ không tham gia. Cho đến khi một bên bị bại thì ngay lập tức cả bọn kéo nhau chạy thục mạng nấp kỹ vào các hốc cây, hốc đá. Kết thúc chiến trận đơn giản vậy thôi. Một cuộc chiến không để lại hậu quả nặng nề cho bên nào.
Tôi hỏi: Có khi nào nó chết không? Anh ta nói cũng u đầu mẻ trán, nhưng thường là chết già hoặc chết bệnh. Xác khỉ được đem nấu cao. Tuy vậy mấy ngàn con khỉ này nuôi được một số người đó bạn ạ!
Tôi không hiểu anh định nói gì. Anh cười lém lỉnh: Thì tiền bán vé để vào đảo có thể trả lương cho tài công, bảo vệ, người làm vườn, người chăm sóc khỉ… Không có khỉ ai mua vé vào đây làm gì.
Cơn mưa đột ngột dừng lại nhưng bầu trời âm u, đầy mây. Tôi bước ra lối đi tráng xi măng phẳng láng có những hạt bắp vàng rơi vãi thấm đẫm nước mưa, người ta rải cho khỉ làm thực phẩm hàng ngày. Những con khỉ nhặt lấy đưa vào miệng nhai trệu trạo rất vất vả. Có vẻ nó không khoái khẩu với món ăn này.
Tôi lấy một nắm đậu phộng rải ra đất, lập tức cả bốn, năm con lao vào nhặt sạch và hau háu nhìn vào tôi. Nó tách vỏ và ăn nhanh tài tình. Tôi thêm một nắm nữa thì có đến hàng chục con. Người chụp hình nói: Bạn cho ăn là nó sẽ theo bạn hoài đó, mà sẽ còn đông hơn nữa. Tôi để nguyên cả túi đậu phộng rồi nhanh chân bước đi như để nói rằng: Tôi chỉ có nhiêu đó thôi, đừng theo tôi nữa.
Như một phép lạ, đàn khỉ từ mọi ngóc ngách, cành nhánh hiện ra rất nhanh và tranh nhau nhặt đậu, có con hốt cả nắm rồi thoăn thoắt leo lên nhánh cây, có con ăn tại chỗ. Trong nháy mắt túi đậu hết sạch, con đến trễ bèn nhăn răng kêu khẹc khẹc. Tôi đi như trốn chạy vậy mà khi ra đến mé biển có ai nắm quai giỏ tôi mà ghị mạnh, nhìn lại thì một con khỉ nhủng nhẳng phía sau. Sợ quá tôi giậm mạnh chân, con khỉ lùi xa, nhưng nó đứng nhăn nhó nhìn tôi một lúc mới bỏ đi. Có người nói với tôi rằng nhìn con khỉ nhăn nhó ta khó lòng biết nó cười hay khóc. Tôi cũng thấy vậy. Khổ chưa, số kiếp gì mà cái mặt sướng khổ, buồn vui khó phân định đến vậy!
Đi một vòng vương quốc khỉ, tôi đến gian nhà rộng lớn là sân khấu để chờ xem xiếc khỉ. Khỉ dùng làm xiếc là những con được chọn lựa và huấn luyện công phu. Nó có năng khiếu bẩm sinh vượt trội trong đàn, có thể thực hiện thuần thục những động tác theo sự dạy bảo của người huấn luyện. Nó sống tách biệt với lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn, thức ăn hàng ngày là loại thức ăn đặc biệt để duy trì sự sống, duy trì trọng lượng, hình hài cố định để sao cho thực hiện khéo léo những tiết mục trình diễn: chạy xe đạp vòng quanh sân khấu, chở nhiều con khỉ vượt qua chướng ngại vật, cân bằng, tung hứng, xích đu, nhào lộn… Đó là những việc làm hằng ngày và không ngừng luyện tập với thời gian nghiêm chỉnh, biện pháp mềm và rắn, dụ dỗ và răn đe, roi vọt và ban thưởng. Tất cả công việc đó làm nên tên gọi “Thú nghệ thuật”.
Nó được con người trang bị những bộ quần áo sặc sỡ, cầu kỳ, đầu đội mũ phớt. Không biết vì lý do gì những con khỉ nghệ thuật thường bị trụi mảng lông lưng nên khi diễn áo sơ mi không che được mảng da lưng tai tái, phơi cả xương sườn, xương sống. Trang phục và màn diễn như để xác định ý thức con thú muốn tiến lên tương cận với con người. Tôi thấy bình thường khi tưởng tượng ra một ngày nào đó con người không mặc quần áo nữa (hình như xu hướng ngày nay vải may quần áo của con người được cắt giảm đến mức tối giản), nhưng nhìn những con khỉ mặc quần áo tự dưng tôi thấy buồn thê thiết. Nó không giống khỉ nữa mà chẳng thể giống người, vừa quái nhân vừa quái vật. Thà rằng nó cứ trần trụi, cứ thỗn thện mà đi giữa chốn rừng rú, đại ngàn sẽ đẹp biết bao.
Rồi cũng đến lúc màn trình diễn xiếc bắt đầu. Theo lệnh người điều khiển những tiết mục quen thuộc mà tôi thường thấy ở đâu đó. Người ta còn sắp xếp cho con khỉ vờ ngã xe rồi hối lỗi đứng dậy đi tiếp hoặc chạy sai quĩ đạo rồi làm lại… Tất cả để tạo sự hứng thú cho người xem. Điều đáng nói là mọi trò diễn, khỉ đều phải bị xiềng bởi sợi xích nhỏ xíu móc chốt với dụng cụ biểu diễn: xe đạp, ghế xích đu, bàn tung hứng để khỉ không tự ý bỏ đi. Tuy vậy do sơ xuất chút xíu, người ta quên cài cái móc chốt, ngay lập tức con khỉ đang diễn trò tung hứng bèn bỏ chạy nhanh như chớp, thoáng qua khỏi sân khấu, luồn ra sau hậu đài và phóng ra khu vực Hoa Quả Sơn.
Tiết mục kế tiếp được thay vào, người đạo diễn tỏ ra tức giận vì đảo lộn sự sắp xếp chương trình chứ không lo nó chạy mất. Nó có thể chạy đi đâu được. Tìm về vùng trời tự do hoang dã theo bản năng từ lâu đã thành một khái niệm mơ hồ và xa lắc của loài thú bốn bàn tay này. Con khỉ ranh ma muốn vượt thoát khỏi phần lưới dành cho khỉ nghệ thuật để hòa nhập vào đàn khỉ vương quốc ngoài kia thì cũng chỉ đi từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn mà thôi. Chung quanh hòn đảo này là biển, đất liền hãy còn xa, đại ngàn còn mù tăm hơn nữa. Chưa có con khỉ nào có gan vượt biển cả. Đó là chưa nói cái điều chắc mẩm là khỉ nghệ thuật sẽ bị đồng loại ngoài kia gạt phăng, tẩy chay ngay với thứ trang phục được ban tặng xa lạ với bầy đàn. Và cái điều cốt tử hơn nữa là nó không thể sống thiếu thức ăn đặc biệt, loại thức ăn được thưởng ngay sau khi diễn. Nó bé xíu thôi nhưng có tác dụng làm con vật hưng phấn ngay, nó mạnh hơn tất cả mọi thứ trên đời, mạnh hơn khát vọng tự do hòa nhập với bầy đàn. Nó là một hấp lực lôi kéo con khỉ trở lại run rẩy quì lụy dưới chân chủ. Khỉ sẽ bị trừng phạt vì tội dám vượt rào, phá bỉnh để rồi đâu lại vào đấy. Tiếp tục được ban phát thức ăn đặc biệt và làm những gì người chủ trò ra lệnh. Khỉ nghệ thuật là vậy thôi!
Hôm ấy người xem xiếc khỉ đông lắm, ngồi kín vòng quanh sân khấu. Phân nửa bên này là khách nước ngoài, trang phục của họ rất đơn giản, quần ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa, hở cả rốn, cả lưng, cả ngực. Phong phanh và trần trụi. Nắng nhiệt đới làm đỏ hồng làn da người xứ lạnh. Hồng lên những thân thể cân đối tuyệt mỹ, cả những người có ba vòng tuôn chảy, nhão bệu, và cả thân thể béo phị làm tôi e dè không dám bước vào thang máy chung với họ. Tuy nhiên họ ngồi nghiêm chỉnh, trật tự, không xả rác và lịch sự vỗ tay cho tất cả các tiết mục. Nửa vòng tròn đối diện có du khách Việt và một số nhà tu hành. Họ đi thành đoàn áo vàng và áo lam. Những nhà sư hào hứng vỗ tay nhiệt tình, miệng cười tươi như hoa. Tôi cảm thấy nghẹn thở, không hiểu sao người ta có thể cười thoải mái đến vậy. Giá có ai cù tôi cũng không thể cười.
Hoàn tất các tiết mục là đến nhiệm vụ của một con khỉ mặc đồ đỏ viền trắng, đầu đội mũ phớt, tay xách giỏ tre. Người đạo diễn cầm tay nó dắt đi vòng quanh sân khấu gần sát chỗ khán giả ngồi. Có nhiều bàn tay đặt tiền vào giỏ tre. Những tờ tiền mệnh giá không lớn và nhầu nhĩ, phập phồng và càng đầy lên theo bước chân khỉ. Đôi mắt người đạo diễn ánh lên nét tươi vui, miệng nở nụ cười chào khán giả. Còn mắt khỉ thờ ơ, vô cảm, dửng dưng. Nó không quan tâm đó là tờ giấy lộn hay tiền, nó đi như cái máy, đôi mắt trũng sâu trên khuôn mặt hốc hác. Nhưng rồi có một bàn tay đặt vào giỏ một chùm nhãn, lúc đó mắt khỉ mới sáng lên, sáng hơn cả mắt người đạo diễn. Nhanh như cắt nó chộp lấy đưa lên miệng tách bỏ vỏ, vài động tác đưa qua lại đầu lưỡi, trong một thoáng nó nhả ra hạt nhãn đen tuyền. Chùm nhãn mới là hạnh phúc đích thực của nó. Thế là tiền của người, nhãn của khỉ. Ai phần nấy. Thành quả lao động nghệ thuật của người và khỉ sau buổi biểu diễn là vậy. Đều đặn cho mọi ngày.
Tìm một chỗ tôi ngồi nhìn ra biển. Mưa lay phay và nắng hắt hiu vàng trên mặt biển trong xanh. Gần đó người ta đang chờ xem màn đua chó. Cuộc đua không có treo giải lửng lơ cho chó khi tới đích. Trên lưng mỗi con chó to bự là một chú khỉ bé xíu ngồi vắt vẻo như một sự nghiễm nhiên từ lâu đã vậy. Khỉ ngồi yên và chó không phản ứng, nhưng con khỉ được xiềng dính với con chó, con chó được xiềng bởi sợi xích lớn hơn, người ta chỉ buông xích chó khi nó sãi bước trên đường đua. Trước khi những chú chó tranh phần thắng bại là màn con người bán vé cá cược. Người xem đặt cược con chó mang số thứ tự nào có thể đem lại đồng tiền ăn may. Người ta săm soi và tính toán. Bàn luận sôi nổi như một chuyện hệ trọng của đời người.
Trên đất nước này có ai ngồi thống kê mỗi ngày có bao nhiêu cuộc thi, cuộc đua của thú vật và con người? Chó đua, heo đua, ngựa đua, cá đua, đà điểu đua… Và con người cũng có những cuộc đua - những cuộc đua được gọi bằng tên và không thể gọi bằng lời. Âm thầm và quyết liệt. Ăn thua, thắng bại. Sòng phẳng và gian lận, thủ đoạn. Có ai từng soát xét lại đời mình tham dự bao nhiêu cuộc thi? Bao nhiêu cuộc đua? Đã từng cá cược cái gì, bao nhiêu lần? Cho những điều gì. Có những cuộc thi, cá cược mà con người đặt cả cuộc đời. Được mất, thất bại hay thành công, vinh quang hay bi thảm có khi nhiều chục năm mới ngộ ra, vỡ ra. Cái đặng u u minh minh khó thấy còn trắng tay và âm cả vốn thì nhãn tiền.
Khi bầy chó về đến đích có nhiều tiếng cười, tiếng vỗ tay rôm rả. Tự dưng tôi buồn. Bạn tôi nói tôi khùng vì trong lúc nhiều người vui, một mình buồn là khùng. Tôi nghĩ bạn tôi nói đúng.
Đã đến lúc phải về thôi. Khi ngồi yên trong lòng tàu tôi mới phát hiện ra mình về cùng chuyến với những nhà tu hành và nghe họ nói với nhau về những con chó thắng và thua khi họ đã đặt tiền cá cược. Nhìn tướng chó vậy mà lầm, tưởng thắng hóa ra thua. Tiếc tiền!
Nhìn nước biển trong xanh tôi nao nao nhớ về quê nhà thời thơ ấu. Nhớ đến nhà hàng xóm có nuôi một đàn khỉ khoảng năm, sáu con, có khỉ vợ, khỉ chồng và khỉ con. Người chủ cho ăn cơm và uống nước nên khỉ mau lớn và khá to con. Không biết ai bày rằng mật khỉ có thể trị được bệnh gì đó cho con người mà phải mổ bụng lấy mật lúc con khỉ còn sống mới hiệu nghiệm. Và rồi con khỉ cái được chọn lấy mật. Thay vì lấy xong mật rồi thì làm thịt con khỉ đó đi, bất cẩn thế nào con khỉ sổng ra. Nó chưa thể chết liền. Nó lê lết khắp nhà: giường, tủ, bồ lúa, sà ngang… đi đến đâu máu bê bết đến đó. Thỉnh thoảng nó lật giở vết mổ rồi đậy lại lấy tay chùi nước mắt. Nó ôm đứa con còn nhỏ cho bú những giọt sữa cuối cùng mặc cho nước mắt chảy và máu không ngừng tuôn.
Thì ra không cứ gì con người, loài khỉ cũng biết yêu quí cuộc sống, cũng có tình mẫu tử.
Hôm ấy nhân dịp đám giỗ, chủ nhà làm thịt con heo để đãi khách. Không biết khỉ ta nghiêng ngó quan sát thế nào mà chúng chờ lúc cả nhà đi làm đồng, bà mẹ cho em bé ngủ vừa bước ra vườn, chớp thời cơ lũ khỉ bèn làm lại động tác đã quan sát được. Em bé tội nghiệp bị chúng khống chế rồi lấy dao cắt cổ, cũng lấy thau hứng máu. Trong chốc lát lũ khỉ to con, khỏe mạnh này đã hoàn tất công việc giết người một cách hoàn hảo. Bà mẹ chạy vào thì sự đã rồi. Đau thương tang tóc trùm lên không khí gia đình. Dĩ nhiên sau đó cái giá phải trả là đàn khỉ bị tiêu diệt không còn một con nào.
Mỗi lần nhớ lại cảnh tượng đó tôi còn nổi gai ốc khắp người. Không ai có thể tha thứ hành vi ghê rợn đó, nhưng khi cuộc đời trải qua nhiều năm tháng, tôi ghi nhận một điểm son cho loài khỉ vì nó chỉ bắt chước con người chứ không ác ý. Nó không áp dụng hành động đó với đồng loại, bầy đàn, không ai có thể xúi giục chúng cầm dao giết nhau hoặc ăn thịt đồng chủng của mình.
Tàu đã cặp bến, hành khách lần lượt bước lên bờ. Tôi nhường lối cho vị sư cao tuổi, nhưng có vẻ như uể oải, sư không muốn đứng lên và nói trống không: “Đi xem sướng con mắt nhưng mệt cái chân”, như một phát kiến độc đáo. Không ai nói gì. Sư bèn lặp lại. Lời nói bay vào khoảng không. Bàn tay của người bảo vệ bến tàu đưa ra, tôi nắm lấy và bước lên bờ. Sư “sướng con mắt” vẫn còn ngồi đó. Nhà văn Vân Hạ gọi cho tôi “Chị về chưa, em cứ ân hận mãi, xui chị đi ra đảo không có gì xem chị lại chán”.
Tôi nói: không đâu bạn ạ, trái lại đấy. Tôi cám ơn bạn nhiều lắm.
                                               
                                                  Trại sáng tác Nha Trang 2014

                                                                                                 PTNĐ