Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

ĐỒI NHẤT PHƯƠNG


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

…. “Một tháng rồi, tôi nghĩ bạn nên về đi, càng sớm càng tốt khi đôi chân đã bình phục. Nơi đây không có chỗ cho bạn. Bạn sẽ thành người nửa mê sảng, nửa đồng bóng, mùi hương hoa này sẽ thấm vào huyết quản, vào từng tế bào thần kinh mà không cách gì thay đổi được. Mọi người ở đây tự nguyện chứ nào ai bắt buộc, họ sống hít thở mùi hoa và trở thành người như bạn thấy. Họ tôn thờ và cho đó là loài hoa duy nhất đẹp trên đời, một giá trị tuyệt đối và bất biến. Họ lên đồng với mặc định ấy và không thể rời xa.
Cô gái hỏi người đàn bà:
- Lý do nào chị ở lại đây và chị có nhập vào cơn mê sảng đó?
- Hỏi làm gì hở bạn?
Cô gái nói chân thành:
- Bởi vì tôi muốn biết vì sao có ngoại lệ, sao không thấy chị múa và bao giờ cũng giữ được sự thăng bằng, an nhiên, trong sáng?
- Nếu tôi nói là không thì bạn có tin? Thật sự thì không bao giờ. Tôi chỉ đứng ngoài nhìn họ sống mà thôi. Đó là câu chuyện không vui, tôi chẳng muốn nói với ai.”


*
*    *

Vùng đồi ấy riêng rẻ và nằm rất xa trung tâm thành phố. Xen giữa những quả đồi cao thấp khác nhau có những con đường đất đỏ bazan ngoằn ngoèo gấp khúc, chênh vênh giữa vách đá và vực sâu rồi lên cao xuống thấp. Cô gái một mình mang túi đi lang thang vào vùng đồi này mà trong đời cô chưa một lần đến. Những văn nghệ sĩ ở Nhà sáng tác mỗi người mỗi việc. Hoạ sĩ thì vác giá vẽ đi từ sáng sớm, những tay săn ảnh cũng đèo nhau đủ bộ đi tìm đề tài. Anh bạn nhạc sĩ mà suốt mấy ngày qua đi cùng với cô thì hôm nay bận tập cho ca sĩ hát bài trình diễn bế mạc. Mấy anh nhà thơ hôm nay rủ nhau đi ăn tiết canh thỏ. Cô gái đành một mình thuê chiếc honda vào vùng đồi nghe nói có nhiều bí hiểm này. Người thanh niên lái xe đi đường đồi như làm xiếc và rất hay chuyện. Đi được gần hai giờ người lái xe dừng lại bảo rằng: Nếu chị rẽ trái sẽ đi đến đồi Văn Nhân, dân sáng tác nhiều người ở đó về đều có tác phẩm hay. Còn đi về hướng bắc sẽ gặp đồi Tình Nhân nằm cặp kề với đồi Lảm Nhảm, xa hơn nữa là đồi Nho rồi đồi Nhất Phương. Anh ta giới thiệu nhiều địa danh nghe rất lạ. Đi thực tế cần phải đi lang thang, cà kê mới thú vị, chứ ngồi sau xe quăng thảy cà tưng không biết mình sẽ bị ném xuống hố lúc nào còn hồn vía đâu mà thưởng ngoạn. Cô trả tiền cho chuyến đi và về, bảo anh cứ yên tâm làm việc riêng bao giờ cô gọi điện thì quay lại đón, chỉ trong ngày dù có thể muộn.
Tiếng xe dần xa, gió miền sơn cước xua đi làn khói xăng còn vương lại. Nắng ban mai dát vàng trên đồi thông, trên những luống rau cải và hoa. Trập trùng đồi, bạt ngàn màu xanh. Cô gái đi qua vạt đồi trồng khoai tây và cải tím, những người đàn bà váy áo khăn thêu sặc sỡ đang tưới cây. Cô hỏi họ địa danh nơi đây là gì. Họ trả lời bằng một tràng thổ ngữ xa lạ rồi cười phá lên. Cô lại cắm cúi tiếp tục cuộc hành trình. Đến giữa trưa vẫn không thấy có người làm rẫy hoặc chòi canh, cô định tìm một gốc cây nào đó ngồi nghỉ chân và dùng bữa trưa mang theo. Sườn đồi dốc thẳng, đặt chân lên một tảng đá thì “roạt” một cái khô khan, tảng đá sạt lở, cô bổ nhoài và lăn nhiều vòng theo triền dốc và dừng lại gốc mấy cây thông non chặn. Nếu không cô còn lăn một khoảng khá xa mới đến chân đồi. Áo quần, đầu tóc bê bết đầy bụi đỏ, cô nghe đau đớn toàn thân, đầu gối bị trặc trẹo sao đó mà cô không tài nào đứng dậy được. Điện thoại bị cuốn theo những vòng lăn nên bị vỡ ra, rã rời từng mảnh, nối ráp cách gì cũng tối mù mù. Những địa chỉ cần liên hệ bay biến mất tiêu, vô phương liên lạc với mọi người. Dù mong manh nhưng cô vẫn hy vọng có người nào dó đi ngang qua. Tay lái xe chắc không quay lại nếu không nhận được điện gọi. Lục túi xách đem theo vẫn còn nguyên hai ổ bánh mỳ, một lọ mứt trái cây và một chai nước lọc. Vậy là yên tâm có thể trải qua hai ngày mà không sợ chết đói. Ngoài ra trong túi còn một lọ thuốc linh tinh cho các thứ bệnh thông thường, đèn pin, con dao nhỏ, túi kim chỉ và một bộ quần áo. Người bạn nhiều kinh nghiệm dặn cô khi ra khỏi nhà dù không qua đêm vẫn nên mang theo những thứ ấy. May sao trong trường hợp này nó quả là đắc dụng.
Nửa ngày và một đêm trôi đi vẫn không thấy bóng một người qua lại. Chưa bao giờ cô cảm thấy cần và thèm bóng dáng con người như bây giờ dù cô đã trải qua những lúc sợ con người.
Đêm trên đồi cao lạnh vô cùng. Lạnh thấu xương. Đôi lúc tưởng chừng cứng quai hàm mà chết đi được. Dùng hai bàn tay xoa vào nhau rồi lần lượt đặt vào những khoảng da thịt tê buốt. Tự làm ấm mình bằng phương pháp này rất hiệu quả. Một cái gì bất chợt dâng lên trong lòng làm cô rưng rưng nước mắt. Sự tủi thân vô cớ. Nào phải ai xô ngã mình đâu, cũng chẳng phải bị ruồng rẫy hay bỏ rơi. Những cú rơi ngã trong đời sống mình đã từng rơi, đã từng đau và nếm trải làm nên sự chai sạn. Cớ gì mà tủi thân. Giờ này ở Nhà sáng tác có ai nghĩ đến cô không? Chắc là có trong bữa ăn thấy thiếu người. Cô nhớ đến anh nhạc sĩ thường ăn cơm chung hằng bữa, nhạc của anh rất có duyên với các giải thưởng. Anh nhận được hàng trăm giải âm nhạc các cấp. Tóc anh dài chấm ngang vai. Có lần cô hỏi: Anh và vợ tóc ai dài hơn ai? Anh trả lời bình thản: Chị hỏi vợ nào, vì tôi có năm bà vợ có con chung. Còn người tình thì đến trăm. Cô tròn mắt kinh ngạc: Hãi quá, hãi quá. Giọng anh chùng xuống: Đó là bi kịch đời tôi đó chị à, bởi vì cho đến bây giờ tôi chưa gặp được tình yêu đích thực. Tôi vẫn sống một mình. Nếu chị muốn viết về lời sám hối muộn màng tôi sẽ thành thật kể chị nghe… Ngồi trong đêm một mình cô lẩn thẩn nhớ đến bao nhiêu chuyện tào lao rồi tự giễu mình. Có lẽ nhờ vậy, cô đi qua đêm dài thấy đỡ dài hơn. Cho đến lúc mặt trời nhô lên khỏi quả đồi trước mặt, cô thấy thấp thoáng bóng một người đang tiến lại gần. Người ấy hơi thấp, đầu đội cái nón rộng vành, mặc bộ đồ đen bó sát, bao tay, bao mặt. Cô đoán đó là người đàn bà đi nương vì vai mang gùi. Mạnh dạn cô bắt tay làm loa gọi:
- Chị ơi làm ơn giúp tôi.
Gọi vậy nhưng trong lòng cô vẫn không mấy hy vọng, nhỡ đâu là người dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông.
Tiến gần cô gái, người đàn bà gỡ khẩu trang nói:
- Tôi có thể giúp bạn được gì?
Đó là người phụ nữ luống tuổi có khuôn mặt phúc hậu với làn da trắng hồng. Cô nói tình trạng mình cho người đàn bà nghe. Chị cúi xuống sờ nắn nhẹ nhàng lên khớp gối đang hơi sưng lên.
- Nếu trật khớp, bong gân tôi có thể chữa lành trong thời gian ngắn, chỉ sợ rạn xương thì phải  lâu hơn. Chờ một chút, tôi sẽ quay lại ngay.
Chị máng cái gùi vào vai, bên trong đựng một ít rau và trà xanh. Khoảng hai mươi phút sau chị trở lại, tay cầm cương ngựa thong thả đi bộ giữa đám dã quì đang bắt đầu nở vàng. Chị nói:
- Bây giờ tôi có thể đưa bạn xuống đường đèo đón xe về phố, nhưng tình trạng của bạn cần ủ ấm, ăn uống và xem xem chỗ đau ra sao. Nếu về thì phải mất hơn một tiếng cỡi ngựa, đường đi sẽ dằn xóc. Tôi nghĩ bạn có thể về tạm chỗ tôi, sau đó tính tiếp, đừng ngại .
Cô chọn cách thứ hai. Người đàn bà dìu cô lên lưng ngựa. Chỗ đau làm nước mắt cô tuôn tràn. Đó là con ngựa núi hơi lùn, bụng thon, ngực nở. Đặc biệt khác ngựa dưới xuôi là hai mắt không bị che chắn hai bên. Người đàn bà chợt hỏi:
- Bạn chưa bao giờ cỡi ngựa sao?
- Đúng vậy. Tôi ngại.
- Ngại gì?
- Sợ mình không điều khiển được nó, nhỡ nó phi nước đại hoặc chứng lên hất mình văng xuống đất. Ở một sân chùa lưng chừng dốc tôi từng thấy một con ngựa tấn công chàng thanh niên, rượt chạy vòng quanh sân chùa. Nhờ nhanh nhẹn, anh chàng phóng lên nhánh thông mới thoát được.
Tuần trước cô đi cùng anh nhạc sĩ lên ngọn núi cao hơn nghìn mét, nơi đó người ta cho thuê ngựa cỡi, cũng toàn những con ngựa không bị khống chế tầm nhìn. Anh cười khi cô từ chối cỡi ngựa chụp ảnh. Cô bảo rằng giữa mình và ngựa có sự quen thân nào đâu, chắc gì nó không giở chứng ném mình xuống vực, mà vực sâu nghìn mét kìa. Ngay cả những người bạn từng thân thiết với nhau cũng vẫn quăng nhau nếu có dịp hoặc vì một mối lợi nào đó. Anh nhạc sĩ bảo tại chị giàu tưởng tượng quá đó thôi.
Người đàn bà dẫn ngựa đi trước theo một lối đi hẹp rải đầy sỏi đỏ. Nơi ở của chị là một ngôi nhà gỗ thông nhỏ xinh, có gác diện tích khoảng mười mét vuông. Chị sống một mình. Không gian nhỏ hẹp nhưng ấm cúng và yên bình. Trên vách nhà có treo bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan và “Hoa diên vĩ” của Van Gogh, một giá sách nhỏ, nói lên phần nào cuộc sống của người đàn bà không đơn thuần là người trồng hoa màu. Nhìn khớp gối cô ngày một sưng to, chị bảo chắc chắn bị rạn xương rồi, phải cố định hơi lâu, khoảng hai tuần bạn có thể đi lại được. Yên tâm, không phải vừa đi vừa nhảy đầm đâu. Chẳng gì, tôi học được vài bài thuốc dân gian có thể chữa vài chứng đau vặt cũng hiệu quả. Nơi núi đồi heo hút này lại cần thiết vô cùng. Tôi từng biết có loại lá rừng có thể đắp lên da làm người câm vĩnh viễn và cũng có thể chữa được chứng hở xương đầu mà y học bó tay.
Mỗi sáng chị đắp cho cô một khối bột dẻo nhào nặn với loại lá màu xanh và ngồi im trong vài giờ. Hàng xóm của chị khá đông, khi biết cô là vị khách lạ hoắc không mời mà đến, họ vẫn đến thăm và trò chuyện khá thân thiện. Người ở đây ai cũng gầy vừa phải, có người cao lêu nghêu, cũng có người lùn nhưng không ai béo phì cả. Phải nói đó là điều đáng ghi nhận. Có lẽ do người ta ít ăn thịt mà phần lớn thức ăn là rau củ quả. Nét đặc thù nhất của cư dân nơi đây là họ có nhiều động tác múa trong giao tiếp. Họ múa một cách hồn nhiên như đã in sâu vào trong máu thịt. Khi nói chuyện, người ta múa môi, múa mặt, múa mắt và hai tay. Có người nói nhiều hoặc ít nhưng người nói ít cũng bằng người nói nhiều dưới xuôi. Họ nói bằng ngữ điệu đều đều, âm thanh ngang không trầm bổng. Bắt đầu nói, người ta hất mặt sang trái rồi sang phải, gật đầu xuống rồi ngước lên, cùng với vòng môi ngoai ngoai một cách thừa thãi. Còn đôi bàn tay thì khua khoắng theo những chuyển động quái dị, lúc thì quạt ra quạt vào, lúc nắm vào mở ra, rồi giơ tay chém thẳng vào không khí. Có người còn chuyển động cả thân thể, đong đưa qua lại, trước sau. May mà  người ta đứng hai chân trên mặt đất nên không bị điều khiển bởi vũ điệu nào đó chứ múa luôn thì bất hạnh lắm thay. Nhiều chàng trai cô gái sở hữu khuôn mặt đẹp rạng ngời, cái đẹp thu hút cô muốn nhìn mãi nhưng nhìn họ nói chuyện làm cô chóng mặt. Nếu nói chuyện với người đối diện mà nhắm mắt không bị mang tiếng mất lịch sự thì cô đã nhắm  mắt để đỡ choáng váng.
Khu đồi này thuộc sở hữu của người đàn bà có chồng Tây da đen, lính viễn chinh thời Pháp. Bà từng theo chồng đi nhiều nước trên thế giới. Gần cuối đời bà chấm dứt cuộc viễn du bằng cách về Việt Nam mua ngọn đồi này và cất lên ngôi biệt thự. Bà mang từ châu Phi về một loài hoa chưa từng có ở quê nhà và trồng khắp đồi. Bà chắt chiu, nâng niu và cho đó là loài hoa số một trên thế giới. Nó là chúa tể các loài hoa, giá trị của nó vượt trội lên trên những bông hoa bình thường cả sắc, cả hương, cả ý nghĩa biểu tượng. Không biết tên châu Phi của nó là gì, người ta chỉ nghe bà gọi nó bằng cái tên thuần Việt: hoa nhất phương. Song song với việc trồng hoa chủ nhân còn trồng thêm khoai lang, khoai tây, một ít cà phê. Phải thuê thêm người đến chăm sóc, trồng tỉa nên rải rác có những ngôi nhà mọc lên cạnh ngôi biệt thự. Người ta ở lâu rồi quen dần, tự nguyện ở lại lập nghiệp dài lâu. Nơi đây không ai giàu mà người ta cũng không cần giàu, nhu cầu trong đời sống cũng đơn giản, rau là thức ăn chính, dĩ nhiên cũng có thịt rừng hoặc lạp xưởng, xúc xích từ dưới phố đưa lên. Nhiều người bỏ đồi đi một thời gian sau lại quay về mà không giải thích được lý do. Cái lý do có vẻ mơ hồ là người ta nghiện hoa nhất phương. Ai ở đồi này, hít thở, chung sống với những bông hoa đặc biệt này sẽ bị nghiện, mà người nghiện không thể nhận biết và cũng không thể thoát ra.
Đó là bông hoa có bề mặt bằng cái dĩa hình tròn, bên trong sắp xếp rất khéo những bông hồng, nho nhỏ, khít khao bên nhau có đủ năm màu: xanh, đỏ, trắng, tím vàng. Đều đặn như vậy, ngắm nhìn người ta phải trầm trồ thán phục bàn tay diệu kỳ của tạo hoá. Hương hoa không giống bất kỳ hoa nào hằng có, nó chỉ thoảng nhẹ, mới ngửi thậm chí còn nghe mùi tanh, lâu dần không nghe mùi tanh nữa. Nhiều người mang hoa đến nơi khác trồng, nhưng đó là việc làm sai lầm vì ở vùng đất khác nó không phát triển được, đứng trơ gan một thời gian rồi lụi tàn mà chưa kịp ra bông. Còn ở đồi này nó rất dễ trồng, có thể sống ở sân, hàng rào, khe đá. Thậm chí bứng gốc thảy vào hốc khoé nào nó cũng sống và ra bông, luôn luôn là bông nhiều hơn lá.
Người đàn bà chủ nhân do cao tuổi đã qua đời, người con trai da nâu kế nghiệp mẹ quản lý đồi Nhất Phương, cư dân vẫn duy trì hàng trăm hộ sinh sống. Người ta có thể thiếu trà, thuốc lá, ngay cả ăn ít đi vài chén cơm nhưng không thể thiếu hoa. Hoa được chưng trên bàn thờ, phòng khách, chỗ ăn, phòng ngủ, nhà bếp, nhà tắm. Hoa nở quanh năm, không nhà nào không có. Người ta sống trong hoa, ăn ngủ, hít thở rồi múa mọi kiểu trong hoa bằng những ngôn từ đồng bóng mê sảng. Thật bất hạnh cho kẻ nào dám tỏ ý chê bai, nhạo báng loài hoa này trước mặt người dân ở đây. Người đàn bà nói với cô gái như vậy
*
*    *
“Để nói rằng tôi không bao giờ bị loài hoa này làm cho mê sảng hay bất cứ một mùi hương, một tác nhân, một hấp lực nào dẫn dụ được. Tôi vẫn mãi là tôi một cách lì lợm. Vậy là điều đáng buồn chăng trong khi có nhiều người tự nguyện đánh mất mình, hăm hở, kiêu hãnh tự biến mình thành một người khác, rồi tự ti xấu hổ bởi cái tôi của mình? Tôi nói cho bạn nghe vì sao tôi vẫn là tôi bạn ạ.
.        Xê dịch và ca hát là hai thứ đam mê vận vào tôi từ bé. Hồi còn đi học, trường có bữa cắm trại, du ngoạn nơi nào tôi đều không bỏ qua. Bởi những lúc ấy tôi được đi và ca hát. Tôi có thể hát bất cứ nơi nào, giữa lớp học, trong sân trường, sân khấu hoặc một mình trong lúc làm việc nhà. Trời cho tôi giọng hát cũng dễ nghe và chưa bị ai đả đảo bao giờ. Trong những chuyến du ca tôi nhận được nhiều tiếng vỗ tay, hoa và ký tên vào nhiều quyển lưu bút của người nghe. Ở cái tuổi học trò tôi đã thân thiết với Quang- một tay guitar của trường. Chúng tôi nhận ra không thể sống thiếu nhau như từ kiếp nào trời sinh ra người này dành cho người kia. Và trong những chuyến du ca chúng tôi là một cặp đẹp đôi.
         Sau những năm 1975 cứ cho là cái máu thích xê dịch và ca hát dẫn dắt, tôi và Quang mỗi đứa tự xoay một số vàng rồi lên thuyền ra biển. Tôi không thể nào quên được đôi mắt buồn rầu mỗi khi mẹ đưa vàng cho tôi và dặn: Con cẩn thận, mẹ chỉ có ngần này thôi.
           Làm sao chúng tôi hiểu được cuộc đời có nhiều mặt, không ai thật thà, khờ dại như những kẻ thích ca hát và xê dịch. Cuộc vượt biển đầu tiên bị lộ, chúng tôi bị bắt vào trại cải tạo lao động. Trong một lần đi làm lội qua con suối, tôi bị trượt ngã va đầu vào một tảng đá. Cú va đập ấy không làm tôi bị tổn thương gì đáng kể nhưng nó làm tôi mất đi khả năng ca hát và giọng nói cứ khàn khàn trầm xuống. Ra trại tôi về gặp mẹ. Bà nhìn tôi thở dài im lặng. Tổng cộng tôi có mười một cuộc vượt biển bất thành, mười một lần mất vàng, ngần ấy lần mẹ đặt vàng vào tay tôi thở dài. Không hiểu bà mẹ Bắc kỳ của tôi tích cóp chắt chiu thế nào mà diệu kỳ đến vậy.
            Lần thứ mười một, ra khơi tàu bị vỡ (sau này tôi biết được tàu vỡ có sắp xếp) Quang chết đuối ngoài biển vì anh chẳng biết bơi. Còn tôi được học bơi từ nhỏ, không ngờ khả năng bơi lội ấy làm nên cuộc chia ly vĩnh viễn giữa chúng tôi. Khi lội được vào bờ là một làng chài, nơi đó có sẵn người để đưa tôi vào trại cải tạo. Người ta nhốt tôi chung với đủ loại tội phạm nữ. Dù không hát được nhưng tôi chỉnh sửa những chỗ họ hát sai, họ gọi tôi là “đại bàng” và không húng hiếp tôi như trước. Có lần tôi cùng cả toán lên đồi cắt tranh về lợp lán trại, chẳng may tôi dẫm lên một chỗ đất xốp và trống hoác dưới gốc tranh. Thế là đàn ong vỡ tổ. Đó là loại ong đất, tương truyền nọc độc của nó làm con bò mộng phải rống lên và tử vong tại chỗ. Chúng lao vào đốt khắp người tôi. Trong đời lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là nỗi đau giãy chết. Trước mắt tôi cả khu đồi tranh quay cuồng, thấp thoáng gã người rừng cầm cung tên nhằm vào tôi mà bắn. Mũi tên cấm phập và xuyên qua đùi trái của tôi. Chưa kịp ngạc nhiên về hành vi của gã (bắn làm chi người sắp chết), tôi nghe cảm giác đau đớn mất dần, tự nhiên đứng lên được và bao nhiêu sức lực tưởng chừng cùng kiệt bỗng dưng ào ạt khắp cơ thể. Chạy băng qua đồi tranh, dẫm lên gai góc và gai nhọn, đến được chân đồi tôi khuỵu xuống vì máu ra ướt đầm, trơn nhớt theo bước chân. Mấy trại viên cắt đọt chuối non nhai nhuyễn đắp vết thương và băng bó bằng cái áo xé toang từng mảnh. Toàn thân tôi lốm đốm những nốt đỏ nhưng không sưng phồng. Gã thợ rừng lững thững đi tới, cứ tưởng là tộc người thiểu số nào đó nhưng gã rất thạo tiếng phổ thông. Gã bảo rằng tôi đến xem chị có sao không và lấy làm lạ tại sao chị còn sống. Mũi tên gã bắn vào tôi là tên tẩm thuốc độc có khả năng giết chết một con sư tử, cọp hoặc cá sấu. Thấy tôi giãy chết trong đau đớn, gã giúp tôi kết thúc cơn đau cho nhanh và muốn tôi chết với thi thể nguyên vẹn không vỡ tim hoặc sọ nên mới nhắm vào đùi. Nào ngờ nọc độc của ong có thể vô hiệu hoá bằng mũi tên tẩm thuốc cực độc. Vậy là tôi sống được bằng hai thứ cực độc được truyền vào người. Sau cú thoát lưới tử thần đầy ngoạn mục các trại viên gọi tôi là sư tỉ.
         Ra trại về nhà. Ba mẹ tôi đã mất cách nhau không xa. Nói theo tôn giáo là cha mẹ tôi đã về với Chúa. Anh chị em tôi đã lập gia đình và ra ở riêng. Ngồi trong gian nhà xưa, những khuôn mặt thân yêu không còn nữa, tôi cảm thấy buồn nhưng không bao giờ sám hối những việc mình đã làm. Nhìn lại đời mình đã đi được phân nửa, chẳng nên trò trống gì. Không còn cha mẹ, không còn giọng hát, không còn Quang. Và cũng từ đó cái đam mê xê dịch cũng nguội lạnh trong tôi. Tôi chẳng thiết đến vùng trời nào nữa. Tôi về làm lụng nơi đây hay chỗ nào cũng thế thôi. Miễn nhiễm. Nhưng tôi không phải là nhà tu hành đâu. Lâu lâu cũng cỡi ngựa băng qua đồi, gởi ngựa lại rồi vẫy xe xuống phố tham dự vài đêm nhạc cổ điển ở quán cà phê quen, mua sắm linh tinh rồi về. Thỉnh thoảng uống và say một mình.
        Bạn hỏi tôi về chuyện viết lách à? Đã từng. Nơi đồi Nhất Phương này tôi đã từng viết một quyển tiểu thuyết tám năm mới hoàn thành. Đó là cả cuộc đời, gan ruột và hồn vía của mình. Tôi đưa cho một nhà văn đọc, người tôi tình cờ quen trong đêm nhạc cổ điển. Đọc xong, ông ta trả lại và có nhiều ý kiến mình rất tâm đắc. Ông nói rằng chị cố mà giữ, chờ thời điểm thích hợp mới in được. Hôm ấy mình về chất củi thông hoả thiêu nó trên đồi. Như thế là toại nguyện rồi. Mình viết ra chỉ cần một người đọc và hiểu. Vậy thôi. Còn mọi chuyện khác đều hề.”
*
*    *
        Hai tuần lễ trôi qua, chân cô gái đã đi lại được dù còn hơi đau một chút. Cô nấn ná ở lại không biết vì mùi hoa nhất phương lôi cuốn hay ở chính người đàn bà cô độc với nhiều câu chuyện thú vị. Người đàn bà bước vào nhà với giọng hài hước:
        - Nào xong chưa “ta sẽ đưa người xuống núi”. Lẽ ra mình nên đi sớm hơn, tôi bận đến khu đồi phía đông nơi đàn voi vừa đến viếng lúc nửa đêm. Chẳng biết đàn voi phát hiện ra đồi Nho từ khi nào mà chúng kéo đến uống sạch rượu của dân làng gần cả ngàn lít. Trong cơn xỉn sảng chúng băng qua đồi Nhất Phương dẫm nát một góc đồi ở phía đông rồi bỏ đi mất. Có lẽ cả rượu và mùi hoa làm chúng nghiện, nên hôm nay là lần thứ hai đàn voi lại đến uống rượu rồi băng qua đồi bên này. Chúng tàn phá ghê quá, cứ cái đà này chẳng bao lâu đồi hoa sẽ bị huỷ diệt. Đó là nỗi đau, tổn thất kinh khủng đối với dân đồi hoa, bạn có hiểu không. Nhưng làm sao ngăn chặn được cơn nghiện ngập và xỉn sảng của bầy voi. Bắn vào chúng là vi phạm luật bảo vệ thú rừng quí hiếm, mà chờ chẳng biết đến bao giờ có ai đến giúp.
          Mặt trời lên khỏi đỉnh đồi nhưng sương mù hãy còn dày đặc trong lòng thung. Người đàn bà cầm cương ngựa đi trước, cô gái ngồi trên lưng ngựa đi sau. Lý do chị nói rằng chân bạn vừa mới lành, cần phải dưỡng, tránh cử động nhiều, nên ưu tiên ngồi ngựa. Nào ta đưa người xuống núi, nơi đây không có chỗ cho bạn đâu.
*
*    *
          Cô gái đến Nhà sáng tác thì đoàn đã về ba tuần trước đó theo đúng kế hoạch chuyến đi. Người bảo vệ cho biết vậy rồi hỏi chị đi đâu không ai liên lạc được. Có lẽ người ta thông báo mất tích. Đồ đạc chị vẫn còn trong phòng. Chìa khoá đây.
           Cô gái bước nhẹ hẫng trên những bậc thang lầu, qua khoảng sân thượng đầy nắng, phía trong hội trường cây đàn dương cầm phủ vải nhung đỏ thắm. Những ngày trước đây cô thường ngồi im lìm hướng mặt ra sân thượng nhìn về khoảng đồi thông cổ thụ nghe người nhạc sĩ đàn. Cô tự hỏi: Tôi có còn là tôi nữa không hay biến thành một người khác: mê sảng dạng nhẹ, một người lảm nhảm, rỗng ruễnh và hay múa? Nhìn ở một góc độ nào đó tôi đã mất tích, mất từng phần hay trọn vẹn? Dẫu sao tôi cũng đã sống nơi đó một thời gian, từng hít thở đầy ắp lồng ngực mùi hoa nhất phương?

Ngày 12 tháng 12 năm 2012
                                                                                                                                      PTNĐ