Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Về nơi ấy

Suốt hai tháng đau dạ dày, kiêng và giảm ăn. Tôi sụt mất 4kg. Chiều cao 1,6m, trọng lượng 45kg tôi thành người lỏng khỏng. Soi gương suýt không nhận ra mình. Tôi chọn kiểu tóc ngắn ốp sát cổ để che bớt sự hao gầy của khuôn mặt. Ai cũng nói tôi để tóc dài dễ coi hơn tóc ngắn. Lâu rồi tôi không chọn sự dễ coi ở người khác nhìn mình mà tôi chọn cách nào phù hợp và dễ chịu với tôi. Tôi không chịu nổi cái vướng víu của những sợi tóc dài, luôn cảm thấy bực bội khi làm việc mà bị chằng kéo bởi cái búi tóc làm căng nhức từng chân tóc.
Một người đàn ông ngồi phơi mái tóc dài kín lưng vừa mới gội luôn làm tôi nể phục, nể sự can trường chịu đựng khi phải luôn mang ngần ấy tóc trên đầu. Nhưng thôi, cái “sự tóc râu” là quyền tự do thân thể của mỗi người mà Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã qui ước, chẳng nên lạm bàn.
Sau cơn đau tôi muốn nghỉ ngơi ít ngày dù trước đó vẫn không nghỉ. Gần ba mươi năm rồi, tôi lui về quê nhà như người ở ẩn. Cần mẫn làm việc để mưu sinh. Yêu mến và kinh hãi con người. Hai trạng thái đó luôn song hành trong tôi. Nhiều lúc tôi nghe nhớ nơi này, nhớ nơi kia, nỗi nhớ tha thiết muốn gặp lại và cũng sợ hãi khi hình dung ra rằng người ta sẽ không thích hoặc chán gặp mình.
Tôi mặc áo sơ mi màu đất sờn cũ bằng vải thô, quần đen. Mặt không son phấn, chân đi dép lê, đầu đội cái nón lá te tua quanh vành. Tôi bước ra đường, thấy mình như một bà mua ve chai, lông vịt. Quyết định đầu tiên của tôi là đến thăm thầy Hiếu. Xưa thầy dạy tôi môn Văn học Việt Nam, thầy thường khóc khi đang giảng Kiều hoặc chị Dậu. Nước mắt của thầy truyền đến giáo sinh nhiều cảm động. Tôi thì không bao giờ được như thầy. Anh Chân thường bảo có ba dạng thầy: Ta học với thầy nửa chữ trở lên gọi là Đoản Sư, học trong vòng một năm gọi là Trung Sư. Hơn một năm trở lên gọi là Trường Sư. Lối phân chia như vậy có khập khiểng và hài hước không, nhưng tạm thời thầy Hiếu là Trường Sư của tôi. Bởi tôi học thầy gần hai năm chứ ít gì.
Vừa bước đến cổng nhà gặp thầy đang mặc bộ pyjama tay xách cái ấm. Tôi chào thầy và hỏi:
- Thưa thầy em là học trò cũ đến thăm thầy. Dạ, thầy định đi đâu ạ ?
Nheo nheo cặp mắt và nụ cười dè dặt, thầy nói:
- Tôi định đi mua rượu về ngâm thuốc bắc.
- Thưa thầy vẫn khoẻ ? Thầy có nhận ra em không?
Thầy cười:
- Chắc chắn em là học trò cũ của thầy rồi. Em thông cảm vì nhiều học sinh quá, với lại lâu năm không gặp thầy không thể nhớ hết. Thôi ta vào nhà đi rồi nói chuyện.
- Thầy không đi mua rượu sao?
- Lúc khác cũng được, không có gì vội.
Thầy đã về hưu được vài năm. Thầy và cô sống với anh con trai út. Đứa cháu nội năm tuổi lẩn quẩn bên ông, nó sà vào lòng ông xin tiền mua kẹo. Thầy đưa cho nó mấy đồng  bạc lẻ.
- Này, mua kẹo đi. Đừng quấy ông nữa nhá.
Tóc thầy bạc gần hết. Thầy không già đi bao nhiêu chỉ có dáng đi hơi còng một chút. Đặt cái ấm xuống sàn, thầy thở dài:
- Không gì tồi tệ bằng tuổi già. Trí nhớ cứ giảm sút theo thời gian và sức khỏe cũng vợi đi, không vướng bệnh này cũng bệnh khác.
Thầy thở dài. Tôi thấy thương thầy quá, một ngày nào đó tôi sẽ bước qua tuổi già như thầy nếu tôi sống thọ. Và cõi nhân gian này ai đi qua tuổi già mà chẳng vậy.
- Thầy đang bệnh gì mà ngâm rượu thuốc vậy?
Thầy nâng bàn tay đầy những dấu trổ đồi mồi, hơi run rẩy. Thầy buồn bã nói:
- Bệnh thầy khó trị bằng Tây y. Đông y thì tốt hơn nhưng phải kiên trì. Bệnh Pakinson ấy mà. Giờ thầy viết chừng hai dòng cũng lâu lắm, nét chữ lại run! Này em học thầy khoá mấy?
- Thưa, em tên Hoài. Bạn bè vẫn gọi em là Hoài lé. Em học khoá đầu tiên của trường, lớp B.
Thầy vỗ vào trán rồi cười:
- À nhớ ra rồi, lâu quá không gặp em. Giờ thấy em lạ quá thầy không tài nào hình dung ra nổi. Nhưng thầy nhớ em là một trong số những học sinh rời trường sớm đúng không ?
Tôi cúi mặt:
- Thưa, phải ạ.
Nhìn tôi từ đầu đến chân. Thầy phác một nụ cười thương hại pha với ngậm ngùi:
- Đôi lúc thầy có nghĩ đến em, một trong những đứa học trò có cảnh ngộ đáng thương. Thầy đoán em sống vất vả và nhiều lận đận. Đúng không?
Tôi đáp thật nhỏ:
- Dạ, đúng vậy. Cuộc đời lấy đi của em nhiều thứ, nhưng ơn trời đã ban cho em đủ nghị lực để sống.
Thầy nhắc nhở đến những đứa học trò ngày xưa giờ thành đạt có địa vị kha khá trong xã hội và tỏ ý hài lòng với sự phấn đấu của họ. Có người làm đến giám đốc sở, đại biểu quốc hội, trưởng phòng giáo dục. Thầy nhắc đến Kim Lan người ngồi bàn cạnh cửa sổ trong lớp ngày xưa.
- Hôm nọ có Kim Lan từ Đức về. Em có nhớ Kim Lan không, cùng lớp với em khoá đầu ấy?
- Dạ em vẫn nhớ.
- À, Lan qua Đức theo diện mướn kết hôn. Qua bên ấy một thời gian thì ly hôn. Gần mười năm mới về nước. Hôm ấy Lan làm tiệc mừng bạn bè họp mặt, có mời thầy. Vui lắm, đông lắm!
Hình như thầy còn nói khá nhiều về Kim Lan nhưng bỗng dưng cơn chiêm bao ập đến. Tôi thấy một dòng sông chảy ngang qua khu vườn rậm rạp. Có tiếng mái chèo khua nước, một con rắn rất to rẽ nước lội qua sông càng lúc càng đến gần. Trong đời tôi con rắn luôn làm tôi sợ đến chết điếng. Tôi kêu lên khe khẽ, nỗi sợ làm tôi không kêu to được.
- Kinh khủng quá!
Tiếng thầy làm tôi rời khỏi cơn chiêm bao ngắn:
- Em nói gì thế?
Tôi dụi mắt:
- Dạ không có gì!
Có lẽ do tuổi tác, do nghĩ rằng nghe nhầm nên thầy tin rằng tôi chưa nói gì. Thầy chuyển sang lĩnh vực văn chương, tấm tắc khen hết lời những cây bút thời thượng. Thầy say sưa nói về những bài báo thầy viết ca ngợi một nhà văn trẻ đầy triển vọng và sau này thì phàn nàn vì nhà văn này có những phát biểu phạm thượng. Tôi nhớ một người bạn có kiểu sống bạt mạng, phiêu bồng đã từng nói: Trong giao tiếp hàng ngày có ba lĩnh vực nên tránh bàn luận: chính trị, tôn giáo và văn chương. Tôi không mặn lắm về lối sống của anh nhưng những lời anh nói không phải là vô lý.
Nói một hồi dài mà không nghe tôi nói gì, có lẽ thầy nghĩ tôi chính cống là một bà đồng nát, thành kiểu người ù ù, cạc cạc không có khả năng nghe nổi đề tài thầy đang bàn nên hỏi:
- Theo em có đúng vậy không?
- Thưa thầy, em nghĩ văn chương vốn vô mệnh như trong Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du. Mà ngay cả Nguyễn Du có nhiều người sùng bái, cũng không ít kẻ chê bai. Người tôn làm văn hào vĩ đại, có kẻ còn đòi đánh một trăm roi. Cho nên với văn chương, em xin làm người ngoại đạo. Em chỉ có thể đồng cảm với tác giả nào hay không, chứ không có khả năng bình phẩm.
Có một người khách cao tuổi bước vào, bạn của thầy. Sau vài câu chào hỏi, tôi rời khỏi nhà thầy.
Vẫn đường, vẫn cây, vẫn nhà, vẫn phố nhưng sao giờ thay đổi nhiều quá. Tôi có cảm tưởng như Từ Thức về trần. Tôi đến bến xe đò mua vé đi về huyện biển cách thành phố ba mươi cây số - quê của Kim Thái. Thái trước kia ở cùng nhà trọ với tôi gần hai năm. Tôi có về quê Thái chơi một lần. Xưa Thái học trung bình. Không đẹp, không xấu. Nhà khá giả có năm mẫu đất trồng sơri.
Đến phố huyện thấy xa lạ quá. Phải thôi, mình đã đến một lần cách nay gần ba mươi năm chứ ít ỏi gì! Cũng không khó khăn để tìm ra nhà Thái, nhờ những nhà ven đường. Cái cô Thái ngày xưa học Sư phạm ra trường làm giáo viên cấp 2, sau đó làm hiệu trưởng rồi trưởng phòng giáo dục. Cô có gia đình cất nhà riêng ở gần cha mẹ, chồng cô cũng làm việc ở Uỷ ban. Thông tin do những nhà ven đường cung cấp dẫn tôi đến ngay cửa nhà Kim Thái. Đứng ngoài rào tôi giơ tay bấm chuông. Một con becgiê to cao như con bò nghé nhe răng chồm lên sủa ầm ầm. Nếu hàng rào không kín tôi chắc chắn trăm phần bị hàm răng chắc khỏe ấy xơi cho tơi tả. Một người đàn ông to béo bước ra nhìn tôi dò hỏi trong im lặng. Buộc lòng tôi cất tiếng hỏi trước:
- Anh à, xin hỏi đây có phải là nhà của Kim Thái không?
Anh lừng lững đi ra gần vòng rào, trên mặt khó nặn ra được một nụ cười. Anh nói nhỏ và chậm vẻ lơ đãng:
- Phải. Tìm cô Thái có việc gì không?
- Cũng có chút việc, nhờ anh nói với Thái rằng có người bạn cần gặp một chút.
Tôi không chấp thái độ lạnh lẽo của người đàn ông mà tôi đoán là chồng Thái. Chỉ cần Thái có nhà thôi, gặp tôi chắc chắn Thái sẽ mừng rỡ biết bao, sẽ ân cần như tri âm lâu ngày gặp lại. Chúng tôi đã từng ăn chung nồi, ngủ chung giường, từng học bài thâu đêm dưới một bóng đèn điện. Đã từng nửa đêm lục cơm nguội trong cái đói cồn cào mỗi khi thức khuya học bài thi.
Trong nhà một người đàn bà bước ra rồi dừng lại, tựa lưng vào lan can nhìn tôi dò dẫm, e ngại, nét mặt nghiêm nghị. Tôi nhận ra ngay đó là Kim Thái. Tóc Thái vấn gọn để lộ cái cổ cao, trắng ngần nổi bật trên cái nền áo thun màu da cam bó sát người. Cái quần soọc trắng ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa, phô bày đôi chân trần rất đẹp, cân đối. Lạy trời, ở tuổi quá ngũ tuần mà giữ được dáng vóc thế này quả là tuyệt hay. Xưa từng sống chung với Thái một thời gian dài mà tôi chưa bao giờ thấy đôi chân trần của Thái. Mãi đến bây giờ tôi mới có dịp nhìn nó qua hàng rào lưới B40. Bởi Thái vẫn đứng im đó, chưa nhận ra tôi là ai, mà tôi cũng chưa muốn xưng danh tánh để tạo sự bất ngờ. Tôi cười thú vị:
- Thái không nhận ra mình thật sao?
Thái vẫn giọng xa lạ:
- Chị là ai ? Cần gì nói đi!
- Thái không nhận ra tôi thì tôi đi về vậy!
Vẫn cái nhìn săm soi chằm chặp.
- Thật tình tôi không nhớ. Chị tên là gì ở đâu vậy?
Bỗng nhiên tôi như bị rơi xuống vực sâu. Mọi hăm hở tàn lụi đi nhanh chóng. Một người gầy gò, áo quần cũ kỹ, nón rách dép lê không có trong bộ nhớ của bạn bè. Chắc Thái nghĩ tôi là kẻ tầm phào nào đó cố tình lân la với ý đồ không tốt chi đây – Càng lúc cái nguy cơ ấy càng rõ. Cửa rào vẫn đóng. Thái vẫn đứng im ở bậc thềm. Người đàn ông vẫn đang ghì xích chó. Nếu bỏ ra về ngay thì không tiện, mà tự hài danh, hài tánh ra thì cũng tủi tủi thế nào. Thôi thì mình độ lượng với bạn, thời gian mà, xa nhau gần ba mươi năm chứ ít gì. Nhiều người chỉ sau bốn năm không gặp như Chân còn không nhận ra tôi nữa huống hồ gì Kim Thái. Mà thời buổi bây giờ vàng thau lẫn lộn biết ai người ngay người gian trà trộn. Nhà dân cần đề cao cảnh giác, nhà quan huyện lại cần đề cao hơn. Tôi cười như mếu:
- Thưa bạn Kim Thái, mình chính là Hoài lé đây, người Bến Tre xưa từng học chung lớp, ở cùng nhà trọ kế bên hai giếng nước cặp kè.
Hơi ngớ ra một chút, nở nụ cười không mấy tươi, và rồi Thái cũng bước ra mở cổng. Cánh cửa sắt nặng nề rít lên một tràng dài. Con chó trong tay người đàn ông nhìn tôi gầm gừ không chút thiện cảm. Và anh ta lôi nó ra sân sau, không trở ra lần nào nữa. Thái nắm tay tôi dẫn vào nhà. Bàn tay mềm và lạnh đan vào bàn tay tôi xương xẩu, khô và nóng. Thái nhìn kỹ tôi và hỏi cái câu ai lâu ngày gặp tôi cũng hỏi:
- Sao Hoài khác đi nhiều quá. Khác đến ngỡ ngàng!
Tôi xác định:
- Đúng. Không riêng gì Thái đâu. Ai cũng nói vậy.
Lại cái điều Chân hỏi:
- Sao Hoài không còn lé nữa?
Tôi hóm hỉnh:
- Lé mãi cũng chán. Thiên hạ lại ghê mình nên mình có cách luyện cho hết lé.
- Cách chi mà lạ vậy?
- Là nhìn tập trung vào một điểm, lâu dần sẽ có kết quả.
- Chừng bao lâu?
- Khoảng hai đến ba năm mà phải thật kiên trì và tập trung. Cam đoan lé cỡ nào cũng hết. Khỏi đi phẫu thuật.
- Kỳ diệu vậy à?
Tôi đùa:
- Nhưng người không lé nhìn kiểu đó có khi lé thật.
Thái không biết thưởng thức câu đùa của tôi. Nét mặt không biểu cảm và đứng lên bước vào trong. Tôi nhìn khắp lượt gian phòng khách đầy vẻ sang trọng. Sàn nhà lót đá hoa màu xanh dịu. Tường màu nhạt có gắn hai con rùa bằng nhựa cứng sẫm màu. Hai con rùa bò lên lưng chừng vách tường rồi ngửa cổ trông lên. Chính giữa bộ salon, cái bàn con chưng cái bình to cắm độc nhất một hoa hướng dương to tướng màu vàng. Bông hoa nghiêng về một phía, ý chừng đang hướng dương giữa không gian cố định của bốn bức tường. Dù hoa làm bằng vải nhưng phải công nhận rất giống như thật. Kim Thái mang ra một ly nước trong veo, lạnh ngắt mời tôi uống. Tôi chủ động hỏi thăm trước bằng sự quan tâm ân cần:
- Thái vẫn còn đi dạy học chứ?
- Trước kia thì có, mười năm lại đây mình về Phòng Giáo dục huyện rồi.
- Tôi đoán không nhầm chắc bạn có cuộc sống sung túc và hạnh phúc lắm, đúng không?
Thái gật:
- Cũng được. Mình đi làm, lương hai vợ chồng cộng lại xài không thiếu. Còn hai mẫu sơri cho mướn, chia chác đủ tiền cho con ăn học.
Thái nhìn tôi:
- Hoài uống nước đi. Sao dạo này ốm quá vậy. Chồng con gì chưa, đời sống thế nào rồi?
Nâng ly nước lên tôi cố uống hai hớp. Trong đời tôi dù có lúc đói cơm nhưng tôi chưa bao giờ uống nước lạnh. Có trà hay không cũng được nhưng nước phải nóng.
Cũng may tôi là kẻ vô thần, chứ nếu tôi là tín đồ Phật giáo thì tôi sẽ đắc tội vì tôi nói với Thái rằng:
- Cám ơn Thái đã hỏi thăm. Từ ấy mình về quê lấy chồng làm ruộng mà ruộng chẳng có là bao. Hoàn cảnh mình giờ tả tơi lắm. Con sáu đứa, đứa lớn thất nghiệp, đứa nhỏ đang đi học. Ông chồng bị bán thân bất toại, luôn tốn tiền thuốc men và phải chăm sóc. Lo cho cả nhà được bữa cơm, bữa cháo đã là may. Nhiều lúc không còn đồng xu dính túi, gạo sạch hũ, chồng con nheo nhóc mình nản vô cùng. Thái ơi mình nhớ Thái lắm. Nhiều lúc định đến thăm nhưng bận bịu tối tăm mặt mũi, mãi đến bây giờ mới đi được. Nhìn bạn vẫn trẻ đẹp, sung túc mình mừng cho bạn lắm.
Thái im lặng một lúc rồi chuyển sang chủ đề khác:
- Tóc Hoài cắt ngắn rồi, đó cũng là yếu tố để mình không nhận ra.
Một cái gì bẽ bàng, chua chát trào dâng trong lòng, tôi đáp:
- Trước kia Thái chỉ mặc quần dài chấm gót, giờ gặp Thái mặc quần cụt tôi vẫn nhận ra đấy thôi. Bạn có công nhận là tôi có trí nhớ tốt không?
Mặt Thái chợt tái đi. Một người có lý lịch bị đuổi khỏi ngành Sư phạm giờ nghèo tả tơi dám đi tìm thăm người có chức sắc, giàu có lại có trí nhớ dai thì đáng ghê biết bao.Tôi còn thấy sợ cho tôi nữa là ai. Thái lặng thinh. Tôi nghe tiếng con chó gầm gừ từ sau nhà vọng lên. Tôi không biết gợi gì để hỏi bạn nên nói một câu rất vô duyên dẫu rất thật lòng.
- Mình nhớ Thái lắm nhớ những ngày còn đi học.
Có tiếng điện thoại reo, Thái bước đến bàn nghe và nói chuyện với người bên kia đầu dây. Nói khẽ và có rất nhiều tiếng vâng, dạ. Rồi Thái cúp máy trở lại ghế ngồi. Cặp đùi mỡ màng, trắng trẻo và không chảy xệ.
Tôi nhớ đến chuyện Lưu Bình – Dương Lễ. Bữa cơm với quả cà thâm mà Dương Lễ cho bạn ăn khi đã trở thành quan lại. Còn Lưu Bình nghèo khổ tả tơi. Bữa cơm đau đớn Dương Lễ ban tặng với thành ý làm bạn quyết tâm phấn đấu học hành thành quan chức như mình, một cách trả ơn Lưu Bình đã cưu mang mình lúc còn hàn vi. Dương Lễ hoàn có lý vì lúc ấy họ còn trẻ lắm, còn đầy nhiệt huyết cướp lấy khoa danh, còn hăng hái lấy ba bà vợ. Còn tôi và Thái đều vượt ngưỡng năm mươi. Đời bóng xế rồi. Một mụ già trên năm mươi với gia cảnh vừa nêu mong gì bứt phá vọt lên chiếm lấy địa vị như Thái dẫu có ban tặng một tháng ăn cơm với cà thâm. Đường lên quan của mụ là vô vọng rồi, nghẽn lối muôn đời, nên thôi, cho uống ly nước trong veo lạnh ngắt đã là phúc lớn. Thái vẫn ngồi im mắt nhìn xa vời ra hàng rào có những dây leo trổ đầy bông tím nhạt. Thà rằng Thái cứ nói chuyện văn chương như thầy Hiếu dù tôi cố tránh nói về lãnh vực này. Khen chê tràn lan nhà văn nào cũng được, đừng im lặng đáng ghê như vậy, dù trong đời tôi đã đi qua những ngày tháng đáng ghê. Đã từng thức nhiều đêm trắng, từng chong mắt đối diện với đêm để nói rằng Đêm-Không-Dài.
Thái lại phá tan sự im lặng bằng lời mời:
- Uống nước đi. Hoài uống nước đi.
Tôi nâng ly uống vơi đi phân nửa. Uống để không phụ lòng bạn đã có nhã ý mời. Tưởng chừng như tôi sẽ đáng trừng phạt biết bao nếu còn cả gan ngồi lỳ ở salon này. Cầm cái nón lá te tua tôi đứng lên:
- Mình đến thăm Thái một chút còn phải về bên ấy. Đường còn xa. Mình không có nhiều thời gian.
Thái thở ra như trút gánh nặng ngàn cân.
- Hoài đến tìm mình có việc gì không?
Tôi cười như sắp khóc:
- Chỉ có mục đích là lâu quá không gặp, mình đến thăm Thái thôi, không có việc gì khác.
Thái sốt sắng đứng lên, bước chân hướng ra cửa vừa bảo:
- Sao vội vậy? Ở lại ăn cơm với mình.
Bằng hai con mắt không lệch trái, không lệch phải tôi nhìn thẳng vào mặt Thái nói nghiêm chỉnh:
- Cơm thì ngày nào cũng ăn. Mình đã ăn chung nồi suốt bao nhiêu năm đó thôi. Bạn đừng bận tâm. Mình phải về đây.
Bước ra khỏi cổng sắt, tôi nắm bàn tay lạnh lẽo của Thái nói:
- Cho mình gởi lời chào ông xã của Thái.
Tôi vẫy chiếc xe honda ôm leo len và bảo:
- Anh cứ chạy, bao giờ tôi bảo ngừng thì ngừng.
Người đàn ông chạy xe ôm ngoan ngoãn và tốt bụng đưa tôi về đến trước cửa nhà thì trời sụp tối. Tôi trả tiền và cám ơn. Hai chân tôi muốn khuỵu trên mặt đất. Tôi ngồi bệt trên sân cỏ tưởng chừng mình vừa đi qua cơn mộng dữ. Xưởng mỹ nghệ khoá cửa. Chân không đến. Yên tâm tôi ngồi một mình. Tôi không bao giờ muốn Chân nhìn thấy tôi trong trạng thái này. Từng đợt gió đêm lạnh lẽo ùa về. Gió xoa trên mặt tôi như bàn tay người mẹ vỗ về, an ủi khi đứa con rơi ngã trên đường đời. Nhà bên người ca sĩ già lại hát bài dân ca Lý Áo vá quàng.
          Cảm giác ớn lạnh lan khắp người. Bụng dạ nôn nao. Tôi cố kìm nén đến một lúc không thể nữa. Tôi nôn thốc tháo toàn nước. Mệt lả và đau thắt ở bụng. Cuối cùng tôi cũng lê bước được đến cửa. Mở khoá. Tìm cho mình ly nước nóng. Tự ủ ấm mình bằng chăn đệm dầy. Mắt tôi díu lại. Tôi ngủ ngon lành. Giấc ngủ không bao giờ còn có chiêm bao.

PTNĐ