Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

NGƯỜI LÍNH THUYẾT MINH


                                                             Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


     Công bằng mà nói thì anh ta là một thanh niên xấu trai và không có duyên. Bờ môi dày sạm đen vì thuốc lá, hàm răng dô ra làm cho nụ cười hơi khó khăn và có phần lúng túng. Ít khi anh cười lắm. Thỉnh thoảng thấy anh cười, tôi không biết anh cười hay nhăn răng nữa. Tại tính người hay có điều gì đó trong cuộc đời làm cho anh có cuộc sống khắc kỷ quá chăng? Dưới vầng trán thấp và cặp chân mày rậm đen là cặp mắt một mí rất hẹp khổ. Đôi mắt ấy trông vừa lầm lì vừa mệt mỏi. Tuy vậy, với thân hình vạm vỡ và đôi vai to bè bè anh có thể ngồi làm việc cả ngày không nghỉ ngơi, không trò chuyện một lời nào.
Lần đầu tiên gặp anh trong gian nhà Tuyên huấn của Sư bộ, anh ta chỉ nghiêm nghị gật đầu chào tôi rồi loay hoay, dọn dẹp gian nhà dã chiến cho gọn gàng và xếp chỗ cho tôi nghỉ ngơi. Ừ, mình là khách anh ta buộc phải vậy chứ thực ra chẳng ưa gì mình đâu. Nhìn nét mặt khó đăm đăm cũng đủ biết. Trái ngược với những ngày qua, đi đâu tôi cũng gặp sự ân cần vồn vã của bộ đội. Có những anh: “... Chời, nhà báo chông chẻ thế...”  mà cũng nhìn đồng hương Bến Tre.
Xong đâu đấy, anh ta yên lặng làm việc bên những máy móc lỉnh kỉnh, những tập rônéo chi chít chữ. Tôi nhìn ngắm khuôn mặt anh ta. Nhìn nghiêng, nhìn trên xuống, nhìn trắc diện, phía sau tới... nhìn mọi góc cạnh để tìm ra một nét đẹp hay đôi chút thanh tú, tôi đều thất vọng. Duy có bàn tay - như để bù trừ cho khuôn mặt, anh ta có bàn tay thật đẹp, thon thả, dịu dàng trừ hai cánh tay thì đầy sẹo. Anh ấy có biểu hiện nào cùi đâu mà các anh bộ đội ở đây gọi là “Bình cùi”? Nhưng tôi giật mình, sao mình để ý đến người ta làm chi vậy?
Tôi phải ở lại đây hai ngày để chờ có chuyến xe đi về các cao điểm. Lúc sáng đồng chí Sư phó nói với tôi giọng tiếc rẻ:
- Phải chi đồng chí đến sớm hơn vài tiếng thôi, tôi sẽ bố trí đi E Đồng Tháp. Lúc sáng có chuyến xe. E này ở hiểm trở trong núi nhưng đánh đấm cũng khá, có tiếng trong Sư đó.
Nhưng tôi cũng chẳng phải chờ lâu. Trưa hôm ấy đội chiếu phim của Sư được lệnh đi chiếu phim phục vụ các đơn vị ở cao điểm. Vậy là tôi đi cùng. Đến chừng nào Đội về thì về theo. Nghĩa là phải đi chung Bình cùi.
Xe đi được một đoạn, anh ta hỏi tôi:
- Chị quê ở Bến Tre phải không?
Tôi ngập ngừng: - Dạ.
Mắt anh ta sáng lên:
- Vậy là tôi được một đồng hương. Gặp phụ nữ Việt Nam ở đất bạn là một chuyện hiếm mà là đồng hương thì không phải là trường hợp thông thường đâu chị.
Tôi cười nụ im lặng. Hoài nghi. Thôi đi, đồng hương gì, bao nhiêu anh đã “phá” tôi về chuyện đồng hương rồi. Cũng vui chứ sao, nhưng chắc gì?
Anh ta sôi nổi:
- Chị à, lâu quá tôi chưa về Bến Tre. Tôi thèm được về phép đi lại trên con đường bờ sông lúc nào cũng lộng gió. Mùa này chắc nở đầy hoa chuông vàng, hoa điệp đỏ và những cây vông vang. Nhà tôi ở cù lao Bình Dương. Ngày xưa trường tôi học nằm trên con đường bờ sông đó...
Anh ta nói chuyện rất vui, vui hơn tôi tưởng. Cách nói có vẻ thật thà làm cho tôi tin anh là người Bến  Tre thật.
Đội chiếu phim đến đơn vị đầu tiên ở chân núi Tràn Ô lúc đã chiều. Ăn cơm xong, mọi người bắt tay vào việc chuẩn bị quay phim phục vụ ngay đêm đó. Bộ đội người nào cũng vui như nhận được món quà của người bạn thân. Ở đây sách báo hiếm, văn nghệ chỉ là cây nhà lá vườn, tự hát cho nhau nghe có khi chính mình hát cho mình nghe. Một tờ báo từ bên nước gởi qua thường là bốn năm tháng mới nhận được. Có anh đùa:
- Mùa hè đọc báo mùa xuân. Mùa xuân đọc báo mùa đông, đọc xong cảm thấy lạnh run người lên, có lúc phải trùm mền.
Dù chậm trễ, mất thời gian tính nhưng nhận được tờ báo hay quyển sách nào các anh cũng tranh nhau đọc trước, rồi đôi co, phải oẳn tù tì cho công bằng.
Khoảng đất nhỏ được san bằng thường ngày bộ đội dùng để đá bóng. Lâu lâu được xem chiếu phim. Trong góc sân một cây đại thụ già cỗi, bộ đội kể lại đây là nơi trước kia bọn Pôn Pốt dùng thòng lọng treo trên cành để thắt cổ những người trí thức ở Phnom Pênh đem về đây. Bây giờ trên cành cây vẫn còn dấu sờn khuyết vào do sợi dây để lại và những mảnh vải hoa sặc sỡ của áo, của xà rông còn vương vãi trên đất.
Tối nay đoàn chiếu bộ phim Ruồi Trâu. Đây là bộ phim tôi được xem nhiều lần ở thành phố. Lúc những hình ảnh bắt đầu xuất hiện trên khung vải trắng cùng với giọng người thuyết minh thì trong sân mọi người yên lặng. Sự im lặng làm rõ cả âm thanh rè rè của bánh xe quay và giọng nói của Bình cùi âm vang - người thuyết minh - Giọng thuyết minh của Bình làm cho tôi ngạc nhiên quá đỗi. Nó trở nên linh hoạt hẳn, thay đổi tùy theo nhân vật, tình huống, tính cách...
Thật khó hình dung ra cái “nụ cười khó khăn” ấy lại có thể phát âm lột tả được tâm trạng của người cha đau khổ vì trót đối xử tàn nhẫn với đứa con độc nhất của mình, hay lời hằn học bất cần của anh thanh niên tuyệt vọng vì bị chà đạp lên lòng tin... Giọng của Bình lúc trầm ấm dễ thương của anh sinh viên trường dòng nói với cha cố, với người yêu. Lúc thì cương nghị và thân ái của một lãnh tụ cách mạng với những đồng chí hoạt động bí mật, lúc châm biếm ngạo nghễ bọn cải lương, cách mạng nửa vời... Tất cả đều làm tôi ngạc nhiên về Bình. Bộ phim này đã để lại lòng tôi nhiều xúc động. Tối nay xem lại bộ phim lòng tôi lại xúc động vì một lẽ khác - Một giọng nói.
Nếu chưa gặp anh, chỉ nghe lời thuyết minh thôi chắc tôi sẽ hình dung ra anh là một người rất điển trai và hoạt bát nữa. Bao giờ cũng vậy, khi những hình ảnh bắt đầu xuất hiện, anh ngồi đó một mình trong góc tối, khiêm tốn diễn đạt lời nói của nhân vật phim, giúp cho người xem hiểu rõ hơn. Những người đi xem phim lúc này có lẽ ít ai nghĩ đến giọng nói ấy. Người ta dán mắt nhìn lên khung ảnh, nơi đó xuất hiện một anh chàng Actơ đẹp trai của xứ La Mã và Giê-ma trẻ trung xinh xắn. Có lẽ hình ảnh đó làm sống lại trong lòng họ một đoạn đời đã qua hoặc gợi liên tưởng đến người thân, người yêu ở rất xa mà từ lâu hình ảnh đó được cất giữ một nơi sâu kín nhất của trái tim. Bây giờ - những giây phút ngắn ngủi này - làm cho họ tạm quên đi nỗi gian lao trên bước đường hành quân, tạm quên những ngày nắng đổ mưa dầm vượt rừng núi đi tải đạn, tải lương, tạm quên những ngày đói lả, những cơn khát cháy cổ, những cơn sốt rét đến xanh người.
Đoàn chiếu phim chỉ phục vụ mỗi đơn vị ba đêm, rồi chuyến xe mui trần vừa vặn bốn người ngồi lại tiếp tục lau lách qua những con đường mòn quanh chân núi, xuyên qua những cánh rừng thưa đến với những chốt, có khi nằm lưng chừng núi hay giữa thung lũng. Đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp thân tình của bộ đội, sự ân cần như người nhà. Và nổi bật là những con người khao khát cái đẹp của nghệ thuật. Tôi không quên được có lần phục vụ xong, chúng tôi giã từ đi nơi khác. Một anh bộ đội bị chấn thương cột sống chỉ nằm liệt ở giường bệnh. Tôi đến chào. Anh ta nở nụ cười tươi trên khuôn mặt xanh xao. Một cánh tay giơ ra khỏi chăn vẫy vẫy. Tôi vội vã bước đi. Tôi sợ. Những phút giây căng thẳng cảnh giới khi xe lao qua rừng, những lần báo động tôi đã quen dần và ít sợ. Nhưng những phút giây đứng trước nụ cười ấy, bàn tay ấy tôi không chịu nổi.
Tôi tỉnh giấc vì cảm giác gai ốc, nhờn nhờn từ đầu xuống sống lưng. Cơn buồn ngủ vì mệt mỏi làm cho tôi không hay trời đổ mưa từ lúc nào. Mưa ướt thân cây luồn vào hai đầu dây mắc võng chảy mãi vào ướt hết cả. Vậy mà tôi cẩn thận buộc tấm tăng lên trên. Vô ích. Mưa không to nhưng dai dẳng. Rừng mùa này thường hay có những cơn mưa về đêm khó thương như vậy. Tôi đành “cuốn gói” đi vào nhà bếp. Có lẽ nơi đây độc nhất còn khô ráo. Bình cùi đã ngồi sừng sững ở đó từ lúc nào. Anh hút thuốc. Lưng xoay về phía cái đèn dầu lù mù ở trong.
- Chị ướt hết rồi phải không? Vào đây đi.
Tôi cười trừ vừa ngồi xuống tấm vạt làm bằng cây rừng phủi nốt những giọt nước bám trên tóc. Có lẽ trời sắp sáng. Tiếng gà rừng eo óc ở xa xa.
- Mưa vầy các anh làm sao ngủ?
- Chỉ còn cách cuốn võng lại, đứng trùm poncho chờ tạnh. Giấc ngủ của lính chốt mà đồng hương!
Anh ta quay vào phía trong gian bếp lục lọi một lúc rồi trở ra với hai cái chén và cái bình toong.
- Chị có uống trà không?
- Anh tìm đâu ra trà và nước nóng giờ này?
- Trà thì thằng bạn về phép mới gởi cho. Còn nước nóng thì lúc chiều ăn cơm xong, chỉ cần múc đầy bình toong nước cho vào bếp nướng, ủ than đến giờ này vẫn còn đủ nóng để pha trà.
Ánh sáng từ ngọn đèn dầu tờ mờ soi khung nhà bếp dã chiến chật hẹp ám khói. Cái chén mẻ miệng, cái bình  toong bám đầy tro bếp... Bình ngồi đó vừa hút thuốc vừa uống trà như một ông già. Gần hai mươi ngày đi chung với đội, Bình cũng ít khi nói chuyện với tôi, chỉ trừ những câu hỏi về quê nhà. Nhưng lúc này thấy Bình có cái gì dễ gần hơn tôi nghĩ lúc đầu.
- Anh làm công việc thuyết minh này lâu chưa?
- Mới hai năm nay thôi chị, trước kia tôi là lính trinh sát. Bình cười hóm hỉnh. Trinh sát hay thuyết minh gì cũng là bộ đội cả phải không chị. Mai kia khi phục viên chắc tôi sẽ về đi học lại. Nhưng nghĩ đến lúc mình không còn là bộ đội thì thấy buồn quá.
Chị có tưởng tượng được lúc nhỏ tôi thế nào không? Tôi mê xem phim hơn bất cứ cái gì trên đời này. Bây giờ công việc của tôi có dính dấp đến phim ảnh chắc cũng có “duyên nợ” lúc trước. Ba tôi mất từ lúc tôi năm tuổi, mẹ tôi lo cho anh em tôi đủ ăn để đi học là một cố gắng ghê gớm. Tôi vừa đi học vừa đi gói kẹo Mỏ Cày mướn để lấy tiền mua sách vở, hoặc đi bán đậu phộng rang... lúc đó thì tôi đã mê xem phim rồi. Tôi tìm cách đi bán đậu phộng rang ở rạp xi-nê để có cơ hội xem phim. Phim nào xoàng thì chủ cho bán, phim nào ăn khách thì chúng không cho vào rạp. Tôi đâm ra hận bọn chủ phách lối và từ đó có ước mơ lớn lên làm một công việc gì đó có liên quan đến phim ảnh. Thằng bạn tôi nó bảo nếu tôi là diễn viên thì có lẽ vai thằng gù trong “Thằng gù và nhà thờ Đức Bà” là đạt nhất. Tôi chỉ cười vì tôi đâu có định làm tài tử. Năm 1976 tôi học xong lớp mười hai rồi đi bộ đội...
Ngọn đèn dầu bị lu đi vì những bông đèn cháy to lên thành những hạt than nho nhỏ. Bình lấy que cời, những đốm đỏ bong ra. Tắt ngấm. Những đốm hồng lúc nãy giờ chỉ còn là những hạt than đen bẩn. Nó không thể tự mình là một đốm lửa mà chỉ là đốm lửa khi vay mượn cái ánh sáng của ngọn đèn. Tôi cười một mình với ý nghĩ đó.
- Chị cười gì?
Tôi nghĩ đến một chuyện vui. Tại sao người ta lại gọi anh là Bình cùi?
Nét mặt Bình bỗng dưng thoáng buồn. Im lặng. Một lúc lâu anh ta ngoái nhìn tôi. Cái nhìn như xoáy. Tôi ân hận. Tôi làm anh buồn chăng? Tôi hoàn toàn vô tình mà. Bình nhả dòng khói thuốc hình tròn xuống miệng chén trà. Khói thuốc quyện với làn hơi trà nặng nề bay lên. Bình búng nốt tàn thuốc lá trên tay ra sân. Đốm lửa vẽ thành một đoạn cầu vồng rồi tắt ngấm. Cũng bằng giọng nói trầm ấm của người thuyết minh anh ta nói:
- Thực ra người ta gọi tôi là Bình cùi cũng có lý do. Ở đây ai cũng được đặt tên thêm ngoài tên chính, kể cả những người nghiêm chỉnh nhất. Bình cùi. Không phải vì tôi bịnh cùi hay sắp cùi mà vì một nghĩa khác. Có một thời tôi đâm chán tất cả mọi người con gái, tôi khinh bỉ họ. Thậm chí nghe nói chuyện về họ hay những bức thư tình yêu đương cháy bỏng cũng làm tôi bực bội. Cũng phải thôi. Vì lúc ấy tôi thất tình. Điều đó cả đơn vị ai cũng biết. Người ta an ủi tôi cách này, cách nọ. Tôi không thích vậy. Tôi có phải là con nít đâu mà có thể xoa đầu, cho tôi một viên kẹo là làm tôi quên hết mọi chuyện và trở nên vui vẻ được. Duy có điều bây giờ, đối với tôi chuyện ấy như một cái tát làm cho tôi đau đớn và tỉnh táo hơn.
Kể cho đồng hương nghe chuyện này cũng chẳng lý thú gì đâu. Nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy nó rập khuôn như mọi chuyện thường tình ở đời nó vẫn nhan nhản xảy ra không thiếu gì ở thời buổi này. Cô ta là hàng xóm của tôi. Chắc đồng hương biết thiếu gì người “cất đầu không nổi” vì cái cô láng giềng của mình. Đúng ra cô ta không đẹp loại sắc sảo. Nếu nhìn rộng rãi một chút có thể cho trung bình hoặc bốn cộng. Cô ta trông rất nhu mì. Suốt thời gian yêu nhau tôi chưa hề thấy cô cãi vã với ai. Mẹ tôi cũng rất mến cô ta. Cô ấy công tác ở cửa hàng phường. Lần đó hai năm liền tôi không về phép. Khi về thấy cô vẫn như trước, mừng vui khi gặp lại tôi. Tôi nghe người ta loáng thoáng nói xa gần về quan hệ giữa cô và một số bạn bè chuyên làm áp phe. Tôi vẫn tin cô ta không đến nỗi nào, dù trong cách ăn mặc có trau chuốt hơn, chưng diện hơn, nhưng tôi lại nghĩ người con gái nào chẳng muốn làm đẹp cho người yêu mình ngắm. Ai nỡ khắt khe gì. Năm sau đùng một cái cô ta nghỉ việc - tự ý thôi việc. Rồi cô ta lấy chồng cũng đột ngột như cô ta thôi việc vậy. Nghe nói chồng cô ta là một gã ba tàu lai rất giàu, chạy áp phe rất lỏi. Cũng hợp lý thôi. Họ phải nương nhau mà sống chứ. Từ đó bỗng dưng cô ta giàu sang. Nhà xây lại. Lót gạch bông. Trong nhà đủ mọi tiện nghi, nghĩa là mọi cái của một con người bình thường nghĩ đến.
Tôi cũng không gặp cô ta. Gặp để làm gì. Như vậy cũng đủ rồi, đủ để mở mắt cho tôi, đủ để tôi trả giá sự ngây thơ, cả tin của tôi.
Ấn tượng ghê tởm lan dần, lan dần trong tôi như vết dầu loang. Phải chi tôi có thể ghét hoặc giận dỗi thì một lúc nào đó có thể yêu hoặc thương, đàng này đã khinh bỉ rồi...
Anh em trong đơn vị đặt tên Bình cùi là vì họ nghĩ tôi đã cùi cụt hết mọi tình cảm nơi phụ nữ. Nhưng tôi tin rằng thời gian sẽ trôi qua làm lắng đọng mọi đau đớn trong lòng. Có lẽ tôi sẽ yêu một người nào đó sau này. Vì có đáng gì một cô gái rẻ tiền mà mình phải nghĩ nhiều như vậy. Người ta có thể trưởng thành trong sự thương yêu nâng đỡ, dìu dắt. Nhưng ở tôi, cuộc đời tôi nhận những cái tát nhiều hơn. Và sau những cái tát đó tôi thấy mình lớn lên và hiểu sâu sắc cuộc đời hơn.
Kể xong anh ta lại im lặng, vấn thêm một điếu thuốc nữa. Bình thản. Như vừa thuyết minh xong một bộ phim. Mưa vẫn rơi đều trên mái tranh, nước rỏ tí tách xuống hiên nhà. Ngoài kia rừng đêm vẫn không ngừng xào xạc trong mưa, trong gió.
Lẽ ra tôi phải đến chào anh. Nói với anh một đôi điều gì đó trước lúc về. Hình như có lần tôi nói với anh về một quả cam sần sùi, có lớp vỏ cay đắng bên ngoài nhưng bên trong tích trữ biết bao hương vị  ngọt lành.

Bây giờ thì anh đang ở quân y tiền phương mê man trong trại phẫu. Hai viên đạn xuyên qua bả vai. Một tên tàn quân núp trên ngọn thốt nốt quét nguyên băng AK theo chuyến xe đang đi về Sư bộ. Bình bị thương. Anh lính phụ trách chiếu phim hy sinh. Lúc ấy, tôi ngồi trong buồng lái, nghe tiếng đạn nổ nhìn lại phía sau thấy người anh ta đầy máu. Thật không gì đốn mạt bằng những kẻ bắn lén.
Vết thương Bình khá trầm trọng. Không biết rồi anh có qua được không. Chiều hôm ấy trên chuyến xe mui trần lao vun vút về nước, bỏ lại sau lưng đồi núi, hàng cây thốt nốt, những con đường đất đỏ gập ghềnh, tự dưng tôi cảm thấy như mình có lỗi.
Quá nửa đêm tôi về đến thành phố quen thuộc. Xe bỏ tôi lại trên đầu đường rồi lao nhanh về doanh trại. Một mình về trên đường khuya. Gió đêm lành lạnh. Mùi hương dạ lý nhà ai thoảng quanh đây. Đường khuya vắng tênh chỉ có bóng những người công nhân dậy sớm quét rác. Có những con chuột ghẻ từ đống rác băng qua đường vội vã chui vào ống cống.
Lúc này lòng tôi chợt dâng lên một niềm tin. Tin rằng Bình sẽ về. Bất thần một chiều nào đó, Bình với quần áo nhê nhếch bụi đỏ, đầu để trần theo thói quen, ập đến như một cơn gió tìm thăm tôi.