Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

NGƯỜI TRONG HANG NÚI



Truyện ngắn của Phạm Thị Ngọc Điệp

Ngày ấy khoảng đầu thế kỷ XIX, hải đảo còn hoang vu, ít người ở. Dân cư sống quần tụ bên nhau thành xóm nhỏ ở bến sông, bến biển hoặc chân núi. Nguồn sống chính là chài lưới, đi săn, trồng tỉa. Đã có bóng dáng của những lò nước mắm thủ công, những vườn tiêu xanh bát ngát hay rẫy bắp bên sườn đồi.
Xóm núi nằm dọc ven con đường quanh co khúc khuỷu dưới chân ngọn núi cao, có một mặt hướng ra biển một mặt hướng vào trong đảo. Trên ngọn núi hoang vu đầy bí hiểm, từ con đường nhìn lên lúc nào cũng có lớp sương mỏng bao quanh. Thỉnh thoảng có nhóm thợ săn men theo đường mòn lên núi, họ gặp nhiều hang đá thiên nhiên không người ở.
Một ngày kia dân xóm núi thấy thấp thoáng giữa lối mòn rậm rạp một bóng người mặc áo nâu sồng, có khi áo chàm bạc phếch. Người ấy thoắt ẩn thoắt hiện, chưa bao giờ ai được đến gần để nhìn rõ mặt hay hỏi han trò chuyện. Dân núi cũng không thắc mắc gì về sự hiện diện của người như cái bóng âm thầm ấy. Nhưng những gánh củi chất thành đống hoặc những quày chuối rừng, mít, xoài máng lủ khủ ở chạc cây ngã ba đường là ai cũng biết chắc đó là của người trên núi đem đến. Sáng sớm đã thấy rồi, có lẽ người ấy mang đến lúc đêm hôm khuya khoắc cho ai muốn dùng thì cứ tự nhiên coi như quà tặng. Người ta nhận lấy và nghĩ rằng “người trên núi” lẻ loi cô độc, cần những nhu cầu bình thường cho đời sống hàng ngày và biếu tặng lại bằng cách máng quà vào chạc cây ấy như một quy ước thầm lặng không kỳ kèo bớt một thêm hai của sự mua bán. Ai cho gì người trên núi cũng nhận tất: gạo, đậu, bắp, đường, vải vóc, mắm, khô, kể cả thịt…. Lâu dần người ta đặt tên người trên núi là ông Đạo Đụng.
Gọi là ông vì ai cũng nghĩ rằng chỉ có đàn ông đầy bản lĩnh mới dám sống một mình trên núi hoang vu kia. Đạo là do cung cách sống ẩn dật, mặc áo chàm nâu của giới tu hành. Đụng theo ngôn ngữ dân gian là không phân biệt chay mặn trong ăn uống. Món gì con người ăn được là người ấy có thể ăn.
Điều người dân xóm núi nghĩ về ông đã định hình và yên tâm với suy nghĩ ấy. Không ai thắc mắc hay hoài nghi. Cũng có vài lần người dân đi rừng tìm măng hay hái thuốc đi qua lối mòn dẫn lên hang đá - lối mòn xuyên qua đám sim nở dầy hoa tím, người ta gặp một hang đá rất sạch sẽ và rộng thoáng. Trong góc hang có vài cái nồi, vài cái chén, ba hòn đá ám khói và một vại nước. Trên vách đá có máng mấy bộ quần áo màu chàm. Chứng tỏ đó là nơi ở của một con người. Chưa ai gặp bao giờ, nhưng chắc chắn đó là người vẫn mang trái cây, củi đến ngã ba đường.
Có một ngày dân xóm núi không thấy những món quà máng ở chạc cây và những túi gạo nếp, đường muối vẫn còn không người nhận. Họ nghĩ rằng chắc ông Đạo bận gì đó hay có việc đi đâu. Mười bữa, nửa tháng rồi một tháng…. Bóng ông vẫn mất biệt. Người ta lần dò lên sườn núi, đi qua rừng sim lên hang đá….mọi người ngỡ ngàng nhận ra bộ xương trắng toát. Bộ xương người trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng chết: ngay ngắn, đường hoàng. Thịt da đã tan rữa. Thương tiếc người quá cố, dân xóm núi bèn mai táng bộ xương ngoài cửa hang rồi xếp lên đó những tảng đá vuông vuông màu xanh da trời, gọi đó là mộ ông Đạo Đụng. Ngoài ra người ta không biết gì thêm về ông: lai lịch sơ lược của một con người, tên tuổi, quê hương bản quán, gia cảnh ra sao, vì đâu tìm đến nơi này và chết một mình.

Chuyện kể từ một người yêu đơn phương

Đó là một chàng trai bị bội tình quyết chí đi tu. Người yêu của chàng là một cô gái trẻ đẹp, gia đình bậc trung ở miền Tây Nam Bộ. Hai người được học hành tử tế chung một mái trường. Họ yêu nhau thắm thiết và thề thốt trọn đời sống bên nhau không bao giờ thay đổi. Chưa kịp học xong, chưa có nghề trong tay, bỗng đâu có một tay nhà giàu có nhiều đất đai, nhà lầu bốn tầng nhờ mai mối đến hỏi cô gái làm vợ. Choáng ngợp trước cái giàu cộng với sự đốc thúc của gia đình, cô gái chấp nhận. Chàng trai thất tình, học xong tú tài anh bèn đi tu ở một chùa rất hẻo lánh xa nơi đô hội phồn hoa. Chàng như người trên cao lao xuống một con dốc quá dài và thẳng đứng mà chưa đủ thời gian và tư thế đón nhận.
Chuyện tình bẽ bàng, chuyện thế sự trần gian làm lòng chàng đau khổ, chàng để tâm nghiên cứu kinh Phật và thề trước đấng Phật từ bi rằng từ nay chàng sẽ đoạn tuyệt với lục dục thất tình, theo con đường tu hành, khổ hạnh.
Rồi một ngày cô gái tìn đến chàng, khóc lóc van xin chàng tha thứ. Cô bảo rằng sống với chồng được bốn năm. Anh chồng giàu kia đã qua đời vì bệnh giang mai do có thời gian dài ăn chơi trác táng. Không biết điều trị kiểu gì mà nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong, để lại đứa con ghẻ lở đầy mình và mù mắt.
Chàng trai trả lời:
-Tôi từ lâu xa lánh cõi hồng trần, không màng chuyện thế sự.
Cô nàng đầm đìa nước mắt đau khổ: 
-Giữa chúng ta vẫn còn lời thề sâu nặng, hết đời hết kiếp bên nhau.
Chàng trai, đúng hơn là nhà sư trẻ, lạnh lùng bảo:
-Lời thề ư? Chính cô đã phá huỷ lời thề, chà đạp lên lòng tin và điều thiêng liêng trong sáng. Chàng thư sinh và cô gái ngây thơ ngày nào đã chết rồi. Cả hai. Bây giờ tôi là một người khác, cô cũng vậy. Giữa chúng ta là hai người xa lạ. Tôi đang hiến dâng đời tôi cho một lời thề khác: Lời thề trước đấng Phật từ bi vô lượng. Xin cô quên đi và đừng bao giờ tìm gặp tôi nữa.
Không biết vì nhục nhã, vì nỗi ân hận ray rứt hay tuyệt vọng, hôm sau người ta thấy xác một người phụ nữ treo lủng lẳng trên cành cây bên đường, cách chùa một quãng ngắn. Cái xác bị thít chặt bởi thòng lọng làm bằng dải lụa màu hồng mỏng tang, bền chắc và tuyệt đẹp. Người ta quả quyết nó được chuẩn bị công phu của chính bàn tay chủ nhân.
Ba đêm ròng rã nhà sư trẻ đến gốc cây bên đường nơi treo dải lụa hồng để tụng kinh. Không biết sư cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thăng hay cầu nguyện gì nữa qua khuôn mặt hiền lành, buồn bã. Ba đêm đi qua, nhà sư trẻ nói với sư trụ trì:
-Bạch thầy, cho phép con được ra đi.
-Con đi đâu?
-Con đi đến một nơi thật xa nhưng vẫn ngày đêm trì chí tu hành theo con đường đạo hạnh. Lời thề trước đấng Phật tổ con không bao giờ quên nhưng ở đây con thấy tâm mình chưa yên ổn. “Chuyện đã xảy ra” con không biết mình có lỗi hay không. Con vẫn bị ám ảnh mình có dính dáng một phần trong cái chết oan nghiệt kia. Nhưng nếu làm lại thì con cũng chỉ cư xử vậy thôi. Đường con đi chỉ có một. Con cần không gian khác, xa lìa những hình ảnh cũ và cần thời gian để tĩnh tại. Mong ngàn lần thầy hiểu cho con.
Sư cụ nhìn chàng trai trẻ bằng cái nhìn thấu suốt, người mà sư đặt nhiều kỳ vọng vào đức độ và tài năng. Sư bảo:
-Ta rất hiểu tâm trạng của con. Ta chấp thuận và tin tưởng rằng dù ở đâu và cho đến bao giờ con cũng mãi là hình ảnh đẹp, thánh thiện trong cõi người như Phật dạy. Con có thể đi. Mai sau không biết thầy trò ta có còn gặp lại nhưng ta sẽ gặp lại nhau ở điều hướng thiện trong đời.
Nhà sư trẻ một mình ra đi bỏ lại sau lưng đất liền nơi lưu dấu bao điều của cuộc đời khổ ải. Cho đến một ngày sư đặt chân lên hải đảo, đi qua sườn núi mọc đầy sim tím dẫn đến ngọn núi hoang vu có hang đá …
Đó là lời kể của người đàn bà không còn trẻ nữa. Lại có người xóm núi hỏi:
-Sao bà biết chắc đó là người đàn ông tu hành đã bỏ đất liền ra đi như bà nói?
Vẫn giọng đều đều như nói với chính mình. Ai tin cũng được, không tin cũng không sao:
-Biết bao lần tôi đến chân núi tại con đường này, ngồi một mình nhìn lên lối mòn dẫn đến hang đá và nghĩ đến trên hang đá ấy có một con người. Chỉ vậy thôi.
Ông ấy là một người tu hành chân chính, đúng nghĩa của nhà Phật. Nhưng ông ấy còn trẻ quá, đẹp trai quá lại có học thức, nói năng uyên bác. Người đời quấy nhiễu ông không ít nhưng đạo hạnh của ông không gì lay chuyển được. Bao nhiêu phụ nữ ra tay chinh phục trái tim ông nhưng đều chuốc lấy thất bại.  Riêng tôi, tôi chỉ là người mộ đạo ở gần chùa thường hay đến làm công quả. Và thật lòng tôi là người yêu đơn phương nhà tu hành ấy. Một tình yêu sâu nặng có thể mang xuống tuyền đài chưa tan. Hoàn toàn ông ấy không hay biết. Tôi âm thầm dõi theo mọi diễn biến, mọi thử thách xảy ra trong cuộc đời tu hành đầy gian khổ, khắc nghiệt của sư. Tôi thấu hiểu, đứng xa và ngưỡng mộ bằng trái tim tình yêu đơn phương.
Và người ấy đã viên tịch. Tôi nghĩ mình có quyền mỗi năm một lần đến đây thắp một nén nhang. Tôi không biết cầu nguyện gì và không tin lắm vào cõi niết bàn. Tôi thắp nén nhang cho tình yêu đơn phương của tôi.

Một người bỗng dưng lạnh

Dân xóm núi hôm ấy lại hoang mang bởi câu chuyện của người lạ không biết từ đâu đến. Sau khi nhờ người dẫn lên hang đá thắp hương quỳ lạy trước ngôi mộ đá xanh, khi quay về kể rằng:
Người trên hang đá kia là một người đàn bà chứ không phải là người đàn ông như người xóm núi suy diễn rồi tin chắc: chỉ có người đàn ông mới dám sống một mình trên núi mà là đàn ông bản lĩnh chứ yếu bóng vía thì đừng mong.
Bà ta là một phụ nữ đẹp, thuở còn trẻ nhiều chàng si mê. Nhưng thuyền chỉ quay về một bến. Người phụ nữ ấy chọn một người hiền lành đạo đức làm chồng. Họ tạo dựng được mái ấm bậc trung. Cuộc mưu sinh không có gì vất vả lắm và họ có đầy đủ những điều người khác nhìn vào ao ước.
Hai đứa con một trai một gái lần lượt ra đời đẹp như mẹ hiền như cha. Chúng lớn lên ngoan ngoãn và học hành giỏi giang. Một đứa làm ở Sở canh nông, một đứa là giáo viên trường nữ tỉnh lỵ. Ở tuổi bốn mươi người phụ nữ mắc bệnh lãnh cảm. Lãnh cảm trong đời sống vợ chồng và lạnh lùng trong các mối quan hệ xã hội. Bà ngạc nhiên sao mình trải qua được cuộc sống vợ chồng ngần ấy năm dù bà rất quý chồng. Ông chồng chẳng làm điều gì khiến bà mếch lòng.
Sự nguội lạnh xâm lấn ngày càng tăng như cái con người trước kia của bà dần biến mất và hiện rõ từng ngày một người trung tính. Cùng lúc ấy là sự xuất hiện song song của ảo giác. Nhiều lúc đang nói chuyện với một người nào đó bỗng dưng trước mắt bà dâng tràn những hình ảnh từ đâu hiện về, một mảng đời sống hoàn toàn không dính dáng gì đến thực tại. Nó đến một cách ngang nhiên, nó hiện hữu lừng lững và lôi kéo bà nhập vào cái cuộc đời bỗng dưng ập đến ấy. Bà không biết giải thích thế nào cho người thân hiểu nhất là người chồng. Bà ngơ ngác tự hỏi trong đời có ai như vậy không? Một hôm người chồng đang bàn chuyện hỏi vợ cho con trai thì bà trả lời: Đàn khỉ đang trốn trên ngọn cây vào mùa nước dâng. Người chồng hỏi:
-Đàn khỉ nào? Nước gì dâng?
Bà sực tỉnh thoát khỏi cơn mê đang kéo ngang trước mặt có khu rừng nước lũ cuồn cuộn đổ về, cả đàn khỉ đang chí choé trên ngọn cây. Bà nói như hối lỗi:
-Không có gì! Không có gì!
Người chồng ngỡ ngàng rồi im lặng. Sự im lặng bao trùm cả gian nhà bao nhiêu năm chất chứa hạnh phúc viên mãn. Nói là chán chồng cũng không đúng. Bà vẫn thương ông vô cùng kia mà nhưng sao lạnh lẽo ngập đầy cái điều nghiệt ngã: Bà nhìn chồng như người đồng giới tính. Đúng hơn bà không thể yêu mê như thuở nào giữa hai trái tim người khác giới, đồng điệu. Và ảo giác cứ đến rồi đi để lại một khoảng không, một sự chông chênh đến choáng váng.
Có một buổi chiều bà đi thăm vườn. Vẫn bờ liếp, vẫn cây xanh hoa trái và tiếng chim hót dịu dàng. Khu vườn thân yêu luôn làm bà thấy dịu nhẹ tâm hồn khi đắm mình vào trong đó. Bà bước đi trên mặt đất ẩm ướt dưới gốc cây có mùi nhãn chín, mùi hoa cau mới nở. Bỗng “ùm” một cái, bà bị ngập chìm xuống mương vườn. Nước lạnh làm bà tỉnh táo. Người chồng hiện ra, ông đưa tay cho bà nắm lấy và kéo lên khỏi vũng nước sâu. Ông hỏi: “Bà làm sao vậy ?”
Bà đáp tỉnh bơ:
-Tôi vẫn tưởng đó là mặt đất. Lúc đặt chân lên đâu có cái mương. Nếu thấy mương ai mà bước làm chi.
Ông chồng nhìn bà cái nhìn lạ lẫm rồi im lặng. Bà hoảng hốt thật sự. Sao mình có thể đi đến nước này. Cái không mà tưởng là có và mai kia cái đang có tưởng là không. Ôi ảo giác giữa không và có, cái điều cực kỳ nguy hiểm trong đời người. Đau đớn đến tê dại nhưng bà vẫn quyết đi đến con đường: trả lại cho người thân cuộc sống bình thường như dòng đời vốn có. Bà không muốn làm khuấy động sự yên tĩnh mọi người đang sống. Bà biến mất khỏi đời họ. Khoảng trống ấy có thể làm mọi người chống chếnh một thời gian nhưng rồi thời gian sẽ khoả lấp, sẽ hàn gắn mọi thứ. Buổi sáng hôm ấy bà để lại trên bến sông một ít vật dụng quen thuộc, vài bộ quần áo, đôi dép, giấy tờ tuỳ thân… Những vật dụng mà người nhà nhận ra ngay là của riêng bà, để họ yên tâm bà đã chết dưới dòng sông cuồn cuộn chảy. Bà làm một chuyến vượt biển trên con đò nhỏ nhắn cách đất liền hai ngày đường. Bà tìm một cuộc sống khác xa rời mái ấm gia đình mà nhiều người nhìn vào cho đó là hạnh phúc. Thậm chí có người thèm thuồng. Xa lìa những gì thân ái cũ, chưa biết cuộc đời ngày mai sẽ ra sao? Những gì chờ đón? Yên bình? Chông gai? Phũ phàng cay đắng? Thậm chí là cái chết. Bà sẵn sàng đón nhận không chút phân vân.
Và thế là con đò vượt biển cập bến. Hải đảo đón nhận một bóng áo nâu sồng.
Dân xóm núi lại hỏi người lạ:
-Lấy gì làm bằng chứng đó là một người đàn bà đã từng sống trên hang đá?
Người lạ hỏi:
-Vậy lấy gì làm bằng đó là người đàn ông? Mọi người chỉ gặp người ấy khi đã là bộ xương khô. Xương ai khô mà chẳng trắng như nhau. Thử hỏi lúc còn sống có ai từng gặp mặt và trò chuyện với người ấy chưa, có chăng chỉ là khoảng cách. Giờ lại càng mù mịt thêm. Mà thôi, tôi cũng chẳng bắt buộc ai phải tin điều tôi nói. Tin thế nào chẳng là điều quan trọng. Tôi đến đây vì lý do riêng giữa tôi và người trên núi thôi. Một phận người buồn bã trong cõi trần ai.




Chuyện kể của một vị đạo sĩ

Hôm ấy trời nắng gắt. Đá núi lãng đãng lớp khói sương chập chùng giữa màu xanh bạt ngàn của lá. Và gió, gió đi từ biển về vẫn không làm dịu đi phần nào cái nắng hừng hực. Gã thợ săn tìm chỗ ngả lưng trú nắng sau một buổi săn bắt mệt nhoài. Gã đến hang đá có ngôi mộ bên ngoài, nơi đôi lần ghé qua. Rêu xanh bám đầy và dây leo giăng mắc. Gã kinh ngạc thấy có một người đang ngồi đấy bình thản trong tư thế bán già. Có vẻ như người ấy ngồi khá lâu. Bằng giọng nói trầm ấm và cái cười rất hiền, người giơ tay vẫy gã:
-Vào đây anh bạn. Ta có thể nghỉ ngơi một chút. Ta biết anh bạn đi săn đúng không?
Gã vất những con chim xâu thành chùm ngoài tảng đá và rồi cung nỏ thế kia… ai mà chẳng biết gã là thợ săn. Người đối diện gã mặc áo chàm, cổ đeo chuỗi tràng hạt, tóc bới cao và nhiều râu, có vẻ là một đạo sĩ. Gã chắp tay trước ngực: Chào ông!
Lại thêm một câu chuyện về người ở hang đá. Người thành bộ xương đã hơn hai mươi năm rồi và những điều bí hiểm về người ấy dần quên trong lòng người.
…… Khi hắn quyết định chọn hang đá này làm nơi ẩn náu cuối đời thì hắn đã thành một kẻ hãi người. Phải, hắn mắc chứng bệnh sợ con người. Mọi thứ dính dáng đến con người làm hắn sợ. Một thời hắn theo phò Gia Long trên bước đường bôn tẩu. Những gì hắn học được từ ngày nhỏ về phận sự làm trai, tang bồng hồ thỉ, trung quân ái quốc hắn đã áp dụng trong thực tế đời mình. Trung với vua đồng nghĩa trung thành với Tổ quốc. Cái  khái niệm Hoàng đế đồng nhất với Tổ quốc đã được hắn thực thi gần hết quãng đời trẻ trai bằng tâm huyết tràn đầy và tấm lòng thật thà. Lý tưởng tối cao của hắn là phò vua dẫu vua chưa nắm được ngai vàng, tình thế còn vô vàn khó khăn, quân Tây Sơn mạnh như vũ bão chinh phạt bao kẻ thù trong và ngoài nước. Hắn vẫn tin Nguyễn Ánh có chân mạng đế vướng và chắc chắn sẽ lên ngôi thiên tử.
Và ngày ấy đã đến. Những ai có công giúp vua trong thời gian nguy khốn vua hứa ban ơn, trọng thưởng. Vua không đùa và không quên. Điều ghi nhận đã được thực hiện. Vua còn ban tước phong cho thú vật, cây cối: con rái cá hoặc trái bần. Những ai đi ngược lại con đường tiến lên ngai vàng của vua sẽ bị tiêu diệt thành tro bụi. Nhãn tiền là dòng giống họ tộc của Nguyễn Huệ bị tàn sát tận gốc rễ, xương cốt của Nguyễn Huệ đã đào bới đổ xuống biển.
Vua tin và yêu hắn nên phong chức tước và bổng lộc xứng đáng với công lao. Nhưng bỗng dưng hắn nghe sợ một nỗi sợ vô hình càng lúc càng lớn dần. Tưởng chừng như nó bỗng dưng đến, nhưng thực ra nó đến từ từ từng chút một khi nhận ra thì nó đã lớn dần rồi. Nó bám rễ âm thầm trong suốt chuỗi ngày kề cận Nguyễn Ánh và không ai biết rõ Nguyễn Ánh bằng hắn. Từ những thủ đoạn, mánh khoé, gian xảo của con người có lòng ham muốn tột độ làm Hoàng đế. Cắm thanh gươm xuống đất vờ khấn nguyện thánh thần rồi đào lên có nước ngọt cứu nguy cho toán phò binh. Quả nhiên có nước ngọt nhưng xưa nay ở gần bờ biển người ta đào giếng có nước ngọt là chuyện thường. Nếu không lấy đâu tưới rau hoặc vườn tiêu. Và lời truyền tụng chân mạng đế vương có thể cảm hoá được đấng thiêng liêng được lan nhanh trong dân chúng.
Cũng có thể cơn sợ manh nha khi hắn thấy rõ Nguyễn Ánh giam vợ vào hang đá rồi ném chính đứa con ruột của mình xuống biển. Hắn sợ. Trong khi những người cận vệ cho đó là hành vi dũng cảm của bậc khí phách hơn người.
Cơn sợ lại máng vào tâm hồn hắn khi Nguyễn Ánh giao Hoàng tử Cảnh cho linh mục Bá Đa Lộc làm con tin cầu viện Pháp đem quân vào đánh Tây Sơn.
Đánh kẻ ngã ngựa là hành vi không phải quân tử huống hồ người chết đi rồi còn đào mồ lấy hài cốt ném xuống biển ….. Hắn sợ.
Hắn không biết điều Nguyễn Ánh làm đúng hay sai. Hắn cũng không dám chê trách ngài dù trong ý nghĩ. Khi phe chiến thắng hát khúc khải hoàn, kẻ ham muốn làm vua đã thành vua, người có công được phong hầu, bổng lộc áo mũ xênh xang. Chẳng ai làm chi hắn dẫu xúc phạm nhỏ về tinh thần hay thể xác nhưng sao hắn nghe hãi quá. Nỗi sợ chưa hề có trong đời người từng nhiều năm theo nghiệp đao binh xem cái chết tựa lông hồng.
Một buổi sáng soi mặt mình xuống lòng giếng bỗng nhiên hắn thấy sợ cả cái mặt mình. Hắn ghê cả bản thân và tránh nhìn vào mặt mình bất cứ nơi nào có thể thấy được: gương, mặt nước. Đã là con người mà sợ hãi con người, sợ cả bản thân mình nữa thì sống làm sao đây. Cũng có lúc hắn định tìm lấy cái chết để giải thoát nỗi sợ. Treo cổ lên cành cây, nhảy từ đỉnh cao xuống vực sâu, uống thuốc độc, lấy dao cắt hết mạch máu tay chân rồi chờ cái chết đến rất nhẹ nhàng. Hắn có thể làm tất cả những điều đó không cảm thấy khó khăn gì. Nhưng sao hắn thấy hèn không chịu được. Người ta có thể sống khổ nhưng không nên chết hèn.
Và rồi hắn rửa tay gác kiếm, một mình tìm về nơi không vua, không công hầu khanh tướng, không con người. Hắn muốn thế gian xoá đi hình bóng hắn, coi như hắn chưa bao giờ có mặt trong cuộc đời.
Hắn đi qua bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu đền đài miếu mạo. Hắn thấy những nhà tu hành “đời” hơn cả người đời và vô vàn chúng sinh trong bể khổ trần ai mà đức Phật đã tổng kết. Tìm ra hải đảo nơi hắn từng cùng với Nguyễn Ánh ẩn náu, nơi hắn gửi một phần tuổi trẻ. Hắn đi qua sườn núi nở đầy hoa sim, tìm vào hang đá xin gửi nốt quãng đời còn lại.
Xa lìa thế giới người ta, một mình một cõi giữa hoang vu hắn tĩnh tâm lại, nghĩ ngợi về quãng đời đã qua bóc tách ra hai ý niệm khác nhau hoàn toàn: Hoàng đế là Hoàng đế, Tổ quốc là Tổ quốc. Không thể đánh đồng hai cái làm một. Sự ngộ nhận chết để bảo vệ vua đồng nghĩa với chết cho Tổ quốc là sự ngộ nhận bi đát nhất trong đời một người ngây thơ tràn đầy sức sống. Điều hắn nhận ra như tia sáng chói gắt quét vào vùng tâm tưởng đầy mê tín, cuồng tín đáng thương. Hắn đau đớn nhận ra đời có quá nhiều trò biển lận mà mình chỉ có tài sản là lòng nhiệt tình và sự ngây thơ. Ngây thơ là yếu tố tốt nhất để người ta lợi dụng và tận dụng lòng nhiệt tình. Khi nhận ra điều đó là lúc hắn đã khánh kiệt và tuổi đời xế bóng.
Cuối cùng hắn đã toại nguyện. Chính nơi này. Phút lìa đời hắn không cần nhìn thấy một người nào.
Gã thợ săn lặng im nghe lời ông đạo sĩ nói. Chưa ai trong xóm núi này biết những điều ông đạo sĩ vừa hé lộ. Hoang mang gã hỏi:
-Làm sao ông biết đó chính là kẻ hãi người đã từng theo phò Nguyễn Ánh?
Đạo sĩ cười điềm tĩnh :
-Ta với hắn vốn là bạn thân ngày ấy. Nhưng cả hai không đi chung một con đường. Ta có lý của ta. Hắn có lý của hắn. Thời gian ở đây thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp nhau đó chứ. Ta len lỏi xuyên rừng đêm hôm âm thầm tìm thăm một kẻ hãi người, trốn đời thì đâu có gì ồn ào mà thiên hạ biết được. Ta kể cho anh bạn nghe chuyện này để anh biết thêm về một người hơi lạ trong cõi người đầy bon chen danh lợi. Vậy thôi. Nghe rồi anh bạn nên để gió bay đi đừng để tâm. Như con người ấy không muốn để lại gì trong cuộc đời này.

*
*     *

Chuyện xảy ra đã lâu. Đã hàng trăm năm trôi đi. Chuyện về người trong hang đá núi không ai biết rõ thực hư, chính xác như thế nào. Chỉ còn giai thoại trong dân gian về ông Đạo Đụng. Người đời nói mỗi người một kiểu, thêu dệt theo cảm tính của mình. Chẳng có gì chắc chắn, bởi con người ấy vốn dĩ bí ẩn, giấu mình nơi thâm sơn cùng cốc. Thực ra bộ xương trắng ấy là của nhà tu hành chân chính tìm nơi lánh đời hay của người bỗng dưng lạnh và đầy ảo giác hay đó là của kẻ nửa đời dọc ngang, tang bồng mắc chứng hãi đời, hãi người? Là ai chăng nữa họ vẫn có cái chung là những kẻ đau đời tìm trốn con người, không muốn ai biết về mình nên không tự đơm đặt, thi vị hoá cho mình có những giá trị, những hào quang vượt ngoài cái vốn có.
Là một người ở thế kỷ XXI tôi nghe những giai thoại về “người trên núi” rất thú vị với những gì được nhân gian thi vị hoá. Tôi không biết tin vào lời người nào kể, có bao nhiêu sự chính xác trong chuyện từ bộ xương người kia. Tôi không nỡ để gió bay đi những điều nghe được. Tôi nghe từ mọi phía và thấm thía sâu sắc rằng đó là những phận người có thật trong cõi nhân gian.

Tháng 8 năm 2008