Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

MỸ NGHỆ XỨ DỪA


Bút ký của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

          Trước mặt tôi là người đàn ông Bến Tre chính hiệu với nụ cười cởi mở, tác phong nhanh nhẹn, giản dị. Mười bảy tuổi, anh tham gia cách mạng từng đi qua nhiều chiến trường Đồng Tháp, chiến khu D, chiến trường K. Thời gian gần cuối cuộc chiến anh là lính đặc công thủy (cùng đơn vị với Anh hùng Hoàng Lam). Người từng ở trên ngọn dừa nhiều ngày để quan sát tình hình địch để tiến đánh tàu chiến ở bến cầu Cái Cối, hạm đội trên sông Hàm Luông mà nhiều năm sau này những cựu binh Mỹ còn tìm đến để hỏi: “Cách gì mấy ông thắng chúng tôi?”. Đó là anh Mười Ngân - chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Trường Ngân.
Doanh nghiệp Trường Ngân là một ngôi nhà hẹp ở mặt tiền đường Nguyễn Huệ - thị xã Bến Tre. Phía trước có sáu, bảy chú thanh niên ngồi bên mô-tưa cưa, cắt, mài gáo dừa, còn gian trong chừng vài chục mét vuông dùng làm phòng khách vừa trưng bày một số sản phẩm vừa làm việc và cũng để ở. Anh phân trần:
- Do công việc bào, mài, cưa, cắt gây tiếng ồn vừa có bụi bặm nên tôi chia cơ sở về bớt ở cầu Kinh Chẹt Sậy, nhưng số công nhân hàng ngày tôi trả lương chỉ khoảng 25 người. Còn biên chế văn phòng hả: tui với bà xã và các con. Giao dịch với khách hàng trong và ngoài nước, đặt hàng ở các vệ tinh, rồi kiểm tra, hoàn thiện khâu chót, gởi sản phẩm đóng gói cho khách, gởi tham gia hội chợ triển lãm. Nói chung là lu bu lắm.
Để có được số lượng lớn sản phẩm giao đúng hợp đồng cho khách hàng, anh phải nhờ những vệ tinh ở các huyện, xã. Đó là những nông dân khéo tay, cần mẫn gồm có già trẻ, gái trai, trẻ em, học sinh còn đi học, ngay cả người khuyết tật còn hai tay, hai mắt và tỉnh táo cũng làm việc được. Người ta tận dụng mọi thời gian trong ngày. Lúc nông nhàn, ngày mưa dầm hoặc nắng gắt tranh thủ làm thêm. Có ông giận bà xã thắp  đèn làm suốt đêm cũng được bộn việc.
Tôi hỏi anh về buổi ban đầu khởi nghiệp. Anh vui vẻ nói:
- Thật tình tôi không ngờ một người lính gốc nông dân như tôi, trình độ văn hóa chỉ lớp 9/12 hệ bổ túc, không biết gì về hội họa, tạo hình, không vốn liếng, không kinh nghiệm thương trường mà có thể sản xuất và bán hàng thủ công mỹ nghệ cho nước ngoài, những thị trường khó tính như Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Mêhicô.
Tôi về hưu năm 1987, lúc ấy nghèo lắm. Nhìn chung quanh đồng đội cũng nghèo và nhất là bà con nông thôn càng nghèo hơn. Muốn làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống nhưng không biết xoay trở cách nào. Lại nghĩ nông dân Bến Tre xưa nay xem cây dừa là cây chủ lực, năng suất và chất lượng khó nơi nào trên đất nước sánh kịp. Lẽ đương nhiên mỗi địa phương thiên nhiên ban tặng cho một loài cây riêng. Người trồng dừa thu hoạch cơm dừa từ dừa khô và nước dừa từ dừa xiêm gọi là chính phẩm. Còn lại thân bẹ, vỏ, miểng gáo, chà chôm là thứ phẩm thường dùng làm củi.
Sản phẩm khởi nghiệp của anh Mười Ngân là giỏ xách bằng cọng lá dừa - loại cọng bà con nông dân bó chổi. Anh lấy cọng dừa tươi chuốt sạch, phơi khô rồi mày mò, nghiên cứu làm thành cái giỏ xách dùng đựng vật nhẹ nhàng. Nó có hình ô-val, cao chừng 1 tấc có quai xách cong lên vắt nối qua bên kia. Quai giỏ được bện bởi nhiều tao đều đặn, sau này anh cải tiến thành cọng tròn có quấn quanh bằng sợi dây mỏng bền chắc. Trầy trật lắm, gian nan lắm, bao nhiêu lần không vừa ý, tự tay anh chặt bỏ cho vào bếp đốt. Trì chí cuối cùng anh cũng làm thành cái giỏ ưng ý để xem chơi vui mắt. Tình cờ một hôm có người bạn công tác ở Ủy ban Nhân dân tỉnh đến chơi, nhìn cái giỏ bảo đó là sản phẩm trí tuệ độc đáo của xứ dừa, khuyên anh nên gìn giữ và phát huy sẽ được tỉnh ủng hộ. Anh kiên nhẫn nhân lên số giỏ hàng ngày và bày bán cho người tiêu dùng. Quả nhiên nó được công chúng rất mến chuộng. Rồi Ủy ban Nhân dân Thị xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Ngân hàng đầu tư phát triển cho vay vốn và đặc biệt hơn nữa là Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường tỉnh đề nghị về Cục cấp giấy phép chứng nhận kiểu dáng công nghiệp. Đường đi của anh hứa hẹn phong quang, tươi đẹp. Tiếng lành đồn xa, báo đài ghé đến tuyên dương sản phẩm mỹ nghệ độc đáo của xứ dừa. Khách nước ngoài đầu tiên đến đặt hàng là người Đài Loan với số lượng lớn. Anh nhận thấy không thể cung cấp đủ sản phẩm nên nhờ báo Đồng Khởi đăng tin: “Cơ sở Trường Ngân dạy nghề đan giỏ miễn phí và thu mua sản phẩm”, kèm theo hình cái giỏ.
Bà con các nơi kéo về học đan giỏ. Anh tận tình hướng dẫn cốt sao người ta mau chóng làm nên sản phẩm đem bán cho cơ sở để đủ cung cấp theo hợp đồng. Đó là những bà con nông dân ở Tiên Thủy, Tân Thành Bình, Phước Long, Thạnh Phú. Được một thời gian tay nghề thành thạo, sản phẩm bóng mượt, người ta bèn nghĩ ra cách đánh lẻ: không bán hàng cho cơ sở Trường Ngân nữa mà bán thẳng cho đối tác. Và rồi cuộc cạnh tranh giá xảy ra. Bên kia nhận hợp đồng với giá rẻ, đối tác lại nói chuyện với anh bảo hạ giá xuống. Qua vài cơn hạ giá cả hai phía sản xuất đều thiệt thòi, trong lúc dây quấn tăng lên gấp đôi, công cán còn chẳng là bao, chỉ có bên mua được hưởng lợi. Bạn bè nói với anh về quyền kiểu dáng đã được chứng nhận. Anh tìm  gặp cơ quan chức năng thì nhận được lời giải hòa:
- Thôi, bà con người ta nghèo quá, để cho họ làm kiếm sống, chứ người giàu ai làm việc này mà chi?
Vậy là anh cũng xuề xòa cho qua không khiếu nại, truy cứu gì. Bây giờ xã Phước Long, xã Hưng Phong đã hình thành làng nghề đan giỏ bằng cọng lá dừa, ổn định công ăn, việc làm, cải thiện đời sống. Nông dân khỏi phải bỏ quê lang thang khắp nơi kiếm sống. Thôi vậy là vui rồi.
Anh nghĩ ra thứ phẩm khác của dừa như xơ, chà, gáo. Trước kia ở Bến Tre rải rác đó đây người ta cũng làm ra những vật dụng từ cây dừa: đũa, muỗng, vá, thước kẻ, lược chải tóc, và từ gáo dừa như kẹp tóc, nhẫn, gạt tàn thuốc... nhưng đó là những hộ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, rời rạc. Anh cầu thị học tập những sản phẩm của người đi trước để lại rồi mời những nghệ nhân khéo tay hợp tác. Nguồn nguyên liệu anh cần là thân dừa, gáo dừa, dừa điếc đủ dạng, vỏ dừa, chà chôm. Công cụ sản xuất là một số mô-tưa chia lại bên cơ khí dùng để mài, khoan, cưa, cắt... Chẳng bao lâu sản phẩm anh làm ra lại được nhiều người ưa chuộng. Người ta mua để làm quà lưu niệm trong những chuyến du lịch. Ngày ấy đã mở cửa, du khách nước ngoài ghé qua trầm trồ và mua đem về nước. Lại không đủ sản phẩm để bán anh nghĩ ra hai việc là phải tạo nhiều vệ tinh từ nông thôn; nhờ vào những bàn tay khéo léo, cần mẫn của bà con nông thôn và nghĩ ra nhiều mặt hàng phong phú đa dạng hơn nữa.
Như anh từng nói vì không qua một trường lớp đào tạo nào, anh  làm nên sản phẩm từ cảm tính và thường tự đặt mình vào vai trò khách hàng, ngắm nghía, điều chỉnh thêm bớt chi tiết để ngày một tinh xảo, bắt mắt hơn. Cũng có khi anh làm theo đơn đặt hàng từ mẫu có sẵn khách mang đến, làm theo hình vẽ, hoặc theo gợi ý. Và cũng có khi ý tưởng chợt đến khi xem phim hoạt hình hay tình cờ gặp một hình ảnh ngộ nghĩnh nào đó.

*
*     *

Thân dừa có vân gỗ đặc trưng không giống bất cứ loại cây nào. Cùng một sản phẩm người ta có thể làm bằng gỗ thông hoặc tràm vàng hay các  loại cây khác. Nhưng thông có nét đẹp của thông, tràm có nét riêng của tràm còn vân gỗ dừa vẫn một mình một cõi không lẫn với ai. Dù đi bất cứ đâu nhìn thấy hàng mỹ nghệ từ cây dừa là như thấy một góc trời quê hương Bến Tre ở đó.
Anh Trường Ngân cho biết nội cái chuyện gỗ dừa cũng lắm điều nhiêu khê. Cái sớ gỗ, màu gỗ cũng nói lên được tuổi tác của cây, nơi sinh ra là vùng nước mặn hay ngọt. Cây dừa nhà giàu thì phổng phao sớ gỗ to, phần xốp nhiều. Cây dừa nhà nghèo do không bón phân nên sớ gỗ gầy nhẵn và phần xốp ít, cây quắt lại. Cây bịnh, cây chết yểu cho màu gỗ bịnh  hoạn chất lượng xấu. Cây dừa cả đời đứng trên vùng đất khô cằn không có chế độ thủy triều lên xuống hoặc bị ngập thường xuyên cũng hiện cả trên vân gỗ. Đương nhiên phải có con mắt nghề nghiệp, kinh nghiệm nhiều năm mới biết. Và phải chọn gỗ để dùng. Cái việc mua cây dừa cũng gặp không ít khó khăn vì cây dừa để lấy trái là chính, chứ ai trồng để đốn gỗ bao giờ. Chỉ trừ trường hợp tỉa thưa, cây bị trốc gốc hay già lão bịnh hoạn.
Sản phẩm làm từ gáo dừa cũng đòi hỏi nhiều công sức nhất là những vật làm ra từ trái dừa điếc, phải ngắm nghía xem hình dáng ấy làm cái gì cho phù hợp, đắc địa. Còn những sản phẩm làm từ nhiều mảnh nhỏ ghép lại tương đối dễ hơn. Anh đưa tôi xem cái túi đựng tiền mà khách hàng Mỹ vừa nhận 5 ngàn chiếc. Đó là 1 gáo dừa nguyên xẻ dọc làm đôi, dưới  gắn bản lề, trong lòng gáo lót vải và tra dây kéo ở miệng, hai bên tra quai xách bằng cọng dây dài. Và kia là mẫu túi xách do người Nhật đặt hàng được kết nối với nhau bằng những mảnh nhỏ tròn bằng đồng xu, có quai dài để mang trên vai khi di chuyển phát ra âm thanh lách cách rất vui tai.
Gáo dừa khô có màu đen tuyền và bóng láng hơn khi được mài, còn gáo của dừa rám (cứng cạy) có màu vàng và dừa xiêm có gáo trắng ngà. Tất cả các loại miểng gáo đều cần vì các sắc độ màu của nó trên cùng một sản phẩm. Chẳng hạn một con đồi mồi sẽ có màu đen ở giữa mai, nối ráp với nhau bằng những mảnh đa giác. Thoai thoải dọc xuống bìa mai có màu đen pha vàng của dừa rám. Cách bố trí mảng ráp rất tinh tế, nhìn vào tưởng như con đồi mồi thật. Mắt mèo hay mắt mặt nạ đều cần những mảng trắng hay những đường viền trang trí ở giỏ xách. Anh nói vui:
- Hồi ấy cứ đêm đến tôi vác cái bao đi xin gáo dừa xiêm của các quán nước hoặc lượm khi ai đó quăng lăn lốc ngoài đường. Con gái tôi nó nói ba làm thấy rầu quá con hổng kêu bằng ba à!
Làm gáo dừa xiêm cũng công phu lắm. Chẻ ra, nạo sạch phơi khô tốt nắng, để ẩm là hư màu nguyên thủy và còn qua nhiều công đoạn chế tác nữa. Tôi sờ thử lên mặt giỏ, tưởng chừng như miếng nhựa cứng.
Đứng trước tủ kính bày la liệt những tác phẩm mỹ nghệ, tôi thấy khâm phục những người làm ra. Chỉ bằng đôi tay với sự hỗ trợ chút ít của máy móc người thợ thủ công đã cho ra đời những tác phẩm tinh xảo, khéo léo và có hồn. Anh rất chú trọng đến hồn cốt của tác phẩm nên thường đặt gia công khoảng 70% công đoạn ban đầu. Sau đó anh mới hoàn chỉnh lại và nhiều khi chỉnh sửa rất công phu. Dẫu sao anh cũng là người chịu trách nhiệm chính về sản phẩm.
Nơi đây có những tổ chim mang dáng dấp của tổ chim dòng dọc mà bên trời Tây đặt mua, hàng đựng đầy bao, đầy kiện. Chim hoang dã làm tổ bằng cỏ khô rác mịn, còn tổ chim của cơ sở Trường Ngân có sườn bằng trúc và quấn bện chung quanh bằng chỉ xơ dừa vừa êm vừa chắc, có cửa ra vào tròn xinh được đậy bên trên cái nón hình phểu. Nhìn vào đã thấy ấm áp, yên bình.
Tôi sững sờ khi bước vào gian tủ kính bên trong trưng bày cả dãy dọc những chú “khỉ khô”. Do sự đa dạng của gáo dừa điếc nên  không con khỉ nào giống con khỉ nào. Không hiểu sao khi loài khỉ leo trèo, chạy nhảy trong cộng đồng khỉ, tôi thấy vui mắt, sinh động. Nhưng nhìn thấy tượng khỉ ngồi bất động, tôi cảm nhận một nỗi buồn, nỗi cô đơn đến khủng khiếp. Nhìn vào mắt khỉ cứ thấy cái gì vời vợi, tù đày, hiu hắt, lạc loài... Cái nỗi buồn toát ra từ gương mặt gầy hốc hác, từ tứ chi dài ngoẵng xương xẩu, cái lưng còng còm nhom như dáng hình một con người lại không phải người, nhưng cũng không nỡ bảo đó là thú. Cũng có vài tượng khỉ lứa đôi ngồi hai bên gáo dừa điếc giữa có hình hai trái tim - một biểu tượng của hạnh phúc nhưng nhìn vẫn không thấy vui.
Ngăn tủ kế bên lủ khủ một đàn tượng: Ông Thiện, ông Ác, ông Địa, Phật Di Lặc và rất nhiều tượng Phật. Rồi đến xe các loại, cái ngăn tủ nhỏ hẹp như một bến đỗ của nhiều loại xe đông tây kim cổ, từ xe kéo tay đến xe ngựa, xe xích lô, xe du lịch và xe khách, xe mô tô của tay đua và vespa cổ điển.
Kia là tượng một thiếu nữ chèo ghe, trang phục bà ba nón lá. Dáng người vừa ẻo lả, vừa dẻo dai, bền bỉ, hướng mặt nhìn xa vời về phía trước, và như thấy cả con đường sông nước rộng dài mênh mông của xứ cù lao, tưởng chừng như cô vừa thả theo dòng những âm thanh của bài hát nào đó.  Tôi cũng không thể không chú ý đến tượng mẹ bồng con đội nón lá, từ chéo áo bà ba đến những đường nét eo thon, vai gầy toát lên tính cách dịu dàng, nhẫn  nại, một đời lam lũ vì người khác. Những sớ gỗ dừa trượt xuôi in lên thân tượng chỗ dài chỗ ngắn, chỗ là chấm nốt tròn, lại có chỗ phớt qua mờ nhạt như có một cơn mưa lâm râm quanh nơi mẹ đứng.
Nhìn sang ngăn tủ phía trong là những trái cây bốn mùa từ bình dân đến cao cấp: cà chua, xoài, mận, mảng cầu ta, măng cụt cho đến cam, lê, táo, nho, hồng... Cả một hàng chum vại, ché rượu cần đặt bên cạnh nhà rông Tây Nguyên tất cả được sáng tạo kết hợp hài hòa giữa cây và gáo dừa.
Nhìn những sản phẩm đa dạng tôi như thấy cõi nhân gian được thu hẹp với đầy đủ đại diện. Từ tiên Phật đến con người, từ chim muông cầm thú cho đến cây trái bốn mùa, đồ chơi và đồ dùng, trang trí nội thất, dụng cụ nhà bếp. Có hơn 500 mặt hàng được sản xuất ở cơ sở Trường Ngân. Tôi thực sự thán phục công phu, sự khéo tay, trí tưởng tượng của những nghệ nhân miệt vườn. Ngần ấy tác phẩm nhưng sao không thấy ai đứng tên tác giả. Họ xứng đáng được hưởng quyền tác giả lắm chứ. Nhưng tất cả đã hòa vào dòng tác phẩm mỹ nghệ dân gian, trôi theo ngày tháng, trôi theo cơn lốc thị trường bán buôn đi mọi miền đất nước, đi nhiều nơi trên thế giới.
Từ ngày lập cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân đến nay đã tạo cho nhiều bà con nông dân trong tỉnh có việc làm thêm bên cạnh nông nghiệp. Đời sống khá lên thấy rõ ở 60 hộ vệ tinh. Mỗi hộ làm thêm thu nhập một năm qui ra lúa khoảng 100 giạ. Nhưng vẫn còn những điều bất hợp lý mà ta vẫn phải chấp nhận không làm sao khác được. Cụ thể như 1 con búp bê gỗ qua các công đoạn hoàn chỉnh bán với giá 20.000 đồng VN (tương đương 1,2 đô la). Người ta bày bán ở siêu thị Bến Thành với giá 5,8 đô. Nghĩa là người làm ra hưởng được khoảng 1/5 giá trị sản phẩm ngay trên đất nước mình. Còn xuất sang nước khác thì không biết giá cả đến đâu. Tôi hỏi: Sao ta không nâng giá bán lên? Anh cười:
- Chị nâng giá lên 10 đô một con cũng được nhưng chẳng ai mua thì làm sao? Đó chỉ là thí dụ nhỏ ở mặt hàng cụ thể mình cũng chấp nhận để có việc làm hàng ngày. Có điều này tôi thấy hơi tủi thân cho nghệ nhân mà không biết tính sao. Mình trực tiếp làm nên sản phẩm bán cho doanh nghiệp xuất khẩu phải đóng thuế răn rắt theo hóa đơn. Còn doanh nghiệp xuất khẩu chính mặt hàng này lại được miễn thuế. Thật tình không giấu giếm, tôi vẫn thấy tự hào khi thấy sản phẩm của công ty mình được làm quà tặng cho những chính khách nước ngoài, những VIP, được đại diện Bến Tre đi  dự các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, ai cũng mến chuộng.Tôi không sao tránh khỏi ý nghĩ mình như nàng dâu đẻ cháu nội cho người ta ẵm bồng, nựng nịu mà không được nhìn nhận là dâu.
Tôi hỏi anh: Có bao giờ anh từ chối làm sản phẩm nào đó theo yêu cầu của khách hàng không?
Ngẫm nghĩ một lúc rồi anh cười rất tươi:
- Có chị à. Trường hợp thứ nhất khách nước ngoài đặt đồ đựng gia vị bằng gáo dừa điếc nguyên trái, kích cỡ như nhau với số lượng 5 ngàn trái.  Chị biết rằng dừa đã điếc rồi thì đủ cỡ teo tóp, tròn dẹt, phình chỗ này méo chỗ kia làm sao có đủ số lượng dừa điếc giống nhau? Hơn nữa dừa điếc thường không có cơm, mà trong lòng cóc cáy lòi lõm không cách gì nạo sạch, chỉ cần có cơm mới làm sạch được. Không trơn láng làm sao đựng gia vị. Tôi nói không chắc về số lượng, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Lần thứ hai khách hàng Nhật đến đặt làm giỏ xách tay bằng gáo dừa. Qui cách hình chữ nhật, ngang 2 tấc, dài 3 tấc, dầy 1 tấc. Một mặt bằng gáo dừa đen vuông cỡ ngón tay cái kết dính với nhau bởi dây xuyên qua lỗ. Mặt kia bằng gáo dừa trắng cũng mặt vuông. Tôi thấy làm cũng dễ dù miếng vuông hao công hơn miếng tròn. Có điều là phía gáo trắng có khắc một bức tranh ký họa lên toàn mảng, đường khắc rõ nét, sắc sảo và mảnh như sợi tóc. Tôi nghiên cứu hoài không biết làm sao thực hiện bức họa ấy. Hỏi ra mới biết họ khắc bằng tia laze, tôi chịu thua. Máy móc chỗ tôi chưa làm được việc đó. Định hỏi đối tác nếu miễn bức tranh ấy đi có được không, được thì làm không thì thôi vậy.
Còn lần thứ ba... anh lại cười:
- Tôi kể chuyện này trước hết xin lỗi vì chị là phụ nữ. Chuyện thế này: Có khách hàng từ Mêhicô đến đặt hàng đồ tắm phụ nữ bằng gáo dừa. Qui cách áo tắm hai mảnh bằng 2 gáo dừa nguyên đen bóng nối kết lại bằng những sợi dây buộc mỏng mảnh. Quần tắm bằng những mảnh gáo tròn nhỏ kết lại, chằng buộc sơ sài bằng dây thun và che phất phơ phía trước phía sau. Tôi trả lời họ rằng áo tắm thì tôi nhận với số lượng mấy nghìn cái cũng được vì  ngồi cọ gọt 2 miểng gáo nguyên không ai biết đó là cái gì. Nhưng suốt ngày ngồi mài giũa, mò mẫm cái quần slip thì xin lỗi... Thuần phong mỹ tục nước tôi không cho phép. Miễn hợp đồng mặt hàng này vậy. Họ cười xòa và đồng ý. Anh uống một ngụm trà, ngửa mặt nhìn trần nhà cười phá lên - Tôi  làm xong áo tắm mà tìm hoài ở Bến Tre không ai chịu làm người mẫu để chụp hình đây chứ!
Tôi bảo anh đó là chuyện thường. Có nhiều người mẫu nước ngoài mặc những bộ quần áo trống trải kết hợp bằng cà rốt, khoai tây mà được giải thưởng hành tinh xanh. Nên chăng ta nghĩ ra bộ váy kết hợp bằng miểng gáo dùng cho phát thanh viên “dự báo thời tiết” đêm đêm trên Đài Truyền hình chắc “hay” không kém ai đâu, được khen thưởng là đằng khác.
Anh không trả lời. Như nhớ ra điều gì anh mở tủ lấy ra cái nón bảo hiểm làm bằng trái dừa khô. Dừa cắt dọc lấy hơn phân nửa trái sao cho còn nguyên cả nền cuống. Bào sạch ruột gắn quai, úp lên đầu quay nền cuống ra trước mặt. Anh bảo đó là đề tài luận văn tốt nghiệp của một sinh viên tên Lan trường Đại học Cần Thơ, được giải thưởng Hành tinh Xanh. Du khách Tây phương rất ưa chuộng loại mũ này, thường úp lên tóc đi ngao du ngoài trời giữa trưa nắng đồng bằng. Tuy vậy tìm được trái dừa để làm mũ bảo hiểm cho người  lớn rất khó vì hiếm có trái dừa đủ độ dài từ trán ra ót lại rộng bề ngang trùm đến 2 bên tai. Nón cho trẻ con thì có nhiều.
Anh lấy ra một con chuồn chuồn nhỏ bằng ngón tay được trang điểm bằng bông hoa vẽ rất khéo. Anh nói:
- Cái này tuy đơn giản vầy nhưng đầu tiên làm rất khó. Vật liệu bằng tre, hai cánh dang rộng hai bên, đuôi ốm và dài đầu hơi to, có thể gắn vào bất cứ đâu cũng đậu được không cần từ trường. Nếu có quạt trần bên trên nó sẽ chấp chới như định bay mà không hề rớt. Khó làm vì nếu 2 cánh phản lực không đều với đuôi sẽ mất thế cân bằng, té lụi xụi hoài. Mặt hàng này thị trường Nhật mua rất mạnh, họ dùng trang trí ở siêu thị gây sự chú ý của người mua.
- Một con chuồn giá bao nhiêu  hả anh?
- Năm ngàn đồng Việt Nam. Anh đáp.
- So với con tôm càng phải tốn nhiều công đoạn có giá 40.000 đồng, con chuồn này bé tí vậy thì con tôm có bị rẻ không?
- Nếu rẻ thì rẻ cả hai  vì làm con chuồn không dễ đâu, lơ mơ nó sẽ không đậu được, với  lại công họa sĩ vẽ hết 2 ngàn rồi. Còn con tôm 40 ngàn tương đương ngày công một lao động, nhưng một người giỏi gì cũng không thể hoàn tất con tôm trong ngày. Có điều là nhờ sản xuất hàng loạt từng công đoạn rồi ráp cả trăm, cả ngàn con một lượt, nên có lợi về thời gian lắm. Tự dưng làm 1 con tôm thì giá cả sẽ khác đi.
Ở cơ sở Trường Ngân với hơn 500 mặt hàng, nếu viết hết cho bạn đọc hình dung thì sẽ dài lắm. Nhưng có điều chắc rằng sẽ rất lý thú nếu bạn đến tham quan, thưởng ngoạn cơ sở này không chỉ du khách trong nước mà bạn bè thế giới cũng mến chuộng.
Anh Trường Ngân cho biết các con anh đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Đứa nhỏ nhất là giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre. Đã 67 tuổi rồi, anh muốn về hưu một lần nữa sau khi tìm được người kế nghiệp ưng ý, nhưng các con anh không ai nhận vì công việc của anh, người có tri thức cao chưa hẳn làm được.
Anh nói  cả cơ ngơi hiện tại trị giá khoảng 50 triệu. Mỗi năm doanh thu 3 tỉ. Ngoài chuyện nộp ngân sách Nhà nước, cơ sở anh còn tạo việc làm cho 200 lao động ở các vệ tinh, góp phần xóa đói giảm nghèo tăng thu nhập. Đồng thời anh cũng rất cần những vệ tinh ấy để hoàn thành những hợp đồng của khách hàng với số lượng lớn. Cho nên tình họ mạc, tình làng xóm quan trọng lắm. Không có họ anh cũng khó lòng phát triển doanh nghiệp Trường Ngân như hôm nay. Mới đây có một Việt kiều gốc Bến Tre đến nói với anh rằng: Nếu anh nhượng lại toàn bộ cơ sở Trường Ngân họ sẽ trả anh 200 ngàn đô la. Anh đồng ý và còn nhận làm Giám đốc điều hành khoảng 5 đến 7 năm. Thế rồi y ngó trước ngó sau, suy tính mọi đường, cuối cùng là rút lui.
Là cựu quân nhân xuất thân từ nông dân tự lực vươn lên và đạt được những thành quả ngày nay anh được tham dự hội nghị Người cao tuổi sản xuất giỏi toàn quốc năm 2003, đạt giải thưởng “Sáng tạo kiểu dáng sản phẩm” Golden V. Được tổ chức Tuần lễ xanh Quốc tế Việt Nam tặng Bằng khen. Rồi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Trung ương, mỗi nơi cấp 1 Bằng khen. Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng 4 Bằng khen.Và Tổ chức Hợp tác xã Quốc tế Nhật Bản - Việt Nam JICA tặng giải thưởng “Sản phẩm được ưa chuộng nhất”.
Từ cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân sản xuất và tạo công ăn việc làm cho dân địa phương, tôi ước mơ những mô hình kinh tế tương tự sẽ được nhân lên nhiều hơn ở tỉnh nhà. Vì ước muốn được làm việc,  có cuộc sống sung túc, được học hành ngay trên quê hương của mình là ước mơ chân chính, là nẻo đến của an dân. Là người Việt Nam chắc ai cũng thấy đắng lòng, xót óc khi thấy dân mình ly nông, ly hương làm mướn cho người nước khác. Đem lại an dân vẫn hơn nghìn lời đạo lý suông.