Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

LỜI MỞ ĐẦU





Tôi vốn đam mê văn chương từ nhỏ nhưng tôi không có may mắn để đi con đường viết văn chuyên nghiệp mà phải rẽ sang con đường khác. Tôi hướng mặt nhìn về văn chương lúc đứng xa ít hoặc xa nhiều và chưa bao giờ quay lưng lại.
Là người ở ẩn 20 năm nay, trong 20 năm đó có 8 năm không ra khỏi nhà. Cũng chẳng có gì là nghiêm trọng, chỉ là do hoàn cảnh cá nhân thôi, nhưng điều đó tạo nên khó khăn lớn cho người viết văn, bởi “đi” là yếu tố quan trọng cho việc viết, là bột để gột nên hồ. Tôi đọc bất cứ cái gì có trong tay, từ mảnh giấy gói quà vặt đến những tờ báo cân ký hoặc tác phẩm được in thành sách. Và tôi viết khi có thời gian, lúc cuộc sống dễ thở đôi chút.
Chú Trang Thế Hy nhiều lần gởi lời động viên, nhắc nhở tôi cố gắng viết và ông thường xuyên gởi cho tôi đọc những tác phẩm ông tâm đắc của Kun-đơ-ra, Đôt-xtôi-ep-xki, Hê-ming-way, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện…Việc làm đó làm tôi cảm kích và hàm ơn ông rất nhiều.
Có lần tôi tỉnh dậy trong phòng lạnh sau ca phẫu thuật, toàn thân tôi đau đớn như bị quỷ sứ xé ra nhiều mảnh và ráp lại sơ sài. Tôi thấy giữa cái sống và cái chết lằn ranh mỏng lắm. Nếu mình chết đi, một trong những việc quan trọng không thực hiện được trong đó có việc viết những điều mình ấp ủ từ lâu. Dẫu biết rằng những điều mình viết ra nó sẽ không là gì, chẳng đi đến đâu. Nó chỉ là nhu cầu giải khuây để mình thấy dễ chịu để đi qua nỗi buồn trong cuộc sống.
Hơn 20 năm trước tôi thường đến thăm gia đình người bạn thân ở Phú Lễ. Đó là hai vợ chồng sống bằng nghề thuần nông, có một bà Má tuyệt vời. Bà ngồi bên xa quay bông vải có thể kể ta nghe suốt ngày về mọi chuyện kim cổ ở Phú Lễ. Chỉ nhìn dáng ngồi cần mẫn bên xa quay tự nhiên tôi thấy thương bà nhiều lắm. Vợ chồng anh bạn dẫn tôi ra thăm đám dưa, đám bắp mới trồng sau nhà. Đó là miếng ruộng mùa khô, sau vụ lúa người ta cày xới để trồng màu. Vạt đất mênh mông, đường xới còn lẫn ít cọng rạ, những cây bắp khỏe khoắn xanh rời rợi đang trổ cờ, đám dưa gang đang có nụ bằng ngón tay và vạt cà đang trổ bông máu tím ngát. Miếng đất gần một mẫu vợ chồng anh thức từ 4 giờ sáng để tưới bằng thùng gánh. Anh chị rất vui, say sưa nói về tương lai của 5 đứa con bắt đầu từ mảnh đất ấy. Lúc tôi chào cả nhà để về thì thấy anh chị chuẩn bị sẵn hai cái giỏ tre đựng lặc lè nào bắp, cà tím, dưa gang để làm quà tặng. Tôi ngạc nhiên hỏi đâu ra những thứ ấy. Anh bảo qua hàng xóm mượn, chừng nào vườn nhà có sẽ đem trả. Điều đó thật thú vị và làm tôi xúc động mãi. Tôi chưa bao giờ nghĩ ra kiểu mượn trái cây tặng bạn mà không phải đi mua. Nếu tính giá trị mua bán thì những trái cây ấy chẳng đáng là bao nhưng cái ân tình ấy sao mà lớn lao và ấp áp quá. Năm rồi tôi có dịp ghé qua nơi ấy. Bà Má đã mất. Anh đã mất. Chị lên thành phố kiếm sống. Năm đứa con có gia đình riêng ở năm nơi. Tôi bàng hoàng ngỡ như chiêm bao. Và tôi biết rằng thời gian bao giờ cũng mang lại những biến dịch trong đời người. 
Nhiều lúc tôi giật mình về khoảng thời gian 20 năm ở ẩn của mình. Hai mươi năm nuốt chửng quãng đời thanh niên, kéo đời mình đến những tháng ngày không còn trẻ nữa, quỹ thời gian đời người không còn nhiều nhặn gì. Nên tôi cố gắng viết ở khả năng mình có thể, dẫu chưa biết trước nó là gì, nó sẽ đi đến đâu. Bởi tiền nhân đã bảo văn chương vốn vô mệnh hoặc chỉ để mua vui được một vài trống canh.