Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG BẢY

9 cái hoa vân tay

Áo len và những mặt hàng len dạ người ta ít dùng hơn trước. Người tiêu dùng chuộng loại áo lạnh may bằng vải dày vừa rẻ tiền vừa lại có tính thời trang. Túi xách cũng vậy, học sinh bây giờ chuộng loại túi xách thô, vải săn gai có quai dài, nút to, fec-mơ-tuya kéo ngang rất tiện và đẹp. Số hàng len đan tay của tôi người đặt hàng vơi theo ngày tháng. Tôi cũng chỉ đan cầm chừng, khách hàng thường là người cao tuổi vẫn còn mến chuộng áo len truyền thống. Mỗi khi giao hàng cho các quầy bán lẻ xong tôi có thời gian dạo chợ. Đi ngang quầy bán giỏ xách tôi chợt thấy cái giỏ đan bằng cọng dừa - những cộng lá dừa tươi chuốt rọc ra từ lá. Cái giỏ buộc tôi dừng lại ngắm nghía, quả là sự sáng tạo độc đáo. Người bán hàng cho biết nó là sản phẩm sáng tạo của một cựu chiến binh ở Bến Tre. Cũng trầy trật qua nhiều khâu thể nghiệm mới thành công. Bạn bè ai cũng khen đẹp, có duyên, dùng cái giỏ đựng quà tặng hoặc đựng hoa đều duyên dáng. Và rồi anh bèn đan nhiều giỏ đem ký gởi cho quầy bán lẻ. Một hôm có du khách Đài Loan đi ngang và nhìn cái giỏ đắc ý lắm, hỏi mua và đặt hàng với số lượng lớn. Dần dần nhiều khách hàng ngoại quốc đến mua và mặt hàng giỏ xách cọng dừa được phát triển mạnh. Chị bán hàng còn bảo:
- Đây chỉ là giỏ thứ phẩm chứ giỏ chính phẩm giao cho khách nước ngoài còn hoàn chỉnh và đẹp hơn.
Tôi mua một cái giỏ, rồi qua hàng trái cây mua một ít cam quýt bom lê đặt vừa đủ xách đi bộ lang thang về nhà. Tôi đang chán ngán cùng cực cái việc đan len. Vì mưu sinh nên bất đắc dĩ phải làm việc và nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề.
Đang đi từ sau lưng có ai nắm quai giỏ mà ghị lại. Ngước nhìn ra sau, tôi thấy Chân lừng lững đứng đấy. Láu lỉnh, tinh nghịch, đôi mắt hấp háy, nheo nheo cười mỉm. Tôi hỏi:
- Anh từ trên trời rơi xuống hay sao vậy?
- Không. Làm gì có hân hạnh ấy. Tôi đang ngồi trong quán café thấy Hoài đi ngang nên bước ra đó thôi.
- Anh sang Bến Tre từ lúc nào?
- Vừa đến cách đây một giờ. Thấy nhà Hoài cửa khoá, biết là Hoài đi vắng, tôi đi lòng vòng thị xã uống ly café.
- Nếu tôi mời anh về nhà anh có đi không hay định uống café tiếp.
- Tôi không có nguyện vọng đến Bến Tre để uống liền một lúc hai ly café. Uống để chờ Hoài về. Ta đi thôi. À mà Hoài tìm đâu ra cái giỏ xách “hay” vậy. Trông rất có duyên.
- Vừa mua ở tiệm. Hàng đặc sản của Bến Tre đó, chỉ có người xứ này mới làm ra sản phẩm giỏ cọng dừa, cũng như vật dụng làm từ gỗ thông gợi người ta nhớ đến Đà Lạt.
Tôi và Chân đi bộ chầm chậm qua vỉa hè phần dành cho người đi bộ. Chân bước dài những bước nhẹ nhàng của người có đôi chân lêu nghêu. Trải qua bao đa đoan lận đận, Chân vẫn không già đi bao nhiêu, vẫn đầy vẻ phong lưu, sang trọng pha với một chút gì bất cần, khinh bạc. Cái vẻ kiêu ngạo bề ngoài nhưng chứa đựng biết bao ân cần, thân ái của một tâm hồn dễ thương.
Về đến nhà, tôi mở hết các cánh cửa cho ánh sáng ùa vào xua đi sự âm u, tĩnh lặng.
Phải thật lòng nói rằng có Chân ngồi đấy căn nhà như có thêm sự sống.
Tôi sắp trái cây vào dĩa mang lên bàn thờ dâng cúng ba mẹ, để lại gói kẹo cho Chân. Chân ngồi đấy ngắm nghía, săm soi cái giỏ và gật gù tâm đắc. Tôi trở lại bên bàn, mời:
- Anh Chân ăn kẹo đi, kẹo đặc sản Bến Tre ngon tuyệt đó.
Chân cười hóm hỉnh mắt vẫn không rời cái giỏ:
- Tự nhiên quảng cáo miễn phí cho kẹo dừa. Cám ơn Hoài. Người hút thuốc thì không nên ăn kẹo.
- Anh thấy cái giỏ thế nào?
- Đẹp, thanh mảnh và người sáng tạo ra nó cũng hay nữa, và hay nhất là dùng vật liệu rẻ tiền, phụ phẩm của cây dừa. Hoài mua cái giỏ này bao nhiêu?
- Mười bảy ngàn năm trăm đồng.
- Cái giỏ mấy bà nội trợ thường xách đi chợ bằng nhựa giá bao nhiêu?
- Khoảng mười đến mười hai ngàn.
Chân gật gù.
- Hoài thấy có vô lý không giữa hai sản phẩm ấy. Một cái vừa bền chắc mà giá ngần ấy, còn cái giỏ kia mỏng mảnh ẻo lả vậy mà giá mắc hơn.
- Cái giỏ nhựa sản xuất hàng loạt bằng công nghệ còn giỏ cọng dừa làm thủ công. Tính giá vật liệu và công cán thì dôi ra chẳng bao nhiêu, vừa công sức làm ra. Mà anh có thừa nhận điều này không, thị hiếu con người có tính thời thượng. Bây giờ du khách thường chọn cái gì lạ mắt, gần gũi thiên nhiên để làm đồ chơi, không tính đến chuyện ăn chắc  mặc bền như xưa. Cái giỏ cọng dừa được ưa chuộng vì nó lạ mắt đối với họ. Kế đến là người ta dùng đựng hoa quả, bánh kẹo, quà Tết. Vả lại cái giá mười bảy ngàn năm trăm đồng chẳng là cái gì đối với du khách, dùng một lần rồi bỏ cũng không oan uổng.
- À Hoài này, dạo này công việc đan len có khá không?
- Hàng áo len bị nhủng rồi anh à, dù đang mùa lạnh. Chẳng lạ gì bây giờ mode thời thượng thiên hạ chuộng là mặt hàng khác. Và tôi đang có thời gian rảnh, không làm việc nhiều hơn trước.
- Hoài ơi, tôi vừa bị cái hạn lớn: hao tài.
- Chuyện gì vậy?
- Tôi và thằng cháu hùn nhau làm mõ bán cho các cửa hiệu bán lẻ, các tiệm bán lại cho những nhà tu hành, chùa chiền. Hôm nọ tôi chở 500 cái mõ đi giao. Chẳng may bị quản lý thị trường hỏi giấy phép kinh doanh, mà mình thì có miếng giấy gì đâu. Ngây thơ và đơn giản nghĩ rằng làm ra để bán cho người cần, vậy thôi. Thế là 500 cái mõ bị tịch thu. Đau điếng.
- Năm trăm cái mõ anh làm có lâu không?
- Không lâu lắm. Cả hai chú cháu cùng làm với lại có máy cưa, khoan cắt, bào, mài hỗ trợ. Làm hàng loạt công đoạn rồi ráp lại cũng nhanh. Nhưng bao nhiêu đó là số vốn không nhỏ đối với người sản xuất cò con như mình. Buồn 5 phút !
Tôi như trút gánh nặng dùm Chân:
- Tưởng gì, thôi vậy coi như tai qua nạn khỏi, hao tài tiêu tai, tự an ủi cho đỡ buồn. Nếu cần chúng ta sẽ làm lại tất cả.
Chân cười mỉa mai:
- Ừa, nhờ Hoài “bảo ban” thế nên tôi bèn hết buồn để sống tiếp chứ tôi định khóc sướt mướt như trẻ nít bị đòn đó.
- Thôi không cà rỡn nữa, giờ nói chuyện nghiêm chỉnh đây, Chân có muốn nghe không?
Chân khoanh hai tay trên bàn, ngồi ngay ngắn rất ngoan:
- Xin lắng nghe.
- Tôi đang chán cái nghề đan len và định làm một việc khác dù tôi có thừa sự bền bỉ, cần cù và có hai bàn tay với 9 cái hoa vân. Nhân lúc mua cái giỏ xách này tôi nghĩ đến những sản phẩm mỹ nghệ từ cây dừa. Nó có tính đặc thù của xứ sở, vừa lạ mắt đối với du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa đời sống người dân bớt nghèo khổ đi, cái ăn cái mặc không còn là vấn đề quan trọng nữa. Người ta cần đồ chơi, đồ trang trí nội thất làm từ cây cối thảo mộc. Chúng ta sẽ hợp tác với nhau.
Chân đốt một điếu thuốc, phả ra làn khói trắng tan loãng trong không khí làm tôi ho sặc sụa. Chân vẫn thường đốt thuốc liên tục hết điếu này tới điếu khác và phớt lờ người chung quanh hoặc tưởng như người bên cạnh cũng yêu chuộng khói thuốc như anh. Giọng Chân trầm tĩnh:
- Theo Hoài chúng ta hợp tác như thế nào?
- Này nhé, anh có máy móc cần thiết để hỗ trợ các công đoạn cho nhanh. Lại có cái nhìn của người sáng tạo mỹ thuật. Tôi nói thật không đùa chút nào. Chẳng hạn anh có thể nhìn trái dừa điếc tạo dáng con khỉ hoặc cưa cắt lắp ghép từ miểng gáo dừa thành con gà, con cọp, con rùa, con chó… Tôi sẽ bán số vàng dành dụm được để làm vốn ban đầu. Cái thuận lợi là vật liệu để sản xuất rất rẻ như vỏ dừa, gáo dừa nguyên, dừa điếc. Ngay cả thân dừa nhà vườn đốn bỏ ta cũng tận dụng được.
Chân nói:
- Hay là tôi về bên quê lấy tro bếp đổ vào gốc dừa biến tất cả cây dừa đều cho trái điếc hết để ta có vật liệu làm được không?
- Lại là một ý tưởng ngông cuồng không thể tha thứ.
- Tôi đùa chút thôi Hoài đừng giận. Nói tiếp đi.
- Chỉ cần ta treo bảng “cần mua dừa điếc” là nhà vườn sẽ đem bán, miễn mình trả tiền xứng với công người ta gom nhặt. Hình như nhà vườn nào cũng có trái dừa điếc, bỏ vào lò cũng phí. Làm đồ mỹ nghệ từ cây dừa bây giờ cũng không phải là mới mẻ gì. Trước đây khá lâu tôi vẫn thấy rải rác trong dân gian nào mâm đựng ngũ quả, gạt tàn thuốc lá, con rồng con phượng, bình cắm hoa. Có điều bây giờ mình sản xuất thể nghiệm có tính giới thiệu, sau đó sẽ làm theo yêu cầu người mua chứ không làm theo ý cá nhân mình thích.
Chân băn khoăn:
- Có phải xin giấy phép không chứ chẳng may người ta tịch thu hay phạt nặng thì khốn.
- Đồng ý, tôi sẽ lo chuyện đó. Bây giờ tôi đang có gian nhà trống trước kia là nhà máy xay lúa của ông già. Anh và đứa cháu có thể đến ở hẳn cùng với đồ nghề. Tôi sẽ bỏ vốn ra mua vật liệu. Bước đầu mình sản xuất thử một số mặt hàng có tính thủ công gia đình. Tôi sẽ cùng làm với anh. Tôi sẽ mang sản phẩm đi chào hàng, đi ký gởi các nơi bán lẻ tôi quen ở chợ. Chắc là không lỗ. Ta sẽ trả công cháu anh sòng phẳng, lời bao nhiêu tôi và anh chia hai, lỗ cũng chia hai. Được chứ!
Chân cười ngất:
- Hoài tính toán chi li dữ quá.
Tôi nghiêm nghị:
- Tôi nói thật không đùa. Tôi sẽ không để anh bị hẹp hòi, thua thiệt. Nếu ăn nên làm  ra ta sẽ phát triển thêm, còn không khá thì giải tán, mỗi người tự cứu lấy mình cũng không có gì mất mát lớn phải hối tiếc. Vậy được không? Anh thôi cái nghề làm mõ đi.
Nhìn xa xăm ra cái khoảng sân trước nhà đôi mắt Chân dìu dịu, tiềm tàng nỗi mơ mộng bất trị. Tôi đọc đươc trong đó một trời thơ ngây trong sáng dẫu cho cuộc sống phải trải qua ngàn dâu biển. Nhìn mắt anh tôi cảm nhận được điều đó. Điều mà không dễ có ở tôi. Tôi thất vọng về con người. Tôi không bi quan. Đau đớn vì tình người trong cơn bĩ cực nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ đầu hàng số phận. Tôi tỉnh táo và thực tế hơn Chân. Trong máu tôi có sự kiên trì bền bỉ của mẹ. Có lòng quyết tâm làm giàu từ chính bàn tay mình của người cha. Thừa hưởng lối sống tiết kiệm đến keo kiệt của người từng bị chết đói những tháng năm ngặt nghèo của xứ sở. Và tôi cười ngạo nghễ trước những trò nhố nhăng lố bịch của cuộc đời bằng lòng kiêu hãnh của riêng tôi. Chưa bao giờ tôi thử so sánh giữa tôi và Chân. Chúng tôi gặp nhau là những người bạn cùng lớp và thân nhau bởi có nỗi buồn giống nhau. Nhưng gặp Chân thường tôi mới nhận ra Chân có nhiều cái khác tôi lắm. Chẳng hạn Chân có niềm thú vị từ sự lệ thuộc. Chân hút thuốc lá liên tục, thú vị vì điều đó và nếu không có thuốc sẽ là cái khổ không nhỏ. Và cứ sáng sáng nhất thiết nhất thiết phải có ly café, không café cả ngày sẽ nhạt nhẽo không làm gì nên hồn. Còn tôi, tôi chỉ cần cơm đủ ăn hàng ngày. Tôi có thể uống café, uống rượu nhưng không bao giờ nghiện. Tôi có thể từ bỏ bất cứ thói quen nào và không biến mình thành nô lệ của thói quen. Chân uống rượu khi vui bên bạn bè. Tôi chỉ uống rượu một mình, không có người thứ hai. Chân uống café để tỉnh táo, tôi luyện tỉnh táo cả khi không có café.
- Thế nào? Anh thấy đề nghị của tôi có thể thực hiện được chứ?
- Được, chẳng có gì là khó. Tôi về thu xếp công việc nhà rồi sẽ sang đây. Chừng khoảng hai tuần nữa. Chúng ta sẽ mua một số dừa cây, càng lão càng tốt, và mua miểng gáo, dừa điếc… vốn liếng không đáng  kể. Tôi còn một chiếc nhẫn sẽ góp vốn với Hoài.
Và rồi Chân ra về. Còn một mình tôi đi tới đi lui trong gian nhà rộng thênh thang đầy bụi bặm. Tôi quét dọn bớt bụi và rác. Từ lâu người ta đã tháo dỡ toàn bộ số máy móc để chuyển đến nơi khác làm nhà máy quốc doanh. Chỉ còn lại gian nhà trống rỗng. Mái tôn bắt đầu thủng đôi chỗ. Trên xà nhà xưa bồ câu hay bay đến đậu tìm thóc, lâu rồi cũng vắng bóng, chỉ có chim sẻ chim sâu bay vào ríu rít hoặc đôi khi những con dơi muỗi chui vào đập cánh loạt soạt. Nhà máy ép dầu cũng đã thành quốc doanh từ lâu và cách nơi ở khoảng 500 mét. Nơi đang ở tôi không nhìn thấy và cố không nghĩ đến sự có mặt của nó trên đời. May sao tôi còn được nhà để ở và chút đất đai mà xưa kia khi rời khỏi mảnh vườn ở quê cả nhà đùm túm kéo đến gầy dựng cơ ngơi mới.
Anh Tấn lại đến. Trông anh rất vui. Dựng xe đạp ở góc sân, vào nhà anh đã cười toe toét. Anh vội vã thắp nhang cho ba mẹ tôi. Anh luôn có cử chỉ ấy mỗi khi đến nhà. Thắp nhang, xá bốn xá thành kính cẩn trọng. Có lần anh nói xem ba má tôi như đấng sinh thành vì đã cưu mang anh và cho anh cuộc sống ấm áp của gia đình trong giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời. Anh nói vậy và tôi hay vậy. Anh uống nước và mồ hôi lấm tấm trên cánh mũi. Trông anh vui lắm.
- Gì mà anh có vẻ “hồ hởi” vậy?
- Hoài đoán xem. - Anh cười tủm tỉm. Không hiểu sao tôi thấy anh có vẻ tội nghiệp.
- Trời ạ. Làm sao tôi có thể đoán được cái gì vui đang đến ở anh. Xin thua. Tôi không có năng khiếu đoán định niềm vui của người khác.
- Hoài à, tôi được thông tin này có thể nói là chính xác trăm phần trăm. Nó liên quan đến gia đình mình là sắp tới sẽ có quyết định sửa lại thành phần gia đình sau khi cứu xét nhiều phương diện quá trình đóng góp cho kháng chiến và tính chất mua bán ngày xưa. Không là tư sản mại bản nữa mà là tư sản dân tộc.
Nếu không có anh Tấn ngồi đây tôi sẽ khóc oà. Tôi có thể khóc với Chân nhưng với anh Tấn thì không. Tôi phải lạnh. Phải tỉnh bơ như không có gì. Anh lại hỏi:
- Hoài nghe tôi nói gì không?
- Vẫn nghe.
Anh Tấn còn nói gì gì nữa tôi không để vào tai. Tự nhiên cơn chiêm bao ập đến với bao hình ảnh ngày tôi từ biệt Sư phạm trở về nhà. Nhà cửa trống huơ, trống hoác. Mọi cái tủ đều mở toang kể cả tủ sắt. Ba mẹ như cây cải xanh đem phơi nắng. Tôi thấy mẹ xắn cao ống quần đen lội xuống mương hái rau dừa có bông tím. Mẹ vẫy tay rủ tôi bước xuống, thấy con đỉa trâu vắt ngang bắp chân gầy ốm của bà, tôi hoảng quá hét lên: Con không leo xuống đâu. Mẹ lên mau đi. Tiếng hét của chính tôi làm tôi bừng tỉnh. Anh Tấn hơi sợ nhìn tôi ngần ngại:
- Hoài sao vậy?
Tôi trấn an anh:
- Không có gì đâu. Tôi chỉ chiêm bao thôi. Chẳng biết sao lâu rồi tôi không có nổi một giấc chiêm bao khi ngủ mà hay chiêm bao giữa lúc đang thức, đang đi đường và đang nói chuyện nữa, như trường hợp này.
Anh lo lắng hỏi:
- Lạ quá! Có bao giờ đang đứng trên ban công lầu cao, Hoài chiêm bao thấy có cầu thang và bước xuống không?
Tôi lắc đầu:
- Chưa bao giờ. Nếu đã xảy ra thì giờ đã thành ma rồi sao còn ngồi đây được. Có lúc nào đó đang đứng trên phà chạy giữa dòng sông, chiêm bao thấy phà cập bến và bước xuống sông, người ta sẽ nói mình thất tình tự tử hoặc điên. Rồi anh Tấn và Phụng, Hoàng sẽ đọc kinh cho tôi.
Anh Tấn phẩy tay:
- Nhảm nhí quá. Tôi thật sự không hiểu nổi.
- Hiểu làm gì cho chóng già, chóng chết.
Anh Tấn quay về chủ đề cũ:
- Mai này gia đình ta sẽ là tư sản dân tộc. Hoài có nghe không?
Tôi đi lấy mấy quả táo tỉ mẩn rửa sạch, lau khô rồi gọt vỏ, cắt ra thành từng miếng rồi đặt trong lòng chiếc dĩa sứ trắng tinh. Tôi mời anh.
-Này anh Tấn ăn đi. Táo này ngon tuyệt, đã cúng ba mẹ rồi đó. Hôm nay đi chợ tình cờ mua được cái giỏ trông hay quá bèn mua trái cây để vào xách đi trông rất có duyên. Anh có thấy vậy không?
Anh nhìn tôi rất lâu, chẳng hiểu sao anh nói chầm chậm, cái kiểu nói của anh cán bộ Đoàn thanh niên.
- Trong cuộc sống đừng nên để mất lòng tin.
Tôi đặt con dao gọt trái cây mũi nhọn, sáng loáng xuống mặt bàn và xoè bàn tay trước mặt anh:
- Tôi vẫn tràn trề lòng tin. Tin vào 9 cái vân tay của mình. Tôi sẽ làm những điều tôi muốn và nhất định thành công.