Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

QUÊ NHÀ

  
Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

         Người đàn bà lang thang một mình giữa sườn núi. Gió lồng lộng thổi. Trời xanh. Cây xanh và đá cũng xanh. Không có lửa, không có khói và không có tiếng nổ. Đất dưới chân bỗng rùng mình một cái và quả núi đá khổng lồ vỡ tung lên. Từng mảnh đá lớn nhỏ đổ ập xuống thân mình... Luôn luôn đó là hình ảnh kết thúc giấc mơ. Không hơn không kém, chị tỉnh giấc đúng vào thời điểm ấy và chưa hề biết sau đó như thế nào, kể cả cảm giác về cái chết. Chỉ còn  lại vây quanh là sự mệt mỏi, buồn bã khủng khiếp.
Người ta có thể giải mã hay đoán định được điềm lành dữ của giấc mơ. Người đàn bà thì không, nhưng chị biết chắc một điều đó là giấc mơ buồn vì ai có thể vui vẻ, nhảy cẩng lên trước sự đè bẹp thảm thương của đủ thứ mảnh vỡ ập xuống đầu.
Có dịp trò chuyện với một nhà sư, chị được trả  lời rằng có thể kiếp trước chị là người miền núi, chết do một trận động đất và bị vùi trong đá. Giấc chiêm bao ấy là một ám ảnh của tiền kiếp.
Không biết điều lý giải đó đúng không, nhưng nếu quả đúng như vậy thì kiếp này chị chỉ mong đừng bị đá vùi, đừng bị bất cứ một thứ gì tương tự bất thần đổ ập từ trên đầu xuống. Chỉ là giấc mơ thôi, nó cũng quá sức khủng khiếp và tràn đầy nỗi buồn mỗi lần chiêm nghiệm.
Cái tuổi quá bán của đời người đi qua đủ để mái tóc ngả màu tro. Chị đã thấy những con người tự chọn làm thân bèo để được nổi lên trên nhờ nước. Những người giẫm đạp lên kẻ thế cô để đi lên dù đó là bạn thân hay những mối quan hệ thiêng liêng hơn thế nữa. Thấy những con người liều mạng thí thân lăn xả vào những nơi đục trong dơ sạch để tìm lấy chút hư danh; những người tự nguyện làm thân hoạn quan để luôn hỉnh mũi săn tìm. Chị đã không cần cái người ta cần. Chị xem là trò hề cái người ta gọi là nghiêm chỉnh. Một kẻ đứng giữa chợ đời không mua, không bán, không tính toán thì không thể đứng giữa chợ làm kẻ ngoài cuộc. Cái chợ ấy đã hất chị sang bên làm một kẻ dại khờ, ngu ngơ và như người thua cuộc.
Sống ở đâu, bao giờ chị cũng có cảm giác một mình. Cái ấn tượng một mình luôn luôn trỗi dậy dù chị có cố sức lao vào đám đông hòa nhập với mọi công việc hay trò đùa của họ. Và cứ đêm đến thường vẫn gặp giấc mơ đá vùi.
Một ngày kia chị trở về quê hương. Đó là cái làng nghèo xơ xác nằm rải rác hai bên bờ sông ngoằn ngoèo, mỗi năm đưa về bốn tháng nước mặn, ba tháng nước ngập và sáu tháng mùa mưa. Mặt đường thường xuyên sình tấy lên và người ta phải sụt chân vào vũng lầy mà đến chợ, đi học, đi ra tỉnh. Có lẽ người kẻ chợ sẽ dễ nhận ra cái mùi đặc trưng của khách ở quê ra. Cái mùi “chân quê” mà không dễ gì “vơi đi ít nhiều” được.
Quê hương - hai tiếng ấy gợi biết bao cảm hứng để người ta viết bài hát, bài thơ. Người ta định nghĩa quê hương là chùm khế ngọt, có người nói nhớ đến quê hương người ta chỉ nhớ một bà điên. Cũng có những quê hương không có cả những thứ ấy, nhưng điều xưa nay đâu đâu cũng có đó là:
Làng quê có họ có hàng
Có làng có xóm lỡ làng có nhau.
Cái làng của chị vốn nghèo từ ngàn xưa và đến giờ nó cũng nghèo một cách tội nghiệp. Nơi đây có vườn, có sông và ao hồ, ruộng rẫy nhưng người làng quanh năm không đủ gạo ăn. Cứ xong mùa lúa là phải đi làm ở Đồng Tháp hoặc Long Khánh. Người ta vẫn chài lưới được cá tôm, cua tép và hầu như chẳng bao giờ dám ăn. Nó như những con vật bất khả xâm phạm được nâng niu giữ gìn, giao nộp có chỗ nơi, để rồi lấy những đồng bạc mua thêm gạo, cá biển ươn sình mà ăn. Người nghèo đôi khi tủn mủn vụn vặt, có thể gây nhau vì chuyện rất nhỏ nhưng hoàn cảnh của họ thường làm chị mủi lòng. Cái nghèo làm người ta gần gũi nhau. Lúc đầu chị về làng sống như một nông dân chính cống, cùng lo toan và vui với những cái rất nông dân. Vốn liếng dành dụm một đời và khu vườn nhỏ đủ để nuôi sống bản thân mà không lo thiếu đói. Có thể yên tâm đọc sách mà không sợ ai xét nét, chấm công từng giờ từng buổi. Không lo ai xỉa con mắt bình phẩm cái hiệu quả công việc hàng ngày. Chị đã từng ngồi nghe và cảm thông với nông dân về thất mùa, mía ế, cầu sập...
Và đêm đêm chị sống với ảo hình của mối tình đẹp và rất buồn. Đẹp đủ để thi vị một đoạn đời và buồn khi đã vĩnh biệt nhau chị không còn thấy ai tuyệt vời như người ấy. Nên thôi, yêu đương coi như chuyện của kiếp nào xa lắc. Còn kiếp này đành làm kẻ:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.

*
*    *

Cái bình lặng của làng quê sình lầy nghèo khổ bắt đầu dợn sóng khi có làn gió mới lùa vào của thời kỳ mở cửa. Sự đổi thay không biết nên vui hay buồn nhưng nó đột ngột khởi sắc như một phép lạ.
Bắt đầu là một Việt kiều về thăm quê hương sau gần hai mươi năm trời biệt xứ. Anh ta về xây lại cho cha mẹ ngôi nhà gạch khang trang, mua sắm mọi tiện nghi cần thiết ngoài sự mong chờ của gia đình. Người Việt kiều ấy còn tự nguyện bỏ tiền ra xây dựng và đắp cao con lộ của làng để thoát cảnh sình lầy. Anh ta được loa phóng thanh của xã ca ngợi về nghĩa cử yêu nước mà những năm trước cha mẹ anh bị mời tới lui nhiều lần về vấn đề nhà có người vượt biên... Cái đáng nói nhất là nhà anh ta mọc ra cái cát-sét phát đi bất kể ngày đêm với số đê-xi-ben rất lớn có thể nghe cả xóm nghèo. Rồi bà mẹ bảy mươi tuổi của anh áo quần chải chuốt, có thể đi dép đế cao mà đến chợ vì đâu còn sình lầy nữa. Và bà cũng không quên mang đồng hồ có mặt hình ô-van. Bà ta còn bảo nó quan trọng vô cùng. Đi chợ phải xem giờ, làm gì cũng phải xem giờ. Thời gian là tiền bạc mà tiền bạc là trên hết. Không biết bà phân chia bảng thời gian để sử dụng ra sao và nó biến thành tiền bạc như thế nào, nhưng tuyên ngôn của người đang giàu nhất xã không ai có ý kiến gì!
Nhà đối diện với người đàn bà nằm bên kia đường là nhà của vợ chồng trước kia làm sở Mỹ. Từ ngày cải tạo về làm ruộng được mười lăm năm. Anh ta cảm thấy thôi, không nên đi theo đuôi trâu nữa mà bỏ làng lên thành phố chạy chọt được một chân bồi phòng ở khách sạn. Anh khấm khá lên nhanh nhờ làm ca đêm và dẫn gái về cho khách ngoại kiều. Chẳng bao lâu, nhà anh cũng có ti-vi, cát-sét, nhà gạch... Lại thêm một cái loa khuếch đại âm thanh hết công suất như để thi với nhà Việt kiều. Không biết đồng tiền anh kiếm được nó chua, nó đắng thế nào nhưng về làng những thứ có được làm cho anh và cả nhà trở nên vênh váo, kênh kiệu với xóm làng.
Con gái trong làng phần lớn đổ xô về thành phố, nơi có quán bia ôm, cà phê đèn mờ hoặc làm người hầu cho tầng lớp quý tộc mới. Các cô cũng về làng với những bộ quần áo lửng thửng -  lửng thửng như bị ai xén bớt một phần - hoặc những áo đầm áo váy... Chỉ vài năm thôi, bàn tay thô ráp, đôi chân đóng phèn giờ như được phép tiên thay hình đổi dạng, sơn phết sặc sỡ trong những đôi giày cao gót. Người ta làm quán bia ôm có tiền chưng diện đã đành, những cô gái hầu nhà quý tộc khi về làng cũng cố xoay ra một bộ bảnh bao và mô-đen mới chịu.
Đàn bà, con gái trong xóm không ai bảo ai đều đồng bộ cắt và uốn tóc cho kịp tiến độ văn minh của làn gió mới. Nhiều tiệm may, tiệm uốn tóc mọc lên rất nhanh. Có những mái tóc đã bạc trắng cũng được cắt xén và làm cho quăn lên. Người ta đi chợ, đám tiệc mặc toàn đồ bộ đủ màu sắc, bông hoa tưởng chừng như họ vừa bước ra từ giấc ngủ.
Bên trái nhà người đàn bà là nhà của một nữ hộ sinh hưu non về làng mở nhà hộ sinh tư. Nói là hộ sinh nhưng chị ít đỡ đẻ cho những bà mẹ có thai nhi chín tháng tuổi. Không phải mạng lưới tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch có hiệu quả, nhưng vì những người đàn bà họ ý thức rằng sinh con nhiều sẽ làm họ xấu đi, dáng vẻ sồ sề khó coi. Và những cô gái choai choai chưa chồng họ cũng không muốn làm mẹ. Dù không cần làm trong biên chế Nhà nước nhưng người nữ hộ sinh này cũng rất khá giả nhờ những dịch vụ đó. Thu nhập của chị không thua kém gì những tay có tiền trong làng. Vậy mà ngày xưa người ta dám chê bai, coi khinh người làm mụ ngang với “xướng ca vô loại” đến nỗi con cái họ không được đi thi.
Dân giàu nước mới mạnh. Đó là điều đáng mừng khi có một người dân trong làng trở nên giàu. Nhưng có điều trên căn gác lửng của chị cũng mọc ra cái loa cát-sét cho hợp thời trang. Vào những giờ thiêng liêng của giấc ngủ trưa, cái loa ấy cũng phát đi những bài ca cải lương: “Em ơi đừng đẻ nữa” hoặc hai vợ chồng cãi nhau chí chóe về việc đặt vòng, đẻ ít, đẻ nhiều cũng trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Rồi đủ thứ giọng người trong mục rao vặt về băng vệ sinh cao cấp, trung cấp cho đến bao cao su ngừa thai... nó cũng phát đi với lượng đê-xi-ben rất lớn.
Bên phải ranh đất của chị là nhà bà hàng thịt. Thường xuyên cứ nửa đêm về sáng tiếng heo la giãy chết phát ra từ nhà ấy rồi đến sáng thương lái đến nhận thịt tỏa về các nơi bán lẻ. Bà hàng thịt có một cô gái sau mười bảy năm bặt vô âm tín nay lại trở về. Xưa kia cô làm kinh tài xã. Khi nắm trong tay số tiền kha khá có thể bỏ làng lập nghiệp, cô bèn cất bước ra đi không một lời cáo biệt. Mặc cho một số vị chức sắc trong  làng bề ngoài nhăn  nhó, bề trong lại cười thầm vì được ăn theo ít nhiều của bá tánh rồi đổ vào cái án thụt két của người ra đi.
Bây giờ không ai còn nhắc đến số tiền thụt két nữa. Làng này xưa nay có huông hễ ai quỵt nợ, huy động vốn rồi bay mất một thời gian trở về coi như không có gì xảy ra. Người đó vẫn ung dung hưởng thụ số tiền cướp được coi như cứt trâu để lâu hóa bùn. Huống hồ gì người ấy có dính dáng đến bao nhiêu nhân vật quan trọng trong làng. Lại là kẻ chân tu khoác bộ đồ đạo sĩ tự xưng là hiện thân của mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu xuống trần gian để cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Thời gian qua về núi, cô được học đạo và nhận lãnh sứ mệnh đó của mẹ. Nếu ai có cầu xin điều gì mẹ sẽ hiện lên để mách bảo, giáo huấn. Ai có đau bệnh gì mẹ bốc thuốc Nam và bấm huyệt để điều trị. Còn những kẻ mông muội, ương bướng khi bị phạt phải đến cầu xin mẹ để mẹ bày cách cúng kiến, xin được tha tội.
Như một điều kỳ diệu, người trong làng rất tin cô. Người ta kéo đến rất đông để nhờ chữa bệnh, để giải tội và còn tình nguyện làm đệ tử thọ giáo mẹ.
Người đàn bà thở dài. Cả đời chị chỉ mong được làm một người nhỏ nhoi, được làm bạn với con người trong cái cộng đồng con người mà còn gian khổ, khó khăn vô cùng, còn bị đá văng ra như một quả bóng. Làm cái việc  tự xưng là mẹ của cả nhân gian lại dễ dàng thế sao?
Với cái lòng tin đã khô kiệt, chị không cách gì tin được vào mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu nhưng chị không cảm thấy khó chịu khi thấy hàng đàn người lũ lượt kéo đến với mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu bằng tất cả lòng sùng bái ngưỡng vọng. Kể ra có một chút gì đó để ngưỡng vọng cũng hay hay nếu lòng mình còn có thể.
Nhưng nếu nhà bà hàng thịt chỉ dừng lại ở đó cũng không có điều gì đáng nói. Điều đáng sợ nhất đối với chị là nhà bà hàng thịt cũng có cái loa cát-sét của mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu phát đi những bài kinh cứu khổ cứu nạn, kinh cầu siêu, cầu hồn, rộn ràng tiếng chuông mõ. Những lời kinh có một trời tham vọng cứu rỗi cả loài người trên trái đất. Những băng kinh kệ phát đi rất khuya, nó sóng đôi âm thanh với cái ka-ra-ô-kê ở giữa xóm. Hoặc những bài kinh tiếng Phạn nhòa lẫn hòa âm với cái loa phát đi bát cơm chan máu hay chương trình rao thuốc trừ gián, đau trĩ. Những cái loa không ai chịu kém ai.
Đôi khi người đàn bà phải nhét bông gòn vào hai lỗ tai để được ngủ ngon một chút. Có khi đương nghĩ suy về điều gì thì một giọng nói chua loét xỉa vào lỗ tai như đâm thủng sang bên kia của một người đang rao vặt. Khu vườn của chị thì nhỏ quá, nó không đủ để cách ly âm thanh đủ thứ tràn vào nhà. Cái điều mơ ước nhỏ nhoi là làm kẻ dại khờ về một nơi vắng vẻ đã không đạt được. Chốn ấy lao xao giờ chắc hẳn lao xao hơn. Còn nơi vắng vẻ bây giờ không còn vắng vẻ nữa. Chỉ còn lại kẻ dại khờ bị lọt thỏm trong bốn bề, bị tra tấn đủ thứ âm thanh, đủ giọng điệu.
*
*    *
Một hôm có cơn trốt bất thần xoáy qua làm sập nhà trong lúc chị đi vắng. Cả xóm không nhà ai sập chỉ có sập nhà chị. Chị cất lại nhà nhỏ và gọn hơn. Không làm một cửa sổ nào, độc nhất một cửa ra vào hẹp đến nỗi phải nghiêng mình mới vào được. Chị gom tất cả những chồng sách báo cũ cho vào bao tải chất sát vách để ngăn bớt âm thanh. Vài ngàn cuốn sách dành dụm một đời nằm vòng quanh chị như một hang ổ, một công sự cuối cùng. Những cuốn sách như liều thuốc giảm đau, như người bạn tốt trò chuyện giúp chị quên đi những cay đắng của đời sống.
Bây giờ đàn ông uống rượu đã có các quán bia ôm. Cánh đàn bà mặc quần lửng hay mặc váy ngồi chồm hổm mà uống rượu bằng chén. Uống xong họ kéo nhau đến cái quán ka-ra-ô-kê thi nhau trình diễn những bản nhạc không tìm đâu thấy trên trái đất này. Có lẽ một trong những bi kịch của cuộc đời là kẻ hát không hay cứ ngộ nhận là mình hát hay nên rất hay hát và cái đỉnh cao của bi kịch là kẻ ấy bắt người khác phải nghe mình hát.
Người đàn bà không thích ra đường hoặc đi chợ cũng rất hạn chế. Người không biết uống ruợu, không biết nghe nhạc thời thượng, không biết nói chuyện tào lao, không có lòng tin vào thần thánh, không có nhu cầu cắt tóc sơn móng tay hay đặt vòng, hút thai... thì hòa nhập vào đâu.
Chị xách cái giỏ chất đầy thức ăn, đặt xuống nghỉ chân bên đầu cầu. Con đường bây giờ không sình tấy lên nữa nhưng sao chị thấy ngao ngán và nó như dài ra thêm. Người đàn bà mang đồng hồ hình ô-van ngồi xuống gợi chuyện:
- Lâu nay không thấy cô đi chợ?
- Tự nhiên đâm ra lười quá chị ơi, với lại một mình ăn thế nào cũng xong.
- Mua cái gì ăn? - Vừa nói bà ta vừa lia đôi mắt vào giỏ như sục sạo, như ước lượng sức mua của người khác. Rồi bà ta trợn mắt:
- Có một mình mua chi nhiều vậy?
- Ăn cả tuần - Chị đáp hờ hững không cần người đối diện nghe.
Mất hứng trong việc xoi mói bằng mắt, bà ta chuyển tông bằng cách vỗ vai chị:
- Này, bữa nào rảnh đến nhà tôi. Có mấy băng nhạc giao hưởng tuyệt lắm. - Bà ta diễn tả cái tuyệt ấy bằng cách chép miệng và lim dim hai con mắt.
Người đàn bà lắc đầu:
- Xin chịu thua. Tôi không biết nghe nhạc giao hưởng đâu.
*
*    *
Tin đồn có sức lan nhanh như một trận dịch. Đầu tiên là có một người ốm nghén đi hái trộm khế trong vườn của chị. Nói là hái trộm vì không hỏi qua chủ nhà một tiếng, thật ra là người ấy đã ngồi dưới gốc ăn chán chê, xong còn hái một giỏ xách ra cái quán ngã ba đường ăn tiếp với một đám đàn bà tán đủ chuyện tào lao trên đời. Cả xóm ai cũng biết cây khế ngọt ấy. Lúc trước đến mùa trái chín chị thường đem cho mọi người chung quanh.
Chợ chồm hổm ăn khế ấy tọa đàm nhiều chủ đề thời sự, từ chuyện suy thận, liệt dương đến chuyện đặt vòng, hút thai. Rồi câu chuyện được chuyển chủ đề sang gánh hát cải lương mới vừa đến làng. Người ta say sưa bàn luận những khuôn mặt đào kép, những vở tuồng, rồi khen chê như nhà phê bình có tầm cỡ. Cuối cùng người đàn bà trộm khế như sực nhớ ra điều cực kỳ quan trọng mà nãy giờ quên chưa nói về cái da rắn khô vắt ngang gốc vú sữa. Chị ta nói thấp giọng gần như thì thầm, nhưng con mắt trợn và cặp chân mày nhướng lại có sức thu hút sự quan tâm của người khác.
- Chút nữa thì tôi quên. Lúc hái khế trong vườn bà Tam tôi đã gặp một con rắn bự bằng cườm tay bò ngang.
- Thật sao? - Một giọng nói cất lên đầy chú ý.
- Nếu nó bò ngang thì cũng ít ghê. Đàng này nó bò tuốt vô vách nhà bà Tam mới ghê chứ! Tôi bước chân theo dõi ở chỗ vách nhà có một lỗ tròn bằng miệng chén, dấu đất mòn nhẵn. Nó mòn láng đến mức tui dám chắc cả đàn rắn thay nhau ra vào thường xuyên. Và tui còn nghe bả nói: Đi đâu cả đêm nay không về. Có ngày người ta đập chết. Không có tiếng trả lời. Rõ ràng bả nói với con rắn mới bò vào.
Mọi người đồng loạt ồ lên.
- Hèn chi... Dám rắn của bả nuôi đó mấy bà ơi. Ghê quá.
Có giọng nói quả quyết:
- Mấy năm gần đây thấy bả khác lắm. Khi  không lầm lì ít nói, không đi đâu chơi bời nhậu nhẹt với ai. Từ hồi cái nhà cũ sập đi, cất lại cái nhà mới không giống ai. Nhà gì mà không có cửa sổ. Không cửa sau, cửa hông. Chỉ có một cửa trước hẹp té, phải nghiêng người mới qua được. Có quỷ mới thèm vào nhà bả.
- Rắn vào chứ! - Một giọng khác đính chính.
Một chị mặc đồ bộ bằng vải bông, có đôi mắt được xâm khóe rất kỹ vỗ hai bàn tay có những móng nhọn sơn màu kiếng sen vào nhau nói như đinh đóng cột:
- Phải rồi. Cộng hết những điều vừa kể nhứt định bả nuôi rắn rồi. Không sai.
Cuối cùng cái chợ chồm hổm ăn khế cũng giải tán, ai về nhà nấy với kết luận như vậy. Những thành viên của cái chợ lịch sử ấy cũng có gia đình, có chồng và con nít đủ cỡ. Và họ xem cái việc phải phổ biến lại điều quan trọng ở vườn bà Tam là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Chẳng bao lâu ở những đám giỗ, đám ma, quán nhậu, đám đình miễu, những người đàn ông ngồi lại với nhau nhướng nhướng cặp chân mày, vễnh vễnh cái môi cong nồng nặc mùi rượu phát đi những thông tin mới và chính xác:
- Bà Tam thật sự là người nuôi rắn lâu năm.
Có người quả quyết thấy bầy rắn bò đi ăn trong vườn rậm rạp của bà. Con rắn chúa to bằng cột nhà, có mồng đỏ chót.
Có người đã đập được con rắn bự trong vườn của bà đem về nhậu và chính y đã nghe được tiếng khóc thảm thiết của bà khi biết con rắn yêu dấu của mình bị người ta giết chết.
Giọng đàn ông bồi thêm:
- Bây giờ mới biết bà Tam là một phù thủy rắn. Nuôi rắn lâu năm làm gì nếu không phải có mối quan hệ đặc biệt với rắn. Lúc đầu tui tưởng bả thất tình cha nào nên sống khổ hạnh như nhà tu hành. Ra đường bả có để ý đến ai đâu. Người gì mà không biết có đàn ông trên đời và cũng không biết tuốt việc mình là đàn bà, lại là đang tuổi hồi xuân thì quả là một người không bình thường. Đúng là có quan hệ quái gở với loài rắn.
- Bả đi chợ mua thật nhiều đồ ăn trong khi chỉ một mình. Rắn ăn!
Ở trường học thì trẻ em có nhiệm vụ rỉ tai nhau về tin bà Tam phù thủy rắn và tha hồ thêu dệt thêm những điều theo trí tưởng tượng của mình.
Nếu tin đồn kia chỉ dừng lại ở phạm vi một làng thì cơn dịch được khoanh vùng và xử lý. Đàng này sức lan truyền của nó lan rộng nhanh từ làng này sang làng khác, rồi huyện, rồi tỉnh, rồi cả tỉnh lân cận. Người ta gác bỏ việc nhà, việc công để kéo nhau sang xem tận mắt cho thỏa thích sức hiếu kỳ.
Những lời đồn đại của kẻ ngồi lê đôi mách lọt đến tai người đàn bà, chị có thái độ tỉnh bơ như không. Nó chẳng là cái gì đối với chị. Nhưng cho đến một hôm có người trưởng công an xã đến nhà nghiêm chỉnh hỏi chị về việc bà có nuôi rắn hay không. Nếu có là bao nhiêu con, bao lâu rồi và bao nhiêu loại?
Lúc đó chị mới giật mình về sức mạnh của cái tin đồn, không ngờ nó có sức lay động đến cơ quan chính quyền ở địa phương. Thực sự chị cảm thấy giận nhưng vẫn từ tốn bảo rằng:
- Xưa nay tôi rất sợ rắn, làm gì có chuyện nuôi chúng trong nhà?
Người đại diện cơ quan công quyền ấy ra về. Nhưng đến chiều đoàn thể phụ nữ lại đến cũng những câu hỏi như trên nhưng dùng những lời lẽ ngọt nhạt để thuyết phục. Rồi những người đồng phái ấy cũng ra về. Hôm sau, Chủ tịch Ủy ban lại đến cũng những điều ấy được lặp lại.
Chị cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Lòng thành thật của mình bị lăng nhục. Mỗi điều nói thật như một cứ liệu xác minh về sự dối trá. Nó bị ném đi vào cõi thinh không và phản hồi một sự xúc phạm khủng khiếp.
Lố nhố đầy vườn, đầy sân là những con mắt, những cái đầu nhòm ngó trâng tráo vào nhà, vào con người của chị. Người từ mọi nơi, mọi phía kéo về, nào đi bộ, đi xe đạp, xe máy... Chị chỉ còn cách đóng kín đi cánh cửa duy nhất trong nhà mình nhưng vẫn không ngăn được âm thanh bên ngoài xộc vào:
- Rắn đâu? Trong nhà hả?
- Ừ, nhiều lắm.
- Sao không  mở cửa ra, bà phù thủy rắn?
Người đàn bà nổi điên lên. Chị mở cửa ra chửi vào cái đám đông độc mồm độc miệng hơn loài rắn. Mồm mép họ có sức giết chết sự yên ổn cần thiết của chị. Và chị đóng sập cánh cửa trước mũi của họ.
Đám đông đồng tình xác nhận:
- Nhất định phải có rắn trong nhà, chứ không bả đã mở cửa cho vào xem, việc gì phải đóng.
Người đàn bà đã trải qua hàng tháng trời kinh khủng như thế. Một tháng dài bằng cả đời người. Một  mình chịu sự tra tấn của cả cái đám đông chung quanh đủ hạng người lạ hoắc lạ huơ. Cái đám đông tàn nhẫn.
Cho đến một ngày chiếc xe hơi đậu trước sân nhà nhả ra hàng đàn người gồm chính quyền địa phương, công an xã, thầy thuốc rắn của tỉnh và các nhà chuyên môn về rắn của khu vực. Đại diện đoàn người nói văn tắt lý do đến nhà gồm những mục đích:
- Vì sự an ninh của xóm ấp không cho người nuôi rắn bất hợp pháp.
- Xét nhiều hiện tượng hoài nghi có nuôi rắn mà chủ nhà không tự giác khai báo nên lập biên bản xét nhà.
- Thầy thuốc rắn có mặt để phân định loại rắn và xử lý nếu có sự cố.
Người ta làm cái công việc muốn làm để tìm rắn. Theo họ thì người đàn bà không thật thà khai báo nên buộc  lòng họ phải dùng đến phương pháp tự tìm ra rắn. Mọi ngõ ngách trong nhà không tìm ra rắn, nhà bếp, phòng ngủ, cho đến cái trảng-xê làm bằng xi măng trên mặt là bộ ván lót bằng gạch bông được xây hồi chiến tranh, người ta cũng pha đèn vào để tìm. Không có rắn. Cuối cùng người ta nhìn đến những bao tải chất xung quanh nhà. Rồi những bao tải được nhẹ nhàng cẩn trọng khiêng khỏi nhà và đốt đi để rắn trong ấy sẽ chui ra. Những cuốn sách biến thành tro than trong chốc lát. Những tên người, tác giả của sách bị cháy đi như những oan hồn vẫy vùng trong lửa đỏ. Chỉ còn lại tro than bay tơi bời trong gió.
Chưa hết. Người ta vẫn chưa thôi ý nghĩ có rắn trong nhà. Mọi điều chị nói không ai tin. Rắn ở một chỗ bí mật nào đó mà chị mới có cách riêng để gọi rắn ra.
Người ta hẹn trong năm ngày nữa sẽ trở lại nhận rắn và chị chủ nhà phải giao nộp tất cả bằng sự thành khẩn.
Lần thứ ba, đoàn người đến mang theo những dụng cụ để đào bới. Có thuốc xông, hơi ngạt và cả một nghệ sĩ thổi sáo bài dụ rắn. Tất cả đều không tìm được cái người ta muốn tìm. Người đàn bà không có rắn để giao.
Trước sự hụt hẫng của đám đông, sự chìm đi của khí thế mỗi người một kiểu, mỗi vẻ mặt khiến người đàn bà bật cười ha hả. Chị nói:
- Còn cách nào để tìm ra rắn không? Bây giờ tôi sẽ đốt cái nhà này để xem có rắn chui ra hay không?
Và chị ngửa mặt ra mà cười vào cái đám đông ấy. Tiếng cười làm cho đoàn người im lặng cũng như ý định đốt nhà làm họ sực tỉnh, bỏ đi và hội ý:
- Cái cười bà ta nghe mới ghê chứ!
- Rõ ràng đôi mắt bà ta nó dài dại làm sao, nó không bình thường.
- Nhà không cửa sổ, không cửa sau cả cửa tò vò là không bình thường.
- Cái kiểu bà ta độc thân tới ngần này tuổi cũng là triệu chứng không bình thường.
Bây giờ người ta không nói đến chuyện rắn. Thậm chí lời xin lỗi về sự lố bịch cũng không và họ đi đến quyết định hết sức hay ho và nhân đạo là đưa người đàn bà phù thủy rắn vào nhà thương điên để chữa trị vì bà có hiện tượng tâm thần nặng.
Hôm ấy những nhà ven đường tận mắt thấy người đàn bà bị cột hai tay hai chân để xe đưa vào nhà thương điên của tỉnh. Trước thiện ý của người tốt bụng, bà ta không ngớt la hét, chửi rủa. Quả là người điên mới không biết điều như vậy.

*
*    *

- Ông bác sĩ ạ, tôi hứa rằng tôi sẽ giết ông nếu ông còn tìm cách giữ tôi ở lại cái chỗ quái quỷ này. Ông giả vờ hay thực sự ông không biết, tôi cũng xin nói rõ rằng tôi không hề mắc bệnh điên. Hãy trả tôi về chỗ của tôi. Một khoảng trời nhỏ nhoi, yên  bình để sống. Tôi chưa bao giờ giẫm đạp lên cuộc đời của ai, cũng không hề xỉa bước vào phần đời của người khác lại càng không có tham vọng dẫn bước ai phải đi theo cách sống của tôi.
Quá đủ rồi ông! Tôi đã kiệt sức vì chịu đựng. Ông có biết cái giá phải trả cho những kẻ chà đạp thô bạo lên cuộc đời một người không còn chỗ để lùi nữa không?
Cái nhìn tóe lửa và lời nói để đáp lại những câu hỏi sơ đẳng về tâm lý, cách thăm dò bệnh trạng của người bác sĩ tâm thần hãy còn trẻ. Y biết rằng y đang ngồi trước mặt ai và y phải làm gì.
Chị trở về làng lúc nửa đêm. Trăng lên cao vằng vặc sáng. Bóng trăng rập rờn dưới hai bàn chân thất thểu. Con đường làng quen thuộc chị đã đi từ những tháng ngày còn thơ bé bây giờ như dậy lên những con sóng. Chị cầm cái giấy chứng nhận rằng mình không mắc bệnh tâm thần và được trả về cuộc sống bình thường.
Bình thường! Còn có thể gọi là bình thường được sao khi mà mọi cái bình thường được xới tung lên. Rồi mai người trong làng thoáng thấy bóng chị sẽ lãng ra xa. Những kẻ tụm năm, tụm ba chỉ chỏ, nhướng mày. Rồi mai lũ trẻ trong làng sẽ ném đá chòng ghẹo mụ phù thủy rắn. Rồi mai bước vào khu vườn nhỏ thân yêu chị vẫn mong nó là nơi mình có quyền tự do muốn trồng trọt, hủy diệt, dung dưỡng cây nào theo ý thích, giờ chỉ còn lại dấu đào bới và cây cối xác xơ.
Quê hương ai cũng cho đó là phần đất thiêng liêng làm một cõi đi về. Quê hương nơi chị từng mong đó là chỗ cuối cùng để dừng chân và bây giờ nó cũng là nơi để dừng chân nhận bản án không phải lưu đày biệt xứ mà lưu đày ngay trên quê nhà.
Từ rất xưa có một con quạ nào ăn khế của nhà ai đó và trả lại một bao tải vàng ròng. Và người ta  thỏa lòng, thỏa dạ với bao tải vàng đó. Biết bao con người từng cười mãn nguyện với vốn liếng bỏ ra đáng là một quả khế và thu về vàng ròng. Còn người cao tay hơn nữa đã từng thu về vô số vàng ròng mà không hề mất đi một cái gì dù là một quả khế.
Cây khế vườn nhà chị đã từng cho không, biếu không, người ta đã hái đi trụi quả trên cành, chị không có tham vọng ai trả vàng cho mình. Nếu có trả thì lấy khế trả khế cũng là sòng phẳng lắm rồi. Rõ ràng chị không hề mở ra một cuộc đổi chác lấy khế trả lại một đàn rắn độc. Vô vàn rắn độc. Đàn rắn vô hình đã bò ngang phần đời hẩm hiu của chị.
Cánh cửa duy nhất chỉ một người lách qua được khép kín. Đẩy cửa bước vào, luồng ánh sáng từ ngoài nặng nề, miễn cưỡng tràn vào khoảng không gian lạnh và ẩm.
Bình thường! Người ta đã trả lại sự bình thường cho những gì từ nay không còn bình thường được nữa. Chị ngã lưng xuống cái giường ngủ quen thuộc. Ánh trăng theo những vết thủng trên mái lá rọi xuống loang lổ trên chỗ nằm. Ánh trăng vỗ về những vết đau trong lòng chị. Chị chờ mong giấc ngủ đến. Lần đầu tiên trong đời chị cảm thấy giấc mơ núi vỡ không đáng sợ. Có lẽ bị đá vùi không khủng khiếp lắm.

PTNĐ

Địa chỉ liên hệ:
PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP
Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre
Số 02 Trần Quốc Tuấn, Phường 2, Thành phố Bến Tre
Điện thoại: 0753864357 – DĐ: 0976975980










Quê nhà

Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

         Người đàn bà lang thang một mình giữa sườn núi. Gió lồng lộng thổi. Trời xanh. Cây xanh và đá cũng xanh. Không có lửa, không có khói và không có tiếng nổ. Đất dưới chân bỗng rùng mình một cái và quả núi đá khổng lồ vỡ tung lên. Từng mảnh đá lớn nhỏ đổ ập xuống thân mình... Luôn luôn đó là hình ảnh kết thúc giấc mơ. Không hơn không kém, chị tỉnh giấc đúng vào thời điểm ấy và chưa hề biết sau đó như thế nào, kể cả cảm giác về cái chết. Chỉ còn  lại vây quanh là sự mệt mỏi, buồn bã khủng khiếp.
Người ta có thể giải mã hay đoán định được điềm lành dữ của giấc mơ. Người đàn bà thì không, nhưng chị biết chắc một điều đó là giấc mơ buồn vì ai có thể vui vẻ, nhảy cẩng lên trước sự đè bẹp thảm thương của đủ thứ mảnh vỡ ập xuống đầu.
Có dịp trò chuyện với một nhà sư, chị được trả  lời rằng có thể kiếp trước chị là người miền núi, chết do một trận động đất và bị vùi trong đá. Giấc chiêm bao ấy là một ám ảnh của tiền kiếp.
Không biết điều lý giải đó đúng không, nhưng nếu quả đúng như vậy thì kiếp này chị chỉ mong đừng bị đá vùi, đừng bị bất cứ một thứ gì tương tự bất thần đổ ập từ trên đầu xuống. Chỉ là giấc mơ thôi, nó cũng quá sức khủng khiếp và tràn đầy nỗi buồn mỗi lần chiêm nghiệm.
Cái tuổi quá bán của đời người đi qua đủ để mái tóc ngả màu tro. Chị đã thấy những con người tự chọn làm thân bèo để được nổi lên trên nhờ nước. Những người giẫm đạp lên kẻ thế cô để đi lên dù đó là bạn thân hay những mối quan hệ thiêng liêng hơn thế nữa. Thấy những con người liều mạng thí thân lăn xả vào những nơi đục trong dơ sạch để tìm lấy chút hư danh; những người tự nguyện làm thân hoạn quan để luôn hỉnh mũi săn tìm. Chị đã không cần cái người ta cần. Chị xem là trò hề cái người ta gọi là nghiêm chỉnh. Một kẻ đứng giữa chợ đời không mua, không bán, không tính toán thì không thể đứng giữa chợ làm kẻ ngoài cuộc. Cái chợ ấy đã hất chị sang bên làm một kẻ dại khờ, ngu ngơ và như người thua cuộc.
Sống ở đâu, bao giờ chị cũng có cảm giác một mình. Cái ấn tượng một mình luôn luôn trỗi dậy dù chị có cố sức lao vào đám đông hòa nhập với mọi công việc hay trò đùa của họ. Và cứ đêm đến thường vẫn gặp giấc mơ đá vùi.
Một ngày kia chị trở về quê hương. Đó là cái làng nghèo xơ xác nằm rải rác hai bên bờ sông ngoằn ngoèo, mỗi năm đưa về bốn tháng nước mặn, ba tháng nước ngập và sáu tháng mùa mưa. Mặt đường thường xuyên sình tấy lên và người ta phải sụt chân vào vũng lầy mà đến chợ, đi học, đi ra tỉnh. Có lẽ người kẻ chợ sẽ dễ nhận ra cái mùi đặc trưng của khách ở quê ra. Cái mùi “chân quê” mà không dễ gì “vơi đi ít nhiều” được.
Quê hương - hai tiếng ấy gợi biết bao cảm hứng để người ta viết bài hát, bài thơ. Người ta định nghĩa quê hương là chùm khế ngọt, có người nói nhớ đến quê hương người ta chỉ nhớ một bà điên. Cũng có những quê hương không có cả những thứ ấy, nhưng điều xưa nay đâu đâu cũng có đó là:
Làng quê có họ có hàng
Có làng có xóm lỡ làng có nhau.
Cái làng của chị vốn nghèo từ ngàn xưa và đến giờ nó cũng nghèo một cách tội nghiệp. Nơi đây có vườn, có sông và ao hồ, ruộng rẫy nhưng người làng quanh năm không đủ gạo ăn. Cứ xong mùa lúa là phải đi làm ở Đồng Tháp hoặc Long Khánh. Người ta vẫn chài lưới được cá tôm, cua tép và hầu như chẳng bao giờ dám ăn. Nó như những con vật bất khả xâm phạm được nâng niu giữ gìn, giao nộp có chỗ nơi, để rồi lấy những đồng bạc mua thêm gạo, cá biển ươn sình mà ăn. Người nghèo đôi khi tủn mủn vụn vặt, có thể gây nhau vì chuyện rất nhỏ nhưng hoàn cảnh của họ thường làm chị mủi lòng. Cái nghèo làm người ta gần gũi nhau. Lúc đầu chị về làng sống như một nông dân chính cống, cùng lo toan và vui với những cái rất nông dân. Vốn liếng dành dụm một đời và khu vườn nhỏ đủ để nuôi sống bản thân mà không lo thiếu đói. Có thể yên tâm đọc sách mà không sợ ai xét nét, chấm công từng giờ từng buổi. Không lo ai xỉa con mắt bình phẩm cái hiệu quả công việc hàng ngày. Chị đã từng ngồi nghe và cảm thông với nông dân về thất mùa, mía ế, cầu sập...
Và đêm đêm chị sống với ảo hình của mối tình đẹp và rất buồn. Đẹp đủ để thi vị một đoạn đời và buồn khi đã vĩnh biệt nhau chị không còn thấy ai tuyệt vời như người ấy. Nên thôi, yêu đương coi như chuyện của kiếp nào xa lắc. Còn kiếp này đành làm kẻ:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.

*
*    *

Cái bình lặng của làng quê sình lầy nghèo khổ bắt đầu dợn sóng khi có làn gió mới lùa vào của thời kỳ mở cửa. Sự đổi thay không biết nên vui hay buồn nhưng nó đột ngột khởi sắc như một phép lạ.
Bắt đầu là một Việt kiều về thăm quê hương sau gần hai mươi năm trời biệt xứ. Anh ta về xây lại cho cha mẹ ngôi nhà gạch khang trang, mua sắm mọi tiện nghi cần thiết ngoài sự mong chờ của gia đình. Người Việt kiều ấy còn tự nguyện bỏ tiền ra xây dựng và đắp cao con lộ của làng để thoát cảnh sình lầy. Anh ta được loa phóng thanh của xã ca ngợi về nghĩa cử yêu nước mà những năm trước cha mẹ anh bị mời tới lui nhiều lần về vấn đề nhà có người vượt biên... Cái đáng nói nhất là nhà anh ta mọc ra cái cát-sét phát đi bất kể ngày đêm với số đê-xi-ben rất lớn có thể nghe cả xóm nghèo. Rồi bà mẹ bảy mươi tuổi của anh áo quần chải chuốt, có thể đi dép đế cao mà đến chợ vì đâu còn sình lầy nữa. Và bà cũng không quên mang đồng hồ có mặt hình ô-van. Bà ta còn bảo nó quan trọng vô cùng. Đi chợ phải xem giờ, làm gì cũng phải xem giờ. Thời gian là tiền bạc mà tiền bạc là trên hết. Không biết bà phân chia bảng thời gian để sử dụng ra sao và nó biến thành tiền bạc như thế nào, nhưng tuyên ngôn của người đang giàu nhất xã không ai có ý kiến gì!
Nhà đối diện với người đàn bà nằm bên kia đường là nhà của vợ chồng trước kia làm sở Mỹ. Từ ngày cải tạo về làm ruộng được mười lăm năm. Anh ta cảm thấy thôi, không nên đi theo đuôi trâu nữa mà bỏ làng lên thành phố chạy chọt được một chân bồi phòng ở khách sạn. Anh khấm khá lên nhanh nhờ làm ca đêm và dẫn gái về cho khách ngoại kiều. Chẳng bao lâu, nhà anh cũng có ti-vi, cát-sét, nhà gạch... Lại thêm một cái loa khuếch đại âm thanh hết công suất như để thi với nhà Việt kiều. Không biết đồng tiền anh kiếm được nó chua, nó đắng thế nào nhưng về làng những thứ có được làm cho anh và cả nhà trở nên vênh váo, kênh kiệu với xóm làng.
Con gái trong làng phần lớn đổ xô về thành phố, nơi có quán bia ôm, cà phê đèn mờ hoặc làm người hầu cho tầng lớp quý tộc mới. Các cô cũng về làng với những bộ quần áo lửng thửng -  lửng thửng như bị ai xén bớt một phần - hoặc những áo đầm áo váy... Chỉ vài năm thôi, bàn tay thô ráp, đôi chân đóng phèn giờ như được phép tiên thay hình đổi dạng, sơn phết sặc sỡ trong những đôi giày cao gót. Người ta làm quán bia ôm có tiền chưng diện đã đành, những cô gái hầu nhà quý tộc khi về làng cũng cố xoay ra một bộ bảnh bao và mô-đen mới chịu.
Đàn bà, con gái trong xóm không ai bảo ai đều đồng bộ cắt và uốn tóc cho kịp tiến độ văn minh của làn gió mới. Nhiều tiệm may, tiệm uốn tóc mọc lên rất nhanh. Có những mái tóc đã bạc trắng cũng được cắt xén và làm cho quăn lên. Người ta đi chợ, đám tiệc mặc toàn đồ bộ đủ màu sắc, bông hoa tưởng chừng như họ vừa bước ra từ giấc ngủ.
Bên trái nhà người đàn bà là nhà của một nữ hộ sinh hưu non về làng mở nhà hộ sinh tư. Nói là hộ sinh nhưng chị ít đỡ đẻ cho những bà mẹ có thai nhi chín tháng tuổi. Không phải mạng lưới tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch có hiệu quả, nhưng vì những người đàn bà họ ý thức rằng sinh con nhiều sẽ làm họ xấu đi, dáng vẻ sồ sề khó coi. Và những cô gái choai choai chưa chồng họ cũng không muốn làm mẹ. Dù không cần làm trong biên chế Nhà nước nhưng người nữ hộ sinh này cũng rất khá giả nhờ những dịch vụ đó. Thu nhập của chị không thua kém gì những tay có tiền trong làng. Vậy mà ngày xưa người ta dám chê bai, coi khinh người làm mụ ngang với “xướng ca vô loại” đến nỗi con cái họ không được đi thi.
Dân giàu nước mới mạnh. Đó là điều đáng mừng khi có một người dân trong làng trở nên giàu. Nhưng có điều trên căn gác lửng của chị cũng mọc ra cái loa cát-sét cho hợp thời trang. Vào những giờ thiêng liêng của giấc ngủ trưa, cái loa ấy cũng phát đi những bài ca cải lương: “Em ơi đừng đẻ nữa” hoặc hai vợ chồng cãi nhau chí chóe về việc đặt vòng, đẻ ít, đẻ nhiều cũng trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Rồi đủ thứ giọng người trong mục rao vặt về băng vệ sinh cao cấp, trung cấp cho đến bao cao su ngừa thai... nó cũng phát đi với lượng đê-xi-ben rất lớn.
Bên phải ranh đất của chị là nhà bà hàng thịt. Thường xuyên cứ nửa đêm về sáng tiếng heo la giãy chết phát ra từ nhà ấy rồi đến sáng thương lái đến nhận thịt tỏa về các nơi bán lẻ. Bà hàng thịt có một cô gái sau mười bảy năm bặt vô âm tín nay lại trở về. Xưa kia cô làm kinh tài xã. Khi nắm trong tay số tiền kha khá có thể bỏ làng lập nghiệp, cô bèn cất bước ra đi không một lời cáo biệt. Mặc cho một số vị chức sắc trong  làng bề ngoài nhăn  nhó, bề trong lại cười thầm vì được ăn theo ít nhiều của bá tánh rồi đổ vào cái án thụt két của người ra đi.
Bây giờ không ai còn nhắc đến số tiền thụt két nữa. Làng này xưa nay có huông hễ ai quỵt nợ, huy động vốn rồi bay mất một thời gian trở về coi như không có gì xảy ra. Người đó vẫn ung dung hưởng thụ số tiền cướp được coi như cứt trâu để lâu hóa bùn. Huống hồ gì người ấy có dính dáng đến bao nhiêu nhân vật quan trọng trong làng. Lại là kẻ chân tu khoác bộ đồ đạo sĩ tự xưng là hiện thân của mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu xuống trần gian để cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Thời gian qua về núi, cô được học đạo và nhận lãnh sứ mệnh đó của mẹ. Nếu ai có cầu xin điều gì mẹ sẽ hiện lên để mách bảo, giáo huấn. Ai có đau bệnh gì mẹ bốc thuốc Nam và bấm huyệt để điều trị. Còn những kẻ mông muội, ương bướng khi bị phạt phải đến cầu xin mẹ để mẹ bày cách cúng kiến, xin được tha tội.
Như một điều kỳ diệu, người trong làng rất tin cô. Người ta kéo đến rất đông để nhờ chữa bệnh, để giải tội và còn tình nguyện làm đệ tử thọ giáo mẹ.
Người đàn bà thở dài. Cả đời chị chỉ mong được làm một người nhỏ nhoi, được làm bạn với con người trong cái cộng đồng con người mà còn gian khổ, khó khăn vô cùng, còn bị đá văng ra như một quả bóng. Làm cái việc  tự xưng là mẹ của cả nhân gian lại dễ dàng thế sao?
Với cái lòng tin đã khô kiệt, chị không cách gì tin được vào mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu nhưng chị không cảm thấy khó chịu khi thấy hàng đàn người lũ lượt kéo đến với mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu bằng tất cả lòng sùng bái ngưỡng vọng. Kể ra có một chút gì đó để ngưỡng vọng cũng hay hay nếu lòng mình còn có thể.
Nhưng nếu nhà bà hàng thịt chỉ dừng lại ở đó cũng không có điều gì đáng nói. Điều đáng sợ nhất đối với chị là nhà bà hàng thịt cũng có cái loa cát-sét của mẹ Lê Sơn Thánh Mẫu phát đi những bài kinh cứu khổ cứu nạn, kinh cầu siêu, cầu hồn, rộn ràng tiếng chuông mõ. Những lời kinh có một trời tham vọng cứu rỗi cả loài người trên trái đất. Những băng kinh kệ phát đi rất khuya, nó sóng đôi âm thanh với cái ka-ra-ô-kê ở giữa xóm. Hoặc những bài kinh tiếng Phạn nhòa lẫn hòa âm với cái loa phát đi bát cơm chan máu hay chương trình rao thuốc trừ gián, đau trĩ. Những cái loa không ai chịu kém ai.
Đôi khi người đàn bà phải nhét bông gòn vào hai lỗ tai để được ngủ ngon một chút. Có khi đương nghĩ suy về điều gì thì một giọng nói chua loét xỉa vào lỗ tai như đâm thủng sang bên kia của một người đang rao vặt. Khu vườn của chị thì nhỏ quá, nó không đủ để cách ly âm thanh đủ thứ tràn vào nhà. Cái điều mơ ước nhỏ nhoi là làm kẻ dại khờ về một nơi vắng vẻ đã không đạt được. Chốn ấy lao xao giờ chắc hẳn lao xao hơn. Còn nơi vắng vẻ bây giờ không còn vắng vẻ nữa. Chỉ còn lại kẻ dại khờ bị lọt thỏm trong bốn bề, bị tra tấn đủ thứ âm thanh, đủ giọng điệu.
*
*    *
Một hôm có cơn trốt bất thần xoáy qua làm sập nhà trong lúc chị đi vắng. Cả xóm không nhà ai sập chỉ có sập nhà chị. Chị cất lại nhà nhỏ và gọn hơn. Không làm một cửa sổ nào, độc nhất một cửa ra vào hẹp đến nỗi phải nghiêng mình mới vào được. Chị gom tất cả những chồng sách báo cũ cho vào bao tải chất sát vách để ngăn bớt âm thanh. Vài ngàn cuốn sách dành dụm một đời nằm vòng quanh chị như một hang ổ, một công sự cuối cùng. Những cuốn sách như liều thuốc giảm đau, như người bạn tốt trò chuyện giúp chị quên đi những cay đắng của đời sống.
Bây giờ đàn ông uống rượu đã có các quán bia ôm. Cánh đàn bà mặc quần lửng hay mặc váy ngồi chồm hổm mà uống rượu bằng chén. Uống xong họ kéo nhau đến cái quán ka-ra-ô-kê thi nhau trình diễn những bản nhạc không tìm đâu thấy trên trái đất này. Có lẽ một trong những bi kịch của cuộc đời là kẻ hát không hay cứ ngộ nhận là mình hát hay nên rất hay hát và cái đỉnh cao của bi kịch là kẻ ấy bắt người khác phải nghe mình hát.
Người đàn bà không thích ra đường hoặc đi chợ cũng rất hạn chế. Người không biết uống ruợu, không biết nghe nhạc thời thượng, không biết nói chuyện tào lao, không có lòng tin vào thần thánh, không có nhu cầu cắt tóc sơn móng tay hay đặt vòng, hút thai... thì hòa nhập vào đâu.
Chị xách cái giỏ chất đầy thức ăn, đặt xuống nghỉ chân bên đầu cầu. Con đường bây giờ không sình tấy lên nữa nhưng sao chị thấy ngao ngán và nó như dài ra thêm. Người đàn bà mang đồng hồ hình ô-van ngồi xuống gợi chuyện:
- Lâu nay không thấy cô đi chợ?
- Tự nhiên đâm ra lười quá chị ơi, với lại một mình ăn thế nào cũng xong.
- Mua cái gì ăn? - Vừa nói bà ta vừa lia đôi mắt vào giỏ như sục sạo, như ước lượng sức mua của người khác. Rồi bà ta trợn mắt:
- Có một mình mua chi nhiều vậy?
- Ăn cả tuần - Chị đáp hờ hững không cần người đối diện nghe.
Mất hứng trong việc xoi mói bằng mắt, bà ta chuyển tông bằng cách vỗ vai chị:
- Này, bữa nào rảnh đến nhà tôi. Có mấy băng nhạc giao hưởng tuyệt lắm. - Bà ta diễn tả cái tuyệt ấy bằng cách chép miệng và lim dim hai con mắt.
Người đàn bà lắc đầu:
- Xin chịu thua. Tôi không biết nghe nhạc giao hưởng đâu.
*
*    *
Tin đồn có sức lan nhanh như một trận dịch. Đầu tiên là có một người ốm nghén đi hái trộm khế trong vườn của chị. Nói là hái trộm vì không hỏi qua chủ nhà một tiếng, thật ra là người ấy đã ngồi dưới gốc ăn chán chê, xong còn hái một giỏ xách ra cái quán ngã ba đường ăn tiếp với một đám đàn bà tán đủ chuyện tào lao trên đời. Cả xóm ai cũng biết cây khế ngọt ấy. Lúc trước đến mùa trái chín chị thường đem cho mọi người chung quanh.
Chợ chồm hổm ăn khế ấy tọa đàm nhiều chủ đề thời sự, từ chuyện suy thận, liệt dương đến chuyện đặt vòng, hút thai. Rồi câu chuyện được chuyển chủ đề sang gánh hát cải lương mới vừa đến làng. Người ta say sưa bàn luận những khuôn mặt đào kép, những vở tuồng, rồi khen chê như nhà phê bình có tầm cỡ. Cuối cùng người đàn bà trộm khế như sực nhớ ra điều cực kỳ quan trọng mà nãy giờ quên chưa nói về cái da rắn khô vắt ngang gốc vú sữa. Chị ta nói thấp giọng gần như thì thầm, nhưng con mắt trợn và cặp chân mày nhướng lại có sức thu hút sự quan tâm của người khác.
- Chút nữa thì tôi quên. Lúc hái khế trong vườn bà Tam tôi đã gặp một con rắn bự bằng cườm tay bò ngang.
- Thật sao? - Một giọng nói cất lên đầy chú ý.
- Nếu nó bò ngang thì cũng ít ghê. Đàng này nó bò tuốt vô vách nhà bà Tam mới ghê chứ! Tôi bước chân theo dõi ở chỗ vách nhà có một lỗ tròn bằng miệng chén, dấu đất mòn nhẵn. Nó mòn láng đến mức tui dám chắc cả đàn rắn thay nhau ra vào thường xuyên. Và tui còn nghe bả nói: Đi đâu cả đêm nay không về. Có ngày người ta đập chết. Không có tiếng trả lời. Rõ ràng bả nói với con rắn mới bò vào.
Mọi người đồng loạt ồ lên.
- Hèn chi... Dám rắn của bả nuôi đó mấy bà ơi. Ghê quá.
Có giọng nói quả quyết:
- Mấy năm gần đây thấy bả khác lắm. Khi  không lầm lì ít nói, không đi đâu chơi bời nhậu nhẹt với ai. Từ hồi cái nhà cũ sập đi, cất lại cái nhà mới không giống ai. Nhà gì mà không có cửa sổ. Không cửa sau, cửa hông. Chỉ có một cửa trước hẹp té, phải nghiêng người mới qua được. Có quỷ mới thèm vào nhà bả.
- Rắn vào chứ! - Một giọng khác đính chính.
Một chị mặc đồ bộ bằng vải bông, có đôi mắt được xâm khóe rất kỹ vỗ hai bàn tay có những móng nhọn sơn màu kiếng sen vào nhau nói như đinh đóng cột:
- Phải rồi. Cộng hết những điều vừa kể nhứt định bả nuôi rắn rồi. Không sai.
Cuối cùng cái chợ chồm hổm ăn khế cũng giải tán, ai về nhà nấy với kết luận như vậy. Những thành viên của cái chợ lịch sử ấy cũng có gia đình, có chồng và con nít đủ cỡ. Và họ xem cái việc phải phổ biến lại điều quan trọng ở vườn bà Tam là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Chẳng bao lâu ở những đám giỗ, đám ma, quán nhậu, đám đình miễu, những người đàn ông ngồi lại với nhau nhướng nhướng cặp chân mày, vễnh vễnh cái môi cong nồng nặc mùi rượu phát đi những thông tin mới và chính xác:
- Bà Tam thật sự là người nuôi rắn lâu năm.
Có người quả quyết thấy bầy rắn bò đi ăn trong vườn rậm rạp của bà. Con rắn chúa to bằng cột nhà, có mồng đỏ chót.
Có người đã đập được con rắn bự trong vườn của bà đem về nhậu và chính y đã nghe được tiếng khóc thảm thiết của bà khi biết con rắn yêu dấu của mình bị người ta giết chết.
Giọng đàn ông bồi thêm:
- Bây giờ mới biết bà Tam là một phù thủy rắn. Nuôi rắn lâu năm làm gì nếu không phải có mối quan hệ đặc biệt với rắn. Lúc đầu tui tưởng bả thất tình cha nào nên sống khổ hạnh như nhà tu hành. Ra đường bả có để ý đến ai đâu. Người gì mà không biết có đàn ông trên đời và cũng không biết tuốt việc mình là đàn bà, lại là đang tuổi hồi xuân thì quả là một người không bình thường. Đúng là có quan hệ quái gở với loài rắn.
- Bả đi chợ mua thật nhiều đồ ăn trong khi chỉ một mình. Rắn ăn!
Ở trường học thì trẻ em có nhiệm vụ rỉ tai nhau về tin bà Tam phù thủy rắn và tha hồ thêu dệt thêm những điều theo trí tưởng tượng của mình.
Nếu tin đồn kia chỉ dừng lại ở phạm vi một làng thì cơn dịch được khoanh vùng và xử lý. Đàng này sức lan truyền của nó lan rộng nhanh từ làng này sang làng khác, rồi huyện, rồi tỉnh, rồi cả tỉnh lân cận. Người ta gác bỏ việc nhà, việc công để kéo nhau sang xem tận mắt cho thỏa thích sức hiếu kỳ.
Những lời đồn đại của kẻ ngồi lê đôi mách lọt đến tai người đàn bà, chị có thái độ tỉnh bơ như không. Nó chẳng là cái gì đối với chị. Nhưng cho đến một hôm có người trưởng công an xã đến nhà nghiêm chỉnh hỏi chị về việc bà có nuôi rắn hay không. Nếu có là bao nhiêu con, bao lâu rồi và bao nhiêu loại?
Lúc đó chị mới giật mình về sức mạnh của cái tin đồn, không ngờ nó có sức lay động đến cơ quan chính quyền ở địa phương. Thực sự chị cảm thấy giận nhưng vẫn từ tốn bảo rằng:
- Xưa nay tôi rất sợ rắn, làm gì có chuyện nuôi chúng trong nhà?
Người đại diện cơ quan công quyền ấy ra về. Nhưng đến chiều đoàn thể phụ nữ lại đến cũng những câu hỏi như trên nhưng dùng những lời lẽ ngọt nhạt để thuyết phục. Rồi những người đồng phái ấy cũng ra về. Hôm sau, Chủ tịch Ủy ban lại đến cũng những điều ấy được lặp lại.
Chị cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Lòng thành thật của mình bị lăng nhục. Mỗi điều nói thật như một cứ liệu xác minh về sự dối trá. Nó bị ném đi vào cõi thinh không và phản hồi một sự xúc phạm khủng khiếp.
Lố nhố đầy vườn, đầy sân là những con mắt, những cái đầu nhòm ngó trâng tráo vào nhà, vào con người của chị. Người từ mọi nơi, mọi phía kéo về, nào đi bộ, đi xe đạp, xe máy... Chị chỉ còn cách đóng kín đi cánh cửa duy nhất trong nhà mình nhưng vẫn không ngăn được âm thanh bên ngoài xộc vào:
- Rắn đâu? Trong nhà hả?
- Ừ, nhiều lắm.
- Sao không  mở cửa ra, bà phù thủy rắn?
Người đàn bà nổi điên lên. Chị mở cửa ra chửi vào cái đám đông độc mồm độc miệng hơn loài rắn. Mồm mép họ có sức giết chết sự yên ổn cần thiết của chị. Và chị đóng sập cánh cửa trước mũi của họ.
Đám đông đồng tình xác nhận:
- Nhất định phải có rắn trong nhà, chứ không bả đã mở cửa cho vào xem, việc gì phải đóng.
Người đàn bà đã trải qua hàng tháng trời kinh khủng như thế. Một tháng dài bằng cả đời người. Một  mình chịu sự tra tấn của cả cái đám đông chung quanh đủ hạng người lạ hoắc lạ huơ. Cái đám đông tàn nhẫn.
Cho đến một ngày chiếc xe hơi đậu trước sân nhà nhả ra hàng đàn người gồm chính quyền địa phương, công an xã, thầy thuốc rắn của tỉnh và các nhà chuyên môn về rắn của khu vực. Đại diện đoàn người nói văn tắt lý do đến nhà gồm những mục đích:
- Vì sự an ninh của xóm ấp không cho người nuôi rắn bất hợp pháp.
- Xét nhiều hiện tượng hoài nghi có nuôi rắn mà chủ nhà không tự giác khai báo nên lập biên bản xét nhà.
- Thầy thuốc rắn có mặt để phân định loại rắn và xử lý nếu có sự cố.
Người ta làm cái công việc muốn làm để tìm rắn. Theo họ thì người đàn bà không thật thà khai báo nên buộc  lòng họ phải dùng đến phương pháp tự tìm ra rắn. Mọi ngõ ngách trong nhà không tìm ra rắn, nhà bếp, phòng ngủ, cho đến cái trảng-xê làm bằng xi măng trên mặt là bộ ván lót bằng gạch bông được xây hồi chiến tranh, người ta cũng pha đèn vào để tìm. Không có rắn. Cuối cùng người ta nhìn đến những bao tải chất xung quanh nhà. Rồi những bao tải được nhẹ nhàng cẩn trọng khiêng khỏi nhà và đốt đi để rắn trong ấy sẽ chui ra. Những cuốn sách biến thành tro than trong chốc lát. Những tên người, tác giả của sách bị cháy đi như những oan hồn vẫy vùng trong lửa đỏ. Chỉ còn lại tro than bay tơi bời trong gió.
Chưa hết. Người ta vẫn chưa thôi ý nghĩ có rắn trong nhà. Mọi điều chị nói không ai tin. Rắn ở một chỗ bí mật nào đó mà chị mới có cách riêng để gọi rắn ra.
Người ta hẹn trong năm ngày nữa sẽ trở lại nhận rắn và chị chủ nhà phải giao nộp tất cả bằng sự thành khẩn.
Lần thứ ba, đoàn người đến mang theo những dụng cụ để đào bới. Có thuốc xông, hơi ngạt và cả một nghệ sĩ thổi sáo bài dụ rắn. Tất cả đều không tìm được cái người ta muốn tìm. Người đàn bà không có rắn để giao.
Trước sự hụt hẫng của đám đông, sự chìm đi của khí thế mỗi người một kiểu, mỗi vẻ mặt khiến người đàn bà bật cười ha hả. Chị nói:
- Còn cách nào để tìm ra rắn không? Bây giờ tôi sẽ đốt cái nhà này để xem có rắn chui ra hay không?
Và chị ngửa mặt ra mà cười vào cái đám đông ấy. Tiếng cười làm cho đoàn người im lặng cũng như ý định đốt nhà làm họ sực tỉnh, bỏ đi và hội ý:
- Cái cười bà ta nghe mới ghê chứ!
- Rõ ràng đôi mắt bà ta nó dài dại làm sao, nó không bình thường.
- Nhà không cửa sổ, không cửa sau cả cửa tò vò là không bình thường.
- Cái kiểu bà ta độc thân tới ngần này tuổi cũng là triệu chứng không bình thường.
Bây giờ người ta không nói đến chuyện rắn. Thậm chí lời xin lỗi về sự lố bịch cũng không và họ đi đến quyết định hết sức hay ho và nhân đạo là đưa người đàn bà phù thủy rắn vào nhà thương điên để chữa trị vì bà có hiện tượng tâm thần nặng.
Hôm ấy những nhà ven đường tận mắt thấy người đàn bà bị cột hai tay hai chân để xe đưa vào nhà thương điên của tỉnh. Trước thiện ý của người tốt bụng, bà ta không ngớt la hét, chửi rủa. Quả là người điên mới không biết điều như vậy.

*
*    *

- Ông bác sĩ ạ, tôi hứa rằng tôi sẽ giết ông nếu ông còn tìm cách giữ tôi ở lại cái chỗ quái quỷ này. Ông giả vờ hay thực sự ông không biết, tôi cũng xin nói rõ rằng tôi không hề mắc bệnh điên. Hãy trả tôi về chỗ của tôi. Một khoảng trời nhỏ nhoi, yên  bình để sống. Tôi chưa bao giờ giẫm đạp lên cuộc đời của ai, cũng không hề xỉa bước vào phần đời của người khác lại càng không có tham vọng dẫn bước ai phải đi theo cách sống của tôi.
Quá đủ rồi ông! Tôi đã kiệt sức vì chịu đựng. Ông có biết cái giá phải trả cho những kẻ chà đạp thô bạo lên cuộc đời một người không còn chỗ để lùi nữa không?
Cái nhìn tóe lửa và lời nói để đáp lại những câu hỏi sơ đẳng về tâm lý, cách thăm dò bệnh trạng của người bác sĩ tâm thần hãy còn trẻ. Y biết rằng y đang ngồi trước mặt ai và y phải làm gì.
Chị trở về làng lúc nửa đêm. Trăng lên cao vằng vặc sáng. Bóng trăng rập rờn dưới hai bàn chân thất thểu. Con đường làng quen thuộc chị đã đi từ những tháng ngày còn thơ bé bây giờ như dậy lên những con sóng. Chị cầm cái giấy chứng nhận rằng mình không mắc bệnh tâm thần và được trả về cuộc sống bình thường.
Bình thường! Còn có thể gọi là bình thường được sao khi mà mọi cái bình thường được xới tung lên. Rồi mai người trong làng thoáng thấy bóng chị sẽ lãng ra xa. Những kẻ tụm năm, tụm ba chỉ chỏ, nhướng mày. Rồi mai lũ trẻ trong làng sẽ ném đá chòng ghẹo mụ phù thủy rắn. Rồi mai bước vào khu vườn nhỏ thân yêu chị vẫn mong nó là nơi mình có quyền tự do muốn trồng trọt, hủy diệt, dung dưỡng cây nào theo ý thích, giờ chỉ còn lại dấu đào bới và cây cối xác xơ.
Quê hương ai cũng cho đó là phần đất thiêng liêng làm một cõi đi về. Quê hương nơi chị từng mong đó là chỗ cuối cùng để dừng chân và bây giờ nó cũng là nơi để dừng chân nhận bản án không phải lưu đày biệt xứ mà lưu đày ngay trên quê nhà.
Từ rất xưa có một con quạ nào ăn khế của nhà ai đó và trả lại một bao tải vàng ròng. Và người ta  thỏa lòng, thỏa dạ với bao tải vàng đó. Biết bao con người từng cười mãn nguyện với vốn liếng bỏ ra đáng là một quả khế và thu về vàng ròng. Còn người cao tay hơn nữa đã từng thu về vô số vàng ròng mà không hề mất đi một cái gì dù là một quả khế.
Cây khế vườn nhà chị đã từng cho không, biếu không, người ta đã hái đi trụi quả trên cành, chị không có tham vọng ai trả vàng cho mình. Nếu có trả thì lấy khế trả khế cũng là sòng phẳng lắm rồi. Rõ ràng chị không hề mở ra một cuộc đổi chác lấy khế trả lại một đàn rắn độc. Vô vàn rắn độc. Đàn rắn vô hình đã bò ngang phần đời hẩm hiu của chị.
Cánh cửa duy nhất chỉ một người lách qua được khép kín. Đẩy cửa bước vào, luồng ánh sáng từ ngoài nặng nề, miễn cưỡng tràn vào khoảng không gian lạnh và ẩm.
Bình thường! Người ta đã trả lại sự bình thường cho những gì từ nay không còn bình thường được nữa. Chị ngã lưng xuống cái giường ngủ quen thuộc. Ánh trăng theo những vết thủng trên mái lá rọi xuống loang lổ trên chỗ nằm. Ánh trăng vỗ về những vết đau trong lòng chị. Chị chờ mong giấc ngủ đến. Lần đầu tiên trong đời chị cảm thấy giấc mơ núi vỡ không đáng sợ. Có lẽ bị đá vùi không khủng khiếp lắm.