Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

MỘT NỬA LÀ NGƯỜI


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


    Vài lần cái ý định tự tử lảng vảng trong tôi. Hình ảnh tuyệt vời về một sự yên nghỉ hoàn toàn, đôi lúc nó có sức quyến rũ một cách ma quái. Nhưng nếu tôi tự vận không thành, nghĩa là được cứu sống thì người ta sẽ chửi rủa tôi là ngu, là hèn nhát. Rồi còn phải nộp tiền phạt cho bệnh viện  về hành vi định chết không thành. Tôi cười một mình. Hèn nhát sao? A ha, có biết bao nhiêu kẻ cố kéo lê cuộc sống tệ hại hơn cái chết để được gọi là dũng cảm. Còn những kẻ tiêu diệt nhau để sống thì gọi là gì?
Nghĩ là nghĩ vậy đôi lúc thôi, chứ tôi vẫn quý cuộc sống này vô cùng. Tôi bám riết lấy cái sống một cách ngoan cố, đáng nguyền rủa. Không cách gì làm tôi chết được, dù tôi không có quyền chọn lựa sự có mặt của mình ở cõi người ta này, dù tôi phải sống què quặt như một quái thai. Tôi tồn tại giữa đời như một sự trái khoáy, nhầm lẫn. Tôi đem ý nghĩ đó thưa với ông tôi. Ông lặng thinh rất lâu rồi nói:
- Mai này lớn lên, cháu sẽ tự tìm câu trả lời cho mình. Ông không thể lấy cách riêng của ông để làm ý nghĩ của cháu.
Lần ấy tôi thấy ông buồn suốt mấy ngày, điều hiếm thấy ở ông. Cuộc đời ông tôi phải trải qua nhiều sóng gió. Một người ít gặp may mắn nếu không muốn nói là điều tai ương, oan khuất. Nhưng bao giờ tôi cũng thấy ông đầy chất trào lộng và khôi hài. Ông có thể cười trước bất cứ cơn cùng cực nào của đời ông.
Mãi mãi tôi không biết được thế nào là tình mẫu tử. Sắc thái, mức độ, cung bậc tình cảm của một người mẹ đối với con hoặc người con đối với mẹ, tôi không thể nào biết được. Không rõ từ đây đến cuối đời tôi có khả năng làm mẹ để hiểu tình mẹ thương con như thế nào.
Bà tôi thường hát ru tôi  ngủ bằng những câu ca dao nói về mẹ và tôi cũng nghe người ta nói mẹ như biển, như sông, như núi, như buồng cau, nải chuối, như đường mía lau, như trái dừa điếc, như nắng, như một huyền thoại. Tôi cảm nhận một cách xa lạ như hoạn quan nghe những bài tình ca đôi lứa.
Nhưng tôi biết rõ một điều là ông bà cưu mang và nuôi nấng tôi đến ngày nay quả là một huyền thoại.
Trước khi ông qua đời, ông đã kể hết ngọn nguồn sự có mặt của tôi mà không giấu giếm hay thi vị hóa. Ông cũng không khuyên tôi phải có thái độ như thế nào vì tôi đã mười tám tuổi, đã bước vào tuổi trưởng thành. Và năm ấy ông qua đời. Còn bà thì mất năm tôi mười lăm tuổi vì bệnh nhồi máu cơ tim.
Khi bập bẹ tập nói, tiếng đầu tiên tôi được dạy đó là ông, bà. Nếu ông bà có con thì cháu của ông bà cũng lớn hơn tôi nhiều. Ông không thích ai gọi mình là ông bà nội hay ông bà ngoại nếu có con trai hoặc gái. Đó là điều ông rất kỵ. Ông là ông, bà là bà, là bậc cha mẹ của cha mẹ. Thật vô lý khi một bên được gọi là nội, là mối tình thâm ruột rà; một bên gọi là ngoại là đồng nghĩa với người dưng, người ngoài.
Tôi gọi là ông bà và tôi chỉ biết hai người ấy là người tôi hàm ân suốt đời. Là hình ảnh gần gũi để tôi bám víu niềm tin mỗi khi tuyệt vọng về con người.
Bà tôi là một giáo sư dạy âm nhạc ở một trường tư thục ngày xưa. Vì sức khỏe rất kém, bà thường xuyên phải đi bệnh viện. Một hôm đi khám bệnh bà nhặt về một đứa bé mới sinh ba ngày nặng 1,7 kg, quặt quẹo như một con mèo con. Bà kể rằng có một  người mẹ trẻ sau khi sinh rồi không muốn nuôi con  và sẵn sàng cho bất cứ ai muốn ẵm về nuôi. Người mẹ ấy bảo bà không có sữa cho con bú và sức khỏe không cho phép nuôi nổi đứa con.
Bà tôi nói lúc ấy trông tôi gớm ghiếc lắm. Da thì đỏ hỏn như da chuột lột và lở lói từng mảng như da cắc kè bông. Bà bế tôi trên tay mà không nghĩ rằng tôi sẽ sống đến lớn. Ngay cả tiếng khóc chào đời tôi còn không khóc được. Mãi đến tận bây giờ tôi cũng không có khả năng ấy - cái phản xạ bình thường của con người. Tôi cũng rất hay cười. Khi cười, cái miệng tôi nó méo sang một bên như có ai cắc cớ cầm một khóe miệng mà xách lên. Bà nói: nếu biết khóc, cháu khóc chắc dễ coi hơn.
Ông bà sống bên nhau trong tuổi già và không có ý định xin con nuôi. Nếu có xin con nuôi thì ai cũng chọn đứa trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh chứ không ai chọn đứa trẻ không hứa hẹn sống nổi. Bà nhận cháu về nuôi không phải thương hại bà mẹ trẻ đẹp kia, cũng không vì lòng nhân ái thường có trong những cuốn tiểu thuyết viết một tuần là xong. Nếu nghĩ đến cái gien di truyền thì lại càng không. Chỉ vì khi bế cái sinh vật nhỏ nhoi trên tay bà cảm nhận sự sắp đặt của số phận. Bà không bao giờ mê tín nhưng tin rằng có sự an bày của tiền kiếp.
Tôi đã về nhà ông bà như vậy. Dĩ nhiên trước khi về nhà ông còn tìm biết rõ một phần lý lịch trích ngang của người sinh ra tôi. Ông bảo chẳng để làm chi, nhưng có thể nó cũng cần thiết khi lớn  lên có lúc nào đó cháu cảm thấy cần biết cội nguồn hay tìm hiểu cha mẹ cháu là người thế nào. Ông nói là vậy nhưng tùy, nếu cháu không thấy cần thì thôi.
Từ lúc mang tôi về nhà, bà thường xuyên bế tôi đến một bác sĩ chuyên trị bệnh trẻ con - trước kia là học trò cũ của ông - và trở thành thân chủ của bác sĩ ấy. Thôi thì đủ thứ bệnh trên con người của tôi. Từ chứng hen suyễn kinh niên, rồi viêm thần kinh, rối loạn tiêu hóa, tim mạch... Dù không khóc được nhưng tôi la quấy cả ngày lẫn đêm. Có khi suốt đêm bà bế tôi đi lang thang trong sân, lòng vòng trong nhà tôi mới tạm yên.
Cuối cùng tôi cũng sống được như một sự lì lợm, thách thức. Có điều cái chứng co giật động kinh đã để lại di chứng một chân bị yếu phải bước thấp bước cao. Và hai con mắt độc đáo của tôi nhìn người đối diện sẽ khó nhận ra nhìn vào cái gì. Một con nhìn về hướng đông một con nhìn về hướng tây. Mỗi lúc tôi giận dữ, hai tròng đen lại lùi về hai phía của đuôi mắt hoặc dồn về phía tuyến lệ làm cho tròng trắng chiếm phần lớn con mắt. Cứ theo cái da cắc kè bông mãn tính của tôi ông đặt tôi tên là Bông. Từ Thị Bông. Từ chẳng là họ của ai. Từ Thị Bông là một con cắc kè Bông bị Từ bỏ.
Người bác sĩ cho biết tất cả những bệnh hoạn và dị tật của tôi là do hậu quả của sự phá thai không thành. Lẽ ra cái thai ấy bị hủy diệt từ lúc mới tượng hình nhưng nó cứ lì lợm mà tồn tại cùng với hành động hủy diệt tích cực. Cuối cùng nó đe dọa tính mạng người mẹ, buộc lòng người mẹ phải chịu thua, phải để yên chờ ngày nó ra đời.
Sống ở đời không ai không có tên. Xấu đẹp thế nào cũng có tên và con người mang nó đi vào đời như một cái đẹp, sự cao thượng. Có cái tên biểu thị lòng hằn học, căm thù, sự háo thắng, sự hãnh tiến hay tham vọng một đời người được gởi gắm vào cái tên. Tôi mang tham vọng gì đi vào đời với tên cắc kè bông và bộ da có thật?
Ở gần nhà ông bà tôi là một bác sĩ tư mở phòng mạch phụ khoa. Hàng ngày tôi gặp biết bao người ngồi chờ chật cả phòng ngoài để loại bỏ đứa con vừa tượng hình của sự sống hoặc đứa con mà cha mẹ không muốn nó có mặt trên đời. Sao tôi không nằm trong những số phận đó? Tôi muốn hỏi ông tôi về điều ấy nhưng tôi biết trước ông sẽ trả lời thế nào nên thôi.
Ông thường nói:
- Không có sắc đẹp là bất hạnh lớn của phụ nữ, nhưng cháu tin đi, tự biết mình xấu cháu vẫn khá hơn những kẻ xấu - xấu về mọi nghĩa - mà không biết mình xấu hoặc tự cho mình là người đẹp, tự xếp mình vào danh sách tối ưu của nhân loại.
Nhiều lúc ra đường bị lũ con trai trong xóm gọi tôi là người đẹp.
- Người đẹp đi chợ về?
-  Người đẹp hôm nay sao buồn vậy?
- Người đẹp đưa kẻ hèn này xách cái giỏ giùm cho.
Những lúc ấy tôi không giận họ về cách chọc ghẹo ác độc hay phản ứng về sự tổn thương. Thậm chí họ có gọi tôi là quỉ dạ xoa tôi cũng không buồn. Có điều tôi khinh bỉ họ về cách gọi tên không đúng với thực chất của sự vật. Theo tôi, ngẫm cho cùng kẻ đáng khinh bỉ nhất trên đời là kẻ không dám gọi tên đúng sự vật, sự việc vì một lý do hoặc một mục đích nào đó.
Từ rất xa xưa người ta đã dùng sắc đẹp như thứ vũ khí lợi hại để tiến công vào cuộc đời đầy những gã đàn ông độc đoán. Người ta dùng sắc đẹp như chìa khóa kỳ diệu mở ra những cánh cửa tưởng chừng không mở được bằng khả năng bình thường. Nó có thể gieo rắc tai họa cho người khác hoặc đem đến hạnh phúc tùy theo cái tâm của người ấy. Cũng có người dùng sắc đẹp để leo trèo lên những bậc thang danh vọng.
Tôi là kẻ xấu xí, dị dạng. Không hiểu mình có cái thiện tâm của người chân chính hay không?
Tôi học rất kém, không có năng khiếu rõ rệt. Trí nhớ không đáng kể, chỉ có điều tôi rất mê âm nhạc. Sẽ là sự buồn tẻ đến khủng khiếp nếu con người tách rời âm nhạc ra khỏi đời sống. Ngày còn nhỏ tôi rất thích nghe bà tôi chơi đàn. Bà dạy tôi nghe những bản nhạc diễn tả mưa, nỗi buồn, tâm trạng hoang tưởng, ảo vọng...
Theo Gớt thì người yêu âm nhạc là người một nửa, còn người thực hành được âm nhạc mới là người hoàn toàn. Theo đó thì tôi rất mừng vì dù sao tôi cũng được phân nửa là con người. Và điều mừng nữa là Gớt không phân loại người yêu âm nhạc: loại một, hai, ba như heo thịt hoặc A, B, C như phân chia thành tích cuối năm hay thứ bậc như thợ hồ, thợ nguội. Yêu là yêu thôi, không có phân loại, định mức.
Tôi thầm hoan nghênh văn hào Gớt và mang cái phân nửa con người của tôi mà đứng vững trong cuộc đời khi ông bà tôi mất.
Cái gia tài duy nhất của bà tôi để lại là cây đàn dương cầm. Còn ông tôi thì để lại ba ngàn quyển sách và những ngăn tủ đầy ắp trang ghi chép những điều trông thấy và mọi vui buồn của đời ông. Tôi hứa trước vong linh ông bà là sẽ giữ gìn cẩn thận cho đến ngày tôi không còn sống nữa.
Tôi đến xin làm việc ở nhà của người bác sĩ phụ khoa hàng xóm. Những công việc hàng ngày của tôi như lau nhà, tưới kiểng, nấu bếp. Có lần bà bác sĩ hỏi tôi:
- Em có muốn học việc không? Nếu muốn tôi sẽ tạo điều kiện dạy để em có thể giúp tôi một tay.
Tôi cám ơn bà và từ chối. Thú thật tôi không yêu gì cái công việc lau nhà đáng nguyền rủa đó nhưng tôi không đủ can đảm nhìn cái việc giải quyết nhanh gọn dịch vụ những người đàn bà ngày ngày ngồi đầy dẫy ngoài phòng chờ, đủ loại thượng vàng, hạ cám.
Từ đó tôi có công việc để nuôi sống bản thân mà không phải là kẻ nhàn cư. Tôi được những đồng tiền lao động chân chính để mua những thứ trong giỏ xách, để lũ con trai trong xóm còn kêu: “Người đẹp đưa kẻ hèn này xách giùm cái giỏ”. Tôi  không hề sợ người trong xóm nhìn tôi với con mắt chê bai kẻ vô công rồi nghề mà tôi chỉ sợ khi chết đi rồi đứng trước Diêm Vương hay Thượng Đế sẽ bị kiểm điểm và kết luận rằng ở dương gian tôi là kẻ ăn bám, không lao động. Như vậy còn mắc nợ cái ăn ở cõi trần và đầu thai lên làm người mà trả cho xong. Than ôi, nghĩ đến kiếp người nữa tôi vô cùng kinh hãi. Kiếp này chắc có oan khiên gì nên mới làm thân cắc kè bông. Nếu mang cái thành phần ăn bám, chây lười lao động nữa, biết có còn ngang với cắc kè bông hay còn tệ hại hơn nữa. Nghĩ vậy tôi rất tích cực làm việc để người chủ không ghét mà tống cổ tôi ra khỏi cái biên chế lau nhà trong một ngày nào đó. Đêm về tôi mở những trang ghi chép của ông ra mà đọc. Có những cái tôi hiểu được và nhiều cái còn xa lạ với sự suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi hiểu rõ hơn một điều là ông rất buồn, buồn nhiều hơn tôi biết lúc ông còn sống. Riêng cây đàn của bà, tôi không có khả năng mà rớ vào.
*
*    *
Đúng như lời ông tôi nói, nhiều lúc sự cô đơn và ý thức cội nguồn trỗi dậy trong tôi. Tôi muốn tìm gặp cha mẹ dù một lần thôi cũng được. Không hẳn là yêu mến cũng không là kính trọng, cũng không cả căm ghét. Nhưng tôi không thể dửng dưng khi nghĩ đến hai người ấy. Và tôi muốn gặp con người bằng xương bằng thịt chứ không phải qua ảnh hay ti vi. Cha mẹ tôi bây giờ là hai vị giàu sang khá nổi tiếng của thành phố.
Tôi rời nơi tôi đã sống với ông bà mười tám năm qua để đến thành phố - thánh địa của cha mẹ tôi bằng những lần lên xuống xe vất vả, đụng chạm với đủ hạng người.
Có bài ca cải lương nói rằng: Quê hương là mẹ, mẹ là quê hương. Nhưng ở tôi, mẹ là mẹ, quê hương là quê hương. Vùng đất tôi lớn lên với những cơn bệnh chí tử, nơi ấy có tiếng cười trào lộng của ông và tiếng đàn thánh thót của bà. Vùng đất ấy có bao giờ gót chân quý phái của mẹ đi qua. Nó có dính dáng gì với mẹ?
Vùng thánh địa của mẹ là những buổi họp hành, những cuộc tiếp tân với khách nước ngoài, những cuộc thăm viếng. Mẹ đại diện tổ chức từ thiện, mẹ cầm đồng tiền của bá tánh để trao tặng những kẻ bất hạnh mà ở mẹ cứ toát ra ánh hào quang của một thiên thần ban ơn.
Còn tôi, một người bị giết từ trong trứng nước mà không chết, đi tìm người còn sống - Vậy thôi.
Ông thường nói với tôi:
- Ông chết đi không có gì nuối tiếc hay ân hận cả. Đời ông chưa làm điều gì phải sám hối. Chỉ thương cháu khờ khạo quá, mà trường đời thì không êm ái chút nào.
Bây giờ ông đã ngủ yên cạnh bà trong lòng quê hương - Giấc ngủ của người không có điều gì phải sám hối. Tôi nghĩ lại thấy ông nói đúng vô cùng. Tôi mãi mãi là kẻ khờ khạo. Cái đầu u mê của tôi không thể lý giải được hành vi của bàn tay tỏa hào quang nhân ái, từng đưa ra cứu vớt bao số phận hẩm hiu, tội lỗi lại đang tâm hủy diệt cái mầm sống trong bụng mình, không xong lại ném cái hậu quả ấy cho không cần biết là ai để xoa tay rảnh nợ. Phải chi trời ban cho tôi cái đầu có chút thông thái tôi sẽ hiểu được.
Tôi cũng thành tâm nghe theo lời của ông già người Tàu là: “Thượng bất oán thiên, hạ bất ưu nhân”. Câu nói dành cho người bất hạnh nghĩa là trên không oán trời, dưới không buồn người. Và tôi chưa đọc sách nào dạy nên oán hận cha mẹ như kẻ thù cả. Nhưng sao khi nghĩ về hai người ấy lòng tôi không thể dửng dưng, bình thản được.
*
*    *  
Tôi đã đi tìm và khổ công qua nhiều ngày tháng, đóng nhiều vai trò, qua bao nhiêu công đoạn. Cuối cùng tôi cũng gặp được cha mẹ và biết được những gì tôi muốn biết.
Gia đình cha mẹ tôi gồm năm người sống trong một biệt thự sang trọng. Sự sang trọng toát lên khiến những kẻ cùng khổ không dám nghĩ mình cùng giai cấp hay ít ra có cái gì chung với người sống trong ngôi nhà ấy. Hai người anh trai tôi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về và có việc làm béo bở ở thành phố. Ngoài ra nhà còn có thêm một bé gái khoảng mười tuổi làm con nuôi mới nhận về vài tháng. Em được nhận từ một trường trẻ em bụi đời. Một giáo viên của trường ấy nói với tôi:
- Hình như bây giờ nhận con nuôi là cái mốt thời thượng để biểu diễn nhân đạo và cũng để đánh bóng, xi mạ thêm cho sự lấp lánh của uy tín.
Nhưng rồi anh ta còn thêm một câu làm tôi bực mình:
- Đó là cách đầu tư về một người ở đợ không công. Đằng nào thì em cũng sẽ khổ.
Tôi tìm cách gặp cha tôi, nhưng tiếp cận với ông quả là khó.
Phải nói thật lòng, nhìn thoáng qua thôi cũng thấy ông là người đàn ông đẹp, tầm thước và thông minh.
Mẹ tôi thì dễ gặp hơn. Tôi đã gặp bà một lần ở trường trẻ em bụi đời và một lần ở nhà nuôi người già cô đơn. Cái đẹp lộng lẫy của mẹ làm tôi ngưỡng mộ và cố tìm ở đó nét gì mà tôi là bản sao. Không, nghìn lần không. Tôi không kế thừa được một chút gì hình hài của mẹ.
Cái đẹp của mẹ được tỉa tót, chăm chút bằng son phấn, bằng bàn tay của mỹ viện trên cái căn bản là đẹp sẵn khiến người nhìn không có cảm giác chướng mắt của cái giả tạo. Đôi mắt màu nâu long lanh của bà luôn toát ra sự ân cần, có vẻ như dò hỏi người trước mặt và một phần như sức hút, vẫy gọi “Hãy theo tôi”.
Làn da trắng mịn của mẹ được bơm silicol đến căng tròn xua đi những nếp nhăn nghiệt ngã của tuổi tác. Nhưng tuyệt nhiên những vòng căn  bản của đàn bà nơi mẹ vẫn giữ được nét đẹp thon thả trong những chiếc áo dài.
Mẹ tươi tắn một cách đau lòng. Cái tươi tắn của khuôn mặt không định được dấu ấn của sự suy tư và nó đau lòng như sự trống rỗng được che lấp bởi ảo tưởng tràn đầy.
Lần thứ nhứt gặp mẹ trong trường trẻ em bụi đời và mồ côi. Mẹ mặc áo dài phía trước là cả rừng cây xanh mượt mà, tà áo sau là một màu vàng loang lổ những vệt đen đỏ như mảng rừng đang cháy nham nhở. Và hai tay áo raglan là màu đen. Khi mẹ chuyển động, nắm tay quay vòng với trẻ em thì cả người mẹ xoay trở như hai mặt đối lập của một khu rừng, của sự sống và sự héo úa hủy diệt. Lúc mẹ đưa hai tay xoa đầu một em bé, màu đen của tay áo như những vòi của con bạch tuộc vươn tới mục đích cần thiết.
Lần thứ hai gặp mẹ ở nhà nuôi người già cô đơn. Lúc ấy mẹ mặc áo dài màu thẫm trông rất đoan trang nhưng không kém phần diêm dúa của buổi dạ hội. Trên tà áo dài của mẹ có thêu cả một con rồng màu xanh nhạt ánh lên những đường kim tuyến lấp lánh. Mẹ bước đi làm cho tà áo phất phơ, vờn vèo và cả con rồng lay động, vùng vẫy một cách tuyệt vọng.
Tóc mẹ bới cao với những vòng xoắn thật công phu, chỉ có người đàn bà có khuôn mặt thanh tú và cái cổ thon dài mới dám chọn kiểu ấy. Và nó rất phù hợp với mẹ.
Bàn tay trắng trẻo đeo đầy nhẫn lấp lánh, mẹ đã xoa đầu những em bé bụi đời, đã từng bắt tay những cô gái điếm chờ phục hồi nhân phẩm. Rồi bàn tay ấy nắm tay những cụ già bất hạnh gần kề cái chết. Và mẹ khóc - Khóc thật hồn nhiên như một diễn viên cải lương. Nước mắt làm cho mẹ tăng thêm vô vàn ánh hào quang của một thiên thần. Lúc nào mẹ đi cũng có những người cầm caméra và máy chụp ảnh đi cùng. Và những nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa ấy luôn chọn mẹ làm chính diện và đưa lên những thước phim, những tấm ảnh đắt nhất vào thời điểm có nước mắt của mẹ.
Không ai kể cho tôi biết từ lúc hình thành cái mầm sống trong bụng mẹ cho đến ngày mẹ dứt khoát trao tôi cho ông bà nuôi, có lần nào mẹ khóc không? Có không? Chẳng ai nói cho tôi biết điều ấy!
*
*    *
Hai lần gặp mẹ như vậy là quá đủ cho tôi. Tôi không thể bình thường được nữa. Cái đầu tôi trở nên nhức buốt và cảm giác như ai rút hết máu trong người làm toàn thân lạnh toát - Triệu chứng của những lần động kinh sắp lên cơn. Tôi quyết định rời khỏi vùng thánh địa của cha mẹ và trở về quê.
Tôi sẽ im lặng mà đi. Đó là cách tốt nhất. Kẻ bị phủ nhận  - kẻ què quặt cùng khốn như tôi lấy tư cách gì nhận làm con của hai người giàu có và nổi tiếng ấy. Hay đó là điều mạo nhận không thể tha thứ được.
Giả sử cha mẹ có bất đắc dĩ mà nhận con thì sự tìm về của tôi có ích gì cho ai. Tôi đã có thể tự đứng vững được mà không cần xin xỏ gì như tôi đã sống mười tám năm qua không có cha mẹ. Còn cha mẹ tôi chắc không cần gì ở tôi về mọi khía cạnh.
Ngày xưa Mục Kiền Liên tìm mẹ để xin chịu hình phạt thay cho người mẹ tội lỗi. Còn tôi... Cha mẹ tôi là người được xếp vào danh sách của những người hoàn hảo nhất thế gian. Bản thân tôi thì tài không mà đức cũng không - chỉ có một nửa là người mà Gớt cho phép - Tôi sẽ chịu hình phạt thay ai? Đó là chưa tính đến cái bản án từ lúc tôi chào đời. Cái bản án đó đóng dấu ấn sâu sắc vào tôi mà chỉ có cái chết mới xóa được.
Tôi xin bắt chước cái đạo làm người mà thiên hạ nói ở đầu môi rằng: Làm con phải báo hiếu cho cha mẹ. Tôi có cách báo hiếu của tôi là không bao giờ dám nhận mình có cha mẹ. Để hai người ấy không bao giờ rối lòng rằng mình đã từng cho ra đời một đứa con như tôi. Để hai người có đủ thanh thản đi rao giảng đạo đức cho nhiều người ngồi nghe, ung dung đi ban phát, hành thiện. Và nhờ những hoạt động đó mà trở nên giàu có và nổi tiếng hơn nữa.
Giống như ông bà, tôi không có tôn giáo nào và đức tin luôn ở trạng thái chập chờn nhưng tôi cũng thành tâm - xin đấng Thích Ca Mâu Ni, xin Đức Chúa Trời, Đức Mẹ Maria cho tôi được giữ tròn cách báo hiếu đó.
                                                                                                          4-1993