Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


Phần 2 -  Cơn bão đi qua

Trong lịch sử Bến Tre chưa từng có cơn bão lớn quét như vậy. Hoang tàn đổ nát.
Hàng nghìn ngôi nhà bị sập, bị tốc mái. Cây lâu năm lật nghiêng như một tai nấm rơm để ngửa. Bạch đàn cỡ bốn tay người gió vặn vẹo như mảnh vải ướt. May mà sức gió xoáy không đi qua thị xã nên nhiều nhà nội ô không hề gì. Chỉ có vùng nông thôn và các huyện miền biển thiệt hại nặng. Gió cấp 12 giật trên cấp 12. Gió như chàng trai tráng kiện và điên khùng quăng quật tàn phá mọi thành quả lao động của con người cho thoả cơn điên. Nhiều người chết, người bị thương vì cây ngã, nhà sập, điện giật. nhiều người bỗng chốc hoá ra không nhà, nhiều đứa trẻ bị mồ côi vì cha mẹ bị chìm ghe ngoài biển khơi. Đến khi chàng trai sung mãn, điên khùng chạy từ tỉnh này sang tỉnh nọ, tuốt ra vịnh Thái Lan thì dân trên đất liền mới hoàn hồn đôi chút.
Cái cảnh không còn mái nhà trên đầu giữa trời mưa gió, ăn ngủ ngoài trời không có gì khổ hơn. Nhất là hộ nghèo ngày càng thê thảm. Nhiều đoàn người từ các nơi tìm về địa phương bị thiệt hại sau bão để cứu trợ tiền nong và quà cáp. Chính phủ ban hành chủ trương cứu trợ khẩn cấp từ tiền công quỹ, không để dân đói.
Tôi cũng thu xếp lên đường về những nơi ấy. Từ lâu lòng tôi đã lạnh. Tôi không bóc lột, lợi dụng ai. Sòng phẳng. Rõ ràng. Không gian lận. Sản xuất kinh doanh có lời. Không cần phô phang, quảng cáo hay trình diễn. Âm thầm làm việc hết sức mình. Tôi không cho không ai một cái gì. Tôi chưa hề yêu ai trọn vẹn. Nhưng đứng trước những con người không nhà, không cơm ăn sau cơn cuồng phong thảm khốc, tôi nhớ đến ba mẹ, nhớ đến phận tôi dạo nào. Tôi hào phóng cầm tiền biếu tận tay. Chính xác những con người thật sự cần giúp đỡ. Không cần họ biết tôi là ai, là từ đâu đến. Bởi đồng tiền đó tôi kiếm  được bằng chính đôi tay của mình tôi biếu tặng lại cái quá khứ đau thương của tôi, của ba mẹ tôi chứ không ai khác. Họ là hình ảnh chợt hiện ra ở vùng ký ức tạm lắng sâu trong lòng nhưng không phôi phai.
Những người nhận tiền cảm động rưng rưng nước mắt, bao giờ họ cũng nói :
- Cám ơn lòng tốt của bà. Cám ơn từ tâm của chị. Thật đội ơn.
Tôi im lặng, phác một cử chỉ không muốn họ nói thêm nữa. Thật ra tôi không từ tâm, không tốt. Tôi vì tôi. Họ càng nói tôi càng xấu hổ mà thôi. Tôi muốn mọi việc phải gọi đúng tên, không nguỵ tạo, xi mạ, lập lờ. Nhưng tôi muốn im lặng. Không lắm lời.
Đến xế trưa tôi nghe đói. Vào quán nước chợ xã, gọi ly café đen rồi lấy bánh mì đem theo ra dùng bữa. Có hai thanh niên khoảng dưới ba mươi ngồi bàn trong cùng, một người áo xanh, một người tóc dài. Họ có vẻ vui và thoải mái như cơn bão chưa từng viếng thăm địa phương của họ. Họ gọi café đá và thuốc Jet. Người áo xanh đưa cho người tóc dài một xấp tiền nói:
- Phần mày! Tao với mày cưa hai.      
Những tờ Polime xanh lét bay phập phồng bị níu lại bởi cộng thun ràng ngang. Cô gái chủ quán to béo mặc bộ đồ bằng thun màu xanh lục bó sát. Nhìn cô giống như con sâu đậu rồng. Cô đanh đá nói :
- Tụi bây làm gì có tiền nhiều vậy ? Trả nợ tao nghe chưa?
- Trả thì trả chứ làm gì dữ vậy bà nội. Dư sức.
Cái cười làm gương mặt cô bạnh ra với hàm răng trắng ởn:
- Nè tụi bây trúng mánh hả? Làm cái gì có tiền nói tao nghe với.
Hai người thanh niên cười hề hề:
- Nói bà nghe bà đừng bép xép với ai tui mới nói.
- Ừa, tao hứa.
- Bà có biết 10 con cá sấu ở trại cô Am sổng chuồng hôm bão không?
- Ừa tao có nghe. Cây ngã đổ làm sập chuồng rào nó sổng đi nhưng nghe nói bắt lại đủ rồi mà.
Anh thanh niên tóc dài trề môi.
- Bà thấy bắt lại đủ không hay nghe nói. Thì chính tụi tui nói chứ ai. Tôi đi la cà khắp nơi la ầm lên là cá sấu đem về được rồi để trấn an dư luận và con mắt chính quyền. Cô Am đã bí mật mua 10 con cá sấu từ chỗ khác đem về đó bà ơi!
- Nhưng hai thằng bây mắc mớ gì đi rêu rao làm chi ?
- Sao bà ngây thơ cụ quá vậy? Cô Am đưa tụi tui 2 triệu để mướn đi rêu rao chứ không ai rảnh nghen.
- Trời đất ơi, 10 con cá sấu sổng ra bơi tự do. Dân chài lưới trên sông mà gặp cá sấu đói mồi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
- Tụi tui đâu có biết. Đó là chuyện người khác. Tụi tui chỉ nói mướn ăn tiền thôi, bà mà bép xép là chết nghe.
Tôi thấy buồn cười. Người ta thuê anh làm cái loa tuyên truyền cho một sự thật cần che đậy mà chưa gì đã bể toè loe, trong khi tiền đã lấy.
Tôi bắt chuyện cô chủ quán:
- Xã mình sau bão thiệt hại nhiều không em?
Cô cởi mở:
- Nhiều chứ chị. Nhà sập và tốc máy đến 70%, còn hoa màu thì chưa tính. Cá tôm nuôi trong vuông cũng bể bờ ra nhiều. Nhưng nhà sập là nhà nghèo, nhà giàu kiên cố không hề gì.
- Chị nghe nói nhà nào có thiệt hại vì bão thì được nhà nước sửa chữa, cũng đỡ khổ hả em?
- Thì cũng có nhưng nhiều chuyện xảy ra buồn cười lắm chị à. Mà chị ở đâu tới vậy ? - Cô tỏ ra e dè.
- Chị đi thăm người em có chồng ở xã gần biển về ghé qua đây.
Cô chủ quán tỏ ra dạn dĩ hơn.
- Khi nghe đài báo nhà nước sẽ cứu trợ nhà sập là 5 triệu, nhà tốc mái 2 triệu. Có ngưới nhà tốc mấy miếng tôn họ xô cho sập luôn để nhận tiền. Nhiều người nhân cơ hội này để đền ơn đáp nghĩa cá nhân. Chẳng hạn nhà không có gì họ lên danh sách sập, rồi kéo thân thích vào để dự phần. Bởi vậy hôm nọ người ta kéo đi khiếu nại cả trăm người. Ra đường đón xe, có xe nào dám chở. Tiền cứu trợ cho người khổ nạn mà thiên hạ còn xà xẻo, hổng biết tiền gì họ chẳng xài nữa! Cho nên bão qua rồi có người mừng có người buồn.
Vài bà sồn sồn bước vào quán mua vài món lặt vặt gì đó và ghé xuống ghế buôn chuyện tiếp. Hai thanh niên đứng dậy rút êm (chắc là đến đám đông nào đó tiếp tục làm cái loa cho người làm sổng cá sấu). Nghe như vậy là quá ngưỡng chịu đựng của tôi rồi. Tôi trả tiền và vẫy chiếc honda.
Về đến nhà trước khi trời đổ cơn mưa. Thật may. Cúc Phương con gái chị Liễu đi học về tới. Cháu đã dọn đến ở mấy ngày nay. Tôi bố trí cho Phương một phòng nhỏ ở tầng dưới, xưa ba mẹ dành cho khách qua đêm. Tôi bảo cháu muốn ăn gì cứ nấu tự do, đừng lo gì cho tôi. Sự học là hàng đầu. Ở tuổi cháu, các thứ là phụ.
Tôi hỏi:
- Cúc Phương này, cái trạm bơm hồi ấy bây giờ ra sao cháu?
- Dạ họ cũng đào kênh dẫn nước, làm trạm bơm nhưng được vài năm không thấy hoạt động nữa. Cỏ mọc lan tràn, nước tù đọng. Còn con kênh thì cạn queo, thiên hạ ban ra trồng chuối rồi cô à.
- Khôi hài quá hả? Lúc mới bắt đầu làm, chắc cháu mới sinh chứ gì?
- Dạ, mẹ cháu nói vậy. Nghe người ta nói rằng người kỹ sư du học về lấy cô Hào ở làng mình đẻ con mà không nhìn nhận. Ổng bị kỷ luật đổi đi mất rồi. Con nhỏ Hoá hồi nhỏ học chung với con. Giờ nó kết hôn với ông chồng Đài Loan hơn nó ba mươi tuổi.
Tôi lấy chìa khoá nhà giao cho Cúc Phương một cái để mở cửa lúc tôi đi vắng. Bật tivi xem. Thấy đang truyền đi chương trình buổi lễ tôn vinh doanh nhân thành đạt. Rất nhiều VIP sang trọng. Trang trọng. Chững chạc. Nhiều hoa. Nhiều diễn văn và nhiều lời xưng tụng. Họ là những người có đầu óc kinh doanh giỏi, biết làm giàu nhanh chóng. Sử dụng lao động trong nước làm ra sản phẩm giao dịch buôn bán với khắp các nước trên thế giới. Môi trường và tầm cỡ kinh doanh của họ rộng lớn gấp nhiều lần cơ ngơi ba mẹ tôi. Nếu thử so sánh thì ba mẹ tôi là cò con. Tôi bật sang kênh khác thấy chương trrình biểu diễn thời trang với nhiều dáng đi khó hiểu. Rà sang kênh khác tôi thấy mấy con khỉ (sống) mặc quần áo lạ mắt chạy xe đạp, chạy tíu tít, rối rít cả bầy đàn. Chó đi hai chân như người. Anh hề úp mặt vào bánh kem làm xiếc hòng mua lấy nụ cười hứng khởi ở người xem. Anh hề vừa biến đi, chương trình dự báo thời tiết hiện ra với công điện khẩn, chuẩn bị tránh bão. Có một cơn bão đang hình thành ngoài biển Đông với cường độ rất mạnh, đồng thời đang có luồng không khí lạnh từ phương Bắc tràn về có thể làm cường độ bão mạnh thêm thành siêu bão. Đường đi và diễn biến của bão rất phức tạp, khó dự báo chính xác. Thông tin về cơn bão sẽ được cập nhật từng giờ để nhân dân cảnh giác, theo dõi.
Lại là cơn bão. Bão sẽ ghé về đâu. Ai buồn, ai vui? Ai còn sống, ai sẽ chết? Sự đời chưa nói trước được cái gì?