Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

CÁI ĐÈN BỎ QUÊN


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

       Tôi tắt hết các bóng đèn điện và ngồi lặng im sau khi đóng kín các canh cửa trong phòng. Thông thường tôi sẽ bật diêm thắp lên ngọn đèn dầu thân quen - Từ lâu nó gắn bó với tôi như người bạn chí thiết. Ngọn đèn mà mỗi lần thắp lên tôi cảm thấy ấm áp và hiền lành đi nhiều. Cùng lúc ấy, trạng thái tỉnh táo, thăng bằng trở lại giúp tôi ngồi miệt mài trước tờ giấy trắng. Rồi những xô bồ của cuộc sống, những bon chen, lừa đảo, thanh trừng nhau... Chính đôi mắt ấy - vời vợi mà thân tình đã động viên tôi vượt qua chính mình và vượt qua hiện tại để ngẩng mặt mà đi lên. Luôn luôn là như vậy.
Bây giờ tôi ngồi một mình trong bóng tối - bất động. Tôi nhớ đến khu vườn của ba mẹ tôi, một ngày hưu chiến. Những cây mảng cầu, những tàu dừa lao xao trong nắng...
- Cô bé biết không? Bây giờ anh chỉ thèm nắng và gió!
Một ngày đã xa. Anh đi và bỏ quên cái đèn ở lại. Đó là cái đèn nhỏ bé, quá ư đơn giản, gọn gàng và không có một chi tiết nào thừa. Loại đèn bằng chai alcool, có lò xo và đốt bằng dầu lửa. Bao nhiêu người đã đến, ở lại và từ giã ra đi. Có những người đến nhiều lần, cũng có người chỉ đến một lần rồi đi không bao giờ trở lại. Vậy mà mẹ tôi biết chắc đó là cái đèn của anh, dù không có dấu vẻ gì đặc biệt. Mẹ tôi cất kỹ và mong ngày gặp lại sẽ trao cho anh. Lâu lâu bà lấy ra, nhắc nhở rồi bà khóc vì nghĩ rằng chắc anh không còn nữa - nếu còn sống chắc chắn anh sẽ trở lại thăm bà, bà tin như vậy.
Nhà tôi ngày xưa ở giữa hai vùng kháng chiến và giặc đóng. Gia đình tôi được coi là cơ sở, thường nuôi giấu cán bộ trong nhà. Khi tôi còn bé tôi được ba tôi giảng dạy tường tận đâu là ta đâu là địch. Mười bốn tuổi, ngoài giờ đến lớp, về nhà tôi phải chăn thả ba con bò nghé và ba con bò mẹ, đồng thời phải trông chừng tụi lính để kịp thời báo động.
Những người đến nhà lúc ấy ai cũng thương tôi. Các chú, các bác gọi tôi là con hoặc cháu. Những anh chị thường gọi tôi là cô bé. Phía sau từ cô bé là tất cả những tình cảm thương yêu như anh chị em ruột kể cả lúc quở trách, trêu chọc, đùa vui hay nhờ cậy. Những lúc đi học về “cô bé” thường mua dùm các anh chị thuốc uống, sách báo, khăn mặt, vải vóc...
Có lần anh đưa tôi năm trăm đồng có hình con cọp để mua sách. Anh bảo mua tất số tiền ấy, sách gì cũng được. Và tôi mua một chồng sách đủ loại kể cả “Tuổi hoa” xanh, tím... còn bao nhiêu tôi mua một gói kẹo bạc hà kẹp vào trong.
Ngày ấy tôi chẳng hiểu nhiều về công việc của những người cách mạng, chỉ hiểu một điều chắc chắn rằng đó là những người rất tốt bụng và dễ thương. Có những người cầm súng và cầm bút. Anh thường thức suốt đêm để đọc hoặc viết. Chẳng biết anh đọc gì hoặc viết gì mà trông anh lúc nào cũng có vẻ tỉnh táo và suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng những điều anh viết ra phải hay ho vô cùng. Có lúc anh bảo tôi đem bài luận văn ra cho anh xem, tôi chẳng dám. Đọc văn tôi anh sẽ cười chết, có khi chọc quê cả tuần chưa thôi.
Một hôm chẳng biết anh lục đâu ra bài luận văn tôi được 14/20 đường hoàng với đề tài: “La Rochefoucault nói rằng những thiên tài thì tình dục phải cao hơn người bình thường, anh chị hãy chứng minh câu nói đó”. Anh cứ cười nửa miệng. Chẳng thà bị anh la rầy, chê bai tôi còn ít sợ hơn cái cười ấy. Từ đó trở đi tôi giấu biệt tích các bài luận văn, chỉ đem ra khoe những bài tập toán với điểm 20/20. Chả gì tôi học toán cũng khá và có năng khiếu. Tôi yêu các môn học của lãnh vực tự nhiên và mơ ước lớn lên sẽ làm nghề gì liên quan đến bộ môn ấy. Tôi chẳng thích công việc của văn chương.
Tôi hỏi anh:
- Anh xem em học toán có cừ không?
- Cừ lắm. - Rồi anh cười cái cười hiền lành và lặng lẽ. Nhưng đôi mắt anh muốn nói điều khác ngoài cái cười ấy mà tuổi mười lăm của tôi, tôi chỉ cảm thấy cái gì vời vợi.
Có nhiều lúc tôi muốn bỏ học để theo các anh chị, làm gì cũng được. Tôi thấy cuộc sống ấy sao mà đẹp đẽ, thiêng liêng quá. Những chiều tôi nhóm lửa un khói cho bò. Anh thường đến ngồi cời than, quạt khói.
Một lần anh hỏi tôi:
- Lớn lên cô bé sẽ làm gì?
- Sẽ nuôi bò nhiều hơn. Sáng quét dọn chuồng, chiều chăn thả. Ba em nói nuôi bò cũng là một nghề trong sạch. Cái tính ương bướng của tôi thích nói những điều để anh có cái mà cãi nhưng sao anh chẳng bao giờ cãi với tôi.
Vẫn nụ cười đẹp và ánh mắt vời vợi, anh nói bình thản:
- Được, rất tốt thôi. Nhưng học cái đã, cho hết dốt.
Anh có điểm chẳng giống người khác là không bao giờ anh rầy tôi hoặc khuyên tôi phải thế này thế nọ, đừng nên cái này, không nên cái kia.
Nói tóm lại anh chẳng làm thầy đời hoặc lên lớp tôi. Nhưng giá mà anh bảo tôi nhảy vào lửa tôi cũng chẳng từ nan. Mọi người ai cũng thương quý anh. Ban ngày anh ở dưới hầm. Đêm anh thức suốt với ngọn đèn dầu chai alcool giản dị không một chi tiết thừa.
Có một ngày hưu chiến, anh chẳng đi đâu. Tôi thấy anh nằm dưới gốc cây mơ màng nhìn lên bầu trời qua khoảng lá lưa thưa. Anh bảo tôi:
- Cô bé biết anh đang thèm gì không?
- Mẹ sẽ đãi các anh bánh tét với thịt hầm. - Tôi trả lời thật thà.
Anh cười xa vắng, gỡ cọng cỏ non trên môi:
- Anh thèm nắng và gió.
Tôi chưng hửng và bỏ đi. Làm sao cái tuổi mười lăm của tôi - cái con bé chăn bò và đạp xe ngoài đường nắng lại có thể hiểu được trong đời người có những lúc người ta chỉ thèm khát có thế. Sau này lớn lên, va chạm nhiều trong cuộc sống tôi mới hiểu được và thấy thương anh đến nao lòng.

Trời lại bão. Mưa không to nhưng kéo dài suốt ngày đêm. Tôi không có hy vọng chờ tạnh mưa. Con đường lắm bụi giờ đây nhếch nhác bùn bẩn. Hai hàng bạch đàn bên đường lướt thướt trong mưa gió. Đầu trần chân trần tôi khoác áo mưa đi một mình.
Có ai đi đàng sau. Con mắt sau lưng tôi nói như vậy, nhưng tôi vẫn không quay lại. Có tiếng gọi:
- Cô bé đó phải không?
Tiếng gọi nghe trầm ấm và quen quen mà trong vùng ký ức xa lắc tôi không thể nào nhớ nổi.
Từ lâu lắm rồi không có ai gọi tôi là cô bé nữa nhất là những năm gần bước vào tuổi ba mươi, chắc chắn không có điều đó.
Người ấy dấn tới và đi ngang với tôi. Tôi vuốt nước mưa trên mặt và nhìn kỹ người đàn ông đối diện bùng nhùng trong cái áo mưa của lính. Tôi nhận ra anh trong sự bàng hoàng sửng sốt. Tôi không hề chờ mong gặp lại anh cũng như không hề tìm kiếm nét quen thuộc hay tương tự như anh ở những người đàn ông tôi gặp hay quen biết. Trong thâm tâm tôi cứ nghĩ rằng anh đã đi thật xa và không bao giờ về nữa. Anh đi vào một buổi sáng với tất cả vẻ đẹp thanh quí của một thần tượng.
Tôi hỏi vô duyên và ngớ ngẩn:
- Anh thật sao? Mười mấy năm rồi sao anh còn nhận ra em?
- Nói chung là do anh có tính nhớ dai. Hơn nữa nhìn em đi cái dáng như người không có đầu gối, hai chân cứ đưa thẳng về trước không khác gì hồi xưa lắm. Thôi cứ đi chứ, đứng làm gì giữa trời mưa. Ờ mà cô bé đi tìm ai ở đây? Người quen?
Tôi cảm thấy buồn cười, sao anh cứ gọi mình là cô bé.
- Em không quen ai ở đây. Em thăm lâm trường.
Anh không ngạc nhiên vẫn bước từng bước dài rắn chắc và vững chải. Trong dáng đi, điệu bộ, tất cả ở anh toát lên một cái gì hết sức là đàn ông. Sự có mặt đột ngột của anh như từ trên trời rơi xuống làm ấm cả một trời mưa gió.
Lâm trường bộ là một khu nhà được kiến trúc thật độc đáo, làm toàn bằng gỗ từ vách, đến sàn gác, lan can... Nét duyên dáng vừa nên thơ vừa mang vẻ hoang dã rừng rú làm cho người ta có cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm và tạm quên đi gánh nặng của cuộc đời.
Anh ngồi trầm ngâm rất lâu nhìn tôi rồi hỏi:
- Em là phóng viên à? Lâu chưa?
Tôi chống chế:
- Cũng khoảng mười năm. Em là người viết báo bình thường thôi, anh đừng gọi là phóng viên nghe sao to tát quá.
Có tiếng chân người leo lên thang gác. Một thanh niên mặc đồ bộ đội bạc màu bưng lên một cái mâm để bình và ly tách. Anh lạnh lùng chào tôi rồi đặt lên bàn. Đôi mắt  lúc nào cũng nhìn xuống. Rồi người bộ đội lặng lẽ đi xuống cũng như đi lên.
Một cách thản nhiên anh lấy bình rót ra hai ly sữa bốc khói và mời:
- Uống đi, sữa bò tươi đó.
- Anh cũng nuôi bò sao?
- Lâm trường cũng có một đàn bò khoảng chục con. Anh thì có gì đâu.
Tôi từ chối ly sữa anh mới rót. Anh nhìn tôi ánh mắt như một người anh.
- Vậy em uống gì? Cà phê nhé hay bia hay vốt-ka.
- Anh giàu quá chừng. Cám ơn anh, cho em xin một ly cà phê.
Tôi muốn trêu chọc anh một câu gì đó nhưng thôi. Anh hỏi thăm về gia đình tôi và tỏ ra buồn khi biết cha mẹ tôi không còn nữa. Anh nói là lúc giã từ gia đình anh được lệnh đi miền Bắc. Sau hòa bình anh đi chiến đấu ở đất bạn và được chuyển về lâm trường bốn năm nay. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ anh. Anh có vẻ già đi nhiều hơn xưa nhưng vẫn mang nét đẹp của người phong trần dày dạn. Ở khóe miệng có một vết nhăn mờ khi cười và đôi mắt vẫn vời vợi, vẫn như đọc được bao suy nghĩ của người đối diện và như nói được bao điều không nói bằng lời.
Suốt những ngày ở lại lâm trường tôi được bố trí ở căn phòng dành cho khách ở trên gác. Anh bảo tôi:
- Em muốn đến nơi nào trong lâm trường cũng được, xa thì bảo chú Đô lấy ca nô đưa đi, gần thì nhờ chú dẫn, đừng nên đi một mình, anh thì bận đủ thứ không đi với em được.
Tôi định đi thăm những lán trại của anh em hoặc một số hộ lân cận hoặc đội trồng rừng ở xa ngoài voi cồn nhưng đi đâu cũng có chú Đô đi kèm. Nhiều lúc tôi nói cứ để tôi đi một mình cũng được khỏi phiền chú. Nhưng chẳng lúc nào tôi được đi một mình. Tôi cảm giác lờ mờ rằng chú ấy cố ý theo tôi hoặc chú chấp hành nghiêm chỉnh việc “kèm tôi” như một mệnh lệnh vô hình nào đó.
Trao đổi với những công nhân lâm trường chẳng có gì thú vị. Tôi không hiểu được họ mong mỏi gì và thất vọng gì. Giữa họ và tôi là hai phía riêng rẽ và cần phải dựng một hàng rào kín bưng không thể bộc lộ một tí gì riêng tư. Nhưng trong ánh mắt lành lạnh của họ tôi đọc được cái nhìn vừa xa lạ vừa không tình cảm và một cái gì gần như khinh bỉ. Nhưng tôi có làm gì xúc phạm đến họ đâu thậm chí trong lòng tôi cũng dành cho họ những ý nghĩ hay ho nhất. Ở đâu cũng bắt gặp những gương mặt nhìn xuống buồn buồn, như sự câm lặng chịu đựng.
- Anh công tác ở đây bao lâu rồi?
- Ba năm.
- Anh có thích trồng cây gây rừng không?
- Công việc thì phải làm.
- Ở đây anh có thoải mái không?
- Hỏi chú Đô thì biết.
- Thu nhập các anh có khá không?
- Hỏi Giám đốc thì biết.
Hỏi thêm một câu nữa người ta sẽ làm thinh hoặc lảng sang chuyện khác ngay. Tôi nản quá nên cũng ít muốn chuyện vãn với ai. Một hôm tôi đi lang thang trong dải rừng non rồi ngồi xuống nghỉ chân dưới bóng cây. Gần đó có một lán trại nhỏ là nơi đội 3 ở. Giờ đi làm nên có vẻ im vắng. Chợt tôi nghe tiếng người nói chuyện:
- Buồn cười! Nhà báo đến đây mà tao cứ tưởng văn công. Chắc phen này về viết bài khen ngợi hết lời cái lâm trường này.
Tiếng của người thứ hai khẽ hơn, có vẻ như đang bệnh.
- Lâm trường hay trại giam? Mình đổ mồ hôi để làm giàu cho ai ai đâu ấy.
Tôi nhón gót rút đi im lặng, sợ sự khó xử khi hai bên nghe lén và nói lén gặp nhau. Đi được một khoảng xa khuất dải nhà tôi lấy lại sự khoan thai, ung dung của người đi dạo. Gió vẫn đùa nhẹ nhàng trên lá non, chồi non mơn mởn và những âm thanh vô tư muôn thuở của rừng vẫn xào xạc.
*
*    *
- Chị ơi, xuống ăn cua luộc. Anh Bảy đang chờ.
Tôi ngồi dậy uể oải, che miệng ngáp:
- Thôi, mấy anh ăn đi. Tôi buồn ngủ quá!
Khi anh nuôi đi khỏi, tôi trùm mền lại định ngủ một giấc cho đầu óc khỏi lông bông. Nhưng chẳng thể nào ngủ được. Khuya lắm, có tiếng mái dầm khua nước và tiếng người. Tôi bước xuống nhà bếp tìm anh nuôi xin một cốc cà phê hay một bình trà. Tôi muốn gì mà chẳng được.
Gặp anh nuôi đang ngồi nghiêm chỉnh ở góc ván. Trong lồng bàn vẫn còn những con cua gạch điều đầy hấp dẫn.
- Cho tôi xin một cốc cà phê. Sao các anh không ăn cua? Thức khuya dữ vậy?
- Chờ anh Bảy còn làm việc.
Lúc này khoảng một giờ đêm. Tôi bước khẽ khàng lên phòng làm việc của Ban Giám đốc. Ngồi ở băng ghế chờ ngoài hành lang tôi ghé mắt nhìn vào phòng làm việc. Cửa vẫn mở toang - ánh điện hắt ra một khoảng sáng lạnh lẽo trong đêm đen. Trong phòng một thanh niên bị trói quặt tay ra sau lưng mình trần trùng trục, một ông già gầy còm dáng đau khổ. Ông cố phân trần hay van xin gì đó. Còn anh ấy đi đi lại lại trong phòng khoa tay khoa chân, mặt đằng đằng sát khí. Cái nét điển trai và thanh lịch thường ngày biến đi đâu mất. Chẳng ai thấy tôi.
Tôi trở xuống nhà bếp, cái đầu ong ong như muốn vỡ. Tôi chẳng còn muốn uống trà hay cà phê nữa.
*
*    *
Có chiếc xuồng ai cột ở gốc tràm trông xinh xắn. Một người ngồi thì nổi, hai người ngồi thì khẳm. Tôi tháo dây chống ra ngoài mé bãi. Nước mấp mé gốc cây bần và đám lác mọc tràn lan ngoài bãi bùn. Những trái bần chín tròn căng thơm mùi ngòn ngọt hăng hăng. Hái được một chục quả tôi quay trở lại thấy có một người đàn bà lội ra ngoài bãi lác có vẻ như kiếm ai. Tôi hỏi:
- Có phải xuồng của dì?
- Ờ của tui.
- Để con vô bờ rồi trả lại dì. Dì đi thăm bà con ở đây hay nhà ở cạnh lâm trường?
- Tui có bà con gì ai ở đây. Đói quá đi cắt lác bán, nhằm lác của lâm trường nên bị nhốt năm ngày nay. Con tui đem tiền đền giá gấp ba lần số lác đã cắt mới được thả đó chớ.
Người đàn bà mặt đanh lại giọng nói đầy uất ức. Chỗ cột xuồng lúc nãy là anh ấy, chú Đô và cậu bé con khoảng mười ba tuổi. Mọi người nhìn chằm chằm vào tôi. Cái vời vợi trong mắt anh biến mất chỉ còn lại những lời trách móc không nói ra. Tôi trấn tỉnh lại:
- Anh có ăn bần không?
- Không. - Anh đáp cộc lốc.
Cơn bão qua đi. Trời tạnh ráo. Tôi về thị xã vào nửa đêm khi con đò đi qua lâm trường. Lúc đưa tôi ra bến đò anh hỏi:
- Em còn thích nuôi một đàn bò nữa không hay lại yêu công việc, xin lỗi, đáng nguyền rủa ấy?
Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao và vầng trăng liềm ở góc trời như cái miệng quá rộng của ai nhếch lên cười ngạo nghễ.
- Em không thể nói với anh được là em thích cái gì và không yêu cái gì. Suy cho cùng thì sự lựa chọn của em chẳng có gì đặc biệt nhưng để đeo đuổi tới cùng chẳng dễ dàng. Mười lăm tuổi cái suy nghĩ không thể giống với người ngoài ba mươi. Biết làm sao được anh? Cuộc sống vẫn có những thay đổi đáng buồn ngoài sự mong chờ của con người.
Tôi bắt tay anh và bước xuống khoang đò. Tôi cảm ơn tôi đã không nói với anh về cái đèn mà mình vẫn cất giữ. Và chắc hẳn là anh không thể nào nhớ được có một lúc anh đã để quên cái đèn ở một nơi nào đó.
*
*    *
Tôi nói với người Tổng biên tập mà không nhìn anh:
- Tôi không thể nào viết được bài về lâm trường. Anh phân công người khác.
Người Tổng biên tập ngước nhìn tôi, cái nhìn lõi đời, có một chút độ lượng và cũng quen với tính nết bất thường của tôi. Anh dịu giọng hỏi tôi:
- Sao? Biến cố gì vậy?
Rồi anh cười lùng bùng và cúi xuống những trang bản thảo.
Tôi im lặng đi lên thang lầu, không vào phòng mình và bước lên sân thượng. Ngồi một mình trên khoảng sân im vắng còn mang sức nóng của mặt trời. Dưới kia phố đêm với dòng người và xe cộ di động như một đàn kiến đủ kiểu và nhiều màu sắc. Hình như đêm nay người ta đi phố nhiều hơn mọi khi. Trên trời những vì sao tinh nghịch cứ nhấp nháy và vầng trăng liềm như cái miệng ai cười ngạo nghễ.
Trong tôi một đoạn đời tuổi thơ hiện về trong mùi rơm rạ, mùi cỏ non, mùi khói un, và đàn bò tung tăng trên bãi chăn thả. Một thời mà tôi sẵn sàng nhảy vào lửa.
Không biết đến bao giờ tôi mới thắp lại ngọn đèn như lâu nay tôi vẫn đốt trước trang bản thảo mỗi khi tôi thấy bế tắc, thấy rã rời, chán nản... Nhưng có lẽ tôi phải đốt nhiều lần nữa nếu tôi còn sống và viết.
Tôi sẽ không trả lại người ta cái đèn đã bỏ quên hay bỏ lại. Phải chi ba tôi còn sống, tôi sẽ về căn nhà xưa và nói với ông rằng:
- Cuộc sống có những cái khó hơn nhảy vào lửa rất nhiều.