Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

NGƯỜI ĐÀN ÔNG MẶC ÁO NÂU

                                                               
                                                                  Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Cái ý định ra về của tôi bị hoãn lại không phải vì đêm tang lễ đã quá khuya, không hẳn ý nghĩ phù du của kiếp người, của cái sống và chết làm tôi muốn ngồi một mình - mà đơn giản vì sự có mặt của một nhà sư rất trẻ. Dù không có tóc nhưng không làm giảm đi nét đẹp trai một cách thanh tú của khuôn mặt. Dưới lớp áo cà sa bùng nhùng vẫn hiện lên rõ nét tầm thước và dong dỏng cao. Nhà sư có giọng đọc kinh trầm bổng, du dương một cách điêu luyện trong những lời cầu hồn, cầu siêu thăng, tịnh độ cho người chết. Giọng cầu kinh như tiếng của một nghệ sĩ tài hoa hát một bản dân ca buồn. Nó cũng hay như bàn tay thuần thục xòe những lá bài xập xám sát phạt không tiếc rẻ những kẻ ngồi chung bàn. Điều ấy làm tôi thú vị như khi đứng lặng nhìn những ni cô ở bãi tắm.
Có những sự bóc trần đáng nguyền rủa hoặc đồng nghĩa với sự trơ trẽn, dung tục nhưng sao sự bóc trần của những lớp áo cà sa phô bày cơ thể bấy lâu được ấp ủ trong lớp áo nâu sồng vẫn làm tôi thấy vui mắt và thích.
- Chào cô, rất vui được gặp lại.
Tiếng người đàn ông vừa ngồi vào bàn cất lên làm tôi rời khỏi suy nghĩ về nhà tu hành cầm binh xập xám.
- Chào ông.
Tôi gật đầu đáp lại và cố lục soát trí nhớ xem là ai? Cũng chẳng cần lâu. Tôi nhớ rất rõ. Chính là gã, người tôi đã vài lần gặp trong suốt mười lăm năm. Lần nào gã cũng làm tôi có những suy nghĩ không thoải mái và một ấn tượng riêng rẽ không nhòa lẫn với ai.
Gã mặc áo màu nâu sẫm. Những đường ráp nối hằn lên dấu mòn và bạc màu. Rất nhiều đường may nổi cộm và rất ư là nhiều nút. Đôi giày bết đầy bùn đất như là gã vừa bước ra từ một nơi đầy gió cát bùn lầy. Gã vẫn hay lắc lư cái cổ dài với mớ tóc dài bò quanh cổ. Lạy Chúa, từ những ngày người ta ghét tóc dài đến mức đón đường mà cắt xén nó đi gã vẫn để tóc dài và vẫn màu áo nâu sẫm ấy.
Trải qua bao biến thiên của mốt tóc đàn ông nào tóc đinh, tóc đuôi gà, tóc dài, rồi cạo trọc. Theo tôi có lẽ tóc dài đến cổ là dễ trông nhất. Nói như vậy không có nghĩa là tôi có cảm tình với gã.
*
*     *
- Chào cô, xin được làm quen. Tôi là chiến sĩ thi đua của nhà máy cơ khí X. Tên tôi là Viễn. Xin cô cho biết quý danh và là chiến sĩ thi đua của ngành nào?
Người đàn ông trung niên mặc áo màu nâu mang kính cận ngồi cạnh tôi nói vậy. Tôi giật mình: Quỷ thật, mình đã định ra về từ lúc bế mạc cuộc họp. Tôi rất sợ cái không khí của tiệc tùng, ăn uống, đám đông. Nếu tránh được đó là dịp may nhưng vì cái mụ đàn bà ba hoa đang phát biểu về thành tích cá nhân. Trong từng hành động, từng lời nói nó bốc lên cái rổn rảng, phô phang của kẻ hãnh tiến, của thành quả đạt được một cách dễ dãi. Nhân danh một phụ nữ thành đạt, mụ tha hồ múa gậy vườn hoang. Tôi ngắm nhìn người đàn bà ấy dưới góc độ một nhân vật truyện mà tôi khó tưởng tượng khơi khơi được. Và tôi đã đi theo mụ ta cho đến phòng ăn của hội nghị.
- Tôi tên là Phương, và thú thật, trong đời tôi chưa bao giờ là chiến sĩ thi đua. Đó là chưa tính vài lần bị lãnh đạo quở trách.
Qua làn kính cận vẫn thấy rõ đôi mắt to có phần mơ mộng của gã ánh lên sự ngạc nhiên và thích thú. Cái miệng hơi rộng ấy khi nghiêm trông rất đẹp trai và khi cười nó mang nét gì hơi đểu đểu mà tôi mơ hồ thấy rằng phải chắt lọc sự thật trong những điều gã nói. Nhưng gã vẫn từ tốn trong từng lời nói, cái nghiêng đầu lễ độ đầy chất nịnh đầm.
- Vậy xin phép hỏi cô có mặt ở đây để làm gì?
Tự nhiên tôi muốn trêu chọc gã:
- Để nghe những chiến sĩ thi đua như ông tự nói về mình hay nói khác hơn là để gặp những con người tinh túy, thành đạt của tỉnh nhà và phổ biến những điều ấy cho người người, nhà nhà cùng nghe để học tập.
Trái với dự đoán của tôi, điều tôi nói làm gã cười rất tươi. Cái cười có thể thấy hai mươi bốn cái răng đều tăm tắp và trắng bóng, đồng thời nó cũng tiềm tàng bản lĩnh và nét ngạo mạn.
Sự ngạo mạn như một kiểu phớt lờ câu nói của tôi.
- Ra cô là phóng viên ư? Vậy thì tôi cũng xin nói rõ rằng cô đừng có bao giờ định viết bài gương chiến sĩ thi đua về tôi và nhất là đừng chụp hình tôi mà đăng báo dù tôi rất đẹp trai. Cô đừng phật lòng nhé. Không phải tôi quá tự cao, chỉ vì tôi muốn nói thật rằng tôi sẽ bỏ công việc tôi đang làm bất cứ  lúc nào tôi muốn vậy thôi. Tôi là thằng bất trị.
Gã nói chuyện rất giảo hoạt với mọi người và hình như người trong bàn rất thích nghe gã nói. Đầu óc tôi lơ mơ nghĩ đến những nơi tôi đã đến, những người tôi đã gặp, hình như không ai nói như thế cả. Cũng có người thích làm chiến sĩ vô danh, làm con trai suốt đời ôm nỗi đau tạo ngọc. Và tôi đã gặp vô số những con người thích nổi tiếng, thích nổi trội trong đám đông, bằng thành quả của mình cũng có và cũng có kẻ cướp công, cướp chiến tích của người khác để củng cố, xây đắp cho sự vinh thăng của mình. Nghề nghiệp giúp cho tôi có dịp thấy được sự mãn nguyện của người rỗng tuếch thích xuất hiện trước màn ảnh vô tuyến, thích có ảnh đăng báo, thích được phỏng vấn, được phát biểu... Và tôi cũng biết rõ hậu quả của những bài khen chê như chế rượu quì vào ba-zơ hay a-xít.
Tôi không biết bữa ăn ấy gồm những gì, có ngon không. Chỉ nhớ láng máng ánh lửa xanh lét liếm quanh cái hủ nhỏ đựng đầy thịt. Tôi lững thững ra về trên lối dành cho người đi bộ. Và lòng tôi thầm cảm ơn những bông hoa hoàng hậu nở vàng một khoảng sân nhà ai làm cho tôi thấy buổi chiều ấy có một chút dễ thương.
Lại cũng gã ấy. Viễn bước bên cạnh tôi và nói:
- Thế ra nhà cô trên đường này sao? Tôi định đến thăm người bạn ở cuối đường. Rất hân hạnh được đưa cô một quãng.
*
*     *
- Ai cũng thích được nổi tiếng, được ca ngợi. Tại sao ông thì không?
- Ngày xưa đôi lúc tôi cũng thích, nhưng giờ tôi cảm thấy tất cả là phù du và chẳng để làm gì. Hơn nữa lúc nào tôi cũng có ấn tượng với nhà văn, nhà báo vì tôi không thích ai nói láo hay nói thêm.
Tôi nổi sùng thật sự:
- Thú thật tôi chưa hề có ý định viết về ông nhưng ông có muốn tôi viết về thằng bất trị không?
Mặt gã bỗng sa sầm xuống đượm buồn như ai lùa bàn tay vào vết thương của gã.
- Biết nói sao đây, rằng tôi không hoàn toàn có ý nghĩ như vậy. Chỗ cô ở đấy phải không. Khi nào có dịp tôi sẽ đến thăm, cô cho phép tôi nhé.
- Để làm gì? Để ông sẽ nhạo báng tôi chăng hay để tôi biết thêm về một kẻ bất trị.
Vẻ buồn làm cho sự linh hoạt tinh quái của nét điển trai nhuộm vẻ đểu đểu trong nụ cười biến mất.
- Cô khó chịu về tôi ư? Cái thằng người tôi nó là vậy. Phá phách đùa cợt và cả quỷ quyệt nữa nhưng đôi khi tôi thấy buồn rũ ra, buồn muốn chết đi được nhất là nói về mình, về bề nổi của mình để được nổi tiếng. Tôi đã lang thang khắp chiều dài đất nước, lăn lóc, vật lộn với đủ trò đời. Vào tù ra khám... Tôi yêu tiền ngang với đàn bà đẹp. Tôi nói thật thà đó.
Tôi cười mỉa mai:
- Tại sao ông đi nói thật với người hay nói thêm và nói láo như tôi.
- Vì tôi thấy ở cô nổi trội lên sự cô độc, sự lạc lõng giữa đám đông, điều đó khiến tôi tin cậy.
*
*     *
Tôi gặp Viễn trên chuyến phà trưa sau vài năm không thấy gã. Tôi không viết một dòng nào về gã nhưng ở gã có nét gì rất riêng chỉ cần gặp lại là nhận ra ngay. Viễn cho tôi biết là đã bỏ nghề cơ khí và chuyển sang nghề nặn tượng mấy năm nay. Gã và vài người bạn thân mở một tổ nhỏ chuyên nặn tượng Thần Tài, Thổ Địa, Quan Âm bằng thạch cao để bán cho các gian hàng bán lẻ. Và hôm ấy Viễn đang trên đường giao hàng trở về.
Tôi lơ đãng nhìn khoảng trời đầy mây qua ô cửa nhỏ. Viễn vẫn đều
đều kể:
- Bỏ nghề cơ khí lại hóa hay. Cô biết không, cái việc nặn tượng này đơn giản vô cùng, nó không đòi hỏi lao động nghệ thuật nhiều như mẹ tôi - bà đã từng là nhà thơ tiền chiến, ở một chừng mực nào đó bà cũng đạt được những vinh quang và lận đận vì những bài thơ của bà. Không có ai quở trách sản phẩm mình làm ra sai trái thế này thế nọ, mà tôi chỉ thấy thiên hạ mua về để lên một vị trí trang trọng nhất và quỳ lạy. Tôi từng biết một người đàn bà rất giàu và rất kênh kiệu. Cả đời bà ta luôn vênh mặt với mọi người, bà ta chỉ cười với đồng tiền và quỳ lạy cung kính trước bàn thờ Thần Tài và tượng Phật Quan Âm. Và cũng xin khiêm tốn mà báo tin mừng với cô rằng đời sống bây giờ của tôi đã khá hơn trước rất nhiều. Đã mua được nhà và sắm được xe nhờ bàn tay lao động của mình - bàn tay biến thạch cao thành thần thánh!
Gã lại cười. Cái cười vẫn đẹp và đểu đểu như xưa nhưng hai bên đuôi mắt có vết chân chim.
Tôi chia tay với gã khi phà cặp bến. Nhìn bóng áo màu nâu, mái tóc dài kín cổ nhòa lẫn trong dòng người và xe cộ tôi hơi tiếc phải chi có dịp tôi sẽ hỏi gã về một kẻ bất trị.
Vậy là đêm tang lễ này tôi gặp lại Viễn. Viễn cũng quen và hàm ơn rất lớn với người chết. Tôi hỏi Viễn những câu xã giao thông thường của những người quen lâu ngày gặp lại.
- Bà và các cháu vẫn khỏe, thưa ông?
- Cám ơn cô. Hai cháu đang chuẩn bị thi hết cấp ba. Còn vợ tôi, bà ấy như là mẹ Mốc. Đó là người đàn bà trời sinh ra để khổ vì tôi.
Tôi làm thinh. Tôi không thích đàn ông nói về vợ như vậy trước mặt một phụ nữ khác. Viễn hỏi tôi:
- Bây giờ cô đang làm gì? Còn tiếp tục công việc cũ nữa không?
Tôi cười buồn:
- Tôi nghe người ta nói ông là thầy bói có tiếng sao không bói xem tôi đang làm gì. Làm cho tôi tin được không dễ đâu. Ừ, sao gặp tôi ông không hỏi tôi về chuyện khác, về chồng con chẳng hạn, như tôi đã hỏi ông vậy?
Viễn nghiêm chỉnh:
- Tôi không muốn biết chuyện ấy và tôi cũng không thích hỏi những lời xã giao chiếu lệ. Bao giờ tôi cũng thấy cô một mình, cô đơn. Dù cô có đến mười đứa con và một ông chồng mẫu mực đứng sau lưng; dù ba mươi năm sau gặp lại, tôi vẫn thích gọi cô là cô mà không là bà. Cái điều kỳ lạ là đứng trước mặt cô tôi thích nói thật dù tôi rất ghét nói thật với người khác - ghét ngang với tham vọng được nổi tiếng.
Một lần cúng nữa bắt đầu. Người quấn khăn tang làm công việc của người thọ tang quỳ trước linh cửu người thân.  Nhà sư lại rời binh xập xám tiếp tục kinh kệ và chuông mõ với lòng thành kính và quyết tâm đưa vong linh người đã khuất về cõi Niết Bàn. Cái đầu óc lông bông và phàm tục của tôi lại lan man nghĩ về những lần đi viếng chùa, những lần dùng cơm chay với các vị tu hành trụ trì ở chùa. Tôi từng thấy nhà sư cho vào mồm những miếng thịt heo quay, cá chiên, tôm hùm hấp, mắm với rau sống. Dĩ nhiên những món ăn ấy được chế biến từ tàu hủ và rau quả. Các vị tu hành cứ thoải mái ăn uống chẳng ai cấm sự phong phú của óc tưởng tượng giữa thật và giả. Tôi không dám nói với ai ý nghĩ rằng nên chăng chế biến những con người bằng chất dẻo rồi thổi căng phồng lên, rồi trang phục như người thật và đặt trong giường ngủ các vị tu hành trai giới cho bớt lạnh lẽo những đêm dài cô quạnh.
Gã thầy bói vẫn ngồi im lìm vẻ trầm ngâm như một triết gia. Tôi giục một lần nữa:
- Ông bói dùm tôi một quẻ đi chứ. Đúng cũng được mà sai vạn dặm cũng được. Ngày xưa tôi cũng thỉnh thoảng đi xem bói, có điều bây giờ trong tôi không còn ngây thơ và cả tin nữa.
- Thầy bói gì tôi cô dư biết rồi, tại người ta gọi vậy thôi. Chẳng qua là thời gian tôi ở tù chung với một người biết ít nhiều về chỉ tay, tướng số, tử vi. Tôi học lóm rồi nghiên cứu thêm ở sách vở nhưng chủ yếu vẫn là tôi học ở trường đời. Qua giao tiếp, va chạm với đủ hạng người đã định hình những tính cách cho mỗi loại người. Họ có những cái chung nhất định nào đó và có những cái rất riêng mà khi tiếp xúc mới phân định chi li cho từng người... Nó đòi hỏi sự nhạy bén như ông cha nếm rượu của Alphonse Daudet vậy, không thể truyền hết cho ai được đâu.
Lúc đầu tôi chỉ tào lao với mấy bà bạn hàng quen ở các quầy bán lẻ. Coi tay, coi tướng cho vui. Chẳng ngờ tiếng đồn lan xa rồi người ta tìm đến tôi nhờ xem giúp chỉ tay đoán tương lai hậu vận. Tôi nhìn bàn tay kết hợp với cách nói năng và nhiều thứ khác. Có khi người ta tự khai về mình mà không hay. Và tôi đã nắm bắt những mấu chốt, những kẽ hở của lời nói mà đoán định. Thường người ta đến xem bói khi người ta đã mất mát hoặc đang chiếm lĩnh cái điều mà họ canh cánh bên lòng là sợ mất hay điều ngoài sự mong chờ.
Buồn cười nhất là những cô gái sợ người tình ruồng bỏ hoặc đã bị bỏ rơi. Họ đến tự khai hết mọi quan hệ hai người rồi yêu cầu mình cho hướng giải quyết. Nhưng đáng buồn cười nhất là một cơ quan nọ đang có sự cố nội bộ, năm phe, bảy phái gầm ghè nhau. Ai cũng sợ bị hất khỏi chỗ đứng. Không hiểu có thằng quỷ tha ma bắt nào nó chỉ đến tôi. Vậy là tôi hỏi khéo, nó khai hết nội tình xung đột rồi hỏi tôi phải làm sao. Rồi ngày khác cũng những người của cơ quan ấy lần lượt đến hỏi tôi, nhưng không ai biết ai đến tôi cả. Tôi đã nghe từ mọi phía và quá rõ đường đi của mỗi người. Tôi ung dung có lời đoán định và lời khuyên như một bàn cờ tôi sắp và điều quân khiển tướng không chút vấp váp, rồi đâu lại vào đấy. Mọi người coi tôi là thánh sống. Tôi được ra vào cơ quan ấy một cách thoải mái và được xem như một thượng khách đặc biệt. Ngẫm lại mà buồn cái thuở hàn vi, nơi ấy chưa chắc mình đã được đặt chân đến. Cái thuở mà tôi đọc được cách đối xử thậm tệ của con người và đầy đủ những bộ mặt người tráo trở.
- Vậy ra ông cũng là người quan trọng và là thầy bói nổi tiếng.
- Biết làm sao được điều mà tôi không thích. Mọi điều tôi thích tôi đã làm. Tôi chòng ghẹo những người nghiêm chỉnh và tôi đùa với những việc không thể đùa. Tôi làm cho nhiều đàn bà, con gái hư hỏng vì tôi. Tất cả những cái đó tôi đều phải trả bằng cái giá không rẻ đâu.
Gã thở dài. Nhưng bây giờ tôi đâm ra yêu cái công việc bói toán này mới chết chứ. Chẳng gì nó giúp tôi hiểu sự muôn mặt của con người, sự oan khiên, nỗi bất hạnh mà ai đó muốn dán cho nó bằng nhãn hiệu bình lặng yên lành. Tôi biết nhiều điều để tát vào mặt cái thằng ngây thơ trong tôi.
Tôi sẽ bơi lội trong dòng đời đục trong, nông sâu để đùa cợt. Một ngày nào đó không đùa cợt được nữa tôi sẽ ngồi ngắm nhìn, nghiên cứu dáng người quì trước mặt Thần Tài, nghiên cứu ngôn ngữ van xin cầu nguyện của con người trước đấng thiêng liêng. Chừng ấy những cái túi biết trong tôi đã lưng lửng, cô muốn tìm đến để nghe tôi xin thật thà kể lại mà không dối trá. Tôi thề.
Gã lại cười. Sao bao giờ trong cái cười điển trai của gã cũng ánh lên nét đểu đểu đến buốt lòng.
Không vì thương, không vì ghét, vì lẽ gì tôi đã từng làm cái việc cau bảy bổ ba, cau chín bổ ra làm mười. Chưa bao giờ tôi cho mình là kẻ đểu. Tôi không nỡ nhìn tôi bằng con mắt nghiêm khắc nhất của lương tâm, hay sự chà đạp của cuộc đời để lại những vết hằn trong tâm hồn làm cho tôi xót xa thương mình?
*
*     *
Mưa lại rơi. Người ta sửa soạn khiêng quan tài đi chôn. Vị thầy tu ngồi im không tụng kinh gõ mõ nữa và cũng thôi cái công việc binh xập xám đầy ngoạn mục kia. Tôi không tài nào đoán định được nhà sư đang nghĩ ngợi điều gì? Về một cõi Niết Bàn có thật để ngày đêm tiến tới? Về sứ mệnh của người nối liền cõi trên và nhân gian để sám hối mọi tội lỗi cho chúng sinh? Hay là sư đang nghĩ về một trò chơi hấp dẫn nào đó mà không phạm giới cấm?
Và Viễn - gã vẫn ngồi trầm ngâm nhìn ra màn mưa giăng bủa trên mặt sông khuya khoắt. Gã nghĩ gì? Nhớ đến một trong những người đàn bà đẹp mà gã đã ghé qua đời họ? Hoặc vô số những người đến tự nguyện kể lể đời tư uẩn khúc, đường hoạn lộ thăng trầm đầy đột biến và nhờ gã gióng lên những lời tiên tri vàng ngọc để người ta lo lắng, vui buồn, hí hửng hoặc có biện pháp củng cố những gì đang nắm giữ.
Còn tôi giá như bây giờ đấng thiêng liêng hiện ra trước mặt và cho phép tôi toại nguyện điều mong ước tôi cũng thú thật là tôi không biết mình muốn gì và sẽ từ chối điều xin xỏ. Nhưng có điều quái dị là khi đứng trước người đã nhắm mắt buông xuôi hai tay tôi vừa thấy sự phù du lẫn trò hề. Bất giác tôi cảm thấy thương con người còn đi bằng hai chân trên mặt đất hơn. Thương cõi Niết Bàn không biết còn gần hay xa tầm với của những bậc tu hành thích tắm biển và chơi xập xám. Thương nét đểu cáng của người đàn ông từng biến thạch cao thành thần thánh. Và tôi cũng thương sự ngông cuồng khờ khạo một thời mà tôi phải trả bằng giá quá đắt. Rồi mai... Qui luật muôn thuở của kiếp người.


                                                                                                      4/1995