Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM BÊN SÔNG


                               Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


Đó là lúc làng Tân Hưng hãy còn là một dải rừng rậm rạp, cách một tiếng hú dài mới có nhà người ở. Cọp beo chồn rái và mọi loài chim muông cũng chọn nơi đây quần tụ. Trong cơn gia biến người đàn bà ấy đã đi về phương Nam và định cư trên mảnh đất này. Bà đi cùng với bốn người anh trai. Người anh thứ nhứt chọn Biên Hòa lập nghiệp. Người anh thứ hai ở Vĩnh Long. Người anh thứ ba ở Gò Công. Người anh thứ tư cùng bà về Bến Tre. Chẳng may người anh ấy đã chết trong cơn đột quị. Còn lại một mình bà cất nhà trên dải đất hoang cùng hai đứa bé mồ côi mà bà gặp trên đường.
Vốn liếng của người hành phương Nam không có gươm đao giáo mác mà chỉ có một ít vốn hiểu biết về y học dân tộc do ông cha nhiều đời truyền lại. Bà biết những cây lá hoang dại ngoài rừng để trị cho từng chứng bịnh thông thường hoặc chữa được vết thương do rắn rết cắn. Ngoài ra bà còn có thể đỡ đẻ theo kinh nghiệm dân gian. Tên bà là Nàng. Người trong vùng gọi bà bằng cái tên trìu mến là Vú Nàng.
Chiều hôm ấy bà đi hái rau choại ở gần bờ sông - một loại cây thân bò chằng chịt khắp nơi, người ta dùng để bện vạc, bện đăng rất chắc, đọt non mới nhú làm món rau luộc rất ngon. Bỗng bà nghe tiếng kêu khóc của người đàn bà. Nhìn ra ngoài bờ sông bà thấy trên nhánh bần cao vắt vẻo một người ngồi trên đó. Người ấy bảo đã ngồi như vậy nửa ngày rồi. Nguyên do là chị có chiếc ghe tam bản, vợ chồng và ba đứa con sống trên ấy ngày ngày đi mua bán rày đây mai đó. Gặp sóng to gió lớn, ghe lại chở khẳm nên bị chìm. Đàn cá sấu đói mồi đánh hơi người kéo đến. Người chồng và ba đứa con đã làm mồi ngon cho chúng. Chị cũng biết bơi nhưng lại đuối sức giữa dòng, bất tỉnh. Khi đã tạm no mồi, đàn sấu bèn chơi trò rửng mỡ, vờn mồi. Nó gắp chị đặt lên nhánh bần mấp mé mặt nước và vờn. Chắc chúng định dùng chị làm mồi sau khi giỡn chán. Lúc ấy chị bỗng tỉnh dậy. Thừa lúc lũ sấu lội ra xa, chị mau mau leo tuốt lên ngọn bần. Đàn sấu tức giận biết con mồi đã sẩy nên lồng lộn dữ dội dưới nước. Đã nửa ngày trôi qua, nước ròng đã phơi bãi. Đàn sấu kéo đi hết, nhưng chị không biết làm sao mà leo xuống. Chị không hình dung bằng cách nào mà leo được lên ngọn nhanh và khéo đến vậy.
Vú Nàng bảo người đàn bà cứ ngồi chờ. Lúc sau bà đem lại một sợi dây thừng dài với nhiều gút thắt để buộc vào nhánh cây lần xuống. Bà đem người đàn bà ấy về nhà mình săn sóc. Chị tên là Tần, khoảng ba mươi sáu tuổi. Khi đã khỏe, người đàn bà ấy nói với Vú Nàng trong nước mắt:
- Bây giờ tôi tứ cố vô thân. Chồng con, nhà cửa, tài sản đã chìm xuống đáy sông, chẳng biết đi về đâu. Nếu bà thương tình cho tôi ở lại, tôi sẽ ra sức làm lụng cùng bà kiếm sống qua ngày.
Vú Nàng cười nhân hậu:
- Được, tôi rất sẵn lòng. Cùng là người phiêu bạt với nhau. Thôi thì dì cứ ở đây chúng ta sẽ sống như ruột thịt một nhà. Nhưng có cái là sẽ rất vất vả đó, phải cuốc đất trồng bắp, khoai, chài lưới kiếm cá...
Dì Tần im lặng. Dì đặt hai bàn tay lên trước mặt Vú Nàng. Bàn tay đủ nói lên nỗi cơ cực của người lao động lam lũ.
Vú Nàng gọi anh Tự, anh Do vào và nói:
- Từ nay nhà mình có thêm người nữa là dì Tần. Các con gọi là dì. Dì sẽ ở lại đây luôn với chúng ta.
Có dì bữa ăn thêm ngon miệng với những món ăn dì chịu khó nấu. Vú Nàng thường đi thăm bệnh, đi đỡ đẻ vắng nhà. Anh Tự, anh Do đi làm đồng về có cơm dẻo, canh nóng mà ăn, áo quần có người may vá tử tế.
Đêm đêm họ đốt đống lửa to giữa nhà để xua muỗi và sưởi ấm. Bắp non và khoai lang cũng được cho vào than hồng bốc lên mùi thơm hấp dẫn. Có lúc đang vá áo, dì buông kim khóc nức nở. Dì nhớ chồng con, dì đau nỗi đau quá lớn, quá đột ngột. Vú Nàng an ủi dì, vỗ về dì như dỗ đứa trẻ. Bà bảo:
- Ai cũng có nỗi khổ của mình, mỗi người mỗi kiểu. Tôi cũng vậy thôi.
Dì Tần hỏi:
- Anh ấy đâu hả chị? Người đàn ông của chị ấy?
- Chết rồi!
- Sao vậy?
- Chết vì nghiệp gươm đao. Thôi đừng hỏi nữa.
Dì Tần trầm ngâm.
- Nhưng dù sao chị cũng còn niềm an ủi, còn có hai anh con trai.
Vú Nàng cười không giấu giếm.
- Đó là hai đứa con tôi nhặt trên đường đi vô đây đó chứ.
Bà kể như vẫn thường hay kể cho các con nghe. Anh trai lớn cha mẹ là người làm nghề sơn tràng, lâm bệnh nặng qua đời nơi rừng thiêng nước độc lúc anh mới bốn tuổi. Còn anh nhỏ chẳng biết cơn cớ gì đi lạc giữa đường không ai nhận. Bà đem về nuôi đặt tên: một đứa là Tự, một là Do như một mơ ước thiêng liêng nhất của con người.
Bà thường nói: Mẹ ray rứt mãi không biết rõ nguồn cội của các con để sau này có dịp tìm về.
*
*     *
Đêm ấy trăng sáng vằng vặc. Cả nhà ngủ say. Bà một mình ra ngoài rẫy khoai canh chừng heo rừng ra ủi, còn đám bắp ban ngày sợ khỉ phá. Nó kéo cả đàn cả lũ ra bẻ từng trái cắp vào nách bất kể non già. Hễ rớt trái này nó bẻ trái khác cắp vào. Lột vỏ ra nhăn nhở mấy cái rồi quăng, nhăn trái khác. Cứ vậy gần hết đám bắp. Lần nọ bà bắt được dọa đánh nó trèo lên ngọn cây nhăn răng, le lưỡi nháy nhó.
Đêm nay xung quanh im phăng phắc dù trăng rất sáng. Bà nhớ những đêm trăng ngày xưa ở quê nhà, bà thường hay giúp cha chặt cây thuốc đã được phơi khô. Những tên thuốc được cha dạy tỉ mỉ từng công dụng. Cây cỏ hoang dại nếu biết cách sử dụng sẽ rất có ích cho con người, kể cả những cây độc như cà độc dược, mã tiền... Dùng thuốc để cứu sống được mạng người là vô giá. Người cha thường nói những kẻ kém đức mà hành nghề y thì cái hại nó đến vô cùng. Ba người anh của bà không phải kém đức nhưng các anh cho là không phù hợp nên không say mê. Họ chỉ thích tự lập sống cuộc đời tự do nơi thôn dã không ràng buộc áo mão cân đai, ra luồn vào cúi của kiếp phong hầu. Cha mẹ qua đời, mấy anh em đi về phương Nam tìm vùng đất mới. Một vùng đất tự do nhưng đầy tai ương bất trắc của thiên nhiên, thú dữ, khí hậu lạ lẫm. Cuộc hành trình ấy để lại trong lòng bà những kỷ niệm không bao giờ quên cùng nỗi hoài hương dằng dặc.
Từ trong bụi rậm, một vật to lừng lững di động cùng hai đốm sáng xanh phía trước. Đã quá trễ khi đốm sáng xanh đó đến gần, bà nhận ra đó là con cọp với sắc vàng đen càng lúc càng hiện rõ. Không kịp xoay trở bà đứng im như tượng đá. Con cọp từ từ tiến đến bên chân bà và phủ phục sát đất. Bà cầm chắc cái chết đến trong gang tấc. Bằng thế võ điêu luyện con mãnh thú lượn quanh bà một vòng rồi xốc bà trên lưng một cách gọn gàng như người ta xốc cái bòng nhẹ hẫng. Cứ vậy con cọp cõng bà trên lưng xuyên qua bao lau lách, lùm bụi. Một người một ác thú đã từng cõng nhau đi qua đêm trăng như vậy. Cuối cùng con cọp đặt bà trước hang của nó. Bấy giờ bà mới nhận ra một con cọp cái đang quằn quại đau đớn trong cơn chuyển dạ. Bà chợt hiểu ra căn nguyên của chuyến đi đêm trên lưng cọp. Lập tức bà bắt tay vào những việc cần làm để đỡ những cọp con ra đời khéo léo an toàn. Cơn vượt cạn khó khăn đi qua với "mẹ tròn con vuông". Ba chú cọp con còn ướt nằm ngo ngoe bên ổ cỏ được mẹ âu yếm liếm lông. Cọp cha từ đầu đến giờ nằm phủ phục ngoài miệng hang, cái dáng nằm ngoan ngoãn, hiền lành chưa từng có. Đôi mắt dã thú toát lên cái vẻ vừa biết ơn, vừa hạnh phúc và lấp lánh nước. Cái ác, cái rùng rợn trong mắt cọp biến đi nhường chỗ cho tình cha con. Thật khó hình dung trước đó không lâu cọp đã từng ăn xương uống máu muôn loài không chút gớm ghê.
Xong việc, bà vỗ vỗ vào lưng mấy con cọp nhỏ rồi bước ra khỏi hang. Cọp cha một lần nữa thận trọng cõng bà đưa về sân nhà. Lúc ấy trời vừa rạng sáng. Dì Tần và các con trai đã thức dậy chuẩn bị đi làm rẫy. Ai cũng lo sự vắng mặt của bà trong đêm, nhưng không ai ngờ sự việc diễn ra một cách hy hữu. Bà cũng bảo rằng cho đến lúc về được nhà bà vẫn không hết bàng hoàng, sợ hãi, bà cũng không hiểu sao lúc đó mình còn đủ tỉnh táo để làm mọi việc.
Hôm sau, khoảng nửa đêm cả nhà đang ngủ say bỗng thức giấc vì có tiếng cọp gầm ở gần, tiếng sột soạt của cành lá, rồi một tiếng "huỵch" ở trước sân nhà. Rồi tất cả im hẳn. Đêm trở lại cái thanh tĩnh vốn có nơi hoang dã.
Sáng ra, cả nhà phát hiện có một con heo bị giết nằm giữa sân. Hầu và miệng bị toác ra. Máu rải rác trên đường đi và từng vết chân cọp đẫm máu in trên nền đất. Thì ra đây là món quà mà cọp chồng đền ơn bà đã đỡ đẻ cho cọp vợ. Người trong vùng hay tin kéo đến xem. Ai cũng khen con cọp có nghĩa hiếm có. Bà biếu cho mỗi người một ít thịt heo mang về, còn một ít cho các con. Riêng bà không động tới một miếng nào. Hình ảnh vết máu nhê nhếch trên lối đi làm bà lợm giọng. Mãi về sau bà không cách gì động đũa được món ăn có thịt heo. Nhưng cũng từ đó mỗi khi có việc đi qua rừng, bất kể ngày đêm bà không bao giờ gặp cọp. Thi thoảng về đêm bà nghe tiếng cọp gầm ở gần nhà. Các con bà nói nó về chơi, thăm hỏi bà rồi đi.
*
*     *
Có một ngày giông bão. Trời đã sẩm tối. Gió bấc thổi về lạnh lẽo. Nước lại dâng. Suốt ngày cả nhà không ai ra rẫy. Anh Tự giăng câu được mấy con cá chẻm to bằng mái chèo. Mọi người đang ngồi bên nhau thưởng thức món cháo cá nghi ngút khói do dì Tần nấu. Bỗng dưng có hai người đàn ông bước vào nhà. Một người có dáng thấp đậm to khỏe như một lực điền, còn người kia cao dong dỏng, gầy gò, nét mặt khắc khổ xương xẩu. Dù khoác lên bộ quần áo màu sẫm quê mùa nhưng dáng vẻ rất phong lưu. Người đàn ông có dáng lực điền nói với Vú Nàng:
- Anh em chúng tôi đi thăm thân nhân ở cù lao bên kia. Giữa dòng chẳng may bị giông bão chìm ghe. Bạn tôi bị bệnh đến nhờ bà cứu giúp và xin bà cho chúng tôi nghỉ tạm qua đêm. Ơn này chúng tôi không bao giờ quên.
Mời hai người khách an vị trên cái ghế dài bện bằng mây rừng, bà thận trọng bắt mạch. Người khách sốt cao. Ông ta bị cảm lâu ngày không được điều trị. Tiếng ho đục sệt nói lên tình trạng phổi không tốt. Bằng kinh nghiệm nhìn người Vú Nàng đoán rằng hai người khách không phải kẻ bất lương hại người, họ có vẻ cần giúp đỡ thực sự. Bà nói chân thực:
- Bây giờ tối rồi. Trời lại bão, các vị không thể ra đi trong lúc đêm hôm, bệnh hoạn. Thôi thì tạm ở đây. Tôi đoán không lầm chắc các vị chưa dùng bữa.
Món cháo cá được dọn lên, người đàn ông lực điền ăn rất ngon lành. Còn người kia không ăn miếng nào. Ông ta nằm sõng sượt như đã kiệt sức, và kêu nhức đầu. Vú Nàng cho ông ta uống một gói thuốc đã được tán nhuyễn, bảo ông có thể ngủ chờ nửa đêm sẽ uống thêm thuốc sắc.
Bộ vạc nhà ngoài đan bện bằng cây chà là gai đã lên màu nâu bóng dành cho hai người khách lạ đến tình cờ ấy. Người bệnh nằm thiêm thiếp. Còn người đàn ông kia suốt đêm không hề ngả lưng, ngồi canh người bệnh. Cách chăm sóc và đối xử của anh ta với người bệnh vừa ân cần vừa cung kính, chỉ có ở cha con một gia đình nệ cổ, quyền quý.
Sáng hôm sau Vú Nàng xem lại mạch cho người bệnh. Ông ta đã hết nóng nhưng lại mê man. Cứ mỗi ngày một thang thuốc sắc và thuốc tán uống kèm nhau. Ông ta không đi nổi và chỉ ăn được một ít cháo. Vú Nàng bảo kiên trì thuốc thang bệnh sẽ khỏi. Nhưng trong lòng bà nghĩ nếu ông ta không được săn sóc điều trị mà phải đi ngoài trời mưa gió thì sinh mạng ông ta mong manh lắm.
Đến ngày thứ năm khi ăn bát cháo cá nấu gừng ông ta bảo ngon. Bà biết sự sống từ từ hồi phục nơi ông. Dần dần ăn được cơm ông ta khen món canh cá bông lau nấu lá giấm lại thêm ớt đỏ và rau thơm. Và họ ngỏ ý hôm sau sẽ xin phép bà ra đi. Đêm đó, cả nhà và khách ngồi quanh đống lửa đốt giữa nhà, dì Tần nướng khoai lang mời những vị khách cùng ăn cho vui. Người bệnh tẩn mẩn gỡ lớp than cháy ngoài vỏ rồi nhai chậm chạp, từ tốn như thưởng thức hương thơm và vị ngọt bên trong. Ông ta bảo ngon chưa từng thấy. Vú Nàng cười rất vui vì điều ngộ nghĩnh ấy.
- Khoai nướng mà ngon chưa từng thấy. Tôi chỉ mới nghe lần thứ nhứt.
Người khách nghiêm nghị: - Tôi nói thật mà.
Bên đống lửa hồng, mọi người cùng ăn khoai rất vui vẻ. Mỗi người đều có cái bóng của mình in trên vách, cái bóng chợt hiện, chợt khuất, chập chờn theo ánh lửa. Những con người mà số phận đưa đẩy, trôi giạt. Những mảnh đời không ai giống ai. Ngôi sao chiếu mệnh cũng mỗi người mỗi khác nhưng có cùng nỗi niềm xô giạt và cùng gặp nhau trong căn nhà lá bên sông đêm ấy. Có tiếng cọp gầm ngoài rừng, tiếng gầm không xa lắm. Khách tỏ ra lo lắng, nhưng Vú Nàng trấn an:
- Không sao đâu, nó lành lắm. Lâu lâu nó đến chơi thôi .
Khách thật sự ngạc nhiên trước sự bình thản của Vú Nàng. Bà thuật lại câu chuyện cọp rước bà đỡ đẻ cho vợ. Ông ta chăm chú nghe vừa thán phục vừa kinh ngạc.
Khuya hôm ấy hai người khách từ giã Vú Nàng. Người đàn ông gầy gò nói:
- Ơn bà tôi ghi lòng tạc dạ, mong có ngày... Còn bây giờ lỡ độ đường mong bà thông cảm.
Vú Nàng nói:
- Hai ông đừng bận tâm. Giúp nhau lúc khó khăn là chuyện bình thường giữa người với người. Đừng nặng lòng báo đáp.
Khi hai người khách đi rồi, anh Do hỏi mẹ:
- Các ông ấy về đâu hả mẹ?
- Ừ, mẹ cũng không hỏi họ vốn ở đâu và đi về đâu. Nghe người ta bảo chìm ghe trôi giạt thì hay vậy.
- Nhưng lỡ mình gặp kẻ xấu thì sao?
- Xấu hay tốt nhìn qua bên ngoài cũng khó luận. Còn kẻ hại mình à? Mình có gì đâu mà người ta hại. Mẹ chỉ biết chắc một điều: đó là những con người cùng đường và thật sự cần giúp đỡ.
*
*     *
Nền trời ửng một màu vàng rất lạ, không phải nắng ban mai cũng không phải hoàng hôn, càng không giống nắng giữa trưa. Không ra rực rỡ cũng không nhạt nhòa. Vạn vật chung quanh nhuốm một màu vàng ma quái, bệnh hoạn. Bà không hiểu cách nào mà mình lạc vào nơi đây - một khu vườn rất lạ, hoa chăm, cỏ xén, cây trồng thẳng tắp. Giữa vườn có một cái ghế cao được chất bằng những ống xương nhỏ có, lớn có - xương toàn xương - nhìn kỹ mới biết đó là những ống xương người được xếp đặt trật tự, qui củ và rất công phu. Ngồi trên ghế là người đàn ông vừa quen vừa lạ. Ông ta giơ bàn tay lên tỏ một cử chỉ thân mật chào bà. Bà chào đáp lại và không nghĩ ra mình đã gặp ông ta ở đâu. Có điều những nét quen lạ ở nhân dáng lại gắn với ngoại hình đường bệ, sang trọng trong bộ trang phục diêm dúa của một ông hoàng. Bà không dám hỏi gì thêm. Thấy người sang bắt quàng làm họ là điều sỉ nhục nhất của con người. Bà luôn nghĩ vậy. Ông ta mời bà ngồi trên cái ghế bằng đá và chào hỏi bà bằng một giọng nói rất lạ. Bà hỏi ông về cái ghế làm bằng xương người. Ông ta trả lời giọng buồn rầu nhưng rất cương nghị.
- Chính ta cố công xây đấy. Số phận đã định ta phải ngồi lên cái ghế này.
Bà run run hỏi:
- Xương ở đâu mà nhiều vậy hở ông?
Vẫn giọng buồn rầu ông ta đáp:
- Xương của đồng bào ta, những con người da vàng mũi tẹt như ta kể cả vợ và con trai ta nữa.
Bà cố nhìn kỹ vẻ mặt ông ta khi nói những điều ấy nhưng khuôn mặt đó lại chìm trong bóng tối - mờ mờ bóng tối. Nó tương phản với màu áo vàng rực ánh lên cái lấp lánh. Từ trong cái hư ảo của màu trời đầy ma quái, cái kinh dị của thời khắc có một giọng nữ cao cất lên đầy ai oán:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Tự dưng bà nghe bỏng rát toàn thân. Phải, nóng ghê lắm. Bà cất tiếng rên. Có một bàn tay ai nắm vai bà lay mạnh. Bà giật mình thức giấc cùng với tiếng kêu của dì Tần.
Bà trở mình sang bên. Mẻ than hồng hồi chiều dì Tần đốt cho bà sưởi ấm vẫn còn dưới gầm giường và được tiếp thêm than mới. Dầm mình suốt một cơn mưa dài bà bị cảm lạnh. Dì Tần bao giờ cũng chu đáo quá. Âu yếm nhìn dì bà nói:   - Dì đi ngủ đi. Tôi chiêm bao thôi mà, không có gì đâu.
Gà đã gáy sang canh, ngoài trời tối đen như mực. Mưa vẫn rỉ rả trên mái lá. Bỗng từ xa vẳng đến tiếng ngựa hí, tiếng chân nện dồn dập và lục lạc khua vang. Có tiếng đàn ông ngoài thềm cất lên như ra lệnh:
- Chủ nhà ơi, mở cửa ra.
Bước xuống đất khêu lên ngọn đèn mù u. Ánh sáng lập lòe mờ ảo đủ nhận ra hai người đàn ông mặc đồng phục vải thô màu chàm có thắt đai lưng. Họ nói:
- Chúng tôi là nghĩa quân Tây Sơn, được lệnh tìm người lạ mặt lẫn trốn vùng này. Có ai lạ ở đây không?
Bà đáp nhẹ nhàng:
- Thưa, không có ai.
Rồi bà gọi dì Tần và hai anh con trai ra và nói:
- Đó là tất cả những người trong nhà tôi, không tin các ông có thể xét.
Hai người lạ nhìn nhau:
- Không cần đâu, thôi chúng tôi đi đây.
Họ lên ngựa và phóng nhanh trong màn đêm.
Anh Tự hỏi:
- Họ tìm ai vậy mẹ?
Bà điềm tĩnh.
- Họ đi lầm nhà mà. Mọi người ngủ đi.
Mười hôm sau cũng hai người đàn ông ấy quay lại hỏi:
- Bà nhớ kỹ xem gần tháng nay có ai lạ mặt đến đây xin ăn hoặc ở nhờ không?
Bà đáp:
- Người ở tạm nhà tôi một hai bữa chỉ có thể là người cùng đường, đau thập tử nhứt sinh chứ không có ai vô công rồi nghề.
Người kia nhìn bà đăm đăm.
- Bà nhớ xem có ai cao, ốm, chân mày lưỡi mác không?
- Thưa, tôi trị bịnh cho người, điều quan tâm nhất là họ đau gì để trị bằng thuốc nào chứ tôi không nhìn kỹ vào mặt người ta. Giờ nếu gặp lại họ chưa chắc tôi nhận ra.
- Tại sao?
- Vì điều đó không cần thiết. Tôi không bao giờ mong gặp lại ai trong số họ, cũng không cần họ đền đáp. Tôi sống vậy quen rồi.
Người kia nói từng lời như nghiến qua kẽ răng:
- Bà có biết tại sao không? Vì đó là Nguyễn Ánh đang bị truy lùng đó.
Bằng giọng nói bình thường đầy bản lĩnh của người quen đón nhận những điều bất thường, bà đáp lại:
- Vậy các ông mau đi tìm kẻo lỡ thời cơ.
Và họ ào đi như cơn gió.
- Nguyễn Ánh đó ư? - Bà lẩm bẩm.
Anh Tự lo sợ hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, họ có lần nào đến nhà mình không mẹ? Nhỡ họ phát hiện ra mình vạ lây.
Người mẹ nhìn anh bằng ánh mắt thương yêu trời bể. Hơn hai mươi tuổi mà anh quá thật thà chất phác. Cái gì cũng hỏi ý mẹ. Lúc ở tuổi anh bây giờ bà đã trải qua những năm tháng gian khổ cùng những người anh đi tìm vùng đất mới, nếm trải bao buồn vui của nhân tình thế thái. Thật lòng bà không bao giờ muốn các con phải nếm trải những chông gai của cuộc sống, bị quăng quật không nương tay giữa dòng đời nhiễu nhương như thế hệ bà. Bà đặt tay lên bờ vai chắc nịch của anh nhẹ nhàng nói:
- Nhà mình là nơi cuối cùng của doi dất này, đi thêm nữa chỉ có rừng và sông nước. Mẹ không thể từ chối cứu giúp một người gặp nạn mà cái chết gần kề. Nếu là con, mẹ tin rằng con cũng cư xử như vậy thôi. Trong đời mẹ gặp biết bao hoạn nạn, nếu không nhờ lòng tốt của con người thì chắc mẹ sẽ không sống được đến ngày hôm nay.
*
*     *
Nhiều năm trôi đi, không ai nhắc nhớ gì đến người bịnh lỡ đường đến xin tá túc cũng không ai nhắc đến hai người lính truy lùng kẻ lạ mặt. Mọi người quên đi như cuộc sống hàng ngày phải quên đi chuyện cũ để bắt tay vào những công việc cứ diễn biến hàng ngày.
Một buổi sáng tháng năm, trời trong và mây xanh thắm. Sau mấy ngày liên tiếp có mưa đầu mùa cây rừng như được tiếp thêm sức sống, màu mơn mởn của lá non làm cho rừng mang bộ mặt mới. Có khoảng năm bảy người đàn ông mặc sắc phục, tự giới thiệu là lính triều đình nhà Nguyễn. Họ bảo Vú Nàng:
- Bà có hay Nguyễn Ánh đã thắng Tây Sơn không?
Bà thờ ơ: - Vậy sao?
- Giờ Nguyễn Ánh lên ngôi, chính thức là hoàng đế nước Nam bà có biết không?
Bà lễ phép đáp lại một cách lạnh lùng:
- Tôi ở chốn quê mùa rẫy bái làm sao biết. Mà các ông đến đây có việc chi?
- Theo lệnh vua chúng tôi muốn gặp người đàn bà có tên là Nàng  mà người ta quen gọi là Vú Nàng.
- Chi vậy?
- Vua có lệnh ban khen và tặng thưởng bà đã có công giúp vua trong những ngày bôn ba, đào tẩu.
Bà đáp lạnh lùng:
- Tiếc là bà ta đã bỏ đi lâu lắm rồi. Biết đâu mà tìm!
Những người lính quay gót bước đi. Vú Nàng lẩm bẩm: Lại con người ấy - cái con người bệnh hoạn, đói lạnh năm nào xin ở nhờ trong đêm giông bão. Chỉ đơn giản cho ông ta ăn uống những thức ăn dân dã, ở tạm mái lá giữa rừng mà lúc thì thành tội đồ lúc thành ân nhân của hoàng đế. Hai lẽ ấy bà đều không thích. Bà chỉ muốn hành xử theo lẽ thông thường của một con người với một con người.
Vú Nàng bấm tay: Gần hai mươi năm rồi. Mình và các con đến mảnh đất này ngần ấy năm rồi. Cuộc sống đã ổn định, có cái ăn, cái để dành. Bà cũng đã từng làm nhiều việc đỡ đần cho những người dân quê khốn khó, đủ chiếm một cảm tình thiêng liêng của họ dành cho bà. Có điều đáng phiền là các con trai không anh nào chịu lấy vợ, cứ bảo chờ cuộc sống khá lên một chút. Bà tặc lưỡi: Thôi đành vậy.
Bà làm thịt cặp vịt to nhất bầy, chăm chút vặt lông thận trọng không để lở da. Rồi xắt bắp chuối trộn ghém với đinh hương. Luộc xong cặp vịt, bà đặt tất cả lên cái mâm gỗ, rồi dĩa muối gạo, ba chén cháo và nhang đèn, lễ mễ đặt ngoài sân. Mặc vào bộ quần áo nghiêm chỉnh đường hoàng nhất bà quì cúng rất lâu.
Đến trưa các con bà đi làm rẫy vào nhà và dì Tần cũng về đến. Mấy ngày qua dì về thăm họ hàng bên tổng Bảo An. Mọi người vui vẻ dùng bữa. Các anh thích vì gặp món hợp khẩu vị. Dì Tần cho hay ở chợ người ta xôn xao về chuyện Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế. Ông cho tìm tất cả những người đã có ơn che chở đùm bọc ông trong những ngày bị truy đuổi, khốn cùng. Những ai theo phò tá ông cũng được phong tước, trọng thưởng. Ngày đó, có lúc ông phải trốn vào bãi hoang ăn bần thay cơm, ông cũng đặt tên cho bần là thủy liễu. Cái lần ấy ông lội trên bãi bùn ven sông tìm chỗ ẩn nấp quân Tây Sơn, có con rái cá đi sau lưng đã xóa sạch dấu chân ông trên bùn. Điều đó ông ghi nhớ và phong cho họ hàng nhà rái là lang lại Đại Tướng quân. Rồi có ông Trương Tấn Bửu ở làng Hưng Nhượng theo phò tá ông, giờ cũng được phong chức tước, bổng lộc. Dì Tần say sưa kể như một sự kiện lạ xảy đến chốn quê mùa, rừng rú có một không hai. Các anh thì vừa ngạc nhiên, vừa xuýt xoa. Riêng Vú Nàng, bà vẫn không kể những câu chuyện nghe được khi đi thăm bệnh. Người ta còn kể rằng Nguyễn Ánh từng giam vợ vào hang đá, ném con xuống biển để bảo toàn tính mạng khi bị truy đuổi. Bà còn biết nhiều chuyện hơn những điều dì Tần kể. Cái ánh mắt mãnh thú hạnh phúc vô vàn khi nhìn những đứa con ra đời. Còn cái con người ném con xuống biển... Thật khủng khiếp làm sao.
Anh Tự nói như nhớ ra điều gì:
- Hình như ông ta có đến nhà mình lần ấy hả mẹ?
Vú Nàng nghiêm khắc bảo:
- Chẳng có vị vua nào cả, chỉ có những người bệnh nhờ cứu giúp. Mẹ chẳng bao giờ nhớ mặt người ta. Thôi đừng bao giờ nhắc chuyện ấy nữa. Bây giờ nói chuyện nhà mình đây. Hôm nay mẹ làm mâm cơm tạ ơn trời đất, tạ ơn đất đai đã nuôi sống gia đình mình gần hai mươi năm nay, nuôi các con khôn lớn. Ngày mai mẹ có việc phải đi có thể lâu mới về. Các con trai của mẹ đều đã trưởng thành nên tìm cô gái giỏi giang, nết na mà kết đôi bạn xây dựng gia đình. Mai sau dù giàu nghèo, no đói thế nào cũng phải nuôi dưỡng dì Tần cho tử tế.
Vậy là từ đó Vú Nàng ra đi. Ai đến tìm các anh bảo là bà đã đi về ngoài ấy. Nhiều lần sau đó có người của triều đình đến nhà, theo lời dặn của Nàng mọi người đều bảo là không hề có vị vua nào đến đây ở tạm bao giờ và mẹ tôi đã đi về ngoài ấy lâu lắm rồi.
Có người làng trong chuyến hành hương về Thất Sơn, thấy một người có nét hao hao giống Vú Nàng trong bộ áo của nhà tu hành, không tiện hỏi nên thôi. Cũng có người gặp một sư nữ hay đi hành thiện ở các chùa giống y như Vú Nàng. Lân la hỏi han thì sư nữ ấy bảo chưa từng biết trên đời có ai tên Vú Nàng.
*
*     *
Chuyện xảy ra hơn hai thế kỷ nơi dải đất cuối cùng của cù lao Bảo. Người dân thương nhớ, mến mộ người đàn bà ấy nên đặt tên con kinh chảy ngang ngôi nhà lá xưa kia là kinh Vú Nàng. Con kinh chảy từ cuối làng Hưng Lễ qua Tân Hưng.
Mấy trăm năm qua các anh Tự, anh Do của bà đã lập gia đình, sinh con đẻ cháu bao đời định cư trên bờ sông đầy huyền tích ấy. Khu rừng ngày xưa với bao nhiêu thú hoang ngang dọc giờ không còn nữa. Thời gian đủ để hóa thạch gốc cây rừng mà người bây giờ nhặt về nâng niu như một vật lạ. Rốt cùng Nguyễn Ánh cũng đạt được tham vọng đế vương mà người đã đánh đổi bằng mọi giá riêng chung, cả vợ con, cả xiềng xích nô lệ gần 100 năm dân tộc phải gánh chịu. Rồi Tây cũng về Tây, Mỹ cũng về Mỹ, chỉ còn lại dải đất hiền hòa bên dòng sông ở cuối cù lao mà xưa kia người đàn bà ấy đã đến bằng lòng nhân ái.