Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG SÁU

Quà tặng người tuổi Bính Thân

Trước mặt tôi là Chân. Anh đứng lặng thoáng chút bối rối, dè dặt nói:
- Chị cho hỏi, có phải nhà của Hoài không?
Tôi hẫng người. Tôi đứng đây mà anh còn hỏi cái giọng xa lạ ấy. Tôi điềm tĩnh mời anh ngồi và cố giữ vẻ thản nhiên:
- Đúng là nhà Hoài rồi. Anh ngồi chơi để tôi gọi giúp. À, mà anh là bạn hay bà con với Hoài vậy?
Chân đáp:
- Tôi và Hoài là bạn học cũ. Lâu rồi không gặp. Tôi đến thăm Hoài vậy thôi.
Chân đặt gói giấy lên bàn nhìn xa xăm ra khoảng sân. Tôi im lặng đi pha trà. Thời gian như dài ra trong mừng tủi lẫn lộn. Hồi hộp nữa. Đặt bình trà lên bàn tôi rót mời Chân. Anh cám ơn và gợi chuyện:
- Xin lỗi, chắc chị là em hay chị của Hoài. Tôi đoán vậy.
Nhìn thẳng vào mắt anh tôi nói:
- Anh Chân, anh không nhận ra tôi thật sao?
- Á, à… Trời ạ, Hoài đây sao? Tôi cứ ngờ ngợ không biết là ai, cứ hao hao giống như là chị hoặc em. Hoài bây giờ khác trước nhiều quá. Mới có bốn năm không gặp, nếu đi ra đường tôi sẽ không dám gọi là Hoài đâu.
- Tôi còn không nhận ra tôi nữa là anh. Ai cũng bảo tôi khác xưa nhiều lắm, không thể nhận ra.
Chân cười thoải mái, nghiêng ngó một lúc rồi bảo:
- Này, Hoài trông khác lắm! Tóc Hoài ngắn. Hoài gầy đi nhiều lắm. Tôi cứ ngỡ gặp lại thấy tóc Hoài phải dài như xưa chứ!
Tôi cười:
- Nhiều người cũng nói như anh vậy. Tôi có cảm tưởng như mình chết đi rồi đầu thai vào một kiếp khác. Gặp lại người quen cũ mà không nhận ra mình, lại phải tự hài danh hài tánh mình ra là một điều không đáng vui chút nào! Nhưng biết làm sao được, cuộc sống vốn luôn thay đổi.
Chân có vẻ vui. Niềm vui làm những vết nhăn trên mặt anh giãn ra, rạng rỡ. Lâu rồi bạn bè cũ nhất là những người học Sư phạm hồi ấy chẳng ai cất công đi tìm tôi để thăm. Chân là trường hợp cá biệt. Ngày xưa học chung lớp cũng chỉ là bạn bè thường thôi, nhưng từ ngày được “mất dạy” chúng tôi tự nhiên có mối cảm thông giữa những người cùng cảnh ngộ. Đôi lúc cũng nghĩ, cũng nhớ đến, nhưng rồi tự nhủ lòng mỗi người có cuộc sống riêng phải tự bươn chải, tự vươn lên tìm con đường sống cho riêng mình, ít có dịp quay về những ngày thân ái cũ.
Tôi hỏi:
- Anh đựng gì trong cái gói giấy kia? Tôi muốn biết.
- Tôi đố Hoài biết được.
Tôi lắc đầu:
- Anh gói gì chỉ có anh biết được chứ tôi làm sao đoán ra.
- Tôi mang quà đến cho Hoài. Tôi không có thói quen tặng quà sinh nhật cho ai, lại càng không rõ ngày sinh của Hoài, chỉ biết năm sinh. Đây quà tặng cho người tuổi Bính Thân. Hoài mở ra xem đi.
Mở lớp giấy bọc nhẹ và mỏng, trong là cái hộp vuông bằng cac-tông đựng một con khỉ làm bằng gáo dừa. Toàn thân khỉ là trái dừa điếc dài ngoẵng đen bóng. Đầu cổ tay chân cũng bằng những mảnh gáo dừa mài nhẵn ghép lại. Dáng khỉ ngồi còm nhom, khắc khổ. Đôi mắt thăm thẳm như trông vời nẻo về cõi Phật phải vượt qua muôn vàn yêu quái, muôn vàn kiếp nạn chực chờ. Anh tạo dáng rất khéo. Tác phẩm hoàn chỉnh đến không ngờ.
- Cám ơn anh đã tặng món quà có ý nghĩa, nhưng “con khỉ khô” này trông tức cười quá. Mà sao càng nhìn lâu càng thấy buồn, thấy một nỗi cô đơn bi thiết không gì xóa được.
Ngừng lặng. Tôi không có quyền nói gì làm mất vui cái không khí vừa gặp lại này.
- À, mà suốt mấy năm qua anh làm gì? Cuộc sống có khá lên không?
- Chẳng làm trò gì nên thân. Làm linh tinh mọi thứ sống qua ngày. Gặp Hoài tôi mừng quá. Sao rồi, giàu nghèo, vui buồn ra sao. Không biết gặp ai để hỏi thăm. Nhiều lần định tìm thăm Hoài, nhưng nghĩ không có gì vui để kể với Hoài, nản quá nên thôi.
Chân lại cười, vẫn giọng nói trầm ấm, nhỏ nhẹ như xưa. Chân bây giờ tóc dài, râu dài không buồn cắt. Da lại đen nhẻm. Tôi hỏi:
- Anh để râu tóc như vậy vợ anh không nói gì sao?
- Nếu có người quở trách đã may. Đàng này chẳng ma nào mắng mỏ cho một câu mới đáng buồn chứ!
- Để vậy trông cũng hay hay, có nét riêng của người có cá tính. Nhưng tôi báo cho bạn biết, Bến Tre của tôi chứ không phải Tiền Giang của bạn đâu. Qua phà rồi cái sự “tóc râu” sẽ làm lôi thôi đến bạn đó. Lúc trước người ta chận đường  cắt tóc mấy nghệ sĩ đoàn ca múa từ thành phố về.
Chân cười:
- Vậy sao? Cũng do mình mải làm lụng chẳng để ý gì đến hình dáng ra sao. Nếu mà có ai cắt dùm cũng được. Không có gì quan trọng đâu. Nhưng ai chê bai mặc lòng chứ có người ở Bến Tre sẽ khen tôi. Bạn còn nhớ câu người ta vẫn truyền miệng không?
Thà đui mà đặng trọn mình
Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu.
Tôi bỗng nghe buồn ghê gớm. Dạo này tôi hay buồn vui đột ngột khi một ý nghĩ nào đó chợt lóe lên. Sao người ta quan trọng cái hình thức bên ngoài làm chi. Với tôi, một người đầu râu trọc lóc hay một kẻ có “xi nhông” râu dài mịt mù đều vô nghĩa như nhau nếu trong con người ấy không chứa đựng một suy tư, hoặc chỉ mồm loa mép dãi mà không làm gì nên thân.
Tôi cầm con khỉ trong tay lòng rưng rưng xúc động. Không ngờ còn có người bạn đến thăm lại còn tặng quà năm tuổi nữa. Phải công nhận là Chân khéo tay và khéo tạo dáng. Nhớ ngày còn đi học, buổi trưa ở lại lớp, buồn chân buồn tay sao đó Chân ra bờ sông lượm rơm quấn thành hình nộm. Lấy bao xi măng dán thành quần áo, đầu đội nón bàng, miệng ngậm điếu thuốc to tổ bố. Hình nộm cao 2,4 mét, đứng tựa cửa sổ lầu bốn. Trông thật ấn tượng. Thoạt nhìn ai cũng cười và bảo: “Rắn mắt quá!”. Nhưng có một số người trong lớp không cười. Và hỏi tại sao bạn làm vậy? Chân đáp tỉnh bơ: Chơi vui vậy thôi. Đến thứ sáu sinh hoạt lớp, câu hỏi được lặp lại và còn nhấn thêm: Bạn làm vậy với ý gì? Chân buồn hiu đáp:
- Buổi trưa không ngủ được, nhớ nhà ở quê. Nhớ mùa lúa chín, cha tôi hay làm con bù nhìn hình nộm này để dọa chim không dám sà vào ăn lúa. Đơn giản vậy thôi.
Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy với Chân vì lớp học có những người không thuần túy là học để nên người, học để dạy cách làm người mà con người ta cần tiến lên bằng cách dòm ngó, xoi mói, quy chụp vào từng hành vi, lời nói của bạn cùng lớp để thăng tiến. Con bù nhìn này đặt ngoài đồng ruộng để hù nhát chim chóc, còn giữa lớp học này bạn đặt con bù nhìn vào với ý nghĩa gì? Bạn ám chỉ ai? Mong bạn thành khẩn nhận sẽ được giảm nhẹ khuyết điểm.
Một người không thể nào thắng nổi đám đông. Chân không còn biết nói gì thêm. Càng thanh minh càng khó tìm được sự cảm thông. Anh gần như trơ lỳ và co lại. Cuối cùng thầy chủ nhiệm nói:
- Dầu sao đây cũng là lần đầu, ta không đặt thành vấn đề gì lớn. Lớp chỉ nhắc nhở anh rèn giũa bản thân, tu dưỡng đạo đức tư tưởng của người giáo viên nhân dân.
Lần thứ hai, cả trường vào đợt lao động một tháng ở khu kinh tế mới. Công việc là đào đất để làm trạm bơm dẫn nước cho toàn khu đất mới khai phá đậm đặc phèn và nước mặn. Cả trường bắt tay vào phân lô từng khu vực lớp, cắm bảng, cắm cờ, pa nô áp phích trông phấn khởi lắm. Dưới cái nắng tháng Tư mặt ai cũng đỏ như tôm luộc, uể oải chuyền nhau từng cục đất đưa mãi dài lên trên bờ. Bất ngờ lớp chúng tôi đào trúng một cái quan tài bằng gỗ nằm sâu trong lòng đất. Một phần gỗ đã mục, lẫn trong bùn đất là một bộ xương người trắng nhởn vẫn còn hai hàm răng nguyên vẹn và xương đầu, hốc mắt, hốc mũi. Có lẽ mồ hoang mả lạn lâu ngày không ai chăm sóc. Chúng tôi lấy poncho xếp xương và gói lại giao cho chính quyền địa phương. May ra ngày nào đó có người thân đến nhận.
Mấy hôm sau trong giờ nghỉ giải lao, Chân lại lấy đất sét đắp cái tượng đầu lâu có hai xương bắt chéo dưới cằm. Tượng to bằng người thật. Đứng ở công trường chỗ nào cũng thấy rõ. Tôi thầm phục Chân khéo tay. Chỉ khoảng hai mươi phút là xong tượng. Chiều lại, cơm nước tắm rửa xong, lớp họp để rút kinh nghiệm và bình bầu cá nhân xuất sắc trong ngày. Đến lượt Chân bị phê cho một trận tơi bời, nào là đắp tượng đầu lâu giữa công trường là phản lại khí thế lao động, là có tư tưởng yếm thế, bi quan, bịnh hoạn. Thanh niên mà không có cái nhìn trẻ trung dễ lây lan cho bạn bè. Lần này thì phải làm kiểm điểm tự phê. Chân trần tình:
- Vì tôi thấy bộ xương người nên rất xúc động, nhất thời đắp tượng bằng đất và tôi đã phá bỏ rồi khi nghe thầy bí thư Chi đoàn góp ý. Tôi không có ý gì khác.
Tôi rất đồng cảm với suy nghĩ và việc làm của Chân. Tôi thấy nó không mang màu sắc bi quan gì ghê gớm như mọi người gán ghép. Mạnh dạn, tôi phát biểu ý kiến:
- Tôi nghĩ là anh Chân không có ý xấu khi nặn tượng ấy. Suy cho cùng nó là lẽ đương nhiên của một tâm hồn nhạy cảm. Tôi không sánh về tài năng nhưng tôi nghĩ giống như tâm trạng của nhà thơ Tản Đà khi đi ngang cái mả cũ bên đàng, chạnh lòng cảm tác nên bài thơ. Đó là lòng yêu sâu xa đối với con người. Nếu việc làm đó không ai thích thì thôi, đã phá bỏ rồi, không nên quy kết.
Thế là thầy Chủ nhiệm đằng đằng phẩn nộ bảo rằng tôi là thành phần chậm tiến, không thấy được khuyết điểm của bạn còn so sánh khập khiểng. Thầy nói nhiều lắm và liên hệ gần xa, đông tây, kim cổ thành một bài giáo huấn kéo dài cuộc họp đến tận khuya. Lớp có kẻ ngủ gục. Tôi và Chân im như hến. Chỉ có người thư ký cần mẫn tỉ mỉ ghi biên bản cuộc họp.
Bây giờ chắc cũng do táy máy chân tay nên làm “con khỉ khô” tặng người tuổi Bính Thân. Tôi nhắc:
- Anh còn nhớ cái lần làm con bù nhìn và cái lần đắp tượng đất sét ở công trường lao động khu kinh tế mới không?
Chân cười méo mó:
- Làm sao quên được những lần mình được tập thể dạy dỗ tới nơi tới chốn. Người ta phiền lòng vì lớp có kẻ chậm tiến là mình. Nếu không có chuyện ấy thì đợt lao động ấy lớp mình được tuyên dương tập thể lao động xuất sắc rồi!
- Lần này thì tác phẩm nghệ thuật tặng tôi, anh sẽ không gặp phiền lụy gì đâu. Trước hết tôi cảm ơn Chân nhiều vì món quà.Sau đó anh cho biết vì đâu mà nghĩ ra làm khỉ bằng gáo dừa này vậy?
Chân cười:
- Cũng chẳng có gì là lạ. Trước kia tôi đến thăm gia đình đứa em có chồng ở Cồn Phụng. Nơi ấy người ta làm nhiều thứ bằng gáo dừa điếc có hình dạng mắt mũi, miệng liên tưởng đến con khỉ… rồi nhớ đến bạn. Vậy thôi, tài cán gì bạn ơi.
Tôi hỏi:
- Anh Chân tặng quà sinh nhật kiểu này cho người khác có nhiều không?
- Đã nói tôi không có thói quen tặng quà sinh nhật cho ai, nhưng với người thân thiết lắm thì có. Chẳng hạn như do yêu cầu. Mình cũng từng làm con cọp bằng gáo dừa tặng mẹ. Đứa em gái tuổi Mẹo cũng đòi anh trai tặng tượng con mèo, mình làm cho nó một con mèo ròm, dáng yểu điệu nhìn vào là thấy ngay con mèo lười. Nói chung mình có thể làm cả 12 con giáp với đủ tính cách khác nhau. Cũng do thất nghiệp, do buồn quá chẳng biết làm chi, dùng những thứ bỏ đi của cây dừa làm đồ chơi. Mình làm theo cảm tính và tùy hứng. Chẳng được học qua trường lớp nào, cũng không ai hối thúc. Hồi trước mình có dịp đến Đà Lạt thấy người ta dùng máy để làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng cây thông, sản xuất ra hàng loạt để bán. Mình cũng xin được của bạn bè vài cái mô tưa cũ để khoan, cắt, cưa, mài bóng đỡ tốn công. Cái chính là làm đồ chơi, ai thích thì tặng vậy thôi.
Chân nói nhẹ hều như trò đùa, nhưng từ lâu tôi thầm thán phục cách nhìn, cách nghĩ, cách tạo dáng tác phẩm không gò ép, không theo khuôn sáo nào. Nhớ ngày xưa Chân có bài luận văn mang điểm zéro trong khi các bạn thấp nhất cũng trên trung bình. Học văn mà có điểm zéro quả là hiếm. Hiếm nhưng vẫn có ở Chân. Thầy còn bảo bằng giọng rất giận:
- Chẳng lẽ tôi cho anh điểm âm chứ nó chẳng xứng zéro.
Đó là bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Một bài thơ hay, chỉ đọc thôi đã nghe xúc động. Thời buổi phôi thai của thơ mới mà lừng lững xuất hiện một “Nhớ rừng” quả là một ấn tượng không quên trong lòng người đọc. Bài thơ nói lên tâm trạng u uất, căm hờn của chúa sơn lâm bị sa cơ, bị giam trong cũi sắt. Nhìn mọi thứ từ cảnh vật nhân tạo đến con người bằng con mắt khinh mạn. Qua đó tác giả gởi gắm nỗi lòng của người anh hùng sống trong cảnh lao tù. Đó là nội dung giảng bình ở bậc phổ thông và cho đến bây giờ thầy cũng gợi ý cách bình như vậy.
 Trong phần bình của bài, Chân nêu ý kiến: Tâm trạng của hổ trong cũi sắt không thể nói dùm tâm trạng của người anh hùng sa cơ, thất thế. Như vậy sẽ là khập khiễng và vô tình làm cho hình ảnh người anh hùng bị xấu đi thành đáng sợ. Không có dạng anh hùng nào dù là anh hùng Lương Sơn Bạc đi nữa chỉ muốn mình ở ngôi vị độc tôn vũ trụ, nhai thịt đồng loại “ngọt xớt như đường” và lấy cảnh “lênh láng máu sau rừng” làm niềm vui, ngâm nga thích thú. Và sẵn lòng tiêu diệt bất cứ sinh vật nào để no lòng, say sưa hát bài ca no máu. Cái thời oanh liệt của hổ (những ngày tháng tự do) là nỗi kinh hoàng của muôn loài ở chốn đại ngàn. Hổ là hổ, không thể nâng lên thành anh hùng được. Bởi người anh hùng luôn được cộng đồng thương yêu kính trọng.
A, thì ra cái anh chàng Chân “đâm ban” dám hát sai nhịp trong dàn đồng ca. Tôi thấy anh tỉnh bơ trả lời thầy:
- Thưa thầy, nếu suy nghĩ của em là sai thì em nhận vì đó là tư tưởng độc lập của em. Mà thầy thì luôn khuyến khích học sinh độc lập suy nghĩ, sáng tạo không theo lối mòn.
Sau đó mặc ai nói gì thì nói anh ngồi im, không có gì phải thanh minh, giải trình thêm nữa.
Đó là những ngày xưa lúc Chân hãy còn thư sinh mới hai mươi hai tuổi. Bây giờ đã bốn năm trôi đi… Thời gian không bao lâu mà đem đến quá nhiều thay đổi trong đời mỗi người. Của tôi, của Chân. Tôi không hề nghĩ chúng tôi được gì, mất gì. Không là cái chết đường, chết chợ như bà Minh, không chết tức tưởi như ba mẹ hoặc hãnh tiến như anh Tấn, chị Năm Nhàn… Tôi cũng không theo con đường đạo hạnh của ông Bác, của Phụng, Hoàng. Tôi có con đường riêng tôi: phải sống và vươn lên dẫu có bị vùi dập, chà đạp đến cỡ nào. Nhưng vươn lên bằng cách nào ngay bây giờ tôi cũng không biết trước được.
Bốn năm… Gia đình giờ chỉ còn mỗi tôi ngồi đây ốm nhom, hai con mắt nhìn thẳng. Bốn năm còn có Chân đến thăm tôi. Chân phớt đời. Chân bất cần. Râu tóc như người tiền sử.
Chân nhìn gian nhà rộng thênh thang trước kia dùng làm nhà máy xay và hỏi:
- Bây giờ Hoài làm việc gì để kiếm sống?
Tôi đưa cho Chân xem mảnh len đan dang dở với hai cây que đan lướng vướng.
- Đây này, tôi chăm chỉ đan thắt nhiều năm qua. Đơn điệu. Công việc là vậy.
- Hoài đan gì? – Chân quan tâm.
- Theo ấm lạnh của thời tiết. Mùa lạnh đan áo len. Mùa không lạnh thiên hạ không mua áo len nữa thì đan giỏ, túi xách, vỏ đựng bút , dụng cụ học sinh. Làm linh tinh. Thiên hạ cần gì đan cái nấy, làm theo nhu cầu người mua.
Chân cười – cái cười chỉ có những người cùng rơi xuống lưng chừng ngọn cây mới cảm nhận được. Anh hỏi giọng ân cần:
- Mình hỏi thật. Hoài làm vậy có đủ sống không?
- Anh hỏi thật tôi cũng trả lời thật. Tôi làm ngày đêm ít ngủ lắm.Theo cái bản tính của mẹ tôi “rán miểng sành ra mỡ”, nên tôi cắt giảm tối đa mọi chi phí sinh hoạt không cần thiết. Nói anh mừng, tôi trả hết nợ, nuôi sống được bản thân và còn để dành hai chỉ vàng.
Mặt Chân rạng rỡ:
- Hoan hô bạn, một kỳ tích không ngờ.
-Nhưng cái lãi lớn nhất của tôi là nhờ làm công việc đó mà hai con mắt của tôi ngay ngắn lại, không còn tình trạng một con lệch trái, một con lệch phải nữa, anh có thấy không?
Chân gật đầu:
- Tôi có thấy nhưng không tiện nói, bởi vậy tôi chỉ nói giống như là chị hoặc em của Hoài thôi. Chúc mừng thắng lợi lớn.
Tôi nói với Chân cái điều tôi chưa bao giờ nói với ai:
- Anh Chân à, chuyện này không biết có nguy hiểm gì về sức khỏe không. Mỗi đêm tôi có thể ngủ bốn tiếng là đủ không thấy mệt mỏi gì, nhưng sao không bao giờ tôi có được giấc chiêm bao dù lành dù dữ. Nhưng tôi chiêm bao trong lúc đang thức, đang làm việc, đang nói chuyện với người khác mới khổ chứ. Không gì kinh khủng hơn không kiểm soát được điều mình nói. Gặp người này chiêm bao thấy người khác trả lời trớt quớt.
Chân im lặng lúc lâu rồi nói:
- Đó là điều những người trầm cảm hay gặp. Có thể ngày càng nặng nếu cuộc sống cứ xấu thêm, có thể hết nếu cải thiện, làm việc giảm giờ, dành thời gian giải trí, đi thăm bạn bè chẳng hạn, hoặc tiếp xúc với người thích đùa. Cười tếu cũng đỡ căng thẳng. Tôi cũng là dạng người thích đùa. Phải chi được ở cạnh Hoài tôi sẽ thường đến nói chuyện vui để Hoài cười. Mà thôi, Hoài cũng đừng căng thẳng quá, đừng xem cái gì quá đổi nghiêm trọng… sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ sống hơn.
Tôi cười chua chát:
- Thưa bạn, điều đó mình cũng “quán triệt” lâu rồi. Vẫn nghìn lần muốn vậy nhưng chẳng dễ chút nào. Sống nghiêm chỉnh đã khó mà tếu táo, đùa cợt với mọi cơn bĩ cực ập đến lại càng khó hơn. Mình ngồi đây suốt ngày suốt đêm. Tay chân bận rộn đầu óc rỗng không. Nhiều lúc mình không trả lời được vì sao cuộc đời lại đến nông nỗi này. Chỉ mấy năm qua thôi, nhà không còn ai, đời mình không còn ai thân thiết.
Tôi nghẹn lời không nói được. Nếu nói thêm một câu nào nữa tôi sẽ khóc oà lên mất. Tôi thấy mắt Chân đỏ hoe. Có lẽ Chân cũng sắp khóc như tôi. Thời gian nặng nề trôi đi trong im lặng. Nhưng chúng tôi nghe như có sự truyền cảm, một chút ấm áp, một sợi tơ thân ái mà không cần nhiều lời.
Ngoài kia bóng chiều đã ngả. Cuối năm trời se lạnh, thỉnh thoảng lất phất chút mưa bụi. Tiếng người ca sĩ hát dân ca nhà bên bình thản cất lên giọng hát:
“…Mòn mỏi chim bay trăng ơi trăng sắp ngã ngang đầu. Thương nhớ ơi…”
Người hát dân ca hình như ít ngủ vì giữa khuya khoắt tôi vẫn nghe tiếng hát cất lên. Tiếng hát của người về già, giọng trầm đầy điêu luyện và chở theo bao niềm thê thiết, như tiếng than dài vắt qua hai thế kỷ.
Giờ tiếng hát cất lên giữa khoảng lặng của chúng tôi. Chân nói:
- Tôi phải về thôi. Có lẽ tôi sẽ sang đây lúc nào rảnh, việc nhà thư thư một chút.
- Cuộc sống của anh giờ ra sao?
- À cũng vui lắm. Tôi về khu vườn xưa của ông nội cách thành phố hơn 20 km. Vườn đầy cỏ dại. Tôi phát quang, xẻ mương, làm cật lực như một nông nô thời Trung cổ. Nhiều lúc rảnh chẳng biết làm gì thì uống rượu với mấy người sồn sồn thất cơ lỡ vận như tôi. Tỉnh thì đi nhặt cây về làm kiểng khô, hoặc lượm dừa điếc về làm con khỉ khô chẳng hạn. - Anh lại cười thật tươi.
- Anh Chân à, chúng ta có nhiều điểm giống nhau mà điểm giống nhau nhất là đang buồn, đang bơ vơ. Nhưng tôi vẫn tin vào ngày mai tươi đẹp. Anh đừng cho rằng tôi lãng mạn khi tôi nói rằng: Tôi sống được đến hôm nay là nhờ hình ảnh người mẹ trong bộ phim “Lòng mẹ đại dương” mà tôi có dịp xem lâu lắm. Bãi cát dài và rộng. Ngoài kia là sóng vỗ. Người mẹ đắp cho đứa con lâu đài bằng cát. Đứa con thích lắm. Sóng dâng lên ập vào mang đi ngôi nhà cát. Đứa con  khóc nấc lên. Người mẹ dỗ dành: “Nếu cần chúng ta làm lại tất cả”. Chỉ vậy thôi. Hình ảnh phim ám ảnh tôi không phai. Thôi nhé. Chúng ta gặp nhau khóc với nhau thế là đủ rồi, lần sau gặp lại sẽ không buồn nữa dẫu đời chưa có gì vui. Và nếu cần chúng ta sẽ làm lại tất cả.
Chân đứng lên không nói gì chỉ bắt tay tôi siết chặt. Tôi nghe đau cả mấy ngón tay. Và cái nhìn đăm đắm. Thay mọi lời.