Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

BÌNH MINH CỦA MỘT NGƯỜI GIÀ


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


Bà lão đang ăn cơm cùng với tia nắng chiều thô bạo rọi thẳng vào bàn. Nắng như xoi mói vào từng món ăn rất chi là nghèo nàn và đơn giản đến mức khó hiểu. Những ngón tay xanh gầy nâng lấy bát đũa... Ừ, thì ăn là nghĩa vụ đối với cơ thể.
Những bữa ăn một mình đã lặp lại từ lâu trong đời. Hai bàn tay nhỏ nhắn của bà đã từng nấu nên những bữa tiệc to nhỏ... đủ loại, phục vụ cho sự ngon miệng và no lòng của biết bao người. Chưa bao giờ bà ngồi lại bàn với mọi người để dùng những món ăn mình đã nấu. Cái mùi vị bốc lên của thức ăn từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành luôn gây cảm giác ngây ngấy. Hay là sự vui thích nhìn khách dùng món ăn mình nấu đã lấn át mọi sự thích thú khác. Hay là trong lòng bà vẫn tâm đắc câu nói của nhà thơ sành ăn: “... Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ngon, không được cùng ăn với người ăn cho ngon, ăn không ngon. Được ăn với người ăn cho ngon, giờ ăn không ngon, ăn không ngon...”.
Có lẽ gồm cả những thứ ấy. Bà không lập dị, không khắt khe như nhà thơ kia. Bà chỉ có sự ngon miệng duy nhất là được ăn với người ăn cho ngon dù một dĩa cơm nguội hay một khúc bánh mì khô quắt queo bà cũng cảm thấy ngon miệng rồi. Nhưng những người ấy không thể nào cùng ăn với bà được nữa. Và vĩnh viễn.
Bà vẫn thực hiện bữa ăn không ngon một mình chứ không với đám đông.
Lạch cạch dọn dẹp bát đũa khi mặt trời đã dần khuất sau hàng duối già rậm rạp. Bà lão đi ra biển. Biển trước mặt bà hàng ngày và muốn ra đó phải vượt qua một nổng cát nữa. Ngày nào không ra đó bà thấy như không thể nào chịu nổi.
Biển của những ngư dân lam lũ, quanh năm đánh vật với sóng gió. Bãi cát bốn mùa hắt lên cái mùi nồng nồng hăng hăng của nước mặn, tanh tưởi của các thứ rác rưởi, rong biển và bọt bèo trôi giạt. Nó không phải là nơi rong chơi của khách du lịch lại càng không phải chỗ để thiên hạ tắm táp đú đởn, phơi bày đủ loại thân thể trên cát... Từ xưa đã có nhiều kẻ sĩ, nhà thơ chọn nơi đây làm chỗ yên nghỉ cuối đời. Cũng như bà lão, bà không hiểu vì lẽ gì cuối cùng cũng chọn nơi đây để dừng chân khi không còn làm gì được nữa.
Vậy mà gã ấy - Người đàn ông ấy suốt mấy ngày qua cứ lang thang một mình ngoài bãi cát rồi vẽ - gã say sưa như ma ám, như là cuộc đời sẽ không còn đáng sống nữa nếu gã không còn cầm cây cọ mà lướt trên bản vẽ.
Gã có dáng cao lêu nghêu, ngất ngưởng với màu da đen hơn người dân biển. Nhìn gã có thể đoán chừng bốn mươi tuổi. Nếu gã tỉa tót bộ râu rậm và mái tóc lòa xòa được cắt gọn thì có thể đoán chừng ba mươi hai hoặc ba mươi lăm. Râu, tóc, sự gầy gò làm cho gã trở nên xác xơ, âm u và một chút hoang dã của người tiền sử.
Từ lâu, biển đã trở thành người bạn vô cùng yêu dấu đối với bà. Dù đó là biển đen, nước ngầu đục. Những bến bãi như chất chứa bao nhiêu muộn phiền không thể khác được - không bao giờ khác được. Những nơi biển đẹp mà bà đi qua trong những năm tuổi trẻ. Biển đẹp đến sững sờ, ngơ ngác. Biết bao người đã ca ngợi bằng đủ ngôn từ và mọi cách.
Gã họa sĩ vẫn  miệt mài ngồi vẽ như cố cho xong một việc mà nếu dừng lại sẽ không bao giờ tiếp tục được nữa.
Cho đến khi cái ánh le lói của ngày tắt hẳn, biển nhuốm dần một màu hơi nâu, bà già chậm chạp bước về căn nhà nhỏ của mình - chậm chạp như chẳng có gì vẫy gọi, chẳng có gì phải vội vã. Đứng ngoài bãi cát nhìn lên có thể thấy cái dáng chênh vênh của gian nhà trên nổng cát. Nó khiêm nhường, nhỏ nhoi giữa bốn bề cỏ lau rậm rạp.
Vào nhà bà thắp đèn và đốt lên một đống củi nho nhỏ. Ánh lửa làm cho sự lạnh lẽo giảm đi và có một chút ấm áp của sự sống. Đàn gà con kêu lên khe khẽ vì ánh lửa và rúc vào cánh mẹ ngoan ngoãn, tin cậy.
Bà lão chợt nhớ ra khoảng năm năm về trước, khi còn khỏe mạnh bà đến nấu đám giỗ của nhà thơ đáng kính của xứ sở - Người ta gọi đó là kỷ niệm ngày mất của nhà thơ - Người đến dự thật đông và trong đám đông ấy bà đã gặp gã họa sĩ này. Gã ngồi một chỗ im lặng. Vẫn cái nét âm u, bí hiểm. Không nói chuyện với ai, không ngồi vào bàn tiệc và bỏ đi đâu mất giữa giờ đọc diễn văn và tưởng niệm. Cái nét riêng của gã làm người gặp khó quên.
Đêm sâu. Giấc ngủ không dễ đến với người bảy mươi tuổi. Một mình với đêm, với quá khứ dằn vặt, những gương mặt, những hình bóng của hôm qua. Tất cả thuộc về hôm qua... Bà cũng bình lặng đón chờ những ngày sắp đến, một sự chờ đón không hy vọng, không niềm vui, không cả nỗi buồn và sợ hãi...

*
*    *

Bà lão nhẩm tính, còn lại chín con gà con, như vậy đã ba đêm liên tiếp, mỗi đêm con rắn xơi gọn một con gà con rồi bò đi.
Con rắn to bằng cổ chân. Màu đen có ngời. Nó ung dung bò vào nhoài cổ ra tóm lấy một chú gà con. Chú gà tội nghiệp vùng vẫy, kêu lên thống thiết rồi tuyệt vọng. Gà mẹ bất lực nhìn gà con chui dần vào miệng rắn rồi không biết làm sao hơn là “tục... tục” liên hồi và xòe đôi cánh tội nghiệp ra chở che cho những đứa con còn lại. Bà lão cũng vậy. Bà cũng ngồi nhìn mà không biết làm sao, sức mạnh của bà không thể giết chết được con rắn. Vâng, bà biết sức bà đã yếu lắm rồi. Mà với loài rắn hoặc là ta không động tới nó hoặc là nó chết chứ không thể lưng chừng.
Ở cái tuổi “cổ lai hy” này bà không còn nỗi sợ hãi trước cái gì. Vậy mà nhìn cách ăn của con rắn, cái kiểu ăn tươi một sinh mệnh để duy trì sự sống của kẻ mạnh làm bà rùng mình. Cái cục cồm cộm di chuyển dần xuống cái mình dài ngoằn bò sát. Vẻ mặt thỏa thuê, no đủ.
Con gà, con heo hay con trâu... dù háu đói, dù phàm tục đến đâu bao giờ cũng gợi trong lòng bà mối thương cảm trước bản năng sinh tồn loài thú. Ngay cả nhìn mọi cách ăn của đủ thứ hạng người bà đã gặp.
Hồi còn nhỏ lắm, trước khi đến trường, bà đã được cha mẹ dạy rằng không được dòm miệng khi người khác ăn. Dòm miệng là một điều vô cùng xấu xa mà một đứa trẻ con cũng không được phạm phải. Và bà đã vâng lời cho đến lúc trưởng thành.
Dưới thời Pháp thuộc, bà được cha mẹ cho học hành đến lớn khôn.  Bà không trở thành một cô giáo dạy Pháp văn như người cha mong muốn. Run rủi thế nào bà lại là người dạy nữ công gia chánh rồi thành người thợ nấu ăn. Lúc ở thành phố bà là thợ nấu ăn cho những nhà hàng nổi tiếng. Rồi có chồng, cùng chồng ra chiến khu. Bà là người nấu ăn cho bộ đội, cho những cơ quan ở trong rừng. Khi bà chôn chồng và đứa con gái duy nhất ở bìa rừng sau một trận bom càn, bà trở về những làng quê tương đối bình ổn, ít chịu sự ác liệt của cuộc chiến. Bà lại đi nấu ăn cho những đám cưới, tiệc tùng, đình đám... Nghĩa là làm cái nghề nấu bếp và dòm miệng người ta ăn.
Đứng trước những tảng thịt heo hay bò vừa pha xong bà phải tính toán cách chia xẻ cho từng món nấu. Có món phải thái miếng to, có món phải băm vằm thật nhuyễn. Rồi từng món gia vị để ướp, rồi những món rau quả thích hợp... Phải độ lượng làm sao cho đủ số những khẩu phần không thừa, không thiếu. Niềm vui duy nhất của bà là khi nấu xong đứng một góc nào đó thật tự nhiên quan sát người ăn như một nghệ nhân hoàn thành tác phẩm của mình đưa ra trước công chúng. Những giây phút đó bà đã thấy biết bao nhiêu cách ăn của biết bao hạng người. Phàm phu tục tử cũng có, khách thanh tao quí phái cũng có, rồi những kẻ mới học làm sang... Nhìn vẻ khoái khẩu của khách bà cũng cảm thấy vui vì những món mình đã nấu để có cách sửa đổi, chế biến. Ai bảo rằng nghề nấu bếp không ngừng sáng tạo? Nhưng cũng đôi khi bà cảm thấy bất lực không biết đâu mà lần.
Với cùng một món ăn có người tỏ ra khen ngợi, cũng có người tỏ ra không thích hay chê bai. Thường người chê rất ít và bà cứ theo cái ngon miệng của đông người. Nhưng có kiểu người không biểu lộ gì cả, ngồi vào bàn ăn như một cái máy, như làm một việc gì đó cho giống người khác khi phải ngồi chung một bàn. Cái sự sợ không giống ai làm cho người ta cứng nhắc, máy móc. Ai đó đoạn trường với niềm “vui gượng” nhưng bà mới hay vẫn có những người “ăn gượng” nữa.
Bà cũng hiểu cái cõi nhân gian này “đo lòng người” đã là điều vô cùng khó nhưng đo lường cái miệng thế gian cũng không kém phần gian nan.
Có điều là không bao giờ bà ăn những món mình đã nấu ở đám tiệc. Bao giờ cũng vậy, khi những thanh củi đã thành tro than trong bếp lò, món ăn đã được dọn lên bàn. Bà đi quan sát một lượt xong, rồi tìm một chỗ nghỉ lưng và một ly chanh muối thật nóng.
Có lần bà được mời đến nấu ăn cho bữa tiệc ăn mừng ngư trường tròn mười tuổi. Lần ấy đã để lại những ấn tượng khó quên trong đời “dòm miệng” của bà.
Khách đến dự thật đông, đi bộ cũng có, đi xe đạp và cả xe du lịch. Người ta đọc diễn văn, rồi hoan hô và vỗ tay. Hôm ấy khi nấu xong, bà nằm đong đưa cái võng ngoài chái chỉ cách nơi khách ngồi một tấm cà-tăng mỏng. Bàn ngồi sát tấm cà-tăng là những cô gái. Các cô không đụng đũa đến các món ăn mà chỉ uống rượu - uống quá mức vừa phải của người phụ nữ. Và họ nói chuyện văn chương thi phú. Có mấy người đàn ông ở bàn bên kéo sang tháp tùng. Người ta cười nói huyên thuyên tuồng như cả thế gian này không còn cái gì ra trò nữa, chỉ có bàn nhậu này là nơi tập trung những thiên tài văn chương. Bàn bên cạnh chỉ có ba người: hai người là dân biển địa phương và một người đàn ông đứng tuổi, béo phị đi cùng xe du lịch với các cô gái. Người béo phị ấy không đụng đến một giọt rượu mà chỉ ăn. Lão miệt mài với những con cua biển to kềnh, những xâu chả vàng rộm như là ba tháng giáp hạt lão chưa ăn. Như là lão không thấy hai người dân biển ngồi cùng bàn với lão. Có tiếng cô gái nói bằng tiếng Pháp:
- Đi với lão mập thật là nhục. Người gì đâu mà không rành toán chia.
Đến lúc này bà mới giật mình nếu đã không dự phòng trước món thịt nguội thì lấy đâu mà “tái rội” bây giờ.
Bất chợt bà đứng dậy ra về bất kể cái nắng điên người giữa trưa khi có gã đàn ông nhừa nhựa cái giọng ống bơ rỉ bắt đầu nôn mửa lênh láng ra nền nhà...

*
*    *

Con rắn vặn vẹo thân mình có miếng mồi to như bộc lộ vẻ đắc thắng, mãn nguyện. Cái đắc thắng, nanh nọc của kẻ tiểu nhân phùng thời, của kẻ mạnh thủ tiêu được kẻ sức yếu thế cô không gì bảo vệ. Tuyệt nhiên không có nét khoan khoái của một võ sĩ xoa tay sau khi làm cho đối thủ tương sức của mình phải đo ván. Xong việc nó chậm chạp bò đi. Con thú bò sát trườn qua phên vách, cái vảy trên mình cọ sát tạo nên cái âm thanh khô khốc, lạnh lẽo và tàn nhẫn. Nó để lại mùi hành trâu bốc lên nồng nặc gian nhà gây cảm giác lợm giọng, buồn nôn. Vậy là xong. Cũng là một kiểu ăn. Cái ăn của loài rắn - của cái giống theo đóm ăn tàn.

*
*    *

Thôi đi những chú gà bé bỏng, tội nghiệp của bà. Mười hai đứa lần lượt đi vào bụng rắn trong mười hai đêm. Cứ mỗi đêm bà ngồi ngắm nó ăn, rồi nhìn nó bò đi.
Bà không buồn khi mất đi các chú gà. Chỉ tội nghiệp thôi. Đời bà cũng quen với sự mất mát rồi. Có gì mà buồn. Thôi, kiếp gà là thế. Trước sau gì cũng chết một lần. Nếu có đi đến cái tận cùng cũng chỉ để vặt lông xẻ thịt làm các món ăn. Có món phải chặt làm tư, làm tám. Chặt nhỏ nữa để nấu ca-ri, xé ra từng mảnh để nấu lẩu hay trộn gỏi. Có món không chặt, không xé, không mổ bụng mà phải để nguyên lành hình dạng, rồi còn phải trang điểm công phu, hoa lá cành, phơi bày cho người ngắm trước khi ăn.
Thôi các con ạ - thế nào cũng một lần rồi thôi.
Cam sành chê đắng chê hôi
Hồng ngâm chê lạt, cháo bồi khen ngon.
Không biết tự lúc nào? Ai đã nói lên điều khen chê ấy? Sự định giá trị không đúng? Cái dốt nát trong sự khen chê? Hay là người ấy trong đời không thể nào với tới món nào khác ngoài món cháo bồi nên phải chê kiểu con cáo chê chùm nho còn xanh? Từ đâu đi nữa sao câu hát vẫn gợi biết bao chua chát và bi kịch.
Lần cuối cùng bà đến với đám đông là hôm dự đám tang của một người không quen biết. Người chết là một bà già gần tám mươi tuổi. Người ấy ở một vùng quê xa phía Bắc, theo con cháu về địa phương này. Người có một thời hát chầu văn và đi theo một đoàn chèo nhỏ không nổi tiếng. Người ấy sống những ngày cuối đời trong nghèo khó và bệnh tật. Bà biết vậy thôi chứ không quen nhưng bà có sự đồng cảm đặc biệt với người nghệ sĩ vô danh ấy. Đám tang diễn ra trong không khí lạnh lẽo của người nghèo. Bà đến để nấu món cháo vịt cho những người phu khiêng áo quan. Bà không nói lời chia buồn mà chỉ đốt nén nhang cắm trước quan tài cùng mối đồng cảm sâu sắc với người đã khuất.
Những đám ma ồn ào của kẻ giàu, của người có quyền chức bà đã từng gặp. Những đám cưới giàu, nghèo, sang, hèn... bà cũng có mặt. Bà nghe thấy biết bao lời chúc tụng, chia vui, chia buồn cả lời khóc than ai oán. Những lúc ấy bà cảm thấy buồn cười trước trò hề của nghi thức, của sự cho vừa lòng nhau của những kẻ còn sống, còn đi bằng hai chân trên mặt đất với đủ mọi trò bát nháo và nghiêm chỉnh.
Không ai có thể chia xẻ nỗi đau của người khác, lại càng không thể mảy may chia xẻ hào quang của kẻ đắc thắng, đăng quang... Mà cái cay nghiệt là người đời vẫn thích cái lời đầu môi và nghi thức muôn đời ấy.

*
*    *

Cơn mưa chiều mùa hè thật to làm nước đọng đầy những chỗ trũng phía dưới nổng cát. Không biết tại sao khi nhìn trời đất sau cơn mưa lúc nào bà cũng có cảm giác đứng trước khuôn mặt đầm đìa nước mắt.
Tiếng ễnh ương, ếch nhái kêu vang và có ánh đèn soi của ai quanh quẩn mấy hầm nước đọng.
Đến quá nửa đêm, con gà mái - con gà duy nhất còn lại khẽ rùng mình rú lên trong góc nhà. Bà lão rọi đèn. Nó lại bò đến. Kẻ tiểu nhân phùng thời đầy sức mạnh. Nó lầm lì tấn công con gà bằng những vòng đai xiết chặt quanh mình con gà mái ốm nhom.
Cái đèn soi cách nhà không xa. Bà gọi to:
- Cậu đi soi ơi, làm ơn vào đây đập con rắn to lắm.
Ánh đèn dừng lại phân vân rồi quay đi.
Bà gọi to hơn:
 - Con rắn đang quấn con gà mái trong nhà nè cậu. Cậu giúp tôi.
Cái đèn soi quay phắt vào nhà. Người đàn ông bước vào sân. Hắn im lặng đi theo bước chân của bà. Bà không rõ mặt hắn ta là ai. Bằng động tác thành thạo hắn phóng mũi chỉa nhọn hoắc vào mình rắn. Con rắn vội vã buông con mồi ra. Rồi một nhát dao cùn chặt vào xương sống. Con vật tê liệt nhão ra như một sợi dây vô hại. Bà mỉm cười:
- Phải có người trị mày chứ!
Người đi soi bóp chặt cổ rắn và cột xiết ngang cổ bằng sợi dây mảnh mà dẻo dai. Giở hom giỏ, bỏ rắn vào cẩn thận, hắn đậy nắp lại. Con rắn mềm nhũn chiếm hai phần ba thể tích cái giỏ. Bà chưa kịp nói lời cám ơn về nghĩa cử ấy thì người đi soi đã cúi xuống nâng con gà mái ủ rũ vì kiệt sức lên và cứ thế hắn ôm con gà đi thẳng vào trời đêm.
Bà lão im lặng. Nói gì đây? Đâu phải lần đầu bà biết thế nào là mất mát. Đời bà đã từng có những cái mất đi không thể đo được. Không tưởng tượng được và không thể gọi bằng lời. Ừ, không thể gọi bằng lời.
Thằng Bờm có cái quạt mo, để vui vẻ đổi chác một nắm xôi và an lòng với hạnh phúc nắm xôi ấy. Còn bà, bà còn có gì để cho? Để mất? Để đổi chác?

*
*    *

Trời chưa sáng rõ, bà lão ra bãi biển. Cái cơ thể già nua rã rời vì cạn kiệt sức lực. Bước chậm chạp. Lại ngồi. Bước nữa. Rồi bước nữa. Cuối cùng bà cũng đến được biển. Gã họa sĩ hiện ra. Không biết tự lúc nào gã đã có mặt ngoài bãi. Gã đi ngược chiều với bà, soãi những bước chân nhanh, dài và cương quyết. Mái tóc được chải gọn gàng và áo sơ mi trắng thẳng nếp. Gã bước chậm lại lúc đi ngang và hình như gã mỉm cười. Lần đầu tiên bà thấy gã cười. Bà mỉm cười đáp lại. Cái cười vô cảm.
Gã đi khuất qua nổng cát. Bà lão ngồi xuống trên bãi biển. Mặt cát ẩm ướt tanh nồng nằm lăn lóc cái cặp vẽ và những bức tranh bị xé vụn thành nhiều mảnh. Cả cánh rừng, dải phi lau, làng chài... cũng bị xé ra tan nát. Những hình nhân xô sấp dưới cát.
Dù sao thì gã cũng lao vào công việc bằng cái say mê điên dại, gã không muốn để đời sao? Rồi đây sóng biển sẽ mang đi như sóng đã mang đi bao nhiêu đền đài, thành quách của con dã tràng ngày đêm xây đắp.
Bà lại cười. Vô cảm. Mặt trời đang nhô lên từ từ trên mặt biển rọi những tia nắng đầu ngày xuống những doi vịnh muộn phiền, xuống bãi biển tù đọng, tanh nồng. Biển của những ngư dân suốt đời lam lũ. Biển của những con sứa lửa chạm vào ai, người ấy sẽ không còn sức mà đứng lên. Biển của những con ốc mượn hồn, của những con dã tràng suốt đời xây rồi xóa.
                                                                                                                                         1993