Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

LANG THANG NƠI HUYỆN ĐẢO


Tuỳ bút của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

     
Buổi sáng, một người ở Phú Quốc nhiều năm nói với chúng tôi rằng: “Mời người lên xe về miền chưa đến”. Quả thật với Phú Quốc đây là lần đầu tiên tôi đặt chân. Tôi nhìn mọi thứ bằng con mắt của thuở ban đầu: hấp dẫn, lạ lẫm và say mê. Xe đi qua đồi núi và rừng thưa, thỉnh thoảng có những nhà dân với vườn tiêu và cây ăn trái: xoài, mít, chuối. Lác đác bên rào một vài cây sim có hoa và trái. Và những cây quen thuộc như phượng và hoàng hậu. Hai loài cây này giống nhau ở chỗ khi trổ chỉ toàn hoa, hiếm khi còn lá. Giống như một nghệ sĩ cống hiến hết đời cho nghệ thuật.
Trước hết chúng tôi đến nhà bảo tàng Cội Nguồn là bảo tàng tư nhân do anh Huỳnh Phước Huệ làm chủ. Từ cơ ngơi qui mô đến hiện vật trưng bày phong phú, đa dạng cho thấy đó là chàng trai rất tuyệt biết cách kết hợp giữa kinh tế và văn hóa ở một huyện đảo đang có những hứa hẹn tốt đẹp ở tương lai – một tương lai như tên gọi của đảo. Có lẽ tôi sẽ trở lại bảo tàng này trong một lần khác vì tôi có nhiều cảm tình khi đến. Tôi chỉ xin nói đến cái ấn tượng khó phai, một nỗi ám ảnh khi tôi đứng ở lưng chừng đồi có chuồng lưới nhốt bầy ó biển và đại bàng. Những con đại bàng lần đầu tiên tôi thấy bằng xương bằng thịt. Người ta đặt sẵn những hộp cá biển ướp lạnh trong thùng để du khách cầm đút cho đại bàng ăn. Khi thấy những con cá chìa ra, đại bàng lập tức soãi dài đôi cánh rộng, móng vuốt chắc khỏe, nhanh như chớp bắt lấy cá qua ô lưới mắt cáo.
Tim tôi như nghẹt lại. Cả bầu trời tự do thênh thang cao rộng, cả mặt biển ngút ngát ngoài kia và rừng đồi bạt ngàn nắng gió tha hồ bay lượn kiếm ăn. Những ngày ấy đâu rồi? Đại bàng nghĩ gì khi kêu quàng quạc trong bốn bề lưới sắt và ăn những con cá bé xíu ướp đá?
Và nữa những cái ghế ngồi tuyệt vời làm từ gốc gỗ trai. Gốc cây trai lâu năm với bộ rễ dài ngoằn ngoèo, uốn lượn, người ta đào gốc giữ nguyên bộ rễ nên mỗi ghế có một tư thế, một hình dáng riêng. Người giàu tưởng tượng có thể liên tưởng tùy thích. Nó được bàn tay của nghệ nhân mài giũa, cưa cắt và nối ráp tuyệt xảo. Tinh mắt lắm mới nhận ra. Mỗi gốc gỗ trai là một cái ghế ngồi có lưng tựa, tay vịn với nhiều hoa văn đẹp mắt. Một bộ salon gồm toàn những cái ghế gốc trai như thế, trông vừa sang trọng quí phái vừa như đem được một phần thiên nhiên vào nhà. Tôi hỏi anh Phước Huệ có định bán không. Anh bảo:
- Giờ tôi có chừng 60 bộ salon. Tôi định làm cho tròn 100 bộ để ngắm chơi.
Quả là một ý định táo bạo. Tôi ngưỡng mộ.
Tôi ngắm nhìn những rễ cây chỉ còn lại lõi được công phu đánh bóng bằng loại sơn đặc biệt. Công đoạn ấy có tác dụng làm vân gỗ rạng rỡ, sinh động bắt mắt hơn. Phải nể phục bàn tay khéo léo tài hoa của người thợ biến vật dụng sần sùi, thô ráp, cổ quái thành ra mỹ miều bóng lộn.
Tôi lan man nghĩ về công việc đánh bóng của ai đó tự đánh bóng bản thân bằng nước sơn không tự mình có hoặc đánh bóng cho người khác. Để làm gì thì tôi không biết nhưng chắc chắn cái vỏ ấy sẽ làm cho cái vốn có trở nên lộng lẫy hơn.
Trên đường đi ra biển tự nhiên tôi nhớ đến người bạn họa sĩ có nhiều râu tóc và có cô vợ trẻ đẹp mê hồn. Anh ta hay uống rượu. Mỗi lần say anh bắt cô vợ cởi trần và lấy cọ sơn khắp thân thể cô bằng đủ thứ màu mè tùy hứng. Được một thời gian cô vợ trẻ đẹp biệt dạng. Anh ta ngồi một mình cười vô cớ. Gặp anh tôi hỏi thăm về tình trạng gia đình. Anh chỉ cười.
Chúng tôi ăn trưa trên bãi biển vắng vẻ có hàng thùy dương và cát trắng. Một chiếc thuyền mục nát ai kéo lên bỏ lăn lóc trên bãi cát. Tôi cố ý đi tìm con dã tràng nhưng suốt mấy ngày qua không bãi biển nào có. Bất chợt tôi thấy những con ốc bông hoa sặc sỡ đang di động. Nhìn kỹ thì đó là cái vỏ ốc, còn bên trong là con vật không ra nhện cũng không ra sên. Thấy người nó cố lê cái vỏ vay mượn chạy thoát chết. Tôi biết đó là ốc mượn hồn tôi vẫn gặp ở biển quê nhà. Thì ra ốc mượn hồn đâu đâu cũng có.
Bãi biển nơi đây không người tắm. Nhấp nhô ngoài khơi những chiếc tàu cỡi sóng đi trong nắng gió. Nước biển xanh rợn người. Tôi nghĩ bây giờ đang là lúc mây hiền gió ngoan. Trời yên biển lặng. Biển nâng niu thân tàu bằng những con sóng lăn tăn trong xanh. Đến một ngày mây không hiền, gió không ngoan mà đùng đùng chuyển thành bão tố. Những cơn bão có gió cấp cao quật đổ cây rừng, sạt lở núi đá. Và lúc ấy lập tức  biển đứng về phía bão. Sóng sẽ chồm lên nhận chìm mọi thứ có trên mặt biển. Hung hãn và tàn bạo như chưa từng có lúc thanh bình nâng đỡ nhau làm thành tình yêu thuyền và biển. Và rồi nước biển không đơn thuần là màu xanh nữa!
Tôi yêu biển vô vàn, vừa yêu vừa sợ như yêu một người tình hào hoa luôn tiềm ẩn mầm mống phản trắc. Sợ bất thần một cơn dư chấn, sóng sẽ nhảy lên bờ cuốn phăng, đánh sập mọi thứ trên mặt đất trong chớp mắt. Sợ những ngày giông bão, biển luôn đứng về phía bão với cái màu xanh pha lợ, vừa đục vừa xanh. Sợ là thế nhưng vẫn phải yêu bởi sinh làm người trên trái đất này một điều không thể chối bỏ là ba phần tư nước đại dương là yếu tố lớn quyết định sự sống.
Một chú bé con chạy tung tăng trên bãi cát tay cầm con vật tôi chưa gặp bao giờ. Nó màu đỏ như tôm luộc, lớn hơn bàn tay người và có 5 cánh xòe ra như ngôi sao. Anh bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh tỏ ra thích lắm, hỏi mua nhưng thằng bé chỉ biếu. Nó còn lội xuống mé nước bắt lên một con nữa. Nhà nhiếp ảnh rất vui nâng niu đựng vào túi ni lông mang về. Anh tài xế thấy vậy nói rằng:
- Đó là con sao biển! Có hai cách: một là đem phơi khô thật tốt nắng, hai là ngâm phormol. Nó rất dễ chết. Lỡ mà nó chết thì căn phòng mình ở sẽ thối hai mươi ngày chưa hết. Tay mình cầm cũng thối hoắc, khó lòng rửa sạch.
Hãi quá, cô bạn chung đoàn hất sao biển xuống vệ đường.
Chúng tôi đến Suối Tranh thì trời đổ mưa. Chỉ vài áng mây màu chì lãng đãng bay ngang đã làm thành cơn mưa. Mưa không lớn lắm nhưng đủ để không khí huyện đảo mát dịu lại. Cây cối bên bìa rừng nguyên sinh được tắm táp nên tươi mát, sạch sẽ hơn. Con đường đá đỏ xuyên rừng nhếch nhác bụi, gặp mưa rỏ thành dòng đỏ thắm, tuôn chảy qua lạch khe, vòng vèo một màu đỏ. Suối Tranh mùa khô không một giọt nước. Nhìn những tảng đá lô nhô với rễ cây chằng chịt khó hình dung trước đây nó là con suối. Cơn mưa này đã bị lớp đất đá khô khát uống sạch sau mấy tháng không mưa.
Tôi nhẩm tính bây giờ đang giữa tháng hai âm lịch mùa mưa đã đến rồi sao, hay đó là cơn mưa muộn còn sót lại của mùa mưa trước. Gió biển vẫn ràn rạt thổi từ hướng mặt trời mọc sang mặt trời lặn. Thời tiết vẫn còn quyền của gió chướng.
Rời Suối Tranh chúng tôi đi qua những khu đồi bạt ngàn hoa sim tím. Màu tím mà dẫu ai có rất đỗi vô tư cũng cảm thấy đôi chút bâng khuâng. “Về đồi sim ta nhớ người vô bờ. Chờ em dưới gốc sim già đó để hái dâng người một đóa đẫm tương tư. Ta vẫn chờ em trong bao la đồi nương, trong mênh mang chiều sương”(1). Phải chăng mối tình đẹp là mối tình tan vỡ để người nghệ sĩ đem lại cho đời bài hát sống mãi với thời gian và thêm một lần nữa màu sim tím đi vào tác phẩm nghệ thuật.
Chúng tôi đến thăm gia đình có ba thế hệ truyền nối nhau chăm sóc vườn tiêu gần trăm năm. Ông già chủ vườn bảo: dòng đời cây tiêu khoảng mười đến ba mươi năm tùy sự chăm sóc. Tiêu trồng ngay hàng thẳng lối và leo lên những cây cọc cắm sẵn. Dây tiêu già cỗi được thay thế bằng dây mới nên vườn tiêu lúc nào cũng đều đều cho hạt. Tuy ở hải đảo nhưng đào giếng vẫn có nước ngọt, gốc tiêu bao giờ cũng ẩm ướt, lá xanh rời rợi. Hàng cách hàng, cây cách cây đều tăm tắp đẹp như công viên.
Hương vị của tiêu cũng như nước mắm Phú Quốc quá nổi tiếng, tự nó đã bay xa khắp vùng miền của đất nước, tôi xin không nhắc đến. Nhà ông già trồng tiêu có nuôi mấy con chó Phú Quốc gồm chó vàng, chó bông, không trắng không vàng, luốc luốc. Chuyện ông kể về chó Phú Quốc làm tôi cứ ám ảnh mãi. Đặc điểm của loài chó này là bụng thon, dáng săn chắc, bốn chân cao ráo và có móng đeo. Riêng nhất là cái xoáy lưng gồm cái xoáy đôi chạy ngược từ bả vai đến gần đuôi và những ngón chân dính nhau bởi lớp màng như chân vịt. Có lẽ do quán tính bơi sông suối của loài hoang dã. Nó rất thân thiện với con người nhưng khi chiến đấu với kẻ thù thì không lùi bước dù kẻ thù không cân sức.
Ông già kể rằng hồi ấy ông nuôi một con chó đẻ được năm con. Chó mẹ sắp con thành hàng dài cho bú. Ông thấy có hai con đã chết queo từ lúc nào. Ông mang hai con đó ra sau vườn đào đất chôn. Ngủ một giấc, sáng ra lại thấy chó mẹ sắp hàng năm con cho bú. Ông hỏi: bộ mày đẻ thêm nữa sao?
Nhìn kỹ thì có hai con chết. Ông ra sau vườn thấy chỗ chôn bị chó moi lên. Vậy là mẹ đánh hơi con đào lên, tha vào. Chờ nó ngủ ông rón rén lấy hai con chết mang ra chất củi chế dầu đốt. Thoáng cái hai xác chó bé xíu thành tro than. Chó mẹ đi tìm con khắp vườn. Tìm hoài không gặp nó buồn hiu. Đi ngang đống tro nhìn nghiêng ngó một hồi rồi bỏ vào nhà bằng những bước đi rất chậm, bước đi của vô vọng, cứ thủng thỉnh, thủng thỉnh. Không còn gì để tìm kiếm nữa. Đó là kỷ niệm về tình mẫu tử chó mà ông nhớ mãi.

*
*     *

Từ nhà hàng Hương Biển tôi đi chầm chậm đến Dinh Cậu để ngắm hoàng hôn trên biển. Nắng nhạt và dịu dàng. Biển đang ngả dần sang màu tím và mặt trời chỉ còn là một khối tròn màu đỏ, không chói gắt. Và bé bỏng! Ta có thể ngắm nhìn như mọi vật thể khác nhô lên từ biển, không giống cái mặt trời lúc bình minh hay những thời khắc khác trong ngày làm ta phải nheo mắt khi nhìn. Rồi lặng lẽ chìm khuất dưới mí nước và âm thầm choàng lên biển  một màu dần tối. Kết thúc một hoàng hôn.
Bãi biển chiều rất đông du khách, nhiều thành phần xã hội, tuổi tác và quốc tịch. Người ta đến để thưởng ngoạn, rong chơi và cũng có nhiều người tất tả mưu sinh trên những con tàu câu mực ghẹ lấp lánh ánh đèn khơi xa.
Đến gần Dinh Cậu tôi buộc phải dừng chân khi nghe tiếng đàn độc huyền vang lên giữa không khí ồn ả, nhộn nhịp. Chỉ duy nhất âm điệu của đàn độc tấu bản dân ca của vùng sông nước miền Nam. Tiếng đàn tuy không phải của người điêu luyện, nhưng rất lôi cuốn. Nó bắt người nghe nghĩ ngợi hoặc gợi nhớ nỗi gì rất sâu xa. Trước mắt tôi là một phụ nữ ngồi một mình với cây đàn và tập vé số. Nhìn người tôi khó đoán tuổi. Cô có dáng ngồi của cô bé lên mười nhưng lưng còng lại, còn gương mặt khá già dặn của người ngoài hai mươi. Mái tóc dày đen mượt, kẹp sau lưng. Cô mặc toàn đồ đen, vai choàng cái khăn bông rộng. Đứng lặng một lúc tôi bước đến gần.
- Chào em. Tôi có thể ngồi nghe em đàn một lúc được không?
Nở nụ cười tươi – nụ cười rất đẹp với hàm răng đều. Nếu không bị dị tật em sẽ là cô gái dễ coi.
- Được. Cô cứ ngồi, chỉ sợ cô chê em đàn dở.
- Em biết đàn lâu chưa?
- Hơn mười năm rồi. Có sư phụ ở Rạch Giá thấy em mê đàn nên truyền dạy cho. Em đàn để giúp vui bà con mua giấy số chứ không phải ăn xin.
Quả thực, có lẽ tiếng đàn gây sự chú ý nên người ta thường mua vé số của em. Khi tôi hỏi về hoàn cảnh  bản thân em bảo: tên em là Bích Nhiều (có ghi trên thùng đàn), hai mươi chín tuổi. Năm lên bốn tuổi bị rớt từ trên cao xuống đất dẫn đến thụng cột sống, rồi các bộ phận lục phủ ngũ tạng trong tình trạng dồn thúc lại. Em phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mới sống được đến hôm nay. Thân thể em còm cõi, dặt vẹo đi đứng rất khó khăn. Cái bao tử bị chèn ép còn bé xíu, một hộp cơm nhỏ phải chia ra ăn nhiều lần mới hết. Và trái tim cũng chịu tình trạng teo tóp hay lên cơn đau đột ngột và thường lăn ra bất tỉnh. Nhà em ở Rạch Sỏi – Kiên Giang. Mẹ mất sớm. Quê nhà giờ còn cha già trên bảy mươi tuổi và năm anh chị đã có gia đình riêng. Em bảo:
- Nhà chẳng ai cho em ra tận đảo bán vé số đâu. Nhiều lần cha đến bắt em về. Em nói ở nhà buồn lắm, em đi bán có tiền nuôi thân. Chừng nào hết bán được hẳn hay. Thấy vậy cha mua cho em cái bảo hiểm y tế phòng thân.
- Những lúc em xỉu đột ngột thì sao?
- Người xung quanh sẽ đưa em ra xe chở tới bệnh viện cấp cứu. Cả cây đàn, túi tiền, tập vé số cũng theo em không mất thứ gì. Người quanh đây đối xử với em tốt lắm.
Và em lại cười. Nụ cười trong sáng, thánh thiện làm tôi nghe ấm áp.
- Cô biết không, đến bệnh viện bác sĩ cho em thở bình oxi. Khi tỉnh bác sĩ tháo ống dẫn bảo nằm im. Em len lén bước xuống đem tập vé số đi bán các phòng. Một lát hết veo.
- Bác sĩ không nói gì sao?
- Em xỉu hoài, ra vào bệnh viện bác sĩ biết mặt, quen rồi. Chắc cũng có ngày em xỉu mà không tỉnh lại được nữa. Coi như hết một kiếp người, nhẹ nhàng thôi.
- Những lúc em bán không hết vé số thì sao?
- Cũng có nhưng ít lắm. Mình “ôm” coi như chịu lỗ. Thường em bán hết sớm vì người ta đến nghe đàn rồi thương tình mua giùm. Có cái này mới ngặt: Em lấy vé số chịu của đại lý, bán xong mới trả tiền. Lúc trước em lãnh giùm người khác, người ta bán rồi không trả vốn. Em phải đền. Sau này em hổng lãnh giùm nữa. Làm vậy sợ họ mang tội.
- Em bán vầy đủ sống không?
- Dạ cũng có dư chút đỉnh. Em đâu có xài gì nhiều. Một hộp cơm mười ngàn ăn ba lần mới hết. Bịnh hoạn có bảo hiểm y tế. Bán xong tối về nhà người ta cho ở đậu. Có khi trúng số còn được thưởng tiền. Ai cho thì nhận, tiền đó em không xài. Em để dành giúp đỡ người khổ hơn em.
Tôi buột miệng:
- Trên đời này còn có ai khổ hơn em, hả em?
- Có chứ cô. Mấy người thất cơ lỡ vận, bịnh hoạn hết tiền dọc đường, đâu biết xin ai. Như em đi xin tiền còn dễ chứ người lành lặn khó ai tin mà cho tiền lắm. Em cũng thường giúp cho họ. Thỉnh thoảng em còn đi lạy Phật cúng dường. Cô có tin rằng em từng cứu nhiều người thoát chết không?
Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ cô bé Bích Nhiều. Đùa hay thật đây. Một mình tự lực mưu sinh đã là kỳ tích rồi, còn cứu mạng người khác bằng kiểu gì. Như đọc được suy nghĩ của tôi em bảo:
- Nhiều người khỏe mạnh, sang trọng đến tại Dinh Cậu để tìm lấy cái chết. Có lần em thấy một chị trẻ đẹp, ăn mặc lộng lẫy ngồi băng đá đằng kia mang theo ba gói thuốc “ba lá xanh” và cái ly trà. Chị ngồi buồn thiu rồi khóc. Em để ý thấy chị xé một gói đổ vào ly. Em kêu mấy đứa bạn chạy lại giựt ly thuốc hắt đi. Trong túi chị có lá thư và số điện thoại. Em nói:
- Chị ơi sao định tự tử. Như em đây tật nguyền mà còn muốn sống. Ước gì em có đôi chân như chị, em sẽ làm được nhiều thứ trên đời.
Chị khóc nhiều lắm. Em đưa tiền cho chị kêu xe về nhà.
Cũng khá lâu, một hôm chị tìm đến vui vẻ nói với em: cám ơn em đã giúp chị. Giờ chị sống với chồng con hạnh phúc lắm. Cô hỏi em ngăn cản được mấy người hả? Chắc cỡ tám hay chín người gì đó. Mà sao người ta hay tìm đến chỗ này tính chuyện cùng đường.
- Em bán vầy, mưa thì sao?
- Mùa mưa em không bán ở đây. Hoặc bán ở chợ hoặc về quê nhà.
Bích Nhiều nói chuyện rất lưu loát, dễ gần. Cái lưu loát của người bình dân hay chuyện. Có một du khách cũng đi dạo biển đêm dừng chân lại rồi tựa lan can, có vẻ như nghe câu chuyện giữa chúng tôi. Tôi thấy ngại vì nói chuyện với tôi Bích Nhiều không đàn, trở ngại cho việc mua bán – những tờ vé số phải sớm được đưa đi, lơ mơ “ôm” thì lỗ vốn. Tôi hỏi:
- Mai em bán lúc mấy giờ?
- Sáng sớm em bán đến chín giờ đêm.
Tôi đứng lên:
- Thôi, tôi phải về, có thể mai tôi sẽ đến chơi với em và nhìn biển buổi sáng.
Tôi bước đi. Người du khách rời lan can, nện gót sau lưng tôi nói trống không:
- Hơi đâu mà tin con bé bịa chuyện – Nó xạo đấy!
Một câu nói không chủ ngữ, có phải nói cho tôi nghe? Tôi không trả lời. Nhưng rõ ràng nói về cô bé ấy. Lòng tôi chạnh buồn. Tôi đã từng bị lừa dối bởi những người lành lặn, khôn ngoan và có những con người danh giá ngất trời đã làm tôi thất vọng. Phận người như Bích Nhiều có phải chỉ để người ta hoài nghi chăng. Tôi không biết. Trái tim tôi nói rằng: Tôi vẫn tin cô bé này như tin vào nước mắt, tin vào nỗi đau có thể sờ thấy được.
Đi một quãng ngắn đến chợ đêm  Dinh Cậu. Chợ này chỉ bán về đêm trên đoạn đường chừng vài trăm mét. Người ta bán các mặt hàng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, băng dĩa nhạc, mỹ nghệ làm bằng ốc biển, đặc biệt là ngọc trai. Quán giải khát và quán nhậu. Tôi – người khách lạ ngơ ngác ngắm nhìn, không định mua bán gì. Gian hàng bán sách của người đàn ông làm tôi chú ý. Đó là tấm poncho trải trên mặt đường bày la liệt sách báo. Phía trong là một kệ đứng cũng đựng đầy sách. Sách của tác giả Việt Nam và nước ngoài. Người bán là một anh trung niên có giọng nói tươi rói, giòn giã như níu chân khách đi ngang. Tôi dừng lại xem và anh chào mời:
- Mời quí khách ghé lại đây, chúng tôi có đủ loại sách trong và ngoài nước. Đặc biệt quyển sách này bà con chớ bỏ qua của một nhà văn trẻ Việt Nam có sách bán chạy nhất. Tác phẩm đã qua nhiều thử thách và tranh cãi.
Anh ta trao tận tay tôi quyển sách lẫy lừng đó nhưng tôi chăm chú nhìn một quyển sách mỏng tang, giấy ngả màu vàng rơm đã bị ai xé nhiều trang. Đập vào mắt tôi những câu thơ:
Xưa máu ứa trong miệng
Nay máu đầy trong hồn
Tôi không nói với mẹ
Mà với cả mọi người
Tôi vấp vào hòn đá
Ngày mai là khỏi thôi(2).
Tôi biết là ai rồi! Nhà thơ này đã làm tôi khóc khi đọc lần đầu tiên. Tôi như chạm được nỗi đau và sự cô đơn của ông, đồng thời tưởng chừng như nhà thơ nói hộ nỗi lòng của bao con người lận đận. Đôi lúc tôi ngán thơ. Ngán những gì giống như thơ nhưng thú thật trong đời tôi đã từng tuyệt vọng, cùng đường nhưng nhờ níu vịn vào những câu thơ mà đứng dậy, ngẩng mặt và sống. Và nhà thơ giữa chợ đêm hải đảo này đã là một trong những ân nhân của tôi ngày ấy.
Tôi hỏi mua tập thơ chỉ còn những tờ giấy mỏng tang. Người bán nhìn tôi như lâu lắm rồi mới gặp kẻ dở hơi.
- Chị định mua cái này à? Chỉ là đồ vứt đi. Tôi xé gói quà vặt ấy mà. Biếu chị! Thế chị không mua quyển sách này à?
- Cám ơn anh. Tôi vốn sợ tranh cãi.
Cầm tập thơ, tôi trân trọng vuốt ngay ngắn. Lòng cảm động như gặp lại người tình cũ. Tôi bước đi nhanh chỉ sợ anh ta đổi ý.
Nhà thơ đã về cõi vĩnh hằng lâu lắm rồi nhưng tôi thấy hình như vẫn hiện hữu quanh đây để nghe tôi thì thầm lời cảm ơn, đồng cảm. Và biết làm sao được tình người, tình đời giữa chợ.

*
*     *

Về phòng tôi ngủ lúc mười một giờ. Mưa ngoài trời. Mưa rất to. Giấc ngủ thật sâu. Và tôi thức giấc vì tiếng ếch nhái, ễnh ương và cả trăm thứ côn trùng rền vang bên ngoài. Mưa đã tạnh ráo. Trăng lên cao và sáng lòa bên cửa kính. Nhìn đồng hồ đã hai giờ. Tôi không cách gì ngủ lại được. Mở đèn đọc sách sợ ảnh hưởng đến người cùng phòng, tôi mở cửa hành lang nhìn ra sườn núi phía sau nhà. Trăng đẹp vô cùng. Tự nhiên tôi ứa nước mắt. Gặp lại vầng trăng như gặp lại cái gì quá chừng thân thiết như đã là bạn bè từ ngày còn thơ bé đến lúc mình không còn trẻ nữa. Trăng đã cùng tôi san sẻ những nỗi buồn, nỗi đau không thể nói bằng lời.
Bất chợt một câu thơ đến với tôi.
Cách xa ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thế(3)
Những câu thơ xuất thần không nhiều trong một đời thơ. Thật tuyệt. Trăng không của riêng ai. Trăng của mọi người. Từ cổ chí kim trong nhân gian có biết bao lời thề dưới trăng. Bao nhiêu lời thề được gìn giữ! Bao nhiêu lời thề để gió cuốn đi. Đã về đâu rồi những lời thề từ trái tim hay đầu môi? Mọi thứ sẽ tan đi, tàn lụi đi chỉ còn lại vầng trăng.
Tôi ngồi ngắm trăng và nghe nhiều thứ âm thanh của đêm. Vẫn tưởng ếch nhái ểnh ương chỉ có ở đồng bằng và thật lý thú và lạ lẫm khi một mình giữa khuya khoắc nghe tiếng ếch nhái bên sườn núi. Bên này Sùng Hưng Cổ Tự các sư đã thức giấc bắt đầu chuông mõ tụng kinh, tạo nên sự hòa âm ngẫu nhiên – bản hòa âm giữa sự chào mừng cơn mưa đầu mùa, bầy đàn gọi nhau, bạn tình gọi nhau và âm thanh của kinh kệ gọi lòng người về cõi chay tịnh, từ bỏ thất tình lục dục. Tôi biết chắc chắn cơn mưa đầu mùa đã đến, không còn phân vân như buổi trưa có mưa bên bìa rừng nguyên sinh nhê nhếch đất đỏ.
Một người nhà quê ở đồng bằng có kinh nghiệm soi cá nói với tôi rằng: con ễnh ương bị đóng bít miệng khi mùa khô và chỉ được phép mở miệng khi mùa mưa chính thức đến. Hết mùa mưa thì tự nhiên bít miệng lại. Cho nên ễnh ương không phải muốn kêu lúc nào thì kêu.
Phải chăng vì thế mà tiếng kêu của nó phát ra có hồn. Nó gợi người ta nghĩ đến những gì buồn bã, u hoài nhất trong đời, gợi đến nỗi đau chia ly. Nó thê thiết vô vọng như tiếng người gọi nhau từ kiếp này sang kiếp khác, từ khoảng cách nghìn năm ánh sáng.
Tôi ngồi ở cửa hành lang trông ra núi. Gió núi sau mưa lạnh buốt. Trăng vằng vặc trên trời. Tôi chìm đắm trong bản hòa âm kỳ lạ, hiếm hoi cho đến khi chân trời phía đông ửng màu hồng nhạt. Những lá sa kê lác đác rơi sân sau Sùng Hưng Cổ Tự. Có hai du khách người Mỹ ba lô, trang phục gọn gàng nện gót giày trên hành lang nói với nhau về chuyến du lịch trong ngày.
Vài hôm nữa tôi sẽ về lại đất liền, không biết bao giờ mới có dịp trở lại dù lòng tôi muốn thế. Tôi sẽ không trở lại chơi với Bích Nhiều như đã hứa chỉ vì không muốn bất cứ một cái gì làm phôi pha ý nghĩ tốt đẹp của tôi về em. Tôi khoanh vùng và cố định bấy nhiêu.
Hải đảo Phú Quốc làm tôi ngạc nhiên và lý thú. Một huyện đảo diện tích chỉ khoảng 600 km2 với số dân 75.000 người, có chiều dài lịch sử rất phong phú từ những huyền tích xa lắc xa lơ cho đến bây giờ. Có ông vua bị truy đuổi tìm đường lánh thân chờ ngày khôi phục cơ nghiệp. Nơi ẩn thân của những vị tu hành coi đời là hư ảo. Nơi có sự hiện diện của nhiều tôn giáo và tín ngưỡng. Có nhà thờ, chùa Phật, thánh thất Cao Đài, đình thờ thần hoàng bổn cảnh. Có Dinh Ông, Dinh Bà, Dinh Cậu. Nơi thờ cá ong, thờ hổ. Là nơi có nhiều tỉ phú và nhiều người nghèo. Nhiều người vất vả mưu sinh và cũng nhiều người tìm đến để rong chơi nhàn tản. Nơi thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực đã bỏ mình trong sự nghiệp đánh Pháp và cũng là nơi thờ Nguyễn Ánh – vị vua có công “mời Pháp” vào Việt Nam.
Không hiểu có một đêm quạnh quẽ, hắt hiu nào đó hai cô hồn này gặp nhau sẽ nói chuyện gì? Theo như ai đó nói chết chưa phải là hết.
Tất cả là do tôi nghĩ lan man vậy thôi. Nên đơn giản cho cuộc sống dễ chịu. Rồi đây mọi thứ sẽ trôi theo dòng đời. Mọi thứ. Chỉ còn lại vầng trăng.

Tháng 8-2008
                                                                                                         
(1) Nhạc Vũ Đức Sao Biển
(2) Thơ Exênhin
(3) Thơ Hàn Mặc Tử