Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

MỘT CHÚT KỶ NIỆM VỚI DÒNG SÔNG CON PHÀ


Tùy bút của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Là người Bến Tre ai cũng có kỷ niệm về chuyến phà. Tôi tin vậy. Có thể là kỷ niệm sâu sắc, có thể là ấn tượng không phai hoặc chỉ thoáng qua vì ai cũng có ít nhất một lần qua phà để đến nơi ngoài tỉnh. Bởi Bến Tre là quê hương của những cù lao và phải đi qua nhiều con phà lớn nhỏ và chỉ có qua phà Rạch Miễu là rộng dài và mất nhiều thời gian nhất. Không riêng gì công dân Bến Tre mà chắc hẳn mọi công dân Việt Nam đều mừng vui khi nhìn thấy cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền được khởi công và từng ngày tiến đến hoàn chỉnh. Dẫu muộn màng nhưng rốt cuộc cũng có được cây cầu vắt qua cù lao Thới Sơn, cù lao Phụng để nối hai bờ vui Tiền Giang - Bến Tre. Từ đó dẫn đến sự phát triển nhiều mặt của đời sống, để Bến Tre xóa đi thế cô lập của tính chất cù lao: ngăn sông cách phà, cách ngăn nhiều thứ. Nếu còn ai có tâm hồn lãng mạn muốn thưởng ngoạn cảnh bao la sông nước, cây xanh đôi bờ thì xin mời "người" xuống những chiếc du thuyền nho nhỏ nhưng an toàn, thoáng mát sẽ đưa người chu du, đến đâu tùy người muốn. Vì chẳng bao lâu nữa khi việc làm cầu hoàn tất thì những chiếc phà sẽ bàn giao nhiệm vụ sau cả thế kỷ cần mẫn hoạt động.
Tôi, một người được cả nhà đặt cho biệt danh "để tâm hồn treo ngược trên cành cây" vì cái chứng hay hoài niệm về dĩ vãng. Những người hoài niệm thường có hai dạng: hoặc là người già hoặc người lẩm cẩm. Bây giờ đứng trên mặt cầu đang thi công chênh vênh sóng nước, gió trời lồng lộng lòng tôi tràn ngập niềm vui về một tương lai gần: cây cầu Rạch Miễu sắp được thông xe. Mừng vì biết bao nhân lực, vật lực và trí tuệ tâm huyết của toàn dân Việt Nam đóng góp vào để làm nên cây cầu chưa từng có trong lịch sử giao thông Bến Tre - Tiền Giang. Và tôi cũng xin phép được làm người vừa già vừa lẩm cẩm nhớ về những kỷ niệm riêng tôi với con phà của những ngày xưa yêu dấu.
Năm 1976 tôi học Sư phạm Tiền Giang, ở trọ nhà người bạn ở bên này bờ Bến Tre. Sáng sớm tôi bước xuống phà, gần 1 giờ sau tôi đã sang tỉnh khác (tỉnh Tiền Giang) để học, đến chiều lại xuống phà về nhà trọ Bến Tre. Nói thì nghe vòng vo nhưng phà cặp bến Tiền Giang chúng tôi đi bộ không rề rà chỉ mất 15 phút là đến trường. Ngày nào cũng vậy, trong cái ánh sáng mờ nhòa của lòng phà lúc 5 giờ sáng tôi gặp đủ hạng người gồng gánh, xe cộ hối hả ào ạt xuống phà và trở lên cũng vội vã, tất bật. Con phà chở xe tải, xe khách, xe hồng thập tự, xe du lịch, xe gắn máy, xe đạp, ba gác đôi lúc có cả xe heo, gà vịt, bò nghé, chim chóc. Phà chở người lao động chân tay đến kẻ sĩ và phường buôn lậu, từ kẻ ăn mày cho đến tiểu thơ hay quan chức. Lòng phà là nơi gặp gỡ tình cờ của đủ thứ cốt cách, ngữ điệu... Những buổi sáng buổi chiều ngồi ở tầng trên tôi lướt mắt nhìn khắp mọi người, tôi quan sát và tưởng tượng. Bạn tôi thì tử tế hơn tôi nhiều vì bao giờ nó cũng tận dụng giờ rảnh trên phà để ôn nhẩm bài học hoặc đọc sách nếu đủ ánh sáng. Còn tôi chẳng cách gì tránh khỏi ý nghĩ lông bông.
Năm ấy vào ngày Noel trời lạnh lắm. Buổi sáng có sương mù dày đặc không thấy được ánh đèn của bờ bên kia. Chẳng hiểu do cái ngày đột xuất có sương mù đặc quánh mà bác tài công khó định vị bến phà hay vì truyền nhiễm cái bệnh suy nghĩ lông bông của tôi mà bác cho phà chạy về hướng Bình Đức cách bến khoảng 3 km. Khi nhận ra lệch mục tiêu bác quay lại thì trời vừa sáng rõ. Chậm mất 30 phút. Chạm chân lên bến bọn tôi vừa chạy vừa thở. Gió bấc cuối năm vậy mà mồ hôi ướt đầm cả áo. Đến trường thì cổng đã đóng, đội cờ đỏ không cho vào bảo ngồi chờ tiết sau vào xin phép phòng Giáo vụ mới được vào học. Ngồi ở cổng trường tôi lơ ngơ nhìn lên cành dương cao vút in vào nền trời mây xanh thắm, nghe thời gian trôi đi một cách oan uổng. Tôi nghĩ đến hôm sau sẽ phải mượn vở ghi lại bài (mất thời gian) và rồi chắc chắn lớp sẽ mất thời gian để phê bình kiểm điểm trong giờ sinh hoạt cuối tuần.
Thứ bảy sinh hoạt lớp tôi đọc tờ tự kiểm nêu lý do trễ một tiết học là do chuyến phà cặp bến trễ, do bác tài công đi lạc, do quá nhiều sương mù. Thầy chủ nhiệm vặn: Tại sao không dự trù tình huống phà đi lạc để đi chuyến sớm hơn.
Không riêng gì tôi mà có lẽ cả chuyến phà mấy chục con người đều đặt niềm tin vào tầm nhìn và tay lái của bác tài công. Làm sao tôi có thể hình dung tay lái của bác dẫn mấy chục con người lạc lối – cái lạc lối phải chậm mất đi 30 phút để quay về điểm đến. Chỉ 30 phút thôi mà nó gây cho riêng lũ tôi bao nhiêu là phiền toái. Không biết những người cùng đi chuyến phà hôm ấy có gặp phiền lụy hay thất bại gì trong việc trễ 30 phút và tác hại cỡ nào bởi tôi nhớ loáng thoáng còn có cả xe đò hành khách, xe cứu thương, xe chở bộ đội cùng rất nhiều học sinh và thầy giáo.
Ai đã từng là học sinh chắc sẽ thấm thía nỗi buồn "được" đem ra kiểm điểm trước lớp vì khuyết điểm của mình. Bạn trong lớp bảo: Sao bạn không dự trù trước chuyện phà đi lạc để đi chuyến sớm hơn sẽ không bị trễ học, nghỉ một tiết, bạn làm cho tổ mất thi đua.
Chúa ơi, Ngài lòng lành vô cùng xin chứng giám cho con. Làm sao chuyện đã rồi đặt chữ “nếu”.
Mỗi bạn trong lớp góp cho một lời, phê bình cho một ý rất tốn thời gian. Thời gian ấy nhân lên bốn mươi bạn, đáng kể lắm chứ. Không ai thích dùng thời gian để săm soi vào khuyết điểm của kẻ khác để chứng tỏ mình là cá nhân tuyệt vời.
Tôi thành khẩn nhận ra mình là một cá nhân tội lỗi đầy mình vì đã phạm khuyết điểm để cả lớp phải mất thời gian và công sức góp ý xây dựng. Và tôi bỗng phát lên cơn “lông bông”. Tôi nghĩ về Tần Thủy Hoàng về việc đốt sách chôn sống học trò, nghĩ về Từ Hi Thái Hậu với bao nhiêu sách lược tàn bạo áp dụng cho đất nước Trung Hoa thời kỳ ấy và có biết bao nhiêu bạo chúa lái con thuyền quốc gia đi lạc bến bờ hạnh phúc, đưa cả dân tộc, đất nước trở về cranh lạc hậu, thụt lùi xa lắc so với bạn bè thế giới. Chắc không ai có thể đặt chữ “nếu” cho những gì đã thuộc về lịch sử.
Qua bữa ấy chúng tôi thấm nhuần lời góp ý và quyết tâm khắc phục bằng cách không đi chuyến phà 5 giờ mà đi chuyến 4 giờ rưỡi để đề phòng sự cố nào đó dẫn đến trễ học. Nhưng cái tuổi học trò ngủ ngon hơn ăn, với lại nửa đêm về sáng cái thời điểm ấy dù nghe đồng hồ báo thức, cái việc bước ra khỏi mùng khó lắm, không cách gì dậy nổi. Chúng tôi cứ đi chuyến 5 giờ. May sao sự cố phà đi lạc không bao giờ tái diễn nữa trong suốt hai năm học của tôi.
Thời gian hai năm học tạo nên một tình cảm thân thiết giữa tôi và những chuyến phà. Tôi nghiện cái không khí của lòng phà, của mặt sông sáng sớm. Những chiều về chầm chậm trên sông lờ đờ sương khói. Cũng có những ngày mưa dầm dề, mưa tràn nhòa mặt sông, tôi hỏi bạn: Trời mưa vầy mặt sông có ướt không và tôi được bạn tôi phong cho cái chức ba trợn từ đó. Trên những chuyến phà ấy tôi còn nhớ mãi hình ảnh người đàn bà có bầu tất tả chạy từ bến xe cho kịp chuyến phà vì đã đầy khách và hụ máy. Nhân viên bến phà ngăn lại nhưng chị cứ dấn bước. Chẳng biết gấp gáp chuyện gì hay một lý do riêng nào đó. Khi một chân chị đặt lên tấm bửng phà, còn một chân trên trái nổi thì phà tách bến. Mất đà, chị té ùm xuống nước. Từ phía sau chân vịt của máy đạp nước thành những cuộn xoáy khiến chị nổi chìm, va đập không ngừng vào tảng đá bờ kè. Người ta thả phao nhưng vô hiệu. Rồi có những cuộc mò tìm nhưng chị mất tăm. Hai ngày sau xác chị tự nhiên nổi phình dật dờ bên những ghe câu đậu cạnh hàng bần. Người nhà vớt xác kéo lên chiếc xuồng nhỏ. Tôi thấy máu tươi từ miệng chị trào ra loang đỏ. Điều đó không tài nào tôi hiểu nổi, khi cơ thể con người đã ngưng sự sống, ngâm trong nước hai ngày, máu đông lại sao có thể trào ra khi có người thân chạm vào. Và hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi nhiều năm không phôi phai.
Rồi cũng trên chuyến phà sang sông tôi đã từng ngồi cho phà chạy qua chạy lại nhiều lượt mà không lên bến trong cái lần chia tay với một người bạn. Cuộc chia tay không có ngày gặp lại.
*
*     *
Vì một lý do đặc biệt của bản thân có đến tám năm tôi mới có dịp trở lại bến phà.Vẫn bến, vẫn bờ, vẫn sông, vẫn nước và gió trời lồng lộng nhưng mọi thứ khác xưa nhiều quá, khác đến ngỡ ngàng, như một cuộc tìm về không ai nhận ra mình nữa mà mình vẫn nhận ra mọi thứ. Nhà cửa, bến phà được xây cất phong quang, to đẹp, sạch sẽ. Những chiếc phà lụ khụ (có lúc chết máy giữa đường) đã lui vào dĩ vãng thay vào những chiếc phà mới có vận tốc rút ngắn thời gian nhiều lần. Không còn cảnh chờ đợi lâu lắc như xưa.
Nhưng bây giờ những chiếc phà đời mới ấy cũng sắp nghỉ ngơi vì đã làm tròn nhiệm vụ đưa người sang sông khi cây cầu dây văng kia sẽ nối liền đôi bờ vui vào ngày rất gần. Chúng ta thử tính khoảng thời gian giữa phà cũ và mới chênh lệch nhau 40 phút, 40 phút của cả trăm người trong một năm, rồi nhiều năm. Làm phép nhân số thời gian được rút ngắn ta sẽ có một thời lượng đáng giật mình. Thời gian đó quý báu biết bao cho mọi người trong giai đoạn đất nước tăng tốc vươn mình.
Hiện tại muốn sang bờ bên kia ta mất 20 phút trên phà. Nếu cầu được thông xe, chiều dài 8 km của cầu xe sẽ chạy vèo qua trong vài phút. Nếu chịu khó tính số thời gian tiết kiệm được nhân cho số người qua cầu trong ngày ta sẽ có số thời gian vô cùng đáng kể. Đó là tín hiệu vui vì thời gian bao giờ cũng là vàng. Và thời gian một đi không trở lại.
Cái đầu lông bông của tôi lóe lên cái ý nghĩ: giá như cây cầu Rạch Miễu được bắc sớm hơn thì chắc hẳn tỉnh Bến Tre sẽ có những bước phát triển đáng kinh ngạc của người được trang bị "đôi hia vạn dặm".