Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

LÀNG QUÊ YÊU DẤU


Bút ký của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Tôi có dịp đến Phú Lễ nhiều lần và lần nào cũng có những cảm xúc vừa quen vừa lạ như gặp một người bạn thân mà có nhiều bí ẩn mình chưa hiểu hết. Là những trưa nắng đi trên con đường cát mịn nghe tiếng ve râm ran,  nghe mùi thơm của bắp trổ cờ, mùi dưa  gang chín, lẫn trong mùi lá ải, cỏ úa. Là mùi thơm nhẹ nhàng của trúc xanh mới được pha chẻ thành những cọng nan mỏng mảnh trong buổi chiều có nhiều thợ thủ công quây quần ở khoảng sân nhạt nắng. Và thế nào bạn cũng được hít mùi thơm của rượu đế khi đi qua những lò kháp. Với riêng tôi cái âm thanh ám ảnh dai dẳng tôi nhất là tiếng cả trăm nghìn con ểnh ương, nhái, ếch, bù tọt rền vang trên đồng Lạc Địa những chiều mưa.
Năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi tận mắt thấy cảnh cấy lúa trên đồng Phú Lễ. Rất vui. Công việc đồng áng nơi đây là của đàn ông. Đàn ông làm tất cả mọi  khâu cho đến khi lúa vào bồ. Chỉ những nhà không có đàn ông đàn bà mới ra ruộng (nếu không đổi công được). Khi những bó mạ được phân bố đều đặn theo hàng ngang hàng dọc, những anh thợ cấy bắt tay vào việc. Đi đầu là anh thợ cấy ranh - đó là người thợ giỏi nhất. Lúc ấy ruộng đồng hãy còn nguyên thửa không bị phân chia chằng chịt bờ mẫu. Để phân định ranh giới người chủ ruộng dùng hai cây vè cắm đầu ruộng một cây, cuối ruộng một cây. Khoảng cách giữa đầu và cuối ruộng thường cả cây số, vậy mà anh thợ cấy ranh đi đường cấy thẳng băng không hề sai lệch.
Chuyện cấy lúa ấy chỉ còn trong trí nhớ của những người cao tuổi. Bây giờ cách canh tác đã thay đổi. Xưa làm một vụ nhờ nước mưa. Giờ người ta đắp bờ giữ nước bón phân, gieo sạ lúa ngắn ngày, không ai cấy nữa. Ruộng đồng Phú Lễ có điểm lạ là cho ra những hạt nếp làm rượu rất ngon. Vì lẽ đó người làm rượu chuyên nghiệp thường trữ nếp trong nhà để dùng dần cả năm.
Theo anh Tám Cứa - người kháp rượu lâu năm ở Phú Lễ thì chọn nếp là khâu quan trọng đầu tiên. Sau đó là những bí truyền có tính quyết định chất lượng rượu như hồ men, cách kháp và pha rượu. Nhiều nơi trong tỉnh người ta cũng kháp rượu nhưng chất lượng khó sánh kịp. Ngay cả những lò rượu tại chỗ cũng không giống nhau. Mỗi lò đều có những bí quyết nghề nghiệp riêng khó ai nói hết. Nhưng cái yếu tố cốt lõi nhất là khâu men và hồ giống. Để đảm bảo chất lượng và hương vị độc đáo người kháp tự làm lấy hồ men chứ không đi mua của người làm sẵn.
Cách làm hồ giống cũng rất công phu. Người ta lấy gạo tẻ trộn với thuốc bắc (49 vị) ngâm với nước khoảng 4 giờ rồi vớt ra quết thật nhuyễn chung với riềng và trầu lươn sau đó đổ ra nia trộn đều và nhồi với 1 xị rượu đế. Cứ 15 lít gạo tẻ vắt được 200 viên hồ. Hồ vắt xong xếp trong cái khạp để từ 3 đến 5 đêm xong đem ra phơi gió cho không bị nứt.
Chất liệu làm men cũng bằng gạo tẻ và những vị thuốc bắc như cam thảo, hoài sơn, quế khâu, đại hồi quết chung với gừng và lá mùng tươi. Sau đó nhồi chung với rượu đế và vắt thành viên nhỏ bằng ngón tay. Men cũng ủ và phơi gió như hồ. Cách làm men hồ căn bản là vậy nhưng mỗi người làm khác nhau, gia giảm liều lượng hoặc thêm bớt vị thuốc cho nên thành rượu mỗi lò một vị riêng. Những người sành uống bảo rượu Phú Lễ có vị đặc biệt hấp dẫn hơn nơi khác. Có một nhà thơ từng đi nhiều nơi trên đất nước, ngày kia ông đến Phú Lễ và thưởng thức những ly rượu sủi tăm trong veo (rượu sủi tăm thường trên 50 độ, rượu nhạt không cách gì sủi tăm được) đã kết luận rằng:
- Miền Bắc có rượu làng Vân dành cho quan văn, miền Trung có rượu Bàu Đá dành cho quan võ, miền Nam có rượu Phú Lễ dành cho bậc văn nhân tài tử.
Từ tổng kết đó, người Phú Lễ có quyền tự hào về sản phẩm độc đáo của quê hương mình và có nhiệm vụ giữ gìn, không nên pha chế, lai tạp khác đi làm mai một giá trị vốn có. Bây giờ người Phú Lễ được tự do hành nghề và quảng bá thương hiệu của mình. Rượu Phú Lễ đã phổ biến khắp mọi miền đất nước và có dịp bay ra vài quốc gia lân cận trong khu vực. Xưa rượu Phú Lễ đã bị  2 lần cấm. Lần thứ nhứt thời Pháp vì muốn cạnh tranh độc quyền rượu Tây nên cấm nấu rượu. Nhưng dân ta quen uống rượu ta, quen cái hương vị đằm thắm của quê nhà, và người ta lén lút đem vào khu Lạc Địa để nấu. Lần thứ 2 sau tiếp quản, lương thực khan hiếm Nhà nước cấm nấu rượu. Nhưng chỉ có thể hạn chế chứ không sao cấm hẳn được. Người ta chấp nhận dù bụng có lưng lửng một chút nhưng phải có tí ngây say vào những ngày Tết, giỗ chạp nên vẫn lén kháp. Rượu dành cho tầng lớp nào trong xã hội mà người uống cứ bí tỉ ngày này sang ngày khác thì cũng khó giữ được nét thanh tao của văn nhân hay hào khí lẫm liệt của võ quan. Lại nhớ đến ngày xưa rượu của tiền nhân đối ẩm khi có tri âm:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua (Nguyễn Khuyến)
hoặc rượu của người buồn - Người uống một mình (độc ẩm) để:
“Dục phá thành sầu tu dụng tửu”
hay “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu”.
Tôi biết có một nhà văn già rất sành rượu. Trong nhà ông lúc nào cũng để dành sẵn nhiều thứ rượu để đãi bạn văn. Bạn văn thì đủ mọi lứa tuổi đủ mọi tánh khí, có nam có nữ ở nhiều địa phương. Tiếp khách ông đem ra một khúc rượu ngắn trong chai. Qua vài ly mắt trâu, ông xác định được người ngồi trước mặt mình là ai và có nên đem rượu ra nữa hay thôi. Vì với ông rượu gắn liền với tri âm, với tao nhân. Điều đó để thấy rằng rượu ngon hay dở, người kháp có công phu đến đâu mà sa vào tay phàm phu tục tử thì “buồn lắm”.
Ở thế kỷ trước, tôi có người bạn quê ở đây (giờ đã mất) anh kể rằng ngày xưa Phú Lễ có một ông già nếm rượu rất tài. Ông chỉ thực sự tin vào cái lưỡi của mình để thẩm định độ ngon cỡ nào, biết loại men hồ nào để kháp, không ai có thể qua mắt ông được. Nhưng có điều lạ là chỉ nếm thôi mà mặt ông đã đỏ gay. Nếu uống một ly là ông im lặng suốt mười ngày. Uống hai ly thì ông khóc sụt sùi như “thiếu nữ vu qui nhật”. Sau đó thì ngồi im lìm như nhà tu  hành đang tham thiền nhập định. Hỏi mãi ông bảo khi uống rượu vào ông thấy hết cả ruột gan con người, thấy từng ngóc ngách ý nghĩ. Thà rằng u u, minh minh, mờ mờ ảo ảo mình còn chút hy vọng này nọ chứ mọi sự phơi bày rõ cả rồi, sợ lắm, buồn lắm. Sống sao nổi. Cho nên ông kháp rượu siêu hạng ở làng mà không bao giờ uống. Không hiểu câu chuyện ông già nếm rượu ấy hư thật thế nào tôi không có dịp hỏi lại. Riêng tôi lúc nào cũng thấy trong ly rượu lảng vảng bóng dáng của con ma. Ma lành  hay ma dữ còn tùy. Tùy nhiều thứ lắm và nghìn lẻ một chuyện sau ly rượu.

*
*     *

Công việc kháp rượu thường do đàn bà làm ở nhà. Nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự bền bỉ. Lúc đám tiệc, Tết nhất phải làm cả thâu đêm mới đủ rượu bán. Đó là lý do một số đàn bà Phú Lễ không ra đồng. Ngoài ra, xưa nơi đây rất thịnh hành nghề tơ lụa và trồng bông dệt vải. Người ta tổng kết "làm ruộng ba năm không bằng nuôi tằm một lứa". Lợi tức hấp dẫn là vậy nhưng từ cây dâu ngoài đồng cho đến thành những tấm lụa là một chuỗi công việc, người ta không có thời gian ăn cơm, còn giờ nào mà ra ruộng (làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng).
Có lẽ do thổ nhưỡng phù hợp với cây dâu và con tằm chỉ thích nghi với cái nắng gió của trời Phú Lễ mà chỉ riêng nơi đây mới phát triển nghề tơ tằm và một thời được gọi là quê lụa. Người già trong làng bảo nghề tơ tằm có mặt từ thế kỷ XIX và thịnh nhất vào những năm 30 của thế kỷ trước. Ngày ấy cả con giồng xanh ngắt một màu dâu. Tiếng tằm ăn rỗi, tiếng thoi đưa, xa quay... tạo nên khung cảnh thanh bình, ấm áp, vui mắt. Mọi công đoạn đều là thủ công từ trồng dâu, hái dâu, xắt dâu cho tằm ăn, ươm tơ, dệt, nhuộm... phải mất nhiều thời gian công sức nên giá thành một mét tơ lụa rất cao. Một bộ đồ bằng tơ lụa ngày ấy qui ra thóc tương đương 40 giạ. Bốn mươi giạ lúa ấy bằng số lúa thu hoạch nửa mẫu đất ruộng trong 1 năm (chưa tính công thuế). Do vậy người mặc tơ lụa thường là giàu có sang trọng. Còn giới bình dân thì có vải dệt từ bông, vừa thô cứng lại không bền nhưng giá rẻ vừa túi tiền người nghèo. Lụa Phú Lễ xưa rất nổi tiếng là đẹp và quí nên rất được ưa chuộng và đem bán các nơi tận Sài Gòn Gia Định. Bây giờ đến những gia đình xưa từng dệt lụa chỉ nghe kể lại như chuyện xa lắc một thời. Gia đình anh Tám Cứa xưa từng làm nghề nhuộm lụa, cha và bác anh là những thợ nhuộm có tay nghề cao. Lụa dệt xong có màu vàng óng của tơ, người ta nhuộm đen mới dùng. Nghe nói có nhiều hoa văn như Cẩm Tự, Hoa Lài, Hoa Lý, Nhiễu Trắng... giờ không tìm đâu thấy. Nhà anh Tám Cứa giờ còn giữ lại tảng đá xanh và cái chày nện bằng gỗ mun tròn đen bóng. Anh giữ lại làm kỷ niệm. Sở dĩ nghề tơ tằm đi vào cáo chung là do những năm 70 công nghệ dệt phát triển mạnh với sợi ni lông. Giá thành 1 mét ni lông vừa rẻ lại đẹp bền. Rồi những ngày tháng lận đận trong thời kỳ bao cấp, người ta tiêu diệt cây dâu để trồng cây lương thực phục vụ cho việc chống đói.
Bước vào thế kỷ XXI con người không còn bận tâm về chuyện no ấm nữa mà người ta ăn sang mặc đẹp. Một cái cà vạt bằng tơ tằm trị giá 6 giạ lúa hay hơn nữa người ta cũng sẵn lòng mua hoặc những giai nhân biểu diễn thời trang trên sân khấu mặc những bộ tơ lụa giá tương đương hàng trăm giạ lúa là chuyện thường. Bên cạnh đó ở trường học những học sinh mặc áo dài đồng phục 1 cái áo giá bằng 1 giạ lúa (loại vải của nhà máy trong nước). Điều đó để thấy rằng cây dâu bây giờ vẫn còn chỗ đứng vững vàng ở thế kỷ XXI. Miền Bắc nhiều làng nghề tơ tằm được khôi phục và phát triển. Mới đây một cô giáo đem cây dâu về trồng ở vùng cao và thành công tốt đẹp ở sự nghiệp tơ tằm.
Sẽ là hoang tưởng chăng nếu tôi nghĩ đến việc khôi phục lại nghề tơ tằm Phú Lễ nổi tiếng một thời. Chuyện ấy sẽ bàn vào một dịp khác. Tôi đi ngang qua khu vườn xưa giờ còn lẻ loi vài cây dâu trong góc đất, cành lá phất phơ như hoài vọng những giai nhân áo lụa ngày nào đã thành người thiên cổ và nghệ nhân cũng ra người thiên cổ.

*
*     *

Có những chiều đi qua Phú Lễ trong cái mát dịu của ánh tà huy, một chút gió đong đưa hàng trúc rậm rạp trước sân nhà có những người phụ nữ ngồi đan rổ thúng và pha chẻ những cọng nan xanh nhạt mỏng mảnh. Tôi thấy buổi chiều như được ướp bởi mùi thơm của trúc xanh. Nghề đan tre trúc cũng là công việc mưu sinh của một bộ phận dân làng. Phụ nữ, trẻ em người già đều làm được. Những lúc nông nhàn đàn ông cũng tham gia. Nhiều gia đình đan chuyên nghiệp cũng trở nên khấm khá, có thể xây nhà, nuôi con ăn học thành tài. Chí ít cũng thoát nghèo.
Sản phẩm từ tre trúc của Phú Lễ từ lâu đã nổi tiếng trong tỉnh. Nhiều vựa bán lẻ đặt hàng với số lượng lớn. Đó là những mặt hàng phục vụ thiết thực cho đời sống người lao động, người bình dân. Những vừng sàng, thúng mủng, nia nong, cần xé... gợi cho người ta nghĩ đến cái áo thấm đẫm mồ hôi của người sử dụng. Hoặc cái giỏ, bó cần câu, đòn gánh, đòn xóc, cái lờ, lợp, đó, bung... làm ta như thấy những bàn chân đẫm bùn nước trong đêm khuya khoắt trên đồng vắng. Người làm ra và người sử dụng đều là giới cần lao nhọc nhằn. Nhưng đứng trước những mặt hàng đó luôn làm ta thấy lòng yên ổn về một cuộc sống trong sạch, những đồng tiền kiếm ra thấm đẫm mồ hôi.
Khoảng mười năm trở lại đây do sự phát triển của công nghệ nhôm nhựa, mặt hàng tre trúc cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường và xu thế phát triển chung của xã hội. Người ta không tát nước bằng gàu dai nữa mà sử dụng máy bơm. Đôi vai người thoát khỏi sức nặng của gồng gánh nhờ các loại xe thồ, các thứ đựng bằng thúng mủng người ta cho vào bao chở đi. Giống gánh hầu như biến mất. Những cái giỏ trầu xinh xắn của quý bà giờ thành của hiếm cũng như vất vả lắm mới tìm được một bà già trầu trong xóm. Dĩ nhiên không có cầu thì không có cung. Ông Ba Nghị, một cán bộ hưu trí giờ kiếm sống bằng nghề đan giỏ cá, bảo rằng:
- Cứ 4 ngày tôi hoàn thành 10 cái giỏ bán được 80 ngàn đồng, chưa tính tiền vốn bỏ ra. Nhưng bây giờ nghề đươn chựng lại, những vựa đặt hàng nhiều lúc đến hẹn mà không đến nhận, cho thấy về phía cầu bị nhũng.
Anh Minh Hoàng đi cùng chúng tôi nói:
- Thời buổi bây giờ làm đồ chơi có khi thắng hơn đồ dùng. Người nuôi cá kiểng thu hoạch hấp dẫn hơn nuôi cá thịt, lại có khi trồng hoa kiểng giàu hơn trồng rau hay cây ăn trái.
Điều anh nói làm tôi nghĩ đến những cái lẳng hoa đan bằng mây, trúc rất đa dạng về kiểu dáng để đựng những bó hoa trị giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, thiên hạ tặng nhau vào dịp lễ Tết, hội nghị. Những cái gùi bé xíu phỏng theo đồ dùng của người Tây Nguyên hoặc những cái giỏ xách tay bằng cọng lác gon, bằng lục bình khô người ta vẫn chuộng mua để đựng những thứ tầm phào trên đường đi du lịch. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện khi cầu giảm thì cung phải tự điều chỉnh để cân bằng. Những mặt hàng nào còn cần cho đời sống con người thì nên duy trì. Nên chăng cũng từ tre, trúc, mây... ta nghĩ ra sản phẩm đa dạng hơn để phục vụ nhu cầu của du khách, chẳng hạn những bức mành trúc với hoa văn công phu lạ mắt hoặc những tấm tranh đan bằng tre mà tôi gặp ở miền Trung... Là do tôi thoáng nghĩ vậy thôi vì tôi vẫn muốn nghề tre trúc luôn tồn tại ở Phú Lễ. Với tôi cái buổi chiều hanh khô được ướp bằng mùi thơm của trúc xanh vẫn ngàn lần đáng yêu.

*
*     *

Ngoài những nghề nghiệp để mưu sinh Phú Lễ còn có nét văn hóa đặc biệt là hát Sắc bùa. Như nhiều địa phương khác trên nước Việt Nam, ngày trước ở Bến Tre cũng xuất hiện những câu ca dao, hò vè, người ta hát trên đồng lúa cấy gặt, lao động. Người xưa đã để lại cho đời những câu ca dao thấm đẫm tình người, tình đời mà không cần bản quyền tác giả. Nó là tài sản chung của cộng đồng qua nhiều thế hệ. Không một ai có tham vọng rút rỉa, đánh cắp từ nhiều bài của tác giả khác để xào đi, xáo lại rồi độc chiếm tên mình để cá nhân mình được vinh danh này nọ từ những “xào tác” ấy (chứ không phải sáng tác). Người xưa hát hò để giao lưu, giãi bày nỗi lòng, hát để quí nhau và thương nhau. Những câu hát như viên ngọc được mài giũa, truyền khẩu qua bao thế hệ, qua bao cánh đồng. Những ngày ấy đẹp sao! Ca dao không có tác giả. Nét đặc thù của Phú Lễ là người ta không hát trên cánh đồng mà hát ở trong nhà bằng loại hình hát Sắc bùa.
Đó là một loại hình văn nghệ dân gian mang tính đạo giáo và giúp vui. Người ta chỉ trình diễn vào Tết Nguyên Đán ở từng nhà trong làng, đi thành một đội hát. Đội hát đầy đủ gồm sáu người: hai sanh tiền, hai sanh cái, một đàn cò, một trống cơm. Số người có thể tăng lên đến mười hai nhưng tối thiểu là bốn. Người điều khiển là ông bầu sử dụng trống cơm giữ nhịp và hát bắt cái (cái kể). Số người còn lại là con xô. Vừa đến ngõ đội bắt đầu những bài hát có tính bắt buộc như: Mở cửa rào, Mở ngõ, Cõi Nam, Khai môn. Khi vào nhà đội hát tiếp những bài Rước xuân, Chơi xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa Dẫn bùa. Coi như xong phần nghi lễ, đội sẽ đem bùa dán vào nhà để trừ tà trấn trạch. Kế đó là phần giúp vui, đội sẽ hát những bài có nội dung phù hợp với nghề nghiệp, gia thế của chủ nhà hoặc hát theo yêu cầu, không giới hạn số bài. Đội Sắc bùa sẽ đi từ nhà này sang nhà khác đến hết tháng giêng. Những bài hát giúp vui có thể loại hò, vè, lý... mang nội dung phong phú, phản ánh đời sống phong tục tập quán của địa phương; hoặc mang dấu ấn lịch sử như trận thắng Ó Đỏ, cũng có bài vè mang chủ đề ấy.
Những nghệ nhân hát Sắc bùa ngày ấy giờ đa số đã khuất bóng, người còn sống không dưới tuổi 80. Hát Sắc bùa có ở Phú Lễ vào khoảng thế kỷ XVIII, cho đến thập kỷ 70 (thế kỷ XX) thì mờ nhạt dần và ngày nay thì biến mất. Có thể người già ngày một vắng đi, người trẻ lớn lên có sở thích khác, nhu cầu giải trí cũng khác, rồi những loại hình nghệ thuật mới phát triển ào ạt như ca nhạc truyền hình, băng dĩa, karaokê. Hát Sắc bùa lui dần vào dĩ vãng và người ta nhắc nhớ như nét văn hóa đậm tính lịch sử của quê hương.
Ngoài ra Phú Lễ còn một địa chỉ văn hóa đáng tự hào nữa là Đình Phú Lễ. Đình được Nhà nước công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia. Đó là ngôi đình bề thế, to rộng tọa lạc trên khoảng đất hơn 1 mẫu, xung quanh có cây cao bóng cả  lâu năm. Đình thờ thần hoàng bổn cảnh, tiền hiền hậu hiền được sắc phong của vua Tự Đức, thế kỷ XIX. Công trình kiến trúc rất công phu, tuyệt xảo của những nghệ nhân xứ Huế. Đa số cây để làm đình là cây cà chít, một loại gỗ quí của rừng Tây Nguyên không mối mọt nào tấn công nổi. Người ta truyền lại rằng công việc làm đình kéo dài 60 năm mới xong. Nhiều người thợ đến làm lúc còn trai trẻ, lấy vợ lập nghiệp đến lúc già yếu đình mới hoàn tất. Chuyện kể rằng ngày ấy tên quan Léon Leroy đến đình ngắm nghía rồi sai lính khiêng 2 trong số 4 ghế thờ đem về Bình Đại. Có 1 cái ghế quá nặng không khiêng được vì có 1 cán bộ cách mạng đang ở bên trong (loại ghế có phần dưới kín gần giống như cái tủ) mà y không ngờ. Sau hòa bình người ta đem về như cũ.

*
*     *

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu tham quan Phú Lễ mà không đến vùng Lạc Địa. Đó là phần đất thuộc xã Phú Lễ, một phần giáp ranh Phước Tuy và Mỹ Nhơn. Theo lời truyền lại thì Lạc Địa xưa là vùng đất trủng, hoang vu cá sấu còn ở. Bằng chứng là khi khai phá người ta còn gặp xương đầu cá sấu rất lớn vùi trong bùn (hiện vật này đang ở Nhà Bảo tàng tỉnh). Vì không canh tác được nên chính quyền Pháp cho dân tự do khẩn hoang. Lúc đó cá tôm nhiều lắm vì vậy người ta nghĩ đến việc vét  đìa để giữ cá mùa nước rọt. Trên bờ đìa trồng trâm bầu tạo thế êm ấm cho cá sinh sôi. Phần còn lại thành ruộng có thể cấy lúa dài ngày, cao giàn. Diện tích ruộng khoảng 70 mẫu. Tính cả vùng Lạc Địa rộng hơn 160 mẫu, trên đó có 360 khẩu đìa và một số đìa con.
Đến mùa khô thu hoạch đìa người ta dùng gàu dai tát cạn nước để bắt cá. Số cá thu được hàng mấy chục gánh trong một đìa, gồm đủ thứ lóc, trê, rô, sặt rằn, rùa, rắn. Cá lóc cựu một con trên 1 kg là thường. Người ta không quên chừa lại cá con cho mùa sau. Từ tình trạng lung bàu, hoang vu đã thành vựa cá, vựa lúa, thấy vậy chính quyền Pháp bèn thu thuế. Địa hình bạt ngàn trâm bầu, dứa gai, những cái đìa na ná như nhau vào Lạc Địa không tìm được lối ra là thường. Có lúc dân kháp rượu đem vào Lạc Địa để nấu, lính Tây lùng sục, bắt bớ. Không bắt được lò kháp lại không biết đường ra phải gọi người dẫn về. Từ đó người ta đặt tên vùng là Lạc Địa.
Thời Pháp, cách mạng còn dùng địa  hình này để làm căn cứ đóng quân rất an toàn. Để phân biệt vị trí trong Lạc Địa người ta phân chia thành những nơi có tên gọi: Hốc Cây Bàng, Hốc Bà Lăn, Hốc Địa Hoằng, Hốc Mười Lăm, Hốc Cây Bướm, Hốc Mùng Tằm (khó xâm nhập nhất).
Đến thời chống Mỹ, Lạc Địa vẫn là căn cứ của cách mạng nhưng lính bót rất siêng năng ruồng bố, càn quét nên lực lượng ta gặp nhiều tổn thất, khó trụ vững. Nhiều lần đàng mình hy sinh rất đáng tiếc. Đau nhất là lần 5 đồng chí vừa chuyển đến chưa kịp đào hầm, thấy tên lính cầm cần câu đi tới. Năm người bí mật ém xuống nước. Tên lính ném lựu đạn xuống đìa, có lẽ để bắt cá cho nhanh hơn câu chứ không phát hiện ra người. Cá nổi lên, tên lính bắt một số rồi đi. Năm đồng chí chết cả năm. Không một vết thương nào, mà do sức ép của trái nổ làm vỡ mạch. Một hôm ông Năm Hỏa - Huyện ủy viên - đến khảo sát tình hình Lạc Địa rồi bảo:
- Các đồng chí ở vầy tôi thấy không ổn. Phải nghĩ ra cách làm cho lính không đột nhập được căn cứ và biến Lạc Địa thành nơi đóng quân an toàn.
Rồi đồng chí Năm Hỏa chỉ cho anh em cách cò trâm bầu. Ta dùng dao bén chặt chỉ đứt 1/3 thân cây rồi bẻ nằm ngang. Những cây khác cũng chặt vậy nhưng bẻ theo nhiều chiều hướng khác. Cây vẫn xanh và sống. Nhiều tầng lớp trâm bầu ngã ngang dọc khiến lính chui qua không lọt mà leo lên cũng không được. Bên ngoài ta gài lựu đạn và ém dây rất kỹ để ngăn bước xâm nhập của địch. Đàng mình khi đến có việc cần thì phải nhờ du kích đưa vào bằng những đường không có gài lựu đạn và bước trên những cây cầu ngầm hoặc những trụ trâm bầu đứng. Và để an toàn hơn, trên bờ đìa ta đào hầm cá trê len lỏi trong gốc trâm bầu tránh bom, cà nông. Kế hoạch phòng thủ của ông Năm Hỏa rất hữu hiệu. Lính không đột nhập vào được nên gọi cà nông Ba Tri bắn vào hoặc máy bay bỏ bom. Bom, cà nông rớt xuống đìa lọt thỏm, sức công phá không lớn như trên bờ.
Số người ở Lạc Địa thường khoảng 100 người của các xã An Bình Tây, Phú Ngãi, Mỹ Nhơn, Phước Tuy và cả Huyện ủy Ba Tri. Xã nào có hậu cần xã nấy và có trách nhiệm tiếp tế lương thực, đồ dùng cần thiết. Người đem vào giả dạng thăm ruộng, giăng câu và đặt đồ tiếp tế vào bụi dứa gai, bụi ráng qui định trước. Còn đồ ăn thì chỉ cần đặt cái lờ hay lợp xuống đìa là có toàn cá ngon. Nhưng nấu được bữa ăn không dễ dàng vì phải che lửa khói, rồi cả mưa dầm. Nước uống cũng là khâu hiểm hóc, phải tiếp tế từ ngoài vào vì cả Lạc Địa mênh mông nhưng nước cầm thủy của nhiều tầng lá ủ, uống vào sẽ đau bụng. Gay go nhất là khi chuyển thương binh, y tế tại chỗ không đủ thuốc men và phương tiện phẫu thuật. Chờ đến tối mới chuyển thương binh về quân y đóng ở cù lao Lá. Cứ hai người khiêng một thương binh trên võng và có hai người khác thay phiên. Đi đầu là một tiểu đội mang súng, theo sau mười người yểm trợ. Đường đi rất gian nan. Đi bộ khoảng 4 giờ ròng rã, chuyển thương binh phải mất một đêm. Nhiều đồng chí chết trên đường vì vết thương nặng.
Trường hợp có đồng chí hy sinh thì chờ đến đêm ta làm lễ truy điệu rồi đem về Gò Lứt  an táng. Gò Lứt cũng thuộc Lạc Địa nhưng ở mé bìa. Lần ấy tổ công tác gồm 5 đồng chí về khuya rất mệt mỏi, lại chủ quan nghĩ rằng địch không đến được nên giăng mùng ngủ đại trên bờ đìa. Gần sáng một trung đội lính đi càng ngã Lung Ráng gặp 5 “ông” còn ngủ. Súng nổ 5 “ông” chun vô hầm cá tre. Lính bao vây khoanh đìa. Năm người thoát lên khỏi  hầm vừa tung lựu đạn vừa chạy nhưng chỉ có 1 người còn sống nhờ địa hình ngoắc ngoéo của đìa. Và đêm đến ta đưa bốn người về Gò Lứt.
Năm 1961, có cuộc họp triển khai Nghị quyết liên xã. Có 5 xã được mời dự, chị Bảy Cặn là Hội trưởng Hội phụ nữ hợp pháp. Đang ngồi ở bờ đìa chờ du kích ra rước thì bất ngờ lính ập đến bắt giải về An Bình Tây. Nơi đó chúng đánh đập tra khảo rất tàn nhẫn nhưng chị không khai một lời nào. Cuối cùng chúng mổ bụng chị rồi chôn sống trước sự chứng kiến và công phẫn của nhân dân.
Như cái gai trước mắt cần nhổ đi, địch nghĩ ra chiêu quái ác là rải chất độc lên khu Lạc Địa. Khi cây rụng hết lá chúng đem người đến đốn sạch cây cối rồi chở củi đi. Ta buộc phải chuyển căn cứ về Châu Bình. Một năm sau trâm bầu lại mọc xanh tốt như một phép lạ và chẳng bao lâu cũng rậm rạp. Ta có thể hành quân chém vè qua đêm chứ không đóng căn cứ vì trâm bầu còn nhỏ không cò được.
Bây giờ Lạc Địa từng bước được khai thác thành khu du lịch sinh thái. Những con đường đắp cao đổ đá đi xuyên qua mọi nơi mà không lo bị lạc nữa. Nhà nước lập khu riêng bảo tồn di tích Lạc Địa để thế hệ đời sau có thể hình dung phần nào lịch sử đấu tranh của tiền nhân qua 2 thời kỳ kháng chiến ác liệt. Một phần khác của Lạc Địa được chia lô cho các hộ dân đến thuê, hợp đồng từng 5 năm 1 lần. Phần đông người ta lập mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Cạnh dòng kinh đào từng bầy vịt đẻ được khoanh nuôi cùng với đàn bò dê béo núc ních. Dưới ruộng lúa người ta nuôi cá quảng canh và bán công nghiệp, những loài vốn có như rô, phi, lóc, trê, sặt rằn. Đứng trên con đường hai bên bờ có bạch đàn tỏa bóng, in hằn dấu xe công nông, xe gắn máy ra vào, ta có thể quan sát cả cánh đồng Lạc Địa như người đẹp nông thôn mặc cái áo xanh với nhiều mảng đậm nhạt bên nhau: xanh đậm của bạch đàn, rời rợi của cỏ voi, xanh tơ của lá sen trải trên mặt hồ, xanh của lúa non, xoài, đu đủ, mì, rau lang... Người ta đi làm ruộng, cắt cỏ bằng ca nô, xe máy, ít nhứt cũng xe đạp. Bạn có thể bỏ chiếc xe gắn máy lăn lóc bên đường suốt ngày mà không ai “ngó tới”. Hiện tại Lạc Địa chưa thể gọi là giàu nhưng những tiềm năng đang có nơi đây cho phép người ta nghĩ đến một ngày mai tươi sáng, lạc quan. Sẽ không còn lạc lối khi vào đây như xưa, hy vọng vùng đất này sẽ mang đến niềm vui cho người tại chỗ và khách tham quan muốn thư giãn, đi tìm một chút dịu nhẹ cho tâm hồn.
Tôi đến Lạc Địa vào một ngày có áp thấp nhiệt đới với những cơn mưa dai dẳng, lạnh lẽo. Những luồng gió mang hơi nước lùa qua cành lá trâm bầu lật nghiêng một màu xanh mốc. Tiếng những con nhái bầu, ễnh ương rền vang giữa bầu trời bao la. Tất cả gợi nhớ một thời cũ càng và bi tráng. Gợi nhớ những anh hùng, chiến sĩ chịu đựng gian lao, chết chóc cho một ngày toàn thắng. Thành tích chiến đấu của Lạc Địa góp phần làm nên xã Phú Lễ anh hùng.
Đó là tất cả những gì tôi biết về Phú Lễ xưa và nay, trong chiến tranh và hòa bình về đất đai, con người bao gồm làng nghề và những nét văn hóa, lịch sử rất riêng mà ít vùng quê nào ở Bến Tre có được. Nét độc đáo ấy làm nên cái hồn cốt của làng và như là cái duyên ngầm của giai nhân thôn dã. Tôi ngàn lần mong muốn cái duyên quê ấy đừng thui chột theo thời gian mà ngày càng mặn mà hấp dẫn hơn.