Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG BỐN

Phần 1 – Trên đống tro tàn

Về đến nhà, tôi thấy mẹ ngồi ngoài hiên nhập nhoà bóng tối. Cặp mắt vô hồn trên gương mặt ngây dại. Tôi hỏi: Mẹ. Bà lặng thinh. Tôi hỏi lần nữa bà chỉ cười. Cái cười không hồn vía. Linh cảm điều gì hệ trọng tôi tìm gặp ba. Trong phòng ngủ ba vừa qua cơn sốt rét. Ba kêu nhức đầu lắm. Ông hỏi: “Sao hôm nay con mới về?”. Tôi lặng thinh ngồi cạnh ba. Không nghe ba nói gì thêm. Tôi hỏi ba uống nước nghen, con đi rót. Ba gật đầu. Cầm ly nước trong tay, ba nói:
- Xong hết rồi. Nhà mình vừa trải qua đợt cải tạo tư sản. Toàn bộ gia sản bị tịch thu. Nhà máy xay lúa và ép dầu đi vào quốc doanh. Mình trắng tay thật sự rồi. Thôi con học hành làm gì nữa, về với ba đi. Mẹ con bây giờ điên rồi. Bà im lặng đi lang thang. Bà không nói gì. Vậy mới đáng sợ.
Vậy là cái quyết định rời trường Sư phạm cùng lúc với đợt cải tạo tư sản ở gia đình tôi. Tôi mải lang thang trong khi gia đình đang có biến cố. Mà dẫu tôi có mặt thì có tác dụng gì. Bản lĩnh như ba còn đổ bệnh. Kiên cường như mẹ còn hoá điên.
Cho đến lúc này tôi chỉ biết là gia đình tôi thuộc loại giàu. Cụ thể là có hai nhà máy: một ép dầu, một xay lúa gạo. Còn của cải vốn liếng chìm nổi bao nhiêu thì tôi không biết. Ba mẹ tôi là người điều hành mọi chi thu, tiền nong, tôi không được rõ.
Nghe ba nói vậy tôi đỡ phải lúng túng tìm lý do về chuyện thôi học của mình. Tôi đi xuống bếp nấu cháo cho ba và cơm cho mẹ. Tôi cũng đang đói đến bủn rủn tay chân. Nhà cửa tự nhiên toát lên mùi lạnh lẽo rất ghê. Nếu ba mẹ không trong tình trạng ấy có lẽ tôi sẽ oà khóc lên thật. Nhưng nếu tôi khóc lóc mềm yếu thì thành ba người ngã quị. Tôi cố không khóc, không mềm yếu. Tôi ý thức rằng giờ chỉ còn tôi là chỗ dựa cho ba mẹ. Tôi không có quyền buông xuôi.
Cơn sốt rét của ba cũng hết. Sau đó là những ngày ba uống rượu say. Ít khi nào tôi thấy ông tỉnh táo. Khi đã say ông trở nên im lặng rồi ngủ vùi. Mẹ thì tệ hơn, bà không nói một lời nào dù không bao giờ uống rượu. Những cuộc đi lang thang của bà là đến những nơi xay giã gạo để sàng, sảy, quét dọn. Thấy ai giê lúa bà cũng tham gia. Có khi bới tìm gì trong bờ bụi đầy cỏ dại. Ai hỏi bà trả lời bằng cái cười vô cảm. Giấc mơ ngày rời quê cũ tôi thấy mẹ biến thành bà điên giờ lại vận vào cuộc đời thực của mẹ.
Anh Tấn lâu lâu có ghé qua nhà. Anh nói chuyện với tôi vội vã, không có ý muốn dừng lâu. Tôi biết anh mến chúng tôi nhưng hai bàn chân anh líu ríu bước đi. Cũng phải thôi, nhà tôi thuộc đối tượng tư sản mại bản đang cải tạo, còn anh là thanh niên thuộc thành phần vô sản trăm phần trăm, không cha mẹ, không nhà cửa, không người thân và là trí thức – dù chưa đỗ tú tài.
Mừng cho anh. Tôi ý thức rất rõ phận tôi. Tôi không xem đời là hư ảo như Phụng, Hoàng; cũng không thích nhảy cóc nhảy nhái từ nhành này sang nhành kia mà tôi ngưỡng mộ hình ảnh ngồi dậy từ đống tro tàn của người Nhật.
Đến bữa cơm tôi nấu bằng cái soong nhỏ cho ba và mẹ, còn tôi nấu một lon cao lương và luộc rau. Ba chỉ ăn quấy quá đôi chút lúc tỉnh, còn thì ông uống nhiều hơn. Những năm này lương thực hiếm, lại bị thất mùa, sâu rầy tràn lan, người ta nấu rượu bằng tấm mẳn hoặc khoai mì, lượng rượu nấu ra pha rất nhiều cồn. Tôi nói với ba: nhiều thầy thuốc cảnh báo không nên uống rượu nhất là túy lúy cả ngày đêm. Ba trả lời tôi bằng sự im lặng như tôi chưa nói gì.
Mẹ tôi đi năm đồng bảy đổi, sàng sảy nhà máy này đến nhà máy khác, đến chiều mẹ cũng về. Bà ăn đúng hai chén cơm với cá bống kho. Im lặng rồi đi nằm, có hỏi cũng không trả lời. Tôi kho cá bống dừa theo ý thích của mẹ, những mong mẹ vui lòng. Trong đời mẹ dù giàu lên bà vẫn giữ nếp cũ, vẫn thích cá bống kho tiêu. Những con bống dừa ú mềm, chà thật sạch đến mất màu đen, để ráo nước ướp gia vị tí muối, đường, tiêu, nước màu dừa. Đúng nửa giờ sau chế nước mắm biển bắc lên kho. Con cá săn chắc hơi cong một tí, mùi nước mắm biển sắc lại thơm váng nhà, để thêm hành mỡ rồi nhắc xuống. Nước cá kho sệt sệt là được. Đó là cách của mẹ tôi. Bà thích vậy. Những lúc nhiều công nhân, phải nấu cơm và thay đổi món ăn hàng ngày, có thịt heo, thịt vịt. Riêng mẹ lúc nào cũng có một niêu cá kho như thế.
Đến bữa tôi ngồi ăn một mình với bát cao lương. Tôi không còn sợ bà Minh hay bất cứ người nào tương tự bà Minh. Nhiều lúc tôi ước có bà Minh bước vào tôi sẽ mời bà cùng ăn, dù biết rằng ăn chưa hết chén bà đã buông đũa khóc la lảm nhảm. Nhưng nghe nói bà Minh đã chết rồi, trước khi chiến tranh kết thúc. Thiên hạ kể rằng vào một đêm trăng sáng, đi qua cầu kinh Chẹt Sậy bà dừng lại bên cầu nhìn dòng nước ròng đang cuồn cuộn chảy xiết, bà gọi con thê thiết rồi nhảy ùm xuống sông. Người gác cầu không kịp cứu. Mấy ngày sau người đóng đáy ven sông thấy xác bà nổi phình trôi qua trôi lại.
Đến lúc này tôi mới thấm thía sâu sắc cái nghèo cái đói cận kề. Còn chuyện ốm đau là điều chưa nghĩ tới. Từ cái két sắt đến các tủ lớn nhỏ trong nhà đều rỗng không, chỉ còn mớ quần áo cũ và mùng mền. Tất cả chỉ có vậy. Mẹ không chôn vàng trong cái ô như thuở bé tôi gặp, mà của cải biến thành hai cái nhà máy và những thứ đựng trong két sắt.
*
*   *

Một buổi sáng ba tôi bảo:
- Mình còn một miếng vườn ở quê, hôm nào rảnh con về đó một lần xem sao.
- Dạ để con đi.
Tôi nói vậy để ba yên lòng chứ thật tình tôi cũng rất ngại. Mười lăm năm rồi chưa một lần về lại, đường đi như thế nào, chốn cũ còn ai? Tôi băn khoăn nhưng cố làm ra cứng cỏi. Tôi không có quyền tỏ ra yếu đuối hay buồn nản.
Tôi mua vé xe đò từ thị xã về ngã ba Hưng An. Người ta bảo khoảng 30km. Tôi hình dung ra từ ngã ba Hưng An đi vào làng hỏi thăm nơi nào là bót gần cầu Đình. Đó là mảnh vườn của tôi. Bót đã rút nhiều năm rồi.
Ngồi trên chiếc xe đò chở khách từ thị xã về quê, trên xe không một người quen biết. Tôi mặc cái áo sơ mi trắng và cái quần tây màu nâu sậm. Loại trang phục duy nhất tôi mặc ra đường ngoài áo dài đi học. Với học trò, vậy là bình dân. Tôi không thích áo sọc hay bông hoa sặc sỡ, nếu là áo màu thì chỉ một màu, không pha trộn. Đặc biệt tôi ghét áo bà ba. Cái áo mà mỗi lần gió bay người ta có thể thấy cả hông, cả bụng mình da màu gì. Có người còn xẻ eo cao cả tấc. Nhưng ai thích thì cứ mặc. Có sao đâu.
Chiếc xe đò xộc xệch, ì ạch mang trên mình số hành khách và hàng hoá quá tải. Nó như cố lê lết trên con đường lởm chởm đá, nhiều ổ voi, ổ trâu hai bên đường ngập đầy nước mưa và bùn nhão. Mỗi đợt xe chao lượn, dằn xóc để lại hố sâu hoáy và nước đỏ ngầu văng tạt tứ tung. Nhìn lại con đường phía sau, tôi ngạc nhiên không hiểu sao chiếc xe già cỗi, rệu rã tới nơi mà không bị lật đổ. Đến một ngã ba xe dừng lại, người lơ vỗ xèng xèng vào hông xe, quát lớn:
- Ai về Hưng An thì xuống lẹ đi.
Tôi mau mau nhảy phắt xuống. Ngó tới ngó lui chỉ có một mình. Tôi lầm lũi đi trên đường làng dài và hẹp, hai bên mọc đầy trâm bầu, dứa gai. Không một chút quen thuộc để tôi có thể gợi nhớ chút ngọt ngào thân ái cũ. Ngày đi tôi mới bảy tuổi, cả nhà chất lên một chiếc xe ngựa đi trong uất ức, đau buồn. Tiếng móng ngựa gõ vào đêm dài mờ mịt, vắng lặng mãi in đậm vào lòng tôi như một vết cứa những lần hoài niệm.
Cuối cùng tôi cũng tìm ra được cái nền bót tức khu vườn của ba mẹ. Cỏ dại mọc lan tràn trên những bờ thành, những hầm hào xung quanh. Người ta vận động phá dỡ hàng rào bót nên không còn bóng dáng trụ sắt và kẽm gai. Nghe nói công việc này cũng cướp đi hai mạng người vì lựu đạn, mìn còn sót lại. Một chị đi ngang qua trạc ba mươi tuổi nhìn tôi chằm chằm từ đầu đến chân rồi hỏi :
- Có phải em là Hoài con chú Bảy không?
Tôi gật đầu :
- Dạ phải. Sao chị biết em ?
Chị vỗ vai tôi đau điếng, mừng rơm rớm nước mắt :
- Lúc trước chị có đến nhà chú Bảy ở thị xã, đi bịnh viện về ghé, hồi nhà máy còn xay kìa. Lúc đó em còn nhỏ. Cũng mấy năm rồi mới gặp lại, chị hình dung ra em phải lớn cỡ này rồi. Biết sao chị nhận ra em không ? Thấy người tìm kiếm miếng đất chú Bảy, nhìn em chị biết ngay. Và... con mắt lé nữa.
Hai chị em cười ngặt nghẽo. Tôi đã quen với biệt danh Hoài Lé nên ai có đả động tới chuyện lé tôi cho đó là bình thường, không hề giận. Chị Hai Liễu đã có gia đình và được hai con. Chị là con gái bà Tư Canh nhà ở gần vườn tôi. Vợ chồng chị bám làng không tản cư. Chị rủ tôi về nhà chơi, thân tình như ruột thịt. Làng quê thay đổi đến kinh ngạc. Con đường ngày nào tôi đi học giờ cũng quá chừng xa lạ. Cây bên đường, cây trong vườn cao lớn làm cho những ngôi nhà như thấp bé lại. Những bạn học ngày xưa : con Luyện, con Quyền, con Năng đã có chồng con lủ khủ, có đứa lập nghiệp xa quê, có đứa chết trong bom đạn. Hoà bình được hai năm nhưng vết thương chiến tranh chưa hoàn toàn lành lặn. Anh Bùi, chồng chị Liễu bị dị tật bẩm sinh, một chân bị teo cơ nên thuộc thành phần không thể tham gia chiến tranh cả hai bên. Anh chị cật lực làm lụng chỉ đủ ăn chứ không dư giả. Chị Hai Liễu bảo :
- Bây giờ em ở nhà anh chị chơi nghỉ một đêm, muốn về trên ấy thì mai mới có xe chứ giờ còn xe cộ gì.
Anh Bùi cũng tỏ ra rất hiếu khách :
- Mẹ mày nói phải. Cô Hoài lâu về, ở lại với anh chị một bữa. Mẹ mày làm con gà nấu cháo đi.
Tôi chưa biết tính sao thì trời đổ mưa. Mưa dai dẵng nhếch nhác thật buồn. Tôi lo vắng nhà không ai chăm sóc ba mẹ. Sợ mẹ đi lang thang về nhà, ba nấu cơm không nhắc nhở bà cũng không thèm ăn. Chiều phải lo sẵn quần áo, nhắc đôi ba lần bà mới tắm.
Chị Hai Liễu hỏi:
- Em hay gì chưa? Nhà nước có kế hoạch đào kinh xẻ ngang cánh đồng xã mình dẫn nước ngọt cho cơi ruộng gò xã Hưng Phú. Kế hoạch này nghe nói quy mô lắm, có kỹ sư đi du học Liên Xô về nghiên cứu vẽ sơ đồ.
Anh Bùi nói:
- Lực lượng đào kinh nghe bàn hùng hậu lắm nghen. Mấy ngàn thanh niên các xã, các trường học gom về. Mỗi người lãnh bao nhiêu mét khối phải hoàn thành có nghiệm thu hẳn hoi. Người ta sẽ làm cái trạm bơm trên đất nhà cô Hoài đó. Hôm nọ đi họp tôi nghe bàn rồi.
Tôi lạnh lùng:
- Cái trạm bơm chiếm hết phần đất nhà em hả anh Hai?
- Ờ, mà hình như có leo qua đất ông Hai Niểng một vạt. Trạm bơm lớn lắm à cô. Hôm nọ tôi thấy mấy ông trên Thủy lợi về đặt giàn khoan thử đất. Có tới năm chỗ. Họ xác định chỗ ấy có chân đất sét cứng lắm. Làm trạm bơm tốt.
- Chị Hai Liễu tiếp:
- Tốn nhiều công cán nên phải lực lượng toàn dân mới làm xuể. Nghe chị Năm Nhàn nói làm vậy dẫn nước vào đồng sẽ làm ruộng được ba vụ.
Tôi sốt ruột:
- Chị Năm Nhàn nào kìa?
- Chị Năm Nhàn con của bác Hai Khéo xóm mình đó em. Hồi trước chỉ công tác thành, đảng viên đó. Sau hoà bình được điều về làm chủ tịch xã nhà.
Tôi thầm nghĩ: À, té ra lâu nay chị ở nhà mình là để nhận đi công tác thành trong vai trò người nấu cơm. Hèn gì những ngày gần tiếp quản tôi thấy chị hay đi đây đi kia. Sau này nghỉ làm rồi không thấy trở lại lần nào.
- Em còn nhớ chị Năm Nhàn không? Chắc chị ấy cỡ tuổi chị hay hơn chút đỉnh.
Tôi đáp:
- Dạ em có biết lúc chị Năm đến nhà em ở thị xã.
Chị Hai vui vẻ:
- Vậy cơm nước xong chị em mình đến đó chơi. Cũng gần đây thôi.
- Trời mưa lại đêm hôm mình đến có phiền người ta không chị?
- Có gì đâu, ở quê mà em. Chị Năm cũng vui tính lắm.
*
*    *
Nhà chị Năm Nhàn cách nhà chị Hai nửa giờ lội đường trơn. Nếu đường khô ráo thì có thể đi nhanh hơn nhưng bao xa thì tôi không hình dung được vì trời tối lắm. Một tay cầm bó đuốc lá dừa, một tay nắm chặt tay chị Liễu, chân bấm từng bước trên đường. Sơ sẩy ngã nhào như chơi.
Gặp tôi chị Nhàn cười rất tươi, vẫn cái cười như dạo nào, cặp môi cắn chỉ mỏng dính dãn ra phơi bày hai hàm răng trắng bóng khin khít. Chị không mập hay ốm hơn, vẫn áo bà ba sờn cũ nhưng ủi phẳng phiu. Tóc bới gọn sau ót có cài cây trâm bằng nhựa. Dưới bóng đèn dầu lù mù, cái cười của chị kiểu gì cũng làm tôi ấm áp. Chị rót nước đậu xanh rang trong bình mời chúng tôi uống, nhìn tôi chị nói:
- Chị định có dịp đi hội nghị trên tỉnh ghé qua thăm chú thím Bảy. Cũng mấy năm trời chị em mình sống với nhau hả em. Chị tiếc một điều không có cơ hội để giáo dục lôi kéo em vào tầng lớp thanh niên tiến bộ. Biết vậy nhưng đành thiếu sót. Với lại giai cấp tư sản khó vô cùng em à, lơ mơ lộ bí mật chị khó bề hoạt động. – Chị nhìn chăm chú vào tôi một lúc rồi lắc đầu nhè nhẹ:
- Bây giờ em còn ăn mặc theo lối lạc hậu vậy sao? Phải biến mình thành giai cấp lao động em à.
Tội nghiệp tôi. Dù thâm tâm tôi ghét cay ghét đắng cái áo bà ba xẻ nhiều chỗ kia, nhưng nếu thời gian này có nó tôi sẽ mặc đi đây đi kia cho giống mọi người. Tôi chỉ còn lèo tèo mấy bộ quần áo may từ năm xửa năm xưa. “Mang lì chiếc áo từ nhiều độ thu tàn chứ không phải một thu”. Tôi giống mẹ tôi ở quan điểm: áo quần chưa rách thì chưa vứt đi. Cho nên chuyến về quê lần này tôi mặc áo sơ mi ngắn tay, cái quần tây ống 40 và đôi guốc sơn mài của học sinh là điều hết sức chướng mắt mọi người. Nhưng thật ra mấy năm qua vải vóc đắt đỏ, mua theo sổ hộ khẩu, đầu người chỉ vài tấc trong một năm làm sao may đủ bộ đồ. Tôi chưa sắm cho mình bộ nào mới. Nghe chị Nhàn nói, tôi cũng cố nhũn nhặn nói:
- Thú thật em chỉ mặc đồ cũ thôi chị à!
- Ở đây ai mặc quần như em là du kích đón đường rọc ống quần rồi cho kim tây gài lại. Về nhà mà điều chỉnh sao cho gọn đỡ chướng mắt thiên hạ.
Tôi nhăn nhó, đau khổ thực sự:
- Chị ơi, em xin chị, nếu có ai rọc ống quần, chị xin dùm em. Gia tài có mấy bộ đồ, rọc đi thì vải đâu mà may. Đàn bà con gái thiếu quần thì khổ lắm!
Chị Nhàn cười cười nói như mắng yêu:
- Về mà sửa lại gọn gọn một chút. Ống quần gì đựng được con heo con. Lạc hậu quá đi.
Tôi sợ hãi im lặng lòng nơm nớp lo âu. Phải học cái mới để từ từ xóa dần cái tàn dư lạc hậu. Còn cái mới sẽ tiến tới đâu thì tôi chưa biết. Nghe được chút nào hay chút ấy. Giờ còn ai thật tình với mình nữa. Người ta tránh tôi như ma, trường hợp anh Tấn chẳng hạn. Được nghe lời mắng yêu của chị Nhàn, ban phát giảng giải về văn minh “ống quần” sau hơn hai năm trời không gặp, tôi thấy cảm động lắm.
Im lặng lúc lâu chị hỏi tôi:
- Chú thím Bảy vẫn khoẻ hả em?
- Mẹ em giờ không nhận ra ai, cứ đi lang thang đến tối mới về. Có lúc gặp em mẹ còn hỏi: Cô kiếm ai trong nhà này? Tức quá em khóc. Mẹ gắt gỏng bảo: Kiếm ai thì nói đại đi, khóc lóc làm chi, con Hoài nó thấy là nó đuổi ra đó. Còn ba em thì tỉnh táo hơn nhưng lại say mèm suốt ngày đêm.
Chị tặc lưỡi thở dài ra điều tội nghiệp:
- Nhân nào quả nấy em à. Bóc lột giá trị thặng dư của con người thì phải trả lại công bằng.
Chị Nhàn còn nói nhiều, nhiều lắm nhưng tôi không quán triệt nổi. Tôi ngạc nhiên về khả năng nói trơn tru những điều mà không bao giờ tôi nghĩ có thể phát ra từ một chị nấu bếp nhu mì, rành mạch từng đồng bạc lẻ, bao giờ cũng đảm đang chu tất công việc chợ búa lo bữa ăn cho mấy chục công nhân. Tôi sực tỉnh khi bàn tay chị Hai Liễu đập nhẹ vào vai:
- Hôm kiểm kê tài sản em ở đâu?
- Dạ em đang đi học bên trường. Chừng về thì mọi sự đã rồi. Với lại từ nào tới giờ em chỉ lo học còn chuyện tài sản hay làm ăn đã có ba mẹ, em không quan tâm tới.
Về nhà chị Hai Liễu giăng mùng cho tôi ngủ ở bộ ván phía trước, còn anh chị ngủ trong buồng với hai đứa con nhỏ. Đêm làng quê yên tĩnh, vĩnh viễn không còn nghe tiếng súng đạn bất thần đe dọa nữa. Mười lăm năm trở lại quê xưa, hít thở không khí thôn dã nhưng sao tôi không ngủ được. Tôi đã tự hứa với mình: không được yếu đuối, không ngã quỵ. Mình phải là chỗ dựa cho ba mẹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu có thể tếu được cũng nên tếu cho vui.
Tiếng hàng trăm loài côn trùng kêu đêm và tiếng gió lùa qua vườn cây, qua vách lá gợi trong tôi nỗi buồn dằng dặc, buồn như có ở kiếp trước dài ra. Những ngày còn nhỏ, đêm mưa gió mẹ hay đến mùng kéo mền đắp cho từng đứa con. Bây giờ biết bao giờ mẹ tỉnh lại để biết rằng trên đời này mẹ còn có con. Chỉ cần thế thôi. Với tôi đã quá đủ. Còn thì tất cả là phù du.
Sáng sớm thức dậy, tôi chào cả nhà để ra bến xe về thị xã. Chị Hai cho tôi một trái sa kê và một trái mít tố nữ – quà của quê hương. Tôi xách giỏ trái cây đi ngang qua mảnh vườn xưa, không bao giờ còn tìm ra vết cũ. Tôi nhớ mười lăm năm trước tôi đi trong cơn buồn nôn thốc tháo vì mùi thối của lá xanh gài dưới mương ao, mùi của cá chết ươn sình. Cả nhà đi trong đêm mờ mịt. Bây giờ một mình tôi đi trên đường quê. Trời trong. Mây xanh. Thoảng theo bước chân tôi có mùi trái chín nhưng lòng sao cay đắng.

*
*      *

Ba tôi ngồi ở bậc thềm. Ông im lặng nhìn tôi cái nhìn dò hỏi. Lâu rồi ông có cái nhìn như vậy thay lời nói. Tôi ngồi xuống cạnh ba. Tôi chờ ba nói, nói gì cũng được. Tôi biết ba ngồi đây chờ tôi lâu lắm. Rồi tôi nói cho ba nghe, dẫu thế nào cũng phải nói. Nói sao nhỉ? Rằng bây giờ mình không còn đường để về chốn cũ nữa rồi. Trọng lượng của sự thật nó ném lên đời ba một cách quá sức chịu đựng của ông không.
- Ba ơi, chỗ đất nhà giờ người ta định làm trạm bơm, đem nước ngọt dẫn về cơi đồng gò nổng của xã nhà và nhiều xã lân cận.
Ba nhướng cặp mắt mệt mỏi và ngầu đỏ vì rượu, nhưng rồi ông chỉ gật đầu nhìn xuống. Tôi nói thêm:
- Ba à, con nghe người ta nói ai có phần đất nằm trong công trình thuỷ lợi sẽ được nhận phần đền bù hoa lợi, nhân công.
Ba lặng thinh không nói gì như là tôi đang nói với ai chứ không phải nói cho ông nghe. Tôi nhói lòng khi thấy ba sao mau già đến vậy. Chỉ mấy năm mà ba gầy rộc đi. Nhiều nếp nhăn như những đợt sóng in trên trán, trên khoé mắt, ở cằm… và mái tóc bạc gần hết. Ba thành một ông già thật sự rồi. Tôi nắm tay ông:
-Vô nhà đi ba. Chị Hai Liễu gởi cho ba trái cây nè.
Từng bước chậm chạp ông đi theo tôi như những ngày còn thơ bé, ba ra vườn hái một bó gương sen cầm đi trước, ba chị em tôi lẽo đẽo đi sau. Chúng tôi đi sau ông với niềm vui được ông xẻ chia phần gương sen. Ông sẽ tách hạt cho Phụng, Hoàng. Còn bây giờ ba theo tôi như một cái bóng lặng lẽ, không chờ mong gì, không hy vọng gì.

*
*      *
Tôi dọn dẹp căn gác đầy bụi bặm. Chỗ của Phụng và Hoàng ở phía trông ra đường, phòng tôi hướng mặt ra sông. Căn gác bốn bề có hành lang rộng thoáng. Tình cờ tôi gặp mấy cuộn len nằm trong hộc tủ. Số len này tôi mua đã lâu, hồi còn học đan len ở phổ thông. Dạy môn nữ công gia chánh là một ông thầy rất trẻ và hiền như một ni cô. Tôi đan những cái khăn, những áo len một phần vì thích thích thầy hơn là thích ngồi tỉ mẩn với hai que đan. Nhưng giờ học nữ công cũng qua đi, cuộc sống có nhiều thú vị mới với những bận rộn mới, số len mua về và mấy cây que đan yên phận nằm trong hộc tủ. Giờ tôi định đan cho ba mẹ mỗi người một áo. Mùa lạnh sắp đến rồi, len để mãi làm chi.
Tôi có hai bàn tay thon gầy với chín cái vân hoa tay. Nghe nói bàn tay như vậy có thể làm những việc khéo léo nhưng kiểm lại tôi chưa làm gì nên thân. Bảo nấu nột bữa ăn cho mười người, tôi lúng túng ngay. Đặc biệt tôi không thích nấu cho người khác ăn. Chiều chuộng cho khẩu vị từng người, chán lắm. Làm người quan sát vũ trụ – làm nhà thiên văn thú vị thật nhưng cuộc đời đã kéo tôi xuống sát mặt đất rồi, không cho phép mình viễn vông quan sát vũ trụ đâu.
Không ai nói tôi đẹp. Dáng cao ốm nhách, không yểu điệu, bạn tôi bảo thân thể mày giống con thằn lằn, không mập nhưng không có eo. Tụi nó còn bảo đó là vóc của con người khô khan, lãnh cảm. Bù lại tôi có khuôn mặt dễ coi. Mặt chữ điền, sống mũi thẳng, môi hồng, răng trắng, không lòi xỉ một cái nào. Nhưng trên gương mặt gọi là một chút dễ coi ấy, trời cũng chơi khăm mình là cấy vào hai con mắt lé – lé đến mức gọi là lé xẹ. Có người khuyên tôi khi ra đường nên mang kính râm nhạt màu để che bớt hai con mắt. Tội gì phải che mắt mình lại nhỉ, đôi khi nó lại là lợi thế. Khi nói chuyện với con trai cùng lớp, ít đứa nào dám nhìn thẳng tôi. Tôi thấy rõ vậy. Tôi có thể nhìn vào một điểm đến hai mươi lăm phút mà không chớp mắt. Thằng bạn cùng lớp thường trêu tôi mắt lé. Tôi nói với nó:
- Nhà ngươi có thể nhìn vào một điểm mà không chớp mắt không?
- Ai cũng làm được chỉ có điều là lâu hay mau.
- Vậy con mắt nhà ngươi nhìn bao lâu mới chớp?
- …
- Thách nghen. Giờ ta với ngươi thi. Ai nháy mắt trước sẽ thua. Nếu ta thua sẽ đãi ngươi một chầu kem. Còn ngươi thua thì từ nay không được gọi ta là Hoài lé nữa nghe chưa?
Thằng con trai đồng ý. Năm sáu đứa bạn làm trọng tài. Đến phút thứ mười thì con mắt nó đo đỏ rơm rớm nước và chớp một cái. Tụi bạn vỗ tay. Một đứa nói:
- Yên đi, để xem chừng nào Hoài chớp mắt.
Đến phút thứ hai mươi sáu thì tôi nháy mắt. Lũ bạn vừa phục vừa đế thêm:
- Người lé mắt có khác!
Tôi cãi:
- Không phải vậy đâu. Các bạn cứ luyện tập hàng ngày sẽ được thôi.
Tôi thắng rồi nhưng lũ quỉ không xóa biệt danh cho tôi. Nó không giữ lời và ai cũng gọi tôi như thế.
Những giờ thuyết trình tác phẩm văn học ở lớp, tổ cử tôi làm thuyết trình viên. Bao giờ tôi cũng có điểm cao. Lũ bạn bảo tại con mắt lé của mày nhìn đã đủ áp đảo thiên hạ. Lại một cách khôi hài mỉa mai. Nếu không chuẩn bị công phu, không dự trù trước những câu người ta sẽ hỏi hoặc ứng xử tình huống thì chắc gì đã có kết quả như mong muốn. Nhưng thôi, giận làm gì. Học trò xưa nay tương đương với ma quỉ kia mà.
Trở lại chín cái hoa vân tay của tôi. Bây giờ tôi mới nhìn ngắm kỹ, nhiều năm trôi đi nó không mất một cái nào. Tôi đã đan áo cho ba mẹ xong. Nhìn ngắm tự cho là đạt yêu cầu. Len hãy còn nhiều trong hộc tủ. Vì thích thích cái ông thầy hiền như sư cô mà ngày xưa tôi mua len nhiều như vậy. Đủ cả màu. Giờ không biết thầy ở đâu, đã biến thành một phụ nữ chưa hay làm thiền sư ở chùa nào đó...
Để tưởng nhớ thầy, tôi ngồi tạo hình, tạo mẫu và đan bằng hết số len có được. Thành phẩm là những cái áo, cái khăn, túi xách tay, giỏ đựng tập sách cho học trò… lủ khủ cả. Tôi mang mọi thứ ra tiệm nhờ người bán lẻ như bán đi một khoảng đời có những ý nghĩ ngu ngơ, bá láp. Lần sau gặp lại người bán hàng vui vẻ bảo tôi: Các món đồ len ký gởi người ta đã mua hết. Tôi tính huê hồng và họ đặt tôi đan những mặt hàng mới. Quả bất ngờ. Tôi cầm tất cả số tiền ấy đi mua len mới. Mua len để đan theo đặt hàng của khách, để kiếm sống chứ không vì thích ông thầy dạy nữ công hồi xưa.
Cứ thế tôi phải đan ngày đêm mới kịp giao hàng.
Chị Hai Liễu nhắn tôi về quê có việc cần. Chỉ nghe nhắn lại nên không hỏi được là chuyện chi. Bây giờ  bỏ ra một ngày để đi về, tôi thấy tiếc rẻ. Thời gian đó cũng đan được một số đồ đáng kể. Vả lại tôi vắng nhà ba mẹ tôi sẽ ăn uống thất thường lắm. Những ngày này nhà nhà ăn độn bằng chuối xanh, bằng khoai lang, cao lương, bo bo thay cơm. Có nhà ăn toàn cháo trộn rau bằm – điều chưa bao giờ có ở xã hội miền Nam trù phú. Tôi cố gắng kiếm tiền để ít nhất nấu toàn gạo trắng vì ba mẹ ăn đâu được nhiều mà phải độn thì tôi không đành lòng.
Đường về quê cũ khoảng hơn 30km nhưng vì xe đò khan hiếm nên khó lòng đi và về trong ngày. Tôi quyết định lấy chiếc xe đạp ngày còn đi học đạp tà tà về quê. Sáng sớm bắt đầu đi. Đạp thật nhanh khoảng hơn hai giờ tôi cũng đến nơi. Gặp chị Hai Liễu tôi vừa thở, vừa quạt hỏi:
- Chị nhắn em về có chuyện chi?
Chị nói:
- Nghe nói mấy nhà có đất nằm trong công trình thủy lợi được nhà nước đền bù hoa lợi, nhân công. Em hỏi xem trường hợp đất nhà có được phần nào không, may ra cũng đỡ khổ.
Chị Hai nói vậy tôi nghe nửa mừng, nửa tin dù trước đây tôi không hề nghĩ về chuyện đó.
Nhóm công nhân khoan đất ở trong dãy lều dựng tạm trên khu đất trống. Họ gồm một kỹ sư du học ở Liên Xô về làm trưởng đoàn và một tốp công nhân khoảng mười người có nam có nữ. Chị Hai Liễu dẫn tôi đến giới thiệu với anh kỹ sư trưởng đoàn tên là Đại. Anh vui vẻ bắt tay tôi. Mọi người ngồi chung quanh tấm bạt trải trên đất. Một anh trong đoàn rót trà ra ly. Loại trà nát nhừ như cám, rót ra ly phải chờ một lúc sau lắng xuống mới uống được. Anh Đại tỏ ra rất hoạt bát, hai con mắt ngời sáng vừa mang nét trữ tình vừa tinh quái. Trong lòng tôi thầm nể và trọng. Được đi du học và làm kỹ sư chắc là tài ba lắm đây.
Tôi thăm dò:
- Các anh khoan thử đất đã xong chưa?
Một chút lịch sự, một chút hào hoa trong cái nghiêng đầu hất mái tóc bồng bềnh sang bên, anh nói:
- Cơ bản là xong. Chân đất tốt. Có thể làm trạm bơm.
Anh hỏi tôi về ranh và diện tích đất nhà tới đâu. Tôi  chỉ chỗ mấy cọc sắt kẽm gai vòng rào. Anh lắc đầu tặc lưỡi. Tôi chờ anh nói cái điều tôi muốn biết về trạm bơm. Nhưng anh không nói nữa. Một chút rề rà trong động tác rót nước. Sau đó anh hỏi về gia đình, về việc học của tôi. Tôi thật thà có sao nói vậy. Sau cùng anh bảo:
- Về việc định vị cái trạm bơm cũng chưa có kết luận sau cùng, nhưng chắc chắn là có làm. Còn một số vấn đề sẽ bàn lại với vài người có trách nhiệm, trong đó gia đình cũng có một phần…À mà muốn đến nhà Hoài tìm ở đâu nhỉ?
- Anh đi qua cây cầu cao nhất gần thị xã hỏi nhà máy xay lúa của ông Bảy Sinh ở đâu, ai cũng biết. Nhà tôi đó.
Anh gật gù:
- Cũng dễ tìm Hoài nhỉ? Hàng tuần về Ty họp báo tôi đều có đi ngang qua đó. Tôi sẽ đến nhà Hoài trong tuần tới sẽ cho gia đình rõ cụ thể hơn. Bây giờ Hoài có thể về nhà.
Nhìn con ngựa sắt của tôi anh tặc lưỡi:
- Vất vả quá nhỉ? Tụi tôi về Ty cũng có lúc đi xe đạp nhưng đàn ông con trai, sức dài vai rộng, còn phụ nữ chân yếu tay mềm. Thôi thế nhé, Hoài nhé.
Tôi dẫn xe ra đường chưa leo lên thì suýt ngất đi vì một vật bay vèo từ cành ô môi trên cao bám vào ghi đông xe. Một con rắn lục cườm to bằng ngón chân cái, toàn thân dài ngoẵng khoanh tròn thành một cục. Thất thần tôi buông xe ngã rầm chạy thoát thân. Anh Đại đứng gần ngạc nhiên hỏi:
- Gì thế?
- Ối trời, con rắn nó bay bám vào xe kia kìa. Vừa thở vừa nói, chắc trông tôi tức cười lắm. Chị Hai Liễu đi được mấy bước cũng ngoái nhìn lại. Con rắn nghe tiếng xe ngã, nhanh chóng bung những vòng tròn cuộn ra, bò khỏi chiếc xe để lao vào bụi rậm khác bằng kiểu bò hình sin. Trong đời tôi một trong những điều làm tôi khiếp đảm nhất là con rắn. Tôi sợ rắn lắm. Nỗi sợ không giải thích được. Nó ám ảnh tôi cả lúc ngủ. Sợ và thù. (Rắn nguy hiểm đã đành dù có nhiều con còn nguy hiểm hơn). Ba tôi gặp rắn là ông đập chết cho bằng được và ông không sợ. Còn tôi khi ba đập rắn xong tôi sẽ lấy cây trúc dài máng con rắn vô đầu cây, chất lá dừa đốt thành than. Cái kỷ niệm về con rắn mà tôi nhớ đời là hồi nhỏ thằng Hoàng tính liếng khỉ nó tìm đâu ra con rắn bằng ngón tay út đã chết queo rồi. Nó lén bỏ vô túi áo của tôi, đến khi sờ tay vào túi gặp rắn, tôi khóc thét lên xé toạt cả vạt áo. Từ đó về sau tôi không bao giờ mặc áo có túi nữa.
Tôi ngồi thở một lúc cho khỏe lại. Anh Đại tỉnh bơ đến dựng chiếc xe đạp lên rồi cười tươi:
- Nó đi mất rồi. Đừng sợ nữa.
Tôi lên xe đi thẳng một mạch không quay lại. Lòng tự hỏi sao một thanh niên như anh Đại lại dửng dưng trước con rắn đang ung dung bò đi. Anh có phải thiền sư đâu. Phải chi có ba…
Đạp xe về đến nhà tôi bủn rủn cả tay chân. Mệt như chưa bao giờ mệt đến vậy. Mồ hôi ướt đầm lưng áo. Tôi nằm sãi tay. Ba hỏi:
- Con vừa đi đâu về vậy?
- Dạ con vô Phú Tự định mua một con heo về nuôi.
- Có mua được không?
- Dạ heo hổng tốt. Thôi ba à.
Ba làm thinh quay đi. Tôi đã biết cách nói dối lương thiện để trấn an ba mẹ trước những chuyện có thể gây chấn động cho hai người. Tôi cầu trời mai sau tôi đừng có kỹ năng nói dối mọi người vì lợi lộc.
Mẹ tôi hôm nay không đi lang thang nữa. Bà ở nhà lục lọi mớ áo quần cũ và mùng mền ra xếp đi xếp lại không biết chán. Tôi vội vàng xuống bếp làm cơm. Bữa ăn gia đình thường là món kho, món canh. Nếu có rau luộc thì khỏi canh. Bây giờ ba mẹ tôi ăn rất ít. Chị Nhàn bảo ba mẹ tôi thuộc thành phần ngồi mát ăn bát vàng nhưng hồi nào tới giờ tôi biết ba mẹ làm hùng hục đến tối tăm mặt mũi, chỉ thích ăn cơm trắng cá kho, thịt thà ít đụng tới huống hồ gì ăn vàng.
Lâu lắm tôi mới thấy ba mẹ ăn cơm cùng nhau. Đang ăn ba bị nghẹn. Tôi rót nước cho ba nhưng ông lắc đầu buông đũa. Mẹ ăn đúng hai chén rồi đi mở gói quần áo xếp đi xếp lại. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy bộ quần áo cũ. Tôi chưa bao giờ thấy ba mẹ mặc bộ đồ sang trọng ra dáng ông bà chủ.
Ngày còn đi học tôi mặc áo dài trắng bằng katê hay tơ sống hoặc soir Pháp. Áo dài học sinh thường sờn mòn chỗ hai cùi chỏ. Mẹ tôi ngắm nghía rồi bà tháo rời hai tay áo ra, đổi bên, thành ra chỗ cùi chỏ sờn mòn nằm bên trên của hai tay. Mặc được một thời gian nữa đến khi tay áo sờn mòn, vải ngả màu hơi vàng bà mới may cho tôi áo mới. Mấy đứa bạn tôi thấy vậy thích lắm và bắt chước. Tụi nó hỏi ai làm cho mày vậy. Tôi nói: mẹ tao. Chúng nó cười:
- Mẹ mày giàu mà có kiểu tính rất keo kiệt, nhưng nghĩ ra cách này cũng hay. Giúp tụi tao tiết kiệm, đỡ quá!
Tôi rất giận và đẩy luôn:
- Tụi bây hổng biết chứ hồi ở quê, người ta nói mẹ tao rán miểng sành ra mỡ đó. Tụi bây có đứa nào rán được không?
Dọn dẹp xong tôi hỏi ba đỡ chưa, giờ con dọn cơm ba ăn nghen. Ba tôi xua tay tỏ ý không ăn. Một lúc sau tôi nghe tiếng chai ly va nhau khe khẽ. Ba lại uống rượu. Tôi buồn. Không thích ba cứ mãi say mèm nhưng không dám nói gì. Có lẽ rượu làm ông dễ chịu để đi qua những ngày tháng bi đát nhất trong cuộc đời.
*
*    *
Đêm. Tôi đóng hết các cửa lại và ngồi đan áo. Tập trung cái nhìn vào một điểm có hai que đan với những nốt này đến nốt kia và đầu óc có quyền lơ mơ nghĩ vơ vẩn. Nghĩ hết người này đến người kia, nhớ những chuyện đã xa lơ xa lắc. Không có gì chán bằng làm mãi một công việc đơn điệu, nhưng tôi nhủ lòng có việc làm vẫn hơn không. Giờ tôi còn biết làm gì để nuôi sống gia đình. Làm gì để có tiền. Nghĩ đến tiền sẽ kiếm được, tôi như tiếp thêm sức mạnh để làm việc. Ngồi lâu ê ẩm cả người, lại đi tới đi lui làm vài động tác cho bớt mỏi. Buổi sáng tôi đem len ra hiên ngồi đan, vừa đủ ánh sáng vừa thoáng. Tiếng người đàn ông cất lên từ ngoài cổng làm tôi giật mình:
- Nhà cô Hoài đây hả? Cũng dễ tìm nhỉ?
À ra anh Đại. Tính từ ngày ấy đến nay đã một tuần rồi. Anh cũng giữ lời hứa đó chứ.
Tôi mời anh ngồi. Để mảnh len đan dở sang bên. Tôi chờ nghe anh nói về trạm bơm. Nhưng anh cười cười không nói gì. Lúc sau anh bảo:
- Hoài có đôi bàn tay đẹp nhỉ?
Tôi đâm bực. Chẳng lẽ tôi chờ anh đến đây để nghe nói một câu bá vơ vậy sao? Tôi trả lời một cách đầy thách thức:
- Đương nhiên rồi. Ai cũng bảo vậy!
Anh chuyển sang chuyện khác:
- Hoài không đi học nữa sao? Định ở nhà đan len vậy à?
Anh đã chạm vào nỗi đau của tôi. Thành phần gia đình tôi anh biết rồi mà còn giả vờ. Tôi nghe nỗi hận dâng lên trong lòng nhưng tôi cố nhỏ nhẹ – cái nhỏ nhẹ tôi thừa hưởng được từ đức tính dịu dàng của mẹ. Còn cái nết hay nổi điên không biết tôi thừa hưởng được từ ai chứ ba mẹ không có điều đó.
- Tôi mà tiếp tục học nữa thì ai nuôi cha mẹ già, phải đan thắt để kiếm sống chứ. Tôi giờ đâu có cơ hội bòn rút gì của ai hay đi ăn cướp…
Anh thở dài tỏ ra thông cảm và không chấp lời tôi. Hồi lâu mới nói:
- Hoài à, về cái việc trạm bơm ấy mà, chắc chắn sẽ phải tiến hành thôi. Khu vực định vị sẽ do bọn anh quyết định. Có thể xê dịch qua lại chút ít, có nghĩa là né đi một chút để đất nhà ta còn được một phần và lấn sang đất nhà bên cạnh. Nếu Hoài muốn…
Dù thế nào tôi cũng muốn về lại đất cũ, đưa ba mẹ về trồng tỉa như những ngày xưa, vài công đất cũng được. Sao anh ta lại ỡm ờ cái câu: Nếu Hoài muốn…
Anh ta lại tặc lưỡi:
- Khó vô cùng Hoài ạ. Cái chuyện đền bù nhân công hoa lợi ấy mà. Tôi nghe địa phương nói ai có đất ruộng hay vườn cây mà công trình thủy lợi đi qua sẽ được đền bù thỏa đáng. Còn gia đình Hoài đã bỏ đi từ lâu, đâu có nhân công hoa lợi gì trên đó mà đền bù. Đất là đất của nhà nước, nhà nước trưng dụng chứ đâu có lý gì bỏ tiền ra mua. Chỉ còn cách dịch vị trí trạm bơm sang bên kia một chút để nhà ta còn phần đất... Vì Hoài, tôi sẽ ra sức làm chuyện đó. Hoài tin tôi đi.
Tôi nhìn thẳng vào cái miệng với hàm răng khin khít vừa phát ra thông tin ấy. Tự nhiên tôi thấy con rắn lục bò ra từ đó và uốn éo vòng quanh đôi môi. Bất ngờ anh nắm lấy hai bàn tay tôi. Bàn tay người kỹ sư thủy lợi mềm nhũn và nhơm nhớp mồ hôi. Bàn tay ấy trượt lên cườm tay và lần dò lên cánh tay. Tôi hiểu ngôn ngữ bàn tay lạnh như ma ấy. Anh thì thầm:
- Hoài nhé, tin tôi nhé. Bàn tay Hoài đẹp quá!
Con rắn lục từ đôi môi ấy định bò sang tay tôi. Khiếp quá, tôi rút tay về cầm lấy hai que đan, một tay cầm cái kéo mũi nhọn. Tôi căm giận nhìn người đối diện.
- Các anh muốn làm gì thì làm đừng bàn với tôi nữa. Tôi không cần. Tôi tởm anh.
Cái miệng trữ tình phát ra những lời ấm áp trước kia giờ được thay bằng cái cười gằn nham hiểm. Anh nhìn sững tôi một lúc rồi nói:
- Và Hoài có đôi mắt đẹp nữa chứ ạ! Đệ nhất anh hùng!
Chờ thằng cha đi khuất thật xa, tôi ngồi khóc một mình. Khóc vì tủi thân quá. Cô đơn quá. Còn biết san sẻ với ai. Và tôi cũng học được từ cuộc đời là nếu phải khóc thì chỉ nên khóc một mình.