Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

MƯA ĐẮNG


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


Quê nhà ngày... tháng... năm...
Ngày xưa mình đã từng nói với mẹ: “Người mẹ tốt là người không cản trở bước tiến của con cái”. Mình nói điều ấy như một phát hiện mới và rất vô tư. Ôi cái vô tư ngàn lần đáng trừng phạt. Nhưng đã muộn. Sau đó mình nhận ra nét buồn trên mặt mẹ và mẹ nói rằng: Không ai muốn cản trở bước đường thăng tiến của con mình cả, chẳng qua vì hoàn cảnh ngặt nghèo. Mẹ biết có người đàn bà bị bán thân bất toại, nằm một chỗ gần sáu năm mới chết, đứa con phải túc trực nuôi nấng. Ôi, bao nhiêu đó thời gian chụm vào một con người dở sống, dở chết. Mẹ thấy họ khổ quá. Mẹ cũng cầu trời phật đừng bao giờ phải lâm vào cảnh tương tự.
Nhiều lúc nghĩ lại mình thấy hối, lẽ ra không nên nói với mẹ như vậy, nhưng đã lỡ. Rồi tiếp theo đó là những ngày tháng sống xa mẹ, mình đi nhiều nơi như đã từng nói: Con có thể sống bất cứ ở đâu trừ làng muối.
Mình chọn công việc xa nhà, mẹ không cản mà còn vui vẻ bảo: Tốt thôi, miễn phù hợp với con.
Người ta kể lại rằng: Mẹ chết rất êm. Hôm ấy mọi người trong xóm đến nhà xem ti vi với mẹ. Xem xong vở kịch, người ta đứng dậy ra về mới hay mẹ chết từ lúc nào. Chết trong tư thế ngồi dựa lưng vào ghế. Họ hàng, làng xóm xúm vào làm đám ma cho mẹ. Không ai biết mình ở đâu mà tìm. Thì ra, chính vào ngày ấy mình đi theo đoàn nghiên cứu đàn sếu ở Đồng Tháp Mười. Đàn sếu ấy bị lang bạt nhiều nơi trên địa cầu và có nguy cơ tuyệt chủng nên được đông đảo các nhà  khoa học và các ngành khác nghiên cứu tìm ra một vùng trời yên bình thích nghi cho sự sinh sôi của loài sếu.
Nhân dịp mình về quê chứng lý lịch để xin gia nhập vào một đoàn thể thì biết rằng mẹ đã chết nửa tháng rồi. Người ta bảo giữa những người ruột thịt sẽ có mối thần giao cách cảm nhưng sao mình chẳng cảm thấy gì về cái chết của mẹ. Cũng lạ. Hay lúc ấy tất cả tâm trí mình đã dồn vào đàn sếu đáng thương. Người làng bảo mẹ mình có phước vì chết rất êm, không bị hành hạ về thân xác. Người thì bảo chết mà không tốn một viên thuốc, không được người thân săn sóc là vô phước. Riêng mình thì nghĩ cái vô phước lớn nhất của mẹ là có đứa con gái như mình.
Muộn rồi! Dù sao cũng quá muộn rồi, mẹ đã ra đi, chấm hết một đời gian lao cơ cực nuôi bản thân mình và nuôi con.
Quê nhà, ngày... tháng... năm...
Mẹ góa bụa ở cái tuổi hai mươi hai, bà ở vậy nuôi con ăn học bằng nghề làm muối. Cái công việc vô cùng vất vả đối với người đàn bà yếu đuối, gầy ốm. Rồi thu nhập thất thường theo cái lênh đênh của giá cả. Mẹ chấp nhận tất cả, mẹ muốn mình là giáo viên như ba và chỉ có nghề giáo mới giúp mình ở gần mẹ khi về làng dạy học. Nhưng mình đã nói với mẹ rồi. Và từ đó mình không lần nào nghe mẹ đá động đến cái ước muốn tội nghiệp đó nữa.
Ngày xưa mẹ hay để dành cơm mình trong chạn đựng đồ ăn. Bữa cơm bao giờ cũng có cá, thịt, cua, trứng... còn mẹ lúc nào cũng chỉ mấy con tép bạc kho sả hay mấy con cá lòng tong kho mặn quíu lưỡi. Mẹ nói mẹ thích ăn vậy nhưng mình biết mẹ nhịn ăn cho mình, đứa con cưng không quen ăn cực. Mình chấp nhận sự hy sinh đó một cách tự nhiên không ray rứt như là nước mắt không bao giờ chảy ngược lên trên.
Còn nhớ hôm ấy mình đang săn sóc con khỉ ốm. Nó bị đạn, vết thương rất nặng nhưng cứu sống được. Người ta xác định loài khỉ này còn rất ít ở Việt Nam. Vì ít nên hiếm, mà hiếm thường thường là quí. Bản tánh rừng rú, hoang dã, vết thương càng làm nó dữ tợn và cảnh giác. Cho nó uống thuốc, ăn, rửa ráy dọn dẹp mấy lần mình suýt bị nó cắn. Lúc ấy mình nhận được thư của mẹ. Thư mẹ ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy nỗi lo âu cho đứa con xa nhà về mọi việc như đứa bé. Trong lòng mình một nỗi buồn chợt đến - mình nhớ mẹ rất nhiều. Mẹ thường nhức đầu. Cơn đau đầu đột ngột kéo đến mẹ phải dừng lại tất cả công việc để nằm ôm đầu, chờ thuốc ngấm bà ngủ một giấc dài mới hết được. Mẹ bảo lúc mạnh khỏe mẹ làm đủ thứ việc nặng nhọc nhưng đến khi đau đầu mẹ thấy cái cửa nhà mình cũng quá đỗi xa xôi. Mẹ cô độc và bệnh hoạn, mình không săn sóc cũng chưa lần nào đưa mẹ đi khám bệnh. Nhưng mình lại cũng quên đi để lao vào công việc hàng ngày, săn sóc những con thú đau  ốm mới đem về từ những cánh rừng nhiệt đới, lo lắng những giống loài tuyệt chủng sắp vắng bóng trên thế gian. Và cũng mỉa mai thay chưa lúc nào mình nghĩ đến ngày mẹ vĩnh viễn vắng bóng trên cõi đời này.
Quê nhà ngày... tháng... năm...
Mình đi thăm mộ mẹ về qua cánh đồng muối trắng. Muối lấp lánh trong nắng trưa hè. Màu trắng đến nhức nhối. Những hạt muối ngày xưa mẹ đã chắt chiu nuôi mình ăn học, lớn khôn như một con chim đủ lông, đủ cánh bay vào đời. Tất cả những công việc nặng nhọc như nện khuôn, be bờ cho đến từng gánh muối nặng oằn vai cất vào chòi, mẹ cũng làm hết. Khi nào gấp lắm mẹ mới bảo mình phụ cào muối gom lại thành đống chứ mẹ  không cho mình gánh.
Mẹ bảo công việc gồng gánh chấm dứt ở đời mẹ là quá đủ. Mình không sao hiểu nổi cái cơ thể nhỏ bé của mẹ có thể mang trên vai một trọng lượng gấp đôi gấp ba trọng lượng cơ thể như vậy.
 Giờ mẹ đã đi rồi mình mới cảm nhận tình sâu nghĩa nặng một cách muộn màng. Phải chi mẹ còn sống thêm được vài năm nữa, mình sẽ cố gắng làm một cái gì đó cho mẹ vui. “Cái gì đó” là cái gì mình cũng chưa định được nhưng không phải là tâm trạng của kẻ “sợ mẹ mất rồi, đói cơm khát nước không người nào lo”.
Quê mình nước mặn quanh năm. Thậm chí có năm nào nước ít mặn đi người làng sẽ lấy làm rầu vì muối sẽ thất. Người ta vui lòng đi bốn kilômet để gánh về từng thùng nước ngọt dùng hàng ngày là bình thường, bình thường đến mức không ai cảm thấy điều đó là nặng nhọc cả. Đến giếng tắm xong, quảy đôi nước về đến nhà mồ hôi đổ ra ướt mình như vừa tắm xong lần nữa.
Các nhà khoa học bảo rằng trái đất đang nóng dần lên hàng năm. Rừng bị tàn phá vô tội vạ. Cái nóng và môi sinh ấy sẽ giết chết một số loài thú quí hiếm của quốc gia.
Vậy mà mẹ của mình - những người làm muối chỉ ra đồng khi trời nắng. Vui mừng vì nước có độ mặn cao và nắng gắt để thu hoạch được nhiều muối. Ôi người mẹ tội nghiệp - những cơn đau đầu bất thường mình chẳng giúp được gì cho mẹ. Mình chăm bẵm, nâng niu đàn khỉ suốt ngày nhăn nhở, chí chóe. Mình lo lắng cho những giống loài sắp tuyệt chủng. Bằng sự cố gắng tối đa, mình đem tình cảm chân thành của mình để thuần hóa thú tính của loài rừng rú với hy vọng được dễ dàng gần gũi săn sóc chúng hơn. Và điều ấy có ý nghĩa là sự nghiệp một đời.
Bây giờ đã vào mùa hạ, mưa bóng mây đột ngột rơi thưa thớt. Ngày ấy lúc nào mình cũng cảm thấy mưa rất ngọt ngào. Đáng yêu làm sao những cơn mưa tuôn tràn trên vùng đất mặn chát. Mưa ngọt ngào đến nỗi có lần mình để nguyên cả quần áo ướt sũng dầm mưa về nhà để tận hưởng sự tuyệt vời ấy. Mẹ thì rầy: Con gái không được đi trần trụi ngoài mưa.
Giờ mưa đang rơi trên đầu, trên mặt, mưa chảy vào miệng cái vị đắng chát. Lần đầu tiên mình cảm thấy mưa đắng.