Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

CON ĐƯỜNG VÀ HÀNG CÂY


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Ở quê Thơm, con gái hai mươi tuổi bị coi là quá lứa, có nguy cơ không lấy được chồng. Ngoại nhiều lần bảo Thơm hãy chọn lựa trong số bạn thường lui tới nhà, một người nào đó và liệu mà lo việc xây dựng gia đình. Bà sợ Thơm sẽ lông bông như mẹ - Người đàn bà mà Ngoại thường bảo “coi như đã sang sông đắm đò”.
Mẹ Thơm là người đàn bà có thể lang chạ với mọi gã đàn ông già trẻ, giàu nghèo, thường dân hay quan chức kể cả chủng tộc. Ngày xưa bà là ca sĩ của một đoàn ca múa tỉnh. Bà không nổi tiếng vì tiếng ca mà vì thành tích lang chạ. Lúc Thơm ra đời, mẹ đem Thơm về cho Ngoại nuôi vì không người đàn ông nào chịu nhận là cha của Thơm. Đoàn hát đi lưu diễn nhiều nơi, nách theo con mọn lại là con hoang thật không tiện chút nào, mẹ  nói gởi cho Ngoại là thượng sách.
Lớn lên, có người bảo Thơm có cặp mắt giống anh Trưởng đoàn ca múa hồi mới giải phóng, khuôn mặt giống thằng B, đo đạc về xã năm xưa. Người thì bảo giống anh chàng đánh trống. Thậm chí có người bảo giống gã bán thuốc dạo múa võ ngoài chợ Thị xã. Thơm nói:
- Sao không ai bảo tôi giống mẹ tôi.
Giọng Ngoại buồn hiu.
- Tao cầu Trời cho mày đừng có cái gì giống mẹ mày hết.
Lâu lâu mẹ lại về thăm Thơm và Ngoại. Thường mẹ về cùng với một người đàn ông. Mẹ luôn ăn mặc đẹp đẽ và sang trọng như một bà hoàng - có lẽ nghề của mẹ phải vậy - bao giờ về đến nhà mẹ cũng không quên cằn nhằn, phàn nàn về con đường làng gồ ghề khó đi. Nhìn bàn chân mẹ phồng rộp vì đôi giày cao gót hơi chật, Thơm thấy thương thương. Mẹ không quen, chứ còn Thơm ngay từ bé đã lội lầy hoặc khúc lộ đứt mà đi học là chuyện bình thường.
Người đàn ông mà mẹ dẫn về thường không lặp lại người lần trước. Sau này khi lớn lên Thơm đánh bạo hỏi mẹ: “Ai vậy mẹ?”.
Mẹ trả lời dịu dàng và đầy kiểu cách:
- Đó là phân nửa cuộc đời mẹ. Cuộc sống chỉ có nghĩa khi có đủ hai phần một nửa. Nếu không nó sẽ chông chênh.
Thơm không thể nào hiểu được cách sống của mẹ nhưng hai cái phân nửa gặp nhau thành một đơn vị hoàn chỉnh, như vậy trong cuộc đời của mẹ không có chỗ cho Ngoại và Thơm. Cũng từ đó Thơm tự xác định phận mình mồ côi từ bé.
Trái lại với mẹ, Ngoại là người đàn bà sống trung thành với một người đàn ông duy nhất và mãi mãi coi đó là thần tượng. Ngoại chung sống với ông bằng cuộc hôn nhân do người lớn định đoạt mà hai người trước đó chưa hề biết mặt nhau. Ông nói gì Ngoại cũng nghe theo, chưa bao giờ cãi lại. Cũng may, ông là người có học thức và biết điều chứ nếu không, ông có bảo mặt trời mọc ở phương Tây, Ngoại cũng không cãi. Ông Ngoại qua đời sớm để lại cho Ngoại một đàn con dại. Ngoại tảo tần ở vậy nuôi con. Cho đến bây giờ nhiều năm tháng qua đi mỗi lần nhắc đến ông, Ngoại vẫn giữ nguyên sự trân trọng và trìu mến.
Bà Ngoại luôn bất bình với Mẹ nhưng Ngoại cam chịu “lỡ sinh con  mà không sinh lòng”. Còn mẹ, lúc nào cũng coi Ngoại là những người già cổ lỗ sĩ. Mẹ hãnh diện về số đàn ông đi qua đời mẹ. Dám làm những điều mình nghĩ, dám sống cho khát vọng đến cùng, dám chà đạp lên dư luận mà sống thành người phụ nữ hiện đại. Nhiều lần mẹ chê Thơm là con bé nhà quê, may mà mày chưa mặc áo bà ba như Ngoại. Thơm trả lời thật thà:
- Con không bao giờ mặc áo bà ba, không phải vì nó quê mùa mà đơn giản là vì gió bay lên sẽ thấy những phần đáng lẽ không nên phô ra.
Mẹ cười rũ rượi như chưa có gì vui hơn nhưng rồi bà ngạc nhiên nhìn Thơm chằm chằm như nhìn người tiền sử. Đó là lần cuối cùng Thơm gặp mẹ. Bà đã thôi ca hát vì tuổi tác và sống bằng nhiều kiểu cũng bí hiểm như bà vậy. Vài năm trôi qua, một hôm Thơm nhận được thư, mẹ bảo rằng bà đã kết hôn với người chồng Bắc Phi và sẽ theo chồng về bên ấy sinh sống. Lạy trời, Thơm thở phào. Cuối cùng mẹ cũng tìm được phân nửa của mẹ ở bên trời Phi để tạm định vị phần đời lênh đênh của mẹ.
*
*    *
Căn nhà lá của Ngoại đã qua sáu mùa mưa. Những cơn gió lí lắc đã lẻn kéo đi những miếng lá cần đốp rải rác trên khắp mái nhà khiến cho nhìn lên sẽ thấy từng mảng trời lỗ chỗ mà nếu cơn mưa ập đến sẽ phải vất vả cho người ở dưới mái nhà ấy. Thơm định bụng kỳ nghỉ hè này sẽ về chằm lá lợp lại nhà cho Ngoại rồi mới yên tâm đi học tiếp. Nhìn Thơm ngồi lợp lá trên mái Ngoại vừa nấu cơm, vừa quét dọn, vừa không ngớt ca cẩm: “Đàn bà con gái không ai mà leo lên nóc nhà”.
- Có sao đâu Ngoại, đàn ông làm được, mình làm cũng được.
- Nhưng đó là việc đàn ông.
- Học lái tàu còn khó hơn Ngoại à.
- Đã bảo lấy chồng đi thôi, còn chần chừ lại làm những chuyện đàn ông nó sợ, mày có nước ở góa.
Nghe Ngoại nói đến chuyện ấy như một điệp khúc nhàm chán quen tai. Lấy chồng ư? Đã yêu đâu mà lấy. Bạn bè bảo Thơm là khô khan, khó tính. Thật ra đôi lúc Thơm cũng cảm thấy yêu yêu, thích thích ở người này một chút, người kia một chút. Cái hơi yêu yêu đó không bao hàm hết cả một con người nào lại không có đủ sức thuyết phục phải chọn và trộn lẫn đời mình với đối tượng ấy. Thành ra với Thơm, người yêu hình như lảng vảng đâu đó trong đời mà chưa hề có mặt ở đâu. Nhưng Thơm thích trêu chọc Ngoại hơn là trả lời nghiêm túc về việc “nhàm” ấy.
- Để con coi có tên đàn ông nào chịu ở nhà nấu cơm cho Ngoại ăn để con đi biển, con sẽ ưng làm chồng hen Ngoại.
- Có con khỉ! - Ngoại gắt gỏng.
Nhà Ngoại cũng như bao nhiêu nhà khác trong làng đều cất dọc theo lề đường. Cửa nhà hướng ra con lộ làng nằm song song với con sông nước cuồn cuộn chảy. Con sông ấy chảy xuyên suốt từ đầu đến cuối làng. Người ta định cư hai bên bờ sông, xa xa là hai cánh đồng ruộng lúa và vườn cây ăn trái. Sự sắp xếp lâu đời ấy tạo thành một trật tự hợp lý và qui củ. Ai cắc cớ cất một ngôi nhà giữa cánh đồng sẽ trở thành buồn bã và lạc điệu.
Con đường trước cửa nhà đã có từ lâu lắm, Ngoại bảo ngày còn nhỏ đã thấy nó rồi. Trước kia nó là lối mòn nhỏ hẹp dọc bờ sông đầy lau lách, cây cối. Dần dần nhà cửa đông đúc hơn, người ta phát dọn cho đường đi rộng ra. Thời Pháp, con đường được trải đá xanh thành con lộ liên xã. Thế rồi trải qua bao cuộc chinh chiến, vật đổi sao dời, không biết bằng cách nào mà con đường không còn một hòn đá dù chỉ chút ít thôi để chứng tỏ trước kia nó đã từng là lối đi cho những  chiếc xe hơi cỡ nhỏ. Dòng sông thì ngày càng mở rộng ra về hướng con đường và có xu hướng bồi về phía bờ bên kia. Con sóng âm thầm mà dữ dội. Từng ngày, từng tháng năm nó cuốn phăng theo dòng những tảng đất lớn, những bụi lá dừa nước to đùng. Dần dần rồi mí nước cũng tiếp giáp được những gốc phượng vĩ ven đường. Những cây phượng người ta đã trồng từ lâu lắm dọc trên lề đường cứ bảy mét một cây. Mỗi lần hè sang phượng nở đồng loạt một màu đỏ thắm làm cho xóm làng rực rỡ hẳn lên. Hàng phượng là niềm tự hào của dân làng, đi đâu xa ai cũng nhắc nhớ như một nét riêng không làng nào có được.
Riêng Thơm, nhìn những tảng đất lở dần theo nước cuốn lòng thầm cầu mong rằng những rễ phượng già kia sẽ bám chặt vào đất, đan chằng chịt vào mặt đường hơn nữa để chống chọi với sự xói mòn của sóng nước, thử thách với qui luật nghiệt ngã của bên lở bên bồi.
Giờ ngồi trên nóc nhà, Thơm mới thấy con đường như hẹp lại vẫn sình tấy lên như ngày xưa lúc Thơm còn đi học trường làng. Mặt đường vẫn là lối đi chung cho người, xe cộ và trâu bò. Mưa dầm rồi nước đọng, mặt đường trở thành một hỗn hợp bùn nhão, phân súc vật, miểng chai và gai góc. Những hộ lấn chiếm, cố chường ra mặt tiền sợ người ta bước lở nền nhà nên lấy chà gai rào rắp làm cho lối đi quanh co cong quẹo như một con rắn rửng mỡ chơi cái trò uốn lượn. Lầm lũi mà bước đi, khi ngoái nhìn lại đoạn đường phía sau người ta khó tránh được tâm trạng giật mình ngạc nhiên vì mình đã vượt qua được đoạn đường đáng sợ ấy. Ngày xưa mẹ Thơm bảo:
- Tại mày chỉ đi có con đường này thôi, đâu biết lộ trải nhựa nó êm láng, sạch sẽ thế nào nên thấy nó bình thường. Còn mẹ, mẹ thấy con đường này mới không bình thường.
Đó là lúc con đường chưa xuống cấp nhiều, còn như bây giờ không hiểu mẹ sẽ nói sao.
Lâu lâu người dân trong làng cũng bảo nhau đắp lộ, nhưng không biết vì lẽ gì lại lấy cuốc xẻng đào hai bên hông đường mà đắp lên mặt lộ làm cho hông đường thành những công sự nho nhỏ đựng nước, rủ rê những chú ễnh ương về tụ hội. Rồi mưa xuống mặt đường nhão nhoét ra. Dân làng làm ruộng từ cánh đồng phía trong có nhu cầu dẫn và tiêu thoát nước cứ điềm nhiên đào ngang lộ đặt ống bộng dẫn nước ra sông. Những cái ống bộng ấy đã góp phần công phá con đường vốn bị đe dọa. Hàng phượng già ngày một giơ rễ ra nhiều hơn. Con đường là của mọi người mà không của ai cả. Không ai nói gì, can chi mình phải ra miệng. Vả lại người ta có nhu cầu thoát nước mình cũng có nhu cầu ấy vậy. Đi trên con đường dưới tàng phượng đẹp đẽ ấy ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn nói chuyện gì thì nói, thậm chí cãi nhau, la hét, đùa giỡn... nhưng ai cũng tránh nói đến con đường xuống cấp và nguy cơ sạt lở.
*
*    *
Măng, người bạn cùng xóm và cũng là bạn học chung với Thơm từ ngày còn nhỏ đến rủ Thơm đi đám cưới người chị họ. Nó đặt lên bàn một hộp son phấn:
- Trang điểm sơ qua một chút đi cô bé lọ lem.
- Không được đâu mà.
- Tại sao?
- Tại vì cái mặt của tao nó vậy.
- Vậy là sao? Giơ cái mặt trắng trông chướng lắm, để tao làm cho.
Măng bắt Thơm ngồi yên cho nó trang điểm. Thơm ngồi đơ người ra nhắm mắt lại để cho Măng muốn tô vẽ gì đó mặc lòng. Măng có vẻ thành thạo, nó không ngớt phát biểu về những trường phái trang điểm Đông Tây Âu Á cho từng khuôn mặt, đặc điểm phù hợp cho mỗi loại mắt, môi, mũi... Cũng khuôn mặt ấy nhưng phải tô vẽ những màu sắc khác nhau theo thời gian, không gian. Đầy đặn hơn hay hao gầy hơn theo ý mình muốn. Quả là nhiêu khê và đầy thủ đoạn trong công việc son phấn.
Xong, Măng đặt gương trước mặt Thơm. Trong gương là khuôn mặt nhìn Thơm chằm chằm, xoi mói lạ lẫm. Quả là người trong gương đẹp hơn Thơm nhiều lần. Làn da hồng hào đầy sức sống, cái mũi như cao hơn và đôi mắt long lanh ngời rạng hơn. Son phấn quả là thứ mặt nạ đầy lợi hại, giúp cho người xấu bớt xấu đi, người đẹp càng xinh đẹp lộng lẫy hơn, nó giúp cho người ta che đậy những khiếm khuyết vốn có của bộ mặt thật. Và khi người ta trang điểm là để chắc chắn có người khác nhìn mình, mình muốn lừa người khác bằng ảo giác đẹp qua son phấn đồng thời tự nhận sự thiếu tự tin ở cái mặt thật hay giữa  một cộng đồng có mặt nạ thì cái mặt thật sẽ trở thành lẻ loi nếu không muốn nói là lố bịch.
Tự ngắm mình chưa được bao lâu Thơm bỗng nghe cảm giác rân rân nóng bừng lên mặt như nhiệt độ trong người tăng lên đột ngột. Màu da đỏ ửng lên từ cổ đến vành tai làm cho màu hồng của má phấn như tím tái hơn. Cùng lúc ấy mồ hôi rịn ra ở chân tóc, chân lông một cách bất trị, gây cảm giác nhờn nhờn, ngứa ngái. Măng hốt hoảng hỏi.
- Mày sao vậy?
- Không sao, cứ phấn son vào là da mặt tao nó vậy. Đã nói rồi, không được là không được mà!
- Quái lạ, từ nào tới giờ tao mới thấy người như mày.
- Có gì đâu, tại da tao nó dị ứng vậy thôi.
Thơm đi lau chùi rửa ráy thật lâu, cái mặt vẫn còn đỏ au như mới nhúng qua nước sôi.
- Bây giờ tao thoa nước chanh nằm yên chừng hai giờ sẽ trở lại như cũ, mày vui lòng chờ tao chứ.
- Chờ thì chờ không sao cả, nhưng chẳng lẽ đi hai đứa, đứa vầy đứa khác.
- Không quan trọng đâu, đừng bận tâm.
Thơm nằm nhắm mắt lại chờ thời gian lặng lẽ trôi đi. Măng khe khẽ hát những bài tình ca. Đến cái bài: “Yêu nhau cởi áo cho nhau...” Thơm buột miệng hỏi:
- Này, yêu nhau cởi áo cho nhau! Cho nhau áo hay cho nhau gì vậy? Nếu hai bên trao đổi áo thì người này mặc áo cho người kia đi về, cớ sao lại trong tình trạng không áo xống chi cả để về nhà phải dối cha mẹ là qua cầu gió bay? Nghĩ mà phát khiếp.
- Nhưng đó là lời nói dối đáng yêu.
- Lời nói dối được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời đời truyền nhau. Trách chi...
Còn nhớ có lần Thơm hỏi Ngoại tương tự như vậy. Ngoại bảo: Người ta hát là hát như vậy để ru cho con nít dễ ngủ, mày xoi mói làm chi. Thơm lại  hỏi thầy giáo dạy Văn, thầy mỉm cười:
- Vậy thì em nên sáng tác bài ca dao khác để đối lập lại bài ca dao ấy. Đại ý: “Yêu nhau đừng cởi áo cho nhau làm gì...” rồi ký tên em là tác giả, bây giờ không ít người nổi tiếng nhờ sáng tác ca dao đâu.
Trong đời Thơm có rất nhiều dự định nhưng dự định nổi tiếng như thầy gợi ý quả là chưa nghĩ đến. Cả Ngoại, cả Măng, cả thầy không ai trả lời Thơm điều ấy cả.
Thơm lơ mơ nghĩ về người phụ nữ trời sinh ra là phái đẹp, được hưởng cái quyền trang điểm làm đẹp thêm lên. Từ nay trở đi Thơm sẽ là người lẻ loi giữa cộng đồng phụ nữ, đứng giữa đám đàn ông Thơm cũng chẳng thể là đàn ông. Thơm chỉ là người phụ nữ với bộ mặt thật giữa cộng đồng có mặt nạ.
*
*    *
Đêm ấy cơn bão đi qua làng. Cơn bão dữ dằn một trăm năm trước đã từng ghé qua nơi đây. Những người già trong làng bảo đây là lần thứ hai được chứng kiến cơn bão ấy.
Mưa to và dai dẳng. Gió mạnh giật thốc từng cơn, sấm chớp rồi nước dâng... Mọi thứ cùng nhau quần thảo suốt cả đêm dài tưởng chừng như trái đất sắp đến ngày cáo chung. Nhưng rồi bão cũng tan. Gió trở nên hiền lành và trời mây xanh thắm lại, triều cường cũng lui đi. Mở cửa nhà ra, cái đầu tiên người ta thấy được là con đường trước nhà đã bị sạt lở và chìm xuống sông trong đợt triều cường đêm trước. Hình như còn chưa đủ, phần còn lại trên mặt đất cũng hiện ra nhiều vết nứt hứa hẹn những đợt lở đất tiếp theo. Con đường đi hàng trăm năm nay phút chốc không còn nữa để lòng sông mở rộng thêm ra. Lòng sông như con quái vật nuốt chửng con đường vào dòng chảy cuồn cuộn của nó không chút tiếc rẻ người bạn đã từng song song tồn tại.
 Con đường và hàng cây bị trôi đi mất là một cú sốc lớn đối với cả làng. Có người bàng hoàng ngơ ngác. Có người bảo rằng tất yếu phải đi đến chỗ sạt lở không thể khác được nhưng không ngờ nó diễn ra chóng vánh quá. Sau bão, dù không hao về người nhưng tài sản, mùa màng cũng bị hư hại nhiều. Công việc khá bề bộn nhưng việc cần làm ngay mà dân làng bảo nhau là phải xây dựng lại con đường khác.
Những người già ngồi lại than thở, rồi hoài niệm về con đường mà một đời mình đã gắn bó. Con đường đã chứng kiến bao nhiêu đám cưới, đám ma, mọi lễ hội đình đám. Những con người trong chiến tranh đã chết nằm trên con đường đó. Cho đến thời thanh bình yên ả con đường từng mang trên mình những bước chân lo toan, sấp ngửa của đời thường... Bao nhiêu thế hệ quây quần bên nhau cùng dựng nhà hướng ra mặt đường. Giờ thì chỉ còn vết đất lở phũ phàng, những cây phượng cái nổi cái chìm theo con nước ngầu đục.
Qua nhiều cuộc bàn luận, dân làng thống nhất với nhau là mở một con đường mới phóng thẳng xuyên qua cánh đồng. Nó cách bờ sông (hay là mặt đường cũ) khoảng một cây số. Dự định mặt đường sẽ rộng hơn và nâng cao hơn con đường cũ, xe vận tải có thể đi được. Những người con của làng ra đi lập nghiệp ở xa lâu ngày về thăm quê sau cơn bão lại xin góp phần để mặt đường được rải đá.
Thơm lợp tiếp cho xong nhà Ngoại - có lẽ cũng phải dời đi vào mùa hè năm sau, vì vết nứt còn xa. Ngoại không thích chường nhà ra sát mặt tiền vậy mà cũng có cái hay.
Những ngày hè còn lại Măng và Thơm cùng đi đắp lộ với thanh niên trong làng. Măng bảo mình chỉ có mặt trong giai đoạn “tạo hình” thôi. Phải có thời gian mới hoàn chỉnh được. Mình còn đến trường nữa.
Măng nói tiếp:
- Tao nghe ai cũng bảo rồi đây sẽ dời nhà hướng mặt tiền vào con đường mới, như vậy lưng sẽ quay về con đường cũ. Chẳng ai muốn cửa nhà quay ra vết lở toang hoác không biết nó sẽ kéo nhà mình xuống sông ngày nào.
 Măng còn nói nhiều về hình ảnh làng xóm trong tương lai sẽ bê tông hóa, ngói hóa. Kiến trúc nông thôn theo trật tự để đường dây điện thẳng tắp. Rồi tiềm năng du lịch phát triển, nó sẽ dẫn những đoàn khách du lịch về qua đây - nghề nghiệp tương lai của nàng mà - Măng nói huyên thuyên theo bản tính từ nhỏ. Thơm nghe không rõ lắm. Gần đây tự dưng Thơm đâm ra ngán ai nói nhiều. Những ngôn từ tuôn ra ào ạt một lúc làm cho Thơm mất khả năng tiếp thu.
Lúc này Thơm thấy thật tâm đắc một điều người ta nói đã lâu: Trên mặt đất làm gì có con đường, do người ta đi mãi thành con đường mà thôi.
2-1999










Con đường và hàng cây

Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Ở quê Thơm, con gái hai mươi tuổi bị coi là quá lứa, có nguy cơ không lấy được chồng. Ngoại nhiều lần bảo Thơm hãy chọn lựa trong số bạn thường lui tới nhà, một người nào đó và liệu mà lo việc xây dựng gia đình. Bà sợ Thơm sẽ lông bông như mẹ - Người đàn bà mà Ngoại thường bảo “coi như đã sang sông đắm đò”.
Mẹ Thơm là người đàn bà có thể lang chạ với mọi gã đàn ông già trẻ, giàu nghèo, thường dân hay quan chức kể cả chủng tộc. Ngày xưa bà là ca sĩ của một đoàn ca múa tỉnh. Bà không nổi tiếng vì tiếng ca mà vì thành tích lang chạ. Lúc Thơm ra đời, mẹ đem Thơm về cho Ngoại nuôi vì không người đàn ông nào chịu nhận là cha của Thơm. Đoàn hát đi lưu diễn nhiều nơi, nách theo con mọn lại là con hoang thật không tiện chút nào, mẹ  nói gởi cho Ngoại là thượng sách.
Lớn lên, có người bảo Thơm có cặp mắt giống anh Trưởng đoàn ca múa hồi mới giải phóng, khuôn mặt giống thằng B, đo đạc về xã năm xưa. Người thì bảo giống anh chàng đánh trống. Thậm chí có người bảo giống gã bán thuốc dạo múa võ ngoài chợ Thị xã. Thơm nói:
- Sao không ai bảo tôi giống mẹ tôi.
Giọng Ngoại buồn hiu.
- Tao cầu Trời cho mày đừng có cái gì giống mẹ mày hết.
Lâu lâu mẹ lại về thăm Thơm và Ngoại. Thường mẹ về cùng với một người đàn ông. Mẹ luôn ăn mặc đẹp đẽ và sang trọng như một bà hoàng - có lẽ nghề của mẹ phải vậy - bao giờ về đến nhà mẹ cũng không quên cằn nhằn, phàn nàn về con đường làng gồ ghề khó đi. Nhìn bàn chân mẹ phồng rộp vì đôi giày cao gót hơi chật, Thơm thấy thương thương. Mẹ không quen, chứ còn Thơm ngay từ bé đã lội lầy hoặc khúc lộ đứt mà đi học là chuyện bình thường.
Người đàn ông mà mẹ dẫn về thường không lặp lại người lần trước. Sau này khi lớn lên Thơm đánh bạo hỏi mẹ: “Ai vậy mẹ?”.
Mẹ trả lời dịu dàng và đầy kiểu cách:
- Đó là phân nửa cuộc đời mẹ. Cuộc sống chỉ có nghĩa khi có đủ hai phần một nửa. Nếu không nó sẽ chông chênh.
Thơm không thể nào hiểu được cách sống của mẹ nhưng hai cái phân nửa gặp nhau thành một đơn vị hoàn chỉnh, như vậy trong cuộc đời của mẹ không có chỗ cho Ngoại và Thơm. Cũng từ đó Thơm tự xác định phận mình mồ côi từ bé.
Trái lại với mẹ, Ngoại là người đàn bà sống trung thành với một người đàn ông duy nhất và mãi mãi coi đó là thần tượng. Ngoại chung sống với ông bằng cuộc hôn nhân do người lớn định đoạt mà hai người trước đó chưa hề biết mặt nhau. Ông nói gì Ngoại cũng nghe theo, chưa bao giờ cãi lại. Cũng may, ông là người có học thức và biết điều chứ nếu không, ông có bảo mặt trời mọc ở phương Tây, Ngoại cũng không cãi. Ông Ngoại qua đời sớm để lại cho Ngoại một đàn con dại. Ngoại tảo tần ở vậy nuôi con. Cho đến bây giờ nhiều năm tháng qua đi mỗi lần nhắc đến ông, Ngoại vẫn giữ nguyên sự trân trọng và trìu mến.
Bà Ngoại luôn bất bình với Mẹ nhưng Ngoại cam chịu “lỡ sinh con  mà không sinh lòng”. Còn mẹ, lúc nào cũng coi Ngoại là những người già cổ lỗ sĩ. Mẹ hãnh diện về số đàn ông đi qua đời mẹ. Dám làm những điều mình nghĩ, dám sống cho khát vọng đến cùng, dám chà đạp lên dư luận mà sống thành người phụ nữ hiện đại. Nhiều lần mẹ chê Thơm là con bé nhà quê, may mà mày chưa mặc áo bà ba như Ngoại. Thơm trả lời thật thà:
- Con không bao giờ mặc áo bà ba, không phải vì nó quê mùa mà đơn giản là vì gió bay lên sẽ thấy những phần đáng lẽ không nên phô ra.
Mẹ cười rũ rượi như chưa có gì vui hơn nhưng rồi bà ngạc nhiên nhìn Thơm chằm chằm như nhìn người tiền sử. Đó là lần cuối cùng Thơm gặp mẹ. Bà đã thôi ca hát vì tuổi tác và sống bằng nhiều kiểu cũng bí hiểm như bà vậy. Vài năm trôi qua, một hôm Thơm nhận được thư, mẹ bảo rằng bà đã kết hôn với người chồng Bắc Phi và sẽ theo chồng về bên ấy sinh sống. Lạy trời, Thơm thở phào. Cuối cùng mẹ cũng tìm được phân nửa của mẹ ở bên trời Phi để tạm định vị phần đời lênh đênh của mẹ.
*
*    *
Căn nhà lá của Ngoại đã qua sáu mùa mưa. Những cơn gió lí lắc đã lẻn kéo đi những miếng lá cần đốp rải rác trên khắp mái nhà khiến cho nhìn lên sẽ thấy từng mảng trời lỗ chỗ mà nếu cơn mưa ập đến sẽ phải vất vả cho người ở dưới mái nhà ấy. Thơm định bụng kỳ nghỉ hè này sẽ về chằm lá lợp lại nhà cho Ngoại rồi mới yên tâm đi học tiếp. Nhìn Thơm ngồi lợp lá trên mái Ngoại vừa nấu cơm, vừa quét dọn, vừa không ngớt ca cẩm: “Đàn bà con gái không ai mà leo lên nóc nhà”.
- Có sao đâu Ngoại, đàn ông làm được, mình làm cũng được.
- Nhưng đó là việc đàn ông.
- Học lái tàu còn khó hơn Ngoại à.
- Đã bảo lấy chồng đi thôi, còn chần chừ lại làm những chuyện đàn ông nó sợ, mày có nước ở góa.
Nghe Ngoại nói đến chuyện ấy như một điệp khúc nhàm chán quen tai. Lấy chồng ư? Đã yêu đâu mà lấy. Bạn bè bảo Thơm là khô khan, khó tính. Thật ra đôi lúc Thơm cũng cảm thấy yêu yêu, thích thích ở người này một chút, người kia một chút. Cái hơi yêu yêu đó không bao hàm hết cả một con người nào lại không có đủ sức thuyết phục phải chọn và trộn lẫn đời mình với đối tượng ấy. Thành ra với Thơm, người yêu hình như lảng vảng đâu đó trong đời mà chưa hề có mặt ở đâu. Nhưng Thơm thích trêu chọc Ngoại hơn là trả lời nghiêm túc về việc “nhàm” ấy.
- Để con coi có tên đàn ông nào chịu ở nhà nấu cơm cho Ngoại ăn để con đi biển, con sẽ ưng làm chồng hen Ngoại.
- Có con khỉ! - Ngoại gắt gỏng.
Nhà Ngoại cũng như bao nhiêu nhà khác trong làng đều cất dọc theo lề đường. Cửa nhà hướng ra con lộ làng nằm song song với con sông nước cuồn cuộn chảy. Con sông ấy chảy xuyên suốt từ đầu đến cuối làng. Người ta định cư hai bên bờ sông, xa xa là hai cánh đồng ruộng lúa và vườn cây ăn trái. Sự sắp xếp lâu đời ấy tạo thành một trật tự hợp lý và qui củ. Ai cắc cớ cất một ngôi nhà giữa cánh đồng sẽ trở thành buồn bã và lạc điệu.
Con đường trước cửa nhà đã có từ lâu lắm, Ngoại bảo ngày còn nhỏ đã thấy nó rồi. Trước kia nó là lối mòn nhỏ hẹp dọc bờ sông đầy lau lách, cây cối. Dần dần nhà cửa đông đúc hơn, người ta phát dọn cho đường đi rộng ra. Thời Pháp, con đường được trải đá xanh thành con lộ liên xã. Thế rồi trải qua bao cuộc chinh chiến, vật đổi sao dời, không biết bằng cách nào mà con đường không còn một hòn đá dù chỉ chút ít thôi để chứng tỏ trước kia nó đã từng là lối đi cho những  chiếc xe hơi cỡ nhỏ. Dòng sông thì ngày càng mở rộng ra về hướng con đường và có xu hướng bồi về phía bờ bên kia. Con sóng âm thầm mà dữ dội. Từng ngày, từng tháng năm nó cuốn phăng theo dòng những tảng đất lớn, những bụi lá dừa nước to đùng. Dần dần rồi mí nước cũng tiếp giáp được những gốc phượng vĩ ven đường. Những cây phượng người ta đã trồng từ lâu lắm dọc trên lề đường cứ bảy mét một cây. Mỗi lần hè sang phượng nở đồng loạt một màu đỏ thắm làm cho xóm làng rực rỡ hẳn lên. Hàng phượng là niềm tự hào của dân làng, đi đâu xa ai cũng nhắc nhớ như một nét riêng không làng nào có được.
Riêng Thơm, nhìn những tảng đất lở dần theo nước cuốn lòng thầm cầu mong rằng những rễ phượng già kia sẽ bám chặt vào đất, đan chằng chịt vào mặt đường hơn nữa để chống chọi với sự xói mòn của sóng nước, thử thách với qui luật nghiệt ngã của bên lở bên bồi.
Giờ ngồi trên nóc nhà, Thơm mới thấy con đường như hẹp lại vẫn sình tấy lên như ngày xưa lúc Thơm còn đi học trường làng. Mặt đường vẫn là lối đi chung cho người, xe cộ và trâu bò. Mưa dầm rồi nước đọng, mặt đường trở thành một hỗn hợp bùn nhão, phân súc vật, miểng chai và gai góc. Những hộ lấn chiếm, cố chường ra mặt tiền sợ người ta bước lở nền nhà nên lấy chà gai rào rắp làm cho lối đi quanh co cong quẹo như một con rắn rửng mỡ chơi cái trò uốn lượn. Lầm lũi mà bước đi, khi ngoái nhìn lại đoạn đường phía sau người ta khó tránh được tâm trạng giật mình ngạc nhiên vì mình đã vượt qua được đoạn đường đáng sợ ấy. Ngày xưa mẹ Thơm bảo:
- Tại mày chỉ đi có con đường này thôi, đâu biết lộ trải nhựa nó êm láng, sạch sẽ thế nào nên thấy nó bình thường. Còn mẹ, mẹ thấy con đường này mới không bình thường.
Đó là lúc con đường chưa xuống cấp nhiều, còn như bây giờ không hiểu mẹ sẽ nói sao.
Lâu lâu người dân trong làng cũng bảo nhau đắp lộ, nhưng không biết vì lẽ gì lại lấy cuốc xẻng đào hai bên hông đường mà đắp lên mặt lộ làm cho hông đường thành những công sự nho nhỏ đựng nước, rủ rê những chú ễnh ương về tụ hội. Rồi mưa xuống mặt đường nhão nhoét ra. Dân làng làm ruộng từ cánh đồng phía trong có nhu cầu dẫn và tiêu thoát nước cứ điềm nhiên đào ngang lộ đặt ống bộng dẫn nước ra sông. Những cái ống bộng ấy đã góp phần công phá con đường vốn bị đe dọa. Hàng phượng già ngày một giơ rễ ra nhiều hơn. Con đường là của mọi người mà không của ai cả. Không ai nói gì, can chi mình phải ra miệng. Vả lại người ta có nhu cầu thoát nước mình cũng có nhu cầu ấy vậy. Đi trên con đường dưới tàng phượng đẹp đẽ ấy ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn nói chuyện gì thì nói, thậm chí cãi nhau, la hét, đùa giỡn... nhưng ai cũng tránh nói đến con đường xuống cấp và nguy cơ sạt lở.
*
*    *
Măng, người bạn cùng xóm và cũng là bạn học chung với Thơm từ ngày còn nhỏ đến rủ Thơm đi đám cưới người chị họ. Nó đặt lên bàn một hộp son phấn:
- Trang điểm sơ qua một chút đi cô bé lọ lem.
- Không được đâu mà.
- Tại sao?
- Tại vì cái mặt của tao nó vậy.
- Vậy là sao? Giơ cái mặt trắng trông chướng lắm, để tao làm cho.
Măng bắt Thơm ngồi yên cho nó trang điểm. Thơm ngồi đơ người ra nhắm mắt lại để cho Măng muốn tô vẽ gì đó mặc lòng. Măng có vẻ thành thạo, nó không ngớt phát biểu về những trường phái trang điểm Đông Tây Âu Á cho từng khuôn mặt, đặc điểm phù hợp cho mỗi loại mắt, môi, mũi... Cũng khuôn mặt ấy nhưng phải tô vẽ những màu sắc khác nhau theo thời gian, không gian. Đầy đặn hơn hay hao gầy hơn theo ý mình muốn. Quả là nhiêu khê và đầy thủ đoạn trong công việc son phấn.
Xong, Măng đặt gương trước mặt Thơm. Trong gương là khuôn mặt nhìn Thơm chằm chằm, xoi mói lạ lẫm. Quả là người trong gương đẹp hơn Thơm nhiều lần. Làn da hồng hào đầy sức sống, cái mũi như cao hơn và đôi mắt long lanh ngời rạng hơn. Son phấn quả là thứ mặt nạ đầy lợi hại, giúp cho người xấu bớt xấu đi, người đẹp càng xinh đẹp lộng lẫy hơn, nó giúp cho người ta che đậy những khiếm khuyết vốn có của bộ mặt thật. Và khi người ta trang điểm là để chắc chắn có người khác nhìn mình, mình muốn lừa người khác bằng ảo giác đẹp qua son phấn đồng thời tự nhận sự thiếu tự tin ở cái mặt thật hay giữa  một cộng đồng có mặt nạ thì cái mặt thật sẽ trở thành lẻ loi nếu không muốn nói là lố bịch.
Tự ngắm mình chưa được bao lâu Thơm bỗng nghe cảm giác rân rân nóng bừng lên mặt như nhiệt độ trong người tăng lên đột ngột. Màu da đỏ ửng lên từ cổ đến vành tai làm cho màu hồng của má phấn như tím tái hơn. Cùng lúc ấy mồ hôi rịn ra ở chân tóc, chân lông một cách bất trị, gây cảm giác nhờn nhờn, ngứa ngái. Măng hốt hoảng hỏi.
- Mày sao vậy?
- Không sao, cứ phấn son vào là da mặt tao nó vậy. Đã nói rồi, không được là không được mà!
- Quái lạ, từ nào tới giờ tao mới thấy người như mày.
- Có gì đâu, tại da tao nó dị ứng vậy thôi.
Thơm đi lau chùi rửa ráy thật lâu, cái mặt vẫn còn đỏ au như mới nhúng qua nước sôi.
- Bây giờ tao thoa nước chanh nằm yên chừng hai giờ sẽ trở lại như cũ, mày vui lòng chờ tao chứ.
- Chờ thì chờ không sao cả, nhưng chẳng lẽ đi hai đứa, đứa vầy đứa khác.
- Không quan trọng đâu, đừng bận tâm.
Thơm nằm nhắm mắt lại chờ thời gian lặng lẽ trôi đi. Măng khe khẽ hát những bài tình ca. Đến cái bài: “Yêu nhau cởi áo cho nhau...” Thơm buột miệng hỏi:
- Này, yêu nhau cởi áo cho nhau! Cho nhau áo hay cho nhau gì vậy? Nếu hai bên trao đổi áo thì người này mặc áo cho người kia đi về, cớ sao lại trong tình trạng không áo xống chi cả để về nhà phải dối cha mẹ là qua cầu gió bay? Nghĩ mà phát khiếp.
- Nhưng đó là lời nói dối đáng yêu.
- Lời nói dối được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời đời truyền nhau. Trách chi...
Còn nhớ có lần Thơm hỏi Ngoại tương tự như vậy. Ngoại bảo: Người ta hát là hát như vậy để ru cho con nít dễ ngủ, mày xoi mói làm chi. Thơm lại  hỏi thầy giáo dạy Văn, thầy mỉm cười:
- Vậy thì em nên sáng tác bài ca dao khác để đối lập lại bài ca dao ấy. Đại ý: “Yêu nhau đừng cởi áo cho nhau làm gì...” rồi ký tên em là tác giả, bây giờ không ít người nổi tiếng nhờ sáng tác ca dao đâu.
Trong đời Thơm có rất nhiều dự định nhưng dự định nổi tiếng như thầy gợi ý quả là chưa nghĩ đến. Cả Ngoại, cả Măng, cả thầy không ai trả lời Thơm điều ấy cả.
Thơm lơ mơ nghĩ về người phụ nữ trời sinh ra là phái đẹp, được hưởng cái quyền trang điểm làm đẹp thêm lên. Từ nay trở đi Thơm sẽ là người lẻ loi giữa cộng đồng phụ nữ, đứng giữa đám đàn ông Thơm cũng chẳng thể là đàn ông. Thơm chỉ là người phụ nữ với bộ mặt thật giữa cộng đồng có mặt nạ.
*
*    *
Đêm ấy cơn bão đi qua làng. Cơn bão dữ dằn một trăm năm trước đã từng ghé qua nơi đây. Những người già trong làng bảo đây là lần thứ hai được chứng kiến cơn bão ấy.
Mưa to và dai dẳng. Gió mạnh giật thốc từng cơn, sấm chớp rồi nước dâng... Mọi thứ cùng nhau quần thảo suốt cả đêm dài tưởng chừng như trái đất sắp đến ngày cáo chung. Nhưng rồi bão cũng tan. Gió trở nên hiền lành và trời mây xanh thắm lại, triều cường cũng lui đi. Mở cửa nhà ra, cái đầu tiên người ta thấy được là con đường trước nhà đã bị sạt lở và chìm xuống sông trong đợt triều cường đêm trước. Hình như còn chưa đủ, phần còn lại trên mặt đất cũng hiện ra nhiều vết nứt hứa hẹn những đợt lở đất tiếp theo. Con đường đi hàng trăm năm nay phút chốc không còn nữa để lòng sông mở rộng thêm ra. Lòng sông như con quái vật nuốt chửng con đường vào dòng chảy cuồn cuộn của nó không chút tiếc rẻ người bạn đã từng song song tồn tại.
 Con đường và hàng cây bị trôi đi mất là một cú sốc lớn đối với cả làng. Có người bàng hoàng ngơ ngác. Có người bảo rằng tất yếu phải đi đến chỗ sạt lở không thể khác được nhưng không ngờ nó diễn ra chóng vánh quá. Sau bão, dù không hao về người nhưng tài sản, mùa màng cũng bị hư hại nhiều. Công việc khá bề bộn nhưng việc cần làm ngay mà dân làng bảo nhau là phải xây dựng lại con đường khác.
Những người già ngồi lại than thở, rồi hoài niệm về con đường mà một đời mình đã gắn bó. Con đường đã chứng kiến bao nhiêu đám cưới, đám ma, mọi lễ hội đình đám. Những con người trong chiến tranh đã chết nằm trên con đường đó. Cho đến thời thanh bình yên ả con đường từng mang trên mình những bước chân lo toan, sấp ngửa của đời thường... Bao nhiêu thế hệ quây quần bên nhau cùng dựng nhà hướng ra mặt đường. Giờ thì chỉ còn vết đất lở phũ phàng, những cây phượng cái nổi cái chìm theo con nước ngầu đục.
Qua nhiều cuộc bàn luận, dân làng thống nhất với nhau là mở một con đường mới phóng thẳng xuyên qua cánh đồng. Nó cách bờ sông (hay là mặt đường cũ) khoảng một cây số. Dự định mặt đường sẽ rộng hơn và nâng cao hơn con đường cũ, xe vận tải có thể đi được. Những người con của làng ra đi lập nghiệp ở xa lâu ngày về thăm quê sau cơn bão lại xin góp phần để mặt đường được rải đá.
Thơm lợp tiếp cho xong nhà Ngoại - có lẽ cũng phải dời đi vào mùa hè năm sau, vì vết nứt còn xa. Ngoại không thích chường nhà ra sát mặt tiền vậy mà cũng có cái hay.
Những ngày hè còn lại Măng và Thơm cùng đi đắp lộ với thanh niên trong làng. Măng bảo mình chỉ có mặt trong giai đoạn “tạo hình” thôi. Phải có thời gian mới hoàn chỉnh được. Mình còn đến trường nữa.
Măng nói tiếp:
- Tao nghe ai cũng bảo rồi đây sẽ dời nhà hướng mặt tiền vào con đường mới, như vậy lưng sẽ quay về con đường cũ. Chẳng ai muốn cửa nhà quay ra vết lở toang hoác không biết nó sẽ kéo nhà mình xuống sông ngày nào.
 Măng còn nói nhiều về hình ảnh làng xóm trong tương lai sẽ bê tông hóa, ngói hóa. Kiến trúc nông thôn theo trật tự để đường dây điện thẳng tắp. Rồi tiềm năng du lịch phát triển, nó sẽ dẫn những đoàn khách du lịch về qua đây - nghề nghiệp tương lai của nàng mà - Măng nói huyên thuyên theo bản tính từ nhỏ. Thơm nghe không rõ lắm. Gần đây tự dưng Thơm đâm ra ngán ai nói nhiều. Những ngôn từ tuôn ra ào ạt một lúc làm cho Thơm mất khả năng tiếp thu.
Lúc này Thơm thấy thật tâm đắc một điều người ta nói đã lâu: Trên mặt đất làm gì có con đường, do người ta đi mãi thành con đường mà thôi.
                                                                                                           2-1999