Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

NÓI THUÊ



Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

     Nơi Trạng đến dạy học là cù lao Lá. Muốn đến đó phải đi hai mươi kilômet đường bộ dằn xóc ổ gà và ngồi đò một tiếng rưỡi. Cù lao ấy nằm gần cửa biển. Nó được bao bọc bằng nước mặn quanh năm. Bạn đồng nghiệp coi đó là nơi đi đày của giáo viên mới ra trường nhưng với Trạng thì không phải vậy. Dù điều kiện sinh hoạt có khó khăn nhưng đây lại là môi trường thích hợp với Trạng không đâu bằng.
Trạng học không giỏi môn nào nên nhiều lúc anh cũng không biết mình yêu thích gì. Chọn ngành sư phạm làm giáo viên cấp I, nhưng đến khi thực tập, Trạng mới phát hiện ra rằng chưa có giờ nào mình dạy đạt yêu cầu cả. Không sai kiến thức thì cũng phạm phương pháp sư phạm hoặc cháy giáo án. Kết quả ra trường của Trạng cũng ngấp nghé điểm trượt, anh cho đó là may mắn.
Cư dân ở cù lao này khoảng một ngàn người. Trường học chỉ hai lớp: lớp Một buổi sáng, lớp Hai buổi chiều. Trước kia có hai giáo viên phụ trách. Một cô giáo đã nghỉ để sinh con thứ ba, sau đó không trở lại trường nữa và một thầy giáo già đã nghỉ hưu. Vậy là ngôi trường mới này Trạng vừa là giáo viên vừa là hiệu trưởng đồng thời với dân làng anh còn là bậc trí thức số một. Chẳng thế mà mọi người từ già đến trẻ đều cung kính gọi Trạng là Thầy giáo.
Dù là xứ lạ quê người nhưng Trạng được anh Trắc cho ở nhờ. Nhà anh Trắc là một hiệu may, tầng trên nhà là căn gác bằng gỗ rất xinh xắn, thông thoáng và nên thơ giữa cù lao lộng gió. Anh Trắc giao cho Trạng “giang sơn” ấy và dặn con cái không được làm ồn hoặc lục lọi sách vở của Thầy. Trạng rất vừa ý, nhưng điều Trạng thích hơn nữa là cái giếng nước nhà anh, nó trong veo và ngọt lịm. Cả cù lao không chỗ nào đào ra giếng ngọt. Dân làng phải đến mua nước sinh hoạt từ giếng nhà anh Trắc. Số tiền thu được mỗi ngày vào mùa nắng có khi bằng cả tháng lương của Trạng. Anh Trắc cho Trạng xài thoải mái mà không mất tiền.
Cả cù lao Lá này chỉ có tiệm may của anh Trắc là duy nhất. Những ngày ở đây Trạng mới nhận ra anh Trắc là một thợ may không khéo tay. Hình như anh chưa may một bộ đồ nào gọi là hoàn chỉnh. Không hiểu sao anh lại làm thợ may mà không làm nghề khác để có kết quả khá hơn là cho ra những bộ quần áo vụng về kia. Cái vụng về hàng ngày cứ phô ra sờ sờ trên đường kim mũi chỉ cho đến cách tạo dáng, tạo mốt. Đó là chưa tính những kiểu áo rất dị hợm mà anh bảo là sáng tạo, là cải tiến cho hợp thời trang.
Nhưng chắc rằng tài may vá chừng ấy lại là sở trường của anh. Anh đã không chọn lầm nghề, nếu phải làm một công việc khác thì kết quả còn tệ hơn. Nhìn anh đứng trước mảnh vải còn mới nguyên tay lăm lăm sẵn thước, kéo, phấn màu Trạng biết trước rồi đây chủ nhân của nó mặc vào sẽ bị phá đi nhân dáng ở một chỗ nào đó.

*
*    *
Trạng bước vào nhà sau một buổi dạy vừa đói vừa mệt, lại gặp ngay một cô gái đến nhận đồ ở tiệm may. Vẻ mặt phụng phịu, bất ưng, cô bảo anh Trắc:
- Anh mua khúc vải khác cho tôi, cái áo này hư rồi.
Anh Trắc chỉ ngay Trạng phân bua:
- Cô hỏi Thầy giáo xem cái áo này mà hư tôi vui lòng đền cho cô.
Trạng ngồi xuống cố nặn ra nụ cười thật tươi và thật lịch sự:
- Nếu vài chục năm trước cái áo này có thể gọi là hư vì lúc ấy người ta không mặc mốt này mà ngắn hơn và rộng hơn, tay lại xòe ra như cánh dơi. Còn bây giờ, theo chỗ tôi được biết, chiều dài nó phải ngần này và nó ôm sát người như vầy chứ không rộng như xưa. Tôi về Thị xã vẫn thấy các cô mặc giống vậy. Nếu cô thích mốt cổ điển mà không ưa kiểu hiện đại thì biết làm sao.
Cô gái lúng túng.
- Nhưng hai tà áo lại hẹp làm vạt áo không khép kín, ngó thấy kỳ kỳ.
- Đó chính là nét duyên dáng và hấp dẫn của phái đẹp. Cái đẹp phải được e ấp nửa kín nửa hở mới hay.
Rồi Trạng say sưa nói về những bộ quần áo thời trang người ta mặc hở vai, hở ngực, hở rốn, hở nguyên tấm lưng nghĩa là phô bày ra những nơi trước đây vẫn mặc kín nhưng đó là cái đẹp trơ trẽn. Thân thể phụ nữ... một kiệt tác của tạo hóa, mà cái đẹp phải nửa kín nửa hở mới làm mê mệt người ta. Hình như cô gái bắt đầu thấm nhuần cái thuyết “nửa kín nửa hở”, Trạng mới bắt đầu chuyển sang mode thời thượng của Tây phương là mốt trong suốt. Người ta mặc quần áo bằng loại vải trong suốt có thể thấy mọi đường nét của cơ thể. Đó là con đẻ của thuyết siêu mốt. Mốt của mốt là không mặc mốt gì cả. Nhưng đó là chuyện bên Tây. Người Á Đông thì không thích hợp vậy đâu. Trạng nói say sưa như một giáo chủ thuyết pháp trước tín đồ cho đến khi cô gái xứ cù lao trả tiền, nhận áo và vui vẻ ra về. Lúc bấy giờ Trạng mới thấy cái đói cồn cào trở lại. Anh Trắc vỗ vai Trạng và mỉm cười thật đáng yêu. Hôm ấy anh ăn cơm chung với Trạng và không ngớt gắp thức ăn bỏ vào bát Trạng như chiều chuộng đứa bé rất cưng.
Người dân ở cù lao Lá này có mức sống tương đối nghèo nên sự học không được chú trọng lắm, thường người ta cho con đến lớp học cho biết  chữ, hết trường lại nghỉ chứ chưa có ai dám vượt cồn để vào đất liền học tiếp. Vài năm gần đây nhờ có bãi bồi ngày một rộng ra, nghêu về trú ngụ nhiều vô kể đến mức ngạc nhiên. Có người bảo rằng do bãi biển của tỉnh bên cạnh bị ô nhiễm sau mấy vụ chìm tàu dầu nên đàn nghêu kết bè tìm sang cù lao bên này trú ngụ. Chính quyền địa phương và dân hợp tác nhau nuôi và giữ nghêu. Công việc suôn sẻ và thắng lợi. Tiền thu hoạch nghêu hàng tháng được chia đều cho đầu người trong làng từ già đến đứa bé mới đẻ. Nếu có nhận thêm công giữ  hoặc bắt nghêu thì tiền chia sẽ tăng thêm. Còn bình quân mỗi tháng một nhân khẩu có lương nghêu xấp xỉ lương giáo viên của Trạng.
Đời sống được nâng cao, nhu cầu về mặc cũng nâng theo, người ta dám may những bộ quần áo bằng vải đắt tiền và may nhiều hơn trước. Việc của anh Trắc càng bận rộn hơn, anh làm cả ngày đến tận nửa đêm mới đi ngủ. Những ngày Tết trông anh càng phờ phạc đáng thương hơn nữa. Tuy nhiên anh không hề từ chối bộ đồ nào mà khách đặt may. Từ bộ áo cưới sang trọng cho đến bộ áo the quần lá nem. Y phục nam hay nữ anh đều nhận cả. Đôi khi Trạng cho đó là người dũng cảm. Không dũng cảm sao được khi anh dám lao vào những việc mình chỉ biết lờ mờ hoặc điếc đặc. Nhưng có lẽ dũng cảm nhất là người mặc dám trình diễn tác phẩm ấy từ đầu làng đến cuối xóm.
Đang ngủ lơ mơ Trạng nghe ở dưới tiếng người khách phàn nàn về cái áo sơ mi không ưng ý. Anh Trắc đã cố giải thích và bào chữa nhưng ông khách tỏ ra không muốn nhận chiếc áo. Đúng lúc ấy Trạng xuất hiện. Ông khách nêu ra ba việc mà ông không ưng: áo dài quá khổ, túi áo không cân đối với cái áo, vai xệ không đứng.
Trạng ôn tồn giải thích như người khách quan:
- Áo dài là thợ may không ăn bớt vải của khách, muốn ngắn đâu khó gì. Chiều dài của áo như vậy mới hài hòa với chiều cao dong dỏng của người mặc và nó càng tăng thêm vẻ sang trọng. Còn cái vai áo, bây giờ ở thành thị người ta chuộng kiểu vai xệ hơn mức chuẩn là 5 phân gọi là độ lệch vai, anh Trắc may vậy là muốn hợp mốt. Xưa người ta may túi áo to bè có thể đựng nửa chục gạo, còn bây giờ không ai may vậy nữa. Quan niệm mới bây giờ cái túi chỉ còn mang nghĩa tượng trưng thôi chứ không phải đựng bạc kè kè hay thứ gì khác.
Rồi Trạng thuyết một hồi về thuyết tượng trưng ở đời với nhiều thuật ngữ rất kêu mà chính Trạng cũng không hiểu nổi. Anh nông dân xứ cồn bãi im lặng, nét mặt cau có lại giãn ra thành sự hài lòng do những điều “sang trọng, thời trang”... làm cho anh cảm thấy cái vai xệ, cái bề dài thậm thượt và cái túi treo lủng lẳng thành sự đáng yêu, chấp nhận được.
Khách về rồi, anh Trắc nhìn Trạng cái nhìn biết ơn và nể trọng như bao nhiêu lần Trạng giúp anh “thoát hiểm” bởi những vị khách khó tính. Giữa Trạng và anh Trắc tuy không nói ra nhưng nó đã trở thành cái qui ước, cái hợp đồng bất thành văn là Trạng có bổn phận phải moi tim óc tìm lời lẽ trau chuốt, bào chữa cho cái vụng về, cái sai trong sự nghiệp may vá, giúp anh thoát hiểm và nhận từ đó sự ưu đãi về nơi ăn chốn ở mà anh Trắc đã giúp cho Trạng. Thường sau những lần ấy Trạng thấy người rỗng ruễnh lạ thường và nghe nỗi chán chường dâng lên: chán chính mình - kẻ nói thuê.
Nằm trên gác, Trạng nhớ đến cô bạn gái giờ là ca sĩ. Thực ra cô không có tài ca hát nhưng muốn thành ca sĩ cô phải đổi đi những gì khác hơn tài ca hát thực sự của mình. Trạng nhớ lúc trước, anh rất thích nghe chương trình thời sự của đài phát thanh X. nhưng không hiểu sao người ta để cho một người có dị tật trong giọng nói làm phát thanh viên. Mỗi khi cô ta phát âm lên, Trạng nghĩ rằng cô cần làm cái động tác cho thông mũi hay cái gì đó vướng mắc trong cổ. Giọng đọc của cô làm người ta hình dung ra một người mặc cái quần rộng và dài lại ướt sũng cứ lượn qua lượn lại trước mặt. Vậy rồi thôi, Trạng không bao giờ nghe đài phát thanh đó nữa.
Trạng có cái may hơn họ, Trạng ở cái vùng cồn bãi này một mình một cõi, những đứa học trò nhỏ dại chưa đủ khả năng đánh giá năng lực của Thầy.
*
*    *
Cái việc nghêu bỏ đi như một đòn đau đánh vào đời sống đang tạm ổn của người dân cù lao Lá. Chỉ mới bốn năm, cái đói cái nghèo đã lùi đi. Người dân nghèo đã làm lại được mái nhà tôn cột gỗ, có những phương tiện để giải trí vui chơi. Không ai biết được vì sao nghêu lại bỏ đi. Nó đi hàng đàn hàng lũ. Con này cắn lưỡi con kia kết thành bè mảng lớn tuôn đi, cuốn sập bao nhiêu vàm đáy ngoài sông. Nghêu đi như có một mệnh lệnh của giống loài đi tìm vùng đất mới. Sau cùng người ta tìm cách khoanh lại, ngăn chận không cho nghêu đi tiếp, rồi cho thức ăn, bảo vệ bến bãi yên lành nhưng rồi những con nghêu ấy cũng chết dần, chết mòn một cách khó hiểu.
Người dân cồn chỉ biết lắc đầu bảo nhau rằng:
- Thôi cũng đành. Nó ra đi cũng như lúc trước nó tự đến. Giữ làm sao được chim trời cá nước!
Chiếc tàu lớn dùng để chở nghêu về thành phố giờ được sử dụng vào việc chở khách từ thị trấn về cồn và ngược lại. Tàu có công suất lớn nên chạy chỉ mất một phần ba thời gian so với đò nhỏ. Người ta buôn bán, giao lưu với đất liền nhiều hơn. Chợ Cồn giờ có nhiều người từ thành phố đến bán đồ xon, đồ tồn kho giá rẻ, nhất là quần áo may sẵn của những trường dạy cắt may. Có những bộ quần áo bình dân giá lại chỉ bằng tiền công may ở hiệu anh Trắc. Người ta đổ xô mua loại bao bì dùng liền này rất nhiều.
Còn những cô dâu chú rể chỉ cần mất nửa tiếng ngồi đò là đến chợ huyện thuê đồ cưới muôn màu muôn vẻ không mất nhiều tiền như mua sắm.
Những xấp vải của khách đặt may thưa dần trong tủ anh Trắc. Đôi khi cũng có vài người đặt may áo the thâm, quần lá nem mà những hiệu may công nghiệp không thể may được. Những loại này anh Trắc may tương đối đỡ, không cần phải bào chữa. Nhưng loại khách hàng này hình như hàng chục năm mới sắm một bộ.
Dạo này anh Trắc thường lấy kéo ra mài. Anh ngồi trầm ngâm, lầm lì mài cho đến tóe lửa, tiếng bánh xe nghiến nghe ghê tai. Trạng có cảm giác anh Trắc đang mài một nỗi niềm gì ngoài cái kéo. Nhưng dù sao tiền bán nước giếng hàng ngày cũng dư dả cho gia đình anh sinh sống. Gần đây vợ anh Trắc thường chì chiết mấy đứa con:
- Nè tắm xối nước vừa thôi, mày dội ào ào chịu sao thấu. Nước cũng là tiền mày biết không?
Trong cách nói của chị hình như ngoài lũ con trẻ còn cốt để ai khác nữa nghe.
Lúc trước anh Trắc thường thức khuya để cắt đồ hoặc làm khuy nút. Anh nấu bình trà đậm hoặc pha cà phê mời Trạng xuống uống nói chuyện tào lao. Bây giờ những cử uống trà ấy vắng hẳn. Trạng pha trà mời anh Trắc thì anh bảo: - Bận rồi hoặc đau đầu không ngồi lâu được.
Tuy vậy, trong xóm cồn Lá ngoài một vài gia đình đã xây nhà từ xưa là không kể, có lẽ anh Trắc là người định xây nhà to đẹp và tân thời nhất. Vật liệu anh đã mua chất đầy sân trước, sân sau.
Một buổi sáng anh Trắc rủ Trạng đi uống cà phê ở quán gần nhà thờ - cái quán cà phê có trộn rất nhiều bắp rang. Anh Trắc có vẻ vui hơn ngày thường. Trên đường về anh bảo:
- Trạng à, anh sắp xây nhà trong nay mai. Căn gác em ở, cây mục gần hết cũng nguy hiểm cho em. Thôi vầy nghen, chừng nào anh cất nhà xong hãy tính, giờ em tìm chỗ nào ở tạm, hay là ở trường học chẳng hạn...
Anh Trắc nhìn Trạng cái nhìn của một thợ may trước mảnh vải vụn mà nó lỡ cỡ không biết dùng vào việc gì khi cái áo đã may xong. Cảm giác rỗng ruễnh, hoang vắng đến với Trạng như sau mỗi lần ca ngợi cái thành phẩm dị tật của anh Trắc. Hôm ấy đứng trước lớp Trạng không sao thoát được ý nghĩ mình như một con mèo vải nhồi bông mà người ta đã moi hết ruột chỉ còn lớp da nhăn nheo, bẹp dúm. Vậy là xong, cái hợp đồng bất thành văn coi như chấm dứt.
Đàn nghêu đã cắn lưỡi kéo nhau ra đi, nhưng Trạng sẽ ở lại đất cồn bãi này với đàn học sinh thật thà chất phác, những mái đầu vàng cháy học hành bữa giáng bữa thăng và chưa có em nào vượt cồn để học tiếp. Vâng, dù thế nào đi nữa Trạng cũng sẽ ở mãi nơi đây.