Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


Phần 2 – Rời khỏi mái nhà xưa



Chiếc xe Jeep lao nhanh trên đường quê để lại một đám bụi dài rồi ngừng lại trước ngõ nhà tôi - Chiếc xe Jeep mà tôi vẫn thường thấy đậu ở bót chợ xã. Bước vào nhà là một nhóm bốn người mặc đồ nhà binh, trong đó có hai người thường đến nhà mua gà. Ba mẹ tôi chào hỏi và mời ngồi. Họ tỏ ra rất lịch sự, lễ phép, có lẽ nhỏ tuổi hơn ba mẹ nên họ gọi ba là bác.
- Chúng tôi đại diện quân đội Việt Nam Cộng hoà ở quận thông báo cho gia đình bác biết tin rằng: Miếng vườn nhà bác quân đội Quốc gia sẽ dùng đóng bót. Dạ, cần phải có cái bót ở đây để bảo đảm bình yên cho dân làng. Việt cộng dạo này hay về đây quấy nhiễu quá.
Ba tôi sửng sốt trước tin đột ngột này. Lặng đi một hồi, ông hỏi:
- Hết cả miếng vườn nhà tôi sao?
- Dạ, vườn nhà bác rộng hơn một mẫu, cái bót nằm gọn trong diện tích ấy. Còn mấy vòng rào, hầm hào chung quanh vị chi khoảng sáu mẫu. Gia đình nào nằm trong vòng ấy sẽ phải dời đi.
Mẹ tôi nói:
- Miếng vườn tôi tạo tác bao năm trời mồ hôi, nước mắt mới được như hôm nay. Mấy ông đóng bót tôi biết ở đâu, làm gì mà sống?
Người lính mặt vuông, miệng lấp lánh cái răng vàng có lẽ lớn tuổi nhất trong bọn, chậm rãi nói:
- Tụi cháu hết sức thông cảm hoàn cảnh của bác, ngặt nỗi đó là lịnh của cấp trên cháu không có quyền. Nhưng theo cháu biết khi chính phủ ra lịnh đốn hết cây vườn thì sẽ có tiền đền bù hoa lợi cho chủ đất. Chừng ấy bác làm đơn xin đền bù hoa lợi gởi lên tỉnh, người ta sẽ cứu xét.
Bọn họ đứng lên chào cả nhà sau khi ném lại một câu chắc nịch:
- Thời hạn trong vòng hai tuần, gia đình kiếm chỗ khác dời nhà. Ít hôm nữa chúng tôi sẽ cho dân “xâu” khởi công. Bác ráng nghen.
Ba mẹ tôi ngồi chết lặng không ai nói lời nào. Cơm nước đã xong mà không ai muốn ăn. Hai đứa em kêu đói, tôi bới cho mỗi đứa một chén. Thấy ba mẹ không ăn nó hỏi:
- Sao không ai ăn hết vậy chị Hai?
- Em ăn trước đi. Ba mẹ mắc bàn công chuyện, ăn sau.
Phải bỏ nhà cửa, vườn tược, đất đai mà đi chỉ sau vài câu nói ngắn gọn ra lịnh của nhóm người đầy quyền lực kia. Không cách gì thay đổi được.
Ba mẹ tôi cưới nhau hồi thời Pháp thuộc. Ông nội cho ba mẹ ra riêng với hai công đất vườn có trồng dừa sẵn đang cho trái chiếng. Nhờ siêng năng cần kiệm trong vòng ba năm ba mẹ tôi mua thêm được một mẫu vườn dừa của một gia đình lân cận cần bán để theo con cháu về Sài Gòn lập nghiệp. Thương ba mẹ tôi thật thà, siêng năng, người chủ đất bán giá hời, vừa sức mua. Thật là dịp may hiếm có. Cộng lại, nhà tôi được một mẫu hai vườn dừa. Bình quân tháng dừa treo hay dừa sung thu hoạch khoảng hai thiên trái. Giữa khoảng dừa ba tôi trồng xen chuối, mãng cầu, rau, ớt, sả… Mỗi sáng mẹ tôi bán các thứ đó đủ để mua gạo, dầu lửa, nước mắm và các thứ lặt vặt. Còn thức ăn, có mấy cái lờ, lợp quanh mương. Tiền bán dừa hàng tháng mẹ tôi dành riêng không động tới. Chi tiêu cần kiệm như mẹ nên hàng xóm hay đùa bóng gió là mẹ keo kiệt. Nhưng ai nói gì mặc lòng, mẹ tôi luôn tận dụng cơ hội để làm sinh lợi. Khi đập dừa phơi khô, mẹ tôi dùng nước dừa để nấu nước màu. Nước dừa được lượt sạch cho vào cái thùng lớn khoảng 40 lít và đặt vào cái lò khoét dưới đất, đun bằng củi săn hoặc dừa mỏ. Một thùng nước dừa đun âm ỉ một ngày một đêm mới thành thứ chất lỏng sệt màu nâu đỏ dùng để ướp cá kho rất ngon. Người ta chuộng nước màu dừa vì kho cá ngon hơn nước màu thắng bằng đường. Có bao nhiêu người ta cũng mua hết vì ai cũng ngại thắng lâu lắc. Mẹ tính một thùng nước dừa nấu ra số tiền bán nước màu bằng 40 trái dừa khô. Mọi thứ đều có sẵn, tội chi mà không nấu.
Cách làm ăn và tính toán của mẹ, sau này nghĩ lại tôi không ngạc nhiên vì sao ngày ấy mẹ có cả ô vàng.
Ba mẹ tôi thẫn thờ suốt mấy ngày, đến bữa ăn qua loa cho xong. Đêm ba ngồi uống nước trà một mình mãi tận khuya. Ông không uống rượu cũng không hút thuốc. Một hôm ba từ thị xã về nói với mẹ:
- Tình hình này mình không thể ở lại làng quê nữa rồi. Nay lính ruồng bố, mai bom bỏ, cà nông rớt. Bất an lắm. Lại còn chuyện học hành của mấy đứa con. Tui dò hỏi rồi gần chợ tỉnh có miếng đất mình có thể mua được nhờ ông chủ vựa dừa khô điềm chỉ. Chỗ quen biết, người ta thương hoàn cảnh mình.
Mẹ tôi dè dặt hỏi:
- Về đó biết làm gì sống?
Ba tôi cười tự tin:
- Lo gì. Mình siêng năng thì lo gì đói. Tôi quan sát kỹ rồi. Những người không trực tiếp sản xuất thường ít nguy cơ bị nghèo đói hơn người quanh năm chăm bẵm đồng áng. Mình làm cách nào ra tiền mà lương thiện là được. Chứ bây giờ mình bị hất ra khỏi mảnh đất mình dầy công tạo dựng mà người ta không cần biết mình sẽ đi đâu, về đâu.
Tôi nghe ba mẹ bàn trong đêm như thế và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tôi ngủ trong không không khí mát dịu của hương khuya đẫm mùi bông cau mới nở, quyện với mùi dừa sấy thơm thơm, béo béo và mùi nước màu vừa sắc tới. Rất nhiều mùi như vậy tẩm ướp giấc ngủ tuổi thơ tôi.
Chỉ một tuần sau khi nhóm người mặc đồ nhà binh ra lịnh đóng bót, người ta bắt đầu phát quang dọn bãi. Có cả trăm thanh niên thường dân bị bắt gom lại từ nhiều xã. Mỗi người xách theo cơm ăn trưa và đem dao, búa, cưa đến để hạ san bằng mọi cây cối trong vườn. Hạ tất tần tật không chừa một thứ chi. Có những người đàn ông hơn năm mươi tuổi vẫn phải đi làm – dĩ nhiên làm không công - người ta gọi là đi làm xâu. Những cây dừa hàng ngày ba tôi cưng quý, chăm sóc giờ đây người ta cầm dao, cầm búa đốn không thương tiếc. Những thân cây to lớn, dềnh dàng đổ ngã xuống mương ầm ào, nước bùn văng tung toé. Nhiều tiếng búa đốn cây vang lên cùng lúc hoà với tiếng cây đổ, tiếng chửi rủa tục tĩu của bọn lính chê người làm xâu chậm chạp, lười biếng. Tất cả thành một thứ âm thanh hổn độn ma quái đầy khiếp đảm mà tôi chưa từng gặp trong đời.
Tôi thấy mặt mẹ tôi đanh lại, xanh mét. Hai thằng em khóc giãy đành đạch, túm lấy áo mẹ:
- Mẹ ơi, làm gì đi, người ta đốn cây của mình hết rồi kìa. Sao kỳ vậy mẹ?
Mẹ tôi nói giọng thật buồn:
- Mẹ biết làm sao? Người ta có súng đạn mà con.
Thằng Phụng, thằng Hoàng vẫn không chịu im. Có hai người lính mang súng bước vào nhà ngồi xuống ghế, vẫn giọng như lúc đầu mới đến:
- Bác à, thôi đừng buồn. Bác làm đơn đi. Chính phủ Quốc gia sẽ đền bù nhân công hoa lợi cho bác.
Nói gì thì nói mẹ tôi lặng thinh không đáp. Hồi lâu bọn họ bước ra lại lao vào hò hét, chửi bới đám dân làm xâu. Hai đứa em thấy súng đạn tạm im, khi chỉ còn lại mẹ chúng lại khóc ỉ ôi. Mẹ tôi nói cương quyết:
- Thôi được rồi, đừng khóc nữa. Miễn sao mẹ không để con đói. Vẫn có quà bánh ăn, vẫn có quần áo đẹp cho con là được rồi. Làm thinh dùm mẹ.
- Sao ba mẹ không làm đơn gởi nhà nước sẽ đền cho mình? – Tôi hỏi mẹ.
Mẹ tôi quắt mắt giận dữ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ giận như vậy, nhưng bà nói thật nhỏ:
- Mày tin điều đó là thật hả? Chúng nó mua gà nhà mình biết bao nhiêu lần rồi trơ mặt ăn quỵt. Nhỏ nhặt vậy mà còn ăn trên đầu, trên cổ của dân không biết ngượng ngùng nói chi đến số tiền lớn. Nó đến đóng bót trên đất mình theo lệnh của chính phủ. Chính phủ đâu có đui, có điếc mà không hay không thấy để mình phải làm đơn. Đó là những lời mỵ dân, chứ thật lòng họ muốn đền tiền thì trước khi làm sao không hỏi miếng vườn trị giá bao nhiêu, chồng tiền rồi hãy đóng bót. Nó ỷ có sức mạnh, trong tay có vũ khí. Mình không chịu có được đâu.
Mẹ tôi nghiến răng nói thật nhỏ: “Sớm hay muộn tụi bây cũng sẽ bị tiêu diệt. Quân tàn nhẫn!
Nghe mẹ nói tôi mới bớt ngu một chút. Mấy người làm xâu được lịnh nghỉ xả hơi, họ chặt dừa nạo uống cho đỡ khát. Tiếp theo đó là đội quân đàn bà vợ lính kéo vô vườn một cách ngang nhiên như vườn này lâu đời đã là của họ. Họ cầm dao chặt những quày dừa bỏ vô bao cột lại. Dừa khô, dừa cứng cạy, dừa nạo muỗng họ đều chặt tất. Kế đến họ bắt dân làm xâu lấy búa đẵn cổ hũ dừa vác xuống ghe đã đậu sẵn. Chuối, mảng cầu, xoài, ổi, mít họ bỏ vào bao may miệng lại. Đến chiều, công việc thu gom vơ vét trái cây đã xong, chiếc xuồng bảy lá hai kèm nhiều lượt chở đi. Còn lại những bao dừa lặt lè họ khuân vô nhà, dỏng dạc nói với mẹ tôi:
- Bác ơi cho cháu gởi mấy bao này, mai cháu đến chở. Giờ khẳm quá!
Mẹ tôi như người điếc, không nói một lời nào cũng không nhìn. Mấy người vợ lính điềm nhiên ra về với vẻ tự đắc ngầm nói: Gởi đó còn đó, ai dám động đến.
Chiều chạng vạng công việc san bằng vườn tược tạm xong. Dân xâu về nhà ăn cơm, mai trở lại làm sớm. Tên lính răng vàng thu hết giấy căn cước của họ, nói rằng việc làm bót còn dài dài, chừng làm xong trả giấy lại. Ai trốn sẽ thành dân bất hợp pháp.
Lũ người rần rần, rộ rộ kéo đi hết để lại xóm tôi sự hoang tàn ngổn ngang chưa từng có. Lúc trước trái cà nông lẻ loi rớt trong vườn làm gãy đổ 9 cây dừa, mẹ tôi nhặt nhạnh đem vào xuýt xoa tiếc rẻ. Bây giờ một mẩu hai vườn với 300 cây dừa và xoài, mít, chuối, ổi… bị huỷ diệt sát mặt đất mà mẹ không nhặt được một trái nào. Bên kia vườn bà Bảy Võ cũng đồng cảnh ngộ như nhà tôi. Tiếng bà gào khóc trong chiều nhập nhoạng, mờ nhoà ghi mãi trong lòng tôi nỗi thê thiết không bao giờ phai.
- Quân ăn cướp, Quân giết người. Trời tru đất diệt tụi bây. Tao còn biết ăn đâu, ở đâu bây giờ.
Tiếng con gái bà rõ mồn một:
- Thôi đừng la khóc nữa má ơi! Má nói nó nghe bây giờ. Lũ nó từng ăn thịt người có sợ gì ai. Má hổng thấy bữa hổm nó xách một xâu gan người xào nhậu đó sao. Để từ từ con liệu, con ở đâu má ở đó. Mẹ con mình no đói có nhau.
Sáng sớm tôi thức dậy ra vườn thấy tôm càng xanh râu đỏ bên mép bờ. Do cây đổ xuống ao làm đục nước. Rất dễ dàng, tôi thò tay bắt gom lại đựng một cần xé đầy. Tôi và mẹ khệ nệ khiêng vào nhà. Bây giờ và mãi mãi về sau nhà tôi sẽ không còn được mùa tôm nào nữa. Trước kia, mỗi năm hai lần ba tôi tát ao thu hoạch chừng năm, ba cần xé tôm là chuyện thường. Hai em láu táu, mẹ tôi nướng tôm ăn mỗi đứa một con càng xanh là ớn óc. Ngày ấy tôm cá nhiều vô kể và không đắt đỏ lắm. Mẹ tôi bắt xoong bự lên bếp luộc tôm rồi đem phơi ra liếp. Để lại một thau lớn, bà bảo:
- Đứa nào ăn thì ăn đi. Sau này không có tôm nữa đâu!
Mấy tay vợ lính cặp ghe đến sớm, quyết tâm chở nốt số dừa đã gởi, kiểm tra lại đủ số bao, sợi dây cột không mất dấu mới khuân xuống ghe. Đi ngang mấy liếp tôm phơi, nói giọng tiếc rẻ:
- Phải chi mình đến sớm cũng bắt được một số rồi hen!
Mẹ tôi lấy chổi quét sàn sạt từ nhà ra sân, át cả tiếng heo nái hò hét ngoài chuồng.
Ngồi xuống bật thềm tôi nhẩm tính. Ba trăm cái cổ hũ dừa là ba trăm phần tương lai. Chúng nuốt vào bụng, chúng hủy diệt ba trăm phần tương lai ấy. Và còn biết bao cây dừa chết oan khác.
Bọn lính và tốp người làm xâu kéo đến. Họ bắt tay vào việc cưa đoạn từng cây dừa. Lính bảo chủ nhà không được lấy thân dừa vì sẽ dùng vào việc làm hầm, vọng gác. Tôi nghe mấy người đàn bà có vườn bị đốn đến nhà nói với mẹ:
- Cái đồ xỏ lá, tui thấy nó đem bán cho trại cưa lấy tiền bỏ túi kìa.
Trưa hôm đó, ba tôi nói với cả nhà:
- Mai không chở dừa khô nữa mà chở đồ đạc đến chỗ mới. Chuyển dần từng xe gởi nhà người quen. Lên đó che lều ở tạm chờ làm nhà mới. Nhà này cho vợ chồng thằng Giúp giở về làm chòi chứ nhà lá giở ra cũng hư hết.
Ba tôi gầy sọp hẳn, ông ít cười nói với hai thằng em mặc dù cũng mua quà bánh cho nó. Dường như đoán biết, hai đứa lủi thủi ngồi chơi riêng không hay méc ba chuyện này đến chuyện nọ như trước. Đêm nằm tôi không tài nào ngủ được. Đâu rồi mùi bông cau nở, mùi dừa sấy, mùi nước màu dừa sắc tới? Chỉ còn độc một mùi duy nhất: mùi thối của lá đầy ngập mương vườn. Mọi ao mương đều thối, cả mấy mẫu vườn lân cận cũng thối nồng nặc trong màu nước đen sẫm. Đến khuya tôi nghe choáng váng mặt mày và nôn  thốc tháo. Mẹ lo lắng đâm nước gừng với mật ong cho tôi uống rồi hít long não. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ mê mệt, người sốt hầm hập. Trong mơ tôi thấy mẹ tôi thành một bà điên đi khắp nơi ca hát múa men. Tôi khóc thét lên gọi mẹ và chợt thức giấc vì trời đã sáng rõ, tiếng người làm xâu cùng với nhiều nhát búa chan chát.
Vịêc di dời nhà cửa ba tôi thực hiện trong mấy ngày liên tiếp bằng xe ngựa. Chuyến cuối cùng ông chở cả nhà: mẹ, hai em trai và tôi. Trong nắng chiều mờ nhoà, con ngựa gõ từng bước mệt nhọc trên đường quê xa dần khu vườn cũ, căn nhà cũ. Tôi nhìn lần  cuối miếng vườn thân yêu đang biến dạng thành những hầm hào, bờ thành, lô-cốt.
Suốt mấy ngày qua từng đàn chim bay lượn qua khu vườn cũ ngơ ngác tìm tổ. Chắc chúng cũng bàng hoàng ngơ ngác như gia đình tôi, như những gia đình lân cận. Nước mắt tôi chảy dài dù tôi không khóc. Tôi nói thầm thì: bay đi chim ơi, tìm đất lành mà đậu. Tao cũng đi đây. Chốn này không còn là của chúng ta nữa - của những sinh linh chỉ biết sống thật thà để mưu cầu hạnh phúc.
Con chó vàng chạy lốc thốc sau xe. Thằng Hoàng khóc đòi ba dừng xe cho nó bồng con vàng lên ngồi chung. Con vàng là thành viên thứ sáu của gia đình.
Chiếc xe di chuyển chậm chạp trên đường đêm, tiếng chân lóc cóc của ngựa hoà với tiếng đồ vật va chạm trong xe gieo vào lòng tôi một dấu ấn không phai. Giữa đường khuya trong ánh trăng non nhàn nhạt bà Minh đứng dang tay xõa tóc cười kha khả.