Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


Phần 2 Giải thoát

Đến bữa cơm ba lại nghẹn. Vừa ăn miếng đầu tiên đã nghẹn. Cơn nghẹn của ba cứ ngày một tăng. Mỗi bữa ăn nghẹn đến ba, bốn lần. Ba bảo tôi nấu cháo đặc cho dễ ăn. Tôi tìm mua gạo Long Định dẻo thơm nấu cháo rất ngon. Ăn cháo được một tuần ba lại nghẹn tiếp. Thật khó hiểu. Tôi nhắn thằng Hoàng về ở nhà với mẹ và quyết định dưa ba đi khám bệnh ở bệnh viện Nguyễn Văn Học. Ba không chịu đi. Ông nói bình thản:
- Ở tuổi ba chết là được rồi. Mỗi ngày ba say chiếm gần hết thời gian. Tỉnh táo có mấy lúc đâu. Ba đang chết dần đó thôi. Chết là cơn say vĩnh viễn, có gì mà sợ.
Tôi có thuyết phục:
- Đi khám bịnh nghen ba, xem bệnh gì để điều trị nếu không mình về có hướng bồi dưỡng. Con giờ chỉ còn ba mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
Cuối cùng ông cũng đồng ý. Ba đi bệnh viện vì tôi chứ không vì bản thân ông.
Đến bệnh viện chuyên trị ung bướu người ta cho ba uống một ly nước trắng đục như sữa và chụp hình. Hẹn ngày hôm sau đến nhận kết quả.
Tôi đến bệnh viện bác sĩ gọi riêng tôi vào phòng hỏi:
- Ông cụ bị như vậy bao lâu rồi?
Tôi nhẩm tính rồi đáp:
- Dạ ba tháng rồi ạ.
-Cô là gì của người bệnh?
- Dạ con gái. Tôi bồi hồi đáp.
- À, tôi gặp riêng cô để thông báo rằng bệnh ông cụ là bệnh ung thư thực quản, khối u nằm khoảng 2/3 từ dưới lên. Là nan y đấy. Cô phải bình tĩnh lựa lời nói sao để ông cụ không bị sốc đột ngột.
Tôi choáng váng thực sự. Hai tay tôi run rẩy bám vào cạnh bàn. Tôi hỏi:
- Không có cách nào trị được sao bác sĩ?
Người bác sĩ có khuôn mặt thanh tú trắng trẻo, hai con mắt ưu tư toả ra cái nhìn ấm áp khiến người đối diện có cảm giác an lòng. Ông nhẹ nhàng bảo:
- Có hai phương án: một là phẫu thuật cắt bỏ khối u chỗ thực quản phình ra rồi nối lại. Mất rất nhiều sức lực và tiền bạc. Nếu ca mổ thành công thì sống được một thời gian, đó là chưa nói đến có thể di căn. Hai là nếu tình hình sức khoẻ quá yếu do trước nay không ăn được thì tốt nhất đừng mổ. Tìm cách bồi dưỡng được lúc nào hay lúc ấy. Vì có trường hợp bịnh nhân chết trên bàn mổ. Thông thường bệnh ung thư lúc phát bệnh cho đến lúc chết khoảng sáu tháng.
Tôi lảo đảo rời khỏi phòng bác sĩ. Nhẩm tính nếu không mổ thì ba còn sống không quá ba tháng nữa sao? Còn nếu mổ thì sống được vài năm hoặc không một ngày nào nữa.
Dắt ba ra băng đá ngoài sân có bãi cỏ, có hàng kiểng cây xanh. Tôi hít thở thật sâu xua đi hơi người trong khoảng hành lang chật hẹp. Hơn hai mươi tuổi đầu tôi đón nhận nhiều biến cố quá. Đón nhận trong tư thế không chuẩn bị mà cố để không ngã quỵ. Ba ngồi cạnh tôi không nói gì. Thà là ông hỏi: Ba bịnh sao? Bác sĩ nói gì với con?... còn dễ chịu cho tôi hơn. Lồng ngực tôi sắp vỡ toang. Tôi không biết nói với ba thế nào đây. Nếu mỗ, phải nói cho ông biết để ông có tư thế chuẩn bị chứ, hay là tôi tìm cách dối trá, nói quanh co để nhìn cái chết dần mòn nơi cơ thể ông. Cái điều bác sĩ nói quá đột ngột với tôi. Không thể nào kềm nén được nữa. Tôi oà khóc tức tưởi. Ba vẫn im lặng. Bình thản đến lạ. Một lúc sau ba mới nói:
- Thôi con. Đừng khóc nữa. Con nói thật đi. Có phải bác sĩ nói ba sắp chết không?
Tôi lắc đầu. Ba nhìn thẳng tôi, gằng từng tiếng:
- Này con gái à. Ba có phải là người ham sống sợ chết đâu. Chết sống là phần số mọi người. Con cũng không cần nói dối ba làm gì. Bây giờ ba đã quen đón nhận sự thật tàn nhẫn. Không có gì phải bận tâm. Chỉ tội nghiệp con. Con còn quá trẻ. Chưa chi đã khóc nấc lên rồi. Đời còn dài, phải có bản lĩnh mà đương đầu. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu đâu con.
Ba đặt tay lên vai tôi, bàn tay gầy gò, xanh xạm toàn xương. Gương mặt ba cũng gầy. Hai hốc mắt lõm sâu. Đến râu ba cũng không buồn cạo. Tôi hỏi:
- Ba ơi, nếu bây giờ mổ cắt bỏ khối u ba chịu không?
Ba lắc đầu buồn bã:
- Mổ làm chi con? Sức ba yếu lắm ba biết mà, ba không đồng ý đâu. Sống thêm một thời gian nữa chẳng để làm gì. Ba như cây đèn cầy đã cháy hết. Xong phận sự rồi. Ba muốn về nhà, chết trong nhà của mình. Chết mà không thấy quê hương nhà cửa là điều bất hạnh lớn con à.
Mắt tôi mờ nhoà. Cả sân kiểng bệnh viện, cả những bệnh nhân vào ra, cả những bóng áo trắng của thầy thuốc đi qua đi lại mờ trong nước mắt. Một bệnh nhân sắp từ giã cõi đời an ủi một người khoẻ mạnh trẻ tuổi. Ba dỗ dành tôi như ngày xưa tôi bị té đau hay bị thằng Hoàng bỏ rắn vô túi áo.
- Thôi, cha con mình về đi.
Hằng ngày tôi nấu cháo cho ba ăn. Rồi cháo đặc cũng khó nuốt. Cháo cứ mỗi ngày một loãng dần. Phải hỗ trợ thêm sữa, đường cát, hột gà, lave… những thứ ba có thể dùng được. Nhưng trời ạ, những ngày tháng ấy… những ngày tháng của năm 1978, 1979 cái gì cũng thiếu. Phải nhờ người ta thậm thụt mua chợ đen với giá trên trời mới có. Bao nhiêu tiền đan len hết vèo nhanh như cơn gió. Tôi nấu cháo cho ba, nấu cơm cho mẹ và nấu cao lương cho tôi. Ba người ba kiểu ăn. Những ngày này và mãi mãi chúng tôi không bao giờ ăn chung mâm nữa. Đêm tôi thường thức suốt để đan áo. Tôi làm việc đến vắt kiệt sức lực của mình và cái ăn nữa, chưa bao giời tôi thèm cơm đến vậy. Chỉ cần có cơm thôi ăn với muối cũng được.
Xưa, nhà máy mẹ tôi xay gạo ngày đêm, gạo bình dân cũng có, gạo cao cấp cho nhà giàu cũng có. Nhớ lại những bao gạo tròn căng may miệng bằng sợi dây đay, chở đi giao khắp nơi, ngày ấy tôi có bao giờ ngờ đời mình có lúc chỉ thèm cơm thôi, không cần thứ gì xa xỉ khác.
Tôi giấu mọi người về bữa ăn của mình. Nhìn láng máng bên ngoài người ta có thể hiểu gia đình tôi suy sụp nhưng cái mức độ thì không ai hình dung được. Nhớ đến truyện “Tình yêu cuộc sống” của Giắc – London, tôi thấy cảm phục nhà văn quá.
Thằng Phụng về thăm nhà. Nó hỏi tình trạng sức khoẻ của ba. Tôi nói: Ba mình sắp chết rồi!
Nó nói:
- Để em về chùa cầu nguyện cho ba.
- Cầu gì? Xin xỏ gì hả em? Ai có thể cho ba mình cuộc sống bây giờ.
Nó trả lời hiền hậu nhưng kiên quyết:
- Chị phải tin chứ. Lòng tin có sức mạnh cảm hoá thiêng liêng. Không còn lòng tin cũng là một dạng bịnh.
Tôi quắc mắt nhìn nó:
- Ừ, tao đang bịnh đây.
Nó chợt cười rất dễ thương như những ngày còn thơ bé. Nó đi vội vàng như lúc đến.
Bà ăn mày bước vào nhà. Đó là bà lão quen thường ghé nhà xin ăn. Xưa nay ba mẹ tôi không bao giờ để bà đi ra tay không. Ngay lúc cả nước mất mùa đói kém, ba còn xúc gạo cho bà. Thấy ba tôi nằm, bà hỏi: ông già bịnh sao?
Tôi bảo:
- Ba tôi đau nặng lắm. Nhà thương chê.
Bà khóc. Bà không xin gì và móc ra một gói xôi nhỏ bằng nắm tay, mếu máo bảo:
- Ông ơi hồi nào tới giờ ăn xin nhà ông, giờ ông đau nặng tôi không có gì báo đáp ơn sâu nghĩa nặng, xin biếu ông gói xôi.
Tôi dẫn bà ra và nói:
- Bà để mà ăn đi. Ba không ăn được đâu. Cám ơn bà lắm.
Bà lụm cụm bước ra về, sụt sịt khóc.


*
                                                       *      *
Suốt thời gian ba tôi nằm bệnh, ông đơn độc và buồn bã. Ông chưa bao giờ cạn tình với ai trong lúc khá giả, ông từng hào phóng cho đi mà không cần lấy lại hay đổi chác. Cần kiệm trong cuộc sống nhưng không keo kiệt với mọi người. Thiên hạ thường bảo: gieo gì gặt nấy. Nhưng cái gieo, cái gặt của ba mãi là câu hỏi lớn tôi tự hỏi mình mà không đáp được.
Một hôm có ông già đến lúc ba tôi đang ngủ. Ông ngồi phòng ngoài nói chuyện với tôi. Ông mặc bà ba trắng hơi cũ, chân đi đôi guốc gỗ không sơn. Tóc bới. Ông tự giới thiệu:
- Bác với ba cháu là bạn cũ. Trước kia bác nghèo lắm nhờ ba cháu cho mượn một cây (lượng) vàng làm vốn. Bác mua đất ở Tây Ninh, trồng tỉa mấy năm qua cũng có cái ăn cái để dành. Không ngờ ba cháu gặp hoàn cảnh bi đát lại mang bịnh hiểm nghèo. Bác mang đến hoàn lại để cháu lo cho ba.
Tôi ngạc nhiên quá đổi. Nếu thực sự như điều ông già nói thì quả là trời cao còn rủ lòng thương gia đình tôi. Ông già bảo số vốn đó mượn hai mươi năm rồi.
Ba tôi thức giấc cựa mình trong phòng. Tôi chạy vội vào. Ba tôi muốn uống nước. Vài hớp nước đối với ba bây giờ nuốt khá vất vả. Lấy lược chải tóc cho ba, tôi nói:
- Có người bạn cũ của ba đến thăm .
Ba ra hiệu gọi khách vào. Ông già mặc bà ba trắng đến gần giường, nhìn ba tôi nói như reo:
- Anh Bảy, anh có nhận ra Út Hiển không?
Ba tôi ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn khách rồi gật đầu, nói rất nhẹ:
- Nhớ sao không. Hồi xưa tụi mình là bạn nghèo với nhau, sao quên được.
Ông già mặc áo bà ba trắng ngồi cạnh giường khóc nức nở. Ba tôi cũng khóc – điều tôi hiếm gặp ở ông. Hai ông già cầm tay nhau cùng khóc mà không nói gì nhiều. Chừng như thấy ba tôi quá yếu ông động viên ba nằm nghỉ cho khỏe rồi lặng lẽ ra ngoài. Ông Út Hiển đưa cho tôi một gói vải màu xanh bọc bên trong những chiếc nhẫn trơn màu vàng tươi rói. Mười chiếc đều đặn. Ông già dặn tôi ráng lo cho ba, có gì cho ông hay. Dẫu sao ông cũng còn xoay sở được. Ơn ba ông già không bao giờ quên.
Ngồi một lát ông Út Hiển ra về, bảo là cho kịp chuyến xe. Tôi vào phòng hỏi ba:
- Ba ơi, bộ hồi xưa ba cho bác Út mượn vốn làm ăn hả ba?
- Ừ, hồi đó nó lận đận lắm. Mấy lần trắng tay. Sau này nghe nói khấm khá, đất điền nhiều lắm.
Tôi đưa gói vàng cho ba:
- Ba ơi, ông già đem trả số vàng đã mượn nè. Đúng không?
Nhìn một hồi lâu, ba khẽ gật đầu. Nước mắt ông ràn rụa xuống gò má trơ xương.
- Thật là một người hiếm có trên đời. Con cất đi đừng cho ai biết. Còn phải lo hậu sự cho ba và lo cái bịnh của mẹ. Tội nghiệp con gái của ba. Sẽ phải gánh nặng đấy!
Sáng hôm sau tôi đến nhà cô giáo cũ. Cô vốn có người thân là cán bộ cao cấp nên cô mua bán vàng chui được làm ngơ. Nhờ cô đổi thành tiền một chỉ vàng. Đem thử xong, cô vui vẻ đưa tiền cho tôi và nói khi nào cần đến cô nghen. Cầm xấp tiền trên tay, tôi ngỡ chiêm bao. Tiếng là con ông chủ nhưng trong túi tôi chưa bao giờ có nhiều tiền như vậy. Ba mẹ tôi nghiêm khắc trong việc chi tiêu của con, nên chúng tôi chưa bao giờ biết cầm tiền phung phí như con nhà giàu khác.
Tôi tạm thời thôi công việc đan áo để thời gian lo cho ba mẹ và tranh thủ ngủ lấy sức. Và điều lớn nhất là tôi không bị đói nữa. Tôi gầy đi rất nhiều, mặc đồ rộng rinh. Mất đến 5 ký lô. Tôi hỏi ba muốn ăn gì con mua. Ba cười khô héo lắc đầu. Rất nhanh, như ngọn đèn dầu cạn dầu, ba tôi chỉ còn xương với da. Tôi nhờ người nhắn thằng Phụng, thằng Hoàng về để gặp mặt lúc ba sắp từ giã cõi đời. Tôi biết rõ vậy và làm quen dần với ý nghĩ đó. Dẫu sao giờ phút lâm chung có con ở bên cạnh vẫn cần thiết biết bao, ấm áp biết bao trước mọi tình cảm trên cõi đời này đều lạnh giá.
Giữa những cơn mệt mỏi ba thì thào nói với tôi:
- Một đời ba căm thù giặc Pháp, rồi Mỹ. Ba có hướng đi của ba là chống lại cái nghèo, cái đói và giúp được gì cho kháng chiến trong khả năng có được là ba sẵn lòng: gạo thóc, thuốc men, tiền nong, chuyển thư từ, tin nhắn… Ba làm nhiệt tình như một việc tất nhiên ở đời không cần ai ghi nhớ, báo công, báo ơn. Đó là nghĩa vụ đối với đất nước lúc lâm nguy. Nhưng những việc ấy đã qua rồi. Ngày ấy đã xa rồi.
- Cả đời ba chưa bao giờ đặt chân đến những nhà hàng sang trọng hay chốn ăn chơi như những nhà giàu có. Cả mẹ con nữa, cả đời lam lũ, chưa bao giờ mặc bộ đồ nào gọi là sang trọng, quý phái. Chưa bao giờ được đi du lịch đó đây. Đất nước hoà bình, Bắc Nam một nhà. Đó là mơ ước cháy lòng của ba. Nhưng mà con ơi… những chuyến đi chơi trong mơ ước để biết đất nước mình rộng dài ra sao với ba mẹ đã khép lại vĩnh viễn. Giá mà hồn người được tự do bay trên đầu cây ngọn cỏ, không chịu sự khống chế nào thì ba sẽ đi năm non bảy núi, năm châu bốn biển cho thoả lòng.
Cuối cùng Phụng và Hoàng cũng về đến. Trông thấy ba nó lặng lẽ bỏ ra ngoài hiên đứng khóc. Hai thằng cùng khóc. Lạy trời nó còn biết khóc.
Một chiều cuối năm lạnh lẽo ba tôi ra đi. Ông thở yếu dần, yếu dần rồi ngưng hẳn. Bàn tay ông nắm chặt tay tôi từ từ lạnh ngắt. Hai con mắt mở trừng trừng còn đọng ngấn nước. Thằng Phụng, thằng Hoàng và tôi vuốt mắt cho ba nhưng mắt vẫn đứng chong. Tôi đến chỗ mẹ nằm dẫn bà đến bên giường, nắm bàn tay của bà vuốt nhẹ mắt ba và nói:
- Ba, mẹ chào ba đó. Thôi ba đi thanh thản nghen ba!
Mẹ im lặng như hoá đá. Kỳ lạ làm sao. Đôi mắt của ba từ từ khép kín.
*
                                                       *      *
Đám ma ba tôi diễn ra trong ngày cuối năm lạnh lẽo, buồn thảm. Người ta ngại thành phần xã hội của gia đình nên ít ai đến viếng, người ta không muốn liên luỵ vô ích. Chỉ có những người ruột thịt của ba ở gần. Bác họ trụ trì chùa của Phụng và Hoàng tu, vợ chồng chị Hai Liễu, anh Tấn và một số bà con nữa. Bác tôi nói sẽ tụng kinh sám hối cho ba sớm siêu thăng nơi miền cực lạc. Tôi nói:
- Thưa bác, con nghĩ không nên tụng kinh cho ba vì ba con suốt đời là người cha tuyệt vời, một người chân chính không có gì phải sám hối. Nếu quả thật có cõi Niết bàn thì ba sẽ được tuyển thẳng mà không qua cuộc thi trắc nghiệm nào cả.
Tôi nhìn thẳng bác bằng hai con mắt một lệch trái, một lệch phải. Cái nhìn không khoan nhượng của “con nhỏ lé cứng đầu”. Cuối cùng bác đấu dịu:
- Thôi thì tuỳ con. Bác lúc nào cũng sẵn lòng, nhưng đó là cha đẻ của con, con có quyền quyết định.
Thằng Phụng, thằng Hoàng tỏ vẻ không vui nhưng vẫn vâng lời. Xưa nay nó ít cãi tôi điều gì. Nó nói nhỏ:
- Gần đây ở chùa đêm nào em cũng tụng kinh cầu nguyện cho ba. Nếu sống thì khỏe mạnh, nếu đi theo ông bà thì đi cho nhẹ nhàng ít đau đớn.
Như giọt nước làm tràn ly, lời nói của Hoàng làm tôi khóc oà không kìm nén được. Nó có cách báo hiếu của nó. Tôi có cách làm con của tôi. Trong đời tôi chưa từng khóc như lúc ba chết. Dẫu biết rằng không thể giải quyết được gì, không thể làm cho người chết sống lại, không làm người sống bớt buồn hơn.
Mãi về sau này, nhiều chục năm trôi đi, mỗi khi nhớ đến ba, tôi không cầm được nước mắt.
Anh Tấn an ủi tôi:
- Thôi Hoài à, đừng buồn nữa. Dẫu gì bác trai cũng mất rồi. Yên phận bác. Người còn lại phải biến niềm đau thành sức mạnh, phải có nghị lực vươn lên mà sống tốt.
Tôi nhìn anh, đâu rồi cốt cách của thanh niên còn vương phong cách nhà chùa, chay tịnh nho nhã ngày xưa? Mấy năm ra đời làm cán bộ Đoàn, giờ ra dáng thanh niên thời đại mới, đầy chất thép. Nhưng cái cốt cách nhà chùa lúc lấn át, lúc nhường lối rồi pha trộn chất thép thành ra hơi hướm cải lương. Điều đó làm tôi buồn cười. Tôi biết thực lòng anh rất quý ba mẹ, đáng quý là anh không nói ra những lời đầu môi. Những lần về thăm ba bịnh lúc mang gói đường, lúc hộp sữa từ tiêu chuẩn nhỏ nhoi. Thăm viếng vội vàng rồi đi. Vậy là quý lắm rồi. Cầu trời con đường tiến thân của anh được hanh thông.

*
*      *

Sau cái chết của ba, tuy mẹ không nói gì nhưng sức khỏe bà xuống rất nhanh. Ăn ngủ đối với bà không là điều quan trọng. Phải nhắc nhở bà mới ăn qua loa. Bà giảm đi lang thang mà ở nhà xếp đi xếp lại quần áo cũ, rồi lục lọi gì ở đống đá ngoài sân.
Hôm ấy trời đã nhá nhem, chờ mãi không thấy mẹ về. Đâm lo, tôi bổ đi tìm. Trong cái ánh sáng nửa chiều nửa đêm, tôi thấy mẹ ngồi bệch dưới đất, hai tay đào bới trong đống đá dăm, cứ bới mải miết. Đến gần tôi xốc nách mẹ nhấc lên.
- Mẹ ơi, về đi mẹ!
Bà không phản kháng, cũng không nghe theo. Cả người buông lỏng. Khi dựng được mẹ dậy tôi thấy hai bàn tay mẹ ròng ròng những máu. Mười ngón tay tơ tướp nhểu giọt giọt.
- Mẹ ơi, con van mẹ, về với con, đừng tìm gì nữa!
Tôi nắm tay mẹ dẫn đi, phải về nhà mới có bông băng, thuốc đỏ. Đành phải để máu nhỏ giọt trên lối cỏ dẫn về nhà. Vô vọng rồi! Không còn cách nào mẹ có thể bình thường lại như xưa. Giờ mẹ tơ tướp, xác xơ, vô hồn. Mẹ rũ như cây cải xanh đem phơi nắng. Nếu đó là tội lỗi thì tôi sẵn sàng nhận chịu, tôi mong mẹ chết đi. Càng sớm càng tốt. Chết như ba. Đó là con đường duy nhất giải thoát cho mẹ.
Một trưa nắng, ăn cơm xong mẹ kêu nhức đầu. Tuy đôi lúc mẹ cũng bịnh lặt vặt nhưng chưa bao giờ tôi nghe mẹ kêu nhức đầu. Tôi nói mẹ ngủ một giấc sẽ khỏi. Mẹ lên giường ém mùng nằm ngay ngắn. Đến chiều không thấy mẹ dậy ăn cơm. Tôi muốn mẹ ngủ lâu lâu một chút nên không đánh thức. Gần tối tôi định gọi mẹ dậy tắm rửa, rồi ăn cơm. Đến bên giường, mẹ không còn thở nữa. Tôi im lặng định tâm lại. Dẫu đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận ngày này, giờ phút này nhưng sao tôi vẫn thấy bàng hoàng và muốn ngất xỉu. Tôi ngạc nhiên sao mình không thể khóc được.