Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

LỜI NGƯỜI CHĂN TRÂU


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


1

       Một trong những bất hạnh của chị là không yêu được chuyện cổ tích. Biết làm cách nào khác được khi người ta không yêu. Trong đời chị đã từng phải làm biết bao nhiêu việc, bao nhiêu chuyện. Phải chăn dắt đàn trâu bốn con, phải dọn chuồng trâu mỗi sáng, phải cắt cỏ tươi non mỗi chiều cho trâu. Rất nhiều cái phải nữa dù muốn hay không chị đã phải làm và có khi hoàn thành một cách xuất sắc nữa, nhưng chị đãkhông phải yêu hoặc vờ yêu cái điều mình không thể. Mọi đứa trẻ và cả người lớn đều yêu chuyện cổ tích, yêu thật lòng và say mê.
Chị còn nhớ rất rõ những lần ngồi nghe kể chuyện cổ tích. Câu chuyện có khi được kể đi kể lại nhiều lần nhưng cả người nghe lẫn người kể đều có cái say mê của lần đầu. Chị cảm thấy xa lạ với ông tiên, ông bụt, “rồi bao nhiêu cay đắng dập vùi, rồi cô Tấm cũng về làm hoàng hậu...”. Không yêu được cái nhiều người yêu là một nỗi khổ không nhỏ với đứa trẻ chăn trâu.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ những ngày còn thơ chị đã là đứa bé chăn trâu. Một tuổi thơ cháy sém bởi cái nắng trưa như thiêu đốt lùa trâu đi ăn ngoài đồng. Cái tuổi thơ thấm đẫm mùi bùn ải, đất phèn trong mưa dầm hay những ngày đông gió bấc. Cái tuổi thơ ám khói bởi những đống un khói đêm đêm xua muỗi trâu. Tuổi thơ trôi đi bên người cha lầm lì, bất đắc chí. Ngày ông cùng người mẹ lam lũ ngoài đồng với bao công việc nặng nhọc. Đêm đêm ông ngồi một mình với chai rượu, ông uống rượu khan và câm lặng. Thỉnh thoảng chị giật mình nghe ông nói mớ trong giấc ngủ: “Sống như vầy mà cũng gọi là sống sao?”.
Chưa bao giờ chị dám hát bài: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ!”.
Không hiểu ai đã tự hát về đời chăn trâu của mình một cách đau đớn đến như vậy. Đau như có bàn tay ai bịt mắt mình lại, bịt bằng đủ thứ, bằng sự tù túng không bước ra khỏi lũy tre làng, bằng sự lừa dối ngọt ngào. Hay là có ai đó hát thay cho người chăn trâu. Người đời thường tự huyễn hoặc hay huyễn hoặc người khác bằng đủ thứ hào quang thật giả, bằng cái lấp lánh của thứ hạnh phúc hoang đường ở ngày mai xa lơ xa lắc. Huyễn hoặc bằng thứ hạnh phúc của kẻ chăn trâu quả là kinh khủng.
Người ta ăn bao nhiêu của ngon vật lạ của thế gian. Người ta cỡi lên lưng bao nhiêu kiếp người mà người ta có hát gì đâu. Vậy thì những đứa trẻ chăn trâu nên hát to lên bài ca hạnh phúc của mình và củ khoai lùi tuyệt diệu ấy. Hãy hát lên đi từ những ao đầm tù đọng, từ đỉa vắt muỗi mòng, từ mái tóc hoe vàng, những bàn tay bàn chân sần sùi da cóc, từ những bữa cơm rau không đủ no, từ nỗi khát thèm đi học.
Ngoài món khoai lùi ngon hơn vàng ấy, lũ trẻ chăn trâu đã từng ăn những thứ cúng cô hồn ngoài đồng mả, từng ngoắc chiếc tàu bẹ chuối trôi bềnh bồng trên sông. Chúng ngồi lại chia nhau ăn ngon lành những món mà ngoài giới chăn trâu ra không ai dám rớ tới.
Dân gian cho rằng cô hồn, uổng tử hay thần linh ở miễu cũng rất thương con cháu Thần nông mà không bắt tội. Lời nói truyền đi là vậy nhưng chưa ai nghe một cô hồn nào chính thức hứa với đám chăn trâu rằng hãy ăn đi những gì cô hồn các đẳng đã nếm qua, ta không bắt tội đâu. Không một lời hứa, không mệnh lệnh, mặc nhiên những đứa trẻ rách bươm, nghèo đói ấy được quyền hưởng thụ.
Những cô hồn uổng tử hay người cõi âm thích vòi vĩnh cúng kiến chẳng những không hạch sách về miếng ăn đối với bọn trẻ ấy mà sự lang thang vất vưởng nơi đầu cây ngọn cỏ, cô hồn đã từng quan sát đời chúng và bầy trâu ai khổ hơn ai. Bằng khả năng của người cõi âm, cô hồn có lẽ đã cân phân chính xác con nít của tầng lớp xã hội nào khổ hơn trẻ chăn trâu?
Phú ông thừa mứa và quyền thế là vậy mà đổi cái quạt mo bằng nắm xôi phải dùng bao nhiêu mánh qué quanh co, vẽ vời ra một trời ảo vọng. Ảo vọng về một bè gỗ lim, con chim đồi mồi... Còn những cô hồn thì rộng rãi vô cùng đã từng cho không, biếu không những mâm vật thực ngon lành cho lũ trẻ chăn trâu mà không nhiều lời. Chắc hẳn những cô hồn trước kia đã phải sống cuộc sống vô cùng đau khổ và đầy lòng nhân hậu. Hình như chưa ai viết bài tụng ca về nghĩa cử ấy của những cô hồn, uổng tử.
                                                         *
                                                      *    *
Có trời mà biết con trâu đực ấy có máu điên trong mình hay không mà nó thường dở chứng thình lình bằng cách lồng lên và húc mạnh vào bầy trâu khác đang đi. Nó lồng lên như một ý thích không gì cản nổi mà nếu không lồng lên thì nó sẽ chết.
Chiều ấy chị đang cỡi trâu về chuồng đến chỗ bờ đìa có hàng trâm bầu rậm rạp, thì con trâu đực ấy đơn thương độc mã xông ra, nó tông càng vào con trâu chị đang cỡi làm nó hoảng sợ hất chị văng ra bờ đìa một đoạn khá xa. Chưa kịp ngồi dậy thì con khác trong cơn hoảng loạn đã giẫm đạp lên đầu gối của chị, rồi cả bầy chạy tán loạn cùng với con trâu có máu điên điên ấy. Chị nằm liệt một thời gian dài với hậu quả là gãy một bẹ xương sườn và đầu gối bị sai khớp.
Chị bình phục bằng dáng đi khập khiễng và hơi khom người về phía trước. Chính sự què quặt ấy đã giúp chị thoát khỏi đời chăn trâu. Người cha nói:
- Dù đi theo chân trâu cũng không có chỗ cho người què quặt như con. Mai mốt mẹ sẽ dẫn con đi học nghề và làm một việc khác kiếm sống.
Năm ấy mười ba tuổi mẹ chị dẫn chị đến gởi nhà người bà con xa chuyên làm nghề hàng mã. Vài năm sau đó cha mẹ chị qua đời. Chị chưa thấy tóc hai người bạc cọng nào dù hai người chẳng phải là mỹ nhân và danh tướng. Sự lao động quá sức người, cái nghèo đói, cái buồn rầu, chai rượu ngồi uống khan một mình trong đêm, chứng lao phổi và căn bệnh ung thư đã giúp hai người bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.

2

Ba mươi năm sau.
Những con trâu bước vào sân đấu với khí thế hung hãn trong tiếng vỗ tay reo hò của bao nhiêu người chực chờ xem những con trâu hiền lành như đất bắt đầu kênh mặt lên lao vào cuộc ấu đả.
Bao giờ cũng vậy, động tác kênh mặt lên là khởi đầu cho cuộc quyết đấu. Chúng giáng những cặp sừng to kềnh nhọn hoắc vào đối phương bằng tất cả sức lực như để lấy mạng con kia, mà chúng cũng không biết vì mối thù gì. Vì lời hứa hẹn về một mùa lúa vàng trĩu bông ta sẽ cho trâu ăn cỏ ngoài đồng thì còn có thể hiểu được lý do trâu ra sức cày bừa để được ăn cỏ. Chỉ vừa trông thấy nhau đã kênh nhau rồi mài sừng xuống đất, chém nhau tích cực để làm gì thì khó lòng mà hiểu được trâu.
Món cháo lú tuyệt vời ở cổng trời làm cho trâu mất khả năng cảm nhận được bao nhiêu tiếng cười vang dội của người xem, vẻ mặt thỏa mãn hay tiu nghỉu của kẻ thắng người thua. Làm sao trâu có thể hiểu được giải thưởng gì cho con trâu quật ngã bao nhiêu bạn mình để giành lấy chiến thắng. Món cháo ấy cũng giúp trâu quên mình đang thực hiện kiếp đi đày do tội lỗi của tiền kiếp. Và hôm ấy có thể giải thưởng cao nhất dành cho chủ của trâu có thành tích móc sừng vào mắt trâu đối phương mà lôi đi một đoạn xa trên sân cỏ. Cảm giác buồn nôn đến đột ngột như hình ảnh bị trâu quăng quật ở những ngày còn bé bỗng hiện về. Chị tự trách mình đã nghe lời rủ rê của đứa cháu đi xem chọi trâu. Nếu nó không rủ thì không đời nào chị bước chân đến đây. Chị bảo nó:
- Cô về trước, cháu ở lại xem về sau nghe.
- Cô không xem trận kết sao?
Chị phẩy tay lắc đầu. Chần chừ, ngần ngại một chút nó nói:
- Cháu sẽ kể lại kết quả cho cô nghe.
Nó thật trẻ, trẻ từ làn da mặt mịn màng, cái chun mũi hóm hỉnh. Trẻ từ chân răng chắc khỏe trắng tinh đến mái tóc dày ngời một màu đen tuyền, đến dáng đi nhanh nhẹn. Thoắt cái nó hòa lẫn vào đám đông. Cái đám đông tạm quên hết những phiền toái, những toan tính hàng ngày để chú mục vào cuộc chọi trâu. Chờ mong ai thắng ai từ những đôi sừng sắc nhọn, những cặp mắt đằng đằng sát khí của bầy trâu...
Với chị, trâu nào thắng hay thua, trâu bị đánh tơi bời rách cổ hay trâu vênh váo vì móc mắt đồng loại đều vô nghĩa như nhau. Chị tập tễnh chân cao chân thấp đi ngược dòng người đổ xô về cuộc chọi trâu, sôi nổi bàn tán. Cảm giác cô đơn ập lấy chị, cô đơn giữa đám đông, giữa đồng loại. Tại sao mình không yêu thích được cái nhiều người ưa thích. Tại sao mình không cười theo thậm chí còn buồn nôn giữa tiếng vỗ tay reo hò của buổi chọi trâu. Cô đơn như ngồi giữa bầy trẻ say mê nghe chuyện cổ tích. Biết làm sao được khi mình không thể yêu mê.

*
*    *

Chị bắt đầu vào công việc hàng ngày bằng những vòng hoa tang kết còn dang dở, những cái khăn đóng hay in những đồng tiền âm phủ.
Những năm gần đây không hiểu sao người ta đặt mua khăn đóng nhiều hơn. Người ta thích mua vãng, vòng hoa để tặng người quá cố... nói chung những nghi thức được phục hồi nhiều hơn không biết vì người chết hay vì người sống. Công việc của chị đơn điệu nhàm chán với những gam màu đen, trắng, tím, quen thuộc. Người đến mua và lắp đặt vào dòng chữ cho thích hợp. Có những đám tang vòng hoa được mua rất nhiều nhưng vài ngày sau đó người ta mang đến và bán lại chỗ chị. Rồi ít lâu lại được mang đi. Có ai ngồi thống kê con đường chu du của những vòng hoa tang, những trò mua đi bán lại của người sống.
Có thật lòng không hỡi những người đặt lên dòng chữ “vô cùng thương tiếc” hoặc đại loại “sự ra đi của người là một tổn thất vô cùng to lớn cho...”. Thật lòng không hỡi những người khách đến mua bán hàng ngày những vòng hoa tang.
Có lần chị nói điều ấy với bà chủ hiệu kim hoàn vốn là một thân khách của cửa hàng, bà ta cười nhẹ nhàng thân ái:
- Nghĩ ngợi làm gì cho mau già, mau chết. Đơn giản là mình mang đến cho người ta cái người ta cần, những người còn sống ấy mà, và nói những câu cho người sống nghe.
Chị nhìn người đàn bà kim hoàn đỏ đắn béo tốt, thích che giấu tuổi tác bằng trang phục sặc sỡ, che đậy nếp nhăn bằng mỹ phẩm và hình như bà ta nói một cách thật lòng theo quan điểm của bà.
Phải chăng đừng nghĩ ngợi dông dài mà làm gì, dằn vặt mà làm gì khi trải đời mình trên những luống cày đầy dẫy dấu chân trâu. Dằn vặt mà làm gì cái cảnh chọi trâu. Yên tâm mà kết những vành khăn xếp, những vòng hoa tang, phát hành những đồng tiền âm phủ. Đừng có vớ vẩn mà tự hỏi bên trong những vành khăn đen này là bộ óc của người tử tế hay đê hèn, của người chân tu hay đạo đức giả. Đừng tự hỏi kết vòng hoa này cho ai hay  những đồng tiền âm phủ này mua được bao nhiêu nhân cách của các vị tham quan ô lại chốn Diêm đình. Những đồng đô la kia có hóa giải được bao nhiêu oan khiên, bao nhiêu bi thảm của số phận người? Thôi dằn vặt mà làm gì cô gái già què quặt.
Đứa cháu nhỏ đã trở về, có lẽ tàn cuộc chọi trâu. Nó ùa vào nhà mang theo cái nắng khét ngoài đường. Nó hớn hở:
- Cô biết con nào thắng không?
Chị cười:
- Nói chuyện khác đi, đừng nói chuyện trâu nữa.
- Chuyện gì? Cô muốn cháu chúc Tết cho cô không?
- Không cần. Cho cháu một trăm ngàn, coi như quà Tết. Cô không quen chúc Tết cho ai và cũng không thích nghe ai chúc Tết cho mình.