Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÊM KHÔNG DÀI


CHƯƠNG NĂM

Một mình với đêm

Chỉ trong vòng hai năm thôi, ba mẹ tôi lần lượt qua đời. Phụng, Hoàng ở luôn trên chùa sau khi học xong ở Viện Phật học. Bác dạo này sức khỏe kém, đau yếu luôn. Mỗi khi cúng, bác không còn quỳ được nữa. Bác có nguyện vọng Phụng và Hoàng sẽ thay bác quản lý việc chùa khi bác viên tịch.
Nhà giờ còn lại mỗi mình tôi. Vắng vẻ. Lạnh lẽo. Cô đơn. Mỗi bữa ăn tôi bới thêm hai chén mời ba mẹ về cùng ăn cho vui. Lòng mình vọng tưởng vậy thôi chứ tôi nghĩ ba mẹ chắc sẽ ở một cõi nào đó chứ lảng vảng làm gì cái cõi thế gian có quá nhiều khổ lụy này.
Con chó vàng nằm khoanh dưới chân bàn ngước mắt nhìn tôi. Con chó mà ngày rời làng quê nó lốc thốc chạy bộ theo sau xe, thằng Hoàng đòi ẵm lên ngồi chung. Nó còn đến bây giờ. Răng đã rụng hết, lông còn lưa thưa. Mỗi khi ăn cơm nó chỉ ăn được vật mềm. Tính ra nó là một thành viên gia đình, từng chứng kiến đầy đủ, trọn vẹn mọi thăng trầm, mọi buồn vui như một con người. Đôi mắt nó ươn ướt. Ngày đám ma ba mẹ nó cũng được quấn khăn tang như tôi và Phụng, Hoàng.
Cả ngày tôi đan áo. Tôi nghĩ ra những hoa văn, những đường viền và cách phối màu mới nên khách hàng rất ưa chuộng. Những đêm mất ngủ tôi ngồi đan suốt – chỉ nằm nghỉ tạm khi nghe sống lưng mỏi ê ẩm. Ăn gì cũng không thấy ngon nên người tôi gầy sút đi nhiều lắm. Làm việc bằng tay – lao động giản đơn – nên đầu óc tôi rỗng không đâm ra suy nghĩ lung tung. Nghĩ nhiều về người này người nọ trong đời tôi đã gặp, đã quen. Tôi có trí nhớ dai như một căn bịnh. Có nhiều việc đã qua lâu rồi hàng mấy mươi năm tôi vẫn nhớ. Cũng chẳng là gì quan trọng. Vẩn vơ thôi. Chẳng hạn thầy Hải dạy môn Công dân lớp ll. Lớp tôi học ban B, Lý, Hóa, Toán là chính. Mỗi tuần có một giờ Công dân mà cái lũ quỷ không thích môn này. Làm bài trắc nghiệm khoanh bừa kiếm trên trung bình một chút là được. Hôm ấy không biết bận gì thầy đến trễ mười phút, lũ quỷ trốn ra ngã sau. Thầy vào lớp thấy còn ba đứa con gái và hai thằng con trai. Thoáng thấy thầy hai thằng phóng ra cửa sổ, chẳng may đụng vào cánh cửa lá sách rớt bản lề rơi xuống đất. Thầy ngoắc lại, vẻ mặt buồn buồn bảo trở lại gắn cánh cửa đàng hoàng rồi đi đâu đi. Thầy lặng lẽ đi ra từng bước chậm trên hành lang im vắng. Hôm ấy thầy mặc áo xanh đậm. Tại sao những chi tiết chẳng đáng gì, chẳng đâu ra đâu tôi cũng nhớ rõ, chẳng để làm gì. Hay là cái âm thanh của vó ngựa gõ lộc cộc trên đường đêm lẫn với tiếng va nhau của những đồ vật chất trong xe đêm rời làng quê. Hoặc cái hôm về quê bằng xe đạp, một mình rời khỏi làng lòng không còn chút hy vọng, tôi nhớ từng bụi dứa gai mọc bên đầm, nhớ những cơn gió lùa làm lật nghiêng những lá trâm bầu một màu xanh mốc… Những chi tiết vụn vặt ấy sao tôi cứ nhớ như in.
Trong cái cô đơn giữa đêm dài tôi ước giá có anh Tấn hay anh Chân, Chị Liễu, Phụng, Hoàng…ngồi nói chuyện cho đỡ buồn. Giá bà Minh còn sống tôi sẽ rủ bà đến chơi, sẽ bới cơm cho bà ăn để bà nói chuyện điên khùng gì cũng được. Tôi sẽ không sợ bà như ngày xưa nữa vì tôi đã trải qua những ngày tháng đáng sợ hơn nhiều. Ở sát nhà có một người trước kia ở đoàn văn công giờ về già, đêm đêm thường hát vài bài dân ca. Có lẽ do khó ngủ của tuổi già chăng. Bà ấy đâu bận tối tăm mày mặt như tôi.
“…Dễ đâu kiếm được cái vảy con cá trê vàng, cái gan con tép bạc để mà anh muốn mua. Ô là ô áo vá quàng…”. Bà ta hát nhiều bài lắm, phần lớn là dân ca, nhưng bài Áo vá quàng cứ lặp đi lặp lại mãi hàng ngày.
Thằng Hoàng về thăm nhà. Ngồi nói chuyện với nó một lúc tôi nghe hờn dỗi hai đứa em. Một nỗi tủi thân dâng trào. Hai đứa em tôi hằng yêu quý nhất đời. Từ ngày thơ bé ăn cái gì cũng ăn chung. Áo quần cũng giống nhau. Ngủ một lượt và thức cùng một lượt. Lúc đau bịnh hai đứa cũng đau giống nhau. Tôi sẽ hạnh phúc biết bao khi hai đứa trưởng thành lấy một cặp song sinh nữ làm vợ. Chúng sẽ sinh con đẻ cháu đầy đàn cho nhà thôi quạnh vắng. Chúng hãy đời một chút. Bước vào cõi tu hành tôi thấy mình càng ngày càng xa em. Một đàng mải miết tiến về cõi không sinh không hoại, lấy câu kinh tiếng mõ làm lẽ sống. Còn tôi cứ dấn chân vào cõi phàm. Nói đúng hơn tôi không đủ lòng tin để đi con đường của nó, mặc dù hướng thiện là điều tốt đẹp của xã hội con người. Hoàng nói:
- Ngày mãn tang ba, em và Phụng ở chùa cúng cho ba. Còn chị ở nhà làm mâm cơm cúng ông bà và ba mẹ cũng được.
Tôi biết nó né chuyện cầu siêu, sám hối và không muốn tranh cãi với tôi, nên phương án đó cũng là cách tốt nhất. Tôi ừ ào cho qua.
Nhìn tôi một lúc nó bảo:
- Chị Hai à, có điều này em thấy lạ quá. Nói ra chị có la em không?
- Nói đi, gì mà la.
- Sao bây giờ mắt chị không lé như trước. Bây giờ tròng đen ngay ngắn, trông đẹp lắm.
Nghe nó nói tôi ngạc nhiên. Tôi không buồn soi gương lâu lắm rồi, có lẽ từ ngày ba mẹ mất đi. Một phần vì buồn, một phần vì chán. Mình chán mình thôi. Chán nhìn vào chính cái mặt của mình. Hoàng là người đầu tiên báo cho tôi biết tôi không còn lé nữa.
Tôi bèn lấy gương soi thử. Quả đúng vậy. Hai con mắt tôi như bao con mắt của người bình thường khác, không ai có thể bảo là lé xẹ được. Nghe nói rằng người lé có thể phẫu thuật để hết lé nhưng tôi có đụng dao kéo vào mắt đâu. Một ý nghĩ chợt loé qua đầu. Đúng rồi, chính vì suốt hai năm qua tôi ngày đêm miệt mài đan áo len, hai con mắt tập trung nhìn vào một điểm, dần dần chỉnh sửa hai tròng đen lại vị trí bình thường. Cái nghèo đói, cái khủng hoảng dẫn dắt mình làm công việc ấy. Làm mà nghe buồn ghê gớm nhưng vẫn kiên trì, cần mẫn. Trong cái rủi lại sinh cái may. Hết lé là cái vui khá lớn trong đời tôi, chắc không ai muốn mình xếp đầu danh sách đã được thống kê, được đúc kết qua chiêm nghiệm “nhứt lé, nhì lùn...tam gì, tứ gì...” tôi không rõ lắm. Đó là chưa tính chuyện thẩm mỹ. Nếu không có việc đan len mà làm một việc gì đó hai con mắt dáo dác, láo liên thì lé vẫn hoàn lé. Tôi gật gù vui vẻ nói với Hoàng:
- Ừ, chị cũng thấy vậy.
- Mà sao dạo này chị ốm quá. Ráng giữ gìn sức khỏe. Ba mẹ mất rồi, nhà chỉ có một mình chị. Đau ốm thình lình là khổ lắm.
- Chị cũng biết vậy. Nhưng ăn cơm một mình không thấy ngon, nới lại nhiều lúc làm việc mệt quá, lười nấu ăn, qua loa đại khái cũng xong. Giờ chị không còn nghèo đến mức thiếu ăn nữa nhưng lại chán ăn, ăn gì cũng không thấy ngon.
Sợ Hoàng buồn tôi kiếm chuyện vui kể nó nghe:
- Hoàng à, chị kể em nghe chuyện cười này nghen. Hôm trước đi chợ, đứng mua trái cây, có thằng cha đó mập phì lũ đến gần sát bên chị, không chọn mua trái cây mà có vẻ cà rà. Cảnh giác chị bỏ qua hàng khác, chả cũng đi theo và hỏi:
- Hoài à, Hoài nhận ra tôi không, lâu quá rồi không gặp bạn?
Chị đứng ngẩn ngơ cố nhớ người trước mặt mình là ai. Chị vẫn tự hào có trí nhớ tốt đâu dễ quên ai. Lần này trí nhớ nó phản bội mình hay sao? Nhìn chăm chú anh ta, chị thấy đôi mắt to mơ buồn hơi quen quen và cái hàm răng lòi xỉ quá đổi. Lại nhìn bàn tay có sáu ngón (một ngón mọc phất phơ bên ngón cái). A, quả chính xác là Đoàn Bình Đẳng rồi, học chung lớp llB, chị reo lên. Sao bây giờ hắn béo phệ quá chừng. Ước lượng đến 90 ký lô. Chị không tưởng tượng được một người cách bảy năm không gặp giờ lại có thể mập đến cỡ vậy. Trời ơi, cái bụng anh ta mới khiếp chứ. Nó y như người có bầu đến tháng thứ tám. Khổ thân, đàn bà mang bầu có ngày sinh con, còn anh ta ôm mãi cái bụng biết ngày nào đẻ.
Thằng Hoàng nhìn xuống:
- Nam mô A di đà Phật!
Lại lỡ lời rồi! Thằng em của mình bây giờ là nhà tu hành chứ đâu phải đứa em bé dại ngày nào mình có thể tào lao đủ mọi thứ trên đời. Tại mình buồn quá. Cô đơn quá. Nhu cầu giao tiếp với con người là không cạn dù nhiều lúc mình cảm thấy con người là sinh vật đáng sợ hơn hết thảy mọi con trên đời.
Thằng Hoàng lại đi. Mình nghĩ mai mốt phải đổi cách xưng hô gọi là cậu Ba hoặc Thầy hoặc Sư, chứ gọi như những ngày xưa thân ái nghe không ổn chút nào! Không ai gọi sư bằng thằng.
Còn lại hai đứa em ruột thịt nhưng sao cứ mỗi ngày mỗi xa. Ngồi bên nhau nhưng vẫn cứ xa. Tôi đành bất lực. Cứ cho là số phận định vậy mình không xoay chuyển được.
Tôi đứng trước gương tự ngắm mình như ngắm người lạ. Gương mặt tôi gầy đi trông khắc khổ như vừa trải qua cơn bịnh nặng. Nhưng không sao. Tôi nhìn thẳng mắt tôi và cảm thấy vui.
*
*      *
Anh Tấn đến. Cả năm rồi anh mới ghé đây.Anh bảo đang công tác ở Ty Giáo dục chuyên ngành bổ túc. Tôi mừng cho anh có việc làm ổn định, tương lai xán lạn.
Lần này anh mang trà, nhang, bánh đến cúng ba. Anh nhẩm tính cũng gần đến ngày mãn tang. Đến trước vì lo có thể phải đi học hoặc họp hành đột xuất lại không đi được. Gặp anh tôi nghe ấm áp một thứ tình cảm ruột rà của người trong gia đình. Tuy không nói ra nhưng bao giờ tôi cũng xem anh là người thân và chắc anh cũng vậy. Anh vui vẻ báo tin được theo học lớp đại học tại chức khoa Văn Sử. Mừng cho anh. Là thành viên ưu tú đầy triển vọng nên tổ chức mới đầu tư nhân sự dài hạn. Tương lai tươi rói. Và tôi ngạc nhiên hỏi anh:
- Mấy năm trước anh chưa tốt nghiệp cấp III, vậy anh đã thi bổ túc từ lúc nào?
Ngần ngừ một lúc anh nói:
- Vẫn chưa vượt qua ải đó đâu. Còn nợ lại. Mai kia tốt nghiệp đại học xong, có thời gian anh sẽ ôn và thi sau.
Tôi nheo mắt cười:
- Hay quá! Thật là độc đáo.
Anh lảng sang chuyện khác:
- Tôi nhớ trước kia Hoài mắt lé sao giờ lại không. Cái đó mới là độc đáo.
Tôi mím môi. Cũng cùng nội dung câu hỏi nhưng thằng Hoàng hỏi tôi cảm nhận khác. Còn anh Tấn hỏi tôi nghe nhoi nhói trong lòng. Có ai đánh đâu mà đau.
- Dạ trước hết phải cám ơn cái nghèo cái đói, ngồi đan len nhìn vào một điểm. Luyện hai năm kết quả mỹ mãn, chứ nếu đời cho làm một công việc tưng tửng, cà chớn nào đó chắc giờ còn lé mãi. Anh Tấn à, mai mốt anh đi dạy bổ túc, gặp học viên nào mắt lé anh bày cho người ta luyện như vậy vừa hết lé vừa thoát nghèo. Cũng là một cách cứu khổ, cứu nạn đó. Anh tặc lưỡi:
- Trông Hoài đẹp hẳn đi chứ.
- Đương nhiên! Người không lé phải dễ coi hơn rồi!
Anh khoe tôi mấy bài thơ mới sáng tác. Mỗi bài dài hơn một trang giấy học trò. Tôi đọc nghe vừa quen vừa lạ. Anh hỏi Hoài thấy sao?
Tôi bảo:
- Tuyệt vời. Thơ anh có hồn lắm.
Anh tiết lộ là đã rút trong những bài thơ có sẵn của nhiều tác giả, mỗi bài một câu thôi, ráp vào nghe cũng kêu, cũng ra vẻ thơ lắm. Bài kia anh chọn lọc toàn tên của những bài thơ tình từ tiền chiến đến hậu chiến, sao cho lời lẽ khớp nhau, có vẻ êm êm là được. Thật khủng khiếp! Cái đà này sắp tới anh còn làm gì nữa có trời mà biết được.
Lời tôi khen làm anh vui. Tôi không còn ngu ngốc như ngày nào gặp gì nói nấy. Nghĩ sao nói vậy. Thấy trắng chớ vội bảo là trắng hoặc đen cũng đừng nói là đen mà phải biết lắng nghe, quan sát xem người đối diện muốn nghe đó là cái gì hoặc chờ đám đông thiên hạ bảo màu gì thì ta nói màu đó. Yên chí nhất, đám đông dẫu có sai thì cái ê mặt cũng chia đều cho mỗi người một chút và cũng không ai tử hình đám đông. Đó là chưa tính cái điều lộng giả thành chân. Một người từng trải đã dạy tôi như thế.
Xếp bài thơ lại để vào túi, anh nói đó là trò chơi. Vui vậy thôi. Mình không nói ra nhiều người sẽ không biết đâu, chẳng ai buộc tội mình được. Anh nói đầy hứng khởi:
- Tôi định sáng tác một cái truyện vừa nhưng công việc bận rộn quá, vừa công tác vừa học tại chức. Thời gian eo hẹp nhưng tôi ấp ủ lâu rồi, có thời gian sẽ bắt tay vào.
Tôi chuyển chủ đề ngay:
- Anh còn ăn chay nữa không?
- Vẫn còn nhưng duy trì một tháng mười ngày gọi là chay kỳ. Vì lý do phải đi công tác nhiều nơi trong huyện. Cơm chay cũng gây phiền phức cho tập thể.
Tôi đưa ra sáng kiến:
- Tôi tính vầy anh xem có được không. Đi đâu anh cũng  đem theo một món ăn chay: tương, chao hoặc muối mè cũng được, ăn kèm với một món mặn: thịt, cá, tép, tôm, cua bất luận. Nửa mặn, nửa chay vậy một ngày tròn tính ra nửa ngày chay. Một tháng anh được nửa tháng chay. Tiện và lợi đôi đàng.
Anh Tấn nghiêm nét mặt:
- Cô không ăn chay thì thôi đừng đùa vậy nghen. Thằng Phụng, thằng Hoàng nghe được tụi nó không vui đâu!
Tôi thật lòng mới nói với anh như vậy, nhưng xem ra lòng thành của mình muốn phản tác dụng. Thật buồn. Chẳng phải thằng Hoàng vừa Nam mô A di đà Phật khi nghe tôi kể chuyện đàn ông có bầu rồi bỏ đi luôn đó sao. Người thân, người quen bây giờ hiếm quá, chỉ vì lời nói vô tình mà đánh mất thì tôi không cam lòng. Rút kinh nghiệm vậy.
Nhưng anh Tấn không buồn lâu. Xưa giờ vẫn vậy. Hồi nhỏ tôi hay trêu đùa, có lúc anh tức phát khóc – mà sao anh dễ khóc. Nhưng rồi không giận dai và không để tâm trả thù ai bao giờ. Anh hỏi tôi một cách ân cần:
- Nè, anh hỏi thật, Hoài có tiền không anh cho mượn, chừng nào trả cũng được, không có gì vội. Anh vừa lãnh lương vừa truy lãnh phụ cấp, tính ra cũng bằng ba tháng lương. Trước kia hai bác gặp khó khăn, anh cũng không giúp được gì. Giờ mới thở được một chút.
Tôi cảm động vì biết anh thật lòng theo cách của anh.
- Anh à, những ngày tháng ấy quả thật là nặng nề trong đời. Quả là khủng khiếp. Nhưng tất cả đã qua rồi. Nói để anh mừng dùm. Việc bịnh hoạn và tang ma đã xong, bây giờ nợ nần đã hết. Tôi cố gắng làm việc và dành dụm cũng được chút ít. Không sợ chết nữa. Anh cất tiền đi còn phải lo cưới vợ. Nhất thiết phải có người chăm sóc và an ủi chứ anh cũng lớn tuổi rồi! À, mà anh có cô nào thân thiết chưa?
Tôi thật sự lo cho anh như đứa em gái đối với người anh. Có lẽ nhận ra điều đó anh cũng bộc lộ:
- Cũng có vài cô công tác chung rất mến anh nhưng anh không cảm được họ. Người mà anh thân thiết, “mặn” nhất là cô hiệu trưởng trường cấp I, cô chưa có chồng lần nào và lớn hơn anh mười tuổi.
Tôi đẩy thêm:
- Mười tuổi có là bao. Tình yêu không phân biệt tuổi tác kia mà!
Anh tỏ ra ưu tư:
- Nhưng cái khổ tâm nhất với anh lúc này là Cẩm Lan, cô bạn thuở thiếu thời, đi lấy chồng ở tuổi mười sáu. Giờ cô góa chồng một nách nuôi bốn đứa con, vất vả lắm. Anh yêu Cẩm Lan nhất trên đời nhưng nhìn mấy đứa trẻ anh không biết mình có khả năng phụ gánh với cô nỗi không. Khó xử quá, mà hiện tại anh chưa tốt nghiệp đại học nữa kìa!
Tôi định nói tiếp: Thôi để bao giờ lấy xong Thạc sĩ quay lại trả nợ cấp III cũng được. Nhưng tôi dừng lại được. Tôi nói theo lời của một nhân vật trong vở cải lương:
- Vậy cũng tốt, mọi việc sẽ ổn thôi. Cuộc đời dài lắm.
Nhiều lúc tôi mơ ước mình có được một người anh trai cả, mạnh mẽ và bản lĩnh để anh sẽ gánh vác phụ tôi trách nhiệm nặng nề trong gia đình hoặc tư vấn những khi tôi gặp vô vàn rắc rối trong cuộc đời. Còn anh Tấn – anh mãi là người khách trọ ghé qua nhà, lâu hay mau tùy thời điểm trong cuộc đời của anh. Anh không thể là người anh, không là người thân cũng không là bạn bè theo cái nghĩa thiêng liêng của nó.