Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Vậy là chị đã lấy chồng. Điều đó bất ngờ đối với tôi, nhất là người chồng ấy lớn hơn chị ba mươi bảy tuổi. Chỉ bất ngờ với tôi thôi chứ với mọi người chung quanh ai cũng cho đó là đôi trai tài gái sắc. Không ai ngạc nhiên, thời buổi này phải có cái nhìn thoáng một chút không nên cũ kỹ. Chị trẻ đẹp, chồng chị là chủ nhiệm khoa của một trường đại học thường đi nước ngoài và có đời sống vật chất khá giả.
Cái thằng tôi lơ ngơ suốt thời gian dài. Chị học trước tôi ba năm và cũng lớn hơn tôi ngần ấy tuổi. Với ngoại hình dịu dàng, thon thả đôi khi rất dễ khóc nhưng chị là người thông minh và đặc biệt rất giỏi toán. Tôi thường hay đến nhờ chị giải giúp những bài toán khó. Chị hay trêu tôi con trai gì thông minh mà chậm hiểu, khó nhớ lại mau quên. Những ngày nghỉ chị rất thích nấu ăn. Những món chị nấu thường rất xoàng xỉnh lại không ngon lắm nhưng có lẽ do sự ân cần, dịu dàng thêm với cái đời sống sinh viên lúc nào cũng đói nên tôi ăn thấy rất ngon. Tôi ngưỡng mộ chị một cách thầm lặng. Những ngày hè tôi thấy thời gian dài khủng khiếp và nghiệm ra một điều nếu thế gian này có nhiều người đàn bà như chị chắc sẽ đáng yêu biết bao.
Bao giờ chị cũng xem tôi như thằng em út. Nhiều anh cùng khoa mê chị nhưng chị dửng dưng. Có lúc chị còn cho tôi đọc thư của một anh vô phước nào đó gởi cho chị, rồi cả hai cùng cười như một chuyện vui.
Tôi bảo:
- Trong số ấy chị phải chọn một anh nào đi chứ? Chị lắc đầu phớt lờ:
- Chẳng ai trong số họ cả.
Chị đi lấy chồng. Tôi nghe như một mảng đất dưới chân bị ai làm sạt đi rồi chao qua chao lại. Cuối cùng tôi cũng đủ bình thản hỏi chị khi chị mời tôi đi ăn cưới. Đại loại như là chị có yêu ông ấy không, chị nghĩ sao mà lấy chồng luống tuổi vậy?
Chị cười tràn trề hạnh phúc:
- Yêu chứ sao không? Nhóc ạ, tình yêu thì không có tuổi tác. Ông ấy đã có ba đời vợ và đã ly dị. Con cái ở riêng. Điều đó chứng tỏ rằng ông ấy là người từng trải, chính chắn. Ông ấy chọn chị là tình yêu cuối đời tức là sàng lọc những khuyết điểm của những bà vợ trước đã làm gãy đổ cuộc sống chung của họ. Mà nói chung, ông ấy là người rất dễ thương em à. Ờ, Văn không nhớ sao lúc cụ Ức Trai thân mến của chúng ta cưới nàng Thị Lộ lúc nàng mười sáu tuổi trong khi cụ đã bước vào tuổi cổ lai hy. Ai bảo họ lấy nhau không phải tình yêu đâu nào?
Chị có lý, ngàn lần có lý, tôi không cãi vào đâu được. Có điều chị không bao giờ hiểu được nỗi đau thầm lặng của tôi. Nhưng thôi, như vậy tốt hơn, và đó cũng là điều may mắn cho tôi.
Ngày cưới của chị, tôi không đến. Tôi bỏ học một ngày nằm trùm mền khóc như trẻ con. Thằng bạn cùng phòng hỏi tại sao. Tôi bảo chẳng sao cả. Nó chửi .
- Đồ cà chớn, đồ dở hơi.
Tôi im lặng. Nếu phải thố lộ nỗi lòng tôi cho nó nghe, thà tôi cắt lưỡi đi còn hơn. Kệ, mày muốn nói là gì cũng được, đồ mất dạy ạ.
Từ đó tôi lao vào học tập không còn để ý đến phụ nữ nữa. Nhu cầu về tiền bạc cho học tập ngày càng tăng. Số tiền cha mẹ bòn nhặt từ ruộng đồng cằn cỗi gởi cho có hạn. Tôi phải làm gia sư để kiếm tiền. Có lúc dạy con nít lớp Ba, lớp Hai, cũng có khi dạy các tiểu thư chuẩn bị thi tú tài. Có lần thằng bạn mất dạy hỏi tôi:
- Ê, con nhỏ học trò của mày có cặp giò tuyệt quá!
- Vậy hả,  vậy mà tao hổng biết, bữa nào tao nhìn kỹ coi phải không?
- Đồ cà chớn.
Phải nói thật là tôi không để ý dù em rất hay mặc váy ngắn. Có lẽ ngoài chuyện học hành mưu sinh ra, nếu có nhớ, có nghĩ đến một hình bóng phụ nữ nào thì đó là “chị ấy” mà thôi. Nhưng nó đã là một vết thương, một nỗi đau. Chị đã lấy đi của tôi một phần hồn vía mà có lẽ lâu lắm tôi mới bình thường được. Chị đi qua đời tôi như một hình bóng đẹp để lại một hoài vọng đơn phương. Vậy cũng quá đủ cho tôi. Nhiều khi tôi cũng thầm cám ơn số phận đã dung rủi cho tôi được tiếp cận với cái đẹp để đời đời ngưỡng vọng và chỉ dừng lại ở đó. Vâng, nên dừng lại ở đó thôi.
Và rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học và không tìm được việc làm. Thời gian ấy tôi đi làm đủ thứ việc vất vả để kiếm sống. Chẳng lẽ về quê với ruộng đồng quanh năm không nuôi nổi gia đình với nỗi thất vọng của người thân và con mắt lạnh lùng của xóm giềng. Kiếm sống - cái từ ấy gợi lên bao nỗi chua chát. Ai đã từng thất nghiệp và đã từng đi xin việc sẽ thông cảm cho tôi. Tôi nghĩ tới chị. Giờ chắc chị đang yên bề trong gia đình ấm áp và sung túc ấy. Người chồng thông thái ấy sẽ nói cho chị nghe bao nhiêu chuyện hay ho trên đời ông đã từng trải.
Tình yêu không có tuổi, phải vậy không? Bất giác tôi muốn rớt nước mắt khi hình dung ra rằng giá như bây giờ có một quí bà giàu sang đang ở tuổi đáo tuế đến ngỏ lời yêu và muốn cưới tôi, hứa hẹn ban bố cho tôi việc làm, nhà cửa, xe hơi... Liệu cái thằng tôi ngoài hai mươi tuổi có vượt nổi cái biên giới tuổi tác để yêu quí bà đã đáo tuế kia chăng? Như chị đã vượt biên tuổi tác để yêu chồng chị vậy, như Thị Lộ yêu Ức Trai tiên sinh vậy?
*
*    *
Lan dừng xe sát chân tôi, quát:
- Ê, thằng nhỏ kia.
- Dạ có em.
Lan trẻ trung trong bộ đồ jean bó sát lấy người như không còn có thể sát hơn nữa được, như ngày Tết những người đàn bà nông thôn gói bánh tét thắt từng nốt dây khít khao vậy.
Tôi cười biết Lan định nói gì. Lan rủ tôi vào quán nước. Trong số bạn bè học chung, Lan thân với tôi nhất. Tính tình Lan như con trai nên cũng dễ nhập bọn với những cuộc đi chơi của lũ con trai chúng tôi. Tôi vẫn xem Lan như người đồng giới tính, vô hại. Trong lúc tôi là một gã vô công rồi nghề thì Lan đã ra trường và làm việc ở Công ty Du lịch. Bẵng đi thời gian lâu không gặp, vừa rồi Lan báo tin cưới. Lan kết hôn với một anh chàng người Pháp. Tôi nhờ thằng bạn “mất dạy” đem quà đến mừng Lan kèm theo lời xin lỗi không đến dự được. Lan cười lém lỉnh.
- Hỏi tội nhà ngươi. Hãy thành thật khai báo rõ lý do không đi đám cưới của ta.
Tôi dọn sẵn một bộ mặt nửa bi, nửa hài, nửa liến láu nửa nghiêm trang:
- Thú thiệt với bạn, mình rút kinh nghiệm lâu rồi. Số mình nó không có hên, mình đi đám cưới nào là đám đó rã. Cho nên gởi quà biếu là muốn giữ an toàn cho bạn đó, đừng hiểu lầm thịnh tình của mình nhen.
- Xạo.
Tôi cười nụ im lặng. Lan có vẻ tưng tửng yêu đời như người đang đi trên mây. Cũng là một dạng thành đạt.
Tôi cảm thấy mình trơ trẽn vô duyên, không biết nói lời chúc mừng bạn, nhưng giữa tôi và Lan vẫn như xưa, nghĩa là có thể nói thẳng ý nghĩ của nhau mà không dè dặt, giữ kẽ, vẫn coi nhau là hai “thằng bạn”.
- Nghe nói chồng mi da đen hả?
- Ừ, anh ấy cao 1,99m, tóc xoăn, đẹp trai lắm.
- Ừ thì đẹp. Tôi gật đầu tán đồng. Người Bô-hê-miêng hay Di-gan?
Lan cười thách thức:
- Người Pháp nhưng có máu Di-gan trong người nên thích đi du lịch lắm. Cha mẹ anh ấy có trang trại, có đồng cỏ...
Tôi cắt ngang:
- Thành thật ngưỡng mộ sự chọn lựa của bạn. Khâm phục tầm nhìn.
- Có lẽ mình sẽ bay trong vài tháng tới khi thủ tục xong.
Tôi vờ nhăn nhó như người đau khổ thực sự:
- Vậy là không ở Việt Nam nữa à? Thiếu gì con trai Việt hở Lan?
Lan làm mặt nghiêm, không nói.
Lan đi rồi, tôi lững thững đi một mình trên hè phố. Có rất nhiều lá rơi vào buổi chiều dịu mát. Tôi nghĩ đến những người con gái Việt Nam từ xa xưa lấy chồng ngoại quốc do sự sắp đặt của bề trên, có ai lấy chồng vì tình yêu không? Hay lấy xong rồi cố mà yêu cái gọi là chồng. Họ có những số phận và kết cục không giống nhau. Hai nàng công chúa Mỵ Châu và Huyền Trân. Người được ghi vào sử xanh như một công thần, người thì bị gọi là giặc.
Lan ơi, không có ai ép buộc gì Lan đâu, do bạn chọn lựa đấy thôi. Tôi cầu mong Lan hạnh phúc với điều mình tự chọn. Mai kia, chắc đất nước này sẽ không có con đường hay một địa danh nào mang tên Lan đâu và chắc cũng không bao giờ có vết lông ngỗng đáng buồn mà Mỵ Châu vứt vương vãi. Có chăng những đứa con lai như Lan mong ước.
*
*    *
Tôi đưa hài cốt của chú Út về quê từ rừng U Minh xa xôi theo nguyện vọng của bà Nội. Chú tham gia cách mạng từ những ngày còn giặc Pháp. Công việc của chú là dạy học. Trong trận ruồng bố, Pháp đã bắt chú và bắn ở bìa rừng U Minh. Bà chôn cất chú tôi rồi về quê cho đến bây giờ - Lúc ấy bà cũng tản cư đến đó - Thấm thoát gần nửa thế kỷ trôi đi. Người xưa không biết ai còn ai mất. Không biết còn ai nhớ đến chú nữa không? Chỉ có người mẹ không nguôi nhớ về núm ruột của mình đã chôn ở vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Gần năm mươi năm bà thường đi chùa cầu nguyện cho linh hồn chú được siêu thoát. Bà bảo: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi, đành vậy. Giờ trong ngày tháng gần đất xa trời bà muốn con cháu cố gắng đem hài cốt chú về gần cha mẹ, họ hàng như một cuộc đoàn viên muộn màng nhưng có thật.
Ẵm cái tiểu sành nhỏ bé trên tay - Một con người, một cuộc đời trong đó. Cha tôi khóc, bà tôi khóc. Tôi không khóc vì tôi đâu biết mặt chú lại sinh sau mấy chục năm nhưng tôi thấy lòng ngùi ngùi se lại khi nghĩ đến cái hư ảo của kiếp người. Bà tôi nhắc đến chú, kể lể những việc làm hiếu thảo và cảm động của chú lúc còn sống. Những lời kể tôi nghe đến thuộc lòng nhưng với bà mãi là mới mẻ. Khi đặt chú nằm yên trên khu thổ mộ của dòng họ trong cái nắng chiều nhòa nhạt cả nhà tôi chèo xuồng về nhà.
Đi ngang qua đám dừa nước, tôi nghe giọng của người đàn bà ru con:
Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Nào hay giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây.
Trời ơi, có lẽ trong đời tôi chưa từng nghe tiếng ru nào như thế. Giọng của người phụ nữ trầm đục, u ám không chỉ gợi buồn mà là sự nhói buốt sâu xoáy trong lòng người nghe. Tôi hỏi cha tôi:
- Ai ru con vậy cha?
- Đó là cô Hào. Cô ấy hơn bốn mươi tuổi, không có chồng. Cam chịu cảnh cô đơn, bất hạnh cô kiếm một đứa con để an ủi, dung rủi thế nào lại chung chạ với thằng Khắc. Thằng ấy như con heo nọc, khi biết cô Hào có mang, nó vơ vét hết của cải, vốn liếng dành dụm một đời của cô rồi đánh bài chuồn. Rồi rêu rao khắp đầu trên xóm dưới rằng cô Hào là kẻ hư thân mất nết, lang chạ tùm lum, chính nó đã bắt gặp cô Hào ngủ với tay bán thuốc dạo.
Ghe đi chầm chậm hết đám lá dừa nước, hết rặng bần ven sông, qua khỏi bờ tre làng cho đến khi đêm đã trùm xuống cây cối một màu đen mờ mịt tôi vẫn còn nghe vẳng bên tai lời ru ai oán ấy. Làng xóm tôi từ bao đời vốn đầy định kiến, ác cảm nhất là với đàn bà con gái không chồng mà có con. Cô Hào ôm đứa con hoang với cái nghèo nàn, với nỗi hận bị phản bội, với sự dè bỉu của nhân gian... mọi nỗi đau gom lại thành lời ru.
Người ta vẫn nói lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn. Tôi lại nghĩ vui hay buồn của phận đàn bà không định đoạt bởi lấy chồng sớm hay trễ. Chắc gì tiếng ru của cô gái: “Anh lấy em từ thuở mười ba” lại buồn hơn cô Hào làng tôi hay những số phận lỡ làng tương tự.

Tôi gặp lại chị vào ngày rằm trong biển người đến chùa cầu nguyện và xin xăm. Mỗi ngày tôi đến chùa vài giờ để phụ bốc thuốc với Hòa thượng trụ trì ở đây. Vị Hòa thượng này là em ruột của bà Nội tôi, nên tôi thường tới thăm viếng. Lâu dần cũng học được chút ít về đông y và có thể phụ việc lặt vặt được. Tôi ngạc nhiên không nghĩ rằng chị cũng  có lúc cầu nguyện đấng Thích Ca trong khói hương nghi ngút. Mấy lần định trêu chị nhưng thôi.
Chị có vẻ ốm và xanh xao. Khóe miệng với nét cười rạng rỡ pha chút tinh ranh, nghịch ngợm ngày xưa giờ cũng lờ mờ mấy nếp nhăn khi cười. Đôi mắt như sâu hơn với quầng thâm mờ mờ vẫn thăm thẳm ánh nhìn và làm lòng tôi xao xuyến như thuở nào.
Ngồi với chị ở băng đá ngoài sân chùa, lá bồ đề lác đác rụng cùng với những cánh hoa đại. Người đi lễ vào ra tấp nập nói cười, âu lo... làm cho cảnh chùa giữa phố thị có một nét ngộ nghĩnh của sự pha trộn. Nó không giống như cảnh chùa mà ngày còn nhỏ ở quê theo bà đi cúng Phật. Chị bảo rằng lâu quá không gặp em, em có khỏe không Văn? Giờ đang làm gì? Đã có vợ chưa? Chị vẫn từ tốn và đôn hậu với tôi, vẫn phảng phất tình cảm vừa là chị cả, vừa mẹ hiền. Tôi cười cười:
- Chị yên tâm,  em vẫn lông bông. Mảnh tình rách vắt vai cũng chưa có. Đàn bà con gái nó chê. Giờ kiếm sống bằng nhiều việc.
- Việc chính em đang làm là gì?
- Đi làm gia sư, bốc thuốc Nam phụ với Hòa thượng. Em cũng biết chút ít về Đông y, bốc thuốc không chết người đâu chị sợ. Giờ chị sống ra sao, có dễ chịu không?
Chị kể rằng chị có một đứa con với lão giáo sư ấy. Mấy tháng nay, chồng chị bị tai biến mạch máu não nên đi lại rất khó khăn. Nửa thân người bị liệt. Miệng thì méo sang bên nói chuyện rất khó nghe, chỉ có mình chị mới nghe và hiểu được ông ấy nói gì. Cố điều trị nhưng thầy thuốc bảo khó bình phục lại như xưa. Tôi thành thật:
- Lạy đức Phật từ bi, vì tình yêu, vì trách nhiệm chị hãy săn sóc anh hết lòng và tìm thấy hạnh phúc trong việc ấy.
Chị im lặng, những ngón tay gầy trắng xanh đan lùa vào tóc. Cử chỉ duyên dáng của ngày nào. Tôi thầm mừng dù sao chị cũng còn rất nhiều những gì nó tạo thành nét riêng của chị ngày xưa không bị trộn lẫn, không là cái bóng của người chồng mà chị rất ngưỡng vọng. Nhưng thôi, nghĩ ngợi lan man mà làm gì?
- Chị không có thời gian rảnh nhiều đâu, cả ngày ngoài đi làm còn chăm sóc con, chồng... không có lúc để buồn. Đôi khi cũng đến chùa tìm sự bình an cho tâm hồn dù một chút thôi.
Chị về đã lâu, tôi vẫn còn ngồi lặng ngoài sân chùa. Chị đi tìm sự bình yên nhưng chị có biết đâu điều đó đã làm khuấy động trong hồn tôi cái điều tôi muốn quên đi, lụi tàn đi cái viển vông đáng nhạo báng.
Tôi muốn cuộn phim cắt ngang nơi hình ảnh chị dạo nào còn là sinh viên dịu dàng, hồn nhiên và nghèo khó. Cái thuở chị và tôi ngồi tranh luận hàng giờ đủ thứ chuyện trên đời, cãi hăng như ngựa non háu đá. Cái thuở chị chưa biết yêu người đàn ông lớn hơn chị ba mươi bảy tuổi và gọi đó là tình yêu lý tưởng... Chẳng thế tôi đã từng cám ơn định mệnh đã cho tôi biết một hình ảnh đẹp trong đời. Nhưng giờ, nếu có ngài định mệnh thì tôi giận ông đó. Mọi thứ đã hư vỡ đi, dúm dó hình ảnh đẹp mà tôi nâng niu.
Nhưng tôi bật cười nhận ra sự rồ dại và xuẩn ngốc. Tôi ạ, phải có can đảm nhìn vào mọi thực tế của đời sống. Nâng niu ảo ảnh mà làm gì. Đừng bao giờ nối sợi dây dài cho cái giếng cạn như ai đó đã đắng cay tiếc nuối.
                                                                                                          1-4-1999