Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

BA TÔI


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


Mẹ tôi mất đi vì chứng bệnh nan y lúc tôi vừa ba tuổi. Từ đó tôi sống với bà nội và Ba. Sinh trưởng trong gia đình khoa bảng, ba tôi cũng được học hành và làm giáo viên thời Pháp. Dạy học một thời gian ngắn ba tôi lại bỏ nghề rồi về quê nội tôi ở vùng ven biển. Ông có tài bơi lội giỏi lại có thể lực tốt nên theo bạn đánh cá ngoài biển khơi. Tôi ở nhà với nội và đi học trường làng. Tôi thấy công việc của thầy cô giáo không vất vả như Ba đi biển, tôi hỏi sao ba không tiếp tục nghề dạy học. Ba bảo:
- Ba yêu biển.
Đến năm học lớp mười một, tôi lại hỏi câu tương tự, ba nói:
- Con đọc Nam Cao rồi con biết đó, ba không thích một cuộc sống mòn trong thời buổi ấy.
Mọi câu trả lời của Ba, tôi có cảm tưởng như nó chưa hoàn toàn đúng với lòng Ba hoặc nó chỉ là một mặt của cái cốt lỏi. Bằng trực giác của tuổi thơ tôi cảm thấy rằng chỉ có bà nội già yếu và đứa con gái côi cút, bé bỏng mới có thể giữ chân ông ở lại cái làng quê heo hút này. Nếu không, có thể ông sẽ thực hiện một chuyến đi xa nào đó.
Lúc tôi còn nhỏ, mỗi khi đi biển về ba thường ẵm tôi mà nựng nịu. Điều làm ba khó chịu nhất là vết bẩn trên người tôi. Bà nội thường buộc tôi phải rửa tay chân sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng để Ba được vui lòng sau mỗi chuyến đi về mệt mỏi. Tôi biết rõ một điều làm ba đau lòng nhất là vô tình hay cố ý có ai vấy bẩn vào người tôi.
Nghề đi biển kiếm tiền không dễ chút nào. Những khi mưa to gió lớn, Ba còn ở ngoài khơi, tôi và nội ở nhà đứng ngồi không yên. Nội thắp nhang lên bàn thờ cầu nguyện cho ba được bình yên nơi bão dữ. Rồi giông bão cũng qua đi, Ba lại về, vẫn nụ cười hiền lành, da sạm hơn vì nắng gió. Ba đưa nội những đồng tiền khiêm tốn để nội trang trải mọi khoản chi phí trong nhà. Dọn bữa cơm đạm bạc bằng những con cá Ba mới đem về, nội thường nói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” con à. Tôi cãi lại:
- Con vẫn muốn sau này con sẽ giàu mà thơm.
Ba tôi cười:
- Đó là mơ ước ngàn đời của nhân loại đó con. Phấn đấu ghê gớm lắm mới được phân nửa điều con nói. Ba thường thấy vậy.
Những bữa ăn ấy rất vui. Nhà chỉ có ba người thuộc ba thế hệ nhưng thương yêu săn sóc nhau rất đầm ấm.
Những ngày biển động, Ba thường ở nhà dạy tôi học. Người nói về Nguyễn Du một cách say mê và ngưỡng vọng, về Cao Bá Quát một cách trân trọng và đồng cảm... Có khi cao hứng Ba còn đọc thơ Tagore, Apolinaire bằng tiếng Pháp. Nhưng tôi mê nhất là chuyện đánh cá ngoài khơi đầy ngoạn mục. Từ chuyện con sứa lửa bị sóng đánh đứt làm trăm khúc mà vẫn còn độc tố, chuyện con ốc mượn hồn cho đến cách dự báo thời tiết của ngư dân. Thuở ấy việc dự báo thời tiết chưa phát triển như bây giờ. Chỉ nhìn một dải mây vẩn vơ trên nền trời đang nắng đẹp là chuyến đi biển phải hoãn lại hay tìm cách neo đậu nếu tàu còn ở giữa biển. Trong đêm đen tàu biết chỗ đá ngầm cồn nổi mà tránh cũng như đo lường được độ nông sâu của doi vịnh...
Tôi khen Ba giỏi. Ba bảo: thường thôi, có gì mà giỏi, do mình quen. Có những cái ở đời cực kỳ khó lường hơn, nó không biểu hiện gì hoặc phơi bày muôn vẻ phù phiếm mà mình vẫn phải đo lường.
Một hôm đi học về thấy Ba ngồi chờ tôi bên mâm cơm dọn sẵn. Nét mặt ông lộ rõ sự đau buồn tôi ít thấy. Tôi hỏi, thì Ba trả lời:
- Tụi nhỏ đi học về trước đồn đại lên rằng con bị cô giáo đánh đòn vì ăn cắp tiền của bạn bị bắt quả tang.
Tôi cười ngất:
- Có chứ, mà là con thím Hai bên sông, đâu phải con, chỉ trùng tên thôi mà.
Nét mặt Ba vẫn không thay đổi.
- Ba biết là do trùng tên. Ba tin và hiểu con không thể có chuyện đó, nhưng Ba buồn vì điều ấy vô tình vấy bẩn lên con.
Những đêm trăng, Ba thường bắc ghế bố ra sân ngồi nhìn trời, nhìn biển. Ba hỏi tôi lớn lên thích làm gì. Tôi nói:
- Con không biết, nhưng con sẽ làm một việc gì đó trên mặt đất chứ không ở mặt biển như Ba.
Ba cười - Cái cười lặng lẽ không đời nào tôi quên được. Nó vừa méo mó vừa che đậy cái buồn không thể nói ra và có phần mừng vì tôi có cách chọn con đường của tôi. Ba bảo:
- Ba không hề mong con nối nghiệp Ba. Sẽ không có chỗ dung thân cho người đàn bà trên biển đâu con. Nói thế nào cho con hiểu rằng Ba cũng yêu nghề đi biển của Ba lắm chứ. Giữa mênh mông trời nước, nhóm bạn ít ỏi sát cánh bên nhau, cùng cưỡi lên sóng gió tìm kế mưu sinh. Gian nan nhưng trong lòng thanh thản biết bao. Không gì tệ bằng giẫm đạp lên đồng loại mà sống.
*
*     *
Thế rồi tôi cũng đỗ được bằng tú tài rồi vào đại học. Lúc đó bà nội tôi đã qua đời. Tôi nghĩ đến ngày ra trường tôi sẽ cố làm lụng nuôi Ba bù lại những ngày ông quá cực khổ vì tôi. Tôi sẽ mua những thứ Ba thích, sẽ đưa ông đến thăm những nơi danh lam thắng cảnh trong nước mà Ba hằng ao ước. Xa nhà, mỗi khi nghe đài báo bão hay áp thấp nhiệt đới cũng làm tôi thắt ruột vì lo âu. Nhưng việc gì đến nó sẽ phải đến.
Sau một cơn bão có người từ làng biển đến báo tin rằng Ba tôi đã mất xác ngoài khơi vì tàu đánh cá bị vỡ. Chiếc tàu ấy quá cũ kỹ. Lẽ ra nó không được phép ra khơi, không thể trụ nổi nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng người ta chưa thay thế được tàu mới. Lẽ ra Ba tôi không chết đuối nếu không ráng sức cưu mang hai người bạn cùng tàu...
Thế là hết. Tôi về làng biển ngồi khóc Ba trên bãi cát nơi khởi đi của những con tàu rồi quay về trường quyết tâm học xong đại học bằng vốn liếng của Ba để lại. Vĩnh biệt những bữa ăn có ba người của ba thế hệ. Vĩnh biệt những đêm trăng sáng có Ba.
*
*     *
Nhiều năm trôi đi, tôi đã làm nhiều việc để kiếm sống. Tôi đã gặp vô vàn thiên thần và cùng ngần ấy quỉ sứ. Tôi đã từng khánh kiệt đến đồng bạc cuối cùng và cũng đã từng kiếm ra tiền dư dả. Có lúc làm lụng như nô lệ thời trung cổ, cũng có khi thư thái đọc vài quyển sách mà không bị ai phiền nhiễu.
Tôi đã từng bị chà đạp, phỉ báng, vu khống đủ trò và bằng mọi giá tôi đã không để mình tự vấy bẩn hay bị bôi bẩn. Bởi thế đường mưu sinh trên mặt đất của tôi cũng đầy sóng gió không kém gì mặt biển của Ba. Nhưng Ba ơi, vẫn có cách để dò độ nông sâu của lòng biển, vẫn có qui luật của những dải mây xuất hiện bất thường. Trên mặt đất của con, để đo, lường độ nông sâu của lòng người hay phân định chất Phật, ma là điều vô cùng khó, thưa Ba.
Tôi không có mồ Cha để tảo mộ hàng năm theo lệ thường của người Việt Nam. Cứ đến ngày 25 tháng chạp tôi về bến Cát ngày xưa, hướng mặt ra biển nơi người cha đã ngủ yên giữa bốn bề sóng vỗ mà nói rằng:
- Thưa Ba, con lại về đây, dù sao con cũng đã không bị vấy bẩn.

                                                                                                  5-1998