Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

ĐÁM MÂY NGŨ SẮC


Truyện ngắn của PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP


Bây giờ ở làng Nhân Hòa ai cũng gọi Rớt là bà Rớt. Thay vì khoảng mười năm trước còn gọi là con Rớt. Một phụ nữ đau khổ của mẹ Âu Cơ chỉ đi từ “con” tiến thẳng lên “bà” mà không qua giai đoạn lưng lửng: chị, cô, dì. Bây giờ bà Rớt khoảng 45 tuổi, mù chữ và mù rất nhiều thứ trên đời mà ngay cả bà Rớt cũng không biết mình mù. Điều đó làm bà yên tâm và vui sống, yên tâm làm lụng cật lực ngoài đồng từ sáng tinh mơ đến chiều tối. Đêm về lại băm rau xắt chuối cho heo và giặt một thau quần áo cho cả nhà.
Gọi là bà Rớt không phải vì được một quý ông nào đó cưới về làm vợ mà vì mới ở tuổi 40 Rớt không còn một cái răng nào. Hai má lõm vào và đôi mắt tuôn xuống phần đuôi của mí trên. Da mặt lốm đốm tàn nhang và đỏ gay vì bán mặt cho đất bán lưng cho trời suốt mấy chục năm, cộng thêm cái lưng còng, Rớt thành một bà già đích thực. Người ta không nỡ gọi là con mà gọi là bà Rớt vừa mang ý bổ bả buông tuồng và không trọng thị. Điều đó cũng không làm Rớt bận tâm.
Rớt là con cả trong gia đình có mười hai đứa em. Lúc bà mẹ mang bầu, bà không biết tính ngày nào con ra đời. Hôm nọ đi cắt dây chuối, bà nghe đau bụng ghê quá bèn về nhà, chưa tới nhà bà đã sanh rớt con ngoài đường. Vì thế bà đặt con tên Rớt. Sau đó mẹ Rớt sinh năm một đều đặn cho đến lần chót thì sinh một cặp con gái. Gia đình Rớt là gia đình nông dân vô sản điển hình, không vườn, không ruộng, ngay cả nền nhà cũng ở tạm sau vườn chùa. Người cha làm mướn những công việc đơn giản như nhổ mạ, bồi mương, xắn hộc mía, lúc nông nhàn gánh đất đắp nền nhà, làm cu li cho thợ hồ... được bao nhiêu tiền đem về nuôi một bầy con lít nhít. Mẹ Rớt có nghề bện võng bằng dây chuối. Tiền bán võng ít ỏi dùng mua thêm gạo đổ vào cái hũ chẳng mấy khi đầy. Mà thời gian đươn võng của bà ít hơn thời gian sinh đẻ và ẵm con mọn. Là chị Hai trong nhà, Rớt gánh trên vai những nhọc nhằn quá sớm. Ở tuổi đến trường Rớt mải miết vùi đầu vào hàng núi công việc nhà. Chữ nghĩa trường lớp mãi mãi là điều viễn tưởng đối với Rớt. Đã thế Rớt lại rất thật thà và cả tin. Mười lăm tuổi, một hôm có người cho tán đường - loại đường mía vàng ngày xưa nhà che hay đóng thành tán bằng cái muỗng canh - Rớt ăn và khen ngon. Rớt nghe người ta bảo “trồng gì ăn nấy”, nghĩ vậy Rớt bèn đem nửa tán đường đào đất lên trồng. Chờ mãi chẳng thấy đường mọc lên. Hỏi người lớn, người lớn bảo “đồ ba trợn, có cái trồng nó lên, có thứ trồng không lên”.
Cái thứ nào trồng thành cây và thứ nào thì không, Rớt hãy còn lờ mờ lắm nên không dám trồng bậy nữa, mà câu chuyện trồng đường được người này người kia kể mãi làm chuyện vui.
Rớt chưa bao giờ có bộ quần áo mới, quanh năm suốt tháng toàn mặc áo quần người khác cho. Những bộ đồ hơi cũ hoặc lỗi mốt mà người thành phố chê, tống về quê cho dân nghèo. Nhà Rớt xin về mặc đến sờn cũ vá víu mới thôi, chấp nhận như sự sắp đặt của trời. Trời bắt sinh ra làm người. Trời cho xã hội có người mặc quần áo mới ở nhà đẹp và Trời cũng sinh ra một bộ phận người nghèo ở chốn quê mùa để mặc đồ bỏ ra và ở nhà cửa rách nát.
Mười hai tuổi Rớt đã biết đi làm mướn. Làm những việc chăn trâu cắt cỏ, ôm lúa, gánh rơm. Con nít thì hưởng giá tiền con nít nghĩa là bằng nửa người lớn.
Cứ vậy Rớt quanh năm chăm chỉ làm mang tiền về đưa mẹ không thiếu một đồng. Có khi người mẹ còn đi mượn tiền trước để Rớt làm trả dần. Những bó mía nặng oằn vai hay gánh lúa lặt lè làm cho đôi vai sưng tấy ê ẩm rồi thành chai cứng. Nó còn làm cho cơ thể Rớt không cao lên được. Nói về cái chai cứng thì cơ thể Rớt có nhiều chỗ chai lắm. Hai vai chai. Hai bàn tay có đến 16 nốt chai. Cái hông chai và đầy mụn cóc do phải bồng em nhiều năm. Hai bàn chân đóng phèn với những ngón cong khoèo, lòng bàn chân không có hỏm vào ở giữa sặc sệt dân Giao Chỉ, mặt dưới là lớp da dầy cui có ké do phải lội chân trần trên đồng ruộng, trên đường đất đá lổn nhổn. Rớt dám bảo với mọi người rằng có thể đi chân trần trên lộ nhựa trưa nắng mà không sao vì có lớp da dầy bảo vệ.
Từ nhỏ Rớt đã tỏ ra là người tốt bụng. Công việc nhà chủ, Rớt làm không nề hà, cực khổ, bao giờ cũng ráng làm thêm. Chủ cho quà bánh Rớt ca củm đem về cho em bé. Đánh lá mía gặp ổ ong ruồi, Rớt nâng niu đem về cho mẹ uống trị ho.
Gần sát nhà Rớt là nhà của một bà tu tại gia thờ Phật. Bà hay kể chuyện cổ tích cho chị em Rớt nghe rằng là ở hiền gặp lành, đời người hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai, kẻ ác sẽ gặp điều ác... Rớt tin những lời bà nói bằng niềm tin tuyệt đối.
Khi hai đứa em út sinh đôi được bốn tuổi thì mẹ Rớt qua đời trong cơn đau nặng. Chôn cất mẹ xong Rớt khóc ngày đêm bỏ ăn bỏ ngủ mặc mấy đứa em lóc nhóc leo nheo và ông cha say xỉn triền miên. Bà tu tại gia khuyên:
- Con phải ráng quên phiền muộn để gánh vác việc nhà, làm lụng nuôi bầy em còn nhỏ dại. Mẹ con cả đời không làm ai buồn giận, không ác với ai. Con hãy tin tưởng mẹ con giờ ở cõi cực lạc, cưỡi đám mây ngũ sắc viễn du tiên cảnh.
Câu nói ấy hiệu quả vô song đối với Rớt. Bao nhiêu người khuyên nhủ chẳng ăn thua gì. Nghe bà tu tại gia nói Rớt thay đổi hẳn. Cái gánh gia đình đang oằn nặng đôi vai Rớt là điều có thật và đám mây ngũ sắc cũng có thật - có ở cõi tiên.
Lúc này mấy đứa em Đồng, Ruộng, Mùa, Màng cũng khá lớn, cùng với chị lãnh công làm mướn đem tiền về nuôi mấy đứa nhỏ ở nhà. Con Được, con Thất nấu cơm giữ mấy em Hơn, Thua, Đừng, Tìm, Chân, Lý. Có người thắc mắc hỏi tại sao người nông dân dốt đặc như cha mẹ Rớt mà đặt tên con cắc cớ vậy. Thật oan cho bậc cha mẹ ấy. Ngoài cái tên Rớt do đẻ rớt ngoài đường, còn nhóm Đồng, Ruộng, Mùa, Màng là do ông ngoại đặt cho vì thấy cả nhà dù không một tấc đất cắm dùi nhưng nguồn sống gia đình nhờ vào nông nghiệp thì phải có đồng ruộng mùa màng. Sau đó ông ngoại mất, việc đặt tên lại do người cậu hiến kế bảo là mùa màng phải có được thất, do đó phải có chuyện hơn thua. Đến lúc em của Thua ra đời, bà mẹ hoàn toàn không muốn đẻ thêm nữa nên đặt là Đừng - là tên duy nhất mẹ đặt cho - ngày ấy chuyện sinh đẻ có kế hoạch chưa được đặt ra nghiêm ngặt như bây giờ. Đúng một năm sau bà mẹ lại sinh em của Đừng (chẳng chịu đừng theo ý mẹ). Đó là ca đẻ khó, đau bụng âm ĩ bốn ngày lại sanh ngược. Nhờ bà mụ lâu năm giỏi tay nghề nên cũng giúp cho mẹ tròn con vuông. Cảm kích ân sâu, người mẹ xin phép đặt tên con là Tìm là tên bà mụ để mãi mãi không quên. Thằng Tìm được hơn thôi nôi thì người mẹ chuyển dạ sinh em bé. Lần này hai đứa, một đứa 2 kg đứa kia 1,8 kg. Người cha muốn khóc khi thấy quân số trẻ nít trong nhà cứ tăng dần hàng năm mà không cách chi dừng được. Theo hiểu biết của ông khi có đứa bé ra đời là do ơn trên cho đầu thai để làm nhiệm vụ gì đó, hoặc đòi nợ hoặc trả nợ. Ơn trên cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu chứ không do con người muốn mà được. Nhưng đông quá mà sức người có hạn. Nghĩ đến nồi cơm ông ứa nước mắt. Một bà giàu có trong làng không con, nghe tin mẹ Rớt sinh đôi bà bèn tìm đến trầm trồ ngỏ ý muốn xin làm con nuôi. Bà nói: cho tôi đi, nhà không có con nít tui cưng lắm. Lâu lâu cho về thăm cha mẹ ruột chứ mất đi đâu mà sợ!
Cha mẹ Rớt im lặng. Bà gợi ý:
- Chưa đặt tên hả. “Thấy ghét” vầy theo tui đặt tên hai chị em là Chân và Lý.
Rớt đến và cản quyết liệt không cho em, nhưng cái tên thì ai cũng đồng ý đặt theo gợi ý của người đàn bà ấy. Cho nên cái kiểu xâu chuỗi những cái tên lại để thắc mắc, lục vấn là điều hết sức oan đối với nhà Rớt. Mỗi người đi vào đời mang cái tên riêng của mình và sống một cuộc đời riêng chứ đâu có xếp hàng đứng thành dãy hoài đọc có ca, có kệ đâm ra lôi thôi, rắc rối.
*
*     *
Cái tin Rớt tự tử là tin giật gân nhất ở cái làng không mấy “Nhân Hòa” này. Người ta đã từng nghe chuyện sư phá giới, chuyện kẻ trộm đột nhập vào chùa mang tượng Phật đồng đen đi bán ve chai, chuyện cán bộ ăn xén, ăn chận quà cáp của người cao tuổi, quà cứu khổ cứu nạn... chứ không ai tưởng tượng nổi chuyện Rớt tự tử. Bữa ấy đi ngang nhà Rớt người ta nghe nồng nặc mùi thuốc sâu. Bước vào nhà thấy Rớt nằm dưới đất mắt trợn ngược, thuốc đổ tùm lum ra đất. Tri hô lên cả xóm khiêng Rớt đặt lên xe lôi chở về bệnh viện huyện. Qua cấp cứu Rớt không chết. Do run tay, lọng cọng sao đó mà thuốc vào miệng vài giọt còn  chảy ra đất thì nhiều. Chỉ vài giọt nhưng nếu không kịp thời cấp cứu thì chết chắc. Nhiều người đến thăm hỏi:
- Ai làm gì mầy giận mà tự tử vậy?
- Tại sao mày muốn chết nói tao nghe. Có đứa nào hiếp đáp mày nói tao xử liền.
Rớt về nhà sống lặng lẽ như cái bóng suốt cả tuần lễ. Ai hỏi gì cũng làm thinh. Cho đến hôm đứa em út - Út Chân - từ thành phố về thăm chị. Nó khóc ròng hỏi:
- Sao bà định chết, bà không muốn sống để gặp tui nữa sao?
Nước mắt Út Chân làm Rớt mủi lòng, chừng ấy Rớt mới bộc lộ:
- Tao có giận gì ai đâu. Tao thấy từ nhỏ tới giờ cực khổ quá nhiều để lo cho tụi bây, giờ tụi bây lớn, có chồng có vợ hết rồi. Ba má cũng qua đời. Tao không muốn làm lụng cực khổ nữa. Tao muốn cỡi đám mây ngũ sắc đi viễn du.
Út Chân nín khóc, chưng hửng như nghe lầm cái gì.
- Đám mây ngũ sắc gì nữa bà? Bà mớ hay sao vậy?
Rớt vẫn tỉnh bơ.
- Tao nghe bà Hai nói người hiền như má chết rồi cỡi đám mây ngũ sắc đi chơi trên cõi tiên. Tao cũng hiền vậy, tao muốn chết để được cỡi đám mây ngũ sắc đi chơi cõi tiên cho khỏe thân. Chết không được, coi như đi hụt chuyến nầy.
Rớt nói nhẹ hều như người ta bị vuột chuyến đi du lịch, đành chờ chuyến sau. Út Chân chợt hiểu ra lý do tự vận của chị mình. Cái đám mây ngũ sắc và miền tiên cảnh có sức lan tỏa cực mạnh và cấy sâu vào tâm hồn thật thà, dễ tin của chị. Nó có sức hấp dẫn lôi kéo người ta quyết tâm rời bỏ cuộc sống để tìm đến. Rớt lầm lì im lặng mặc cho Út Chân nói huyên thuyên:
- Bà Hai ơi mai mốt bà đừng đi làm mướn nữa. Lớn tuổi rồi, ở nhà đốt nhang cho ba má. Tui với con Lý gởi tiền về cho bà xài.
Chân và Lý là hai cô gái đẹp nhất nhà và là thành viên duy nhất học hết trường xã. Nhờ người quen trong làng dẫn về thành phố giúp việc quán cơm nên cũng kiếm được chút đỉnh gởi về. Chân, Lý đâu biết rằng số tiền gởi về Rớt để dưới gối, thằng Đừng lẻn vào lấy mất. Thôi kệ, Rớt vẫn biết lúc vắng nhà bầy em không đứa này thì đứa khác lẻn vào lục lọi mọi thứ của chị.
Con đường dẫn đến đám mây ngũ sắc của Rớt đã bị thất bại. Vật vờ một thời gian rồi Rớt cũng trở lại bình thường. Nghĩa là lặp lại cái công việc từ nhà này đến nhà khác: làm cỏ, gánh đất, củi đuốc... Có điều tay chân Rớt bây giờ không nhanh nhẹn như trước, sức lực cũng giảm dần như cỗ máy chạy miệt mài không có thời gian bảo dưỡng. Rớt vẫn phải đi làm vì cuộc sống hàng ngày, dẫu chi phí tối thiểu vẫn cần phải có tiền. Ai cũng chỉ đồng ý trả công Rớt bằng phân nửa công lao động và Rớt vui lòng với giá cả đó. Vì rõ ràng một bờ cỏ người khác làm trong một  ngày, Rớt phải hai ngày mới xong.
Buổi sáng Rớt dậy sớm nấu cơm ăn rồi mang theo một gô cơm cùng với gói mắm hoặc chút muối ớt cho bữa trưa. Hôm nào hên gặp được con cua đồng hay con cóc, Rớt đốt cỏ khô nướng vàng. Coi như có thêm chút thịt cho bữa ăn trưa nguội ngắt.
Giờ thì Rớt chẳng phải nuôi ai. Các em trai gái đã có vợ chồng yên nơi. Cha mẹ thì đã cỡi đám mây ngũ sắc mà viễn du tiên cảnh rồi. Tuy vậy Rớt cũng không dư dả. Dè sẻn tối đa trong cái ăn cái mặc cả năm cắc củm đến tiệm vàng Kim Ngọc chợ xã mua 5 phân vàng làm bông tai đeo cho vui. Nhưng cũng chỉ mười bữa nửa tháng người ta không thấy đâu nữa. Hỏi ra thì y như rằng mấy đứa em dòm ngó hỏi mượn mà chúng nó mượn với lý do rất chính đáng.
- Bà Hai cho em mượn ẵm thằng nhỏ đi bệnh viện. Nó bị viêm phổi mà em hết tiền rồi, chừng nào đốn mía em trả lại liền.
- Em đến ngày trả ngân hàng, Hai cho em mượn đỡ.
- Hai ơi mấy đứa con em thiếu tiền học phí, trường hăm đuổi học.
Vậy là đôi bông được lột ra đưa cho người cần mà không hẹn ngày trả lại. Bây giờ cái chòi bằng lá đã rách rưới, xiêu vẹo Rớt không dám hỏi đòi lại bất cứ đứa nào đã mượn. Yên thì thôi chứ đòi nó không trả còn kiếm chuyện chửi bới mắng mỏ không tiếc lời mà không hiểu lời lẽ đâu mà chúng tuôn ra ào ạt thành ra Rớt sợ lắm. Nhưng cái lúc có tiền trong tay mà nhìn cảnh ngặt của em, Rớt không chịu nổi, cứ thấy như chính mình gây ra tội. Chỉ có Chân và Lý thường hay gởi tiền về cho chị. Tiền ấy được thêm vào tiền làm mướn để mua đôi bông tai hột đỏ hoặc bị đứa nào đó lén giở gối lấy đi.
Bữa nọ Rớt nhờ thằng Đừng lấy dây thừng buộc chằng bốn góc chòi cho qua mùa mưa. Một ông chuyên đi làm việc từ thiện của xã đứng lại ngó nghiêng một hồi rồi tặc lưỡi nói.
- Tao hứa để bữa nào thằng Thái về tao xin cho bây cái nhà nho nhỏ. Một mình bây ở làm chi cho rộng, chừng 20 mét vuông, đổ cột xi măng đàng hoàng tao làm được.
Rớt nuôi hy vọng chờ mong từng ngày. Trời mưa lấy vải mủ che nóc mùng, chịu  khó túm ra cả thau nước. Có người thấy vậy nói:
- Trời ơi sao mầy khổ quá vậy Rớt?
Rớt đáp tỉnh bơ:
- Thì mình che cho mình ngủ khỏi ướt chứ cho ai mà khổ.
Cũng có người hỏi:
- Bà Rớt ơi rủi mà nó đứt dây mùng thì sao hả?
- Đứt dây mùng thì nước đổ xuống mình thì ướt chứ sao. Hỏi vậy cũng hỏi, lãng quá. Tui chưa thấy ai nước đổ vô mình mà hổng ướt.
Lẽ đương nhiên là vậy. Người hỏi vẫn hỏi để nghe câu trả lời thật thà đến nhói lòng mà thiên hạ vẫn cười, vẫn móc ra được cái để cười.
Vậy rồi mùa mưa đi qua. Ông Ba Từ Thiện cũng không đá động tới cái nhà 20 mét vuông cột xi măng. Gặp ông Rớt hỏi, ông trả lời:
- Mèn ơi để tao nói bây nghe thông cảm, thằng Thái đem về cho nhà trường bốn cái máy vi tính, họ còn kèo thêm cái máy lạnh. Thằng Thái hụt tiền nên hổng có phần bây. Thôi để dịp khác tao xin cho.
Không hiểu ông Ba Từ Thiện có cách nói năng thu hút kiểu chi mà những Mạnh Thường Quân gốc gác làng Nhân Hòa nầy rất tin tưởng đặt vào tay ông những số tiền lớn để giúp đỡ người cùng khổ, người cô đơn nghèo, học sinh nghèo học giỏi. Và Rớt là một điển hình cùng khổ, đồng thời là cái cần câu để ông Ba câu tiền từ túi của những nhà hảo tâm. Có đến bốn cái nhà và chục phần quà nhân danh cho Rớt, nhưng đến được Rớt là vài thùng mì tôm và mấy chai nước tương. Cái bà Rớt không biết chữ, không biết trời trăng, mặt mũi những nhà hảo tâm ở bốn phương trời ra sao, được như vậy đủ để mừng lắm rồi. Còn mong gì nữa.
*
*     *
Cái việc bà Rớt ra trước tập thể để phán xử lại là chuyện giật gân mới ở xóm này. Tập thể vẫn họp phê bình người nhậu say càn quấy, đánh vợ chửi chồng, đánh ghen suýt gây án mạng... Còn cái bà Rớt hiền như cục đất từ xưa giờ không mếch lòng đứa trẻ, bỗng ra tập thể vì tội ăn cắp. Số là chiều hôm ấy đi gánh đất mướn về, bữa cơm trưa với muối tiêu làm bụng dạ bà xót xa lắm. Cơn đói làm bà bủn rủn tay chân. Bà thèm bữa cơm chiều có thêm chút đồ ăn. Rau thì đã có mớ nhãn lồng hái hồi trưa, ước chi có con cua, con tép kho mặn mặn chắc là ngon cơm. Nghĩ vẩn vơ, đi ngang qua bờ vườn nhà ông Hai Lập thấy có ba cái trứng vịt sát gốc dừa, nằm bên trên một ít cỏ rác. Chắc là con vịt xiêm nào đó đẻ bậy. Bà Rớt bèn lượm bỏ túi. Vừa lúc đó Hai Lập từ đâu lù lù xuất hiện. Y đã thấy hết và mới biết vịt nhà y đẻ ở gốc dừa. Vốn bản tính nhỏ nhen và hung dữ, y sừng sộ vừa giật lại trứng vừa la ầm ĩ.
- Trứng vịt của tao sao mày ăn cắp?
Bà Rớt xanh mặt nhưng cũng đáp lại:
- Tui thấy nó đẻ bậy ngoài gốc cây không biết của ai, của chú thì trả chú đó.
Hai Lập trợn con mắt trắng dã:
- Vịt đẻ trong vườn tao là của tao. Mày lấy mà không được tao đồng ý là ăn cắp. Bớ người ta bắt gặp ăn cắp.
Cả xóm rùng rùng kéo đến. Chỉ lát sau đã có đến mười mấy người. Mặc cho bà Rớt van xin đến muốn khóc Hai Lập vẫn khoa chân múa tay:
- Hèn gì hổm nay năm con vịt của tui không đẻ trong nhà mà ra đây đẻ. Số trứng mất là do mày lượm đâu trả đây. Một lần bắt được chín mười lần không.
Hai Lập chửi bới, xỉ vả, hầm hứ như một người chân chính thật sự, như người quá chừng lương thiện bỗng dưng thấy chuyện bẩn thỉu không chịu được.
Khi bà Rớt đã về rồi, bà con cũng giải tán. Tài sản đã thu hồi lại được, kẻ cắp đã xuống nước xin lỗi. Chủ tài sản đã có dịp bộc lộ hết cái lỗ mãng hung dữ lên đầu người ta. Vậy mà chủ tài sản vẫn đứng hầm hầm, mặt mày như bốc khói lên được.
Tưởng là mọi chuyện đã yên, nào ngờ vài ngày sau Hai Lập làm đơn thưa ra chính quyền ấp với yêu cầu nhờ tập thể phán xử tội ăn cắp của bà Rớt đồng thời có biện pháp giáo dục đạo đức để ngăn ngừa những hành vi ăn cắp về sau.
Buổi họp có ông Hai Đê trưởng ấp, bà Chín Thu phụ nữ ấp, bà Năm Cho Hội người cao tuổi, ông Ba Từ Thiện và một số bà con trong xóm. Dĩ nhiên không thể thiếu ông Hai Lập là chủ tài sản và đối tượng phán xử là bà Rớt.
Nghe trình bày lý do cuộc họp, mấy chị xồn xồn đứng ra khuyên can:
- Của rơi rớt ngoài vườn, người ta lượm. Cho người ta cũng được, không thì đã trả lại rồi còn làm chi rùm beng.
Hai Lập hừng hừng khí thế.
- Cây kim sợi chỉ cũng là tài sản của người ta. Nếu không được phép mà tự ý lấy là ăn cắp. Mà xã hội ta là xã hội văn minh, ấp ta là ấp văn hóa, mỗi nhà là một gia đình văn hóa, mỗi con người là một cá nhân văn hóa, không thể chấp nhận hành vi ăn cắp làm hoen ố đạo đức con người mới.
Thấy can không nổi Hai Lập, một số chị xồn xồn bỏ ra về ném lại mấy tiếng: Tào lao, chuyện ruồi bu.
Bà Năm Cho phát biểu.
- Chú Hai à, chuyện nhỏ quá mà cô Rớt cũng biết lỗi rồi. Thôi chú đừng làm lớn chuyện tội nghiệp cổ!
Hai Lập vẫn sục sôi không chút nguôi ngoai:
- Nay ăn cắp cái nhỏ được thì ngày kia sẽ ăn cắp cái lớn. Nay ăn cắp ở gần mai ăn cắp ở xa. Bây giờ cái trứng vịt rồi sẽ tiến  lên con vịt hoặc bầy vịt.
Hai Lập nói mãi, càng nói càng hăng như mục đích chỉa vào đám người nào khác chứ không phải bà Rớt nữa - chuyện mất trứng vịt như cái cớ để y đòi họp hành, có dịp nói cho đã miệng.
Ông Ba Từ Thiện không nhịn được.
- Sao chú Hai suy diễn lung tung quá. Nước lã vã nên hồ!
Cái đà đương hăng giảng thuyết đạo lý của một giáo chủ bị chặn lại như ai hắt nước lạnh vào mặt. Hai Lập nổi xung lên.
- Bởi vì tui căm thù kẻ ăn cắp. Bất kể kẻ ăn cắp nhỏ, ăn cắp lớn, ăn cắp ở tầm cỡ nào. Phải, tui nổi điên thật sự vì đời này kẻ cắp không buông tha tượng Phật trong chùa. Tiền cúng đình miễu cũng xà xẻo thâm lạm. Kẻ cắp còn ăn chận tiền quà của gia đình liệt sĩ, của người già cô đơn... Không tiền gì chúng không dám lấy miễn trót lọt.
Bà Rớt ngồi lặng thinh chết điếng , từ đầu tới cuối không nói một lời. Mà có ai hỏi tới bà đâu, cuộc họp để phán xử chuyện của bà mà các phe phía chỉ lo gầm ghè nhau.
Bà Năm Cho khoát tay cười nham hiểm, mặt bà đanh lại:
- Thôi mà, nếu chú Hai không mang bản án dụ gỗ gái vị thành niên đến mất chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi thì chú không nổi điên, nổi khùng chứ gì.
Thừa lúc mọi người nói với nhau những điều quá sức khó hiểu, bà Rớt chuồn một mạch về nhà.
*
*     *
Mấy ngày sau người đi chợ sớm phát hiện ở bến sông một vật gì dập dềnh trắng phếu trên mặt nước. Đến gần anh thanh niên nọ kêu lên: Xác chết trôi.
Người ta lôi lên bờ một thây ma đó là con Rớt - Bà Rớt. Xác chưa trương sình có lẽ mới chết hồi đêm. Hàng ngày người ta quen thấy bà Rớt trong bộ đồ rách rưới cũ kỹ mà bây giờ bà Rớt mặc nguyên bộ đồ lụa màu trắng tinh. Thường ngày bà Rớt không dám ra sông vì sợ ma da và không biết bơi lội. Vậy mà ra sông làm gì cho chết chìm!
Lũ em nghe tin chạy đến ngay. Đồng, Ruộng, Mùa, Màng khóc lu loa. Kỳ lạ thay cái xác trắng bệch cứng đờ vậy mà khi bàn tay của con Mùa, con Màng chạm vào tức thì một hộc máu đỏ tươi trào ra bên đôi môi tím ngắt.
Đồng, Ruộng, Mùa, Màng, Được, Thất, Hơn, Thua, Đừng, Tìm, Chân Lý về đủ mặt làm đám ma cho bà Rớt. Chúng nó gào khóc kể lể dữ quá. Thói đời vẫn vậy, phải chi hồi còn sống, mọi người nới tay vắt kiệt cái cuộc đời khốn khổ kia thì có lẽ sẽ có một kết thúc khác.
Một cái bàn cũ mèm mọt mối ọp ẹp đặt bên tấm vách sắp đổ nát làm bàn thờ tang bà Rớt. Không một bức di ảnh vì có bao giờ bà chụp hình đâu. Ngay cả giấy chứng minh nhân dân bà không có. Một cái đèn dầu bóng tròn leo lét cạnh cái lon sữa bò để cắm nhang. Ngoài ra trên bàn thờ còn có ba chén cơm đơm đầy và ba quả trứng luộc - lại là ba quả trứng - không biết ai đã treo cạnh bàn thờ tấm vãng màu vàng bằng vải mỏng tênh với hàng chữ “viễn du tiên cảnh, về miền cực lạc”. Chuyến đi tìm đám mây ngũ sắc lần trước không thành bây giờ bà Rớt đã đạt được mà không ai cản nổi.
Bây giờ bà Rớt nằm đó thanh thản, nhẹ nhàng chấm hết một cuộc sống bị đọa đày, bị vắt kiệt đến tận cùng của kiếp người. Tôi im lặng đốt nén nhang để chào vĩnh biệt bà Rớt mà không dám nói gì thêm. Về một cõi tiên - về đám mây ngũ sắc hay một thiên đường ảo vọng. Những cái ấy tôi hoàn toàn mù mờ và vẫn thường nghe thiên hạ nói qua đầu môi. Nói với người sống nghe còn ngượng ngùng, huống hồ lừa mị cả người chết thì tôi không có gan. Dẫu sao tôi cứ tin khi rời khỏi thế gian con người vẫn còn linh hồn.

                                                                                             3-2007